Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

TIẾNG TA CÒN NƯỚC TA CÒN


" ...Tiếng ta còn  nước ta còn ... "Đó là câu nói lịch sử của Phạm Quỳnh - một nhà văn hóa , một sĩ phu Bắc hà - để lại cho dân tộc Việt Nam một thông điệp quý giá trước khi ông bị xử bắn năm 1945 . Sở dĩ cho đây là câu nói lịch sử vì nó gắn liền với vận mệnh của đất nước trong suốt bốn ngàn  năm lịch sử . Hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam gắn với hoàn cảnh địa lý đặc thù là ở sát nách với một anh hàng xóm khổng lồ mà xấu bụng luôn muốn nuốt chửng đất nước ta ; luôn muốn đồng hóa dân tộc ta bằng con đường bôi xóa tiếng nói và chữ viết của dân tộc ta .

    Ngược dòng thời gian , kể từ triều đại Hùng Vương và cuộc khởi nghĩa thất bại của Hai Bà Trưng cho đến ngày nay ta có thể khẳng định rằng TIẾNG NÓI , NGÔN NGƯ CỦA MỘT NƯỚC LÀ CÁI HỒN CÁI HẠNH CỦA NƯỚC ĐÓ , LÀ CHỨNG MINH THƯ XÁC ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA DÂN TỘC ĐÓ .Ngôn ngữ có trường tồn thì nền độc lập tự chủ mới trường tồn . Vì vậy trong nhất thời ta có thể bị mất đất , mất đảo , mất biển ,..nhưng nhất định không để mất tiếng nói , mất chữ viết . Bởi vì nếu mất tiếng thì sẽ không còn cơ hội phục hồi các thứ đã mất !.

  Tiếng nói và chữ viết của ta trôi theo vận nước thăng trầm qua nhiều thời đại . Kể từ triều đại Hùng Vương ( tồn tại cho đến năm 43 sau công nguyên ) , VN là một nước độc lập với nền văn hiến điển chương riêng , chữ viết riêng , luật pháp riêng , phong tục tập quán riêng . Theo sử gia Lê Mạnh Thác trong " Lục độ tập kinh " thì " đây là một triều đại xây dựng hoàn chỉnh , một cơ cấu công quyền trên cơ sở thuộc hệ thống luật pháp , có nền văn hóa, văn học , khoa học kỹ thuật riêng , có hệ thống chữ viết , lịch pháp , kỹ thuât nông nghiệp VN".
 Năm 41 sau CN ,Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú hạ lệnh cho  Mã Viện mang quân sang xâm chiếm VN . Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa , lãnh đạo cuộc kháng chiến kéo dài 3 năm . Cuộc chiến Hoa - Việt ( 40- 43) là cuộc chiến quy mô tầm cỡ giữa 2 nhà nước . Mã Viện tuy có thắng trận  song không dễ dàng vì phải đương đầu với một lực lượng đối phương chiến đấu một cách ngoan cường ! Sau khi chiến thắng , Mã Viện đã xử chém 1/3 dân số VN và tru di tam tộc các dòng họ Trưng , Thi ...Tổn thất về nhân mạng , về chủ quyền quốc gia tuy to lớn nhưng đáng kể nhất là chữ viết !.Trong bản điều tấu lên vua Lưu Tú - người sáng lập ra nhà Đông Hán - Mã Viện tâu rằng : " VN có luật lệ riêng có phong tục riêng , tiếng nói khác với nhà Hán , nếu muốn đồng hóa chúng nó ta phải xóa bỏ ngôn ngữ chúng nó " Lẽ tất nhiên vua Tàu chuẩn y lời đề nghị của Mã Viện vì mục đích cuối cùng của cuộc chiến Việt -Hoa là đồng hóa cho được Việt tộc . Thế rồi tiếng Việt bị xóa bỏ ; Việt luật được thay bằng Hán pháp , bao nhiêu di sản trống đồng bị thu gom . Nhìn chung toàn bộ kiến trúc thượng tầng của  nhà nước Hùng Vương bị triệt phá , thay vào đó là bộ máy kềm kẹp nô dịch theo luật nhà Hán . May thay , nhân dân ta dù mất nước nhưng vẫn giữ được cái hồn cái hạnh . Bề ngoài tỏ ta hợp tác học chữ Hán , viết chữ Hán nhưng vẫn giữ lại tiếng nói của nước Nam mình . Lại biết kiên trì giữ vững phong tục , luật lệ ,...nên Tộc Việt là dân tộc duy nhất trong bách Việt không bị đồng hóa !
  Có một điều ngạc nhiên và thú vị là từ khi bị mất nước ( 43 sau CN) cho đến năm 100 sau CN , chưa đầy 60 năm , bộ máy kềm kẹp của quân thù bị công phá mạnh mẽ dẫn đến tan rã vào năm 180 . Chính nhờ vào tư tưởng và văn hóa Phật giáo vừa được hội nhập , dân trí được khai phóng , tâm trí Việt được khơi mở ; những phần tử văn hóa nô dịch trong nước phải thất thế . Bọn ác trí thức dua nịnh , tâng bốc văn hóa Hán tộc tuyên truyền xuyên tạc rằng :" Việt là vượt qua lễ nghĩa " 
ý nói lễ nghi hình thức kiểu Tàu . Chúng ca ngợi thiên triều Trường An là trung tâm của thiên hạ hoặc đất Hán là trung tâm của trời đất . Những luận điệu này liền bị Mâu Tử - một đại trí thức Phật giáo - đánh sập trong tác phẩm Lý Hoặc Luận . Từ một nền văn hóa nô dịch theo luật pháp nhà Hán những nhà trí thức Phật giáo đã mở ra một nền văn hóa khai phóng khiến cho những Hoa kiều sinh sống ở An Nam không những không đồng hóa được dân ta mà còn bị người nước ta đồng hóa ngược lại , biến họ thành người Việt hành xử theo phong cách Việt . Điều đó chứng tỏ một cách hùng hồn rằng dù mất nước mà vẫn giữ được hạnh thì không thể bị kẻ thù đồng hóa . Cái hạnh đó là ngôn ngữ , chữ viết . Ngôn ngữ là cái hạnh , cái hồn của Tổ quốc . Lãnh tụ chính trị nào cho rằng Tổ quốc không có nghĩa là đồng về ngôn ngữ , cùng 1 lãnh thổ tức thị ý đã chối bỏ Tổ quốc .
  Dưới thời Pháp thuộc , hưởng ứng phong trào duy tân do cụ Phan Chu Trinh xướng xuất với khẩu hiệu khai dân trí , chấn dân khí , hậu dân sinh ; các nhà chí sĩ lập ra các trường Đông Kinh Nghĩa Thục để dạy chữ Quốc ngữ . Nhờ vậy mà chữ Quốc ngữ tâm hồn Việt được mở mang và ngày thêm hoàn chỉnh .

   Đáng buồn là ngày nay lại có âm mưu xóa bỏ chữ Quốc ngữ với chiêu bài " Cải tiến Tiếng Việt " .  " Cải tiến " chỉ là khúc dạo đầu , âm mưu thâm độc theo sau là mở đường cho chiến lược xóa bỏ Tiếng Việt . Xóa bỏ Tiếng Việt để thay thế vào đó là một kiểu chữ Tàu cho người Việt - một loại tiếng Việt Hán hóa , phiên âm theo tiếng Tàu ( đơn âm Quang thoại , Bạch thoại ) Người tự xưng là chủ biên " bộ chữ cái Tiếng Việt mới " là ông Phó Giáo sư tiến sĩ Bùi Hiền .

Ta xem bảng so sánh dưới đây mới thấy cách phát âm Tiếng Việt mới của Bùi Hiền giống tiếng Trung như thế nào :
     TIẾNG VIỆT        TIẾNG TRUNG         TIẾNG VIỆT mới của Bùi Hiền

      Dân tộc                 Zan                                    Zân  tộk

      Giáo dục               Záo Zu                               Záo Zụk

       Giao dịch             Zao Zi                                Zao Zịk

       Lạnh giá               Lan Za                                Lạn zá

       Chính phủ            Cin Fu                                  Cín Fủ

Theo tác giả Nguyễn Hoàng Hân thì " bộ chữ cái tiếng Việt mới " này hoàn toàn là do " Cục ngôn ngữ Trung Quốc " biên soạn xong vào tháng 2 / 1998 . Cục này chuyên nghiên cứu chiến lược địa phương hóa ngôn ngữ của Tàu dành cho các khu tự trị như Tây Tạng , Tân Cương , Nội Mông . Mục đích là để cho dân của các nước nầy tập làm quen dần với tiếng Tàu trước khi sát nhập vào Đại Hán . Bộ chữ cái Tiếng Việt mới nói trên được giao cho Bùi Hiền - kẻ thừa sai- để thực hiện ý đồ Hán hóa dân Việt . "Trung Quốc đã làm điều nầy cho VN như đã từng làm cho Tây Tạng , Tân Cương , Nội Mông . Tạo ra một thứ tiếng Tàu riêng cho từng vùng , từng khu vực nhằm mục đích đánh lừa dân ở vùng đó , trước khi tiêu diệt ngôn ngữ của dân tộc đó , rồi đồng hóa một cách âm thầm do ngươi bản xứ lãnh đạo , chỉ huy " ( Nguyễn Hoàng Hân)

   Xóa bỏ ngôn ngữ của một dân tộc là một tiến trình lâu dài nhằm thực thi phương án sát nhập . Thời hạn đặt ra là 60 năm bắt đầu từ năm 2020 . Tiến trình sát nhập được thực hiện theo từng bước : sát nhập đất , sát nhập biển , sát nhập kinh tế , sát nhập quốc phòng , an ninh , gián điệp , tình báo , nhân dân ,và cuối cùng là sát nhập văn hóa bằng con đường xóa bỏ ngôn ngữ bản địa . Xóa bỏ ngôn ngữ là cơ sở để đồng hóa một dân tộc . Và khi dân tộc đã bị đồng hóa rồi thì không còn cơ hội để phục quốc .
 Một dân tộc bị mất nước nhưng vẫn giữ được cái hồn cái hạnh của Tổ Quốc tức là giữ được tiếng nói ngôn ngữ của dân tộc mình thì vẫn có cơ hội phục quốc . Tỷ như dân tộc Do Thái bị mất toàn bộ lãnh thổ , lưu vong khắp mọi nơi , nhưng cuôi cùng đã về được quê cha đất Tổ để lập Quốc !

    Tóm lại , câu nói của Phạm Quỳnh là một câu nói lịch sử vì nó mang  đầy đủ tính chất của lịch sử ( sử lịch ) và triết lý của sử tính .Nhất là ứng dụng vào hoàn cảnh địa lý của VN thì câu nói đó có giá trị như một thông điệp tối hậu , một lời trăn trối tâm huyết : " Tiếng ta còn , nước ta còn .." .Những ai còn mang dòng máu Việt hãy cố giữ lấy cho bằng được cái hạnh cái hồn của dân tộc Việt !

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

CHUYỆN XUÂN ĐẾN ,XUÂN ĐI ,HOA NỞ, HOA TÀN

  Chuyện xuân đến , xuân đi , hoa nở , hoa tàn trong mắt người đời còn lắm nhiêu khê . Nhiêu khê là bởi người đời cứ mãi cuốn theo sự tuần hoàn của trời đất . Trong con mắt của bậc thấu thị thì vẫn cứ an nhiên trước mọi biến dịch của vạn pháp !.Dù vạn pháp có liên lỷ biến di thì vẫn cứ như thị như nhiên .Một cái nhìn như thế được hiển lộ trong một bài thi kệ của thiền sư Mãn Giác :

    Xuân khứ bách hoa lạc 
Xuân đáo bách hoa khai 
Sự trục nhãn tiền quá 
Lão tùng đầu thượng lai 
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận 
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai 

( Xuân đi trăm hoa rụng 
Xuân đến trăm hoa nở 
Việc đời theo nhau qua 
Già về trên mái tóc 
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết 
Đêm qua sân trước một cành mai )

Thường khi trong chốn thiền môn , khi sư phụ cảm thấy mình sắp viên tịch bèn gọi chúng đệ tử lại để dĩ tâm truyền tâm bằng một bài thi kệ . Bài thi kệ trên vốn không có tựa đề . Nhà bác hoc Lê Quý Đôn đã đặt cho cái tên : CÁO TẬT THỊ  CHÚNG ( Có bệnh dạy chúng đệ tử )
  Bài kệ mượn cảnh sắc mùa xuân với sắc xuân , ý xuân để biểu đạt tâm xuân : Xuân đi thì hoa tàn rơi rụng ; xuân đến thì hoa cười tươi nhuận . Việc đời thì cứ trôi nhanh qua trước mắt ; tuổi già về nhanh trên mái tóc !Nhưng đừng bảo rằng HOA TÀN LÀ XUÂN TẬN !
      Vì sao như thế ?
Xuân đi hay xuân đến , hoa tàn hay hoa nở cũng chỉ là sự luân chuyển , biến dịch . Cái thường hằng vĩnh cữu vẫn là xuân . Hằng và Chuyển hiện hữu cùng một lúc trong cùng thực thể .Tỷ như suối là hằng , nước suối chảy là chuyển . Dòng đời chẳng khác dòng sông . Dòng đời là dòng sông trôi chảy trong vô cùng của thời gian , trong vô tận của không gian ! Khổng Tử nói :" Trôi chảy như thế kia đêm ngày chẳng dứt " ( Thệ dã như tư phù bất khả trú dạ )
  Hoa mai là biểu tượng của mùa xuân . Mai cũng là khả tính của sự vĩnh hằng .
  Tứ thời bát tiết là tuần hoàn của vũ trụ :Xuân qua , Hạ tới , Thu về , Đông lại ; Đông mãn , Xuân sang . Sự đời ,tuổi tác cũng trôi nhanh theo với thời gian . Thời gian như vó câu qua cửa sổ ! " Thịnh suy như giọt sương trên ngọn cỏ " ( Vạn Hạnh thiền sư ) . Soi gương thấy " Sáng tóc xanh mà chiều đã tuyết sương " ( Lý Bạch ) . " Cái già sòng sọc nó thời theo sau " ( Tản Đà ) . Sự đời và xuân sắc ...thảy đều hư huyễn ...Nhưng trong hư huyễn chuyển dịch vẫn là Vĩnh hằng . Thay vì bị lôi kéo cuốn hút vào hư huyễn dịch chuyển chi bằng hội nhập vào cái thường hằng của vũ trụ . Bấy giờ mới bừng con mắt thấy :" Đêm qua sân trước một cành mai ". Con người ta vì hư huyễn , biến dịch mà đâm ra nghi ngờ mọi thứ ; lấy chuyện xuân lai , xuân khứ làm điều , đâu ngờ hoa rụng hoa cười vẫn là xuân :
    "Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận 
  Hoa lạc hoa khai chỉ thị Xuân " 
                 ( Chân Không thiền sư )

   Trú trong hiện tại bây giờ và ở đây ( ici et là ) nhìn sâu và lắng nghe với cái tâm bản tịnh không bị chi phối ,không bị cuốn theo ngoại cảnh ...sẽ cảm nhận được khả tính của mùa xuân vĩnh hằng !


Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

NĂM CON CHÓ " TÁM" CHUYỆN GIẢ CẦY

   
 
    Chó là một con vật nuôi thường gần gũi với con người . Chó còn là con vật trung thành và giúp ích nhiều cho chủ . Chó cũng là môt con vật chịu nhiều hàm oan nhất . Cái gì xấu xa , hạ tiện nhất đều ví như chó : đồ chó , đồ chó đẻ, khổ như chó , ..Và có những người muốn ăn thịt một con chó , họ liền tìm cách gán cho nó một cái tội . Thế nhưng lắm khi muốn ăn thịt chó mà không có chó để thịt , họ bèn nghĩ cách chế biến thịt heo thành thịt chó và họ gọi đó là món thịt giả cầy . Ác nỗi ,món thịt giả cầy không những khoái khẩu trong giới ghiền thịt chó mà còn nhanh chóng phổ cập trong xã hội đầy trí trá , lừa mị .

    Món thịt giả cầy được giới ưa chuộng hết lời khen ngợi với nhiều mỹ từ " ngon bất bại ", "ngon hết ý ", " ngon miễn bàn ". Tất cả những lời khen này đều hàm ý : tuy giả mà ngon như thật . Khởi đi từ chuyện giả mà như thật nầy , xã hội phát sinh ra lắm thứ "giả cầy " :hàng hóa giả cầy , đạo đức giả cầy , dân chủ giả cầy ,..
 Tỷ như hàng hóa " giả cầy "là hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng ; tỷ như đạo đức giả cầy là loại đạo đức giả " thấy vậy mà không phải vậy " như Nhạc bất Quần trong Tiếu ngạo giang hồ ,...
   Nếu hàng giả cầy có tính chất lừa đảo về tài chánh thì loại đạo đức giả cầy có nguy cơ làm băng hoại nếp sống phong hóa của con người . Hiện nay , tại tỉnh Vĩnh Phúc có Văn miếu thờ Khổng Tử được xây dựng với kinh phí 271 tỷ đồng , diện tích chiếm đến 4,2 ha .Theo quan điểm của chủ đầu tư dự án ( của sở Văn Hóa , thông tin , du lịch )thì việc xây dựng Văn miếu này nhằm mục đích giáo dục đạo đức  , khai hóa dân trí . Thực ra , chẳng phải đến tận ngày nay VN mới có văn miếu để thờ Khổng Tử ; từ xa xưa VN cũng như các nước Châu Á theo đạo Nho đều có Khổng miếu . Vào những năm 1069 Vua Lý Thánh
Tông lần đầu tiên lập văn miếu thờ tượng Khổng Tử và Thất thập nhị hiền .Đạo Nho thực chất là một triết lý nhân sinh , dạy đạo làm người , cách làm Vua và đạo làm quan . Khái niệm"làm chính trị "theo Nho gia được diễn dịch từ đạo đức Khổng Mạnh . Còn đạo đức giả cầy diễn dịch từ chính trị . Việc " xuất khẩu Khổng Tử " ra thế giới của Trung Quốc ngày nay nhằm mục đích chính trị . Sau khi trổi dậy làm cường quốc kinh tế thì TQ cũng muốn chứng tỏ mình còn  là cường quốc văn hóa , xứng đáng đóng vai trò lãnh đạo thế giới .
  Văn miếu thờ Khổng Tử ở Vĩnh Phúc ở miền Bắc nước ta cũng nằm trong chiến lược nầy của TQ.
Thực tế thì Khổng học và Nho học đã bị khai tử cùng với các nho sĩ , trí thức từ thời cách mạng văn hóa .
Nếu vì mục đích giáo dục , khai hóa,..thì ở nước ta không thiếu hiền tài lỗi lạc về  tài năng và nhân cách xứng đáng xây dựng Văn miếu để thờ như Chu văn An , Nguyễn Bỉnh Khiêm ,...
  Công trình xây dựng Văn miếu ở Vĩnh Phúc hoàn thành và đã diễn ra một cuộc tranh cải giữa phe chủ trương xây văn miếu và phe học giả , giáo sư tiến sĩ về vấn đề nên hay không nên thờ bài vị Khổng Tử :
   - Văn miếu chỉ thờ Khổng Tử là không đúng ..
  -Văn miếu nên thờ thêm các danh nhân Việt Nam ...
 - Văn miếu Khổng Tử chỉ thờ Khổng Tử
    Cuối cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra quyết định tối hậu :" Văn miếu không thể không thờ khổng Tử " !

     Một cuộc tranh luận chỉ xoay quanh vấn đề hình tượng chắc gì đã vì thực chất . Cũng như khi thực hiện món thịt giả cầy các tay đầu bếp đã tranh cải về việc gia giảm gia vị vào món ăn để cho mùi vị giống với thịt cầy nhất - nhưng thực chất thì giả cầy thì ..chỉ là giả cầy !

      Nhân đón chào năm Mậu Tuất , bàn chuyện " giả cầy " để trả lại công bằng cho loài chó và cũng để giải oan cho loài vật đáng yêu đáng quý nầy .
Trong một xã hội vàng thau lẫn lộn , thật giả bất minh thì việc oan khiên ,oan khuất diễn ra như cơm bữa . Từ món thịt giả cầy , xã hội phát sinh ra vô số các thứ " giả cầy ". Thậm chí dân chủ cũng " giả cầy " ..Nhưng có một sự thật không chối cải là CÁI THẬT BAO GIỜ CŨNG ĐÁNG QUÝ VÀ TRƯỜNG TỒN , BẤT DIỆT .