Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Đi như bị ma đuổi có khác gì sống say chết mộng

Tại sao ta cứ phải đi như bị ma đuổi ? Tại sao ta không sống trong phút giây hiện tại ? Đó là những vấn đề cần trầm tư trong cõi nhân sinh .
     Trước hết là   vấn đề Đi như ma đuổi . Đi như bị ma đuổi là đi nháo nhào , bương bãi , đầu óc chỉ tập trung vào địa chỉ nơi đến mà không để ý đến những bước đi và con đường mình đang đi . Ông cha ta xưa đi đứng đằng thằng , thong thả , từ tốn .Vì  :" Lật đật cũng tới bến than mà lang thang cũng tới bến đò " Hoặc " Đi đâu mà vội mà vàng , mà vấp phải đá mà quàng phải chân " . Ngày nay với nhịp sống sôi động thời hiện đại cái gì cũng hối hả vội vàng ..Phương tiện đi lại dùng toàn phân khối lớn . Nhiều người chạy xe những muốn nuốt chững quãng đường trước mặt . Đi như bị ma đuổi là đi trong trạng thái hoàn toàn phân tâm trong lúc đi đường ; vì toàn bộ tâm trí đều hướng đến địa chỉ muốn đến : Đi đến chỗ làm ; đi gặp người yêu ; đi gặp đối tác vv...thậm chí đi chơi cũng mong cho chóng đến nơi . Vì không tập trung vào việc đi mà chỉ nghĩ đến điểm đến nên gặp trở ngại trên đường đi là lẽ đương nhiên . Tệ hại hơn nữa là không đến được nơi muốn đến mà buộc phải đến nơi hoàn toàn ngoài ý muốn .
   Tại sao chúng ta không tận hưởng hạnh phúc trên đường đi mà cứ chăm chăm hướng về nơi đến . Đi cũng là một hạnh phúc không kém đến .Chạy xe trên đường phố  vắng vẽ hay trên đường phố đông người xuôi ngược  ta đều có thể thưởng thức được cảm giác thảnh thơi dễ chịu nếu ta giữ được chánh niệm . Chánh niệm là trạng thái tâm lý không bị thất niệm cũng không vọng niệm . Tâm trú trong hiện tại gọi là tâm tại (tự tại ). Tâm bị tán thất gọi là tâm bất tại . Trong cấu tự tiếng Hán , chữ Vọng được ghép bởi chữ Vong với chữ Tâm.Vọng là đánh mất tâm . Chữ Niệm được ghép từ chữ Kim với chữ Tâm .Niệm là tâm đang có mặt . Chánh niệm là đưa tâm trở về với giây phút hiện tại . Đó là tâm tỉnh tại .Còn tâm bất tại là tâm rong chơi đâu đó : Tâm bất tại yên ,thị nhi bất kiến ,thính nhi bất văn, thực bất tri kỳ vị ( tâm không tại thì nhìn mà không thấy , nghe mà chẳng hiểu, ăn mà không biết mùi vị ). Làm mà tâm trí để đâu đâu thì chẳng nên tích sự gì . Ăn mà không chánh niệm sao ăn ngon được , đi tron g thất niệm chẳng khác mộng du
   Đi như bị ma đuổi là đi trong trạng thái thiếu tập trung ( thất niệm ). Đi trong chánh niệm là mình ý thức rất rõ ràng mình đang đi . Đi như vậy sẽ rất an toàn trên đường đi , tinh thần không bị căng thẳng , bức bách . Đi như vậy cũng đã là một hạnh phúc rồi .
       Đi như ma đuổi chẳng khác gì sống say chết mộng ( sinh túy tử mộng ). Sống say chết mộng là sống thiếu tỉnh thức ; sống trong trạng thái hư vọng , huyễn hoặc,vong thân, vọng động .Có vô số hình thái vong thân trong cuộc đời này . Vong thân là tự đánh mất mình , không biết mình là ai ,không biết chân diện  mục của mình là gì . Von g thân trong tiền bạc , vong thân trong quyền lực , vong thân trong sắc đẹp ...
   Sống có tỉnh thức là sống trong chánh niệm , trong sự an trú trong từng phút giây hiện tại . Tiếp xúc sâu vào hiện tại mới thực sự cảm được những nhiệm mầu của cuộc sống , có mặt trong khoảnh khắc biến dịch : một áng mây trôi , một cánh chim bay , một bông hoa nở , một tia nắng tới , một giọt mưa rơi ....Nghe và nhìn trong chánh niệm ta sẽ thấy mọi âm thanh , hình ảnh nào cũng chứa đầy sức sống nhiệm mầu .Thông thường ta không an trú trong hiện tại mà hoài vọng một quá khứ xa xăm hoặc dự phóng một tương lai xa vời .. Trong truyện Kiều có hai câu thơ mô tả trạng thái phân tâm của Kiều :
   Tưởng bây giờ là bao giờ 
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao 
  Mở mắt ra rồi mà mà vẫn không biết mơ hay thực 
  Quá khứ đã đi qua .Tương lai chưa đến .Hiện tại có ở đó mà không biết là thật hay không thật . Khi ta chớp mắt một cái thì cái chớp mắt liền đi vào quá khứ . Và khi chưa chớp mắt thì nó còn nằm ở tương lai . Heideguer:" Thời gian tính là yếu tính của thời gian khi tương lai đi vào quá khứ đúng lúc nó vừa tới hiện tại ."Vậy hiện tại người ở đâu ?Ở trong những khoảnh khắc mà ta thật sự sống một cách an nhiên tự tại
  Có người hỏi Thiền sư Thiền Lão : " Hòa Thượng ở núi nầy bao lâu rồi ?
 Thiền sư trả lời :
"Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu "
( Sống hôm nay biết hôm nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì )
Lại hỏi : Ngày ngày hòa thượng làm gì ?
Trả lời :Thủy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
            Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân
   ( Trúc biết hoa vàng đâu ngoại cảnh 
   Trăng trong mây trắng hiện toàn chân )
 Khi tiếp xúc sâu vào hiện tại cuộc sống thì tất cả pháp đều là phật pháp . Tâm rỗng , lặng thì Phật tính hiển lộ
 Có một nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc được tính nhân duyên giũa tâm và cảnh bằng những vần thơ sau :
        Bởi vì mắt thấy trời xanh
       Cho nên mắt cũng long lanh màu trời 
       Bởi vì mắt thấy biển khơi
       Cho nên mắt cũng xa vời đại dương
 Bốn câu thơ nói lên sự tương duyên tương hợp giữa tâm và cảnh : Mắt có thấy được màu thiên thanh của da trời thì màu trời mới long lanh trong mắt; bởi vì mắt có phóng ra xa tầm đại dương  dịu vợi thì mắt mới đong đầy sát hải biếc xanh ngàn trùng .
     Đi như ma đuổi chẳng khác gì sống say chết mộng . Sống say chết mộng là sống trong sự nặng lòng với cái đã qua và phóng tâm chạy theo cái chưa tới , bỏ quên hiện tại đang có mặt . Nói như vậy không có nghĩa rằng quay lưng chối bỏ quá khứ và không có kế hoạch gì cho tương la i
     Đối với quá khứ ta có thể nâng niu hoài niệm chứ không thể sống mãi với nó được vì nó trôi chảy tương tục như một dòng nước. Ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông . Đối với tương lai ta có thể hoạch định rất đẹp các dự án để khỏi bị động vì " ai không lo xa ắt có buồn gần . Dù vậy cũng không thể sống với tương lai vì nó chưa đến . Nghĩ và chuẩn bị cho tương lai là việc làm khôn ngoan nhưng nếu ta chỉ biết có tương lai thì chẳng khôn ngoan chút nào . Một nhà văn Nga đã nói : " Chúng ta phải sống chứ không phải chuẩn bị sống " Sống thật sự là sống trong mỗi phút giây hiện tại bây giờ và ở đây . Có một mẫu đối thoại thú vị của hai mẹ con bàn về vấn đề hạnh phúc . Charles Black- một chính khách và cũng là nhà ngoại giao người Mỹ thành công cả ngoài đời và trong gia đình ,thuở nhỏ một lần hỏi mẹ : " Mẹ đã bao giờ hạnh phúc nhất ?"Bà mẹ trả lời : " Ngay lúc bây giờ đây "
- Thế trước kia mẹ có hạnh phúc không ?
- Trước kia là trước kia ;  khi trước mẹ đã hạnh phúc . Giờ đây mẹ cũng hạnh phúc . Chúng ta chỉ có thể thật sự sống khi chúng ta đang sống . Vì thế với mẹ lúc nào cũng là giây phút hạnh phúc nhất .
 Có lẽ nhờ câu nói ấy của mẹ mà  Charles  Black đã trở nên người thông đạt trong nhiều lãnh vực

 Đi như bị ma đuổi cũng là một kiểu sống lăng xăng , vọng động , không biết mình là ai , mình đang làm gì . Sống như vậy thật đúng là sống say chết mộng . Vì trần gian vốn là mộng , thực hư cũng là mộng ;vì vậy cần phải luôn luôn tỉnh thức trong mọi tình huống mọi cảnh ngộ .
       Bây giờ hay chẳng bao giờ
      Sống trong hiện tại bây giờ ở đây 
     Rỗng rang trong phút giây nầy
     Nghe ra trụ vũ hiển bài tử sinh

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Ý nghĩa vi diệu của việc LẠY SÁT ĐẤT

    Lạy sát đất tức là gieo mình phủ phục xuống đất với tất cả chí tâm thành ý , bằng tất cả những năng lượng cảm ứng giao thoa giữa người lạy và đối tượng được lạy ( lạy Phật , lạy Tổ , lạy ông bà , đất đá cây cỏ ...) .Lạy sát đất đúng quy cách là đầu , mặt tiếp giáp với  gối giữ ba hơi thở đều và sâu rồi mới đứng dậy . Lạy như vậy gọi là ngũ thân trì địa , năm vóc sát đất . Nhưng ý nghĩa vi diệu  của cái lạy này là gì ?

     Ý nghĩa và hạnh nguyện của cái lạy sát đất  nằm gọn trong bài kệ Quán tưởng mà người chủ lễ tuyên đọc trước khi hành lễ . Bài kệ này rất nhiều người đã từng tụng đọc hoặc từng nghe tụng đọc song không mấy ai để ý tìm hiểu ý nghĩa vi diệu của nó :
   Năng lễ sở lễ tánh không tịch
   Cảm ứng đạo giao nan tư nghì 
   Ngã thử đạo tràng như Đế Châu
   Thập phương chư Phật ảnh hiện trung 
   Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền 
   Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ
 Bài quán tưởng có ba cặp câu , mỗi cặp câu gói gọn một ý hoàn chỉnh :
     Cặp câu đầu rất quan trọng vì nó xác định tính chất bình đẳng giữa người lạy ( năng lễ ) và người được lạy (sở lễ ) .Phật và chúng sinh thể tính nhất như : tánh không tịch . Khi lạy xuống , trong tâm ý của người lạy không phân biệt chủ khách, năng sở , ngã nhân . Phật trên tòa sen là Phật đã thành , người đang lạy là Phật sẽ thành . Về phương diện phật tính thì là không khác . Mỗi chúng sanh là một vị Phật tương lai bởi tất cả chúng sanh đều có khả tính thành Phật . Lục Tổ Huệ năng đã từng sách tấn chúng đệ tử : " Này các thiện tri thức , tự tánh Bồ Đề bản lai thanh tịnh , vận dụng tâm ấy tất nhiên thành Phật "
      Cảm ứng đạo giao nan tư nghì . Có bản dịch là  Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn  " cảm ứng đạo giao " khó mà dịch cho thông , tuy nhiên có thể hiểu là sự truyền thông giao cảm giữa chúng sinh và Phật thông qua lễ bái chứ không thông qua lý lẽ ngôn từ . Điều quan trọng là lễ bái phải  với tất cả tấm lòng chí thành , chí thiết . Hể chí thành thì  thông thánh . Đó là sự hòa mạng của các sóng từ . Việc cúi lạy sát đất chẳng phải là sự mê tín mà là một động tác thể hiện sự tôn vinh , trân quý Phật tính trong chính mình nhằm mục đích thăng hoa , giao hòa với chư Phật , chư Bồ Tát . Tánh không tịch tức là tánh rỗng , lặng mà cả Phật và chúng sinh đều có :
    Phật như vầng trăng mát
   Đi qua trời thái không 
   Hồ tâm chúng sanh lặng
   Trăng hiện bóng trong ngần
Đại lụật  của vũ trụ là đồng thanh thì âm hưởng , đồng khí thì quy hưởng . Lạy sát đất là để đập nát , xóa tan cái huyễn ngã của mình để hòa mạng , phủ sóng cùng với cái đại ngã của vũ trụ của chư Phật ( Nguyễn Công Trứ : Linh khâm bảo hợp thái hòa )
     Câu thứ ba : Ngã thử đạo tràng như Đế Châu  ( Đạo tràng của con đây giống như lưới ngọc) .Đạo tràng là nơi thờ Phật có đông đủ Tăng chúng , Phật tử tu tập , tụng kinh , hành thiền , nghe pháp . Đạo tràng cũng là nơi khai mở mạng mạch giáo nghĩa uyên thâm của Phật pháp . Đạo tràng nầy như một mạng lưới được kết dệt bằng vô số những hạt ngọc có công năng phản chiếu . Đế Châu là lưới ngọc . Lưới ngọc là mạng lưới kết bằng nhiều chuỗi ngọc , mỗi chuỗi ngọc lại được kết bằng nhiều viên ngọc . Mỗi viên ngọc có sức phản chiếu hình ảnh của các viên ngọc khác và hình ảnh của chính nó cũng được phản chiếu trong tất cả những viên ngọc khác trên cùng một mạng lưới ( trùng trùng duyên khởi ). Như vậy trong một đạo tràng , mỗi một bạn tu , pháp lữ đều có mặt trong nhau và cùng nhau ảnh hiện trước Phật : Mười phương chư Phật đều ảnh hiện trong mạng lưới ấy *   (thập phương chư Phật ảnh hiện trung).
   Nếu sáu câu trên là tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho cái lạy thì hai câu cuối là tư thế lạy : 
  Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền 
 Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ .
Hai câu trên có nghĩa là thân của con đây đang ảnh hiện trước Phật , con xin được phủ phục đầu mặt tiếp gối , phó thác quay về nương tựa Phật .


Cũng có nhiều người kiêu mạn chưa từng bao giờ lạy sát đất . Họ cho đó là hành vi tự hạ thấp nhân vị  làm mất thể diện mình .Thật ra lạy Phật , lạy Tổ , lạy bài vị tổ tiên ông bà cha mẹ...chính là lạy mình , lạy Phật tính trong mình .Bởi vì năng lễ và sở lễ tánh không tịch .
Thậm chí lạy cây cỏ đất đá cũng là lạy Phật . " Thiên thượng thiên hạ vô như Phật " ( Nguyễn công Trứ ). Ngài Hư Vân trên đường về xứ Phật cứ hể ba bước thì lạy một lạy .
   Cái lạy ngoài việc cảm ứng đạo giao nhất thành thông thánh , ngoài việc phá ngã chấp còn có công năng sám hối tội chướng bằng cách tiếp xúc với đất . Thủy sám là cách sám hối bằng cách lấy nước Từ Bi tiêu trừ tội chướng . Địa sám là phép sám hối bằng cách tiếp xúc với đất , nương tựa vào đất , tiếp nhận năng lượng vững chãi , sâu dày của đất để cho đất ôm lấy mình và giúp mình chuyển hóa vô minh , khổ đau , tuyệt vọng . Đất thì ở đâu cũng có , tiếp xúc với đất sẽ được an ổn  ( Xứ xứ hữu địa xúc chi tắc an ). Con người dù có được bay bổng cao xa đến đâu cũng phải có lần tiếp đất để về với đất . Phẩm hạnh của ngài Địa Tạng Bồ Tát là kiên cố vững chãi , sâu dày , kham nhẫn và luôn luôn ôm ấp . Có lẽ vì vậy mà người biết mình sắp chết muốn được nằm xuống đất .Vậy thì tại sao lúc còn sống khỏe mạnh ta không tiếp xúc với đất bằng cái lạy để có được cảm giác an ổn . Bản thân người viết bài nầy sáng nào cũng lạy Phật sát đất ba mươi lạy xong rồi mới tọa thiền trì chú niệm Phật . Nếu vì lý do nào đó không thực hiện được quy trình này thì cả ngày hôm đó cảm thấy khó ở bất an .


Tóm lại , lạy sát đất vừa có công năng " cảm ứng đạo giao " với thập phương chư Phật , vừa để gạt bỏ tính kiêu mạn , ngã chấp , vừa có công năng tiêu trừ tội chướng từ nhiều đời kiếp trước .
------------------------------------------------------------------------------------


 Ghi Chú :
* Đạo tràng là một trong bốn nét nghĩa của MẠN ĐÀ LA : 
1/Đạo tràng  , 
2/ Như Lai Thai 
 3/ Như Lai Tạng  ,
 4/ Trạng Thái  Bardo  ( thân trung ấm ) 



Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Cái bụng và nụ cười của Phật Di Lặc

   Nhiều phật tử vào chùa lấy làm ngạc nhiên khi thấy tượng Phật Di Lặc có cái bụng to ưởn ra phía trước , còn cái đầu thì bị khuất ra phía sau . Đặc biệt là Ngài luôn luôn giữ một nụ cười đầy hoan hỉ .Vì sao như vậy ?Ấy là vì đức Phật trong vị lai chỉ sống bằng cái bụng và luôn hiến tặng cho chúng sanh niềm hỉ lạc , khoan dung .
   Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ điều ngự bổn sư của thế giới ta bà hiện tại . Còn Đức Phật Di Lặc sẽ hạ sinh và thị hiện trong tương lai khi kết thúc thời mạt pháp .Sỡ dĩ tượng Phật Di Lặc được điêu khắc , vẽ tranh ...luôn luôn có bụng to ưởn ra trước là vì hạnh nguyện của ngài duy chỉ có một tấm lòng . Đó là lòng từ bi hỉ xã , bao dung ,độ lượng ,...Có khi người ta vẽ thêm sáu đứa trẻ bu trên vai trên bụng để chọc phá , đùa nghịch Ngài .( Sáu chú bé con là biểu tượng của sáu căn sinh ra sáu thức sáu trần ).
  Chúng ta đang sống vào thời mạt pháp .Thời nay  đa số thiên hạ người đời sống với nhau bằng cái đầu chứ không bằng cái bụng . Đặc biệt nụ cười (chân thành ) thì thường xuyên thiếu vắng .Một nhạc sĩ người hà Nội cũng đã viết  một câu ca đầy bức bối : " Hà Nội cái gì cũng rẽ chỉ có đắc nhất bạn bè thôi . Hà Nội cái gì cũng rẽ , chỉ có đắc nhất tình người thôi ...!"   ...Còn Trịnh Công Sơn thì  than thở : " ...Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng , chợt thấy trong ta hiện bóng con người ..."Ngay trong kinh Pháp Hoa Đức Phật đã thống trách :"Kim nhân bất năng như thị hành từ "
     Không biết từ bao lâu con người đã sống với nhau bằng cái đầu : so đo , tính toán ...Chính đầu óc tư lương  phân biệt , tính toán so đo là nguyên nhân gây ra khổ đau , chiến tranh , khủng bố , đàn áp kì thị ...Đầu óc tính toán cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn tham nhũng . Phòng chống tham nhũng mà không tìm ra nguyên nhân gây tham nhũng thì chữa bệnh ở ngọn chứ không ở gốc. Một câu nói mà lâu nay người ta vẫn dùng một cách lạnh lùng , khắc bạc là " không ai cho không ai cái gì !"Nguy hiểm nhất là câu nói đó trở thành phương châm cho số đông người .Câu nói nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên ngày xưa : " Làm ơn há để cho người trả ơn   " đã trở nên hoàn toàn xa lạ . Cơ chế XIN CHO đã ăn sâu vào não trạng của các viên chức nhà nước .Hể có xin là tất có cho , mà muốn có cho thì phải có CHI .Đúng là không ai cho không ai cái gì . Cơ chế xin cho là di căn , tập khí có từ chế độ phong kiến : muốn vào cửa quan phải qua lính lệ !...Thay vì  mở lòng ra để làm hết sức mình đem lại lợi lạc cho nhân quần xã hội thì họ chỉ lo  nặng óc bóp trán để tìm cách đem về cái lợi cho riêng mình .Ngày xưa Mạnh Tử chủ trương " mòn trán , mỏi gối , lợi thiên hạ vẫn làm " trong khi đó Dương Chu chủ trương ngược lại : " Nhổ một sợi lông làm lợi thiên hạ vẫn không làm ". Những người theo Dương Chu chỉ nghĩ đến cái lợi chứ không nghĩ đến cái nghĩa . Đầu óc tính toán đã trở nên căn bệnh trầm kha của xã hội...dẫn đến sự băng hoại cho  xã hội .
   Trở lại ý tượng Phật Di Lặc , khi chiêm ngưỡng tượng Ngài ta chỉ thấy cái bụng Ngài và ta chỉ nhớ tới  ông Phật bụng bự khi nghĩ về Ngài .Ý nghĩa biểu tượng của cái bụng đó là một tấm lòng quãng đại không phân biệt , không chấp nê . ..hiển  hiện trong nụ cười hoan hỉ từ bi  vô lượng của Ngài .
   Chúng sinh đang mong chờ sự ra đời của một vị Phật bụng bự.. .!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Hội An phố

Về phố Hội bao năm trời cách biệt 
Nét canh tân sang lấp dấu nguyên sơ 
 Ôi phố cổ mấy trăm năm trở giấc
Đón đưa ai du khách đến rồi đi 

Còn đâu nữa tiếng rao hàng lanh lãnh
Giữa đèn khuya phố vắng vắng - thưa người 
Còn đâu nữa tiếng guốc khua lạch cạch 
Đong đưa hoài - hòa nhịp bước chân ai

Nóc chùa xưa giờ đây sao sáng quá !
Ánh đèn màu chớp tắt vẻ kiêu sa 
Bóng trăng xưa biết bao giờ gặp lại
Lớp rêu phong xanh phủ một mái đình

Rằm mỗi tháng thắp đèn lên tưởng nhớ 
Thuở vàng son nơi phố Hội ân tình 
Người bản xứ cứ ngỡ mình viễn khách
Từ phương xa ghé tạt lại quê mình !

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Một áng thơ Đường bất hủ

  Vào những năm 1978,   một thi sĩ đất Quảng đã viết một bài thơ trong đó có một câu đầy ý nghĩa :
   Tôi yêu Trung hoa vì một lẽ sau cùng
   Đất nước có thơ Đường và liễu rũ
       Thơ Đường và liễu rũ là những nét đáng yêu của đất nước Trung Hoa mà không nơi nào có được .Có một áng thơ Đường được nhiều người ưa thích  xin được trích và dịch để  cùng  thưởng thức :

Nguyệt lạc ô  đề sương mãn thiên 
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên 
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
                                 Trương Kế 
Dịch xuôi : 

     Chiều tối trăng lên cùng với tiếng quạ kêu trong màn sương dày đặc . 
     Ngư phủ đốt lửa bên bờ sông gió lạnh ngủ vùi trong giấc sầu cô quạnh 
     Từ ngoại thành Cô Tô có ngôi chùa Hàn San .
     Nửa đêm tiếng chuông chùa gióng lên đánh  thức ngư phủ quay thuyền trăng trở về .


Dịch thơ : (*)
                 Trăng tà tiếng quạ kêu sương 
                Lửa chài, cập bến , sầu vương giấc hồ 
                Thuyền ai đậu bến Cô Tô 
                Nủa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
                                                   Nguyễn Hàm Ninh  

 Một bản dịch khác của Tản Đà :
              Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi 
              Lửa chài ,cây bải, đối người nằm co
              Con thuyền đậu bến Cô Tô 
              Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

   Cả hai bản dịch trên đều rất tuyệt và rất hoàn chỉnh về ý và vần . Song đáng tiếc là thi sĩ đã bỏ sót hình ảnh khách giang hồ quay thuyền về lúc nửa đêm về sáng khi được tỉnh thức bởi tiếng thu không chùa Hàn San
   Tiếng chuông chùa đã thức tỉnh giấc mộng giang hồ ( thay trời hành đạo ) của chủ thể trữ tình trong bài thơ .Hình ảnh khách giang hồ quay thuyền về lúc nửa đêm (hay là hư ảo nửa đêm )là một động thái tỉnh thức .Cao Bá Quát trong một bài hát nói cũng có những ý thơ tương tự :
"...Yên ba thâm xứ hữu ngư châu 
   Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
  Đem mộng sự đọ với châu thân thời cũng hệt ..."
   Bài thơ của Trương Kế diễn tả tâm trạng của một lữ khách giang hồ đang dong rủi trong chốn phong ba , mang hoài bảo giúp đời , chợt nghe tiếng chuông chùa  đánh thức ,cõi lòng  cảm thấy thảnh thơi , thanh tịnh .
  Xin phép các cụ  cho kẻ hậu bối được trải lòng mình :

   Quạ kêu ,trăng rụng ,sương đầy 
Ngư ông đốt lửa ngủ vùi gió sông 
  Cô Tô thành ngoại cửa Không 
Chuông khuya đánh thức thuyền trăng khách về (**)

                                                  *****


(*)  Bài thơ nầy có nhiều người nhầm là của cụ Tản Đà
(**)Khi ngư phủ cập bến đốt lửa trên bờ sông thì trăng vừa lên . Nhưng khi khách rời bến , quay về thì trăng đã ở đỉnh đầu và tỏa sáng cả một vùng sông nước mênh mông .Nên trên đường về thuyền chở đầy trăng . Trong nhà thiền có câu " Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện . Muôn dặm không mây muôn dặm trời "


.