Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Chùa Một Cột - một hợp sáng văn hóa dân tộc

  Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thì chùa Một Cột  còn có tên là chùa Diên Hựu , Nhất Trụ Tự , Liên Hoa Đài  được xây dựng từ năm 1049Đại bảo nguyên niên do sáng kiến của vua Lý Thái Tông . Sáng kiến nầy nẩy sinh từ một giấc mơ : vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài . Đến khi tỉnh mộng vua nói lại với triều thần , có người cho là điềm gở, chết yểu . Nhà sư Thiền Tuệ thì khuyên vua cất chùa , dựng cột đá , xây đài sen có tượng Quan Âm ở trên đúng như hình ảnh thấy trong mộng .Các nhà sư chạy đàn chung quanh cầu nguyện sống lâu nên đặt tên là chùa Diên Hựu ( dài lâu dòng giống ). Chùa Một Cột được trùng tu sửa chữa nhiều lần qua các triều đại . Lần trùng tu nào cũng trung thành với lối kiến trúc cũ . Chùa Một Cột được xác lập là kỷ lục châu Á về lối kiến trúc độc đáo . Trước năm 1975 , chính phủ miền nam Việt Nam chọn chùa Một Cột làm biểu tượng văn hóa dân tộc ; còn chính phủ miền bắc thì chọn làm một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội . Nếu đặt chùa Một Cột trong bối cảnh lịch sử , bối cảnh thời đại , bối cảnh văn hóa thì chùa Một Cột là một hợp sáng văn hóa dân tộc - một  tổng hợp có sáng tạo của nhiều sắc thái văn hóa giao thoa trên đất Giao Châu ngày ấy và còn ảnh hưởng lâu dài đến nền văn hóa dân tộc trong các thời đại kế tiếp.

       I / Từ ý thức đến vô thức - Từ mơ đến thực
            Lý Công Uẩn là vị vua đầu tiên khai sáng nhà Lý tạo ra một thời đại hoàng kim trong lịch sử nước ta - một thời đại hoàn toàn độc lập tự chủ đối với phương Bắc ( dưới sự tư vấn của Quốc sư Vạn Hạnh ). Sau khi lên ngôi , Lý Thái Tổ dời đô về La Thành đổi tên là Thăng Long ( Hà Nội ngày nay ).Ngoài những công tích trong buổi đầu khởi nghiệp như thỉnh Đại Tạng Kinh  từ Trung Quốc , xác lập ngoại giao với Tống , xây chùa đúc chuông , tạc tượng , ...vỗ yên sự khuấy nhiễu của Chiêm Thành , còn có một việc vô cùng quan trọng là xây cung Long Đức ở ngoài thành cho Thái Tử ở . Nhà vua muốn cho lớp kế vị sau nầy sống chung cùng với dân thường để hiểu rõ nội tình của dân chúng .
  Thái Tổ mất , thái tử Phật Mã lên kế vị , hiệu là Thái Tông .Phật Mã là người có thiên tư đĩnh ngộ , thông lục nghệ , tinh thao lược ; thường thân chinh đi đánh nam dẹp bắc - nhờ vậy mà bờ cõi giới mốc ở phương Bắc được giữ yên , đất phương Nam được mở rộng . Ngoài việc sửa sang hình luật , bãi bỏ chế độ nô lệ , .. Thái Tông còn có một đóng góp rất lớn cho văn hóa dân tộc là xây chùa Một Cột . Thái Tông hiếm muộn con nên thường đi lễ chùa cầu tự . Giấc mơ thấy Phật Quan Âm dẫn vua lên đài là biểu hiện của vô thức tập thể (1). Nhân gian có câu " người làm sao chiêm bao làm vậy ". Người làm thì làm với ý thức danh lý ( noma-rupa), chỉ có chiêm bao mới thể hiện được cái toàn thể nhất quán . Ý thức hệ dân tộc thời Lý từ vua đến dân là ý thức vạn pháp quy nhất ( thiền tông ) - tri hành hợp nhất ( Tống Nho - Vương Dương Minh ) . Sư Vạn Hạnh chính là cái hồn của ý hệ nầy .Vạn Hạnh là một nhà sư nhập cuộc tích cực vừa lo đạo vừa lo đời , vừa nhập định theo lối thiền tông vừa tụng chân ngôn theo lối mật tông ; vừa hành động vừa thành lập cái toàn thể nhất quán để hướng dẫn hành động ; vừa xuất vừa xử , vừa đi ra thiên nhiên vừa đi vào sinh hoạt của quần chúng ; vừa dấn thân giúp đời vừa giữ được Không Lý ( Thánh hóa cuộc đời mà không để đời tục hóa ). Hành trạng cũng như tư tưởng của Vạn Hạnh là mạch nguồn di dưỡng ý thức lẫn tâm thức các nhà lãnh đạo quốc gia thời Lý .  Thái Tông vừa chăm lo cho xã tắc vừa mong muốn có hoàng tử để kế nghiệp truyền thừa vừa có đức tin tôn giáo ( Quan Âm Tống Tử - trong kinh Pháp Hoa ) . Tất cả lắng sâu vào vô thức rồi từ vô thức ảnh hiện thành giấc mơ . Chùa Một Cột có nguồn gốc từ một giấc mơ . Vô thức của nhà vua không hoàn toàn mang tính cá nhân mà còn là vô thức tập thể . Bởi vì cá nhân không sống riêng lẽ mà sống trong cộng đồng , hít thở chung một không khí của thời đại chịu ảnh hưởng của cả một môi trường văn hoá.
    II/ Môi trường văn hóa
   Nói đến văn hóa là nói đến sinh hoạt của con người trên mặt đất bao gồm một nội hàm rộng lớn : tư tưởng , tín ngưỡng ,phong tục , tập quán , chính trị giáo dục , tôn giáo triết học . Đất Giao Châu ngày ấy là ngã tư của các dân tộc và các nền văn minh  ( carefour de peuple et civilisation ) . Riêng về tôn giáo , tín ngưỡng có Phật Ấn và Phật Hoa du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường vào những thế kỷ đầu công nguyên :
  _ Đường biển từ Ấn Độ qua cửa ngõ Chiêm Thành lập ra phái Nam Tông - Tiểu Thừa  theo kinh điển hệ Pali- Sanskrit
 _Đường bộ từ Trung Hoa qua qua biên giới Việt Trung lập ra phái Bắc Tông - Đại Thừa hệ Hán tự .
  Luy Lâu ( Bắc Ninh ) là trung tâm Phật giáo thời bấy giờ .
  Vinitracuci ( Tì- ni- đa- lưu- chi) là tổ sư thiền Việt Nam . Ngài đắc thiền từ tổ Tăng Xán ( tam tổ ) và được thầy khuyên sang phương Nam hoằng hóa , không nên ở lại Trung Hoa làm gì . Vinitracuci là người Ấn , đắc thiền với người Hoa và có thể hoằng hoá ở  đất Giao Châu chứng tỏ rằng tinh thần thuần túy tâm linh của người Ấn khó lòng dung hợp được với tinh thần nhập thế tích cực của người Hoa , và chỉ có đất Giao Châu mới là nơi đắt địa để thiền ra hoa kết trái . Bởi vì tâm lý của người Việt không quá duy lý như người Ấn , cũng không quá thực tế như người Hoa . Không quá duy lý vì có sẵn tín ngưỡng đa thần , không quá thực tế vì cần có một nguyên lý nhất quán để hướng dẫn hành động . Hơn nữa , do hoàn cảnh địa lý người Việt cần phải hành động để chống giặc ngoại xâm phương Bắc và mỡ rộng bờ cõi về phương Nam . Tất nhiên các vua nhà Lý phải có nhu cầu  toàn diện để lãnh đạo quốc gia dân tộc . Thiền hành động do đó có lý do để bén rễ thành tựu ở đất Giao Châu . Pháp Thuận , Khuông Việt , Vạn Hạnh là những thiền sư được truyền thừa từ Vinitracicu. Các vị nầy đã khơi mỡ dòng văn học chữ Hán , vừa giáo hóa chúng sanh vừa giáo dục đào tạo những công dân ưu tú cho đất nước . Công dân ưu tú nhất là Lý Công Uẩn . Lý Công Uẩn được sư Khánh Vân và Sư Vạn Hạnh dạy . Theo hai tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng thì : " Lý Công Uẩn vốn thông minh bẩm sinh lại được nhập thân văn hóa ở một vùng đất văn minh văn hiến , lại được sự nuôi dạy của các vị cao tăng xuất chúng    . Lý Công Uẩn là người con ưu tú của dân tộc , ông đã cùng triều Lý làm rạng danh nước Đại Việt viết nên những trang sử oanh liệt về dựng nước và giữ nước " (2) .
   Vua Lý Thái Tông kế vị Lý Thái Tổ , tất nhiên đã từng hít thở không khí của thời đại đó , đã từng tắm gội trong môi trường văn hóa đó nên não trạng và tâm thức của nhà vua không thể không chịu ảnh hưởng của tiên triều . Giấc mơ Phật Bà Quan Âm dẫn vua lên đài sen khởi đi từ bình diện ý thức lắng sâu vào vô thức để rồi thị hiện bằng giấc mơ .

III/ Ý nghĩa biểu tượng của chùa Một Cột 
          Chùa Một Cột có ý nghĩa biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam về nhiều phương diện .Về tư tưởng Vạn pháp quy nhất , tri hành hợp nhất ( hình ảnh một cột) . Về tín ngưỡng sùng bái Phật bà Quan Âm ( ý nghĩa Quan Âm , hình ảnh hoa sen ). Về tinh thần tam giáo đồng nguyên ( khoa thi tam giáo ) . Và đặc biệt là về sự dung thông , dung hóa Thiền - Mật - Tịnh ( qua triết lý Thảo Đường ).
   1/ Hình ảnh Một Cột tượng trưng cho tinh thần Vạn Pháp Quy Nhất 
      Hình ảnh Một Cột trong kiến trúc chùa Một Cột nói lên sự hợp nhất quy nhất : một quy về tất cả , tất cả là một ( nhất tức nhất thiết , nhất thiết tức nhất ). Vạn pháp quy nhất là tư tưởng căn bản của các thiền sư thời Lý ( Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp ) là yếu chỉ của kinh Hoa Nghiêm ; là tinh thần của kinh Bát Nhã ( vạn pháp giai không ); là tinh mật của kinh Kim Cang ( bản vô nhị pháp , vạn pháp nhất như ). Nhu cầu về cái toàn diện đã thôi thúc các vua nhà Lý trung thành và thực thi tư tưởng vạn pháp quy nhất của Vạn Hạnh quốc sư . Từ đây không còn ngần ngại bởi những cực đoan như tri và hành , xuất và xử , cá nhân và xã hội , thiên nhiên và con người  . Vua Lý Nhân Tông đã xưng tán thiền sư Vạn Hạnh trong bài thơ sau :
                              Vạn Hạnh dung tam tế
                             Chân phù cổ sấm thi 
                             Hương quan danh Cổ Pháp
                             Trụ tích chấn vương kỳ
 Một cột trong kiến trúc chùa Một Cột nói lên sự hợp nhất quy nhất trong thiền tông . Thiền không phải là tư tưởng về thực tại mà chính là thực tại sinh động .Thực tại không xa rời các các hiện tượng của sự sống cũng như nước không rời sóng . Chính vì vậy các lãnh đạo nhà Lý đã phải vận dụng thực tại thiền , tâm thức thiền để kết nối những những hiện tượng trót đã phân ly thành cái thống nhất rồi lấy cái toàn diện thống nhất ấy quán sát ra bên ngoài để soi sáng thực tế , hướng dẫn hành động . Về điểm nầy thiền gần với Khổng Tử : "Ngô đạo nhất dĩ quán chi" , dùng cái hợp nội ngoại chi đạo , nội thánh ngoại vương để lãnh đạo xã hội , chăn dắt trăm dân .
2/ Ý nghĩa hoa sen và hình ảnh Quan Âm Bồ Tát
 Chùa Một Cột khởi thủy được xây dựng do sáng kiến của Lý Thái Tông ( 1049 ) . Đến năm 1058 vua Lý Thánh Tông cho trùng tu , giữ nguyên dấu cũ và có thêm ý mới . Ý mới ở đây là cho dựng lầu chuông một cột sáu cạnh hình hoa sen( Độc Trụ Lục Giác Liên Hoa Chung Lâu ) . Do vậy , từ một góc nhìn mới ta có thêm ý nghĩa biểu tượng của chùa Một Cột trong mối tổng hòa của văn hóa dân tộc . Nhưng trước hết cũng nên tìm hiểu về vua Lý Thánh Tông.
  Thái Tông mất , Thái tử Nhật Tôn vâng di chiếu lên ngôi trước linh cữu của cha , hiệu là Thánh Tông . Sử chép : Mai Thị hoàng hậu mộng thấy mặt trăng vào bụng , có mang sinh ra vua ở cung Long Đức , đặt tên là Nhật Tôn . Lớn lên , vua thông kinh truyện , sành âm luật , nhất là sở trường về võ lược " . Nhờ sống ở cung Long Đức 27 năm trước khi lên ngôi nên Thánh Tông thấu hiểu dân tình , cảm thông nỗi thống khổ trong dân gian . Trong cuốn " Lý Thường Kiệt " nhà bác  học Hoàng Xuân Hãn đã có nhận định : " Thánh Tông là vua ta đầu tiên có óc lập một đế quốc , có danh ngang với một nước thiên tử , vua đặt quốc hiệu là Đại Việt , tôn các vua trước là Thái Tổ , Thái Tông,coi các nước nhỏ là chư hầu và muốn ngăn cấm Chiêm Thành thần phục Tống  " . Thánh Tông có đủ ba đức tính bi- trí- dũng của một tín đồ Phật giáo :  Về bi , nhà vua có lòng bi mẫn đối với các tù phạm bị giam trong ngục lạnh nên sai ban cho tù nhân chăn chiếu ; xuống lệnh đốt bỏ hình cụ .. Vua cũng rất thương xót người dân vì vô minh lầm lỡ , thiếu hiểu biết mới phạm luật nên cũng ban lệnh khoan giảm cho tù phạm . Về mặt trí năng , vua thông kinh truyện , sành âm luật , sở trường võ lược . Mặc dù là tín đồ nhà Phật song vua rất chuộng Nho , thờ Thánh ; mở khoa thi tam giáo để chọn người tài . Thánh Tông còn là một kiến trúc sư lỗi lạc : tất cả các kiến trúc thời Lý đều được xây dựng theo đồ họa của nhà vua . Về dũng, năm 1069, vua cùng với Lý Đạo Thành thân chinh đi đánh Chiêm Thành . Thánh Tông là một vị vua có sự khôn ngoan của nhà hiền triết , có lòng can trường của một chiến sĩ , có sự hòa hợp tiết độ của một đạo gia và có lòng nhân đức công chính của một nhà chính trị .
   Về một cột trụ sáu cạnh hình hoa sen, trên cột trụ nở ra tòa sen , trên tòa sen có tượng Phật Quan Âm , có nhiều ý nghĩa biểu tượng sau đây :
  Trước hết là việc vua bốn  mươi tuổi chưa có con nên đi khắp các chùa để cầu tự . Đến chùa Dâu thuộc làng Siêu Loại  ( Bắc Ninh ) gặp một cô gái quê tên là Ỷ Lan vừa cắt cỏ vừa hát , bèn tuyển làm cung phi . Ỷ Lan sau khi sinh ra Càn Đức ( Nhân Tông ) thì được tôn làm nguyên phi .
 Còn Hoa Sen thì tiếng Phạn là Padma , biểu tượng của sự thuần khiết vô nhiểm và sinh hóa hồn nhiên . Cũng như hoa sen , bản chất tâm linh của con người là vô nhiểm .Mật Tông Tây Tạng xem trái tim con người như một đóa sen hàm tiếu - khi giác ngộ thì hoa nở thấy Phật .Hình ảnh hoa sen trong tư tưởng đại thừa được Phật thuyết qua kinh Diệu Pháp Liên Hoa . Trong kinh nầy Phật nói về phương tiện quyền xảo ; Bồ Tát Quan Âm có lòng bi mẫn rộng thương chúng sanh trong vòng tục lụy bùn nhơ mà vẫn giữ được đức hạnh thanh cao ( gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ) .
   Sự kiện Ỷ Lan xuất thân từ tầng lớp bình dân chân bùn tay lấm lại được tôn lên địa vị nguyên phi cũng cùng một ý nghĩa với hoa sen trong bùn . Ỷ Lan lại có khả năng thay vua trị nước , vỗ yên bá tánh , cảm hóa lòng dân , thương dân như mẹ thương con . Ỷ Lan lại sùng kính đạo Phật ; bà cho đúc chuông Quy Điền nặng một vạn hai nghìn cân đặt tên là Giác thế Chung ( chuông cảnh tỉnh người đời )( 3)
   Ỷ Lan được dân chúng yêu thương kính ngưỡng và suy tôn là Quan Âm Nữ . Từ giấc mơ Thái Tông mộng thấy Bồ Tát Quan Âm dẫn vua lên đài đến Thánh Tông đi lên chùa cầu tự gặp được Ỷ Lan sinh ra Càn Đức ( Nhân Tông ) khiến ta liên tưởng đến đoạn kinh Pháp Hoa ( Phẩm Phổ Môn ) : " Nếu có người phụ nữ muốn cầu con trai hãy lễ lạy cúng dường Quan Âm Bồ Tát thì liền sinh con trai phước đức trí huệ ". Xem vậy , ý nghĩa hoa sen , hình ảnh Phật Bà Quan Âm là cụ thể hóa tín ngưỡng , sùng bái không riêng gì của các vua chúa mà còn len lõi khắp chốn dân gian . Sùng bái Bồ Tát Quan Âm là tín ngưỡng quốc gia cũng có nghĩa là tôn thờ nguyên lý mẫu sinh thành dưỡng dục sinh sôi nẩy nở . Chính vì lẽ đó mà quần chúng dân gian tôn Ỷ Lan là Quan Âm Nữ và còn đồng hóa Ỷ Lan với cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám có nguồn gốc từ Ấn Độ . Trên núi Giạm ở Bắc Ninh , cạnh ngôi chùa Hàm Long thờ thần phi Ỷ Lan có một ngôi mộ đôi : một bên thờ cô Tấm , một bên thờ cô Cám .
    IV/ Từ chùa Một Cột đến triết lý Thảo Đường 
     Trong khi thiền hành động chưa làm hết sứ mạng lịch sử của mình thì thiền sư Vô Ngôn Thông đem dòng thiền Tào Khê ( Huệ Năng )vào Việt Nam , mở màn cho một cuộc xâm nhập ngoại lai vào đất Giao Châu khiến cho thiền Việt Nam dần dần thành độc tôn sở hữu của một số trí thức lấn át con đường tình cảm , con đường hành động . Cho nên  , giữa tầng lớp trí thức bác học và tầng lớp nông dân  có một hố ngăn cách . Đứng trước tình cảnh nầy , Thánh Tông với tư cách lãnh đạo quốc gia phải hành xử ra sao để đáp ứng nhu cầu toàn diện vốn có , đồng thời thống nhất ý chí trong mọi tầng lớp nhân dân ?
  Cho nên, sau khi trùng tu chùa Một Cột , nhà vua thành lập một tông phái mới lấy tên là Thảo Đường . Bởi một nền chính trị dù có định chế pháp quyền hẳn hoi , có cơ cấu tổ chức chặt chẽ cũng khó tránh khỏi một chế độ pháp trị thuần lý cứng nhắc . Trong khi đó đại chúng bình dân lại tha thiết với con đường tình yêu mà sự thể hiện là tín ngưỡng sùng bái , cầu vào tha lực để được thăng hoa , chuyển hóa .Nhân một cuộc chinh phạt Chiêm Thành , Thánh Tông bắt được một nhà sư trên đất Chiêm tên là Thảo Đường đem về làm tù binh và giao cho quan Tăng Lục quản lý  ( Tăng Lục là vị quan cao nhất trong hàng ngũ tăng thống ) . Một hôm quan Tăng Lục đi vắng , để quyển Ngữ Lục đang viết dở trên bàn ; tình cờ Thảo Đường đọc được và sửa sai mấy chỗ  . Quan Tăng Lục biết được hết sức  sững sốt . Thánh Tông hay tin vô cùng nể phục và tôn Thảo Đường lên làm quốc sư . Qua nhiều cuộc trò chuyện vua nhận thấy ở nhà sư nầy về mặt tư tưởng có thể đáp ứng được nhu cầu toàn diện của dân tộc . Thế là tôn phái Thảo Đường ra đời . Đại để tôn chỉ của tôn phái nầy là chủ trương hóa giải mọi dị biệt gây ra bởi vô minh và kiến chấp . Nguyên tố điều động cho cuộc hóa giải nầy là tình yêu . Lòng bi mẫn của chư Phật và chư Bồ Tát là niềm tin xác tín trong mọi chúng sanh dù ở bất cứ trình độ nào . Ta hãy nghe lời cảnh sách của hòa thượng Thảo Đường : " Con đường tu hành không phải chỉ một mà có ba đường chính : Tham thiền , niệm Phật , tu quán . Thiền vốn không có cửa vào nhất định , nếu không đủ căn bản tâm linh thì phần nhiều rơi vào lầm lạc , trọn đời trôi nổi khó mà giác ngộ . Còn pháp Quán Tâm thì tế vi nếu không có trí huệ bát nhã thì khó tiến bộ được . Chỉ có lối Niệm Phật thì rất mau lẹ tiện lợi từ xưa đến nay , người thông minh hay ngu độn cùng tu , đàn ông hay đàn bà đều chuộng . " Thánh Tông vừa là người khai sáng cũng là người đứng đầu tông phái nầy . Việc lập ra phái Thảo Đường xuất phát từ nhu cầu thống nhất ý chí quần chúng , đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân  không phân biệt kẻ trí người ngu . Sáng lập ra phái Thảo Đường cũng nằm trong ý hệ vạn pháp quy nhất ; lại rộng mở và dung hóa được sự dị biệt giữa thiền -mật - tịnh. Sau nầy Lý Nhân Tông thừa hưởng được sự nghiệp của vua cha , thụ hưởng được âm đức của thái hậu Ỷ Lan cọng với lòng trung tín của thái sư Lý Đạo Thành , lòng dũng lược của Lý Thường Kiệt đã viết nên một trang sử oai hùng nhất trong lịch sử nước nhà  ( Bắc đánh Tống , Nam bình Chiêm ).

                                                                          *    *
                                                                             *

      Chùa Một Cột được xây dựng do sáng kiến của Lý Thái Tông , đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa và lần trùng tu nào cũng giữ nguyên trạng . Điều đó chứng tỏ rằng tinh hoa văn hóa cổ truyền không bị xóa nhòa qua các cuộc bể dâu của thời thế . Qua đến đời nhà Trần chùa Một Cột lại được trùng tu ( 1249 ). Dưới thời nhà Lê , Trần Bá Lãm có bài thơ vịnh " Nhất Trụ Tự " :
                                 Xóm hoa trong thành , chùa trong xóm
                                Danh là Diên Hựu , Lý triều xây
                               Trong cung hòa hợp mộng hoàng tử 
                               Bồ Tát Quan Âm mới linh thay 
       Năm 1954 , trước khi rút quân tháo chạy ,Giặc Pháp đã  giật mìn cho nổ tung chùa Một Cột . Sau đó , khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội , bộ văn hóa của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa  liền cho trùng tu chùa Một Cột và vẫn theo kiến trúc cũ . Chùa Một Cột là một tổng hòa có sáng tạo vừa phong phú vừa toàn diện giữa nhiều sắc thái văn hóa giao thoa : Nho , Phật , Lão , Chiêm Thành , Trung Hoa , Ấn Độ . Sở dĩ có sự  thành tựu thập thành kỳ vĩ như vậy là nhờ tinh thần vạn pháp quy nhất mà hình ảnh biểu trưng là một cột . Xét về phương diện nghệ thuật , chùa Một Cột được đứng đầu trong mười kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam ; hơn thế nó còn  được  xác nhận kỷ lục độc đáo nhất châu Á  . Theo ý kiến của kiến trúc sư Nguyễn Bá Chi thì : " Về mặt ý nghĩa cổ tích và kiến trúc ngôi chùa Một Cột nầy được coi như là viên ngọc nghệ thuật Việt Nam . Tuy diện tích nhỏ nhắn nhưng nó được xứng đáng với danh tiếng của nó"  .Tóm lại , cả về ý nghĩa biểu tượng lẫn giá trị nghệ thuật thì chùa Một Cột xứng danh là biểu tượng văn hóa của dân tộc . Phải chăng đó cũng là quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam !!  . Điều đáng tiếc là ngày nay chùa bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ ( xem tại đây )
   Hy vọng rằng dự án trùng tu chùa Một Cột được hoàn thành theo nguyên trạng để một biểu tượng văn hóa của nước Việt mãi mãi được trường tồn .


Chú thích :

(1) l'inconscience collective , chữ dùng của nhà phân tâm học Joung
(2) trích trong cuốn " các triều đại Việt Nam " của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng
(3) Gọi tên là chuông Quy Điền là vì chuông nặng quá không đưa lên được lầu chuông nênđặt trên một đám ruộng , đám ruộng nầy có nhiều rùa . Chuông quy điền là một trong tứ đại pháp khí của Phật giáo ( Tháp Bảo Thiên , Chuông Quy Điền , Vạc Phổ Minh , Tượng Quỳnh Lâm )