Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

CHÀO XUÂN ĐINH DẬU TRONG TIẾNG GÀ BÁO THỨC

     


 Chào xuân Đinh Dậu chúng ta cùng  đọc lại ' BÀI CA CHÚC TẾT THANH NIÊN " của cụ Phan Bội Châu . Bài thơ mở đầu bằng tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới vào mùa xuân mới với nhiều vận hội mới :
 " Dậy ! Dậy ! Dậy !
Bên án một tiếng gà vừa gáy 
Chim trên cây vừa ngỏ ý chào mừng "
      Cụ Phan Bội Châu là một nhà thơ , một danh sĩ , một nhà yêu nước .Cụ đã dành cả cuộc đời đấu tranh để dành lại chủ quyền đất nước , giành lại độc lập dân tộc và dân chủ cho nhân dân . Mặc dù bị câu thúc trong ngục tù , cụ vẫn hằng thao thức trước vận nước điêu linh , dân tình điêu đứng ... Trong nỗi niềm ưu tư khắc khoải đó , cụ luôn kỳ vọng và ký thác niềm tin vào giới trẻ .
   Năm 1925 cụ bị thực dân Pháp bắt và đưa về an trí ở An Cựu ( Huế ) . Nhân dịp tết đến , một nhóm sinh viên học sinh đến thăm và chúc tết cụ ; cụ liền đọc bài thơ " Bài Ca Chúc Tết Thanh Niên "
" Thưa các cô , các chị lại các anh 
Đời đã mới lại càng thêm đổi mới 
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội 
Xúm vai vào xốc vác việc giang sơn 
Đi cho êm, đứng cho vững , trụ cho gan 
Dây thành bại quyết ghi phen liên hiệp lại ..."
      Việc thành bại trong cuộc đấu tranh với kẻ thù dân tộc tùy thuộc vào sự liên hiệp các thành phần yêu nước trong đó thanh niên là lực lượng nòng cốt . Trong hoàn cảnh tổ quốc lâm nguy , dân tình ta thán ...mà thanh niên cứ thờ ơ ,mê ngủ ; vẫn cứ " ham chơi" ," ham mặc "," ham ăn"  thì đó là một điều sỉ nhục đối với hồn thiêng sông núi . Nước nhục thì chỉ có thể rửa nhục bằng máu . Cụ khuyên thanh niên hãy " xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ "
  Trở về với hiện tình của đất nước ta hôm nay , nguy cơ mất nước vào tay TQ là có thật .Thế mà phần đông thanh niên vẫn còn  mê ngủ , vẫn đắm mình trong các thú ăn chơi ,...Họ đã trở thành những người ngoại cuộc, những kẻ đứng bên lề . Trong truyền thống đấu tranh chống giặc phương Bắc , ông cha ta xưa luôn có ý thức cảnh giác mưu đồ xâm lược của bá quyền TQ .Nhưng ngày nay ý thức cảnh giác đó đã tan biến ...
  Năm nay chúng ta chào xuân Đinh Dậu trong tiếng gà báo thức bằng một ý thức mới , một ngày mới , một năm mới với một vận hội mới .Vì sao lại mới ? Ấy là vì có 3 ý nghĩa trong tiếng gáy của gà :
   Thứ nhất tiếng gà báo hiệu một ngày mới bắt đầu
   Thứ hai tiếng gà báo hiệu ngày đầu tiên của năm
   Thứ ba tiếng gáy báo hiệu năm con gà cùng với những đặc điểm của gà có ý nghĩa đặc biệt .
  - Có một cụm từ phổ biến nói lên niềm hy vọng bất diệt ( ngày mai trời lại sáng ) . Thường khi trong một hoàn cảnh u ám bức bối người ta có tâm lý chờ sáng . Có lẽ vì mỗi ngày một mới , đã mới càng thêm mới
  - Buổi sáng đầu tiên của năm là thời điểm đánh dấu tiết giao mùa . Chữ tiết đọc trại thành tết . Lễ tết cũng là lễ tiết   Tết Nguyên Đán là lễ tiết kỷ niệm buổi sáng đầu tiên trong năm . Giờ giao thừa , sáng mùng một là những thời khắc thiêng liêng nhất bởi con người và vạn vật mọi thứ đều tinh tươm mới mẻ . Lòng người hân hoan phơi phới , cây cối đâm chồi nẩy lộc
- Năm con gà có ý nghĩa gì về vận hội mới của đất nước ?  Con gà với những đặc điểm hiếm có : Vũ dũng , nhân nghĩa tín đủ đầy . Tả quân Lê văn Duyệt đã nâng thú vui chọi gà lên hàng Đạo Gà , Kinh Gà . Dáng vẻ của con gà - đặc biệt là gà trống thể hiện 5 đặc tính sau  :
  1/ Đầu có mồng như đội mão là Văn
 2/ Chân có cựa như mang gươm là Võ
 3/ Thấy kẻ địch thì xông tới và chiến đấu đến cùng là Dũng
 4/ Bươi chải kiếm được cái ăn thì phân chia cho đồng loại là Nhân
5/ Ngày ngày đến giờ thì gáy là Tín
Năm đức tính trên không những cần cho văn nhân võ tướng trong sứ mạng trị quốc an dân mà còn giúp cho người đời hành xử đúng đạo làm người . Gà đã đi vào nghệ thuật tranh Đông Hồ ở phía Bắc !. Ở phía Nam trò chơi chọi gà đã trở thành  một nét văn hóa dân gian . Trò chơi chọi gà có tính bình đẳng , sòng phẳng . Từ vua quan cho đến thứ dân,từ địa chủ cho đến tá điền một  khi đã gia nhập vào trò chơi thì  mọi người đều bình đẳng - cùng vui cùng ăn chia sòng phẳng . Trong truyện " Lục súc tranh công " tác giả đã lý giải ba tiếng gáy của gà như sau :
  - Một tiếng rằng thiên nhật tác thì
  - Hai tiếng rằng quốc tộ tác xương
  - Ba tiếng rằng nhân quần tác lạc

  Tiếng gáy của gà trong bài thơ chúc tết của cụ Phan Bội Châu giục giã gấp gáp như muốn đánh thức mọi người hãy còn mê ngủ . Mong rằng tiếng gà gáy báo hiệu mùa xuân Đinh Dậu là điềm lành đem lại quốc thái dân an .