Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Tiếng ta còn , nước ta còn

 "Truyện Kiều còn tiếng ta còn , tiếng ta còn nước ta còn ". Đó là câu nói bất hủ của cụ Phạm Quỳnh khi đánh giá " Truyện Kiều " của cụ Nguyễn Du . Còn Tố Hữu thì cho rằng truyện Kiều là " Tiếng thơ ai động đất trời " ,là tiếng vọng của non nước từ nghìn thu xưa . Và nghìn năm sau truyện Kiều vẫn là "tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày ". Cả hai nhà đều coi truyện Kiều là cái hồn của non sông đất nước bởi vì nó đại diện cho vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của người Việt nam . Điều đáng buồn là tiếng Việt ngày nay lâm vào tình trạng xô bồ bát nháo trong cách nói , cách viết của một số người Việt .
  Tình trạng xô bồ bát nháo đó phơi bày đây đó cả trên báo đài , trên các bảng hiệu , biển quảng cáo , tên của các công ty ; thậm chí có mặt cả trong tác phẩm văn chương .
   Ở các thành phố lớn ta thấy  bảng hiệu , bảng quảng cáo người ta đua nhau ghi bằng tiếng nước ngoài , có khi chua thêm vài dòng tiếng Việt ở dưới . Tên công ty thì pha trộn nửa tây nửa ta như công ty Minh Đạt thì là MiDa, công ty Mỹ Tâm thì ghi là MyTa  ,vv...Ngay trong ngôn ngữ nói của phát ngôn viên đài trung ương cũng có chỗ không chuẩn : Chẳng hạn , lẽ ra phải nói : "Chương trình hôm nay có những nội dung chính sau đây... "nhưng vì kiệm lời  phát ngôn viên đó bỏ đi hai tiếng " sau đây " làm cho câu văn trở thành cụt ngủn bất thành câu. Trong văn viết có thể thay thế hai chữ sau đây bằng dấu  hai chấm ( : ) nhưng trong văn nói thì không nên như vậy .
    Không biết từ bao giờ và từ đâu người ta có thói quen tùy tiện ghép từ " Việt " đàng sau một từ . Ví dụ : Bếp Việt ,gạo Việt , văn chương Việt , tâm hồn Việt ,...Tại sao lại cứ phải " Việt " đang khi ta là người Việt nói về một vấn đề của ta ở chính  trên đất Việt của ta ! Ai cũng hiểu từ " Việt " chính là Việt Nam . Những gì có trên đất nước Việt Nam mặc nhiên là " Việt Nam " rồi , hà cớ phải thêm chữ Việt . Nếu là một cộng đồng người Việt sinh sống tại hải ngoại , để phân biệt với các kiều bào khác , có thể gọi thế là đúng . Ví dụ như " phố Việt " , " phố Hoa " , " cơm Việt " , " cơm Tàu " , ...Nhưng gạo do dân ta trồng đương nhiên là gạo Việt Nam rồi , cần gì phải nói " gạo Việt " .  Gọi hàng sản xuất trong nước là hàng nội địa để phân biệt với hàng ngoại nhập là đủ .

  Ngôn ngữ của một nước thể hiện chủ quyền quốc gia của  nước đó . Ta phải  nói đúng , viết đúng tiếng nước ta . Người nước ngoài buộc phải học cách nói cách viết của ta . Ví dụ  buộc họ phải nói " bưởi da xanh " chứ không vì sợ họ không nói được  mà ta lại gọi là " Budaxa ". Ngược lại , ta cần phải viết đúng , phát âm đúng  các tên gọi của nước ngoài chứ không nên phiên âm tùy tiện , dễ dãi . Điều này gây trở ngại vô cùng cho việc tra cứu tìm hiểu . Đến tận bây giờ sách giáo khoa vẫn còn phiên âm một cách ngô nghê . Ví dụ Alsace thì được phiên âm là An dat , Shakespeare thì phiên âm là Sếch-xpia, vv...
    Ngoài ra tình trạng cải biên chữ viết của các bạn trẻ tràn lan trong các văn bản giao tiếp bất chấp luật chính tả và ngữ pháp . Ví dụ : "-»ckuc mn co m0t ngax  nkuj max man nka-" có nghĩa là " chúc mọi người có một ngày nhiều may mắn nha " , vv..
   Ngôn ngữ của một nước là cái hồn , cái hạnh của một nước , là chứng minh thư chứng nhận chủ quyền quốc gia của một dân tộc . Ngôn ngữ có trường tồn thì nền độc lập tự chủ mới trường tồn . " Tiếng ta còn , nước ta còn " , câu nói bất hủ của Phạm Quỳnh có giá trị như một " ghi nhớ " có tính ràng buộc .Tiếng ta tức là tiếng mẹ đẻ . Một đứa bé sinh ra đời bập bẹ tiếng mẹ đẻ ngay từ những tiếng nói đầu đời . Tâm hồn của đứa bé cũng được di dưỡng qua lời ru à ơi của mẹ . Trẻ con học tiếng trước khi học chữ . Chữ viết có thể thay đổi qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng tiếng nói thì không hề thay đổi . Thời nội thuộc phương Bắc ta dùng chữ Hán . Sau nầy , Hàn Thuyên phổ biến ra chữ Nôm . Rồi sau đó nữa là chữ quốc ngữ . Dù là thứ chữ gì thì tiếng nói của người Việt Nam , cái hồn của người Việt Nam vẫn là nguyên vẹn tinh khôi . Tiếng Việt còn hay mất là tùy thuộc vào lòng yêu tiếng Việt , yêu nước Việt .  Yêu tiếng tức là yêu nước , và vì yêu nước mà phải giữ gìn sự trong sáng cho tiếng . Nói theo cách nói của Phạm Duy trong nhạc phẩm  Tình ca :Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời ..., tiếng nước tôi tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi...

      Vào thế kỷ thứ mười chín , nước Pháp đã một phen khốn đốn vì cuộc chiến tranh Pháp - Phổ . Nước Pháp thua trận đành phải cắt vùng đất giáp biên giới với Phổ giao cho Phổ . Chính quyền Phổ ra cáo thị vùng đất nầy từ đây  không được dạy tiếng Pháp . Nhà văn Alphonse Daudet kể lại nỗi đau xót của một giáo viên dạy môn tiếng Pháp trong buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp .Buổi học cuối cùng ấy càng lúc càng thu ngắn thời gian lại  trong niềm cảm xúc dâng trào của thầy lẫn trò .
  Ở Việt Nam trong thời Pháp thuộc may mắn còn có trường Đông Kinh Nghĩa Thục dạy Quốc văn giáo khoa thư cho học trò . Quốc văn giáo khoa thư là một bộ sách giáo khoa đầu tiên soạn theo hướng tích hợp : vừa dạy chữ vừa dạy người , vừa dạy trí dục vừa dạy đức dục đan xen lồng ghép trong một bài học.
  Khi ngôn ngữ của một nước bị lai căng pha tạp - không còn chính danh nữa thì cái mầm mất nước đã chực chờ nằm sẵn đâu đó rồi .Thuyết chính danh của Khổng Tử trước hết đặt vấn đề chính danh tự .Chính danh tự là một danh từ phải gọi đúng tên sự việc , phải diễn tả đầy đủ khái niệm về sự vật đó . Sự vật sự việc thế nào thì phải gọi cho đúng bằng một cái tên sát hợp với bản chất của sự vật sự việc đó . Danh có chính thì ngôn mới thuận . Ngôn có thuận thì sự việc mới thành tựu một cách minh nhiên sáng tỏ . Danh mà không chính thì lời nói sẽ lập lờ , lấp liếm , lơ tơ mơ ...Một xã hội mà vấn đề chính danh không được coi trọng thì cái mầm băng hoại đã đương nhiên tiềm ẩn . 

     Có một điều đáng lạc quan tin tưởng là tiếng ta vẫn còn .  Mặc dù có hiện tượng xô bồ tùy tiện song bản chất tiếng Việt bao giờ cũng trong sáng . Nước Việt ta  hiện nay có rất  nhiều học hàm học vị giáo sư tiến sĩ mà tiếc thay ( ! ) lại không có  được một hàn lâm viện để hiệu chỉnh kịp thời những sai trái tùy tiện trong cách dùng tiếng Việt .



.............................................................................................

 Bổ sung ( trích từ comment của bạn Vương Đức Bình )

Con người chân chính nào cũng yêu tiếng mẹ đẻ của họ, đơn giản bởi vì đó chính là tiếng lòng của họ, là tiếng nói của Mẹ, là thứ tiếng ta nghe nhận được từ lòng yêu thương vô bờ của Mẹ ngay cả khi ta chưa biết nói, khi ta còn khóc oe oe đòi bú, là thứ tiếng nói chảy vào lòng ta kèm theo dòng sữa ngọt ngào từ vú mẹ. Ta cảm nhận những âm thanh đó bằng những xúc cảm chân thật nhất trước khi ta biết đến cú pháp của ngôn ngữ. Tiếng của Mẹ trở thành những câu chú thiêng liêng nuôi ta lớn lên. Cũng như sức mạnh của những câu thần chú, đôi khi ta không cần hiểu, ta chỉ cần cảm nhận. Có ai muốn phân tích một lời à ơi trong câu ru của mẹ không!? Ta chỉ mới vài tháng tuổi, ta chỉ cần nghe "À ơi, con ơi con ngủ cho say...." là ta đã yên lòng, cảm thấy bình yên trong vòng tay của Mẹ. Và khi ta lớn lên, khi ta muốn thổ lộ tình yêu với người con gái mà lòng ta tha thiết, và nếu ta là người Việt Nam, ta có muốn nói với bạn tình "I love you..." hay không, hay ta sẽ nói "Anh yêu em"!? Ta sẽ thì thầm điều đó với bạn tình bằng sự rung động tinh tế mà Mẹ đã truyền cho ta từ dòng sữa của Mẹ, bằng chính ngôn ngữ của Mẹ, mặc cho ta có bằng tiến sĩ hay đại loại bằng gì đó về tiếng Anh, tiếng Pháp,... Và nếu không may, nếu bạn tình - cô bạn Việt Nam của ta - trả lời "I love you too!" thì chắc ta phải nghi ngờ tính chân thật của mối tình của cô bạn dành cho ta, rằng câu trả lời đó không xuất phát từ trái tim!

15 nhận xét:

  1. Rất vui khi đọc bài này vì nó gây cho tôi rất nhiều cảm xúc! Trước hết, cũng như ca sĩ Thái Thanh nói rằng lần nào bà trình bày bản nhạc Tình ca (của nhạc sĩ Phạm Duy) bà cũng rơi lệ. Phải vậy không khi mà Phạm Duy đã viết:
    "...
    Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui.
    Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
    Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi.
    Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi
    ...."


    Con người chân chính nào cũng yêu tiếng mẹ đẻ của họ, đơn giản bởi vì đó chính là tiếng lòng của họ, là tiếng nói của Mẹ, là thứ tiếng ta nghe nhận được từ lòng yêu thương vô bờ của Mẹ ngay cả khi ta chưa biết nói, khi ta còn khóc oe oe đòi bú, là thứ tiếng nói chảy vào lòng ta kèm theo dòng sữa ngọt ngào từ vú mẹ. Ta cảm nhận những âm thanh đó bằng những xúc cảm chân thật nhất trước khi ta biết đến cú pháp của ngôn ngữ. Tiếng của Mẹ trở thành những câu chú thiêng liêng nuôi ta lớn lên. Cũng như sức mạnh của những câu thần chú, đôi khi ta không cần hiểu, ta chỉ cần cảm nhận. Có ai muốn phân tích một lời à ơi trong câu ru của mẹ không!? Ta chỉ mới vài tháng tuổi, ta chỉ cần nghe "À ơi, con ơi con ngủ cho say...." là ta đã yên lòng, cảm thấy bình yên trong vòng tay của Mẹ. Và khi ta lớn lên, khi ta muốn thổ lộ tình yêu với người con gái mà lòng ta tha thiết, và nếu ta là người Việt Nam, ta có muốn nói với bạn tình "I love you..." hay không, hay ta sẽ nói "Anh yêu em"!? Ta sẽ thì thầm điều đó với bạn tình bằng sự rung động tinh tế mà Mẹ đã truyền cho ta từ dòng sữa của Mẹ, bằng chính ngôn ngữ của Mẹ, mặc cho ta có bằng tiến sĩ hay đại loại bằng gì đó về tiếng Anh, tiếng Pháp,... Và nếu không may, nếu bạn tình - cô bạn Việt Nam của ta - trả lời "I love you too!" thì chắc ta phải nghi ngờ tính chân thật của mối tình của cô bạn dành cho ta, rằng câu trả lời đó không xuất phát từ trái tim!

    Giữ gìn sự trong sáng của tiếng nước ta thì đó chính là giữ gìn sự hiện hữu của Mẹ trong lòng ta, giữ gìn chính tâm hồn của ta.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hu hu...Thỉnh thoảng con nhắn tin cho người yêu là "I love you!", nhưng nói trực tiếp thì con vẫn nói "Anh yêu em!".

      Xóa
    2. Có đáng gì so với hàng loạt tiếng Việt rất đổi mù mờ khó hiểu hiện nay . Chẳng hạn như : diễn biến hòa bình , tàu lạ , lợi ích nhóm , người tiêu dùng thông minh , giá tốt , nợ xấu , ...
      Thiết nghĩ nói I love you , Merci ,.. cũng có khi chỉ để ...làm giảm bớt "sự nghiêm trọng của vấn đề " mà thôi !

      Xóa
  2. Vương Đức Bình thân mến !
    Đọc comment rất sâu sắc và đầy cảm xúc của VĐB tôi chợt thấy bài viết nầy của mình còn thiếu ...( những ý của VĐB! ) . Xin phép VĐB cho tôi được trích comment nầy để bổ sung vào bài nghe . Cảm ơn nhiều !

    Trả lờiXóa
  3. Con nghĩ là cái kiểu cố tình viết sai chính tả tiếng Việt rất đáng ngại và cần phải chấn chỉnh. Nhất là các bạn "teen" hiện nay đang ngày càng xa rời sự trong sáng của tiếng Việt.

    Trả lờiXóa
  4. Thật là vui khi đọc bài viết đầy nhiệt huyết trước vấn nạn dùng tiếng Việt một cách bừa bãi thiếu tôn trong như hiện nay.Cám ơn thầy Đạt nhân và Bác Vương Tử Bình đã chỉ ra những điểm cần lưu ý khi dùng tiếng Việt.
    Còn một thực trạng nữa ,là kiểu nói ngược đã trở thành thói quen từ lâu ...ví dụ như _ đá banh gọi là bóng đá...,và rất nhiều nữa không tiện viết ra.Trực thăng thì phải diễn nghĩa là máy bay lên thẳng, vừa không sát nghĩa vừa lòng thòng ...Còn nhiều nữa có lẽ phải có cuốn sách tập hợp các từ ngữ thuộc loại này để giữ gìn nét đẹp của tiếng Việt. Tôi yêu tiếng Việt của đấtất nước tôi lắm
    Một lần nữa cám ơn thầy Đạt Nhân và mọi người

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tạ lòng Đức Sơn đã quan tâm đến bài viết và đã góp ý thêm cho bài viết càng phong phú . Đúng như Đức Sơn nói là có một thực trạng " cố tình " dùng từ không nguyên nghĩa - như đơn giản thì lại nói giản đơn , trục trặc kỷ thuật thì nói sự cố kỷ thuật ,...Rồi Việt hóa những từ không cần thiết trong văn nói- càng làm nghèo tiếng Việt - như OK ,WoW,PR ...Gần đây,có một quãng cáo trên TV ,có một câu trong bài hát " ... tôi chúc cho Việt Nam ...".? Không biết chủ ngữ 'tôi ' là người Việt Nam hay là người nước ngoài ?
      Loạn ngôn xão ngữ có là triệu bất tường chăng ?

      Xóa
  5. lâu quá không gặp anh, tết có về quê không / sao không thấy gửi bài cho xuân ĐL, chúc gia đình vui xuân và khỏe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Huỳnh Minh Tâm có lời thăm hỏi . Tết nay anh không về ; mà nếu có về chắc cũng ra giêng . Nhớ câu thơ của Bùi Giáng tiên sinh :
      Một mai cá sóng phiêu bồng
      Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng quy lai
      Còn anh thì :
      Ngày đi có gió xô sóng vỗ
      Ngày về có "trăng ngậm bóng sương đồng "!

      Xóa
  6. Nhân dịp năm mới Quí Tỵ - 2013 ; học trò Môc Nhân xin kính chúc Thầy Phạm Đạt Nhân cùng toàn gia quyến một năm mới an lạc , như ý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phạm đạt Nhân chúc Mộc Nhân ươm được nhiều cây quý để lại cho đời những cây đại thụ
      Cầu nguyện cho Mộc Nhân và gia quyến được an lạc thân tâm

      Xóa
    2. Thưa chú!
      Cháu là Thùy Vân, cháu vẫn thường xuyên vào blog của chú để theo dõi những bài viết của chú. Cháu rất thích. Cháu có xin sử dụng một số bài của chú (đã đăng trên tạp chí Duyên Dáng Việt Nam - thông qua Thường Nhiên). Cháu xin phép được cộng tác trực tiếp về chuyện bài vở với chú (không phải thông qua Nhiên nữa). Cháu cần một số bài vở cho Tết về mảng Văn hóa và muốn nhờ chú viết. Chú có thể cho cháu xin số điện thoại và email, gửi vào địa chỉ này cho cháu nhé: hoachopmua@gmail.com
      Cảm ơn chú nhiều.

      Xóa
  7. GÓP Ý:
    – ...Ngoài ra tình trạng "CẢI BIÊN" chữ viết của các bạn trẻ...
    NGƯỜI VIẾT NÊN DÙNG "CẢI BIẾN" (to change) ĐÚNG HƠN, cải biên là từ trong nước.
    – ...Tâm hồn của đứa bé cũng được "DI DƯỠNG" qua lời ru à ơi của mẹ...
    DI DƯỠNG (to nourish) về mặt tinh thần, văn chương để phục vụ đa số quần chúng,vậy nên dùng từ dễ hiểu, TÂM HỒN CỦA ĐỨA BÉ CŨNG ĐƯỢC "BỒI BỔ, ẤP Ủ ĐẾ PHÁT TRIỂN TỐT" QUA LỜI RU À ƠI CỦA MẸ.
    – ...Quốc văn giáo khoa thư là một bộ sách giáo khoa đầu tiên soạn theo hướng "tích hợp" : vừa dạy chữ vừa dạy người , vừa dạy trí dục vừa dạy đức dục "TỔNG HỢP CÙNG" trong một bài học.
    LƯU Ý: TÔI HOÀN TOÀN ĐỒNG Ý VỀ NỘ DUNG BÀI VIẾT... NHƯNG THEO TÔI THIẾT NGHĨ, MÌNH NÊN HOÀN THIỆN NGAY MỖI CÁ NHÂN TRONG CỘNG ĐỒNG TỊ NẠN CỘNG SẢN TẠI HẢI NGOẠI TRƯỚC ĐÃ, NGAY TRONG PHẦN KẾT LUẬN CỦA BÀI TÔI THẤY NGƯỜI VIẾT ĐÃ LẠC QUAN NHƯ SAU: "Có một điều đáng lạc quan tin tưởng là tiếng ta vẫn còn . Mặc dù có hiện tượng xô bồ tùy tiện song bản chất tiếng Việt bao giờ cũng trong sáng . Nước Việt ta hiện nay có rất nhiều học hàm học vị giáo sư tiến sĩ mà tiếc thay ( ! ) lại không có được một hàn lâm viện để hiệu chỉnh kịp thời những sai trái tùy tiện trong cách dùng tiếng Việt .
    – ĐÃ XÔ BỒ TUỲ TIỆN THÌ LÀM GÌ CÒN BẢN CHẤT TRONG SÁNG ĐƯỢC NỮA.
    – NƯỚC VIỆT TA "HIỆN NAY" CÓ RẤT NHIỀU "HỌC HÀM HỌC VỊ" GIÁO SƯ TIẾN SĨ...
    CÂU NẦY "Ý TƯỞNG" VÀ "VĂN PHONG" CỦA NGƯỜI TRONG NƯỚC, CHẲNG PHẢI NGƯỜI TỊ NẠN. BỞI CHÍNH NHỮNG NHẦM LẪN VÀ SAI SÓT ĐÓ CHÚNG TA NÊN TỰ SỬA SAI CHÍNH MÌNH TRƯỚC ĐÃ. CÒN NGÔN NGỮ VIỆT CỘNG THÌ ĐÃ CÓ HƠN 70 NĂM Ở MIỀN BẮC & HƠN 42 NĂM Ở MIÊN NAM, ĐIỀU ĐÓ TA KHÔNG THỂ VÓI TỚI, NHƯ VẬY! CHỈ MỘT VÀI NGƯỜI CHỈ TRÍCH, PHÊ PHÁN. ĐIỀU ĐÓ SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI ĐƯỢC SO VỚI MỘT "HỆ THỐNG CHỮ NGHĨA" CỦA KẺ CHẲNG HỀ XẤU HỔ CHÚT NÀO VÌ NGU (CHXHCNVN). ĐÃ VẬY, BÂY GIỜ NÓ ĐÃ TỪNG BƯỚC XÂM THỰC VÀO NGÔN NGỮ VNCH Ở HẢI NGOẠI, MÀ NGAY CHÍNH GIỚI TRUYỀN THÔNG HẢI NGOẠI, QUA PHÁT THANH, PHÁT HÌNH, BÁO CHÍ, TRÊN ONLINE.V.V...VÔ HÌNH CHUNG ĐÃ TIẾP TAY QUẢNG BÁ NGÔN TỪ CỦA VC HẰNG GIỜ HẰNG PHÚT. CÒN NHIỀU VÔ SỐ KỂ...NÓI TÓM LẠI NHƯ TÔI ĐÃ TỪNG GÓP Ý TRONG SUỐT NHỮNG NĂM THÁNG QUA, CHÚNG TA NÊN GÓP Ý, VỀ NHỮNG SAI SÓT MÀ NHỮNG BẠN BÈ QUEN BIẾT HAY GIỚI TRUYỀN THÔNG TỪNG MẮC PHẢI, NHƯ THẾ LÀ CHÚNG TA CŨNG MÃN NGUYỆN LẮM RỒI, KHÔNG NÊN VỚI TAY QÚA TRÁNG.GÓ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. KHÔNG NÊN VỚI TAY QUÁ TRÁN.

      Xóa
    2. Rất cảm ơn bạn Kinh Dieu đã nhiệt tình góp ý cho bài viết được toàn bích hơn . Đồng thời cũng xin lỗi bạn về sự chậm trễ trong hồi đáp .
      Trên đại thể tôi đồng ý với bạn rằng " mình nên hoàn thiện ngay từ trong mỗi cá nhân " trong cách dùng từ dù là người trong nước hay hải ngoại ; và rằng "hệ thống chữ nghĩa của kẻ CNXHVN chỉ có cách khai tử chứ không sửa đổi được ". Trong viết lách tôi có ý thức thường trực tránh xa những từ mà Cọng sản thường dùng để đánh tráo khái niệm . Nhưng đôi khi do thói quen đã dùng trong vô thức.
      Trong đoạn kết tôi vẫn còn tin tưởng vào sự trường tồn của Tiếng Việt cũng như sự trường tồn của Tổ Quốc . Sự xô bồ tùy tiện trong tiếng Việt hiện nay chỉ là ách nạn của dân tộc . Bụi bặm thời gian của 70 năm qua rồi cũng có ngày được gột rửa , tẩy xóa để phục sinh sự trong sáng của Tiếng Việt . Chào bạn .

      Xóa