Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Bàn tay

   Cũng là một bàn tay 
   Làm biết bao nhiêu việc 
   Từ thô cho đến tế
   Từ thanh cho đến tục 

   
   Khi nắm lại sục sôi 
   Khi xòe ra thân ái 
   Khi chấp lại trang nghiêm 
   Khi buông tuồng mê đắm 


   Có bàn tay nghĩa hiệp 
   Đập tan những bất bình 
   Có bàn tay ác hiểm 
  Gây cho đời điêu linh 
  
   Bàn tay nào gổ quý 
   Dắt đưa nhau vào đền 
   Bàn tay nào ma quỷ 
   Dẫn nhau xuống vực sâu


   Có những cái bắt tay 
   Thắt  chặt tình giao hảo
   Có những cái bắt tay 
   Chỉ hững hờ xã giao


   Có đôi tay tạo tác 
   Nên cuộc đời an vui 
   Có bàn  tay tàn hoại 
   Khiến cho đời  lụi tàn


   Có bàn tay chỉ đường 
   Cho người phương và hướng 
   Có ngón tay nhấn nút 
   Cho bom nổ tan hoang !


   Ối !trần gian  não loạn 
   Bất tịnh và bất an
   Khiến LƯƠNG THỨC đi hoang 
   Tạo ra bao ác nghiệp 

   Ngồi yên và tĩnh lặng  
   Lắng nghe trong phút giây 
   Sẽ gặp thầy LƯƠNG THỨC
   Có mặt trong đời này 


   Trợ thủ của đôi tay 
   Chính là thầy LƯƠNG THỨC 
   Sống thiếu thầy LƯƠNG THỨC 
   Làm bẩn đôi tay nầy !


   

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Về một tri thức sai lầm của Trần Đức Thảo trong khảo luân "Tìm cội nguồn của ngôn ngữvà ý thức "

     Trong  "Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức ",Trần Đức Thảo đưa ra luận điểm cho rằng nguồn gốc của ý thức con người là những hoạt động lao động ,sinh tồn và truyền giống .
   Chữ ý thức mà Trần Đức Thảo dùng trong khảo luận nầy theo nghĩa thông thường là :sự hiểu biết ,sự lĩnh hội ,sư nhận thức,trí năng,tinh thần,tư duy...Sai lầm căn để của TĐT cũng chính là sai lâm của triết học duy lý  của Tây phương  .Suốt hai mươi thế kỷ qua ,các triết gia phương tây đã dùng tinh thần để nghiên cứu tinh thần,dùng ý thức để truy tìm nguồn gốc của ý thức .Cái công cụ trí năng ấy đã bị Kant đem ra phê bình kiểm thảo và đặt cho nó một giới hạn khiêm nhường :"Trí năng chỉ biết những gì qua thế giới hiện tượng (phénomène ) còn thế giới ẩn tượng (nomène ) hay sự vật tự thân (chose en soi ) thì trí năng đành bất lực" .Thập nhị nhân duyên cũng như Trung quán luận vừa là tri thức luận vừa là bản thể luận .Thập nhị nhân duyên khó có thể nào thấy,biết .Đức Phật nói ai thấy được lý duyên sinh thì thấy được Phật .Thế mà có người tự xưng là thiền giả học giả ...cho rằng Trần đức Thảo và Phật giáo có điểm gặp nhau bất ngờ trong mười hai nhân duyên vì ông nầy cho rằng nguồn gốc của ý thức là những hoạt động lao động kiếm sống,sinh tồn và truyền giống .Nói khác đi là ý thức có sau hành động .Cả hai đều  cùng quan điểm :Trước khi có ý thức tức khi con người vô ý thức ,tức con người là những động vật vượn người hoàn toàn vô ý thức thì cái dẫn dắt mọi hành vi hoạt động của con người là những HÀNH tức là những hoạt động lao động kiếm sống,sinh tồn và truyền giống .Chữ HÀNH mà tác giả dùng (trong đoạn trích trên ) nằm trong chuỗi mười hai nhân duyên :1/Vô minh 2/Hành 3/Thức 4/Danh sắc 5/Lục Nhập 6/Xúc 7/Thọ 8/Aí  9/ Thủ 10/Hữu 11/Sinh 12/Lão Tử. Thập nhị nhân duyên là mười hai điều kiện  tương liên,một ý niệm dùng để giải thích bí quyết của nghiệp báo luân hồi .Qua đó không thể nói rằng HÀNH trong mười hai nhân duyên là những hoạt động lao động kiếm sống ...Đành rằng HÀNH cũng có nghĩa là NGHIỆP(Karma ).Vì có sinh nên mới có già chết ;già chết là hiện tượng suy đồi ,tiêu diệt, khổ đau.Vì sao phải sinh để rồi già chết ?Vì có HỮU (chấp có ).Vì sao có hữu ?Vì có kẹt có vướng cho nên có THỦ.Vì sao có THỦ ? Vì có ÁI ( yêu thương mê đắm ). Vì sao có ÁI ? Vì có THỌ (cảm giác dể chịu ).Vì sao có THỌ ? .Vì có XÚC (tiếp xúc ).Vì sao có XÚC ?Vì có LỤC NHẬP  (giác quan và các đối tượng của giác quan ).Vì sao có LỤC NHẬP? Vì có DANH SẮC (tinh thần và vật chất ).SẮC,THỌ,TƯỞNG ,HÀNH ,THỨC là năm thức đầu do ngũ uẩn mà có (tiền ngũ thức ).Nguồn gốc của DANH SẮC là thức .Thức là tên gọi khác của A lại gia thức trong duy thức luận .A lại gia thức là thức căn bản của mọi thức khác : Tiền ngũ thức là thức thứ năm ,ý thức là thức thứ sáu ,mạc na thức là thức thứ bảy ,a lại gia thức là thức thứ tám .Thức thứ sáu có vai trò trung chuyển : đưa năm thức trước vào thức thứ bảy rồi thức thứ tám .Khi thức thứ tám (a lại gia thức ) chín muồi  ,đủ duyên  thì hiện lên bình diện ý thức .A lại gia thức còn có tên gọi khác nữa là Chân như ,Như Lai Tạng , Pháp giới duyên khởi ,tàng thức ,dị thục thức .Theo quan niệm của TĐT và người đồng thuận với ông thì nguồn gốc của thức A lại gia  là hành vi lao động kiếm sống ...Nhưng theo duy thức học thì nguồn gốc của thức này là HÀNH tức là những tác động của vô thức, của ý chí sinh tồn  theo hướng vô minh ,do thiếu giải thoát, thiếu trí tuệ mà có những tác động vô thức đó .Vì VÔ MINH nên mới có HÀNH .Trong A lại gia thức có Chân như  cũng như trong sóng có nước .Mười hai nhân duyên không thể xếp thành một chuỗi dọc dài  để rồi coi vô minh là nhân đầu tiên .Nhân duyên không có nhân đầu tiên .Các nhân duyên không tiếp nối nhau mà phối hợp cùng nhau như những vòng tròn giao tiếp -những khoanh tròn tương giao.Trong VÔ MINH có HÀNH ,HÀNH cũng là VÔ MINH .Trong luân hồi bắt đầu từ sinh và kết thúc là lão tử.Các nhân duyên như THỨC,DANH SẮC,LỤC NHẬP ,XÚC ,THỌ là nguyên nhân tạo tác thêm vô minh ; chính chúng cũng là vô minh . Các nhân duyên ÁI ,THỦ ,HỮU là nguyên nhân tạo tác thêm HÀNH và chính chúng cũng là hành . HÀNH là loại tâm hành tác ý trong thất niệm  . HÀNH còn gọi là nghiệp (Karma ) hay còn gọi là nghiệp nhân  xét như một hạt giống di truyền (chủng tử ).
  Đánh  đồng HÀNH trong mười hai nhân duyên với những hoạt động lao động kiếm sống ,sinh tồn ,truyền giống là khiên cưỡng ,trái khuấy  .Nói HÀNH  (theo nghĩa đó ) là nguồn gốc của thức A lại gia là điêù khó có thể chấp nhận .
    Và nói  :"Phật Giáo gặp gỡ và đồng hành với duy vật biện chứng " là ý đồ tôn giáo hóa một chủ thuyết .
  Trần Đức Thảo cho dù là một thạc sĩ triết học , cho dù được Trần văn Giàu tôn là triết gia duy nhất của Việt Nam vẫn chung giường chung chiếu với truyền thống triết học phạm trù lý niệm ( la conception des catégories philosophiques) -một nền triết học dùng khái niệm để chia vụn thực tại.Nền triết học này đã bị tuyên bố phá sản bỡi triết gia Nietzche.Trần Đức Thảo đã bị thất sủng  sau vụ Nhân văn giai phẩm  đã thấm thía câu nói của Nietzche:"Sống một mình phải là một con vật hay một thánh thần .Aristotes nói như vậy .Nhưng  có trường hợp thứ ba nữa   :người ta phải vừa là thú vật vừa là thánh thần ,đó là triết gia".Đó cũng có thể là niềm hoang mang cuối đời của triết học gia  Trần Đức Thảo .
    Khảo luận "Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức" biết đâu cũng là một trước tác theo kiểu đơn đặt hàng ...!

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Thơ của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

      Vịnh bức dư đồ rách
     Nọ bức dư đồ thử đứng coi
         Sông sông núi núi khéo bia cười 
         Biết bao lúc mới công vờn vẽ 
         Sao đến bây giờ rách tả tơi ?
         Ấy trước ông cha mua để lại 
         Mà sau con cháu lấy làm chơi 
         Thôi thôi có trách chi đàn trẻ 
         Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Thơ của cụ Nguyễn Công Trứ

            kẻ sĩ 
   Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
   Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên
  Có giang sơn thì sĩ đã có tên
  Từ Chu Hán vốn sĩ nầy là quý
  Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị
  Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường
  Khí hạo nhiên chí đại chí cương
  So chính khí đã đầy trong trời đất
  Lúc hội ngộ hối tàng nơi bồng tất
  Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh Sần
  Xe bồ luân dù chưa gặp Thang Văn
  Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
  Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
  Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
  Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
  Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
  Trong lăng miếu ra tài lương đống
  Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
  Làm sao cho bách thế lưu phương
  Trước là sĩ sau là  khanh tướng
  Kinh luân khởi tâm thượng ,binh giáp tàng hung trung
  Vũ trụ chi gian giai phận sự ,nam nhi đáo thử thị hào hùng
   Nhà nước yên thì sĩ được thung dung
  Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
  Năm  ba chú tiểu đồng lếch thếch
  Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
  Nào thơ nào rượu nào địch nào đàn
  Đồ thích chí chất đầy trong một túi
  Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi
  Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh
  Này này sĩ mới hoàn danh !

Bất nhị

   Trong thế giới nhị nguyên 
   Gây ra bao đau khổ 
   Mà thủ phạm hàng đầu 
   Là cái nhìn phân biệt 


   Hoàn cảnh anh may mắn 
   Còn tôi sao bất hạnh 
   Số anh ngôi  sao  sáng 
   Còn tôi sao long đong .


   Từ cái nhìn phân biệt 
   Nẩy sinh tâm giận hờn 
   Từ ý niệm phân biệt 
   Mới so bì thiệt hơn


   Muốn sống đời an lạc 
   Hãy thay đổi cách nhìn 
   Giải trừ mọi sai khác
   Mới trưởng dưỡng niềm tin 


   Trời cho ta số phận 
   Người làm sao cải số 
   Chỉ một cách duy nhất 
   Đổi thay từ thái độ

   Nhìn đời không phân biệt 
   Sẽ giũ sạch sầu đau 
   An lạc nào ai biết 
   Bất nhị -ấy nhiệm mầu

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Với Hoài Thanh

   Phê bình "Văn Chiêu Hồn
  Hoài Thanh chê Nguyễn Du 
  "Không phân biệt đẳng cấp 
  Thương chi hết mười loài ?"
  
  Hoài Thanh ơi Hoài Thanh !
  Sống phân chia giai cấp 
  Chết rồi  thành cô hồn 
  Cũng cùng chung đẳng cấp.
  Trong "Thập loại chúng sinh "
  Có cả những nhà tu 
  Sống rao suông đạo đức 
  Chết cũng một kiếp tù 

  Nguyễn Du nếu còn sống 
  Không chỉ thương "mười loài "
  Biết yêu ai ghét ai  ?! 
  Lạc loài trong trường dạ 
  Bồng trẻ và dắt già 
  Trong cõi âm lạnh lẽo 
  Biết đâu rồi có ta ? !

  Hoài Thanh ơi Hoài Thanh !
  Nguyễn Du của chúng ta 
  Nhà thơ của số phận 
  Yêu thương hết mọi nhà 
  Vì kiếp người phôi pha !
 
 

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Sao bây giờ lễ hội nhiều thế ?

  Bây giờ đang có hiện tượng lạm phát lễ hội .Số tiền bỏ ra để tổ chức những lễ hội không phải là nhỏ .Chi phí tiêu tốn trong những cuộc hành hương , về nguồn ,đi dự lễ hội ...cũng không phải là  ít .Rốt cuộc người ta thu đạt được gì về mặt tâm linh  đang khi còn tồn tại vô số những mảnh đời cơ nhở . Lễ hội nhiều đáng mừng hay đáng lo ?
   Có thể nói ngay mà không sợ ngoa là rất đáng lo .Đáng lo là bởi lễ hội nhiều và nhiều người đi lễ hội là hiện tượng đời sống tâm linh bị nghèo nàn, khô cạn .Con người dần dà có khuynh hướng cầu tha lực hơn là dựa vào nội lực của chính mình .Con người vì sợ hãi nên mới tìm cầu  ở bên ngoài :Cầu Phật ,cầu Chúa ,cầu Thánh , cầu Thần ,cầu cả ma quỷ âm binh âm tướng .Thời buổi như hiện nay lắm kẻ làm nghề buôn thần bán thánh .Ngay cả những nhà sư giả danh trá hình -loại giấy bạc giả của nhà chùa- cũng lăng xăng lảnh đám đi cúng chỗ nầy chỗ nọ mà không lo tu trì giới hạnh.
  Điều cấm kỵ trong Phật giáo là cầu ở bên ngoài mình .Ngày xưa tổ Lâm Tế đã nói với mấy thiền sinh đang ngồi nghe ngài thuyết pháp : " Quý vị đi tìm Tổ hả ? Phật là ai ?Tổ là ai chứ ? Phật với Tổ chính là quý vị đó ,đang ngồi trước mặt tôi ,đang nghe pháp đó ". Trần Cảnh ( Trần Thái Tôn   ) bị Trần Thủ Độ ép lấy chị dâu của mình (vợ Trần Liễu ) nên bỏ ngôi lên núi Yên Tử đi tu  chỉ cầu làm Phật chứ không cầu làm gì khác (duy cầu tác Phật bất cầu tha vật  ) .Vị trụ trì nói với nhà vua  : " Phật ở trong tâm bệ hạ chứ ở đâu mà tìm cầu ".
   Lễ hội nhiều đến mức lạm phát là hiện tượng  ĐẠO ,ĐỨC ,NHÂN , NGHĨA đã  suy đồi băng hoại . Lão Tử cho rằng ĐẠO mới là yếu tính ,là chân tâm  . Vì mất đạo nên tính tới đức , vì mất đức nên tính tới  nhân ,vì mất nhân nên tính tới  nghĩa , vì mất  nghĩa  nên tính tới  lễ  - Lễ là hình thức mong manh - .Lễ trong các lễ hội như hiện nay  là những hình thức lễ nghi rườm rà  (chinoiserie *) đặt ra để tự lừa mình dối người . Còn chữ lễ đúng nghĩa  chính là   cung cách ứng xử cho phải đạo làm người , cho xã hội không bị náo loạn thì lại bị bỏ quên.Xã hội sở dĩ náo loạn là vì  phần lớn không làm đúng vai trò chức trách của mình .
    Xã hội ngày nay thừa thải những lễ nghi hình thức rườm rà mà lại thiếu vắng những lễ nghi đúng mực trong giao tế giữa người với người ,giữa cá nhân với cộng đồng .

( *) Kiểu Tàu

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Cảnh Tỉnh

Thà tẩy chay thần thánh
Đừng coi nhẹ tâm linh
Tâm linh là nội thánh
Ngay giữa trái tim mình


Vô thần hay hữu thần ?
Có thánh không có thánh ?
Chối bỏ tâm linh mình
Đều bạn với yêu tinh !