Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

MẠN ĐÀM VỀ MẶC CẢM



       

               Sự kiện Trung Quốc tiếp đón tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ở sân bay Hàng Châu bằng mặc cảm thay vì theo bằng nghi thức ngoại giao thông thường là một hiện tượng lạ trong lịch sử ngoại giao thế giới . Mặc cảm ( complexe ) là một loại tâm lý phức tạp ( phức cảm ) . Nó hoàn toàn không thật , mặc định nhưng không cố định , quá khích và nguy hiểm . Trong đối nhân xử thế ta thường bị chi phối bởi mặc cảm mà ta không biết . Nếu mâu thuẫn xảy ra mặc cảm trong giao tiếp giữa quốc gia với quốc gia thì đó là nguy cơ xảy ra chiến tranh , khủng bố ...
   Mặc cảm hay phức cảm là loại tâm lý không nằm trên bình diện ý thức mà ẩn tàng trong vô thức nên rất khó kiểm soát .
   Có ba loại mặc cảm :
-Mặc cảm tự tôn ( complexe de supériorité)
-Mặc cảm tự ti ( complexe d'inphériorité)
- Mặc cảm đồng nhất ( complexe d'intentité)
   Mặc cảm tự tôn là tự cho mình hơn người
  Mặc cảm tự ti là tự cho mình thua người
  Mặc cảm đồng nhất là tự cho mình bằng người
   Trong ba loại mặc cảm trên thì mặc cảm tự tôn là hiện tượng tâm lý nguy hiểm nhất , phức tạp nhất và thường hay biến tướng . Thuật ngữ Phật học gọi nó là " cống cao ngã mạn " . Cái tôi của người mang mặc cảm nầy là không thật , là tha ngã ( sur moi) khác với chân ngã ( vrai moi ) . Nó chi phối toàn bộ suy nghĩ , hành động ...tạo nên tính cách tự cao tự đại- mục hạ vô nhân .Một khi cái tôi ấy đương cự , đối đầu với thực tế phũ phàng ( là mình không bằng ai ) , mặc cảm tự tôn sẽ biến tướng thành mặc cảm tự ti . Điển hình về sự biến tướng nầy là trường hợp " TRUNG HOA NƯỚC LỚN ". Chính người Bắc Kinh tiếp đón tổng thống Hoa Kỳ bằng cùng một lúc ba loại mặc cảm nói trên .

     Từ thời cổ đại , Trung Hoa rất tự hào về những ưu thế vốn có của dân tộc mình . Thực tế , Trung Hoa là nước có lãnh thổ rộng nhất Châu Á , dân số đông nhất thế giới , nền văn minh lâu đời nhất thế giới ...Có lẽ vì vậy mà họ đặt tên nước là TRUNG HOA ( trung tâm của mọi tinh hoa trên thế giới ). Não trạng của các vương triều  Trung Hoa bao giờ cũng thể hiện là " Trung Hoa nước lớn " . Và tất nhiên họ xem các nước lân bang chỉ là nước nhỏ , chỉ là chư hầu , có bổn phận triều cống  cho thiên tử nước lớn .
Do mặc cảm tự tôn , chính quyền Trung Hoa rất sính chữ " đại " như đại Hán tộc , đại cách mạng , đại lễ đường , đại mỹ nhân , đại tự điển , ...( Người Pháp thì cuốn tự điển dày cộm mà họ  lại gọi là petit la rousse !). Cũng may nhờ có triết học Nho giáo mà giới trí thức , nho gia , kẻ sĩ biết mềm mỏng , khiêm cung, khiêm hạ ( Chữ Nho trong đạo Nho hàm nghĩa là Nhu ).  Do não trạng nước lớn , do tâm lý tự kỷ trung tâm mà các vương triều Trung Hoa không chịu mở cửa để học hỏi những tiến bộ về khoa học , kỹ nghệ của phương Tây . Kịp đến khi 8 nước phương tây lập thành liên quân tấn công vào Trung Hoa thì gươm giáo không địch lại súng đạn ...Rồi trong thế chiến thứ 2 , dân tộc Trung Hoa lại bị quân phiệt Nhật đè đầu cởi cổ , bạt tai đá đít ...  Thực tế phũ phàng nầy đã biến mặc cảm tự tôn cố hữu thành mặc cảm tự ti kéo dài suốt mấy thập niên ...

Thế chiến thứ 2 kết thúc do 2 quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống đất Nhật ; Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện và triệt thoái quân khỏi các nước chiếm đóng .Chế độ Cộng Hoà của Tưởng Giới Thạch lãnh trách nhiệm của đồng minh giao phó để giải giới quân Nhật . Lợi dụng cơ hội  nầy Mao Trạch Đông lãnh đạothành công  cuộc cách mạng vô sản ...Họ Mao biết khai  thác triệt để mặc cảm tự ti dân tộc, mặc cảm nghèo hèn thua kém của nông dân  - từng bị khinh khi rẻ rúng , từng bị áp bức bất công , từng bị thua kém ,từng bị chà đạp , ... rồi dẫn chứng thành quả " đại cách mạng " để kích hoạt  mặc cảm tự ti dần dần biến tướng thành mặc cảm tự tôn cố hữu !Mặc cảm tự tôn của nhà cầm quyền Trung Hoa ngày càng trở nên nguy hiểm khi nền kinh tế càng ngày càng lớn mạnh ... ( Nhờ thoả hiệp Thượng Hải đưa đến kinh tế thị trường giúp Trung quốc giàu lên nhanh chóng ). Thế là Trung Quốc lại trỗi dậy thành " Trung Hoa nước lớn "có điều không trổi dậy trong hoà bình mà trỗi dậy bằng chiến tranh , bằng xâm lược của  tâm lý " kẻ mạnh , bằng cách đánh chiếm các nước lân bang như Tây Tạng , Tân Cương ,...Và còn có cả tham vọng độc chiếm biển Đông ... Tự tôn mặc cảm khiến Trung Quốc càng ngày càng trở nên ngang ngược , hống hách  bắt nạt các nước nhỏ , xem thường cả luật pháp quốc tế . Não trạng nước lớn từ mặc cảm tự tôn đã ăn sâu trong tư tưởng từ lãnh đạo lây lan cả dân chúng ...Thái độ kẻ cả ,ngạo mạn của nhân viên an ninh to tiếng với bà cố vấn tổng thống Hoa kỳ ..; hình ảnh cư xử ngang tàng của người dân Trung Quốckhi đi du lịch ở các nước đã nói lên điều đó !

    Sự kiện đón tiếp tổng thống Hoa Kỳ ở sân bay Hàng Châu của nhà nước Trung Quốc đã không tuân thủ quy định về nghi thức ngoại giao mà cùng một lúc bộc lộ ba loại mặc cảm : vừa tự tôn  vừa tự ti  vừa đồng nhất .
 - Tự tôn vì nghĩ rằng ta đây cũng là cường quốc ...và rất có thể ta sẽ soán ngôi Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới
- Tự ti vì xét lại nhiều mặt khác như trí thức , tự do ,dân chủ , an sinh phúc lợi , ...vẫn còn thua các cường quốc tư bản ..
- Mặc cảm đồng nhất vì tự cho mình ngang bằng với các nước văn minh . Bằng chứng là trước thềm hội nghị G20 nhà cầm quyền Trung Quốc muốn cho Hàng Châu , nơi diễn ra hội nghị phải được lột xác để chứng tỏ cho thế giới biết Trung Quốc là một quốc gia văn minh- bằng các việc làm sau đây : trang trí thành phố lộng lẫy ; đóng cửa các nhà máy để làm sạch môi trường ; lắp đặt bồn cầu miễn phí cho các hộ dân chưa có bốn cầu ; cơ cấu một đội an ninh nữ toàn là những người đẹp ,...
    Trung Quốc ngày xưa là một nước rất đề cao chữ lễ , nhưng ngày nay do bị chi phối bởi nhiều mặc cảm  nên việc đón tiếp một tổng thống lại không giống ai .Nước ta có thành ngữ " tiếng chào cao hơn mâm cỗ " đề cao chữ lễ trong đối nhân xử thế . Chữ lễ rất cần thiết trong giao tiếp hàng ngày . Ta có thể thiếu thốn tiện nghi vật chất trong thời gian dài nhưng không thể thiếu lễ dù trong một phút ! Sự thất lễ của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với tổng thống Hoa Kỳ là một điều đáng tiếc của nước chủ nhà . Bởi vì dù cho khách không lấy đó làm điều song sự kiện đó đã làm cho thể diện quốc gia của cả hai đều bị tổn thương .Nguy hiểm hơn nữa là mầm mống mâu thuẫn giữa hai dân tộc có thể treo lơ lửng đâu đó ...

       Giá trị của ai là của người ấy . Tự cho mình là như thế nầy hoặc như thế kia là thuộc loại tâm lý phức tạp , không thật và nguy hiểm - nhất là mặc cảm tự tôn ."Cái tôi bao giờ cũng đáng ghét " và đáng xấu hổ và bị mọi người xa lánh . Trong cấu tự chữ Hán , chữ tự đại ( gồm chữ TỰ  và chữ ĐẠI ) họp thành chữ XÚ ( hôi thúi , bốc mùi )
. Tự cho mình lớn chưa chắc đã lớn , nhưng bốc mùi thì có thật . Tiếng Pháp phân biệt rạch ròi hai khái niệm : "Homme grand " ( người to lớn ) và " Grand homme" (vĩ nhân ). To con lớn xác chưa hẳn là vĩ nhân !