Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

MẮT THƯƠNG

                               Mắt xanh như nước trong,
                             Chẳng thể nào có cá.

                            Mắt xanh như nắng lóa,
                            Chẳng thấy ai là người .

                            Mắt thương như nước chảy ,
                             Tròn ,lăn ,trơn và trượt .
                             Êm đềm trên cát mịn,
                              Vỗ về những đau thương.

                             Mắt thương vùi lửa cháy,
                             Dập tắt bao giận hờn.
                             Tưới tẩm vườn cây lá.
                             Cho hoa đời thêm hương.
                             
                             Em ơi hãy cùng ta ,
                             Song hành  trên ánh mắt .
                             Nhìn bằng đôi mắt thương,
                             Sẽ thấy đời dễ thương!

Tưởng niệm Thầy Ung văn Hồng

  Thầy Ung văn Hồng đã qua đời ngay  24-04 -2011.Xác của Thầy đã được hiến cho bệnh viện để phục vụ y học .  Nhóm Mái Ấm Bồ Đề lấy làm thương tiếc khi nghe tin nầy ,đồng thời rất bối rối  vì không biết làm sao để  phúng ,viếng, tiển đưa thầy...Thật may là tết vừa rồi cả nhóm có cùng với Trung Hưng từ Bến Tre lên tới Đồng Nai thăm thầy .Đâu ngờ đó là lần cuối ...Cánh cửa vô sinh đã mở  thì còn sợ gì sinh diệt  :"Chân như tại bản môn.Sinh diệt nào động đến .Thức dậy sớm mai hồng .An nhiên không chờ đợi  ". Nhóm MABĐ hãy tụng đọc bài kệ nầy để cầu nguyện vong linh thầy  tiêu diêu lạc quốc .Điều đáng trân quí nhất  là thầy tự nguyện hiến thân xác mình cho y học.Chết rồi mà vẫn không ngưng làm điều có ích . Không dễ gì chọn lựa  hình thức mai táng  bằng con đường hiến xác .Chắc hẳn lúc sinh thời  thầy đã  giác ngộ lý vô thường vô ngã và đã từng quán thân bất tịnh .Có nhiều hình thức mai táng nhưng thông thường là địa táng  .Địa táng tưởng như giữ được mồ mã lâu dài  .Song lại có câu rằng :"Chưa về ba thước đất  khó giữ tấm thân trăm năm .Đã về ba thước đất rồi thì khó giữ được nấm mồ trăm năm ".(Vị qui tam xích thổ nan bảo bách niên thân.Ký qui tam xích thổ nan bảo bách niên phần).  Thì ra không có gì tồn tại bất diệt .Bỡi vì có sinh  tất có  diệt .Huống chi tứ đại giã hợp do nhân duyên sinh mà sinh và cũng do nhân duyên diệt mà diệt.Mục đích của việc tu tập là chuyển hóa nghiệp duyên để mai kia tứ đại tan ra ,pháp thân ,thọ mạng  trong ta hãy còn.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Nghĩ về phước huệ song tu

Về việc tu phước mà không tu huệ kinh Hoa nghiêm có cảnh báo rằng :"Đánh mất tâm bồ đề đi làm việc thiện  là hành động của ma".(Vong thất bồ đề tâm hành chư thiện pháp thị  danh ma nghiệp). Nhưng thế nào là bồ đề tâm? Bồ đề tâm là tâm bình đẳng ,vô phân biệt ,vô sở cầu ,vô sở đắc ...còn gọi là tâm an nhiên ,tâm vô trước .
Có một bài thi kệ nói về tâm nầy :
Ngột ngột bất tu thiện.
Đăng đăng bất tạo ác.
Tịch tịch đoạn kiến văn.
Lộ lộ tâm vô trước .
(Trơ trơ không tu thiện.
Lăng xăng không tạo ác.
Quét sạch mọi sai khác.
Rõ rành tâm an nhiên).
Đạt được tâm an nhiên sẽ trở nên người vô sự. Người vô sự là tên gọi khác của các danh hiệu : La Hán,Bồ Tát. Khi trở thành người vô sự rồi thì không gì chẳng phải đạo ,tâm an tức là thiền.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Trái tim người mẹ


                                       
     Giới trẻ ngày nay thường trách móc, than phiền cha mẹ không hiểu mình . Câu nói thường nghe : "Ba Mẹ chẳng hiểu con chút nào cả !.Nhưng thật ra chính con cái mới không hiểu chút nào về nỗi lòng của cha mẹ - nhất là trái tim người Mẹ . Trái tim người mẹ huyền diệu làm sao ,bao la làm sao !

        Trái tim người Mẹ là một thể thống nhất không thể chia làm nhiều phần xanh đỏ như cách nói của một nhà thơ tuyên giáo. Một nhà thơ Pháp nói rất đúng về trái tim người mẹ : " Ôi! Trái tim người Mẹ ,mỗi đứa con có một  phần trong đó và tất cả bọn chúng đều có cả trái tim Mẹ!"  Đúng vậy , mỗi đứa con đều có một phần trái tim Mẹ và đứa nào cũng sở hữu cả trái tim Mẹ .Một phần nhưng là tất cả . Trong một gia đình đông con ,người Mẹ chăm chút cho từng đứa- mỗi đứa một cách - nhưng với đứa nào cũng bằng cả một tấm lòng .Giống như con gà mẹ với bầy gà con ,khi bươi chải kiếm mồi cho con ăn thì gà mái ưu tiên cho đứa con chậm lụt , yếu ớt . Những khi bảo vệ ôm ấp thì gà mái xoè cả đôi cánh ra để che chở cho cả đàn con . Người mẹ cũng thế , mỗi đứa con của mẹ có hoàn cảnh khác nhau ( về trí năng , sức khoẻ , phước báo , ... ) nên mẹ dành cho mỗi đứa sự che chở lo lắng bảo bọc khác nhau . Dù khác nhau nhưng mỗi đứa cũng nhận cả trái tim mẹ . Từ đứa tài ba giỏi giang cho đến đứa chậm chạp  kém cỏi trái tim mẹ vẫn chia đều như cân tiểu ly !
        Chính vì không hiểu hết nỗi lòng mẹ ta nên có sự cà nanh so bì giữa các đứa con trong cùng một gia đình . Đó là một điều đáng tiếc !Nếu không hoà giải kịp thời thì sẽ dẫn đến xào  xáo . Hệ quả tất yếu là mất hạnh phúc gia đình . Chỗ dễ bị tổn thương nhất trong trái tim người mẹ chính là sự bất hoà giữa con cái . Nguy hiểm nhất là những gia đình vừa đông con vừa có nhiều tài sản . Trong trường hợp nầy sự so bì cà nanh không đơn thuần là tình cảm mà có cả sự tranh chấp quyền lợi ! Bấy giờ không những là bi kịch mà còn là thảm kịch gia đình . Người xưa có câu " Anh em hoà thuận hai thân vui vầy " Cha mẹ làm sao vui được khi chứng kiến cảnh con cái bất hoà . Chữ hiếu thường đi với chữ để và có tương quan mật thiết với nhau . Hiếu là hiếu với cha mẹ , còn để là anh em hoà thuận với nhau . Từ chỗ bất đễ dễ sinh ra bất hiếu . Do đó muốn có hiếu phải có để . Bất để thì trên không kính dưới không nhường , không nhu thuận , không thương yêu đùm bọc nhau . Ca dao có câu " Khôn ngoan đối đáp người ngoài , gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau ". Anh em trong nhà mà không hoà hợp thì chớ mong đến con dân trong một nước hoà hợp với nhau !.
   Một nét mầu nhiệm nữa nơi trái tim người mẹ là dù con ở tuổi nào mẹ vẫn thương con .: Mẹ trăm tuổi vẫn thương con tám mươi . Cụm từ tựa cửa trông con ( ỷ môn hoài ) luôn dành cho người mẹ . Khi con còn nhỏ học trường làng mẹ thường tựa của trông con 
     Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa 
     Mắt trông con đứa đứa về dần  ( Tản Đà )
  Mẹ trông từng đứa một và đứa nào cũng dành cả tấm lòng yêu thương lo lắng .
 Rồi những đứa con từ giả trường làng đi học hoặc đi làm ăn xa lâu lâu mới về thăm nhà ; mẹ cũng lại tựa cửa trông con ...
  Trái tim người mẹ bao la huyền diệu như vậy cho nên trong cõi đời nầy không ai lo lắng yêu thương ta bằng mẹ ta cả . 
Đức Khổng Tử cho rằng " Ở đời có ba niềm hạnh phúc lớn : thứ nhất là cha mẹ còn sống anh em hoà thuận , thứ hai là được gần gũi với những thiện trí thức và thứ ba là ngó lên không thẹn với trời , ngó xuống không hổ với người , nhìn vào trong lòng mình không có gì tội lỗi " 
   Nếu cha mẹ còn sống mà anh em không hoà thuận thì niềm hạnh phúc đó chưa trọn vẹn !

      Trái tim người mẹ là biểu tượng cho một tình yêu vô điều kiện , vô giới hạn và không có lần nào là lần cuối . Chính vì vậy mà tín ngưỡng nào cũng lấy nguyên lý Đức Mẫu làm trọng . Nguyên lý Mẫu là nguyên lý sinh thành dưỡng dục , bảo bọc cưu mang sẵn sàng che chở cứu vớt . Tín ngưỡng về Đức Mẫu được hình tượng hoá trong các tôn giáo : Mẹ Maria trong Ki tô giáo , Mẹ Quan Âm trong Phật giáo , Thánh Mẫu Thiên Yana ,Bà Cữu Thiên Huyền Nữ ,Bà Chúa Liễu Hạnh , Bà Chúa Xứ ,...Và đặc biệt trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc đã gặp nhau trong tiếng gọi mẹ : Mère , Maman (Pháp ) , Mother , Mamy , Mum  Mỹ ), Mẫu ,Mama  ( Tàu ) , Mè ( Thái Lan), Mế  ( dân tộc thiểu số ) ...
                         

Tâm ca

Rằng từ vô ảnh vô thanh
Hát vu vơ giữa phong phanh cõi Người.