Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Với Từ Hải

                                                                      

           Anh từ biển rộng sông dài 
      Mon men đến chốn trần ai làm gì ?
          Vung gươm lên để được chi ? 
       Bất công vẫn mãi muôn đời bất công
          Nỗi niềm chi với non sông
      Gươm đàn nửa gánh - tay không : một giờ ! 
          Hồ Công tráo trở ai ngờ
     Rừng gươm núi giáo phục chờ tướng quân
          Anh Từ ơi ! kiếp giang hồ 
    "Mười năm sự nghiệp bây giờ là đây "!(1)
         Nỗi niềm riêng có ai hay ?
     Nặng  tình với Thúy - dỡ hay cũng đành 
             Thúy rằng :"  cỏ nội hoa hèn 
     Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau " (2)
                                                          Từ rằng : Hải lượng thiên ân 
                                                        Cho em ngần ấy có cần chi hơn

                                                          Từ quân ơi cũng một đời !
                                                        Trăm năm đại nghiệp đổi lời tri âm 
                                                          Báu chi danh tướng cát lầm
                                                    Ngàn thu há dễ " ngàn tầm ...tùng quân"(2 )

                                                         Chỉ vì  một ngọn gió giông
                                                      Gốc tùng xiêu đổ- cát đằng bơ vơ .


 (1)
Thơ Nguyễn Đình Toàn - Khúc ca Phạm Thái 
(2 )Thơ Nguyễn Du - Truyện Kiều 

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Một sự kiện đáng mừng cho đaọ pháp và dân tộc

            wthaytamman_______ng_Nguy___n_V__n_c_____63__447147717 (3).jpg


     Có một sự kiện quan trọng làm xôn xao dư luận trong giới phật tử : Đó là đại nguyện của Đại Đức Thích Tâm Mẫn phát dậy Bồ Đề tâm làm một cuộc hành hương  nhất bộ nhất bái từ chùa Hoằng Pháp ( Saigòn ) đến núi Yên Tử  ( Quảng Ninh ) . Cuộc hành trình khởi đầu từ mồng 2 tết Kỷ Sửu ( 2009 ) . Tính đến nay thầy đã đi được gần bốn năm , đã đến địa phận tỉnh Bắc Ninh , gần hoàn thành  ý nguyện . Trong các bản tin , vidéo người ta thấy hình ảnh của thầy mặc áo tràng nâu , đắp y vàng , lạy sát đất trên đường phố đông người và xe cộ qua lại . Hình ảnh nầy gợi chúng ta nhớ đến hình ảnh tương phản của một nhà sư lái xe hơi , tay lái quá đà nên bị lật ngửa ở một vòng xoay giữa phố Saigon  ( câu chuyện nầy được đưa lên báo vào những ngày giáp tết năm Nhâm Thìn 2012 ) . Đem hai hình ảnh và hai sự kiện nầy đặt cạnh nhau ta thấy có nhiều điều để nói về hiện trạng và tương lai đạo pháp .

  Hành hương , kinh hành , thiền hành là truyền thống tu trì của Phật giáo . Hành hương về đất Phật , đi bộ từng bước vững chãi là phép tu rèn luyện tâm ý :
 "Ý về muôn vạn nẻo 
 Thiền lộ tâm an nhiên 
 Từng bước gió mát dậy 
 Từng bước nở hoa sen "
                 ( luật Tì Ni )

  Vừa đi vừa điều nhiếp hơi thở , tâm ý đạt đến trạng thái an nhiên tuyệt niệm .
Lạy sát đất cũng là pháp tu địa xúc . Tiếp xúc với đất để quét sạch ý niệm ngã và ngã sở trong niềm sám hối thống thiết , thành khẩn để được chở che , ôm ấp gọi là sám pháp địa xúc . Đất vốn dày và rộng , chứa đựng và ôm ấp , cho nên tiếp xúc với đất sẽ được an lành ( địa quãng hàm tàng , xúc chi tất an ) .
    Vừa đi bộ vừa lạy trên đường hành hương về đất Phật không phải là chuyện lạ lẫm cũng chẳng phải là cuồng thiền hay là mê tín . Chữ Hành ( ) trong tiếng Hán vừa là đi , vừa là làm mà cũng là đức hạnh nết na hạnh kiểm . Khác một điều là nếu làm với tâm náo loạn , tham dục , ái nhiễm thì là tâm hành  ; còn làm với tâm thanh tịnh trong sạch thì là pháp hành . Hành hương về đất Phật là pháp hành . Trong thế kỷ trước , bên Trung Quốc có Hòa thượng Hư Vân lập nguyện báo ân hiếu mẫu bằng một cuộc hành hương tam bộ nhất bái từ Phổ Đài Sơn đến Ngũ Đài Sơn . Chuyến đi trong ba năm ròng rã , công đức của ngài mới thành tựu viên mãn . Ngũ Đài Sơn là thánh địa , là đạo tràng của ngài Văn Thù Sứ Lợi . Ngài Hư Vân vừa đi vừa lạy , tới sông Hoàng Hà thì gặp trời đổ mưa tuyết , ngài bèn tạm trú trong một căn lều .  Vừa đói vừa lạnh , thân thể mất hết cảm giác , ngài bất tỉnh nhân sự .Tỉnh dậy ngài thấy có người nấu cho một nồi cháo . Ăn xong ngài được lại sức và tiếp tục cuộc hành trình . Tới Ngũ Đài Sơn ngài mới hay người nấu cháo chính là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù . Trong tất cả những cuộc hành trình cầu pháp với lòng chí thành chí thiết dù có gặp tai ương kiếp nạn , nhưng trong chốn vô hình vẫn có Chư Bồ Tát , Chư Thần Hộ Pháp ủng hộ . Ví như cuộc du hành thỉnh kinh của Đường tăng Tam Tạng vậy .
   Cuộc hành trình của Đại Đức Thích Tâm Mẫn đến nay đã gần bốn năm trời và thầy đã sắp về đến đích .Lập nguyện của thầy là cầu cho quốc thái dân an . Đó là điều đáng mừng cho dân tộc . Còn về phương diện đạo pháp thì đây là đại hạnh nguyện buông bỏ tứ đại , dũng mãnh thực hành lý vô ngã . Ai mục kích hoặc nghe thấy việc làm của Thầy cũng phải chửng lại để có dịp tự soi lại mình .



wthaytamman_______ng_Nguy___n_V__n_c_____63__447147717.jpg


  Xưa nay ta vẫn tin nhiều người lập được những thành tích  phi thường  như một phụ nữ vượt Đại Tây Dương bằng một chiếc du thuyền , hoặc một người đàn ông bay qua nhiều châu lục chỉ bằng một khinh khí cầu ...Thế nhưng khi nghe câu chuyện một nhà sư làm cuộc hành hương nhất bộ nhất bái trên một chặng đường gần hai ngàn kilômét thì ai cũng tưởng là chuyện hoang đường . Nhưng đây tuy là chuyện khó tin mà có thật . Vâng ! Nó có thật giữa lòng một thời đại mà phương tiện cơ giới đã đạt đến trình độ siêu tốc ; nó có thật giữa một xã hội chuộng kim tiền , vật chất , ai nấy lăng xăng , dáo dác , đôn đáo , bon chen luồn lách ...tìm đủ mọi mánh khóe để thu gom thật nhiều tiền của về phía mình ; nó có thật giữa những đại gia ném tiền qua cửa sổ ,du hí ăn chơi hưởng thụ ; nó cũng có thật trong thời mạt pháp mà mọi sinh hoạt của Giáo Hội cũng bị lây bệnh thành tích chủ nghĩa . Đó là chưa kể đến những những giấy bạc giả của nhà chùa lạm dụng phương tiện , mượn đạo tạo đời .

  Cốt tủy của đạo Phật là tu hành và tự mình thể hiện chân lý .Ai tu nấy chứng . Nói đến tu hành là nói đến rèn luyện , thực tập ( training ) chứ không phải là sở học ( learning ). Ngày xưa trong các thiền viện , người theo học đạo với thầy được gọi là hành giả .Hành giả phải tự hạ thủ công phu , tự tu tự chứng . Kinh giáo và sư thầy chỉ đóng vai trò trợ lực , khai tâm . Hành giả phải tự thắp sáng ngọn đèn trong tâm của mình . Phật dạy các đệ tử hãy tự thắp đuốc lên mà đi . Ngày xưa có một ông mù đến chơi nhà ban ; khi về thì trời đã tối . Chủ nhà cho ông mù mượn chiếc lồng đèn . Ông ấy nói không cần vì ông không thấy ánh sáng . Người bạn bảo để người đi đường thấy mà tránh . Trên đường đi , ông mù va phải người đi đường vì ngọn đèn của ông đã tắt tự bao giờ mà ông không hay .
          Phần lớn người đời vay mượn ánh sáng của người khác nên thường bị va vấp mà chẳng biết . Thắp sáng ngọn đèn trong tâm là thường xuyên , chuyên nhất thực hành lời giáo huấn của chư Phật :
    Chư ác mạc tác 
    Chư thiện phụng hành 
    Tự tịnh kỳ tâm 
    Thị chư Phật giáo 
 ( không làm mọi điều ác
 thành tựu các hạnh lành
 tâm ý giữ trong sạch 
chính lời chư Phật dạy )

     Cụm từ " giữ tâm trong sạch " ta thấy nói thì dễ mà làm thì khó .
   Đại đức Tâm Mẫn phát dậy Bồ Đề tâm làm cuộc hành hương nhất bộ nhất bái để rèn luyện tâm ý kiên định , củng cố niềm tin xác tín đối với Chư Phật . Ý nghĩa cuộc hành trình nầy không nằm ở điểm đến hoặc mục đích đến mà nắm ở chỗ đang đi . Đành rằng  có đi thì sẽ đến , có cầu ắt sẽ được . Hình ảnh của một người trẻ tuổi lạy sát đất giữa đường phố người , xe tấp nập lăng xăng bươn bả là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người dừng lại trong giây lát , làm sạch tâm ý mình . Mỗi bước đi với mỗi cái lạy của Thầy đều trong cảnh giới nhất niệm bất sinh . Gieo mình năm vóc sát đất là hành động buông bỏ tứ đại , kể cả ngã và ngã sở . Nói như Huệ Trung Thượng Sỹ trong " Phóng cuồng ca " :
     Buông bỏ tứ đại hề đừng nắm bắt 
     Tỉnh một đời hề thôi chạy quàng 
     Thỏa nguyện ta hề được ngã sở 
     Sống chết bức nhau hề ta vẫn coi thường . 

  Tóm lại , toàn bộ câu chuyện về chuyến hành hương đến xứ Phật của Thầy Tâm Mẫn là một tin vui đối với dân tộc và Đạo Pháp . Thì ra Đạo Pháp vẫn còn những bậc chân tu , những chủng tử Bồ Đề phát tâm đại nguyện để duy trì chánh pháp . Trong cuộc hành trình của đạo pháp và dân tộc , Phật giáo luôn luôn tiềm ẩn trong mạch sống của dân tộc . Đạo Pháp tuy không bước cùng nhịp , đồng hành với thời đại song luôn luôn cọng hưởng cùng dân tộc trong cuộc hành trình  miên viễn .


Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Làm từ thiện với tâm bồ đề

Không Phát Tâm Bồ Đề Không Vãng Sanh    Nguyên động lực của việc đi làm từ thiện là từ bi và trí huệ  ( hiểu và thương ) .  Trí huệ và từ bi là hai mặt của tâm Bồ Đề  ( Bohdicitta) . Đi làm từ thiện mà đánh mất tâm Bồ Đề thì việc làm đó trở nên vô bổ và có nguy cơ tạo nghiệp . Kinh Hoa Nghiêm cảnh báo :
Vong  thất Bồ Đề tâm , tu chư thiện pháp , thị danh ma nghiệp "
 ( quên mất tâm Bồ Đề , tu các thiện pháp , đều là việc làm của ma  ) . Trong luật sa di cũng có câu : " Kim nhân bất năng như thị hành từ " ( Người đời nay không biết thực hành lòng yêu thương một cách như vậy ) . Chữ "như vậy"  ở đây có nghĩa là không kiên cố Bồ Đề tâm .
    Thế nhưng Bồ Đề tâm là gì ?

 Bồ Đề tâm là lòng Bồ Đề , là tâm Phật , là lòng giác ngộ . Hiểu hết ý nghĩa phong phú của Bồ Đề tâm là đạt đến giác ngộ viên mãn . Chính Bồ Đề tâm làm cho Bồ Tát thành Bồ Tát , làm cho Phật thành ra Phật . Không có Bồ Đề tâm sẽ không có cái gọi là giáo hội ,  tăng đoàn ; ngay cả các hoạt động từ thiện cũng trở nên vô nghĩa .
    Bồ Đề tâm có hai mặt : Từ Bi , Trí huệ . Từ bi được hoạt hiện bằng phương tiện thiện xảo qua năm ba la mật : bố thí , trì giới , nhẫn nhục , tinh tấn , thiền định . Phương diện này thuộc về tục đế .
   Còn trí huệ ba la mật còn gọi là Bát Nhã ba la mật , hay còn gọi là  Không tính . Phương diện này thuộc về chân đế .
   Trong sáu ba la mật nói trên thì trí huệ ba la mật là bình chứa của tất cả ba la mật khác . Nếu bình chứa không được nung kỹ thì tất cả những thứ được  chứa trong đó sẽ bị rò rỉ . Nói tắt , trí huệ ba la mật là căn bản của sáu ba la mật .
  Bồ Đề tâm nói gọn lại là từ bi và trí huệ , là tâm bồ tát , là tâm Phật . Tâm Phật khác với tâm chúng sinh ở chỗ tâm chúng sinh  ( gọi là nhất thiết chủng trí ) có đầy đủ yêu thương , hờn giận , si mê, trí lực , khổ đau , hạnh phúc . Còn tâm Phật gọi là bình đẵng tánh trí : Không còn phân biệt , không kẹt vào tướng , không kẹt vào khái niệm , không kẹt về ngã , về nhân , về chúng sanh , về thọ giả ...
  Tán thất Bồ Đề tâm tức là đánh mất tâm Phật , mất cả Bồ Tát hạnh . Đi làm từ thiện là thực hiện hạnh Bồ Tát . Một cư sĩ bình thường có thể thọ Bồ Tát giới và thực hành hạnh Bồ Ttrong thế giới tục đế . Bồ Tát đi thánh hóa cuộc đời nhưng nếu đánh mất Bồ Đề tâm thì sẽ bị đời tục hóa . Kinh Phổ Minh Bồ Tát nêu ra bốn điều khiến cho Bồ Tát đánh mất Bồ Đề tâm như sau :
   1/ Lường gạt thầy dạy đạo của mình , không tôn kính những pháp môn và những kinh Phật mà mình đã được truy dạy
  2/ Gây tạo sự ngờ vực không xác đáng và sự ân hận hối tiếc vô cớ vào trong lòng người khác
  3/ Chửi rủa phỉ báng những kẻ cầu đạo đại thừa  , rồi bêu xấu họ khắp nơi
  4/  Xun xoe nịnh hót và lòng dạ quanh co , không được thẳng thắn thật lòng khi tiếp xúc tùng sự với người đời .
     Một khi phạm vào các điều nói trên ( trong kinh Phổ Minh ) thì các hành giả đã đánh mất Bồ Đề tâm của mình . Và như vậy thì việc bố thí , trì giới , ....đều trở nên vô nghĩa .
   Đi làm từ thiện thì cần phải kiên cố Bồ Đề tâm , phải có tâm bình đẵng , tánh trí , vô phân biệt trí . Bài thi kệ của Lục Tổ Huệ Năng sau đây nói về tâm vô trước trong cảnh hồng trần :

   Ngột ngột bất tu thiện 
  Đằng đằng bất tạo ác 
  Tịch tịch đoạn kiến văn
   Đảng đảng  tâm vô trước 

Tạm dịch :

     Trơ trơ không tu thiện 
     Lăng xăng không tạo ác 
     Tẩy trừ tâm phân biệt 
     Hiển bày tâm vô trước 

       Tâm vô trước là tâm không còn phân biệt . Đi làm từ thiện mà còn vướng , còn chấp , còn nhân , còn ngã , ....thì vô tình đã đánh mất  hết Bồ Đề tâm !