Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

CÁI HẠNH CỦA NGƯỜI CẦM BÚT


    Cụ Đồ Chiểu có một câu thơ rất hay -ít nhiều nói lên cái HẠNH của người cầm bút :
         Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm 
         Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà 
Trừ gian diệt ác phải chăng là cái hạnh của người cầm bút . Sứ mệnh của nhà văn , nhà thơ , nhà báo ,...phải chăng là bảo vệ , tôn vinh cái đúng , cái tốt , cái đẹp đồng thời phê phán , chỉ trích , tiêu trừ cái sai , cái ác , cái xấu , ...trong đời sống chính trị xã hội .

    Ba  cột trụ tinh thần của nhân loại là  CHÂN - THIỆN - MỸ  . Cái chân là cái đúng , là  thực tại , chân lý ; cái thiện là đạo đức , luân lý , lòng nhân ái ; cái mỹ là cái vẻ đẹp của thiên nhiên và con người . Đứa bé cắp sách đến trường tức là lên đường đi tìm chân , thiện , mỹ . Nhà trường sẽ dạy trí dục , đức dục và mỹ học . Rồi khi lớn lên một số ít người có năng khiếu thiên bẩm văn chương , chữ nghĩa ...sẽ gia nhập vào nghề cầm bút - không biết chắc là họ đã chọn nghề hay nghề đã chọn họ .Nghề gắn liền với nghiệp , nghề tạo ra nghiệp và nghiệp dẫn dắt nghề trải qua những dằn xôc của số phận . Nghề nào cũng có cái đạo , cái hạnh của nó . Riêng cái nghề cầm bút thì lắm bi kịch . Thứ nhất là giàu tinh thần , giàu chữ nghĩa nhưng nghèo tiền bạc ; thứ hai là vinh nhục khó lường ; thứ ba là khó giữ được toàn thân  ( có khi còn phải vào tù ra khám ). Viên Mai đời nhà Thanh - Trung Hoa đã nói lên bi kịch của nghề cầm bút :
     Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch 
     Lập thân tối dĩ hạ văn chương 
( Mỗi bữa không quên ghi sử sách 
 lập thân tệ nhất ấy văn chương )
 Trong ba cái lập : lập ngôn , lập đức , lập công thì lập ngôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất nhưng lại có tính quyết định nhất . Chính vì vậy mà lập thân bằng con đường ghi chép sử sách , sáng tác văn chương , ...là con đường đầy chông gai , dằn xốc ( tệ nhất ) . Thế mà lạ thay : tới bữa có thể quên ăn , tới giấc có thể quên ngủ , nhưng dứt khoát không thể xao lãng việc trước tác , ghi chép , ...Vinh quang và cảm khái đối với người cầm bút là ở chỗ đó . Đúng là kiếp tơ tằm !
  Tôn trong sự thật lịch sử là cái hạnh của sử gia
  Lịch sử của một dân tộc là ngọn hải đăng , định hướng phát triển của dân tộc đó . Viết sử mà bóp méo sự thật lịch sử là có tội với dân tộc . Quy luật của lịch sử có những nếp gấp ( lặp lại ) mà hậu thế phải biết để rút kinh nghiệm . Dòng họ Tư Mã Thiên nhiều đời làm sử quan bị triều đình ám hại vì không theo ý vua . Đến đời Tư Mã Thiên ẩn nhẫn chấp nhận làm hoạn quan để được sống sót hầu thực hiện sĩ khí của ông cha . Cuốn sử ký Tư Mã Thiên và giá trị của nó có được là nhờ đức tính ẩn nhẫn phi thường của người viết sử .

   Thời nào và ở đâu cũng có những nhà văn , nhà báo kiên trì , ẩn nhẫn trong đấu tranh bảo vệ chân lý . Emil Zole , nhà văn Pháp công khai viết kháng nghị , viết báo để minh oan cho sĩ quan gốc Do Thái . Sau khi ông mất , thủ tướng Pháp - cũng là nhà báo -gọi kháng nghị của ông là TUYÊN NGÔN CỦA TRÍ THỨC ( manifeste des in tellectuel )

  Ở Việt nam , sau cái chết mờ ám của em Đổ Đăng Dư ở Hà Nội , mười mấy luật sư ký tên vào tờ trình báo gởi lên bộ công an đề nghị điều tra xem xét . Sự đoàn kết chung tay góp phần hạn chế những án oan sai bảo vệ dân lành . Ở các nước dân chủ , nhà báo , luật sư có quyền tham gia phá án . Nhà báo , luật sư nếu không được hành nghề , tác nghiệp một cách độc lập thì khó có tự do , công bằng xã hội .
Vừa qua ,giải Nobel văn chương 2015 trao cho Svetlana Alexievich, một nhà báo viết sử bằng cảm xúc của nhà văn . Bà đã đem tâm tình viết lịch sử chiến tranh đổ nát và những số phận con người trong chế độ Xô- Viết  cũ . Viện hàn lâm Thụỵ Điển đã tôn vinh bà như " một tượng đài ẩn nhẫn và quả cảm trong thời đại của chúng ta ". Từ nhiều năm nay bà đã rời bỏ quê hương đất nước Bélarus sang định cư ở Tây Âu vì không chịu nổi chế độ độc tài ở Bélarus.
Năm 2009 , Herta Muller , nữ văn sĩ người Đức cũng nhận giải văn chương Nobel cũng do được tôn vinh đức tính ẩn nhẫn , kiên định với văn chương và thái độ tố cáo tội ác của chế độ độc tài

  Churchill, một nhà quân sự , một chính khách  cũng là thủ tướng nước Anh - là một thủ tướng duy nhất được nhận giải Nobel - là công dân danh dự của Hoa Kỳ -đồng thời cũng từng là một nhà báo với câu nói nổi tiếng : " Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã thì sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh " Nghề cầm bút tuy có lắm nhọc nhằn , nhiều rủi ro song cũng rất vinh quang khi có được những tác phẩm lớn , những bài viết tốt , những phóng sự phản ảnh trung thực ...Người cầm bút phải thường xuyên luyện văn , mài bút , chắt lọc ngôn từ . 
 Thánh thơ Đỗ Phủ rất quan tâm đến việc dùng từ .
Đối với Đỗ Phủ : " Một chữ mà không lay động được lòng người thì chết không yên giấc " (Ngữ bất kinh nhân , tử bất an ). Nhưng muốn lay động lòng người thì người nghệ sĩ phải có trái tim lớn . Trái tim yêu thương , lòng nhân ái ,... là động cơ mà cũng là nguyên liệu để chế tác ra tuyệt phẩm . Đó cũng là nguyên động lực cho những nhà khoa học trong quá trình phát minh , phát kiến . Bất cứ sáng kiến nào cũng xuất phát từ con tim mới dâng lên khối óc . Nguyễn Du viết nên tuyệt tác Truyện Kiều khởi đi từ "những điều trông thấy mà đau đớn lòng "
 Đặng Trần Côn xót thương nỗi lòng cô phụ có chồng đi chiến trận mà viết " Chinh Phụ Ngâm " 
Ôn Như Hầu vì "kiếp phù sinh trông thấy mà đau " nên mới chia sẻ nỗi bất hạnh của những nàng cung nữ trong cung cấm bằng "Cung oán ngâm khúc "

   Cái hạnh của người cầm bút là dám nói thẳng , nó thật ; yêu sự thật , ghét gian trá ; thẳng thắn , trung thực , ghét a dua nịnh bợ . Nói như cụ  Đồ Chiểu " Ghét kẻ nịnh như nhà nông ghét cỏ "


  Tóm lại , cái hạnh của người cầm bút là thánh hóa cuộc đời bằng cách xiển dương những giá trị chân lý , đạo đức , thẩm mỹ . Văn dĩ tải đạo là tôn chỉ của các cụ đồ xưa . Nhờ vậy mà truyện Kiều của cụ Nguyễn Du , truyện  Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu là những tác phẩm văn chương có giá trị bất hủ được lưu gữ trong tâm hồn của nhiều thế hệ . Cũng là những cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ mà Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã đi vào quên lãng ; còn những tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh thì chẳng những được truyền đọc mà  còn được  chuyển thể thành phim và được nồng nhiệt đón nhận .
 Trong một xã hội băng hoại về đạo đức , điên chữ , loạn nghĩa ,...thì sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút càng phải được đề cao hơn bao giờ hết .

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

DỊCH BỆNH ĂN CẮP - ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN

   Xã hội ta ngày nay tràn lan dịch bệnh ăn cắp . Lớn ăn cắp lớn , nhỏ ăn cắp nhỏ . Quan chức ăn cắp , phóng viên nhà báo ăn cắp , nhân viên hàng không ăn cắp ...xấu hổ nhất là giới văn nghệ sĩ cũng ăn cắp văn thơ ...

Mới đây người ta xôn xao về vụ đạo thơ của một nữ sĩ - vừa được giải thưởng . Nhà báo Hà Quang Minh trong một bài viết tố cáo vụ việc nầy đã nói một câu khẳng khái :  'Tôi không cần sự xin lỗi . Cái tôi cần là một nền văn nghệ công chính . Tôi đòi hỏi những nghệ sĩ phải liêmchính "
    Nhà báo Hà Quang Minh đã nhìn ra gốc rễ của vấn đề . Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi thứ đều thiếu công chính . Sự không công chính đẻ ra nhiều hệ quả tệ hại : gian dối , trộm cắp , vô liêm sĩ  ....
 Con người là sản phẩm của xã hội , cũng là sản phẩm của nền giáo dục . Nền giáo dục XHCN ra sức đào tạo con người XHCN ! Nền giáo dục ấy không những không thành công trong việc đào tạo chuyên viên mà còn thất bại cả trong đào tạo con người : thiếu trung thực nhưng lại thừa dối trá , thiếu tài năng nhưng lại giỏi luồn lách ; vụng chèo mà khéo chống ,...
   Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường , học sinh đã được Thầy cô truyền cho mánh khoé gian lận trong học tập . Như dạy hs học thuộc bài văn mẫu cũng đồng nghĩa dạy hs đạo văn . Giải trước các bài tập trong các buổi dạy thêm ở nhà tức là khích lệ hs gian dối . Để đạt giải thi viết thư quốc tế ( UPU )nhà trường động viên hs nhờ phụ huynh viết dùm . Thi thuyết trình văn học thì thầy viết sẵn văn bản , còn trò chỉ việc trình bày theo kịch bản của thầy . Nhà trường tổ chức hội nghị công nhân viên chức ở đầu mỗi học kỳ để đề ra các con số chỉ tiêu . Chỉ tiêu bao giờ cũng cao hơn thực tế . Thế mà cuối học kỳ ai nấy cũng đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu - bằng cách cấy điểm , sửa điểm , báo cáo láo ,...Hậu quả là nhiều hs ngồi nhầm lớp .

   Lên đến bậc đại học , có lắm trường hợp sinh viên  học yếu , nợ môn chỉ cần quà cáp - thậm chí mời thầy đi ăn nhậu , trao phong bì ,...là trả được nợ môn !
  Sau Đại học , rất nhiều trường hợp SV cao học , tiến sĩ chỉ cần xào nấu lại các luận án lưu trữ trong thư viện để làm luận án của mình . Đó đích thực là hình thức ăn cắp rồi còn gì ! Một nền giáo dục mà từ dưới lên trên đều gian dối thì khó mà có được chính phẩm ! Đó là chưa kể lớp dạy vét , học vẹt ,...đã thui chột trí sáng tạo , óc tư duy độc lập của trẻ .
     Đó là chưa kể hình thức tổ chức bộ máy tự quản lớp học quá hình thức , quá nhiều chức danh ...vô tình mớm cho trẻ nhỏ có xu hướng ham mê quyền lực . Gần đây nghe nói sắp cải cách chức danh lớp trưởng thành " Chủ tịch " . Giáo dục kiểu nầy hẳn nhiên đào tạo công dân tương lai khao khát quyền lực , khao khát nổi tiếng ...

 Nguyên nhân sâu xa của dịch bệnh ăn cắp là  sự KHÔNG CÔNG CHÍNH .
Về vụ đạo thơ đã có làn sóng lên án , chỉ trích , chê cười , sỉ vả ... Nhưng nếu nhìn sâu vào toàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay thì phạm nhân nầy cũng chính là nạn nhân của một quá trình giáo dục . Và đáng thương hơn nữa là nạn nhân đã  " ma giáo " vụng chống  sau khi đã gian dối vụng chèo !

  Cái lỗi nầy đã có phải chăng cũng bởi những người chấm giải thiếu văn hoá đọc và sức đọc còn yếu !!!
 Không riêng gì nhà báo Hà Quang Minh " cần một nền văn nghệ công chính "mà những người còn lương tri đều cần . Nhưng đòi hỏi "những nghệ sĩ phải liêm chính "thì nhất thiết phải có một NỀN GIÁO DỤC  CÔNG CHÍNH !

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

NẾP PHONG HOÁ CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM NAY CÒN ĐÂU ?

       Phải thành thực nhìn nhận rằng về  khoa học kỹ thuật , về mức sống đầu người , tiện nghi vật chất , công nghệ thông tin , ...người Việt chúng ta đã vượt xa cha ông mình ngày trước . Thế nhưng về nếp phong hoá của con người nói chung và của người Việt nói riêng thì ta thua xa cha ông mình ngày trước .Nếp phong hoá - một gia tài vô giá - mà cha ông để lại nay còn đâu ?Thật là vô phước  khi con cháu không giữ được nếp nhà , gia bảo , gia phong ...
Kể từ ba bốn chục năm nay , nếp phong hoá của con người Việt dần dà bị phân hoá , phân huỷ bởi lối sống nặng mùi vật chất , khát thèm hưởng thụ , coi nhẹ tâm linh , sa sút nghĩa tình . Dân ta chưa bao giờ vong thân thảm hại như ngày nay . Phẩm giá , phong thái của người Việt dần bị người nước ngoài coi thường rẻ rúng , thậm chí không cho nhập cảnh . Nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ , Nhật , Hàn Quốc ,...đạt được các thành tựu to lớn về khoa học , điện toán , ...song dân tộc họ vẫn còn bảo lưu nếp phong hoá do tiền nhân để lại . Chỉ có Trung Quốc sau " cách mạng văn hoá "đã không giữ được bản sắc của dân tộc Trung Hoa cổ thời .
   Hai chữ văn hoá trong xã hội ta ngày nay bị vật thể hoá trong các cụm từ thông tin văn hoá , văn hoá thể thao , văn hoá giải trí , văn hoá ẩm thực , ...Sau năm 1975 , còn có cụm từ bổ túc văn hoá  (*)! Lẽ ra văn hoá phải đi liền với giáo dục . Hai chữ văn hoá có một nội hàm rất lớn bao gồm giáo dục , triết học , ngôn ngữ , chính trị , học thuật , văn chương , phong tục tập quán ...Phong tục tập quán là một nét văn hoá tạo ra nếp sống phong hoá của con người . Trong nhiều thập niên qua , nếp phong hoá của người Việt Nam ta đã bị mai một do ma chiết với  môi trường sống nặng mùi vật chất , khao khát hưởng thụ , chạy theo tiền tài quyền bính .... Niềm tin tôn giáo biến thành mê tín dị đoan , buôn thần bán thánh .Bacột trụ tinh thần của nhân loại không còn được coi như cốt lõi của xã hội văn minh văn hoá . Dù là ý hệ gì , chủ nghĩa nào nếu không có CHÂN , THIỆN , MỸ làm cột trụ chống đỡ thì sớm muộn gì cũng tiêu vong sụp đổ . Cái ĐÚNG ( chân ), cái TỐT ( thiện ) cái ĐẸP  ( mỹ )mãi mãi là những giá trị tinh thần bất diệt .
 Chân là một giá trị về cái đúng , về thực tại , về sự thật , là chân lý . Ngày nay sự thật , chân lý bị đánh tráo bằng ngôn ngữ quỷ biện , gọi là đánh tráo khái niệm . Sự bưng bít , trí trá , gian dối , láo toét ,...chế ngự chân lý , bóp méo sự thật . Cho dù trình độ và nghệ thuật nói láo có đạt đến đỉnh cao trí tuệ cũng không thành công mãi được . Cây kim trong túi lâu ngày cũng lòi ra  .Sự dối lừa , nguỵ tạo tràn lan , phổ biến có lôi kéo được sự đồng lòng đồng thuận thì cũng trong giai đoạn nhất thời mà thôi .Một khi sự dối trá hiện nguyên hình thì con người bị mất niềm tin . Mất niềm tin là mất tất cả !

   Thiện là cái tốt , là đạo đức luân lý .Cái tốt tỷ lệ thuận với mức độ tiệm cận với cái đúng (  chân ). Càng gần với chân lý thì càng đạo đức . Xa rời chân lý là phi đạo đức .
Trong đạo Phật , ai hiểu đúng được lý nhân duyên , luật nhân quả thì là thiện nhân .Kẻ nào không thấy không biết lẽ vô thường , không tin nhân quả thì không có việc gì mà hắn không làm ( vô sở bất vi ). Lối sống vô luân , vô phép vô tắc là hệ quả của sự dối trá , lừa lọc , mất niềm tin .
  Đắm chìm vật dục là gốc rễ của đau khổ và tội lỗi . Vì khao khát hưởng thụ nên phải nổ lực kiếm tiền càng nhiều càng tốt - có khi không từ cả đồng tiền bất chánh ; chỉ có cách kiếm tiền bất chánh mới nhanh có tiền nhiều ! Hoa hậu , người mẫu bán dâm không phải vì đói cơm thiếu áo mà vì đua đòi hưởng thụ . Ngược lại những đại gia mua dâm cũng chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ .
  Giàu có tiền tài không phải không tốt . Không biết xài tiền đúng mục đích ấy mới là tội lỗi .Shakespeare cho rằng "Khi không còn biết dùng tiền vào việc gì cho phải ấy là lúc người ta bắt đầu làm bậy "
    Người Việt Nam sau nhiều cuộc chiến tranh dai dẳng chịu nhiều đau thương , nghèo khổ , chết chóc . Khi hoà bình lập lại thì nẩy sinh tâm lý hưởng thụ , tâm lý cầu an , tâm lý sợ chiến tranh dù là cuộc chiến tranh vệ quốc .

  Sau cùng là cái đẹp . Cái đẹp là nguyên động lực sáng tác văn chương nghệ thuật nói chung . Cái đẹp là hoa trái của quá trình thăng hoa từ " CON " đến " NGƯỜI" . Con và người là hai thực thể tồn tại : CON : tồn tại thú  vật ; NGƯỜI : tồn tại từ con hướng đến chân thiện mỹ . Nói như Pascal: "Con người chẳng phải thú vật mà cũng chẳng thiên thần " ( L' homme est ni ange ni bête),
   Nếu không thăng hoa , hướng thượng  mà cứ đắm chìm chạy đua theo vật dục thì CON vẫn chỉ là con chứ không thể là người đích thực , Khi trở về làm con thì con người có khi còn hiểm ác bạo tàn hơn loài dã thú .

   Nói đến nét phong hoá của con người nói chung là nói đến chân thiên mỹ ,cốt lõi của văn minh văn hoá . Nếp phong hoá lại là hoa trái của một nền giáo dục . Nền giáo dục của miền Nam trước năm 75 với triết lý NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG  đã sản sinh ra người có nếp phong hoá kế thừa truyền thống  của cha ông ta  ngày trước . Nền giáo dục hiện nay nặng xu hướng đào tạo nhẹ về giáo huấn , khai phóng con người theo hướng chân thiện mỹ .
   Chính vì vậy mà  nếp phong hoá của người Việt Nam nay không còn nữa !


(*) Sau này đã đổi thành " bồi dưỡng thường xuyên "