Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Phiếm luận về lẽ sống chết nhân đọc bài thơ " Xiếc " của Nguyên Âm

                         Xiếc

           Sống thường hay đua tranh
           Chết vô cùng thương tiếc
           Con người đang làm xiếc
           Giữa cuộc đời mong manh

                              Nguyên Âm

    Thắc mắc lớn nhất của con người là thắc mắc về lẽ sống chết ở đời .Đại loại như tại sao ta sinh ra ? tại sao ta chết đi ?Tại sao lại là tôi ?( khi phải đối mặt với tuyệt vọng khôn cùng ) vv...và vv. Mọi tôn giáo và triết thuyết đều tập trung lý giải những thắc mắc nầy . Quan điểm chính thống của nhà xã hội học thì chỉ tập trung định nghĩa lẽ sống chứ không đề cập đến cái chết . Người đời cũng chỉ thường mưu sinh chứ không mưu tử . . Dưới cái nhìn của nhà xã hội học thì sống được định nghĩa là  sống với ( vivre avec ) .Trừ những người bị lưu đày nơi hoang đảo hoặc các ẩn sĩ trong rừng sâu thì không ai sống một mình . Con người cũng như các loài động vật đều sống theo bầy đàn . Các loài thú hoang dã sống theo bầy đàn và tranh giành nhau những con mồi để sinh tồn . Loài nầy là mồi của loài kia . Con người là động vật cao quý nhất đi bằng hai chân ( lưỡng túc )Nhưng đôi khi con người còn tệ hại hơn loài vật ở chỗ tranh giành giết hại nhau . Đành rằng trước cái chết của đồng loại cũng biết tỏ ra thương tiếc .Một thi sĩ đã khái quát nghịch lý nầy bằng bốn câu thơ :
                                Sống thường hay đua tranh
                                Chết vô cùng thương tiếc
                                Con người đang làm xiếc
                                Giữa cuộc đời mong manh
     Thực trạng , chân tướng của đời sống , cách cư xử của con người trong cuộc sống : Sống đua tranh , chết thương tiếc .
  Nghĩa tử là nghĩa tận . Chết là hết ! hết đua tranh . Thường người ta nói rằng  sống là tranh đấu . Nhưng tranh đấu mà không lành mạnh , minh bạch sẽ trở thành tranh giành , ganh đua , tỵ hiềm , đố kỵ . Mọi tội ác trên đời này đều bắt nguồn từ sự ghét ghen  ( ghen ăn , ghét ở ) .Trịnh Hâm trong "Lục Vân Tiên " cùng một lúc phạm phải ba tội ác cũng chỉ vì mỗi lý do ganh ghét : Thứ nhất là giết người bạn đồng môn , thứ hai là giết một người sa cơ lỡ thế , thứ ba là giết một người tật nguyền không có khả năng tự vệ . Trong thời đại ngày nay , các cuộc khủng bố đẫm máu giết hại hàng loạt con người chung quy cũng chỉ vì lòng đố kỵ .
   Chết là kết thúc mọi chuyện , không còn đua tranh , thù hận . Khi còn sống thì có nhiều đối thủ ; nhưng khi chết rồi thì chẳng còn ai là đối thủ cả . Con người lúc sinh tiền dù có ác đức , tàn độc đến mấy ..khi chết đi cũng được thương tiếc ...Người Việt ta vốn nhân hậu nên mỗi khi nghe tin ai đó qua đời đều chép miệng " tội nghiệp " bất kể đó là ai .Đã làm người ai cũng " mang lấy nghiệp vào thân " nên " cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa ". Không ai tránh khỏi nghiệp vì nghiệp là những hành vi đã gây ra trong quá khứ có ảnh hưởng đến hiện tại và là nhân tố tác động cho sự sống kế tục . Con người là kẻ thừa tự những hành vi mà y đã gây ra trong quá khứ . Bao lâu con người còn tranh giành , ganh đua , bấy lâu con người còn tàn hại nhau một cách ghê tởm . Thương tiếc một người đã khuất , phúng điếu , thắp hương trong tang lễ chỉ là lễ nghi hình thức . Lễ chẳng qua là bì phu chi ngoại .Giá trị tinh thần cao cả nhất là ĐẠO . ĐẠO rồi mới đến ĐỨC, NHÂN , NGHĨA và sau cùng là LỄ . Các giá trị này đã dần dần bị phá sản .Sống mà tranh giành thì đâu còn kể gì nhân nghĩa .Nhân là quan hệ tốt đẹp giữa người với người .Còn  nghĩa  là quan hệ tốt đẹp giữa cá nhân và cộng đồng . . Khi hai mối quan hệ trên không còn nữa thì lễ chỉ là hình thức mong manh . Sống mà tranh giành , tàn hại nhau  thì chết thương tiếc để làm gì ? Chi bằng lúc sống ăn ở cùng nhau cho phải đạo làm người là đủ . Thiên hạ người đời phóng tâm chạy theo mưu cầu cuộc sống - tranh giành , ganh đua , bành trướng , gây thanh thế , chiếm quyền lực ...mà quên đi sự ngắn ngủi mong manh của cuộc đời .
     Cuộc đời như giấc mộng Nam Kha - tỉnh giấc mộng nồi kê còn chưa chín
                            Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
                             Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
                            Trăm năm nào có gì đâu
                            Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì
                                                                Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều
     Thế gian là cõi tạm . Cuộc đời là quán trọ . Ta là người khách lữ rong chơi trong cuộc lữ . .Hà cớ gì mà phải lao tâm khổ tứ phù phép đua tranh .Lão Tử cho rằng cuộc đời như một giấc mộng lớn , làm chi cho nhọc sức  ( Xử thế nhược đại mộng , hà vi lao kỳ sanh ? )

          Vậy mà :
                           Con người đang làm xiếc
                           Giữa cuộc đời mong manh
       Con người đang làm xiếc tức là đang bày ra tuồng ảo hóa giữa kiếp phù sinh . Làm xiếc tức là bày trò ảo thuật trong các quan hệ ứng xử giữa người với người , giữa cá nhân và cộng đồng - tạo ra một thế giới ma trận . Trong thế giới nầy cái thật nhường chỗ cho cái ảo . Cái ảo lại lộng hành khuynh đảo , len lõi đến tận ngỏ ngách của đời sống . Cái gì cũng có thể ảo : Chất lượng ảo , thành tích ảo , học thuật ảo ...Thậm chí cả đồ ăn thức uống đưa vào cơ thể con người cũng bị  làm ảo . Khi khoa học kỹ thuật càng phát triển thì kỹ nghệ làm xiếc càng tinh  vi  . Tuy vậy đừng vội đổ lỗi cho khoa học vì một nhà khoa học nổi tiếng đã cảnh báo :" Khoa học mà không có lương tâm thì đó là sự tàn lụi của tâm hồn " . Một khi đánh mất đạo ,đức , nhân , nghĩa thì chuyện kết nghĩa ở vườn đào trong Tam quốc chí không còn đầy đủ ý nghĩa về tình đệ huynh . Ngày nay , loại người như Lý Thông thì đầy rẩy , nhan nhản .Ngay cả kỹ nghệ " lấy Tây " ở thế kỷ trước cũng trở nên tinh xảo gấp bội trong thế kỷ nầy .  Nói làm sao hết những trò ảo thuật đang diễn ra hằng ngày vì chúng muôn hình vạn trạng như hình thù trong ống kính vạn hoa

      Sống tranh giành , chết   thương tiếc , xiếc một đời , chết không lời trối trăn . Đó chính là sống say chết mộng ( sinh túy , tử mộng ) . Cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã khái quát rất tài tình chu kỳ một vòng đời của con người  :
                                 Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
                                 Sên bò nát óc máu thầm rơi
                                Chiều nay : một dấu than buông dứt
                                Đinh đóng vào săng (* )tiếng trả lời
  Chu kỳ của vòng đời bắt đầu từ nhiều dấu hỏi (? ) và kết thúc bằng một dấu than ( !) .Một thái độ tích cực để lấy lại cân bằng trong tự thân là VÔ TRÁNH  ( không tranh giành ).Lão Tử cho rằng vì ta không tranh cho nên không ai tranh nỗi  với ta . Một khi đã vô tránh rồi thì hà tất phải nhọc công làm xiếc . Lấy lại sự cân bằng trong nội tâm là lập lại hòa bình trong mỗi cá nhân .Hòa bình trong tự thân , hòa bìmh trên thế giới . ( peace in oneself, peace on the world )



(* ) Săng : quan tài
                                                                                                                                                                                   
















Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Từ một xã hội băng hoại đến chủ nghĩa chính danh

   Nguyên do xảy ra chuyện bầy tôi thí vua , con giết cha , vợ chồng anh em sát hại lẫn nhau không phải một sớm một chiều . Nguyên do ấy xảy đến dần dần từ lúc mới mọc mầm . Cái mầm mống của loạn thần , tặc tử là danh không chính .Nguyên ủy của chính danh là đạo .Đạo là giá trị tinh thần cao nhất trong các giá trị : đạo , đức , nhân ,  nghĩa , lễ. Thiên hạ dần dần bị phá sản những giá trị tinh thần cao cả ấy : vì mất đạo nên mới tính tới đức ; mất đức nên mới tính tới nhân , mất nhân nên mới tính tới nghĩa và vì mất nghĩa nên mới tính tới lễ - lễ là hình thức mong manh- . Đức Khổng tử cho rằng nguyên nhân của một xã hội băng hoại là " thiên hạ vô đạo " . Sử gia Phùng hữu Lan trong " Lịch sử triết học trung Quốc " viết : "  Khổng Tử chính mắt thấy các chế độ đương thời băng hoại nên cho rằng ' thiên hạ vô đạo ' và ngài mơ tưởng đến một thời đại ' thiên hạ hửu đạo ' " .Tử Lộ - học trò của Khổng Tử - hỏi thầy : " Nếu vua Vệ mời thầy làm chính sự thì thầy sẽ làm gì trước ? " Khổng Tử đáp : " Tất nhiên phải chính danh trước " . Đó là vấn đề từ một xã hội băng hoại đến chủ nghĩa chính danh .
      
        Mơ một thời đại thiên hạ hữu đạo là nguyên động lực thúc đẩy Khổng Tử viết sách Xuân Thu . Khổng Tử san định Xuân Thu là để biện biệt thuyết chính danh . Và như vậy thuyết chính danh đã ra đời trong một xã hội băng hoại . Tôn chỉ của chính danh là tạo ra một tiêu chuẩn cho mọi điều phải trái lành dữ...Bằng phương pháp chính danh tự , định danh phận để sửa sang giềng mối quốc gia , tái lập trật tự xã hội . Đó là căn bản của triết học Khổng Tử . Sau đây là mấy nét chính về quan niệm căn bản của triết học Khổng Tử:
    - Quan niệm về vũ trụ , vạn vật luôn luôn biến dịch . Dịch là chỗ vô cùng sâu thẳm để nghiên cứu nguyên động lực tạo nên cái chí của thiên hạ . Có động cơ mới làm nên việc . Cơ là chỗ vi diệu nhất của mọi hành động , là sự hiện ra trước của mọi điều lành dữ  ( Cơ giã động chi vi kiết hung chi tiền hiện giả dã ). " Tri cơ " , " kiến cơ " để đề phòng từ chỗ nhỏ nhặt , ngăn cản lúc mọc mầm .
  -  Mọi chế độ khí vật , phép tắc lễ nghi của con người khởi từ tượng . Tượng cũng là cơ của mọi chế độ vạn vật . Mọi ứng dụng của tượng về phương diện tâm lý hay luân lý là Ý  hay còn gọi là ý niệm , khái niệm ; còn xét về phương diện thực tế tức là  danh ( danh tự ). Học thuyết tượng là động cơ của sự vật . Đối với Khổng Tử , triết học nhân sinh phải chú trọng đến động cơ của hành vi . Tượng có ngụ ý khuôn mẫu để phỏng theo , nên triết học , giáo dục , chính trị của Khổng tử chú trọng đến hành vi, tiêu chuẩn và khuôn mẫu ."Chính cho mình" để "chính cho người".
   - Góp danh thành tự . Danh tự là công cụ bày tỏ xu hướng , động tác của ý tượng : vạch ra điều lành , điều ác ; điều lợi , điều hại trong hành vi , làm hướng đạo cho hành vi nhân sinh .
   -  Chủ nghĩa chính danh là điểm quan trọng nhất trong triết học họ Khổng .
  Nói đến chính danh là nói đến  chính danh tự , định danh phận  và  ngụ ý khen chê . Khổng tử làm ra sách Xuân Thu là cốt để trình bày thuyết chính danh hầu răn đe những loạn thần tặc tử .
   Đầu tiên là phương pháp chính danh tự . Như trên đã nói mỗi danh tự có một ý nghĩa , khái niệm kèm theo nó . Dần dà những ý niệm của danh tự bị sai lệch và biến nghĩa đi , làm cho danh tự không còn là chính danh nữa . Công việc chính đính lại ý nghĩa của danh tự thuộc các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học , văn pháp học , hàn lâm viện . Ngày xưa chính đính danh tự là trách nhiệm của giới quý tộc , của nhà cầm quyền  ( thường gọi là chính danh quân tử ). Khổng Tử cho rằng về chính trị cũng như về xã hội sự băng hoại của các giai cấp là lỗi của lớp quý tộc cầm quyền . Hành vi của giới quý tộc rất có ảnh hưởng đến dân chúng ( thượng bất chính hạ tất loạn ) .
   Mỗi cái danh đều có định nghĩa riêng của nó . Chính cái định nghĩa đó làm cho cái danh là danh đích thực . Danh là yếu tố , là khái niệm của một vật . Ví dụ danh từ  vua  có đủ yếu tố khái niệm là  vua cho ra vua . Chữ vua là ông vua có thật . Khái niệm về vua trong khuôn mẫu lý tưởng mới là chính danh vua ( vua ra vua ) . Những danh từ khác như tôi  ( quan lại , bồi thần ) , cha (phụ ) , con ( tử ) ...cũng đều như vậy . Nếu vua ra vua , tôi ra tôi , cha ra cha , con ra con ...thì thiên hạ hữu đạo . Còn nếu vua không ra vua tôi không ra tôi , cha không ra cha ...thì thiên hạ vô đạo . Vua mất đạo làm vua , quan mất đạo làm quan ...thì thiên hạ đại loạn là lẽ tất nhiên . Cái mầm loạn ở chỗ danh không chính . Khổng Tử đưa ra ví dụ : "  Cô " là cốc uống rượu có góc vuông . Về sau cốc uống rượu không còn góc vuông nữa vẫn được  gọi là cô . Ngài than thở : " Bây giờ cô không còn góc nữa cũng gọi là cô sao ? Cũng gọi là cô sao ? ( Cô bất cô , cô tai ! cô tai ! )
     Trong xã hội ta ngày nay hiện tượng điên chữ loạn nghĩa đã trở thành đại dịch tràn lan trong mọi lãnh vực. Người ta dùng từ một cách tùy tiện , cẩu thả . Đó còn chưa kể những từ không có trong tự điển và nhiều từ vay mượn tiếng nước ngoài một lố bịch để khoe mẽ . Môi trường tiếng bị ô nhiểm một cách trầm trọng . Khổng Tử nói : " Người quân tử có điều gì không biết thì  bỏ qua mà không nói . Nay danh bất chính ắt lời nói không thuận , lời nói không thuận ắt việc chẳng thành , việc chẳng thành ắt lễ nhạc không hưng thịnh , lễ nhạc không hưng thịnh ắt hình phạt chẳng đúng . Hình phạt không đúng phép , dân không biết đặt chân tay vào đâu để tin cậy . Cho nên người quân tử quan niệm danh ắt nói ra được mà nói ra được ắt làm được . Người quân tử nói ra điều gì nên dè dặt không cẩu thả " ( Theo Trung Quốc triết học sử của Hồ Thích ) . Nói danh không chính ắt ngôn không thuận vì ngôn là do danh tổ hợp lại . Vì vậy lời nói khi nói ra là phải có khả năng làm được . Và chỉ làm  những gì có thể nói ra được . Ở tây phương , ông Dumas Père đã viết cho con mình là Dumas Fils bằng những lời tương tự : " Con hãy làm những gì mà con có thể nói ra được , con hãy viết những gì mà con có thể ký được " ( Faites ce que vous pouvez dire ; ecrivez ce que vous pouvez signer ) .
       Chính danh , chính từ là đặt từ vào đúng ý nghĩa của nó . Ý nghĩa của danh từ nếu không có tiêu chuẩn chín chắn thì dù có muốn nói ra cũng không thông được . Đó là vấn đề biệt đồng dị ( phân biệt chỗ giống và khác nhau của danh từ . Vua mà không ra vua thì không thể gọi là vua được ....Khi vua không ra vua thì tôi cũng sẽ không ra tôi . Từ đó xảy ra chuyện thí vua . Trong trường hợp vua không ra vua thì việc thí vua không phải là tội . Khổng Tử cho rằng giết một ông vua ' hôn quân bạo chúa ' cũng như giết một kẻ độc ác  ( Tru bạo quốc chi quân , nhược như độc phu ).
    Ở trên là biệt đồng dị , dưới đây là  biện thượng hạ  tức là  định danh phận . 
    Trong chế độ phong kiến , giai cấp quý tộc nắm quyền cai trị. Quyền chấp chính ở trong tay vua , quan  . Tầng lớp vua , quan trực tiếp làm chính trị , nắm giữ giềng mối quốc gia , xã tắc . Chữ chính trong chính trị có chữ chính có nghĩa là ngay thẳng , đúng đắn . Chính là làm cho đúng . Làm chính trị là làm cho đúng để dân bắt chước làm theo . Muốn duy trì trật tự phải sắp đặt chính sự đâu vào đấy cho đúng . Khổng Tử cho rằng danh không đúng cho nên đời mới loạn . Do đó ông muốn chính danh để cứu đời . Danh mà không đúng là trách nhiệm của vua quan . Muốn chính danh phải bắt đầu từ trên . Quý Khang Tử  hỏi Khổng Tử về chính trị . Khổng Tử đáp : " Chính tức là chính , ngài lãnh đạo một cách đúng` đắn ai dám không chính đáng ?" ( Chính giả chính dã , tử xuất dĩ chính , thục cảm bất chính ? ) . Quý Khang Tử lo về nạn trộm cắp , hỏi Khổng Tử cách trị , Khổng Tử đáp : " Nếu ngài không tham , dẫu ngài cho tiền để xúi họ trộm cắp thì họ cũng không làm " Quý Khang Tử hỏi : " Như giết kẻ vô đạo để cho đời hữu đạo thì sao / "  Khổng Tử đáp : " Ngài làm chính trị thì cần gì giết ai ? Ngài muốn thiện thì dân sẽ thiện , đức của người quân tử như gió , đức của kẻ tiểu nhân như cỏ , gió thổi thì cỏ rạp xuống "( theo Phùng Hữu Lan  - lịch sử triết học trung Quốc )
       Làm chính trị theo phương pháp biện thượng hạ là như vậy đó . Thế mà bọn hôn quân , tham quan ô lại cầm đầu chính phủ cũng xưng là nhà chính trị thì thật là quái dị . Thật ra đó là tư tưởng của bọn cơ hội , xôi thịt , vô chính phủ , tà thuyết , bạo hành . Khổng Tử cho rằng bệnh căn trong thiên hạ ở chỗ giới tư tưởng không có một tiêu chuẩn chính đính cho thị phi , chân ngụy . Thiên hạ hữu đạo thì thứ dân chẳng có gì dị nghị ( thiên hạ hữu đạo tất thứ dân bất nghị ) . Tôn chỉ của định danh phận là tạo ra một tiêu chuẩn cho mọi điều phải , trái , lành , dữ .Tam cương ngũ thường là đạo lý căn bản của nho gia .Người chấp chính khi ban ra một luật lệ phép tắc thì phải nghĩ đến điều lợi hại của dân chứ không phải quyền lợi của giai cấp mình . như vậy mới là nghĩa trước mà lợi sau . Mạnh Tử cho rằng : "Trong xã hội giới chấp chính nếu ai cũng vì lợi trước nghĩa sau thì kẻ nầy cướp  hết đất của kẻ kia mới hả dạ " . Cơ chế xin cho đã biến dịch vụ công cộng ( service publique) thành ân sũng ân huệ ( faveur ) . Thay vì phục vụ dân lại ban phát ân huệ cho dân . trong khi đó thói đời không ai cho không ai điều gì . Có xin phải có cho , mà hễ có cho thì phải kèm theo một điều kiện . Đó là cái mầm của tham nhũng .
      Trong sách Xuân Thu , ngoài phương pháp chính đính danh tự , định danh phận Khổng Tử còn muốn nói đến những lời phán đoán khen chê ký thác vào ký sự nhằm răn đe bọn loạn thần ,tặc tử .

      Tóm lại , chủ nghĩa chính danh là học thuyết ra đời từ trong một xã hội băng hoại . Nó ra đời vì nhân sinh , bởi nhân sinh và cho nhân sinh . Trong cõi nhân sinh , vấn đề quan hệ giữa con người với con người , giữa cá nhân và xã hội được đặt lên hàng đầu . Nguyên ủy của vấn đề nầy là đạo : Đạo làm vua , đạo làm quan , đạo làm cha ,...Nói chung là  đạo làm người . Khổng Tử nói : " Đạo không xa người , người làm cho đạo xa người , ấy chẳng phải là đạo " ( đạo bất viễn nhân , nhân chi vi đạo nhi viễn nhân , bất khả dĩ vi đạo ). Thiên hạ dần dần bị phá sản những giá trị tinh thần cao cả : vì mất đạo cho nên tính tới đức , vì mất đức cho nên tính tới nhân , vì mất nhân cho nên tính tới nghĩa ; và vì mất nghĩa cho nên còn lại lễ . Lễ là hình thức mong manh . Xã hội đương thời nhẹ về lễ nghĩa ứng xử lại nặng về lễ nghi hình thức . Chủ nghĩa chính danh là triết lý nhân sinh của đạo Nho . Còn trong đạo Phật , một trong các con đường dẫn đến cứu cánh giải thoát là bát chánh đạo .Chánh đạo là con đường không dựa vào sai lệch , tà vạy . Bát chánh đạo gồm có : chánh kiến, chánh tư duy , chánh ngữ , chánh nghiệp , chánh mạng , chánh tinh tấn , chánh niệm , chánh định . Nếu chủ nghĩa chính danh là triết lý nhân sinh lành mạnh hóa xã hội thì bát chánh đạo là phép tu vừa giải quyết những vấn đề nhân sinh vừa thường tịnh hóa  thân tâm con người .

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Thơ Cù Di

                                       một chút

                                một chút nắng cho chồi hoa bung nở 
                                một chút mưa cho chồi biếc thêm xanh
                                một chút yêu cho em biết nhớ anh 
                                một chút nhớ cho người yêu tôi khóc

                                một chút hương cho hoa tìm đến gió
                                một chút mây cho trời đủ đổ mưa
                                một chút men cho tình yêu thêm vừa ...

                                một chút hoa cho chú ong tìm mật
                                một chút say cho con tim mở lối
                                một khoảng lặng đủ cho lòng bối rối 

                                một chút tâm cho vơi đời bất hạnh
                                một bàn tay dìu dắt một bàn tay  

                                một lời vui cứu vớt một đời sai ...
                                một chút PHẬT cho NGƯỜI thêm lành tính
                                                                                             Cù Di