Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Nhãn tuyến về lẽ sinh tử trong ca từ của nhạc Trịnh công Sơn


   Cuộc đời là giả tạm , thân phận con người là hữu hạn - đó là số phận nghiệt ngã của kiếp người .Con  người không thay đổi được số phận nhưng có thể thay  đổi  được thái độ trước số phận . Đó là cái nhìn hoặc thái độ khác nhau  trước hoàn cảnh của cuộc sống  : phiền não , thống trách , sợ hãi hay an nhiên . An nhiên là là thái độ khôn ngoan của nhà hiền triết . Trịnh công Sơn đã có một thái độ như vậy.

  Nỗi ám ảnh về sự vắng bóng con người là nỗi ám ảnh thường trực trong các nhạc phẩm của anh . Ngay từ năm 15 tuổi , cái tuổi trở mình thành người lớn , Trịnh công Sơn đã phải chứng kiến cái chết của cha -trong một tai nạn xe cộ . ; chứng kiến cảnh góa bụa của  mẹ , cảnh côi cút của đàn em nhỏ ..Trịnh công Sơn thấu hiểu một điều : trần gian là cõi tạm .Tất cả không thoát ra khỏi quy luật của sự chuyển dịch và tàn hoại theo thời gian  . Thời gian nghiền nát tất cả . Ý thức về sự giới hạn của con người trong cuộc đời không phải để phó mặc cho đời , để sống buông thả hay sống vội theo kiểu hiện sinh . Ý thức trước hoàn cảnh giới hạn để sống an nhiên trong từng phút giây hiện tại . Hạnh phúc chỉ có mặt trong từng khoảnh khắc hiện tại trong thời gian vô thỉ vô chung .Cuộc sống cho dù khó sống cũng phải ráng sống . " khó nhọc qua ngày ráng sống " ( Nguyễn Trãi ). Trịnh công Sơn ca hát nhảy múa trong dòng lưu dịch một cách hồn nhiên như một đứa trẻ thơ "bên đời hiu quạnh "mà  " lòng vẫn bình yên "
   Trịnh công Sơn ôm trọn hai thái cực tương quan đối đãi giữa lạc quan và bi quan , giữa sống và chết giữa tồn sinh và hủy diệt
 "Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
. Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ .."( bên đời hiu quạnh ) . .
Bình yên và thấu hiểu cảnh đời dâu bể đầy mất mát và hư hao ; buồn vì không còn nấn ná lâu hơn trong cõi tạm nầy :
   "   Rồi một ngày kia khăn gói đi xa
     Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà.... "
   Muốn quên cũng không dễ gì quên; quê hương đích thực vẫn mãi mãi là mộng viễn trình . Cho nên " lòng thật bình yên mà sao buồn thế .."để rồi " giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ ". Nhưng không khóc một cách bi đát mà khóc một cách bi tráng : " dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy " . Trong một khoảnh khắc tỉnh thức trở về với  thực tại bỗng " giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi ".
  Trong  ca từ nhạc Trịnh ngồn ngộn những bóng nắng , bóng mặt trời , mây trắng , ngọ trưa ...những hình ảnh biểu tượng của HIỆN TẠI ngọt ngào cháy bỏng .
  Mặc cho phận người lênh đênh , mong manh , tàn phai ,..Trịnh công Sơn trực nhận trong diễn trình hủy diệt vẫn có mầm sống , sức sống dâng trào . Anh giống như một người bị hổ dữ rượt đuổi rơi xuống vực sâu và một tay bu bám cành dâu bên bờ vực , một tay an nhiên hái những trái dâu chín và cảm thấy hạnh phúc bởi vị ngọt của dâu !
   Hạnh phúc khi có khi không , khi còn khi mất . Và mất là tất yếu .
   Trăng tròn rồi lại khuyết , hoa nở để rồi tàn ...Một  "bóng hồng  thấp thoáng nẻo xa " cũng có nghĩa là sẽ quay gót ra đi ..Có cái nhìn biến dịch như vậy mới thấu hiểu được cõi đời giả tạm , cõi người mong manh .
   Cuộc đời là một dòng sông . Con người đi qua cuộc đời như một lưu lượng nước liên lỹ trên dòng sông đó . . Trịnh công Sơn tự nguyện làm khách lãng du rong  chơi trên cõi đời nầy mà  vẫn không biết đâu nguồn cội .  "  Em đi qua chuyến đò thấy con sông đang nằm ngủ
   Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du ..."
  Ngươi khách lãng du đó tự nhận là quá nhiều nợ nần với cuộc đời
  " Trăng ơi trăng rất tệ ...mày đi nhớ chóng về .."

  Con người luôn luôn bận bịu với cuộc sống - vội vã , hối hả , lăng xăng ..và sẵn sàng vong thân . Như hòn đá cuội trôi lăn trong lòng khe suối bị giủa mòn góc cạnh , nhưng cuội muôn đời vẫn là đá ; suối muôn đời vẫn là suối :
" Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài .."
Trịnh công Sơn , một tên lãng tử ca hát nghêu ngao , rêu rao cái điều đáng sống trong cõi đời trong khuôn khổ giới hạn của cõi người .
Vạn vật sinh sôi nẩy nở theo tứ thời bát tiết . Người nghệ sĩ  hơn ai hết , nhận ra cái đẹp của sự biến dịch , cái sinh cơ của tạo hóa .
Cái đức "Trinh " của tạo hóa là sự thành tựu , sự sinh sôi của vạn vật . Người nghệ sĩ hòa nhập với lẽ tự nhiên - vui thú lắng nghe nhịp thở của đất trời , bước đi của thời gian , sự vận hành của trời đất
"Bốn  mùa như gió , bốn mùa như mây
Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi ..."
      Những ưu tư phiền muộn , tị hiềm , thù hận ...chỉ là những con sóng trên bề mặt . Sự lắng lòng , tỉnh thức mới là mạch sóng ngầm giữa lòng sâu ; bảo tồn một hơi ấm , điều hòa cả bốn mùa tám tiết được bền lâu .
   " Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta "
  Một ngày là một đời sống mới . Trong không gian vô cùng vô tận và thời gian vô thỉ vô chung , sự có mặt của con người là một mầu nhiệm đối với ai biết giữ cho mình một nụ cười .
  Hạnh phúc đến trong những khoảnh khắc tình cờ ngẫu nhỉ . Giữ lại nụ cười giữa muôn vàn đổi thay ; Hạnh phúc trong tay  ta sá gì dâu bể .
  Ta hãy nghe Trịnh công Sơn bộc bạch : "Trước cũng như sau 15 năm tôi luôn luôn thấy mình là một con người ấy . Tôi mãi mãi ước mơ được lưu giữ cho riêng mình một nụ cười không đoạn tuyệt .Tôi đã hứng giữ lại trên vai mình những gánh nặng của cuộc đời với lòng bình an không sầu thảm cũng như sống những tháng ngày trên cổ xe nhân hậu của tình người và hoan lạc vô bờ ...Chỉ có một dòng đời trôi chảy miên man ...Mỗi ngày tôi gạn lọc mình để trở thành một ánh nắng tinh khiết vô nhiểm ."
Đêm chờ ánh sáng , mưa đợi cơn nắng
Mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần 

   Sống, chết là cặp phạm trù khó dung nạp mà cũng khó phân ly  . Với Trịnh công Sơn thì sống trong nỗi chết và chết trong nỗi sống .  Sống trong nỗi chết là ý thức rất rõ về sự tồn sinh hủy diệt của vạn hữu . Vạn hữu giai không . Vì không có tự tính nên các duyên hợp lại thì còn mà các duyên tan rã thì  mất . Một hơi thở ra nếu không còn đủ điều kiện hít vào là chết . Cảm nhận sự chết trong lúc sống là sẵn sàng chấp nhận sự tìm về với hư không . Trở về một mình trong nỗi cô đơn chất ngất .Bởi vì ai cũng ra đi một mình và trở về một mình  . Ý thức được điều đó mới có thái độ an nhiên khi trở về . Triết gia Heideguer khẳng định : " Kẻ nào cảm nhận được chết trước khi nó chết thì nó mới không chết khi nó chết "
    Riêng với Trịnh công Sơn thì  :
   "Trời cao đất rộng một mình tôi đi
 Đời như vô tận một mình tôi về với tôi ..."