Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Nghĩ về nhân cách , trí thức của một ông giáo sư qua lời đề tựa cho một quyển sách độc hại



Gần đây trên các trang mạng đăng  tải nhiều bài viết của nhiều tác giả về một cuốn sách của ông Đỗ Minh Xuân ( ĐMX) có tựa đề : “ TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU VỚI TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI , PHỔ THÔNG ĐẠI CHÚNG VÀ TRONG SÁNG “( nhà xuất bản văn hóa thông tin ). Nhiều bài viết có nội dung bất bình , phê phán chỉ trích thậm chí lên án tác giả cuốn sách là kẻ tội đồ cầm đuốc đốt đền . Ông Đỗ Minh Xuân , tác giả cuốn sách , là một kỳ sư cơ khí đã làm một công việc trái khuấy là sửa hơn 1000 đơn vị từ trong tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du. Đó là việc làm ngông cuồng của một kẻ bất tiếu (1)không đáng tốn nhiều giấy mực .Điều đáng suy nghĩ là lời đề tựa của một ông giáo sư danh gíá đã từng được tôn vinh là anh hùng lao động, đã từng giữ chức Viện trưởng viện xã hội học : ông Đặng Vũ Khiêu .Ông viết : ‘ Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc ông Đỗ Minh Xuân tìm lại hầu hết các văn bản truyện Kiều từ trước đến nay , so sánh dị bản tìm đọc hầu hết các bài bình luận tác phẩm và tác giả . Từ đó ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa truyện Kiều cho quãng đại quần chúng . Ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong truyện Kiều . Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông ĐMX và tin rằng cuốn sách nầy là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu truyện Kiều .”

Qua lời đề tựa tán dương , cổ xúy ,đồng tình tán thưởng nói trên ta tự hỏi : “ Ông Vũ Khiêu là ai ?Do đâu ? vì sao , nhằm mục đích gì mà viết ra như thế . Đã có người kết án ông “ nối giáo cho giặc “ .

Giặc ở đây là giặc phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc . Ông ĐMX là một kỷ sư cơ khí lẽ ra ông phải nghiên cứu chuyên ngành sáng chế máy móc lại đi làm thợ tiện , thợ lắp ráp văn chương chữ nghĩa . Sửa chữ trong văn thơ là việc làm sai nguyên tắc hoc thuật và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ . Truyện Kiều của Nguyễn Du gồm 3254 câu thơ lục bát mà ĐMX đã sửa 1000 từ , có khi sửa cả câu thì còn gì là Truyện Kiều ?

  Điều đáng ngạc nhiên là ĐMXdám sửa thơ của một  đại thi hào , một danh nhân văn hóa thế giới .Ông ta lại càng ngông ngênh ngạo mạn khi tự cho rằng chữ của mình hay hơn Nguyễn Du . Truyện Kiều ra đời cách chúng ta hơn 200 năm đã ổn định giá trị như một khối đá tảng . Đây là tác phẩm kinh điển được xem như một di sản văn hoá của dân tộc, một ngôi đền văn hóa của người Việt . Điều đáng xấu hổ hơn nữa là ông ta đã sửa truyện Kiều một cách ngô nghê , tầm phào ,…
 Người xưa đã từng cảnh báo những kẻ hậu học chớ làm khôn đi sửa văn thơ của người khác .” Văn chương đâu phải là đơn thuốc , khuyên bầy con trẻ chớ thày lay “ Thế mà cũng có kẻ liều lĩnh làm cái việc úy kỵ đó . Tỉ như Tô Đông Pha sửa thơ của Vương An Thạch :
  Thơ Vương An Thạch :
                          Minh nguyệt sơn đầu khiếu   
                         Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Tô đông Pha sửa :
                         Minh nguyệt sơn đầu chiếu
                         Hoàng khuyển ngọa hoa âm
    Tô đông Pha sửa như vậy vì cứ  tưởng minh nguyệt là trăng  - thì phải dùng chữ chiếu thay cho chữ khiếu , còn  Hoàng khuyển là con chó vàng nằm dưới bóng hoa - chữ âm thay cho tâm  (*) ( **). Sau này , ngao du thiên hạ , Tô đông Pha mới hiểu ra Minh nguyệt là một loài chim , còn còn Hoàng khuyển là một loài sâu ( sâu nằm trong hoa ). Tô đông Pha bèn xin lỗi Vương An Thạch . Thì ra làm thơ cũng nên hiểu biết về sinh vật nữa . Ở nước ta trong thế kỷ trước cũng đã có một Nguyễn bách Khoa phê bình văn học theo kiểu lương y bắt mạch . Ông  chẩn đoán Thúy Kiều mắc bệnh ủy hoàng , chứng u uất , biến chứng thành dâm dục , dâm đãng .Còn ông Hoài Thanh , phê bình gia nổi tiếng , từng chê Nguyễn Du trong văn tế “ Thập loại chúng sanh “ là không phân biết giai cấp , yêu  hết mọi loài , chê Từ Hải theo chủ nghĩa đầu hàng : “ chết đứng , chết ngồi , chết nằm gì cũng chết vì đầu hàng “. Phê bình văn học qua cặp kiếng màu chẳng khác nào mù mà dẫn người khác đi , què mà dạy cho người ta chạy “
 Trở lại trường hợp ông ĐM X sửa thơ trong truyện Kiều . Việc nầy không lấy gì làm nghiêm trọng , chẳng qua là “ con trẻ thày lay chuyện người lớn “. Điều đáng tiếc là việc làm đó được một giáo sư lão thành , có uy tín , có danh phận , có học hàm học vị cổ xúy , tán dương ..Ông ĐM X mới chỉ vấy bẩn , làm ô nhiểm truyện Kiều .., còn ông V. K tiếp tay vứt xác truyện Kiều xuống sông ! Ôi ! Truyện Kiều mất , nước ta có còn không ?Ngôn ngữ của một dân tộc là chủ quyền của một nước . Truyện Kiều là một kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt , vừa bác học , vừa  bình dân vừa thanh cao điển nhã , vừa dung dị , chân phác . Truyện Kiều là cái HỒN cái HẠNH, cái bản sắc văn hóa của dân tộc .  
 Tại sao phải sửa thơ truyện Kiều để hiện đại hóa , phổ thông hóa , đại chúng hóa và trong sáng hóa ?! Ông Vũ Khiêu khen ông ĐMXcó một tinh thần khoa học nghiêm túc . Làm thế mà nghiêm túc ư ?
Tinh thần nghiêm túc là phải sao lục tất cả các dị bản của truyện Kiều , tham khảo , nghiên cứu tài liệu khảo chứng dữ liệu để đưa truyện Kiều trở về nguyên văn chính bản . Tùy tiện sửa từ , thay câu là phản khoa học trái với nguyên tắc học thuật , là phạm pháp .
Ông V.K khen ông ĐMX có ý tưởng lớn “ hiện đại hóa , phổ thong hóa , đại chúng hóa , trong sáng hóa truyện Kiều “bằng cách “ gạt bỏ “ gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán thay bằng ngôn ngữ thuần Việt “. Thật không thể hiểu nổi trình độ học vấn của một ông giáo sư !Đọc truyện Kiều hay bất cứ một tác phẩm cổ điển nào cũng đâu có khó vì đã có chú thích về từ Hán Việt , từ cổ , điển tích .Riêng truyện Kiều thì lại có từ điển truyện Kiều của Đào duy Anh . Nếu gạt gỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán thì còn gì dòng văn học chữ Hán và chữ Nôm ? !
 Tại sao ông V.K lại đồng tình với việc hiện đại hóa một tác phẩm cổ điển ? phải làm mới một di sản văn hóa của nước nhà ?Đó là điều tối kỵ trong công cuộc bảo tồn , bảo toàn văn hóa dân tộc ( kiểu vẽ rồng thêm chân ) .Văn hóa là phần hồn của một nước . Văn hóa cũng là văn minh là giáo dục …, đều có nhiệm vụ xây dựng cơ sở văn hóa cho thế hệ sau thụ hưởng đồng thời phải thừa kế , vun bồi truyền thống tốt đẹp của ngày hôm qua . Dân tộc ta đã bị bọn giặc phương Bắc nhiều phen xâm lược nhưng không đồng hóa được ; ấy là nhờ cái HỒN , cái HẠNH của đất nước không bị mất đi - mặc dầu sau mỗi lần tháo chạy về nước , bọn giặc không quên tiêu hủy toàn bộ văn khố , văn liệu của dân tộc ta .
 Tại sao ông VK nêu ra yêu cầu “ phổ cập hóa truyện Kiều cho quảng đại quần chúng “ ? Không lẽ ông giáo sư không biết rằng truyện Kiều đã đi vào mạch sống của dân tộc , đã trở thành kinh điển của toàn dân. Từ người không biết chữ đến bậc trí thức đều say mê truyện Kiều . Ai cũng thuộc ít nhất năm ba câu Kiều . Tôi đã từng nghe câu nói sau đây qua miệng của những người bình dân :” Trên thế gian không ai đẹp bằng con Kiều , cũng không ai khổ bằng con Kiều “
 Như vậy cần gì phổ cập hóa truyện Kiều cho quảng đại quần chúng .Từ hán Việt chiếm gần một nửa vốn từ tiếng Việt ,Những từ : Tổ quốc , công dân , cộng hòa , hy sinh , công bằng , độc lập , tự do , hạnh phúc ,..không phải là từ chữ Hán là gì ? . Nếu gạt bỏ những từ khó hiểu từ tiếng Hán thì còn lại gì ? Nếu gặp từ tiếng Hán khó hiểu hoặc điển tích thì đã có chú thích ; sao lại phải gạt bỏ như ông ĐMX đã làm và ông  VK đã khen ? Trong câu thơ Kiều :
  Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang
Trong cuốn truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải có chú thích hai từ xăm xăm và Lam kiều rất rõ ( chú thích 266 trang 34).Thế mà ĐMX dám gạt bỏ từ “lam kiều “và thay bằng chữ “ đánh liều “ :
  Xăm xăm đè nẻo đánh liều lần sang
  .
Sự thay chữ “ Lam Kiều “ bằng ‘đánh liều “làm mất đi vẻ đẹp của câu thơ trong truyện Kiều : Kim Trọng háo hức , theo đường nhắm hướng nơi có người đẹp ( Lam Kiều ) để bước tới . ĐMX biến một văn nhân Kim Trọng với ý tưởng gặp gở lãng mạn bỗng chốc trở thành một kẻ phàm phu xoàng xỉnh .Phải chăng những điển tích điển cố làm cho câu văn càng thêm trang trọng , bóng bẩy .
    
  Như ở đoạn sau đây,Thúy Kiều ngăn chận hành động quá đà của Kim Trọng :
   Chày sương chưa nện cầu Lam
Sợ lần khân quá ra sàm sở chăng ?
  Nếu không đọc điển tích cầu Lam thì sao hiểu được hai chữ chày sương . Tài hoa của Nguyễn Du còn thể hiện ở nghệ thuật kết cấu : câu trước ý trước làm nền cho câu sau ý sau .
 Đúng là ĐMX đã dung tục hóa truyện Kiều . Cụ Nguyễn Du đã chắt lọc từng chữ từng câu để biến truyện “ phong tình “trong nguyên lục của Thanh Tâm Tài Nhân ( Trung Hoa ) thành “ Đoạn trường tân thanh “ hay hơn gấp bội so với nguyên lục . Có người cho rằng truyện “ phong tình “ của Thanh Tâm Tài Nhân  khi sang Việt Nam đã được cụ Nguyễn Du khoác cho chiếc áo dài trang nhã ,thanh lịch  .

  Đã đến lúc ta phải tự hỏi do đâu , bởi ai ?nhằm ý đồ gì ông Vũ khiêu lại tiếp tay cho một người đang tâm xâm phạm di sản văn hóa dân tộc ; chê bai , báng bổ tiền bối .Phải chăng có sự định hướng của một thế lực nào đó muốn triệt tiêu quốc hồn , quốc túy để tiện bề nô dịch văn hóa và đồng hoá dân ta .
 Quả mìn định hướng lại đem đặt ngay xứ Nghệ , khu di tích Nguyễn Du . Tại đây vào ngày 15/12/2012 có  cuộc hội thảo : “ Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ truyện Kiều đến thơ mới “ . Kết thúc hội thảo ông ĐMX tặng cho mỗi đại biểu một quyển sách độc hại của ông . Việc phát tán cuốn sách nầy là sức công phá của  một quả mìn có định hướng vào ngôi đền văn hóa của dân tộc Việt .

Truyện Kiều không còn tiếng ta còn không ? Tiếng ta không còn nước ta còn không ?



(1) bất tiều : con không giống cha - cha làm thầy con bán sách - người ngu đối với người hiền 

(*)Đời vua Tống Thần Tông bên Tàu (1068-1078), có tể tướng Vương An Thạch, ngoài tài kinh bang tế thế, trị quốc an dân ra, ông còn giỏi văn chương thi phú nữa.
Ông đặt ra tám điều Tân Pháp để cải cách về Tài Chánh và Quân sự của xã hội Trung Hoa thời bấy giờ.
Trong triều đình có nhiều quan lại bảo thủ chống đối Tân Pháp ấy hay cố ý làm sai lạc đi. Trong số này có Tô Đông Pha, mới hai mươi tuổi đã đậu tiến sĩ.

Tô Đông Pha nổi tiếng là một thi sĩ, đại văn gia.
Họ Tô không những chống đối Vương An Thach về đường lối cải cách chính trị mà còn dám sửa cả văn thơ của Vương tể tướng nữa.
Trong một bài thơ Vương An Thach làm có hai câu như sau:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu* ( khiếu = hót)Hoàng khuyển ngọa hoa tâm*( tâm = chính giữa)
Tô Đông Pha chê Vương An Thach dốt, viết sai vì cho rằng:Trăng sáng làm sao mà hót trên đầu núi được?
Con chó vàng làm sao mà nằm 
trong lòng hoa được?

Thật là nực cười! Vậy mà làm tới chức tể tướng??? Ông bèn phóng bút sửa hai câu thơ trên lại như sau:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu* (chiếu = sáng)Hoàng khuyển ngọa hoa âm*(âm = bóng mát)
Dịch nghĩa là:Trăng sáng chiếu trên đầu núi
Chó vàng nằm dưới 
bóng
 hoa.
Vương An Thạch biết chuyện, chỉ cười.
Tô Đông Pha sau bị đổi ra đất Hoàng Châu là nơi hoang dã, xa xôi. Nay là Hoàng Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Một hôm ông đi dạo chơi nơi thôn dã, nghe thấy có con chim lạ hót rất hay. Hỏi nông dân ở đó là con chim gì vậy, mới biết con chim có tên là Minh Nguyệt.
Ông mới "ớ" người ra sửng sốt. Hóa ra, mình nhầm. Tài sơ, trí thiễn, hiểu biết nông cạn mà lại đi chê quan tể tướng viết bậy, viết sai. Chỉ biết có mỗi chữ "Minh Nguyệt" là trăng sáng!
Thời gian sau, ông lại giật mình lần nữa. Lần này thì rõ ràng là ông dốt thật chứ không phải họ Vương. Ở vùng này có một loài sâu tên là "Hoàng khuyển" chuyên ăn nhụy hoa. Ăn no rồi nằm ngủ và đẻ trứng ngay chính giữa cái hoa.
Vậy ra, tể tướng Vương An Thạch là người học rộng biết xa đã làm hai câu thơ rất thực tế:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

                                                   ( chuyện đó đây - ninh-hoa.com)-
( **) Đạt Nhân rất cảm ơn một bạn đọc đã có lòng góp ý phần chú thích nầy