Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Cà sa mặc rồi và chưa mặc

    Thiền sư Phước Hậu có hai câu thơ nói về nghịch lý của việc tu rồi và chưa tu . Khi chưa vào chùa khoác áo cà sa thì hiềm vì đa sự nhưng khi đã vào chùa khoác áo cà sa thì sự cánh đa
             Vị trước cà sa hiềm đa sự
              Đắc trước cà sa sự cánh đa

Khi chưa khoác áo cà sa thì đa sự là lẽ thường tình . Cuộc đời vốn dĩ phiền toái đa đoan nhiễu sự . Với cái thân ngũ uẩn loay hoay trong sáu căn sáu thức sáu trần cộng với tám ngọn gió phân biệt xúy động từng giờ con người có vô vàn những lo âu sợ hãi , khổ đau phiền muộn . Đó là hoàn cảnh giới hạn  (situation limite )  mà con người luôn luôn tìm cách thoát ra . Đó cũng là cái đang là ( hiện hữu ) mà con người muốn tìm một lối thoát . Có nhiều lối thoát khác nhau nhưng chung quy cũng chỉ để chạy trốn hiện hữu :ví dụ như chọn một lý tưởng , một ý hệ , một định chế chính trị , một tín ngưỡng vân vân ... Đi tu cũng là một trong các lối thoát trên . Nhưng điều oái oăm , đầy nghịch lý là tất cả những lối thoát đều là sản phẩm của tư duy và ngã chấp . Rốt cùng con đường thoát đó là tư duy , mà hễ còn tư duy là còn lối thoát , còn bám víu , còn vướng mắc ...vô hình trung tự tạo ra những dây trói thắt chặt mình . Giải thoát ra khỏi những trói buộc là giải thoát khỏi tư duy . Tâm thể ly niệm , hoàn toàn vắng lặng thì thực tại mới hiển bày . Tìm một lối thoát để thoát ra khỏi cái đang là chẳng khác nào sóng đi tìm nước đang khi sóng chính là nước . Sóng đang là cái mà nó muốn tìm vì trong sóng đã có nước . Anh chính là cái mà anh muốn trở thành ( you are alredy what you want to become).  Đi tu khoác áo cà sa rồi mà còn mãi tư duy , phân biệt thị phi , ôm giữ giáo điều thì chẳng những không phải là người vô sự mà sự còn nhiều hơn . Bàn về việc tìm cầu lối thoát bằng một lý tưởng - xét như một thiên đường huyễn hoặc - bằng những lý luận vụn vặt ,Tuệ Sỹ viết ; " Trước đại dương mênh mông của máu và nước mắt , trước những cuồng phong lửa dữ , trước những dòng xoáy kinh hoàng của sinh tử của biến dịch vô thường ...tất cả đều bị dao động , bị chấn động mạnh . Với những kẻ hèn yếu không tìm ra lối thoát , tự thấy mình hèn yếu bất lực thì hoặc tự trang bị những mẫu lý luận vụn vặt để chối bỏ hiện thực , hoặc tự vẽ cho mình một thiên đường huyễn hoặc . Những người ấy thiếu cả hai : thiếu sự rung động của trái tim và thiếu sự nhạy bén của trí não " . Thiếu sự rung động của trái tim và thiếu sự nhạy bén của trí não tức là thiếu từ bi và trí tuệ . Nói khác nữa là thiếu bồ đề tâm . Và như vậy , nguyên động lực của người xuất gia vào đạo là phát bồ đề tâm .Bài kệ xuất gia sau đây nói rõ nguyên động lực nầy :
                           Hủy hình phi pháp phục 
                           Cát ái từ sở thân
                           Xuất gia thành Phật đạo
                           Nguyện độ nhất thiết nhân
  Mục đích của việc bỏ cái đẹp trần thế, khoác chiếc áo cà sa , cắt đứt dây tình ái là trên cầu Phật đạo , dưới độ chúng sanh . Phật đạo là đạo bồ đề , đạo từ bi và trí tuệ . Áo cà sa là áo pháp  ( pháp phục ). Áo pháp là áo giải thoát , áo thanh tịnh , áo giới luật , áo vô phân biệt . Mặc áo cà sa rồi mà còn vướng mắc , còn phiền não ...thì sự còn nhiều hơn là điều tất yếu . Chiếc áo không phải là con người mặc nó . Con người cũng không phải là chiếc áo . Cho nên mặc áo cà sa rồi chưa chắc trở thành bậc chân tu , người vô sự . Ngạn ngữ tây phương có câu  : "Chiếc áo không làm nên thầy tu " ( Clothe no do monks).
    Trong thời buổi như hiên nay đồ giả nhiều hơn đồ thiệt . Kinh sư dễ kiếm , chân sư khó tìm . Không ít những người đội lốt nhà sư nhập vai đóng giả làm người tu hành lại giữ những chức sắc trong giáo hội để theo đuổi một ý đồ thế tục . Hoặc không ít những kinh sư chuyên nghiệp mượn chiếc áo để làm giàu cho cá nhân ... Tất cả những người này đều là giấy bạc giả của nhà chùa . Họ là những con vi trùng trong thân sư tử mà ngày xưa đức Phật đã từng cảnh báo  : " Sư tử trùng đục sư tử nhục " .  Hạng người này ta không cần bàn đến ở đây . Ở đây ta chỉ nói đến những bậc xúât gia đã từng phát bồ đề tâm , đã từng bi thiết khẩn trương tìm cầu giải thoát như " Cứu cái đầu của mình sắp bị lửa cháy sém ". Những vị này sau khi mặc áo cà sa vẫn còn sự mà đôi khi sự còn nhiều hơn . Trong " Thiền luận " , Suzuki có kể kinh nghiệm của một người tu đạo qua ba giai đoạn :
- Khi chưa vào đạo tu tập tôi thấy núi là núi sông là sông
- Khi đã vào đạo tu tập tôi thấy núi không phải là núi sông không phải là sông
- Và khi tôi đã giác ngộ rồi thì núi vẫn là núi sông vẫn là sông
 Khi chưa quán niệm sâu sự vật ta thấy sự vật chỉ là sự vật như nó vốn có . Nhưng khi quán niệm sâu vào sự vật ta thấy sự vật không có tự tính , tự thể mà do tương tức tương nhập mà có ( tương tức là caí nầy có vì cái kia có , cái nầy không vì cái kia không còn tương nhập là cái nầy có trong cái kia ) . Như vậy núi không phải là núi sông không phải là sông . Bởi vì núi được cấu thành bởi những yếu tố không phải núi và sông cũng được cấu thành bởi những yếu tố không phải sông .Theo nguyên tắc tương nhập núi đã đi vào sông và sông đã đi vào núi . Nhưng khi đã ngộ đạo rồi và trở về với thế giới sinh hoạt hằng ngày thì núi vẫn là núi sông vẫn là sông . Và như vậy ta muốn tắm phải lội xuống sông , muốn hái củi phải leo lên núi . Người mới khoác áo cà sa mới vào đạo thì thấy núi không phải là núi sông không phải là sông mới chỉ là bước đầu của quá trình tu tập chuyển hóa . Bước nầy làm cho hành giả cảm thấy rối rắm hoài nghi , khởi nghi tình sinh ra lắm chuyện . Cũng giai đoạn nầy , hành giả hoang mang đặt ra nhiều nghi vấn , nhiều vấn đề . Ví dụ : đặt câu hỏi con chó có Phật tính không ? Ý của tổ sư Đạt Ma qua Đông Độ là gì ?
Hoặc một thiền sinh năm mươi tuổi đạo đến hỏi Shinkan , một thiền sư tu chứng , rằng :
 -  Tôi đã học ở Tendai về tư tưởng khi tôi còn bé , nhưng có một điều tôi không hiểu được . Tendai dạy rằng đến cỏ cây cũng sẽ giác ngộ . Đối với tôi điều này có vẻ kỳ lạ quá .
 Shinkan trả lời :
- Bàn luận về cỏ cây sẽ giác ngộ thế nào có ích chi đâu . Vấn đề là làm sao chính ông có thể giác ngộ được , ông có xét thấy điều nầy không ?

  Mặc áo cà sa rồi mà vẫn còn đa sự là do tập khí tư duy , biện biệt , tìm cầu bên ngoài mình . Tệ hại hơn nữa là ôm chặt những giáo điều, định kiến . Đời Đường Trung Quốc có một gia đình gồm có ba thành viên đều tu tại gia . Đó là gia đình của cư sĩ Bằng Uẩn . Một hôm ông chồng xướng thoại đầu : Khó , khó , khó một tạ dầu mè trên đầu cây vuốt .
Bà vợ : Dễ, dễ, dễ trăm đầu ngọn cỏ ý tổ sư .
Con gái :  Cũng không khó , cũng không dễ , đói ăn cơm , mệt ngủ khì
  Thì ra mọi con đường hàng ngày đều là con đường vào đạo : gánh nước, bửa củi, đói ăn , khát uống , mệt nghỉ đều là đạo :
                            Nhật dụng vô phi đạo
                            Tâm an tức thị thiền
Núi vẫn là núi sông vẫn là sông là tuệ giác của nhà thiền . " Không tư duy là yếu chỉ của việc tọa thiền .
Không ai trên đời muốn đa đoan đa sự . Dù là đa sự ngoài thế tục hay đa sự trong chốn thiền môn đều phiền não như nhau . Ái và kiến là hai mặt của phiền não . Tu mà còn bận bịu , còn lo lắng , còn nhiều vấn đề , còn nhiều dự án thì làm sao trở thành người vô sự được . Người vô sự là người không đâu để đến , không  chi để làm ; nhưng lại đi đâu cũng tới thấy chi cũng làm . Làm rất nhiều mà xem như không làm chi cả . Lấy cái làm mà không làm , lấy cái không làm mà làm .
                   Trơ trơ không tu thiện
                   Lăng xăng không tạo ác 
                   Giải trừ tâm phân biệt 
                   Lộ lộ tâm vô trước
  Khi tiếp xúc với ngoại cảnh bằng cách nhìn sâu và lắng nghe với cái tâm không chấp trước , không phân biệt thì tất cả pháp đều là Phật pháp vậy !

 

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Lập đông

        Lập đông nầy bửa hôm nay
    Trời se thắt lạnh mới hay thu tàn
        Nghe từ viễn mộng mơ màng...
     Trong tro lạnh.. vẫn còn than lửa hồng

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Khổ nhi tri

  Khổ nhi tri hay khốn nhi tri là do khốn khổ cùng cực mà thấu hiểu lẽ trời lẽ đạo . Sách trung dung dành riêng một phần quan trọng ( chương XXIII) để bàn về phương pháp học hỏi . Trước hết là bàn về cách BIẾT . Có ba cách BIẾT :Một là sinh ra đã biết ( sinh nhi tri ) cái biết do thiên bẩm của bậc thượng trí ; thứ hai là học  mà biết ( học nhi tri ) là cách biết bậc thứ của người bình thường và thứ ba là do chịu khốn cùng khổ sở , nhờ vào kinh nghiệm mà  biết ( KHỔ nhi tri ). Dù biết bằng cách nào thì kết quả vẫn như nhau . Sự liễu ngộ trong đạo Phật bắt đầu từ liễu sinh tử . Chấp nhận sự thật khổ đau ( khổ đế )để tìm hiểu nguyên nhân khổ đau ( tập đế )và rồi chọn con đường tu tập ( đạo đế )để chấm dứt khổ đau ( diệt đế ) ." Đời là bể khổ" câu nói dân gian này phát ra từ cửa miệng của những người lâm vào cảnh khổ . Sinh lão bệnh tử khổ , cầu bất đắc khổ , ái biệt ly khổ oán tắng hội khổ , ...Không ai tránh được khổ .Nói như cách nói của một nhà thơ nào đó :
"Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió 
Cũng chỉ trong vòng bể thảm thôi "
  Tuy nhiên , nói như vậy không có nghĩa là ai ai cũng khổ . Nhờ y báo , phước báo thừa hưởng nhân lành kiếp trước nên có người gặp nhiều may mắn , được sung sướng hạnh phúc . Song dù vậy họ vẫn không thoát được sinh lão bệnh tử . Nói về người chịu cảnh khổ sẽ có hai thái độ khác nhau 
   1/ Chấp nhận sự thật một cách hoan hỹ . người này kham nhẫn chịu đựng kết quả của nghiệp NHÂN kiếp trước ( Đức Phật dạy rằng chúng sinh là kẻ thừa tự những hành động mà y đã gây ra trong quá khứ).Kham nhẫn là chịu đựng được những gì tưởng chừng không thể chịu đựng . Kinh qua được khổ đau cùng cực người này sẽ thấu hiểu được lẽ vô thường vô ngã .
  2/ Chịu hoàn cảnh khổ đau một cách buông xuôi , tha hồ để buồn đau gậm nhấm ,tàn hại thân tâm . Họ để cho nỗi khổ đau đè nặng lên thân phận rồi than thân trách phận , than trời trách đất , hờn cha oán mẹ .Họ không nghĩ quả đời này chính là nhân đời trước . Nói như cụ Nguyễn Du :
   Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
  Cái khổ nào rồi cũng giống cái khổ nào . hoàn cảnh thì không khác chỉ khác nhau ở thái độ của con người trước hoàn cảnh mà thôi . Do cái nhìn phân biệt mà nẩy sinh ra các hoàn cảnh khác nhau : " Tôi khổ đau vì tôi nhìn thấy hoàn cảnh của tôi khác hoàn cảnh của người kia , họ có phước hơn tôi , con họ thành đạt hơn con tôi ..vv... Với cái nhìn và thái độ ấy đương sự trước sau gì cũng chìm trong bể khổ . Nhưng nếu chấp nhận SỰ THẬT ( khổ ) một cách hoan hỹ , kham nhẫn , chịu đựng ...thì con người trong cảnh khổ này sẽ ngộ ra chân lý cuộc đời : Khổ- vô thường - vô ngã-.Vì quá đau khổ ta thấu hiểu được rằng ĐỜI LÀ KHỔ . Hiểu được khổ ta dễ dàng chấp nhận vô thường và vì vô thường nên mới vô ngã . Khổ nhi tri 
   Chịu đựng được điều tưởng chừng như không thể chịu đựng được gọi là nhẫn ba la mật . Kinh Kim Cang gọi là đắc thành ư nhẫn ..
Tu là phải rèn luyện trong sự đau khổ ( khổ tu ) . Tu sĩ Phật giáo tự xưng là bần tăng chứ không ai xưng là phú tăng . Ngày nay ít thấy ai xưng bần tăng vì đa số có khá nhiều tư hữu  .. Khổ đau khốn đốn là nghịch cảnh của người TU . "Tu trong nghịch cảnh chẳng khác nào nồi lửa bỏng mà rèn luyện thành kim cang bất hoại .". Thiền sư Hoàng Bá cho rằng để có   được mùi hương thơm ngát   vào mùa xuân thì  hoa mai phải biết chịu cái rét buốt của đêm đông hôm trước :
  Chẳng trãi một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát hương đưa
Khổ nhi tri là một cách biết , cách học hỏi để biết từ thế bị động biến thành chủ động - Vật cùng tất biến, biến cùng tất thông -. Trong lịch sử trong văn chương và cả trong thực tế cuộc sống liên tục xảy ra đây đó hiện tượng nầy . Ta thử đơn cử vài ví dụ :
   Vua Trần Thái Tông tức Trần Cảnh bị chú ruột của mình là Trần Thủ Độ bức ép lấy chị dâu ( vợ Trần Liễu ) đang có mang . Trần Cảnh đau khổ buồn bã, chán ngán trước cảnh thương luân bại lý đã bỏ cung điện ngôi báu như vứt " đôi giày rách " đang đêm qua sông Bình Than vào chùa Hoa Yên núi Yên Tử phát nguyện xuất gia cùng thiền sư Phù Vân . Vua nói :  Ta đến đây chỉ cầu làm Phật không cầu gì khác  ( duy cầu tác Phật bất cầu tha vật )  . Thiền sư khuyên vua : Bệ hạ nên trở về để thực hiện Đạo trong Đời . Trong núi không có Phật .Phật ở tại trong tâm .Tâm yên tỉnh mà giác ngộ ấy là Chân Phật .
  Và như vậy từ nỗi đau khổ bị bức ép mà Trần Cảnh đã giác ngộ được điều thứ nhất trong tám điều giác ngộ của bậc đại nhân ( bát đại nhân giác ) .*
  Trần Thủ Độ vì muốn gầy dựng nghiệp đế cho nhà tần nên bất chấp mọi thủ đoạn . Thủ Độ ép Lý huệ tông phải vào chùa . Trong hoàn cảnh bị bức ép , đau khổ , Lý huệ Tông không có tâm thế sẵn sàng chịu đựng nên khi nghe Thủ độ dọa " nhổ cỏ tận gốc "thì bèn ra sau chùa thắt cổ tự tử . Vì đã vào chùa nhưng chưa đắc thành ư nhẫn nhà vua cuối cùng của họ Lý phải chịu sự bức tử !
  Xem ra khổ và chịu khổ là hai thái độ khác nhau . Khổ là để cho nỗi đau tha hồ gậm nhấm , tàn hại thân tâm . Còn chịu khổ là kham nhẫn chấp nhận thực tại khổ đau , giáp mặt cuộc đời tìm ra lẽ đạo :
  "Bắt phong trần phải phong trần 
Cho thanh cao mới được phần thanh cao "
  Hai câu trên làm ta liên tưởng đến thân phận nàng Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn du . Trải qua Mười lăm năm bị trôi giạt , dập vùi , tủi nhục ê chề Kiều đã ngộ ra một điều : " tu là cõi phúc , tình là dây oan ".Trong buổi Kim Kiều tái hợp , cả nhà ai cũng động viên khích lệ Kiều chấp nối mối tình dang dở với Kim Trọng . Thế nhưng Kiều một mực chối từ và xin lập một am tranh sau vườn để tu cho hết kiếp phong trần .
  Thì ra , hạt giống Bồ Đề cho dù bị vùi lấp trong bùn đen tanh tưởi vẫn còn khả tính triển nở , nẩy mầm , để rồi vươn lên cao vút .... Tuy cũng có lúc Thúy Kiều buông tay trước số phận :
  "Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa "


Sao lại chừa chút lòng trinh bạch ?  Đó là bi kịch muôn thuở của con người bị o ép trước hoàn cảnh . Vì hoàn cảnh mà con người muốn sống lương thiện , hiền lương cũng không xong . Xưa nay người ta xin chừa những thói hư tật xấu chứ nào ai nói xin chừa lòng trinh bạch ?! Không phải Thúy kiều đổ thừa hoàn cảnh để ra tiếp khách làng chơi mà vì nàng biết  rất rõ khung hình phạt đối với tội " bỏ nhà theo trai "trong bối cảnh xã hội bấy giờ . Lỗi không phải ở nàng mà ở tên Sở Khanh đểu cáng  trân tráo . Hắn ta đã cấu kết với tú bà dụ cho Kiều bỏ trốn rồi  chỉ điểm  cho tú bà bắt lại .Điều đáng quý là mặc dầu " thanh y hai lượt thanh lâu hai lần "nhưng Kiều vẫn giữ được một " chữ Trinh " ( chữ trinh còn lại chút này ) . Chữ trinh ở đây chính là" nhất phiến băng tâm "là giác tính là lương thức trong " linh khâm " của mỗi con người . Như nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã nói :
  "Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn 
    Mà em vẫn giữ tấm lòng son "
Nhờ vào giác tính lương thức ấy mà Kiều ngộ ra được vô thường vô ngã . . Nhìn sâu vào khổ đau ta thấu hiểu được lẽ vô thường , hiểu được vô thường là chấp nhận vô ngã và vô ngã dẫn ta đến niết bàn !Niết bàn có nghĩa là dập tắt , tắt ngấm những khổ đau phiền muộn , đạt trạng thái an lạc diệt độ .
   Vào những năm 80 , nhiều người Việt Nam tìm đủ mọi cách vượt biển để tìm đến miền đất mà họ muốn đến . Họ đã phải chịu bao nhiêu nguy hiểm , gian truân lẫn máu và nước mắt  trong chuyến đi này . Nào là sóng to gió dữ nào là hải tặc hung hãn hiếp người cướp của ...nào là đói , khát , nào là thuyền bị chết máy giữa biển...Có gia đình năm  người sau chuyến đi chỉ còn một người sống sót . Người phụ nữ nầy đã  may mắn sống sót trong khi chồng chị  , hai con chị và đứa em của chị  đã không còn nữa . Đây là hoàn cảnh khổ đau tưởng chừng như không thể chịu đưng nổi ! Nhưng chị ấy đã vượt qua nhờ pháp âm , hải triều âm đã cảm ứng đạo giao. Khi đã chịu đựng tận cùng nỗi khổ chị đã ngộ được lẽ đời lẽ đạo . Chị dùng gần hầu hết đồng tiền kiếm được gởi về quê nhà cho gia đình và nhờ các em đi làm việc từ thiện .Chị muốn chia sẽ một phần với những mảnh đời khốn khó ;chị muốn nhờ bàn tay nối dài xoa dịu những nỗi lòng đau khổ . Đúng là    " đoạn trường ai có qua cầu mới hay ".


    Về tiến trình tâm , có bốn giai đoạn đạt trạng thái đoạn, hoặc ,chứng ,chân , chuyển mê thành ngộ . Đó là thấy , biết , sáng đạt .Riêng về cái biết có ba cách biết như đã nói ở trên . Đối với bậc thượng trí sinh nhi tri như Tổ Huệ Năng chỉ cần nghe một câu trong kinh Kim Cang là đã ngộ . Có người miệt mài kinh giáo mới được ngộ như ngài Thần Tú . Cũng có người do giáp mặt với những khổ đau cùng cực mà tự ngộ ra lẽ đời lẽ đạo . Ấy gọi là khổ nhi tri . Nhưng không phải hể khổ là biết . Muốn biết,  người chịu khổ phải có thái độ chấp nhận sự thật" một cách hoan hỷ", phải biết kham nhẫn để chuyển hóa hoàn cảnh . Nỗi khổ đau là bậc thang cho người trí dũng nhưng là vực thẳm cho kẻ yếu mềm bi lụy . Alfred de Musset, một nhà thơ Pháp , đã nói :" Không có gì làm cho ta trở nên kỳ vĩ cao đại bằng một nỗi đau đớn lớn nhất " ( Rien ne nous rend si grand qu'une grande douleur).


__________________________________________________________________________________________________________

.*Điều thứ nhất trong tám điều giác ngộ của bậc đại nhân : Cuộc đời là vô thường , cấu tạo các đại đều rỗng , ngũ ấm không có thực ngã . Tâm không tạp loạn . Thân không tham dục

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Phép lạ

         Lời qua tiếng lại mà chi 
     Cũng không cứu vãn được gì nữa đâu 
        Chi bằng hít thở cho sâu 
     Rỗng rang mỉm miệng mời nhau nụ cười

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Đường đi vào đạo

   Không ít người cho rằng đường đi vào đạo là đại tạng kinh điển , là các lớp học giáo lý , là đường đến chùa , đường lên núi Thướu , đường đến núi Bà , đường ra Tịnh Xứ , đường xuống biển Nam ,...Thật ra mọi con đường hàng ngày là con đường vào đạo đấy thôi .
  Ngài Huệ Trung Thượng Sĩ nói : " Hoa đào đâu phải cội bồ . Linh Vân sao lại tìm vô đạo tràng ? " . Hòa thượng Linh Vân là học trò ngài Quy Sơn bỏ hết sách vở kinh kệ đi chơi rong tình cờ bắt gặp hoa đào nở liền hốt nhiên đại ngộ.Ngài làm bài thi kệ sau đây :
    Tam thập niên lai tầm kiếm khách 
    Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi 
   Tư tòng nhất kiến đào hoa hậu 
    Trực chỉ như kim cánh bất nghi
  Dịch :
   Ba chục năm rồi tìm kiếm khách 
   Mấy hồi lá rụng cành cây khô
   Một lần chợt thấy hoa đào ấy 
   Nghi vấn xưa nay thấy rụng rời
    Đúng là hoa đào không phải là cội bồ đề bởi vì đã là Linh Vân rồi thì không cần phải đến đạo tràng.
 Như vây con đường vào đạo , ngộ đạo không nhất thiết là con đường vào chùa , không nhất thiết là con đường đến các trường trung cấp ,cao đẳng ,  đại học Phật giáo , cũng không nhất thiết là những con đường hành hương lễ Phật . Bởi vì mọi con đường hàng ngày đều là con đường vào đạo . Hòa thương Linh Vân nhìn thấy hoa đào mà lòng bừng sáng diệu tâm của mình . Đó là phút giây bừng thức, phút giây đại ngộ . Trong nhà thiền không ít những bậc đại sư miệt mài giáo điển, tụng đọc kinh luận , đi thăm vấn hết thầy nầy đến thầy kia mà vẫn chưa ngộ . Thế rồi một ngày kia không tìm mà được , không đi mà đến như ngài Đức Sơn , ngài Hương Nghiêm.Ngài Đức Sơn đứng hầu thầy tới khuya không chịu về . Thầy bảo về đi . Đức Sơn chạy ra ngoài rồi chạy vào nói trời tối quá . Thầy bảo  đốt đuốc lên mà đi  . Thế là Đức Sơn bừng ngộ . Còn ngài Hương Nghiêm rời bỏ kinh sách , lấy chổi quét sân chùa , bỗng nghe tiếng sỏi va vào bụi trúc hốt nhiên đại ngộ . Như vậy  những việc làm hàng ngày như xem hoa nở như quét sân chùa đều là con đường vào đạọ.
   Tuệ Trung Thượng Sĩ viết trong ngữ lục :
Đi cũng thiền ngồi cũng thiền
Trong lò lửa đỏ một cành sen
Ý khí mất đi thêm ý khí
Được an tiện đấy cứ tiện an
   Đó cũng là tư tưởng tùy xứ tác chủ . Có nghĩa là ở đâu ta cũng làm chủ , ở đâu ta cũng có chủ quyền của mình , ở đâu ta cũng sống thành thật với chính mình . Sống trong chánh niệm ta chế tác ra được rất nhiều năng lượng . Với năng lượng nầy giúp ta khai mở , triển nở , hiển lộ những điều mới mẽ trong cuộc sống . Mọi con đường hàng ngày là con đường vào đạo với điều kiện là người đi trên con đường ấy phải chánh niệm . Niệm sinh ra Định ,Định sinh ra Tuệ . Trước hết là niệm . Khi ta chánh niệm ta biết ta là ai , ta biết cái gì đang xảy ra . Trong niệm có định ,trong niệm cũng có huệ . Ngài Huệ năng nói : " Định và Tuệ đừng tưởng đó là hai cái .Định tức là Tuệ " .Đi cũng thiền ,nằm cũng thiền . Nói nín động tĩnh thể an nhiên .Khi đã chánh niệm thì mọi con đường hàng ngày là con đường vào đạo . Ở trong phòng mà chánh niệm là Phật , ngồi giữa đạo tràng mà tà niệm vẫn là ma . Chánh niệm giúp ta làm mới từng giây phút hiện tại .Trúc Lâm đạo sĩ núi Yên Tử nói : " Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân  ( Mỗi lần bàn đến lại thành mới tinh ).Thiền sư Nhất Hạnh nói : "Khi ta làm mới lại con người của ta trong từng giây phút hiện tại tức thì ta cảm thấy mát mẽ, dễ chịu đối với mọi người ; và khi ta đổi mới ta rồi thì nhìn mọi vật đều mới "
   Đem tâm về với thân bằng hơi thở nhiếp niệm . Hơi thở có ý thức tạo ra sự hòa điệu giữa thân với tâm : Thân tâm nhất như .
     Chánh niệm chánh tâm giúp ta làm chủ được mọi cảnh ngộ , mọi tình huống .Chí sĩ Phan Bội châu , một nhà thơ nho học , cũng phải công nhận sức mạnh vô địch của chánh tâm : " Muốn làm thánh triết cốt ở chánh tâm . Đánh được giặc tâm  mới là danh tướng "

      Ngày nay người ta tu hành theo phong trào hành hương lễ Phật cầu phước . Họ rũ nhau đi cầu lộc ở núi Bà , cầu phước ở núi Yên tử ...mà quên những bước đi chánh niệm . Đi trong chánh niệm là con đường hàng ngày đưa ta vào đạo . Đi trong chánh niệm là nẻo về của ý . Đi trong chánh niệm là dập tắt những nóng bức sân hận , những hờn giận ganh đua để đến tịch diệt niết bàn.
  Bài thi kệ Thiền hành  sau đây giúp ta thấy được lợi lạc của việc đi trong chánh niệm:
   Ý về muôn vạn nẻo
   Thiền lộ tâm an nhiên 
   Từng bước gió mát dậy
   Từng bước nở hoa sen

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

TẬP ĐI

     Mỗi bước chân đặt trên mặt đất
     Như ấn tín của quốc vương in trên chiếu chỉ
Từng bước
Từng bước đi
Nhiếp niệm
Khoan thai
Vững chãi
Trên trái đất nầy cùng hơi thở vào ra

Thở vào
      Ta đếm
       Một hai
Thở ra
      Ta bước một hai hài hòa

Những bước chân nối nhau cùng nhịp thở
Như sợi chỉ xâu những viên ngọc trai thành chuổi hạt
Thân, Tâm ta chẳng rơi vãi, bung thùa ...
Là ta có mặt
   Ở đây
   Bây giờ
    An trú

Còn Em ở đâu ?
Hãy cùng ta có mặt !
Trên trái đất nầy trong mỗi phút giây

Bây giờ hay chẳng bao giờ
Cùng đi và không đến

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Phải chăng xã hội Trung Quốc hiện nay là một xã hộị lý ?

Hôm thứ sáu ngày 21/10/2011 báo đài đưa tin một bé gái (TQ )2 tuổi bị 18 người qua đường phớt lờ sau khi bị xe tải cán và bị thương nặng trên đường phố .Bé Duyệt bị một chiếc xe tải đâm ngã ra đường , rồi sau đó bị một chiếc xe tải khác lớn hơn cán ngang qua người lần nữa tại thành phố Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng đông . Mãi đến người thứ mười chín - một người dọn rác -mới  đưa cháu bé vào vỉa hè và kêu gọi mọi người giúp đỡ .Cũng ở TQ vào năm 2006 một người đàn ông đã tìm cách giúp một người phụ nữ lớn tuổi bị ngã ,sau đó ông bị truy tố với lý do sự can thiệp của ông vào thời điểm đó là vi phạm các qui định của chính phủ về trình tự xử lý nạn nhân trong các vụ tai nạn .Xâu chuỗi các vụ việc trên đây ta có thể hình dung xã hội TQ hiện nay là một xã hội lý
       Trước hết thế nào là một xã hội lý ?Ta có thể tạm thời định nghĩa xã hội lý là một xã hội duy lý một cách độc đoán .Trong xã hội duy lý chỉ có suy tư thiếu cảm xúc và đời sống thật .Con người trong kiểu xã hội nầy chỉ cần thành công chứ không cần thành nhân .Thậm chí cũng không có con người đích thực . Nói như cách nói của Emerson" Chúng ta chưa từng được thấy một NGƯỜI "trong khi một con người toàn diện và đích thực phải hội đủ ba phương diện :Ý-tình -chí (lý trí ,tình cảm và hành động ).Con người trong xã hội lý là con người của những phần mãnh manh mún (framents). Về phần lý trí thì đó là loại lý trí kê tính đo lường ; về hành động thì đó là hành động duy ý chí , xem mọi phương tiện đều tốt cho mục đích cứu cánh (tous les moyens sont bons).Thời phong kiến người ta gọi mô thức nầy là bá đạo thay vì vương đạo .Mô thức xã hội nầy dựa vào pháp trị thay vì nhân trị .Nhà cầm quyền dựa vào luật pháp , vào thuyết lý , ý hệ chứ không dựa vào kinh điển .Ở TQ thời tiên Tần các vua chúa dựa vào tứ thư ngũ kinh của nho gia đặc biệt là kinh dịch để xếp đặt giềng mối kỷ cương cho quốc gia xã tắc .Các danh sĩ, hiền tài dựa vào kinh điển để đi du thuyết . Kịp đến thời Tần Thỉ hoàng có chủ trương đốt sách chôn nho rồi dựa vào học thuyết pháp trị của Lý Tư và Hàn Phi để cai trị . Thành công của Tần Thỉ hoàng là thống nhất được sáu nước và xây được Vạn lý trường thành . Nhưng thất bại chua xót nhất của xã hội Trung Hoa thời ấy là thiếu tình người , thậm chí thiếu cả tình máu mủ ruột thịt .Hàn Phi và Lý Tư chế định ra một thứ pháp chế quá lạnh lùng khắc nghiệt và tàn nhẫn để trị an xã tắc . Hai ông nầy mượn sách của Hoàng Đế Lão Tử chủ trương rằng đối với người dân chỉ có thể làm cho họ giống nhau răng rắc chứ không cần cho họ hiểu biết nhiều ( dân khả sử do bất khả sử tri ).Đó là một chánh sách ngu dân .
    Thời đại ngày nay nhiều quốc gia xây dựng nhà nước pháp quyền, dùng luật pháp để quản lý xã hội .TQ đất rộng người đông muốn bình thiên hạ không có con đường nào khác hơn là dùng pháp quyền . Đó là điều hiển nhiên . Thế nhưng luật pháp dù có chặt chẻ và nghiêm minh đến đâu vẫn có nhiều kẻ hở . Chính những nhà làm luật La Mã sau khi viết xong một bộ luật luôn có kèm theo một câu :" Hãy coi chừng ! Quá công bình quá bất công ". Vì vậy trong hệ thống tư pháp luôn luôn có luật sư bào chữa cùng với nhà văn nhà báo phóng viên ...để chế tài sự cứng nhắc của luật pháp .Nhưng những luật sư và những người cầm bút có phát huy được tác dụng của mình hay không còn tùy thuộc vào mức độ độc lập trong tác nghiệp . Học gỉa Nguyễn Hiến Lê trong hồi ký của mình đã viết  :Trong một xã hội mà nghề luật sư và nghề cầm bút không phải là nghề tự do thì xã hội ấy không phải là xã hội tự do ". TQ vào thời kỳ cách mạng văn hóa đã tẩy chay Khổng giáo , xóa sạch kinh điển tạo ra lổ hỗng to lớn về đạo đức làm người - giữa con người với con người sống với nhau bằng lý chứ không bằng tình . Hai chữ nhân nghĩa  của Khổng Mạnh nói lên quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người , giữa cá nhân và cộng đồng ( chữ nhân được cấu thành bởi bộ nhân đứng và chữ nhị , còn chữ nghĩa cấu thành bởi chữ dương -bầy đàn-và chữ ngã - cá nhân -).Nhờ có kinh điển mà đời sống tâm linh được di dưỡng , triển nở và bảo tồn. Tâm linh là cái gì mang tính phổ quát xét như là bản thể của vũ trụ ( numen). Tâm linh là cái gì huyền bí đáng sợ nhưng có sức lôi cuốn hấp dẫn . Kinh dịch cho Thần là vô phương tức là không có phương nào nhất định nhưng lại vô sở bất tại tức là không đâu không có . Thời phong kiến các quan lại không dám làm việc xấu ác vì sợ Thần, dân oán giận .Trong kinh phật coi tâm linh là bản thể chân như tức là Như lai tạng :
Tại thế vi nhân thân 
Tâm vi Như Lai tạng 
Chiếu diệu thả vô phương
Tầm chi  cánh tuyệt khoáng 
(Ở đời làm thân người  Tâm là Như Lai tạng Chiếu rọi phắp muôn phương  Nếu tìm không thấy bóng ).
    Đời sống người dân trong một xã hội lý nghèo nàn tâm linh vì không có kinh điển làm chỗ sở y . Và hệ quả tất yếu là trở nên vô cảm vô tình vô tâm như ta đã thấy . Ngay như đồ ăn thức uống cũng bị pha chế bằng những thứ dơ bẩn , đồ chơi trẻ em thì có chất độc hại ...; chưa kể nạn hàng giả hàng nhái hàng dởm tràn lan . Một xã hội mà sự lừa đảo dối trá được xã hội hóa thì không việc gì người ta không làm . Án tử hình tăng nhưng tội phạm thì không giảm . Miễn là qua mặt được luật pháp thì không còn sợ gì cả .Bởi vì họ không tin quỷ Thần , không trọng hiền Thánh , không sợ quả báo...Xã hội Âu Mỹ vẫn coi trọng pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp chế song bên cạnh đó họ có luật sư hành nghề tự do và đặc biệt họ cũng có kinh thánh . Kinh Thánh tuy chưa phải là kinh điển song cũng thay thế được kinh điển để quan phòng những việc xấu , ác .Họ làm gì cũng " vì Chúa ". Tổng Thống khi tuyên thệ nhậm chức cũng phải đặt tay lên kinh Thánh . Thì ra tôn giáo , tín ngưỡng cũng hổ trợ một cách đắc lực cho chính quyền trong việc hiền lương hóa con người , lành mạnh hóa xã hội . Như Nguyễn Du đã nói " Ngoài thì là lý nhưng trong là tình " . Một trong những yếu tố để trở nên con người đích thực là lương thức và lòng trắc ẩn . Sự việc một em bé 2 tuổi nằm bất tỉnh trên vũng máu mà người qua kẻ lại không ai quan tâm đoái hoài là hiện tượng băng hoại của một xã hội duy lý . Ở các nước văn minh tiến bộ có luật phạt tù kẻ thấy người lâm nạn mà không cứu giúp . Nhưng ở TQ lại  có luật truy tố người có hành vi can thiệp xử lý nạn nhân trong các vụ tai nạn với tội danh :Vi phạm các quy định của chính phủ về việc trình tự xử lý nạn nhân .Cứu người như cứu hỏa mà làm theo "trình tự " thì quá muộn rồi !Em bé Duyệt Duyệt tử vong là do con người mất tính người , do không có lòng trắc ẩn , do máu lạnh...Con người có máu lạnh là sản phẩm của một xã hội lý .Về mặt pháp lý không có quyền trừng phạt những người không giúp đỡ Duyệt Duyệt .Cư dân mạng TQ có người đưa ý kiến "sẽ thích hợp hơn nếu làm ra luật thưởng chứ không trừng phạt những người không giúp đỡ "  Một người khác cảnh báo " Sự cố Duyệt Duyệt nhắc chúng ta rằng TQ đang ở đâu trong bậc thang đạo đức !". Một người khác chua chát :" Vĩnh biệt bé và đừng có sinh ra ở TQ vào kiếp sau nữa " .Mới  đây, các nhà lãnh đạo TQ tuyên bố với thế giới rằng sẽ xây dựng nền văn hóa TQ thành siêu cường văn hóa trên thế giới ...Không biết cái siêu cường văn hóa đó dựa vào đâu ?!

Trung Hoa là một đất nước đáng tự hào về một nền văn minh tối cổ ngang tầm với Hy lạp , Ấn độ ...Đất nước nầy đáng tự hào bởi có những nhà tư tưởng vĩ đại có tầm ảnh hưởng chẳng những đến khu vực mà còn ảnh hưởng cả thế giới . Đó là chưa kể đến những áng thơ Đường uyên thâm , trác việt .Nhưng TQ ngày nay đạo đức xuống cấp - sự gian dối thành dịch bệnh , tình người thì bị gọt giũa nhiều góc cạnh . Phải chăng xã hội TQ quá sùng bái pháp chế thay vì sùng bái kinh điển như các vương triều xưa cũ . Xã hội lý đã biến con người thuộc giống hữu tình thành giống vô tình :
    Giang hà nhật hạ nhân ô trọc
   Thiên địa lô trung thục hữu tình *



* Nước sông mỗi ngày mỗi cạn , người người ô trọc . Trong cái lò của trời đất biết ai là giống hữu tình đây ?!

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

LẼ ĐỜI CHO - NHẬN

               Quy luật của cuộc đời là cho cái gì sẽ nhận cái ấy

               Nếu bạn sống dửng dưng quay lưng hờ hững 
               Bạn sẽ nhận lại sự thờ ơ hờ hững dửng dưng

               Một lời chào
               Một cái vẫy tay
               Một cái mỉm cười
               Đôi lời khích lệ
               Vài ba cử chỉ lắng nghe 
               Tuy là bé nhỏ
               Song to lớn biết bao khi nghe tin người đó qua đời 

               Rồi ngày mai đi xa
               Ai là người tiễn ta đến cuối con đường ?

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Một kiểu dùng từ không bình thường

Gần đây có hiện tượng  gắn từ " Việt " sau một danh từ trước nó và dùng như một định ngữ : Văn chương Việt , bài hát Việt , tâm hồn Việt , trò chơi Việt , nét đẹp Việt vv...Vì sao lại thế ?
      Làm như thế để thể hiện lòng tự hào dân tộc chăng ?hoặc giả để nhấn mạnh sắc thái đặc thù đã được nhiều quốc gia thừa nhận theo cách nói như: giá trị Mỹ , giá trị Nhật chăng ?.Cũng có giả thuyết cho rằng làm như thế là do xuất phát từ tâm lý sợ hãi nguy cơ bị đồng hóa , pha trộn , lẫn lộn với các thứ khác .
    Văn hóa Việt Nam đã được hình thành và khẳng định suốt bốn ngàn năm văn hiến .Nguyễn Trãi trong bài cáo bình Ngô đã tái khẳng định : " Như nước Việt ta từ trước vốn xưng nền văn hiến đã lâu, núi sông bờ cõi đã chia , phong tục Bắc Nam có khác ..." Vậy hà cớ gì bây giờ phải dùng các từ" ...Việt "? Kiểu dùng từ như trên mỗi ngày một phổ biến và được nhiều người bắt chước một cách vô ý thức .
   Ngược dòng thời gian , nhớ lại thời Pháp thuộc , văn minh Tây phương tràn ngập xã hội Việt Nam gây ra cảnh bát nháo , lố lăng trong lối sống của bọn thị dân hãnh tiến .Thực chất của văn minh Tây phương đáng được học hỏi . Thế nhưng người mang nó sang đây là bọn lính đánh thuê vô học và các tên thực dân võ biền thô lậu nên nền văn minh ấy không còn giữ được nguyên chất . Dân tộc Việt Nam đã được chủng ngừa vaccin từ thời nội thuộc phương Bắc nên không dễ gì bị Pháp đồng hóa Thời thuộc Pháp dân ta đề cao cảnh giác âm mưu đồng hóa của thực dân  nên phân biệt Tây , Ta rạch ròi : Chữ có chữ Tây chữ Ta , rựou có rượu Tây  rượu Ta , thuốc có thuốc tây thuốc Ta  , vải có vải Tây vải Ta vv...Và một số ít thị dân theo Tây kiếm chút bơ sữa nên sống nửa Tây nửa ta , nhi nhô nhí nhố ...còn tuyệt đại đa số dân ta vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc .Tinh thần Âu hóa có sáng tạo , có chọn lọc được Phan Chu Trinh cổ xúy trong phong trào duy tân : Muốn đánh Pháp trước hết phải khai phóng dân tộc : khai dân trí , phục hồi dân khí , cải thiện dân sinh . Đó là một kiểu duy tân chân chính .Tuy nhiên bên cạnh đó lại có kiểu duy tân dở mùa , có ý đồ ngu dân . Những trò hợm hĩnh nhố nhăng làm chướng tai gai mắt những bậc thức giả ưu thời mẫn thế . Nhà thơ trào phúng Tú Xương có bài thơ châm biếm kiểu duy tân nửa mùa :
   Gặp ba ông Táo dạo chơi xuân
   Đội mũ mang hia chẳng mặc quần
  Trời hỏi vì sao ăn vận thế ? 
  Thưa rằng hạ giới nó duy tân !
        Sau nầy nhà thơ Tú Mỡ họa lại bài thơ trên :
Thưa rằng hạ giới nó duy tân 
Chỉ có trên đầu với dưới chân 
Trong bụng chứa nguyên điều hủ bại 
Xin trời đại xá bọn ngu dân .
  Đó là kiểu duy tân bằng hình thức ngụy trang bên ngoài còn thì " Trong bụng giữ nguyên điều hũ bại " .Ý nghĩa biểu đạt của bài thơ họa : Duy tân gì thì duy tân nhưng phải bắt đầu bằng chính bản thân của mỗi con người . Làm cách mạng cũng vậy , phải cách mạng bản thân trước đã .
   Tóm lại bản thân của những từ duy tân , đổi mới , cách tân vốn dĩ đẹp đẽ đúng với nguyên nghĩa của nó . Điều tệ hại là những từ ngữ ấy bị lạm dụng để lấp liếm một ý đồ không trong sáng , thiếu lành mạnh . Đó chẳng qua là một hình thức mỵ dân chứ không có thực tâm duy tân , cải cách .
 

Định chế và cạm bẩy

  Thần thánh do đời phong
  Tự thân không hóa thánh
  Định chế là cạm bẩy
  Phỉnh lừa cả thánh nhân !

 Chúa dở khóc dở cười
 Bước lên thập tự giá
 Bởi Tông đồ của Ngài
  Luận bàn xong ngôi chúa

 Trước khi Người tự giác ?!
  Buộc phải bước lên Ngôi !

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Đi như bị ma đuổi có khác gì sống say chết mộng

Tại sao ta cứ phải đi như bị ma đuổi ? Tại sao ta không sống trong phút giây hiện tại ? Đó là những vấn đề cần trầm tư trong cõi nhân sinh .
     Trước hết là   vấn đề Đi như ma đuổi . Đi như bị ma đuổi là đi nháo nhào , bương bãi , đầu óc chỉ tập trung vào địa chỉ nơi đến mà không để ý đến những bước đi và con đường mình đang đi . Ông cha ta xưa đi đứng đằng thằng , thong thả , từ tốn .Vì  :" Lật đật cũng tới bến than mà lang thang cũng tới bến đò " Hoặc " Đi đâu mà vội mà vàng , mà vấp phải đá mà quàng phải chân " . Ngày nay với nhịp sống sôi động thời hiện đại cái gì cũng hối hả vội vàng ..Phương tiện đi lại dùng toàn phân khối lớn . Nhiều người chạy xe những muốn nuốt chững quãng đường trước mặt . Đi như bị ma đuổi là đi trong trạng thái hoàn toàn phân tâm trong lúc đi đường ; vì toàn bộ tâm trí đều hướng đến địa chỉ muốn đến : Đi đến chỗ làm ; đi gặp người yêu ; đi gặp đối tác vv...thậm chí đi chơi cũng mong cho chóng đến nơi . Vì không tập trung vào việc đi mà chỉ nghĩ đến điểm đến nên gặp trở ngại trên đường đi là lẽ đương nhiên . Tệ hại hơn nữa là không đến được nơi muốn đến mà buộc phải đến nơi hoàn toàn ngoài ý muốn .
   Tại sao chúng ta không tận hưởng hạnh phúc trên đường đi mà cứ chăm chăm hướng về nơi đến . Đi cũng là một hạnh phúc không kém đến .Chạy xe trên đường phố  vắng vẽ hay trên đường phố đông người xuôi ngược  ta đều có thể thưởng thức được cảm giác thảnh thơi dễ chịu nếu ta giữ được chánh niệm . Chánh niệm là trạng thái tâm lý không bị thất niệm cũng không vọng niệm . Tâm trú trong hiện tại gọi là tâm tại (tự tại ). Tâm bị tán thất gọi là tâm bất tại . Trong cấu tự tiếng Hán , chữ Vọng được ghép bởi chữ Vong với chữ Tâm.Vọng là đánh mất tâm . Chữ Niệm được ghép từ chữ Kim với chữ Tâm .Niệm là tâm đang có mặt . Chánh niệm là đưa tâm trở về với giây phút hiện tại . Đó là tâm tỉnh tại .Còn tâm bất tại là tâm rong chơi đâu đó : Tâm bất tại yên ,thị nhi bất kiến ,thính nhi bất văn, thực bất tri kỳ vị ( tâm không tại thì nhìn mà không thấy , nghe mà chẳng hiểu, ăn mà không biết mùi vị ). Làm mà tâm trí để đâu đâu thì chẳng nên tích sự gì . Ăn mà không chánh niệm sao ăn ngon được , đi tron g thất niệm chẳng khác mộng du
   Đi như bị ma đuổi là đi trong trạng thái thiếu tập trung ( thất niệm ). Đi trong chánh niệm là mình ý thức rất rõ ràng mình đang đi . Đi như vậy sẽ rất an toàn trên đường đi , tinh thần không bị căng thẳng , bức bách . Đi như vậy cũng đã là một hạnh phúc rồi .
       Đi như ma đuổi chẳng khác gì sống say chết mộng ( sinh túy tử mộng ). Sống say chết mộng là sống thiếu tỉnh thức ; sống trong trạng thái hư vọng , huyễn hoặc,vong thân, vọng động .Có vô số hình thái vong thân trong cuộc đời này . Vong thân là tự đánh mất mình , không biết mình là ai ,không biết chân diện  mục của mình là gì . Von g thân trong tiền bạc , vong thân trong quyền lực , vong thân trong sắc đẹp ...
   Sống có tỉnh thức là sống trong chánh niệm , trong sự an trú trong từng phút giây hiện tại . Tiếp xúc sâu vào hiện tại mới thực sự cảm được những nhiệm mầu của cuộc sống , có mặt trong khoảnh khắc biến dịch : một áng mây trôi , một cánh chim bay , một bông hoa nở , một tia nắng tới , một giọt mưa rơi ....Nghe và nhìn trong chánh niệm ta sẽ thấy mọi âm thanh , hình ảnh nào cũng chứa đầy sức sống nhiệm mầu .Thông thường ta không an trú trong hiện tại mà hoài vọng một quá khứ xa xăm hoặc dự phóng một tương lai xa vời .. Trong truyện Kiều có hai câu thơ mô tả trạng thái phân tâm của Kiều :
   Tưởng bây giờ là bao giờ 
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao 
  Mở mắt ra rồi mà mà vẫn không biết mơ hay thực 
  Quá khứ đã đi qua .Tương lai chưa đến .Hiện tại có ở đó mà không biết là thật hay không thật . Khi ta chớp mắt một cái thì cái chớp mắt liền đi vào quá khứ . Và khi chưa chớp mắt thì nó còn nằm ở tương lai . Heideguer:" Thời gian tính là yếu tính của thời gian khi tương lai đi vào quá khứ đúng lúc nó vừa tới hiện tại ."Vậy hiện tại người ở đâu ?Ở trong những khoảnh khắc mà ta thật sự sống một cách an nhiên tự tại
  Có người hỏi Thiền sư Thiền Lão : " Hòa Thượng ở núi nầy bao lâu rồi ?
 Thiền sư trả lời :
"Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu "
( Sống hôm nay biết hôm nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì )
Lại hỏi : Ngày ngày hòa thượng làm gì ?
Trả lời :Thủy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
            Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân
   ( Trúc biết hoa vàng đâu ngoại cảnh 
   Trăng trong mây trắng hiện toàn chân )
 Khi tiếp xúc sâu vào hiện tại cuộc sống thì tất cả pháp đều là phật pháp . Tâm rỗng , lặng thì Phật tính hiển lộ
 Có một nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc được tính nhân duyên giũa tâm và cảnh bằng những vần thơ sau :
        Bởi vì mắt thấy trời xanh
       Cho nên mắt cũng long lanh màu trời 
       Bởi vì mắt thấy biển khơi
       Cho nên mắt cũng xa vời đại dương
 Bốn câu thơ nói lên sự tương duyên tương hợp giữa tâm và cảnh : Mắt có thấy được màu thiên thanh của da trời thì màu trời mới long lanh trong mắt; bởi vì mắt có phóng ra xa tầm đại dương  dịu vợi thì mắt mới đong đầy sát hải biếc xanh ngàn trùng .
     Đi như ma đuổi chẳng khác gì sống say chết mộng . Sống say chết mộng là sống trong sự nặng lòng với cái đã qua và phóng tâm chạy theo cái chưa tới , bỏ quên hiện tại đang có mặt . Nói như vậy không có nghĩa rằng quay lưng chối bỏ quá khứ và không có kế hoạch gì cho tương la i
     Đối với quá khứ ta có thể nâng niu hoài niệm chứ không thể sống mãi với nó được vì nó trôi chảy tương tục như một dòng nước. Ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông . Đối với tương lai ta có thể hoạch định rất đẹp các dự án để khỏi bị động vì " ai không lo xa ắt có buồn gần . Dù vậy cũng không thể sống với tương lai vì nó chưa đến . Nghĩ và chuẩn bị cho tương lai là việc làm khôn ngoan nhưng nếu ta chỉ biết có tương lai thì chẳng khôn ngoan chút nào . Một nhà văn Nga đã nói : " Chúng ta phải sống chứ không phải chuẩn bị sống " Sống thật sự là sống trong mỗi phút giây hiện tại bây giờ và ở đây . Có một mẫu đối thoại thú vị của hai mẹ con bàn về vấn đề hạnh phúc . Charles Black- một chính khách và cũng là nhà ngoại giao người Mỹ thành công cả ngoài đời và trong gia đình ,thuở nhỏ một lần hỏi mẹ : " Mẹ đã bao giờ hạnh phúc nhất ?"Bà mẹ trả lời : " Ngay lúc bây giờ đây "
- Thế trước kia mẹ có hạnh phúc không ?
- Trước kia là trước kia ;  khi trước mẹ đã hạnh phúc . Giờ đây mẹ cũng hạnh phúc . Chúng ta chỉ có thể thật sự sống khi chúng ta đang sống . Vì thế với mẹ lúc nào cũng là giây phút hạnh phúc nhất .
 Có lẽ nhờ câu nói ấy của mẹ mà  Charles  Black đã trở nên người thông đạt trong nhiều lãnh vực

 Đi như bị ma đuổi cũng là một kiểu sống lăng xăng , vọng động , không biết mình là ai , mình đang làm gì . Sống như vậy thật đúng là sống say chết mộng . Vì trần gian vốn là mộng , thực hư cũng là mộng ;vì vậy cần phải luôn luôn tỉnh thức trong mọi tình huống mọi cảnh ngộ .
       Bây giờ hay chẳng bao giờ
      Sống trong hiện tại bây giờ ở đây 
     Rỗng rang trong phút giây nầy
     Nghe ra trụ vũ hiển bài tử sinh

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Ý nghĩa vi diệu của việc LẠY SÁT ĐẤT

    Lạy sát đất tức là gieo mình phủ phục xuống đất với tất cả chí tâm thành ý , bằng tất cả những năng lượng cảm ứng giao thoa giữa người lạy và đối tượng được lạy ( lạy Phật , lạy Tổ , lạy ông bà , đất đá cây cỏ ...) .Lạy sát đất đúng quy cách là đầu , mặt tiếp giáp với  gối giữ ba hơi thở đều và sâu rồi mới đứng dậy . Lạy như vậy gọi là ngũ thân trì địa , năm vóc sát đất . Nhưng ý nghĩa vi diệu  của cái lạy này là gì ?

     Ý nghĩa và hạnh nguyện của cái lạy sát đất  nằm gọn trong bài kệ Quán tưởng mà người chủ lễ tuyên đọc trước khi hành lễ . Bài kệ này rất nhiều người đã từng tụng đọc hoặc từng nghe tụng đọc song không mấy ai để ý tìm hiểu ý nghĩa vi diệu của nó :
   Năng lễ sở lễ tánh không tịch
   Cảm ứng đạo giao nan tư nghì 
   Ngã thử đạo tràng như Đế Châu
   Thập phương chư Phật ảnh hiện trung 
   Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền 
   Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ
 Bài quán tưởng có ba cặp câu , mỗi cặp câu gói gọn một ý hoàn chỉnh :
     Cặp câu đầu rất quan trọng vì nó xác định tính chất bình đẳng giữa người lạy ( năng lễ ) và người được lạy (sở lễ ) .Phật và chúng sinh thể tính nhất như : tánh không tịch . Khi lạy xuống , trong tâm ý của người lạy không phân biệt chủ khách, năng sở , ngã nhân . Phật trên tòa sen là Phật đã thành , người đang lạy là Phật sẽ thành . Về phương diện phật tính thì là không khác . Mỗi chúng sanh là một vị Phật tương lai bởi tất cả chúng sanh đều có khả tính thành Phật . Lục Tổ Huệ năng đã từng sách tấn chúng đệ tử : " Này các thiện tri thức , tự tánh Bồ Đề bản lai thanh tịnh , vận dụng tâm ấy tất nhiên thành Phật "
      Cảm ứng đạo giao nan tư nghì . Có bản dịch là  Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn  " cảm ứng đạo giao " khó mà dịch cho thông , tuy nhiên có thể hiểu là sự truyền thông giao cảm giữa chúng sinh và Phật thông qua lễ bái chứ không thông qua lý lẽ ngôn từ . Điều quan trọng là lễ bái phải  với tất cả tấm lòng chí thành , chí thiết . Hể chí thành thì  thông thánh . Đó là sự hòa mạng của các sóng từ . Việc cúi lạy sát đất chẳng phải là sự mê tín mà là một động tác thể hiện sự tôn vinh , trân quý Phật tính trong chính mình nhằm mục đích thăng hoa , giao hòa với chư Phật , chư Bồ Tát . Tánh không tịch tức là tánh rỗng , lặng mà cả Phật và chúng sinh đều có :
    Phật như vầng trăng mát
   Đi qua trời thái không 
   Hồ tâm chúng sanh lặng
   Trăng hiện bóng trong ngần
Đại lụật  của vũ trụ là đồng thanh thì âm hưởng , đồng khí thì quy hưởng . Lạy sát đất là để đập nát , xóa tan cái huyễn ngã của mình để hòa mạng , phủ sóng cùng với cái đại ngã của vũ trụ của chư Phật ( Nguyễn Công Trứ : Linh khâm bảo hợp thái hòa )
     Câu thứ ba : Ngã thử đạo tràng như Đế Châu  ( Đạo tràng của con đây giống như lưới ngọc) .Đạo tràng là nơi thờ Phật có đông đủ Tăng chúng , Phật tử tu tập , tụng kinh , hành thiền , nghe pháp . Đạo tràng cũng là nơi khai mở mạng mạch giáo nghĩa uyên thâm của Phật pháp . Đạo tràng nầy như một mạng lưới được kết dệt bằng vô số những hạt ngọc có công năng phản chiếu . Đế Châu là lưới ngọc . Lưới ngọc là mạng lưới kết bằng nhiều chuỗi ngọc , mỗi chuỗi ngọc lại được kết bằng nhiều viên ngọc . Mỗi viên ngọc có sức phản chiếu hình ảnh của các viên ngọc khác và hình ảnh của chính nó cũng được phản chiếu trong tất cả những viên ngọc khác trên cùng một mạng lưới ( trùng trùng duyên khởi ). Như vậy trong một đạo tràng , mỗi một bạn tu , pháp lữ đều có mặt trong nhau và cùng nhau ảnh hiện trước Phật : Mười phương chư Phật đều ảnh hiện trong mạng lưới ấy *   (thập phương chư Phật ảnh hiện trung).
   Nếu sáu câu trên là tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho cái lạy thì hai câu cuối là tư thế lạy : 
  Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền 
 Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ .
Hai câu trên có nghĩa là thân của con đây đang ảnh hiện trước Phật , con xin được phủ phục đầu mặt tiếp gối , phó thác quay về nương tựa Phật .


Cũng có nhiều người kiêu mạn chưa từng bao giờ lạy sát đất . Họ cho đó là hành vi tự hạ thấp nhân vị  làm mất thể diện mình .Thật ra lạy Phật , lạy Tổ , lạy bài vị tổ tiên ông bà cha mẹ...chính là lạy mình , lạy Phật tính trong mình .Bởi vì năng lễ và sở lễ tánh không tịch .
Thậm chí lạy cây cỏ đất đá cũng là lạy Phật . " Thiên thượng thiên hạ vô như Phật " ( Nguyễn công Trứ ). Ngài Hư Vân trên đường về xứ Phật cứ hể ba bước thì lạy một lạy .
   Cái lạy ngoài việc cảm ứng đạo giao nhất thành thông thánh , ngoài việc phá ngã chấp còn có công năng sám hối tội chướng bằng cách tiếp xúc với đất . Thủy sám là cách sám hối bằng cách lấy nước Từ Bi tiêu trừ tội chướng . Địa sám là phép sám hối bằng cách tiếp xúc với đất , nương tựa vào đất , tiếp nhận năng lượng vững chãi , sâu dày của đất để cho đất ôm lấy mình và giúp mình chuyển hóa vô minh , khổ đau , tuyệt vọng . Đất thì ở đâu cũng có , tiếp xúc với đất sẽ được an ổn  ( Xứ xứ hữu địa xúc chi tắc an ). Con người dù có được bay bổng cao xa đến đâu cũng phải có lần tiếp đất để về với đất . Phẩm hạnh của ngài Địa Tạng Bồ Tát là kiên cố vững chãi , sâu dày , kham nhẫn và luôn luôn ôm ấp . Có lẽ vì vậy mà người biết mình sắp chết muốn được nằm xuống đất .Vậy thì tại sao lúc còn sống khỏe mạnh ta không tiếp xúc với đất bằng cái lạy để có được cảm giác an ổn . Bản thân người viết bài nầy sáng nào cũng lạy Phật sát đất ba mươi lạy xong rồi mới tọa thiền trì chú niệm Phật . Nếu vì lý do nào đó không thực hiện được quy trình này thì cả ngày hôm đó cảm thấy khó ở bất an .


Tóm lại , lạy sát đất vừa có công năng " cảm ứng đạo giao " với thập phương chư Phật , vừa để gạt bỏ tính kiêu mạn , ngã chấp , vừa có công năng tiêu trừ tội chướng từ nhiều đời kiếp trước .
------------------------------------------------------------------------------------


 Ghi Chú :
* Đạo tràng là một trong bốn nét nghĩa của MẠN ĐÀ LA : 
1/Đạo tràng  , 
2/ Như Lai Thai 
 3/ Như Lai Tạng  ,
 4/ Trạng Thái  Bardo  ( thân trung ấm ) 



Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Cái bụng và nụ cười của Phật Di Lặc

   Nhiều phật tử vào chùa lấy làm ngạc nhiên khi thấy tượng Phật Di Lặc có cái bụng to ưởn ra phía trước , còn cái đầu thì bị khuất ra phía sau . Đặc biệt là Ngài luôn luôn giữ một nụ cười đầy hoan hỉ .Vì sao như vậy ?Ấy là vì đức Phật trong vị lai chỉ sống bằng cái bụng và luôn hiến tặng cho chúng sanh niềm hỉ lạc , khoan dung .
   Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ điều ngự bổn sư của thế giới ta bà hiện tại . Còn Đức Phật Di Lặc sẽ hạ sinh và thị hiện trong tương lai khi kết thúc thời mạt pháp .Sỡ dĩ tượng Phật Di Lặc được điêu khắc , vẽ tranh ...luôn luôn có bụng to ưởn ra trước là vì hạnh nguyện của ngài duy chỉ có một tấm lòng . Đó là lòng từ bi hỉ xã , bao dung ,độ lượng ,...Có khi người ta vẽ thêm sáu đứa trẻ bu trên vai trên bụng để chọc phá , đùa nghịch Ngài .( Sáu chú bé con là biểu tượng của sáu căn sinh ra sáu thức sáu trần ).
  Chúng ta đang sống vào thời mạt pháp .Thời nay  đa số thiên hạ người đời sống với nhau bằng cái đầu chứ không bằng cái bụng . Đặc biệt nụ cười (chân thành ) thì thường xuyên thiếu vắng .Một nhạc sĩ người hà Nội cũng đã viết  một câu ca đầy bức bối : " Hà Nội cái gì cũng rẽ chỉ có đắc nhất bạn bè thôi . Hà Nội cái gì cũng rẽ , chỉ có đắc nhất tình người thôi ...!"   ...Còn Trịnh Công Sơn thì  than thở : " ...Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng , chợt thấy trong ta hiện bóng con người ..."Ngay trong kinh Pháp Hoa Đức Phật đã thống trách :"Kim nhân bất năng như thị hành từ "
     Không biết từ bao lâu con người đã sống với nhau bằng cái đầu : so đo , tính toán ...Chính đầu óc tư lương  phân biệt , tính toán so đo là nguyên nhân gây ra khổ đau , chiến tranh , khủng bố , đàn áp kì thị ...Đầu óc tính toán cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn tham nhũng . Phòng chống tham nhũng mà không tìm ra nguyên nhân gây tham nhũng thì chữa bệnh ở ngọn chứ không ở gốc. Một câu nói mà lâu nay người ta vẫn dùng một cách lạnh lùng , khắc bạc là " không ai cho không ai cái gì !"Nguy hiểm nhất là câu nói đó trở thành phương châm cho số đông người .Câu nói nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên ngày xưa : " Làm ơn há để cho người trả ơn   " đã trở nên hoàn toàn xa lạ . Cơ chế XIN CHO đã ăn sâu vào não trạng của các viên chức nhà nước .Hể có xin là tất có cho , mà muốn có cho thì phải có CHI .Đúng là không ai cho không ai cái gì . Cơ chế xin cho là di căn , tập khí có từ chế độ phong kiến : muốn vào cửa quan phải qua lính lệ !...Thay vì  mở lòng ra để làm hết sức mình đem lại lợi lạc cho nhân quần xã hội thì họ chỉ lo  nặng óc bóp trán để tìm cách đem về cái lợi cho riêng mình .Ngày xưa Mạnh Tử chủ trương " mòn trán , mỏi gối , lợi thiên hạ vẫn làm " trong khi đó Dương Chu chủ trương ngược lại : " Nhổ một sợi lông làm lợi thiên hạ vẫn không làm ". Những người theo Dương Chu chỉ nghĩ đến cái lợi chứ không nghĩ đến cái nghĩa . Đầu óc tính toán đã trở nên căn bệnh trầm kha của xã hội...dẫn đến sự băng hoại cho  xã hội .
   Trở lại ý tượng Phật Di Lặc , khi chiêm ngưỡng tượng Ngài ta chỉ thấy cái bụng Ngài và ta chỉ nhớ tới  ông Phật bụng bự khi nghĩ về Ngài .Ý nghĩa biểu tượng của cái bụng đó là một tấm lòng quãng đại không phân biệt , không chấp nê . ..hiển  hiện trong nụ cười hoan hỉ từ bi  vô lượng của Ngài .
   Chúng sinh đang mong chờ sự ra đời của một vị Phật bụng bự.. .!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Hội An phố

Về phố Hội bao năm trời cách biệt 
Nét canh tân sang lấp dấu nguyên sơ 
 Ôi phố cổ mấy trăm năm trở giấc
Đón đưa ai du khách đến rồi đi 

Còn đâu nữa tiếng rao hàng lanh lãnh
Giữa đèn khuya phố vắng vắng - thưa người 
Còn đâu nữa tiếng guốc khua lạch cạch 
Đong đưa hoài - hòa nhịp bước chân ai

Nóc chùa xưa giờ đây sao sáng quá !
Ánh đèn màu chớp tắt vẻ kiêu sa 
Bóng trăng xưa biết bao giờ gặp lại
Lớp rêu phong xanh phủ một mái đình

Rằm mỗi tháng thắp đèn lên tưởng nhớ 
Thuở vàng son nơi phố Hội ân tình 
Người bản xứ cứ ngỡ mình viễn khách
Từ phương xa ghé tạt lại quê mình !

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Một áng thơ Đường bất hủ

  Vào những năm 1978,   một thi sĩ đất Quảng đã viết một bài thơ trong đó có một câu đầy ý nghĩa :
   Tôi yêu Trung hoa vì một lẽ sau cùng
   Đất nước có thơ Đường và liễu rũ
       Thơ Đường và liễu rũ là những nét đáng yêu của đất nước Trung Hoa mà không nơi nào có được .Có một áng thơ Đường được nhiều người ưa thích  xin được trích và dịch để  cùng  thưởng thức :

Nguyệt lạc ô  đề sương mãn thiên 
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên 
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
                                 Trương Kế 
Dịch xuôi : 

     Chiều tối trăng lên cùng với tiếng quạ kêu trong màn sương dày đặc . 
     Ngư phủ đốt lửa bên bờ sông gió lạnh ngủ vùi trong giấc sầu cô quạnh 
     Từ ngoại thành Cô Tô có ngôi chùa Hàn San .
     Nửa đêm tiếng chuông chùa gióng lên đánh  thức ngư phủ quay thuyền trăng trở về .


Dịch thơ : (*)
                 Trăng tà tiếng quạ kêu sương 
                Lửa chài, cập bến , sầu vương giấc hồ 
                Thuyền ai đậu bến Cô Tô 
                Nủa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
                                                   Nguyễn Hàm Ninh  

 Một bản dịch khác của Tản Đà :
              Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi 
              Lửa chài ,cây bải, đối người nằm co
              Con thuyền đậu bến Cô Tô 
              Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

   Cả hai bản dịch trên đều rất tuyệt và rất hoàn chỉnh về ý và vần . Song đáng tiếc là thi sĩ đã bỏ sót hình ảnh khách giang hồ quay thuyền về lúc nửa đêm về sáng khi được tỉnh thức bởi tiếng thu không chùa Hàn San
   Tiếng chuông chùa đã thức tỉnh giấc mộng giang hồ ( thay trời hành đạo ) của chủ thể trữ tình trong bài thơ .Hình ảnh khách giang hồ quay thuyền về lúc nửa đêm (hay là hư ảo nửa đêm )là một động thái tỉnh thức .Cao Bá Quát trong một bài hát nói cũng có những ý thơ tương tự :
"...Yên ba thâm xứ hữu ngư châu 
   Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
  Đem mộng sự đọ với châu thân thời cũng hệt ..."
   Bài thơ của Trương Kế diễn tả tâm trạng của một lữ khách giang hồ đang dong rủi trong chốn phong ba , mang hoài bảo giúp đời , chợt nghe tiếng chuông chùa  đánh thức ,cõi lòng  cảm thấy thảnh thơi , thanh tịnh .
  Xin phép các cụ  cho kẻ hậu bối được trải lòng mình :

   Quạ kêu ,trăng rụng ,sương đầy 
Ngư ông đốt lửa ngủ vùi gió sông 
  Cô Tô thành ngoại cửa Không 
Chuông khuya đánh thức thuyền trăng khách về (**)

                                                  *****


(*)  Bài thơ nầy có nhiều người nhầm là của cụ Tản Đà
(**)Khi ngư phủ cập bến đốt lửa trên bờ sông thì trăng vừa lên . Nhưng khi khách rời bến , quay về thì trăng đã ở đỉnh đầu và tỏa sáng cả một vùng sông nước mênh mông .Nên trên đường về thuyền chở đầy trăng . Trong nhà thiền có câu " Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện . Muôn dặm không mây muôn dặm trời "


.

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Học vị - danh hiệu -sự thành đạt và sự nổi tiếng

  Trong thời buổi như hiện nay có không ít người bằng nào cũng lấy , danh hiệu nào cũng đạt , hội nào cũng vào , chức danh nào cũng nhận ...nói chung là thành đạt và nổi tiếng  nhưng chưa phải là con người đích thực . Ấy là vì họ chưa hội đủ những căn bản đạo đức để làm người đúng với bản vị là con người với trọn vẹn nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của chữ NGƯỜI ( viết hoa ) .Căn bản đạo đức để làm một con người đích thục gồm tám chữ mô tả tám đức hạnh sau đây : HIẾU , ĐỂ , TRUNG ,TÍN , LỄ , NGHĨA , LIÊM , SĨ . Thiếu những đức lý căn bản nói trên cho dù có thành đạt , nổi tiếng cũng chưa phải là con người đích thực .
   -Hiếu tức là hiếu thảo cung kính cha mẹ
   -Để là tình anh em chân thành đùm bọc , cưu mang nhường nhịn lẫn nhau
   - Trung  là chân thành với chân lý , với lẽ phải ,với lý tưởng
   - Tín là sự được tin cậy , được tín nhiệm bỡi cộng đồng qua lời nói và hành động
   -Lễ là xử thế một cách lễ phép lịch sự , đúng mực
   -Nghĩa là đề cao chân lý , quên mình vì chân lý vì nghĩa vụ cao cả
   -Liêm là trong sạch , không tham lam , không nhận  hối lộ, không đánh mất lương tâm vì tư lợi
   -Sĩ là biết xấu hổ biết thẹn với lương tâm , với thánh hiền .
   Những đức hạnh trên đây không lấy gì làm cao xa. Chúng có mặt ngay trước mắt từng cá nhân trong cuộc nhân sinh thường nhật . Thiếu chúng thì mối quan hệ giữa con người với con người , giữa con người với cộng đồng trở nên tồi tệ . Ta có thể gom tám đức hạnh trên thành bốn cặp phạm trù và mỗi cặp phạm trù có tương quan tương duyên với nhau :
  Trước hết là hiếu- để . Một đứa con không biết hiếu kính yêu thương cha mẹ và thuận thảo với anh chị em thì lấy gì bảo đảm rằng hắn ta sẽ yêu thương nhân quần xã hội . Hiếu và để có tương quan với nhau . Có hiếu phải có để  và có để để làm tròn chữ hiếu . Anh em trong một bọc sinh ra mà không thương yêu đùm bọc nhau thì lấy gì bảo đảm rằng họ sẽ yêu thương đùm bọc đồng bào . Anh em có hòa thuận thì cha mẹ mới an tâm vui vầy
    Làm người phải trung - tín . Bản thân mình không trung thành với chân lý , với lý tưởng thì tự mình cũng đánh mất niềm tin của chính mình và mất luôn sự tin cậy , sự tín nhiệm của người khác dành cho mình . Có trung mới có tín . Làm người mà không biết bênh vực lẽ phải , đấu tranh cho chân lý , đập tan những bất bình thì đó là kẻ bất trung .Từ bất trung dẫn đến bất tín
  Lễ -nghĩa rất cần thiết trong quan hệ giao tiếp ứng xử . Thiếu lễ là thiếu tất cả . Dọn ra mâm cao cỗ đầy mà mời không đúng lễ thì chẵng ai màng ăn ( tiếng chào cao hơn mâm cỗ ) . Trong đời sống thường nhật , ta có thể thiếu tiện nghi , phương tiện ... nhưng không thể thiếu lễ dù  trong một giờ một phút . Bây giờ người ta hay dùng từ" thân thiện" một cách hoa mỹ và gượng ép . Sao không nói lễ mà nói thân thiện . Từ thân thiện có sắc thái ý nghĩa bất bình đẵng . Còn lễ thì người trên hay kẽ dưới đều phải giữ.Ý nghĩa đích thực của chữ lễ là mỗi người trong xã hội làm đúng  phận sự , chức trách của mình . Các cụ ngày xưa đến nhà ai mà chủ nhà trải chiếu không ngay thì  không ngồi ( cụ bất chính bất tọa ). Ngày nay nhiều người có địa vị xã hội mà khách đến nhà vẫn mặc áo lót quần đùi ra tiếp . Như vậy là thiếu lễ . Lễ là cơ sở để đề cao chân lý , coi trọng nghĩa vụ cao cả .Có lễ tất sinh ra nghĩa ra tình ...
  Cuối cùng là cặp phạm trù liêm -sĩ . Câu chưởi cay độc nhất là câu " đồ vô liêm sĩ ". Vô liêm sĩ là loại người chuyên làm những việc hắc ám , trái khuấy mà vẫn nhơn nhơn không biết xấu hổ .
   Tám đức hạnh để làm con người đích thực thì bắt đầu là hiếu và cuối cùng là sĩ . Đầu và cuối đều quan trọng như nhau . Một đứa con không biết hiếu thảo với cha mẹ , không thờ phụng ông bà tổ tiên thì có thành đạt , có nổi tiếng cũng chưa phải là người . Những thứ  học vị , danh hiệu , chức danh ...chỉ là những giá trị ảo . Làm người mà không biết xấu hổ , không biết tự phản tỉnh thì không việc gì xấu mà không dám làm ( vô sở bất vi ). Người ta có thể qua được kẻ hở của luật pháp , công an nhưng không dễ gì qua mặt được lương tâm .
   Tóm lại , trước khi trở thành một cái gì đó như bác sĩ , kỷ sư , chính khách..vv...,thì trước hết phải là con người (viết hoa ) . Đạo đức cách mạng hay gì gì đi nữa mà thiếu đạo lý làm người thì đều hỏng cả Nếu không giáo hóa con cháu  trở thành con người đích thực với đầy đủ tám chữ học làm người trên đây thì hậu quả tất yếu là đào tạo ra những đứa con bất hiếu bất để , những viên chức bất trung bất tín , những công dân vô lễ bất nghĩa , những quan chức bất liêm vô sĩ .Vì vậy một nền giáo dục đúng hướng là một nền giáo dục đào tạo con người trước , đào tạo chuyên viên sau . Nghĩa là nền giáo dục đó đặt trọng tâm vào việc giáo hóa con người ; giáo hóa con người thành người đích thực   , trở về đúng bản vị là NGƯỜI.













Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Mach ngầm

Sóng trên mặt đuổi xô hoài bải cát 
Mạch nước ngầm nóng mãi tận dòng sâu
Tự lòng đất bảo tồn một hơi ấm 
Cho tứ thời bát tiết được bền lâu.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Điều quan trọng nhất

I/ Điều quan trọng nhất trong cuộc đời con người phải chăng là :Chẳng có điều chi quan trọng ,quan tâm ,quan ngại ,quan phòng ,quan lâm, quan yếu ...
II/ Nhìn thật sâu, thật lâu vào cõi KHÔNG HƯ  thấy ta là bụi nhỏ trụi trần thật thật hư hư chập chờn ảo ảnh loanh quanh mấy độ đi về .
III/ Ôi thiêng liêng mầu nhiệm làm sao khi một em bé sinh ra cất tiếng chào đời bằng tiếng khóc oa oa thả hạt muối xuống trùng dương biển mặn bao la quà tặng của nhân duyên ái ố vô thường
IV/ Ôi thiêng liêng mầu nhiệm làm sao khi một hơi thở ra không còn thở vào rồi lặng lẽ tan biến vào hư không hồng hoang thiên cổ sơ khai từ độ đi về .
V/ NHƯ !

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Kẻ trộm

Suốt cuộc đời ta là kẻ trộm
Lấy cắp của thiên nhiên làm của riêng mình
Trộm của đất
Trộm của nước
Trộm của lửa
Trộm của gió
Trộm của đất trời hoa cỏ khói mây
Trộm của nhân sinh hỷ ,nộ,ái,ố ,vô thường
Và đeo níu những gì không tự có
Nên khổ đau khi mất mát
Hao gầy

Buông bỏ đi thôi
trả về
cho chủ cũ
Mượn làm gì khi ta vốn có
Bản môn nầy vô ngã nhất như

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Huyền thoại một cây tùng

  ( Tiền đình bách thọ tử)


  Thiền sinh hỏi Triệu Châu chủ tâm của Tổ Đạt Ma qua Đông Độ là gì ?
  Triệu Châu bảo :"Cây tùng trước sân "
  Thiền sinh bàng hoàng ngơ ngẩn!
  THỰC TẠI -người ở đâu ?

  Tâm ý Phật Tổ từ lâu vắng bóng trong" ý niệm tùng "
  Hãy chặt đổ cây đi !
  May ra gặp được ý Tổ
  Hãy tiếp xúc  thật sâu  vào cây
  Sẽ THẤY vẻ đẹp  xanh tươi khỏe khoắn của Tùng

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Tụng đọc kinh Phật và nghiên cứu kinh luận như thế nào để đem lại lợi lạc ?

Việc tụng đọc kinh văn hằng ngày cũng như việc nghiên cứu các kinh luận Phật giáo là một vấn đề hệ trọng trong việc thực tập đạo giải thóat cũng như tìm hiểu Phật pháp. Hầu như ít người có ý thức thường trực về nguyên động lực, cũng như tâm thế sẵn sàng cho công việc này. Thông thường trước khi làm bất cứ việc gì, dù là việc nhỏ nhặt, tầm thường cũng phải có động cơ chính đáng và một tâm thế sẵn sàng. Việc nhỏ nhặt tầm thường cũng có thể tạo ra những hậu quả to lớn bất ngờ, huống chi việc tụng đọc kinh văn và nghiên cứu kinh luận Phật giáo.Tổ sư Long Thọ đã nói lên sáu Duyên để thành tựu sự kết tập một bộ kinh: "Tín thành tựu, văn thành tựu, thời thành tựu, chủ thành tựu, xứ thành tựu và chúng thành tựu". Vì vậy trước khi bắt đầu tụng đọc kinh văn, nghiên cứu kinh luận, chúng ta tưởng cũng nên hội đủ nhân duyên để có được kết quả tốt đẹp. Duyên ở đây là điều kiện đủ và có để được thành tựu viên mãn. Điều kiện Duyên khởi là chuẩn bị tinh thần sáng suốt, sạch sẽ, thân tâm thanh tịnh, tiếp đến là phải xác định động cơ đúng đắn vào mục đích cao cả. Làm thế nào tụng đọc kinh văn, nghiên cứu kinh luận Phật giáo vừa đem lại lợi lạc cho bản thân vừa đem đến lợi lạc cho chúng sanh để hồi hướng công đức một cách hoan hỷ. Chúng tôi xin được trình bày hai nội dung chính:
1. Tụng đọc kinh văn (dành cho hàng hành giả)
2. Nghiên cứu kinh luận (dành cho hàng học giả)

I/ Tụng đọc kinh văn:
Ngòai các nghi thức thông thường như rửa tay, súc miệng, tán lư hương, tụng chú, điều đặc biệt lưu ý là hiểu rõ ý nghĩa của bài Khai kinh :
"Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách niên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa"
Bài kệ Khai kinh trên đây đã xác định được nguyên động lực duy nhất đúng của người sắp tụng đọc kinh văn. Nguyên động lực đó là gì ? Là pháp Bồ Đề tâm, phát khởi lòng Bồ Đề một cách dũng mãnh, khẩn trương để đạt đến giác ngộ viên mãn vì phúc lợi mênh mông cho tất cả chúng sanh. Tụng đọc kinh văn là để được thọ trì, được thể nhập vi diệu pháp, pháp trí độ, chân thiệt nghĩa của Như Lai. Các pháp này không dễ gì nghe được, thấy được. Phải trải qua biết bao trăm ngàn vạn kiếp mà vẫn khó có thể gặp được. May mắn thay, ta đã tạo được vô lượng phước đức trong bao nhiêu tiền kiếp cho nên kiếp này mới được nghe, tụng, đọc kinh Phật. Thật là một cơ hội hãn hữu. Tụng đọc kinh Phật để làm sáng tỏ chân thiệt nghĩa của Như Lai, để phát Bồ Đề tâm, lập tức tu hành "siêng năng tu học Phật pháp với sự cố gắng nỗ lực khẩn trương giống như giải cứu cái đầu của mình khỏi bị lửa cháy sém". Do vậy, hàng cư sĩ tại gia, cũng như các tu sĩ ở các tự viện, chùa chiền đọc tụng kinh Phật không với động cơ và mục đích nói trên thì chẳng có lợi lạc gì cả. Và như vậy đã bỏ lỡ một cơ hội hy hữu trong đời bởi vì "Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn".
Tuy nhiên, tưởng cũng nên xác định lại ý nghĩa của Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm (BodhiCita) tức là Lòng Bồ Đề, tức là Lòng Giác Ngộ, là thành tâm dũng mãnh đạt tới giác ngộ viên mãn vì phúc lợi mênh mông cho tất cả chúng sanh. 
Chính Bồ Đề Tâm làm cho Bồ Tát là Bồ Tát, làm cho Phật tử là Phật tử. Không có Bồ Đề Tâm thì không có đạo Phật trên thế gian này. Và không có Bồ Đề Tâm thì chùa chiền, tu viện, giáo hội cũng không có lý do tồn tại .
Bồ Đề Tâm gồm 2 phương diện :
1/ Đại từ bi
2/ Đại trí huệ
Phương tiện thiện xảo của Đại Từ Bi là hành trì Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định). Đại trí huệ là Bát Nhã Ba La Mật Đa, là vi diệu pháp, là pháp trí độ, là tánh KHÔNG. Tụng đọc kinh Phật phải khởi Bồ Đề Tâm làm nguyên động lực để cầu giải thóat xét như cứu cánh tối thượng. Chúng ta có thể đạt trình độ đại học, có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ, chúng ta có thể thành công trong cuộc đời, trở nên người thành đạt, chúng ta có thể là đại gia giàu có lắm tiền nhiều của, chúng ta là người thông thái lỗi lạc nhưng chắc gì chúng ta không chất chứa những hòai nghi, sợ hãi và lo toan thường trực. Ở Tây Tạng có lòai chim bay cao nhất là kền kền. Nhưng vấn đề không phải là chúng bay cao mà vấn đề là chúng ăn những gì. Trong kinh Lương Hoàng Sám  (ngài Trí Quang dịch) có một câu kinh lặp đi lặp lại nhiều lần, mà mỗi lần tụng đến là tôi cảm thấy vô cùng thống hối, xấu hổ: "Vì sao ngày nay chúng ta vẫn chưa được sám hối"
Con đường dẫn đến giải thóat có 2 phương tiện : Đại Trí và Đại Bi. Nói dễ hiểu là : Hiểu và Thương. Đại trí ở đây là vi diệu pháp, là pháp trí độ, là tánh Không. Bi ở đây là Từ bi (Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ). Trong kinh Pháp Hoa có câu : "Từ nhãn thị chúng sanh". Từ nhãn là cái nhìn trong sạch. Tiếng Tây Tạng : DAG SNANG, tiếng Anh : purevision, tiếng Pháp là pure perception có cùng một tầng nghĩa là Coi tất cả thế giới hiện tượng, tất cả chúng sanh đều là trong sạch, hoàn thiện từ bản lai nguyên ủy. 
Phần trên là viết cho hàng những người tụng đọc kinh văn tìm cầu giải thóat. Tiếp theo là phần nghiên cứu kinh luận Phật giáo đem lại lợi lạc cho bản thân và chúng sinh. Chương 9 kinh Phổ Minh Bồ Tát, trong bộ kinh Đại Bảo Tích có ghi điều 9 như sau : "Sau khi đọc tụng kinh Phật một  Bồ Tát hư hỏng bại họai là kẻ chỉ thích chơi chữ, thích hý luận thay vì thực hành đúng theo Phật pháp."
Bồ Tát  cũng được gọi   là Thượng Sĩ. Luận Du Già giải thích : "Không lợi ta lợi người là Hạ Sĩ, lợi ta không lợi người là Trung Sĩ, lợi cả ta lẫn người là Thượng Sĩ". Trên thực tế có một hạng người làm những việc vừa hại ta vừa hại người, hạng người này được gọi là Vô Sĩ được chăng ? Điều đáng nói ở đây là nghiên cứu kinh luận Phật giáo sao cho vừa lợi mình vừa lợi người để trở nên bậc Thượng Sĩ.

II/Vấn đề nghiên cứu kinh luận Phật giáo
Nguyên động lực của việc khám phá, vén mở chân lý là thái độ ngạc nhiên, hòai nghi. Sẽ không có khoa học nếu không có hòai nghi. Nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu kinh luận Phật giáo thì nền tảng của tất cả mọi hiện hữu là hòai nghi về Bản Ngã và Bản Thân của chính mình, tức là hòai nghi về cái "tôi" và cái "của tôi" (Ngã và Ngã Sở) Đó là nguyên động lực cần và đủ cho một người muốn bắt tay vào việc nghiên cứu, tranh luận về kinh điển Phật giáo. Một triết gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu Phật giáo, vào cuối đời đã ngộ ra một điều: "Ngôn ngữ của chư Phật và chư Bồ Tát là ngôn ngữ tự xóa mất trong từng chữ và từng tiếng để bất ngờ khai mở một thế giới vô tận, mới lạ. Và chỉ khi nào cái Bản Ngã hẹp hòi của mình bị nghiền nát thành tro bụi thì may ra lúc ấy mới bừng sáng tất cả chân thiệt nghĩa vô lượng của Như Lai" (Phạm Công Thiện).
Thật vậy, nếu đem cái Tôi và cái "của Tôi" mà nghiên cứu giáo điển nhà Phật thì thật là vô bổ. Bởi lẽ đạo Phật là đạo giải thóat, học Phật, tu Phật nhằm mục đích cứu khổ thóat vòng Luân hồi sinh tử. Bí quyết của Thiền tông là vấn đề sinh tử (Sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc). Nghiên cứu kinh luận để khoe khoang sở học của mình chẳng qua là để phô diễn cái tôi.
Trong giảng dạy hoặc nghiên cứu kinh luận Phật giáo cần tránh 2 trường hợp : Thóat ly kinh điển và cố chấp vào văn tự, ngôn thuyết (Đản hữu ngôn thuyết. Đô vô thật nghĩa). Các vị cổ đức ngày xưa đã từng cảnh báo : "Ly kinh giảng nghĩa tức đồng Ma Phật
Y kinh giảng nghĩa Tam thế Phật oan"
Ly kinh là thóat ly yếu nghĩa, mật nghĩa của Như Lai trong kinh Phật để giảng kinh Phật. Còn y kinh là chấp vào văn tự, ngôn thuyết trong kinh và cho đó là tinh túy của đạo Phật đang khi ngôn ngữ chỉ là phương tiện thiện xảo để làm sáng tỏ thực tại chứ không phải là chính thực tại. Lời Phật nói ra là Ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải Mặt trăng (Nhất thíết tu Đà La giáo như nguyệt chỉ tiêu). Ngôn ngữ, khái niệm là công cụ, là phương tiện để vén mở chân lý, để tiếp cận Thực Tại. Ngài Long Thọ đưa ra thuyết Trung đạo để xác định vai trò giả danh của ngôn ngữ: "Nếu bảo tất cả đều Không mà ngôn ngữ là tất cả thì lấy gì bảo là Không" ? Vì vậy phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện thiện xảo. Và như vậy ta có công thức :KHÔNG - GIẢ DANH- TRUNG ĐẠO.
Truyền thống triết học Tây phương có thói quen chặn đứng hai đầu của thực tại ( A = A) để quan sát, nhận thức thực tại bằng các khái niệm khô cứng. Trong khi thực tại luôn luôn biến dịch (penta tei) tất cả đều trôi chảy, sống rồi chết, đêm rồi ngày ( thệgiả như tư phù bất khả trú giả), Henry Bergson đã phê bình triết học xây trên khái niệm, phạm trù có tính tĩnh chỉ như sau : "Khái niệm (concept) tựa như cái vỏ kén đã khô đét, tựa như tổ kén mà con ngài đã cắn tổ bay đi rồi, còn lại cái vỏ rỗng. Đem những khái niệm ấy ra xếp đặt, tìm hiểu thực tại, khác nào đem mớ kén rỗng để tìm hiểu khi con ngài đã xa chạy cao bay". Nhận thức khái niệm là sản phẩm của trí năng. Nhưng trí năng có giới hạn của nó, nó chỉ nhận biết được những hiện tượng bì phu chi ngoại  (phénomène) chứ không nắm bắt được thế giới ẩn tượng (noumène) mà Duy thức học gọi là Thế giới tánh cảnh (thực tại). Thói quen của nhận thức khái niệm là điều kiện hóa đối tượng, tức là nhận thức có sự so sánh, đối chiếu, nhị nguyên đối đãi. Ví dụ: khái niệm ngắn đòi hỏi phải có điều kiện đi với khái niệm "dài" ( tương tự xấu/tốt; nhơ/ sạch; cao/thấp; trong/ ngòai...) Điều kiện hóa là tạo ra cái để so sánh trong khi bản chất của vạn vật là không sai khác không phân biệt. Nhận thức bằng điều kiện hóa đối tượng là tự giam mình trong hòan cảnh có giới hạn (Situation limite). Cụ Nguyễn Công Trứ đã có cái nhìn vô phân biệt :
"Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngòai"
Tinh yếu của đạo Phật là Tánh Không  , thể nhập, tiếp cận Tánh Không bằng tuệ giác, trí tuệ chứ không bằng trí năng. Đành rằng trí năng, nhận thức, khái niệm đựơc dùng như phương tiện giả danh (Bất động giả danh như kiến thật nghĩa). Chính vì vậy mà lập luận trong Phật giáo là lập luận theo cách phủ định (Vô). Như đã nói ở trên, ngôn ngữ của chư Phật và chư Bồ Tát là ngôn ngữ tự xóa mất trong từng chữ từng tiếng. Lập luận phủ định là có ý muốn đập tan các vấn nạn của trí năng. "Vô" không có dấu vết của trí năng mà chỉ có dấu vết của ý chí vượt qua trí năng. Nói thế không có nghĩa là chối bỏ trí năng, cái đáng bị chống đối là xem trí thức là thực tại cứu cánh (có người đề cao ý thức ngang bằng với thượng đế). Sở dĩ có sự dài dòng về phương pháp nhận thức trong truyền thống triết học Tây phương là vì gần đây  có sự tranh cãi về Phật giáo và Trần Đức Thảo mà người đề dẫn vấn đề là  Hồ Trung Tú trong bài viết : "Sự gặp gỡ bất ngờ giữa Phật giáo và Trần Đức Thảo".
Đến đây, tưởng có thể cho rằng nội dung của bài viết có thể trình bày đầy đủ. Song vì có tình trạng có những tranh luận không có hồi kết trên đây nên xin được nêu một vài thực tế diễn ra trên diễn đàn tranh luận để làm sáng tỏ bài viết.
Trong 24 điều khiến cho Bồ Tát đánh mất Bồ Đề Tâm của kinh Bảo Tích : "Chẳng tin và nói nghịch lại với những kinh Phật mà mình chưa được nghe lần nào". Và điều thứ 19 : "Những học giả thế tục cũng không thể là bạn tốt và bạn đồng hành với Bồ Tát vì họ chỉ lo nghiên cứu các thứ ngọai đạo và khoái sướng với hư văn, mỹ lệ, với văn tự nghiêm sức điểm trang". Hai điều này nếu ứng vào việc so sánh đối chiếu giữa Trần Đức Thảo (TĐT) và Phật giáo của Hồ Trung Tú (HTT) thì thật có nhiều điều để bàn. Ta hãy nghe lời đề dẫn của  HTT "Tôi không hiểu nhiều về TĐT nhưng nhìn thấy điểm hay ho của triết gia này khi phân tích nguồn gốc của ý thức ta bèn liên tưởng đến quan điểm cội sinh của ý thức trong kinh Thập nhị nhân duyên qua cách hiểu của Thiền tông. Từ đó có những mong đợi, gợi mở cách hiểu, cách tiếp cận mới với kinh sách nhà Phật đã bị che phủ bởi nhiều luận giải trùng vá không trùng suốt (?) là từ 2000 năm qua".
Trước hết nói không hiều nhiều về TĐT mà đem ông này so sánh với Phật giáo là sai nguyên tắc nghiên cứu. Bởi vì muốn so sánh phải nắm vững cả hai vế : Vế so sánh và vế được so sánh.
Thứ đến có phải là : "Kinh sách Phật giáo đã bị che phủ suốt 2000 năm qua" do những luận giải không trùng suốt" ? và nếu thực như thế thì liệu ông HTT có gợi mở được cách hiểu, cách tiếp cận mới không ?
Những vấn nạn trên lớn quá, khó quá, xin miễn bàn. Tuy nhiên cũng nên xin dẫn ra đây một số việc mà HTT đã nêu lên trong các bài viết tạo ra nhiều hồ nghi không đáng có :

Thứ nhất  HTT đã đưa một cụm từ không có trong kinh điển Phật giáo là "Vô thủy vô minh " để chứng minh (theo giọng lưỡi của T ĐT) rằng : Thọat kỳ thủy chỉ có Vô minh. Theo ông Vô minh cũng là vô thức, cũng là bản năng, rằng : thưở hồng hoang mông mụội khi con người còn ăn lông ở lỗ thì hòan tòan không có ý thức mà chỉ có vô thức, bản năng. Khi so sánh Thập nhị nhân duyên với  TĐT, HTT bắt gặp điều gặp gỡ bất ngờ giiữa Phật giáo và TĐT. TĐT cho rằng nguồn gốc của ý thức là Hành, là "những họat động lao động kiếm sống để sinh tồn và truyền giống". Theo đó Hành là họat động lao động (active) là nguồn gốc của ý thức. Giống như 12 nhân duyên : Vô minh, Hành, Thức, ...  TĐT không nói nguồn gốc của Vô minh là gì. Nhưng  HTT dựa vào câu nói của TĐT "Trước khi con người chưa có ý thức, tức hòan tòan vô thức, tức khi con người là động vật vượn người  thì cái dẫn dắt mọi hành vi là Hành , tức là những họat động kiếm sống và sinh tồn" để cho rằng nguồn gốc của Hành và Vô minh. Rồi từ đó kết luận Vô thức, Vô minh là nguồn gốc, là điểm khởi đầu cùa 12 nhân duyên. Chuyện đúng sai trong lập luận của hai nhà tôi không bàn thêm nữa vì đã nói ở bài trước. Ở đây xin xác định là cụm từ Vô thủy Vô minh không có trong kinh điển Phật giáo. Trong kinh điển chỉ có cụm từ Vô thủy Vô chung (tức là vòng tròn Sinh Lão bệnh Tử không bắt đầu từ đâu và không kết thúc từ đâu) .
Mà cho dù có cụm từ Vô thủy vô minh thì cũng không có nghĩa rằng thọat kỳ thủy chỉ có vô minh. Thọat kỳ thủy có Vô minh và có cả Chân Như giống như ánh sáng và bóng tối có cùng một trật. Đức Phật đã từng nói : "Tiếc thay, tất cả chúng sanh đều có đủ Huệ Đức Tướng Như Lai, nhưng vì Vô minh làm cho ô nhiễm che khuất (Kỵ ta nhất thiết chúng sanh cựu hữu, Huệ, Đức, Tướng Như Lai Nhi vị Vô Minh ô nhiễm hữu cố). Như vậy thọat kỳ thủy không chỉ có Vô thức Vô minh mà có cả Chân Như. Nói tóm lại Phật giáo và TĐT chẳng có điểm nào gặp nhau cả. Bởi lẽ ý thức và Hành của TĐT hòan tòan xa lạ với Thức và Hành trong Thập nhị nhân duyên. Và như vậy không thể đánh đồng Vô minh với Vô thức và Bản năng.
Còn nữa, trong tranh luận với PhongUyên ( trong blog Hồ Trung Tú ), HTT đã đưa ra những chứng lý không thuyết phục để bác bỏ những luận điểm của P.U. P.U. nói : "Đạo Phật là Vô Ngã và tất cả mọi hiện tượng đều là hư ảo cần lọai bỏ". HTT bác bỏ luận điểm này và cho rằng trong kinh Phật nhiều chỗ có đề cập đến Ngã, đến Thân và các hiện tượng không hề là hư ảo, không cần lộ rõ.
P.U. nói : Đạo Phật là vô ngã" là đúng (khổ, vô thường., vô ngã) và mọi hiện tượng là hư ảo là hợp với khế kinh ( Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn tạo ảnh, như lộ diệc như điện)
Nói đến hiện vật, hiện tượng hư ảo là nói đến Vô tự tính. Cái mà ta gọi là vật hay hiện tượng gì đó bằng một khái niệm thì cái đó, hiện tượng đó được hợp thành bởi những yếu tố không phải nó. Chính vì vậy mà nó mới là nó (như thị). Tất cả các pháp đều Không vì không có tự tánh.  HTT dẫn kinh để chứng minh có Ngã trong kinh Phật :
... Kinh Kim Cương "Ngay trong thân Phật mà thấy là Phật thân".
Đây là vấn đề quán thân trong thân chứ không phải là Ngã. Quán Thân trong Thân để thấy Thân vô tự tính, thân giả hợp, thân vô ngã mà thấy được vô ngã là thấy được Phật thân. Bởi vì thân thể này chính là cái Ta, thân thể này với ta là một (This body is me). Huệ Trung Thượng Sĩ nói :"Thỏa nguyện ta hề được ngã sở. Sống chết bức nhau hề ta vẫn xem thường"
  HTT dẫn kinh Pháp Hoa : "Phật tính trong chúng sinh tính" Câu này cũng không có nói đến Ngã mà có ý nói Phật pháp không xa rời thế gian pháp (Chân đế trong Tục đế) -   HTT nói "Có Ngã sao có câu Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc" Mấy câu này trong kinh Bát Nhã không phải thừa nhận có Ngã mà nêu lên tính tương tức, tương nhập (cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này ở trong cái kia)
Ngoài ra để chứng minh những luận giải kinh điển trùng vá không trùng suốt, HTT đưa ra ví dụ : Tứ diệu đế (Bốn sự thật) là chân lý mà Phật thuyết pháp đầu tiên với 5 anh em ông Kiều Trần Như vì sao lại phủ nhận trong kinh Bát Nhã :
"Không hề có Vô minh
Không hề có hết Vô minh
Cho đến không Lão, Tử
Không Khổ, Tập, Diệt, Đạo..."
Bộ kinh Tinh yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa được Bồ tát Quán Tự Tại tuyên đọc trước khi thực hành sâu (hành thâm) quán chiếu thấy Năm uẩn đều không. Trong tánh không mọi cái đều không, tất cả bốn sự thật : Khổ, Tập, Diệt, Đạo đều Không. Bởi vì Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng không tồn tại một cách độc lập mà duyên vào nhau, cái này là Nhân của cái kia (Tập là nguyên nhân của Khổ, Đạo là nguyên nhân của Diệt). Không thể căn cứ vào đó mà nói kinh sách Phật giáo bị che phủ bởi những luận giải trùng vá không trùng suốt. Nói như vậy là không kính trọng luận sư, pháp sư trong quá khứ và hiện tại. Do chấp vào ngôn thuyết mà cho rằng chỗ này nó có và chỗ kia nó không. Lời nói dù là Phật thuyết cũng theo thế gian. Chấp lời là nghịch ý. Y kinh giảng nghĩa là oan cho ba đời  chư Phật. Kinh Kim Cang do Phật thuyết nhưng trong kinh Phật nói : "Nếu có người nói ta có thuyết pháp là phỉ báng ta". Pháp mà còn phải bỏ huống chi Không phải Pháp. Trong nhà thiền có ẩn dụ "Hàn lưu trục khối- Sư tử giảo nhân". Một người liệng ra cục xương , con chó chạy theo cục xương mà cắn, còn  con sư tử thì không để ý đến cục xương mà cắn người liệng ra cục xương (người : tự tánh; xương :lời của Phật tổ). Chó đuổi theo lời của Phật tổ, còn sư tử thì cắn tự tánh . Cũng như nói "Ngón tay chỉ mặt trăng", có người nương tay theo ngón tay để nhìn thấy mặt trăng, lại cũng có người chỉ nhìn chăm chăm vào ngón tay và cho đó là mặt trăng.
  Sau cùng còn vấn đề nữa trong nhiên cứu kinh điển Phật giáo  là hiện nay có khuynh hướng đem phật giáo cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học (như sinh vật học ,nhân chủng học ,cơ thể học ,phân tâm học ,triết học ,các lý thuyết và các chủ thuyết thế tục ...)
Về vấn đề này ta không cần bàn luận thêm nữa mà chỉ cần đọc kỹ đoạn trích sau đây của Albert  Einstein -nhà bác học lỗi lạc thế giới -"Nếu có một tôn giáo nào có thể thích nghi với những nhu cầu của khoa học thì đó chính là Phật giáo . Phật giáo không cần phải duyệt  xét quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học .Bỡi vì Phật giáo bao gồm cà khoa học và đồng thời cũng vượt qua khoa học .Phật giáo siêu việt qua thời gian và mãi mãi có giá trị ."
     Đức Phật Thích Ca chưa từng tốt nghiệp trường đại học nào nhưng nhờ thiền định mà biết được vũ trụ có vô số thế giới hằng hà sa số như cát sông Hằng ;trái đất không phải là trung tâm vũ trụ ; thân thể con người có 360 khớp xương 84000 lỗ chân lông vv...Chúng ta đâu cần đem quan điểm Phật giáo để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học để rồi nói theo giọng lưỡi của thời thượng rằng Phật giáo đồng hành cùng ông này cùng bà nọ !
 Đạo Phật là đạo giải thóat, kinh điển Phật giáo giúp ta con đường đi tới cứu cánh giải thóat. nghiên cứu kinh luận để có được tuệ giác, thấy được khổ, vô thường, vô ngã chứ không phải để khoe khoang tri thức, phô diễn cái ta. Thâu đọat kiến thức dưới tay người khác là tự đóng cửa sự tự giác ngộ của mình. Muốn việc nghiên cứu kinh luận Phật giáo đem lại lợi lạc cho mình và cho chúng sanh phải có động cơ phát Bồ Đề tâm. Ngòai ra cần thiết phải tỏ ra Khiêm hạ, Khoan nhu, không nên quá tự cao tự đại, kiêu ngạo, ngạo mạn, khinh thường và miệt thị người khác.
    Để kết thúc bài viết này, xin dẫn ra đây bài thi kệ "Thị học" (Bảo cho hàng học giả biết) của Huệ Trung Thượng Sĩ do Trúc Thiên dịch thơ :
"Miệt mài học giả hướng nào dong
Gạch ngói mài chi luống uổng công
Thôi chớ cửa người nương dựa mãi
Ánh xuân một điểm khắp trời bông"
Câu cuối nguyên văn Hán tự : "Nhất phiến xuân quang xứ xứ hoa" nghĩa là Chỉ cần một tia nắng ấm của mùa xuân chiếu rọi thì đâu đâu cũng thấy nở rộ bông hoa. Dựa vào tri thức của người khác, chấp vào ngôn thuyết văn tự, tham gia vào trò chơi hý luận, khư khư bảo thủ ý kiến của mình ... chẳng khác nào mài gạch ngói để mong thành gương soi mặt. Những biên kiến, thủ kiến, chấp kiến đem ra để tranh luận chẳng khác gì  "đàm dãi của chồn cáo "( *)
        
(*)  Đây là thành ngữ phổ biến trong nhà thiền  phê phán những người sa vào ngôn thuyết ,xao lãng tự tánh  .

- Phạm Hạnh-

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Bàn tay

   Cũng là một bàn tay 
   Làm biết bao nhiêu việc 
   Từ thô cho đến tế
   Từ thanh cho đến tục 

   
   Khi nắm lại sục sôi 
   Khi xòe ra thân ái 
   Khi chấp lại trang nghiêm 
   Khi buông tuồng mê đắm 


   Có bàn tay nghĩa hiệp 
   Đập tan những bất bình 
   Có bàn tay ác hiểm 
  Gây cho đời điêu linh 
  
   Bàn tay nào gổ quý 
   Dắt đưa nhau vào đền 
   Bàn tay nào ma quỷ 
   Dẫn nhau xuống vực sâu


   Có những cái bắt tay 
   Thắt  chặt tình giao hảo
   Có những cái bắt tay 
   Chỉ hững hờ xã giao


   Có đôi tay tạo tác 
   Nên cuộc đời an vui 
   Có bàn  tay tàn hoại 
   Khiến cho đời  lụi tàn


   Có bàn tay chỉ đường 
   Cho người phương và hướng 
   Có ngón tay nhấn nút 
   Cho bom nổ tan hoang !


   Ối !trần gian  não loạn 
   Bất tịnh và bất an
   Khiến LƯƠNG THỨC đi hoang 
   Tạo ra bao ác nghiệp 

   Ngồi yên và tĩnh lặng  
   Lắng nghe trong phút giây 
   Sẽ gặp thầy LƯƠNG THỨC
   Có mặt trong đời này 


   Trợ thủ của đôi tay 
   Chính là thầy LƯƠNG THỨC 
   Sống thiếu thầy LƯƠNG THỨC 
   Làm bẩn đôi tay nầy !