Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Sư tử trùng thực sư tử nhục

 
 
    Sư tử là vua của các giống thú , mạnh mẽ , can đảm , oai nghiêm , mau lẹ , quyết đoán hơn các giống thú khác . Vì vậy nên các kinh giáo của nhà Phật thường ví Phật với sư tử , và tiếng thuyết pháp của Phật được ví như tiếng hống của con sư tử . Nếu tiếng gầm tiếng hống của con sư tử làm cho liệt não của các loài thú dữ thì pháp âm của Phật có thể hàng phục thiên ma , phá tan tà thuyết ác kiến . Chân lý của Đức Phật từ ngày được khai phá vén mở cách nay hơn 2500 năm , có thể bị hoài nghi , báng bổ bởi chính những người trong tăng đoàn , giáo đoàn của ngài ; cũng như con vi trùng trong thân của sư tử làm hại nhục thân của sư tử . Khi các tu sĩ không giữ nghiêm giới luật thì uy tín của đạo Phật sẽ xuống cấp . Nhất là vào thời mạt pháp , Phật giáo không còn là đạo giáo mà chỉ còn là hình thức tôn giáo . Và lúc bấy giờ giáo quyền sẽ rơi vào tay của thế quyền .

    Trong thời gian gần đây , qua các nguồn thông tin mạng , báo đài đã phơi bày tình trạng của nhiều vị sư phá giới . Xin đơn cử một số trường hợp sau đây :
  - Trường hợp của những thượng tọa đại đức tham gia các hoạt động chính trị như đại đức Thích Thanh Cường  . Đại đức  Thích Thanh Cường là ủy viên nghi lễ trung ương , chánh văn phòng Phật giáo tỉnh Hải Dương có lập trang  Facebook . Trên trang cá nhân ông đăng hình bản thân mặc áo tràng , đội mũ công an và chào theo kiểu quân đội . Nội dung trên fb còn có đăng bài hát " Như có Bác Hồ " nhân kỷ niệm ngày 30/4 . Và hình ảnh đại đức đại diện Phật giáo trao cờ cho bí thư tỉnh đoàn Hải Dương trong chương trình " Tô thắm màu cờ " ( tất cả 10 lá , mỗi lá 12 triệu ).
  - Trường hợp Thượng Tọa Thích Thanh Quyết với tư cách là đại biểu quốc hội lên án những người đấu tranh cho nhân quyền , dân chủ , ca ngợi nền an ninh chính trị , ca ngợi ngành công an và dùng từ "đồng chí" để gọi công an như là một cán bộ thực thụ .
  Ngoài ra còn một số trường hợp phá giới :
  - Một chú tiểu ở chùa Huỳnh Kim (Gò Vấp ) ham vui đi theo trang điểm cho các cô gái dự thi hoa hậu VN
  -Một ni cô ở Quảng Ninh đi thi " Việt Nam Idol "
  -Một thầy tăng đi xem ca nhạc nổi hứng lên sân khấu và xin được hôn môi ca sĩ
  Một số ni cô ở chùa Pháp Hải ( Bình Chánh ) hóa trang mặc quân phục trình diễn văn nghệ trong mùa " an cư "
-..vv..
   Tệ hại hơn nữa lại có sư vừa phạm giới vừa phạm pháp như mượn tiền tỷ của Phật tử đem sổ đỏ của nhà chùa đi cầm . Có sư đánh người , dời tượng gổ và thay tượng gỗ bặng tượng mới đúc giống mình . Có sư phạm giới dâm dục , rồi giết người ...
  Tất cả những sự vụ trên đây đã gây ra hậu quả gì và bắt nguồn từ nguyên nhân nào ?
  Về mặt hậu quả thì đã rõ : Phật tử thì hoang mang dao động , lòng tin Phật thì bị xoáy mòn lung lay mất hướng ; uy tín của tăng đoàn bị tổn thương , kẻ xấu có cơ hội báng bổ bôi nhọ .
  Thế còn nguyên nhân nguyên ủy của sự vụ trên là gì ?
  Trước hết ta có thể xếp có ba loại sư:
   * Một là loại vốn chân tu có tâm nguyện dấn thân nhập thế nhưng vì chưa đủ nội lực nên bị đời tục hóa .
 * Loại thứ hai là xuất gia đầu Phật với mưu toan mượn đạo tạo đời chứ không phải phát " Bồ đề tâm " .
  * Còn loại thứ ba là do thế quyền đặt để con người  vào giáo hội để khuynh loát , định hướng giáo hội đi theo con đường của mình .
  Cả ba loại trên đều được xem là giấy bạc giả của nhà chùa .Theo giáo  pháp của nhà Phật thì Phật pháp không lìa Thế gian pháp . Cả hai pháp giới nầy không lìa nhau như hai mặt của một đồng xu , như cùng một ly nước chanh - khuấy lên thì đục để lắng thì trong . Vì vậy cũng không thiếu những nhà tu hành chân chính vì tâm nguyện " tự độ , độ tha" mà phải dấn thân nhấp thế như thiền Sư Vạn Hạnh thời Lý . Sống trong hồng trần để thánh hóa cuộc đời mà không bị cuộc đời tục hóa . Thế nhưng môi trường văn hóa , tình trạng xã hội của Việt nam hiện tại đã tạo ra nhiều nghịch cảnh cho việc hoằng dương chánh pháp . Đó là tình trạng bất ổn trong xã hội : kinh tế khủng hoảng , tội phạm gia tăng .., đặc biệt quá nghèo nàn về văn hóa tâm linh . Bây giờ người ta tôn thờ chủ nghĩa kim tiền , chủ nghĩa thực dụng , coi đồng tiền có sức mạnh vạn năng . Thâm chí có người cho rằng  bây giờ người ta tôn thờ chủ nghĩa tồn tại thú vật . Những thắc mắc siêu hình , những băn khoăn khắc khoải về những vấn đề tâm linh , những trầm tư về lẽ sống chết  nhường chỗ cho những mưu cầu toan tính để thỏa mãn những nhu cầu sở hữu , nhu cầu quyền lực , nhu cầu lợi ích , nhu cầu trở thành người nổi tiếng ... Các bậc thang giá trị tinh thần bị đảo lộn . Sự băng hoại của xã hội đã xâm thực vào mảnh đất của nhà trường và len lõi cả vào chốn già lam tịnh xứ . Đó là một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng bát nháo , quái gỡ trong giới tu hành đã nói ở trên .
    Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là trong con mắt của nhà cầm quyền thì Phật giáo đơn thuần chỉ là một tôn giáo , một tín ngưỡng . Thật ra , ngoài hình thức tôn giáo , cốt tủy của đạo Phật là nguồn TUỆ GIÁC LỚN ( đại trí tuệ ) và một nguồn YÊU THƯƠNG LỚN ( đại từ bi ) . Tình yêu và trí tuệ của đạo Phật có khả năng giúp cho chính quyền chọn một con đường sáng , hóa giải mọi hận thù và sai biệt , mang lại hạnh phúc cho dân tộc . Vì coi đạo Phật chỉ đơn thuần là một tôn giáo nên nhà nước muốn chính trị hóa giáo quyền và thế tục hóa giáo hội . Từ đó sản sinh ra  " SƯ QUỐC DOANH" , GIÁO HỘI QUÓC DOANH . Đúng ra giáo quyền và thế quyền là hai thực thể tách biệt , không cần can thiệp vào nhau nhưng có thể giúp nhau về phương diện tâm linh , đạo đức . Ngày xưa Lý Thái Tổ giúp Phật giáo xây dựng chùa tháp tự viện ; ngược lại Sư Vạn Hạnh với tư cách là quốc sư chỉ bày cho vua về đường lối kinh tế , văn hóa , đạo đức và chính trị . Vua không kiểm soát giáo hội và thiền sư cũng không nhận một trách vụ gì trong guồng máy chính trị . Ngày nay các vị xuất gia lại bị mời làm đại biểu quốc hội , thành viên hội đồng nhân dân các cấp , vv... Đây là nguyên nhân khiến cho các nhà sư đánh mất oai nghi tế hạnh của người xuất gia . Ngày xưa cái lễ của quốc vương và cái lễ của pháp vương được phân định rạch ròi . Pháp vương không phải thi lễ đối với quốc vương . Có một câu chuyện thú vị như sau :Vào đời Tống ,Vương Tử nước Cao Ly là Nghĩa Thân sang Trung Hoa tìm hiểu Phật giáo Hoa Nghiêm Tông . Vua Tống sắc chỉ cho người đi đón rước trọng thị . Nghĩa Thân đến đâu thì đoàn rước rầm rộ đến đó . Nhưng khi đến Kim Sơn , thiền sư Phật Ấn chỉ ngồi mà tiếp nhận cống nạp . Dương Kiệt ngạc nhiên hỏi Phật Ấn , Phật Ấn đáp : " Nghĩa Thân là Vương tử  nước ngoài , nhưng luật của người xứ ta không phân biệt biên vực quốc gia , do đó không vì Nghĩa Thân là vương tử được triều đình tiếp đãi như như khách mà sư phải theo cách tiếp đãi của triều đình . Triết Tông biết việc đó rất khâm phục thái độ của Phật Ấn . Về sau vua mang chiếc áo của Cao Ly tặng cho Phật Ấn .
    Sư Việt Nam ngày nay tham gia chính quyền , nhận giấy khen , huân huy chương ...; thậm chí có sư đăng đàn thuyết pháp mà nói toàn chuyện chính trị , ... Những cụm từ " sư quốc doanh , giáo hội quốc doanh " rõ ràng cho ta thấy  Phật giáo chì còn là một thứ tôn giáo công cụ , một doanh nghiệp nhà nước . Ai cũng thấy  giáo quyền Vatican của Ki- tô giáo có một tổ chức giáo quyền nghiêm minh chặt chẻ . Các linh mục , cha xứ trên toàn thế giới phải tuân thủ theo luật lệ của giáo quyền Vatican .
      Phật giáo không có giáo quyền như nghiêm minh Ki- Tô giáo , vì bản chất của đạo Phật là nặng tính tự giác giác tha  . Ngay từ thời đức Phật còn tại thế , chỉ có tăng đoàn , giáo đoàn chứ không có giáo hội .
   Nếu nhìn đạo Phật như một đạo giáo , một triết lý nhân sinh , một cứu cánh giải thoát thì ta vẫn còn thấy có nhiều bậc chân tu đang âm thầm tu tập thiền định , trì chú tụng kinh niệm Phật , sống một cuộc đới phạm hạnh . Ngay cả những cư sĩ tại gia vẫn còn nhiều người chuyên tâm dịch kinh , trước tác làm giàu cho văn hóa Phật giáo .
  Trong một xã hội vàng thau lẫn lộn khó phân biệt được đâu là chân tu đâu là giả tu . Những giấy bạc giả của nhà chùa là những con vi trùng đục khoét thân thể của con sư tử . Chúng đã , đang làm mất uy tín của giáo hội ; làm mất niềm tin  của phật tử .
 
 Trong thời mạt pháp khó mà tránh được pháp nạn . Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là một đạo giáo . Đã là đạo thì không bao giờ mất . Mất chăng là lòng người mất đạo . Đức Khổng Tử nói : " Đạo không xa người , chỉ có người làm cho đạo xa người ấy chẳng phải là đạo . " .Những giấy bạc giả của nhà chùa đã làm cho người xa đạo nhưng không thể thủ tiêu được đạo , không thể làm tắt tiếng gầm của con sư tử chánh pháp .
                     Sư tử hống hề phương thảo lục 
                      Tượng vương hồi xứ duyệt hoa hồng !

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Trầm tích





   Triều Đông Hải rền vang cơn sấm vọng 
   Thái Bình Dương dậy sóng buổi sơ khai 
   Nào ai biết giữa dòng sâu lắng đọng 
   Ngàn năm xưa trầm tích biết bao trai

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Thu trong nhạc Trịnh

  Mùa thu là chất nghiện của những thi sĩ . Mùa thu cũng là chất nghiện của nhiều nhạc sĩ .Đề tài mùa thu cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhạc sĩ nước ta  , nhất là nhạc sĩ ở miền Bắc  ; bởi miền Bắc có bốn mùa rõ rệt . Và mùa thu xứ Bắc mới có đầy đủ những sắc màu đặc trưng . Riêng với nhạc sĩ Trịnh công Sơn viết về mùa thu nặng về ý thu hơn là tô vẽ sắc màu của mùa thu . Sắc thu trong nhạc Trịnh cũng chỉ góp phần biểu đạt tâm thức , tâm cảnh của người nghệ sĩ .
    Tâm thức tâm cảnh của Trịnh công Sơn ( TCS ) là tâm thức tâm cảnh của một con người luôn luôn trầm tư về sự phôi pha của phận người và sự biến dịch của trời đất , của thiên nhiên tứ thời bát tiết : " bốn mùa thay lá thay hoa thay cả đời ta ". Anh đã từng "gọi tên bốn mùa " . Mùa nào cũng qua đi để rồi còn lại sự tàn phai - xóa sạch dấu vết :
                                         Rồi từ nay em gọi 
                                         tình yêu dấu chim bay
                                         gọi thân hao gầy 
                                        gọi buồn ngất ngây 
                                                 ( gọi tên bốn mùa )
Tình yêu dấu chim bay có lẽ là tình yêu chỉ còn trong ký ức . Và cứ thế xót xa mãi hằn lên " tuổi trời " . Bởi con người sinh ra là đủ già để chết :
                                         Trẻ thơ ơi trẻ thơ ơi
                                         tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người 
                                                            ( gọi tên bốn mùa )

 Trong bốn mùa xuân hạ thu đông mùa thu là biểu tượng của sự tàn phai , hao gầy , héo úa . Đối với vòng quay của trái đất , mùa thu là mùa báo hiệu mùa đông lạnh giá . Đối với kiếp người , tuổi xế chiều tức là tuổi chớm thu .Bao nhiêu sầu thảm bi ai của đất trời đều đổ dồn vào tháng bảy : tháng bảy mưa ngâu , tháng bảy cô hồn ...Có một bài thơ Hán cổ diễn tả đêm đông nghe tiếng côn trùng mà lại sáng tác vào thời điểm mùa thu :
                                                     Đông dạ văn trùng 
                                        Trùng thanh động tứ khổ ư thu 
                                         Bất giác sầu nhân văn diệc sầu 
                                         Ngã thị lão ông khinh bất úy 
                                         Thiếu niên mạc thính bạch quân đầu 

       tạm dịch :               ( Trời đã thu rồi đông sẽ sang 
                                        Tiếng trùng vang vọng ý thu tàn 
                                        Kẻ vô tình cũng nghe sầu khổ 
                                        Lão giả an nhiên _ trẻ bạc đầu )

    Đinh Hùng , một nhà thơ đương đại  cũng có mấy câu buốt lạnh mang mùa thu tới :

                                       Trời đã thu rồi em ở đâu
                                       Nằm trong nấm mộ chắc em sầu 
                                      Thu ơi đánh thức hồn ma dậy 
                                      Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu 

  Với âm nhạc TCS , mùa thu không chỉ có sắc màu héo úa , mà còn có nắng hồng làm tươi vui giai điệu :

                                     Em đứng lên mùa thu tàn tạ 
                                     Hàng  cây khô cành chơ vơ , hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô ...
 Trong ca khúc của Trịnh ngồn ngộn bóng nắng , màu nắng : Nắng của mặt trời buổi ngọ thiên , nắng long lanh , nắng nhè nhẹ . Bóng nắng , màu nắng trong ca khúc của TCS luôn là một nét lạc quan tích cực của nhạc sĩ trong cái nhìn tàn phai , biến dịch . Nắng là biểu tượng của khoảnh khắc hiện tại đáng sống  ngọt ngào mặc cho phận người lênh đênh , mong manh .
                                   Nhìn những mùa thu đi em nghe sầu lên trong nắng 
                                   ............................
                                  Rồi mùa thu bay đi trong nắng vàng chiều nay
                                  ...............
                                 Chiều cuối trời nhiều mây 
                                đơn côi bàn tay quên lối 
                                đưa em về nắng vương nhè nhẹ 

 TCS là một lãng tử rong chơi ca hát nghêu ngao và rêu rao cái điều đáng sống trong cõi đời phôi pha giả tạm . Anh đã từng tâm sự "mỗi ngày tôi gạn lọc mình để trở thành một ánh nắng tinh khiết vô nhiểm "
      Vậy nên :           Đêm chờ ánh sáng , mưa đợi cơn nắng 
                               Mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần 
 Nói đến sắc màu đặc trưng của mùa thu xứ Bắc là không thể quên " Nhớ mùa thu Hà Nội " . Mùa thu ấy có màu vàng của cây cơm nguội , màu đỏ của lá bàng , màu nâu của mái ngói , mùa hoa sữa , màu cốm xanh , màu vàng của mặt nước hồ Tây và màu sương lam của buổi sáng tinh mơ :
                               Hà nội mùa thu 
                              cây cơm nguội vàng ,
                              cây bàng lá đỏ 
                              nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu
                             Hà Nội mùa thu muà thu Hà Nội
                             mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió 
                            mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ ....
                           ............
                            Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người ,
                            Lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai 
                           Sẽ có một ngày trời thu Hà nội trả lời cho tôi...

    Lời nhạc tha thiết ẩn chứa một mối cảm hoài về một Hà Nội xa xưa, một cố đô có một ngàn năm sử lịch .
 Tuy nhiên trong ' Đoản khúc thu Hà Nội " niềm lạc quan phấn khích chợt hiện về trong khung cảnh phố nhòe mưa thu . Đó là bóng nắng long lanh , đó là môi má em hồng , đó là bàn tay ai ân cần trông chờ ai nơi phố xa: :
                              "Nhòa phố mong manh nhòe phố mưa 
                                Chợt nắng long lanh chợt nắng thưa 
                                 Bởi vì mùa thu tôi ở lại 
                                 Hồng má môi em hồng sóng xa
                                 Vì một bàn tay không ngần ngại 
                                Tặng hết cho tôi một phố chờ 

 Ta hãy nghe TCS tâm tình : " tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung . Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng đẹp như một bông hoa . Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa là kẻ chiến thắng vừa là kẻ chiến bại . Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa nhau đến những đấu trường " .
        Trong cuộc sống nói chung và trong hoạt động sân khấu giải trí nói riêng đã sản sinh ra những tuýp người kiêu căng hiếu thắng muốn phô diễn cái tôi , muốn trở thành nổi tiếng .Trong khi đó TCScho rằng " vinh quang chỉ là điều dối trá " :
 Vậy nên:                  Đường xa mỏng mộng vô thường 
                               Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi
 Hãy dẹp bỏ cái tôi đáng ghét để khỏi phải bị tách ra khỏi đời sống để khỏi dắt nhau đi đến đấu trường.
   Trong bài " chiếc lá thu phai' thể hiện rõ nét sự thức tỉnh của một đời nghệ sĩ trải qua quá nhiều vinh nhục thăng trầm :
                               Về đây đứng ngồi 
                               Đường xa quá ngại 
                              Để lòng theo chút nắng bên ngoài 
                              ........................
                             Chiều hôm thức dậy 
                             Ngồi ôm tóc dài 
                            Chập chờn lau trắng trong tay ...

Về ý thu , nhạc sĩ TCS có cái nhìn lạc quan tích cực . Đành rằng mùa thu là mùa héo úa tàn tạ thảm sầu song vẫn luôn luôn có những tia nắng hy vọng sưởi ấm lòng người :
                            Chiều đã đi vào trong mắt em 
                            Mùa thu qua tay đã bao lần 
                            Ngàn cây thắp nến lên hai hàng 
                            Màu nắng bây giờ trong mắt em 
  Nhạc sĩ liên tưởng từ điện đường thắp sáng đến hàng cây thắp nến và liên tưởng màu nắng là màu mắt em . Thật là một sự liên tưởng thú vị đầy ánh sáng . Sắc thu trong nhạc Trịnh không bế tắc như trong nhạc Đoàn Chuẩn :
                             Hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ 
                            Lá vàng từng cánh rơi từng cánh 
                            Rơi xuống âm thầm trên đất xưa 

           Trong cuộc đời của mỗi con người ai cũng đã từng hơn một lần nghe " mùa thu qua tay " ; " nghe lá rụng ngoài sân " , " nghe tên mình vào quên lãng ", " nghe tháng ngày chết trong thu vàng " ...
Quý hồ là làm sao " gạn lọc mình thành một ánh nắng tinh khiết vô nhiểm " 

                                                                           



Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Hãy yêu trái tim mình


   Hãy yêu trái tim mình
  Đừng gây thêm thương tích 
  Giữ nhịp cho bình thường 
  Và chăm lo tưới tẩm 

  Mắt có khi được nhắm 
  Thân về đêm nghỉ ngơi 
  Tay chân được buông lơi 
  Nhưng tim chưa từng nghỉ 

  Tim làm việc cần cù 
  Siêng năng và nhẫn nại 
  Mãi miết không nghỉ ngơi 
  Để duy trì sự sống 

  Phổi có khi nín thở 
  Nhưng tim đâu ngừng đập 
  Miệng có lúc lặng thinh 
  Nhưng tim hoài co bóp 
  
  Khi tứ đại tan ra 
  Tim vẫn còn thoi thóp 
  Gõ mấy nhịp sau cùng 
  Bồi hồi lúc chia xa ?!

  Con người sao bất công 
  Chỉ lo thân đẹp xinh 
  Phóng tâm và vọng tưởng 
  Hành hạ trái tim mình 

  Khóc cười nơi đầu miệng 
  Vui buồn từ con tim 
  Gõ nhịp không bình thường 
  Làm cho tim suy nhược 

  Hãy tưới tẩm cho tim 
  Chăm lo từng hơi thở 
  Bằng tình yêu vô cầu 
  Vô tâm và vô nhiễm !

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Chùa Một Cột - một hợp sáng văn hóa dân tộc

  Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thì chùa Một Cột  còn có tên là chùa Diên Hựu , Nhất Trụ Tự , Liên Hoa Đài  được xây dựng từ năm 1049Đại bảo nguyên niên do sáng kiến của vua Lý Thái Tông . Sáng kiến nầy nẩy sinh từ một giấc mơ : vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài . Đến khi tỉnh mộng vua nói lại với triều thần , có người cho là điềm gở, chết yểu . Nhà sư Thiền Tuệ thì khuyên vua cất chùa , dựng cột đá , xây đài sen có tượng Quan Âm ở trên đúng như hình ảnh thấy trong mộng .Các nhà sư chạy đàn chung quanh cầu nguyện sống lâu nên đặt tên là chùa Diên Hựu ( dài lâu dòng giống ). Chùa Một Cột được trùng tu sửa chữa nhiều lần qua các triều đại . Lần trùng tu nào cũng trung thành với lối kiến trúc cũ . Chùa Một Cột được xác lập là kỷ lục châu Á về lối kiến trúc độc đáo . Trước năm 1975 , chính phủ miền nam Việt Nam chọn chùa Một Cột làm biểu tượng văn hóa dân tộc ; còn chính phủ miền bắc thì chọn làm một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội . Nếu đặt chùa Một Cột trong bối cảnh lịch sử , bối cảnh thời đại , bối cảnh văn hóa thì chùa Một Cột là một hợp sáng văn hóa dân tộc - một  tổng hợp có sáng tạo của nhiều sắc thái văn hóa giao thoa trên đất Giao Châu ngày ấy và còn ảnh hưởng lâu dài đến nền văn hóa dân tộc trong các thời đại kế tiếp.

       I / Từ ý thức đến vô thức - Từ mơ đến thực
            Lý Công Uẩn là vị vua đầu tiên khai sáng nhà Lý tạo ra một thời đại hoàng kim trong lịch sử nước ta - một thời đại hoàn toàn độc lập tự chủ đối với phương Bắc ( dưới sự tư vấn của Quốc sư Vạn Hạnh ). Sau khi lên ngôi , Lý Thái Tổ dời đô về La Thành đổi tên là Thăng Long ( Hà Nội ngày nay ).Ngoài những công tích trong buổi đầu khởi nghiệp như thỉnh Đại Tạng Kinh  từ Trung Quốc , xác lập ngoại giao với Tống , xây chùa đúc chuông , tạc tượng , ...vỗ yên sự khuấy nhiễu của Chiêm Thành , còn có một việc vô cùng quan trọng là xây cung Long Đức ở ngoài thành cho Thái Tử ở . Nhà vua muốn cho lớp kế vị sau nầy sống chung cùng với dân thường để hiểu rõ nội tình của dân chúng .
  Thái Tổ mất , thái tử Phật Mã lên kế vị , hiệu là Thái Tông .Phật Mã là người có thiên tư đĩnh ngộ , thông lục nghệ , tinh thao lược ; thường thân chinh đi đánh nam dẹp bắc - nhờ vậy mà bờ cõi giới mốc ở phương Bắc được giữ yên , đất phương Nam được mở rộng . Ngoài việc sửa sang hình luật , bãi bỏ chế độ nô lệ , .. Thái Tông còn có một đóng góp rất lớn cho văn hóa dân tộc là xây chùa Một Cột . Thái Tông hiếm muộn con nên thường đi lễ chùa cầu tự . Giấc mơ thấy Phật Quan Âm dẫn vua lên đài là biểu hiện của vô thức tập thể (1). Nhân gian có câu " người làm sao chiêm bao làm vậy ". Người làm thì làm với ý thức danh lý ( noma-rupa), chỉ có chiêm bao mới thể hiện được cái toàn thể nhất quán . Ý thức hệ dân tộc thời Lý từ vua đến dân là ý thức vạn pháp quy nhất ( thiền tông ) - tri hành hợp nhất ( Tống Nho - Vương Dương Minh ) . Sư Vạn Hạnh chính là cái hồn của ý hệ nầy .Vạn Hạnh là một nhà sư nhập cuộc tích cực vừa lo đạo vừa lo đời , vừa nhập định theo lối thiền tông vừa tụng chân ngôn theo lối mật tông ; vừa hành động vừa thành lập cái toàn thể nhất quán để hướng dẫn hành động ; vừa xuất vừa xử , vừa đi ra thiên nhiên vừa đi vào sinh hoạt của quần chúng ; vừa dấn thân giúp đời vừa giữ được Không Lý ( Thánh hóa cuộc đời mà không để đời tục hóa ). Hành trạng cũng như tư tưởng của Vạn Hạnh là mạch nguồn di dưỡng ý thức lẫn tâm thức các nhà lãnh đạo quốc gia thời Lý .  Thái Tông vừa chăm lo cho xã tắc vừa mong muốn có hoàng tử để kế nghiệp truyền thừa vừa có đức tin tôn giáo ( Quan Âm Tống Tử - trong kinh Pháp Hoa ) . Tất cả lắng sâu vào vô thức rồi từ vô thức ảnh hiện thành giấc mơ . Chùa Một Cột có nguồn gốc từ một giấc mơ . Vô thức của nhà vua không hoàn toàn mang tính cá nhân mà còn là vô thức tập thể . Bởi vì cá nhân không sống riêng lẽ mà sống trong cộng đồng , hít thở chung một không khí của thời đại chịu ảnh hưởng của cả một môi trường văn hoá.
    II/ Môi trường văn hóa
   Nói đến văn hóa là nói đến sinh hoạt của con người trên mặt đất bao gồm một nội hàm rộng lớn : tư tưởng , tín ngưỡng ,phong tục , tập quán , chính trị giáo dục , tôn giáo triết học . Đất Giao Châu ngày ấy là ngã tư của các dân tộc và các nền văn minh  ( carefour de peuple et civilisation ) . Riêng về tôn giáo , tín ngưỡng có Phật Ấn và Phật Hoa du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường vào những thế kỷ đầu công nguyên :
  _ Đường biển từ Ấn Độ qua cửa ngõ Chiêm Thành lập ra phái Nam Tông - Tiểu Thừa  theo kinh điển hệ Pali- Sanskrit
 _Đường bộ từ Trung Hoa qua qua biên giới Việt Trung lập ra phái Bắc Tông - Đại Thừa hệ Hán tự .
  Luy Lâu ( Bắc Ninh ) là trung tâm Phật giáo thời bấy giờ .
  Vinitracuci ( Tì- ni- đa- lưu- chi) là tổ sư thiền Việt Nam . Ngài đắc thiền từ tổ Tăng Xán ( tam tổ ) và được thầy khuyên sang phương Nam hoằng hóa , không nên ở lại Trung Hoa làm gì . Vinitracuci là người Ấn , đắc thiền với người Hoa và có thể hoằng hoá ở  đất Giao Châu chứng tỏ rằng tinh thần thuần túy tâm linh của người Ấn khó lòng dung hợp được với tinh thần nhập thế tích cực của người Hoa , và chỉ có đất Giao Châu mới là nơi đắt địa để thiền ra hoa kết trái . Bởi vì tâm lý của người Việt không quá duy lý như người Ấn , cũng không quá thực tế như người Hoa . Không quá duy lý vì có sẵn tín ngưỡng đa thần , không quá thực tế vì cần có một nguyên lý nhất quán để hướng dẫn hành động . Hơn nữa , do hoàn cảnh địa lý người Việt cần phải hành động để chống giặc ngoại xâm phương Bắc và mỡ rộng bờ cõi về phương Nam . Tất nhiên các vua nhà Lý phải có nhu cầu  toàn diện để lãnh đạo quốc gia dân tộc . Thiền hành động do đó có lý do để bén rễ thành tựu ở đất Giao Châu . Pháp Thuận , Khuông Việt , Vạn Hạnh là những thiền sư được truyền thừa từ Vinitracicu. Các vị nầy đã khơi mỡ dòng văn học chữ Hán , vừa giáo hóa chúng sanh vừa giáo dục đào tạo những công dân ưu tú cho đất nước . Công dân ưu tú nhất là Lý Công Uẩn . Lý Công Uẩn được sư Khánh Vân và Sư Vạn Hạnh dạy . Theo hai tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng thì : " Lý Công Uẩn vốn thông minh bẩm sinh lại được nhập thân văn hóa ở một vùng đất văn minh văn hiến , lại được sự nuôi dạy của các vị cao tăng xuất chúng    . Lý Công Uẩn là người con ưu tú của dân tộc , ông đã cùng triều Lý làm rạng danh nước Đại Việt viết nên những trang sử oanh liệt về dựng nước và giữ nước " (2) .
   Vua Lý Thái Tông kế vị Lý Thái Tổ , tất nhiên đã từng hít thở không khí của thời đại đó , đã từng tắm gội trong môi trường văn hóa đó nên não trạng và tâm thức của nhà vua không thể không chịu ảnh hưởng của tiên triều . Giấc mơ Phật Bà Quan Âm dẫn vua lên đài sen khởi đi từ bình diện ý thức lắng sâu vào vô thức để rồi thị hiện bằng giấc mơ .

III/ Ý nghĩa biểu tượng của chùa Một Cột 
          Chùa Một Cột có ý nghĩa biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam về nhiều phương diện .Về tư tưởng Vạn pháp quy nhất , tri hành hợp nhất ( hình ảnh một cột) . Về tín ngưỡng sùng bái Phật bà Quan Âm ( ý nghĩa Quan Âm , hình ảnh hoa sen ). Về tinh thần tam giáo đồng nguyên ( khoa thi tam giáo ) . Và đặc biệt là về sự dung thông , dung hóa Thiền - Mật - Tịnh ( qua triết lý Thảo Đường ).
   1/ Hình ảnh Một Cột tượng trưng cho tinh thần Vạn Pháp Quy Nhất 
      Hình ảnh Một Cột trong kiến trúc chùa Một Cột nói lên sự hợp nhất quy nhất : một quy về tất cả , tất cả là một ( nhất tức nhất thiết , nhất thiết tức nhất ). Vạn pháp quy nhất là tư tưởng căn bản của các thiền sư thời Lý ( Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp ) là yếu chỉ của kinh Hoa Nghiêm ; là tinh thần của kinh Bát Nhã ( vạn pháp giai không ); là tinh mật của kinh Kim Cang ( bản vô nhị pháp , vạn pháp nhất như ). Nhu cầu về cái toàn diện đã thôi thúc các vua nhà Lý trung thành và thực thi tư tưởng vạn pháp quy nhất của Vạn Hạnh quốc sư . Từ đây không còn ngần ngại bởi những cực đoan như tri và hành , xuất và xử , cá nhân và xã hội , thiên nhiên và con người  . Vua Lý Nhân Tông đã xưng tán thiền sư Vạn Hạnh trong bài thơ sau :
                              Vạn Hạnh dung tam tế
                             Chân phù cổ sấm thi 
                             Hương quan danh Cổ Pháp
                             Trụ tích chấn vương kỳ
 Một cột trong kiến trúc chùa Một Cột nói lên sự hợp nhất quy nhất trong thiền tông . Thiền không phải là tư tưởng về thực tại mà chính là thực tại sinh động .Thực tại không xa rời các các hiện tượng của sự sống cũng như nước không rời sóng . Chính vì vậy các lãnh đạo nhà Lý đã phải vận dụng thực tại thiền , tâm thức thiền để kết nối những những hiện tượng trót đã phân ly thành cái thống nhất rồi lấy cái toàn diện thống nhất ấy quán sát ra bên ngoài để soi sáng thực tế , hướng dẫn hành động . Về điểm nầy thiền gần với Khổng Tử : "Ngô đạo nhất dĩ quán chi" , dùng cái hợp nội ngoại chi đạo , nội thánh ngoại vương để lãnh đạo xã hội , chăn dắt trăm dân .
2/ Ý nghĩa hoa sen và hình ảnh Quan Âm Bồ Tát
 Chùa Một Cột khởi thủy được xây dựng do sáng kiến của Lý Thái Tông ( 1049 ) . Đến năm 1058 vua Lý Thánh Tông cho trùng tu , giữ nguyên dấu cũ và có thêm ý mới . Ý mới ở đây là cho dựng lầu chuông một cột sáu cạnh hình hoa sen( Độc Trụ Lục Giác Liên Hoa Chung Lâu ) . Do vậy , từ một góc nhìn mới ta có thêm ý nghĩa biểu tượng của chùa Một Cột trong mối tổng hòa của văn hóa dân tộc . Nhưng trước hết cũng nên tìm hiểu về vua Lý Thánh Tông.
  Thái Tông mất , Thái tử Nhật Tôn vâng di chiếu lên ngôi trước linh cữu của cha , hiệu là Thánh Tông . Sử chép : Mai Thị hoàng hậu mộng thấy mặt trăng vào bụng , có mang sinh ra vua ở cung Long Đức , đặt tên là Nhật Tôn . Lớn lên , vua thông kinh truyện , sành âm luật , nhất là sở trường về võ lược " . Nhờ sống ở cung Long Đức 27 năm trước khi lên ngôi nên Thánh Tông thấu hiểu dân tình , cảm thông nỗi thống khổ trong dân gian . Trong cuốn " Lý Thường Kiệt " nhà bác  học Hoàng Xuân Hãn đã có nhận định : " Thánh Tông là vua ta đầu tiên có óc lập một đế quốc , có danh ngang với một nước thiên tử , vua đặt quốc hiệu là Đại Việt , tôn các vua trước là Thái Tổ , Thái Tông,coi các nước nhỏ là chư hầu và muốn ngăn cấm Chiêm Thành thần phục Tống  " . Thánh Tông có đủ ba đức tính bi- trí- dũng của một tín đồ Phật giáo :  Về bi , nhà vua có lòng bi mẫn đối với các tù phạm bị giam trong ngục lạnh nên sai ban cho tù nhân chăn chiếu ; xuống lệnh đốt bỏ hình cụ .. Vua cũng rất thương xót người dân vì vô minh lầm lỡ , thiếu hiểu biết mới phạm luật nên cũng ban lệnh khoan giảm cho tù phạm . Về mặt trí năng , vua thông kinh truyện , sành âm luật , sở trường võ lược . Mặc dù là tín đồ nhà Phật song vua rất chuộng Nho , thờ Thánh ; mở khoa thi tam giáo để chọn người tài . Thánh Tông còn là một kiến trúc sư lỗi lạc : tất cả các kiến trúc thời Lý đều được xây dựng theo đồ họa của nhà vua . Về dũng, năm 1069, vua cùng với Lý Đạo Thành thân chinh đi đánh Chiêm Thành . Thánh Tông là một vị vua có sự khôn ngoan của nhà hiền triết , có lòng can trường của một chiến sĩ , có sự hòa hợp tiết độ của một đạo gia và có lòng nhân đức công chính của một nhà chính trị .
   Về một cột trụ sáu cạnh hình hoa sen, trên cột trụ nở ra tòa sen , trên tòa sen có tượng Phật Quan Âm , có nhiều ý nghĩa biểu tượng sau đây :
  Trước hết là việc vua bốn  mươi tuổi chưa có con nên đi khắp các chùa để cầu tự . Đến chùa Dâu thuộc làng Siêu Loại  ( Bắc Ninh ) gặp một cô gái quê tên là Ỷ Lan vừa cắt cỏ vừa hát , bèn tuyển làm cung phi . Ỷ Lan sau khi sinh ra Càn Đức ( Nhân Tông ) thì được tôn làm nguyên phi .
 Còn Hoa Sen thì tiếng Phạn là Padma , biểu tượng của sự thuần khiết vô nhiểm và sinh hóa hồn nhiên . Cũng như hoa sen , bản chất tâm linh của con người là vô nhiểm .Mật Tông Tây Tạng xem trái tim con người như một đóa sen hàm tiếu - khi giác ngộ thì hoa nở thấy Phật .Hình ảnh hoa sen trong tư tưởng đại thừa được Phật thuyết qua kinh Diệu Pháp Liên Hoa . Trong kinh nầy Phật nói về phương tiện quyền xảo ; Bồ Tát Quan Âm có lòng bi mẫn rộng thương chúng sanh trong vòng tục lụy bùn nhơ mà vẫn giữ được đức hạnh thanh cao ( gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ) .
   Sự kiện Ỷ Lan xuất thân từ tầng lớp bình dân chân bùn tay lấm lại được tôn lên địa vị nguyên phi cũng cùng một ý nghĩa với hoa sen trong bùn . Ỷ Lan lại có khả năng thay vua trị nước , vỗ yên bá tánh , cảm hóa lòng dân , thương dân như mẹ thương con . Ỷ Lan lại sùng kính đạo Phật ; bà cho đúc chuông Quy Điền nặng một vạn hai nghìn cân đặt tên là Giác thế Chung ( chuông cảnh tỉnh người đời )( 3)
   Ỷ Lan được dân chúng yêu thương kính ngưỡng và suy tôn là Quan Âm Nữ . Từ giấc mơ Thái Tông mộng thấy Bồ Tát Quan Âm dẫn vua lên đài đến Thánh Tông đi lên chùa cầu tự gặp được Ỷ Lan sinh ra Càn Đức ( Nhân Tông ) khiến ta liên tưởng đến đoạn kinh Pháp Hoa ( Phẩm Phổ Môn ) : " Nếu có người phụ nữ muốn cầu con trai hãy lễ lạy cúng dường Quan Âm Bồ Tát thì liền sinh con trai phước đức trí huệ ". Xem vậy , ý nghĩa hoa sen , hình ảnh Phật Bà Quan Âm là cụ thể hóa tín ngưỡng , sùng bái không riêng gì của các vua chúa mà còn len lõi khắp chốn dân gian . Sùng bái Bồ Tát Quan Âm là tín ngưỡng quốc gia cũng có nghĩa là tôn thờ nguyên lý mẫu sinh thành dưỡng dục sinh sôi nẩy nở . Chính vì lẽ đó mà quần chúng dân gian tôn Ỷ Lan là Quan Âm Nữ và còn đồng hóa Ỷ Lan với cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám có nguồn gốc từ Ấn Độ . Trên núi Giạm ở Bắc Ninh , cạnh ngôi chùa Hàm Long thờ thần phi Ỷ Lan có một ngôi mộ đôi : một bên thờ cô Tấm , một bên thờ cô Cám .
    IV/ Từ chùa Một Cột đến triết lý Thảo Đường 
     Trong khi thiền hành động chưa làm hết sứ mạng lịch sử của mình thì thiền sư Vô Ngôn Thông đem dòng thiền Tào Khê ( Huệ Năng )vào Việt Nam , mở màn cho một cuộc xâm nhập ngoại lai vào đất Giao Châu khiến cho thiền Việt Nam dần dần thành độc tôn sở hữu của một số trí thức lấn át con đường tình cảm , con đường hành động . Cho nên  , giữa tầng lớp trí thức bác học và tầng lớp nông dân  có một hố ngăn cách . Đứng trước tình cảnh nầy , Thánh Tông với tư cách lãnh đạo quốc gia phải hành xử ra sao để đáp ứng nhu cầu toàn diện vốn có , đồng thời thống nhất ý chí trong mọi tầng lớp nhân dân ?
  Cho nên, sau khi trùng tu chùa Một Cột , nhà vua thành lập một tông phái mới lấy tên là Thảo Đường . Bởi một nền chính trị dù có định chế pháp quyền hẳn hoi , có cơ cấu tổ chức chặt chẽ cũng khó tránh khỏi một chế độ pháp trị thuần lý cứng nhắc . Trong khi đó đại chúng bình dân lại tha thiết với con đường tình yêu mà sự thể hiện là tín ngưỡng sùng bái , cầu vào tha lực để được thăng hoa , chuyển hóa .Nhân một cuộc chinh phạt Chiêm Thành , Thánh Tông bắt được một nhà sư trên đất Chiêm tên là Thảo Đường đem về làm tù binh và giao cho quan Tăng Lục quản lý  ( Tăng Lục là vị quan cao nhất trong hàng ngũ tăng thống ) . Một hôm quan Tăng Lục đi vắng , để quyển Ngữ Lục đang viết dở trên bàn ; tình cờ Thảo Đường đọc được và sửa sai mấy chỗ  . Quan Tăng Lục biết được hết sức  sững sốt . Thánh Tông hay tin vô cùng nể phục và tôn Thảo Đường lên làm quốc sư . Qua nhiều cuộc trò chuyện vua nhận thấy ở nhà sư nầy về mặt tư tưởng có thể đáp ứng được nhu cầu toàn diện của dân tộc . Thế là tôn phái Thảo Đường ra đời . Đại để tôn chỉ của tôn phái nầy là chủ trương hóa giải mọi dị biệt gây ra bởi vô minh và kiến chấp . Nguyên tố điều động cho cuộc hóa giải nầy là tình yêu . Lòng bi mẫn của chư Phật và chư Bồ Tát là niềm tin xác tín trong mọi chúng sanh dù ở bất cứ trình độ nào . Ta hãy nghe lời cảnh sách của hòa thượng Thảo Đường : " Con đường tu hành không phải chỉ một mà có ba đường chính : Tham thiền , niệm Phật , tu quán . Thiền vốn không có cửa vào nhất định , nếu không đủ căn bản tâm linh thì phần nhiều rơi vào lầm lạc , trọn đời trôi nổi khó mà giác ngộ . Còn pháp Quán Tâm thì tế vi nếu không có trí huệ bát nhã thì khó tiến bộ được . Chỉ có lối Niệm Phật thì rất mau lẹ tiện lợi từ xưa đến nay , người thông minh hay ngu độn cùng tu , đàn ông hay đàn bà đều chuộng . " Thánh Tông vừa là người khai sáng cũng là người đứng đầu tông phái nầy . Việc lập ra phái Thảo Đường xuất phát từ nhu cầu thống nhất ý chí quần chúng , đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân  không phân biệt kẻ trí người ngu . Sáng lập ra phái Thảo Đường cũng nằm trong ý hệ vạn pháp quy nhất ; lại rộng mở và dung hóa được sự dị biệt giữa thiền -mật - tịnh. Sau nầy Lý Nhân Tông thừa hưởng được sự nghiệp của vua cha , thụ hưởng được âm đức của thái hậu Ỷ Lan cọng với lòng trung tín của thái sư Lý Đạo Thành , lòng dũng lược của Lý Thường Kiệt đã viết nên một trang sử oai hùng nhất trong lịch sử nước nhà  ( Bắc đánh Tống , Nam bình Chiêm ).

                                                                          *    *
                                                                             *

      Chùa Một Cột được xây dựng do sáng kiến của Lý Thái Tông , đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa và lần trùng tu nào cũng giữ nguyên trạng . Điều đó chứng tỏ rằng tinh hoa văn hóa cổ truyền không bị xóa nhòa qua các cuộc bể dâu của thời thế . Qua đến đời nhà Trần chùa Một Cột lại được trùng tu ( 1249 ). Dưới thời nhà Lê , Trần Bá Lãm có bài thơ vịnh " Nhất Trụ Tự " :
                                 Xóm hoa trong thành , chùa trong xóm
                                Danh là Diên Hựu , Lý triều xây
                               Trong cung hòa hợp mộng hoàng tử 
                               Bồ Tát Quan Âm mới linh thay 
       Năm 1954 , trước khi rút quân tháo chạy ,Giặc Pháp đã  giật mìn cho nổ tung chùa Một Cột . Sau đó , khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội , bộ văn hóa của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa  liền cho trùng tu chùa Một Cột và vẫn theo kiến trúc cũ . Chùa Một Cột là một tổng hòa có sáng tạo vừa phong phú vừa toàn diện giữa nhiều sắc thái văn hóa giao thoa : Nho , Phật , Lão , Chiêm Thành , Trung Hoa , Ấn Độ . Sở dĩ có sự  thành tựu thập thành kỳ vĩ như vậy là nhờ tinh thần vạn pháp quy nhất mà hình ảnh biểu trưng là một cột . Xét về phương diện nghệ thuật , chùa Một Cột được đứng đầu trong mười kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam ; hơn thế nó còn  được  xác nhận kỷ lục độc đáo nhất châu Á  . Theo ý kiến của kiến trúc sư Nguyễn Bá Chi thì : " Về mặt ý nghĩa cổ tích và kiến trúc ngôi chùa Một Cột nầy được coi như là viên ngọc nghệ thuật Việt Nam . Tuy diện tích nhỏ nhắn nhưng nó được xứng đáng với danh tiếng của nó"  .Tóm lại , cả về ý nghĩa biểu tượng lẫn giá trị nghệ thuật thì chùa Một Cột xứng danh là biểu tượng văn hóa của dân tộc . Phải chăng đó cũng là quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam !!  . Điều đáng tiếc là ngày nay chùa bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ ( xem tại đây )
   Hy vọng rằng dự án trùng tu chùa Một Cột được hoàn thành theo nguyên trạng để một biểu tượng văn hóa của nước Việt mãi mãi được trường tồn .


Chú thích :

(1) l'inconscience collective , chữ dùng của nhà phân tâm học Joung
(2) trích trong cuốn " các triều đại Việt Nam " của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng
(3) Gọi tên là chuông Quy Điền là vì chuông nặng quá không đưa lên được lầu chuông nênđặt trên một đám ruộng , đám ruộng nầy có nhiều rùa . Chuông quy điền là một trong tứ đại pháp khí của Phật giáo ( Tháp Bảo Thiên , Chuông Quy Điền , Vạc Phổ Minh , Tượng Quỳnh Lâm )



Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Lạm bàn về đạo đức cũ và đạo đức mới

Hiện nay người ta hay nghe cụm từ " suy thoái đạo đức ". Nhiều người không hiểu loại đạo đức suy thoái là loại đạo đức gì ?Đạo đức cũ hay đạo đức mới . Đạo đức cũ hay còn gọi là đạo đức cổ truyền đã bị suy đồi mai một từ thời Pháp thuộc khi :
                                                 "Cái học nhà nho đã hỏng rồi 
                                                  Mười người đi học chín người thôi " ( Trần Tế Xương )
  
    Như vậy cái đạo đức được đề cập đến ắt hẳn là đạo đức mới - đạo đức XHCN.Vào những năm sau 1975, có một mệnh đề rất phổ biến : Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới XHCN.  Loại đạo đức nầy được đưa vào chương trình giáo dục mỗi tuần từ 1 đến 2 tiết ở bậc tiểu học và trung học . Đó là môn Đạo đức , môn Giáo dục công dân . Còn ở bậc đại học bất cứ phân khoa chuyên ngành nào cũng có giáo trình tư tưởng Hồ chí Minh .
  Có hai cực đoan trong mục tiêu giáo dục đào tạo : Một là đào tạo một con người nhân loại phi thời gian phi không gian , có đủ mọi yếu tố tốt đẹp cho một con người nói chung . Đó là điều không tưởng. Hai là đào tạo một con người đáp ứng nhu cầu xã hội theo một định chế nhất định , một giai đoạn lịch sử nhất định . Đó là điều bi hài .
  Chính vì hai cực đoan trên mà nảy sinh ra đạo đức cũ và đạo đức mới .
  Đạo đức cũ là đạo đức cổ truyền đã có từ bốn ngàn năm văn hiến . Nó đã được ăn sâu trong huyết quản và mạch sống của dân  tộc . Ngày xưa việc giáo dục đạo đức là nhiệm vụ của các tôn giáo ( Nho , Phật , Lão ). Nhà Lý , nhà Trần mở khoa thi tam giáo để cử hiền tài . Việc dạy dỗ giáo huấn các sĩ tử cậy vào các nho sĩ , các nhà sư . Đến thời Lê thì Nho giáo độc tôn  . Cái học của Nho gia , Phật gia là cái học cốt để làm người . Lý Công Uẩn - vị vua đầu tiên của nhà Lý - học làm người trước khi làm vua . Ông xuất thân từ một sa di vừa học ở cửa Khổng vừa học ở cửa Không . Điểm khác nhau giữa đạo đức cũ và đạo đức mới ở chỗ tương quan giữa chính trị và đạo đức . Với đạo đức cũ thì chính trị diễn dịch từ đạo đức ; với đạo đức mới thì đạo đức diễn dịch từ chính trị .
  Chữ chính trị theo nghĩa từ nguyên có nghĩa là làm cho mọi việc được ngay ngắn . Trong học thuyết chính danh Khổng Tử nói : " Chính giã chính dã , tử xuất dĩ chính , thục cảm bất chính " ( Chính trị ấy là chính vậy , nay ngài ra chấp chính mà tự mình chính đính thì còn ai dám bất chính ).
   Chữ chính trong chính trị có nghĩa là chính ( ) thế mà bọn hôn quân, tham quan cầm đầu chính phủ cũng xưng là chính . Đó là danh không chính, ngôn không thụân .
   Như vậy , cổ thời , chính trị diễn dịch từ đạo đức và đạo đức đặt trên căn bản chính danh , chính tâm và thành ý .
  Một người bình thường biết tu thân , biết tề gia thì có thể ra đảm đương việc nước . Cái gốc của đạo đức là tu thân . Tu thân là trách nhiệm bản thân của mỗi con người bất luận lớn hay nhỏ , dân thường hay vua chúa .Đạo đức là một quá trình tự tu , tự chuyển hóa chứ không phải nghe rao giãng , học thuộc lòng , viết thu hoạch . Khổng Tử nói : " Tự thiên tử dĩ ư thứ dân , nhất thị dĩ tu thân vi bản" (Từ vua chúa cho đến thứ dân , ai cũng phải lấy việc tu thân làm gốc ). Không tu thân , thiếu đạo đức mà ra nắm quyền chấp chính đó là kẻ tiểu nhân ngạo mạn  làm liều .
  Muốn tu thân phải chính tâm , muốn chính tâm phải thành ý . Thành ý tột đỉnh gọi là chí thành . Cụ Phan Bội Châu đã nói : " Muốn làm thánh triết phải ở chính tâm , thắng được giặc tâm mới là danh tướng " .
   Đạo đức cổ truyền không đơn thuần là một môn học mà còn là một khoa học ; hơn thế nữa , là minh triết . Nhiều người bài xích đạo Nho cho đạo Nho là hủ lậu , phản khoa học . Đó là vì họ đánh đồng giữa chân Nho với ngụy Nho ( hủ Nho , hương Nho ).Thiết nghĩ cần định nghĩa lại khoa học : Khoa học là quan sát , phân tích , suy luận tường tận và trình bày minh bạch những sự kiện đã quan sát được , vạch rõ đâu là nguên do đâu là hậu quả , đặt sự kiện nào trước sự kiện nào sau theo hệ thống nhân quả .
 Theo định nghĩa đó thì hệ thống đức lý của Nho giáo là một khoa học , một minh triết . Những vấn đề đức lý được trình bày trong hai cuốn Đại học và Trung dung . Đại học dạy về tu thân , Trung dung dạy về chí thành.Mục tiêu đào tạo theo đường hướng giáo dục trong hai cuốn sách trên nhắm đến những ai có hoài bão , có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia dân tộc . Tinh thần khoa học của Đại học và Trung dung nằm ở chỗ vấn đề tri bản được đặt ra bằng phương pháp rõ ràng : Mọi vật đều có gốc có ngọn , có trước có sau , ta phải biết đâu là gốc đâu là ngọn , đâu là trước đâu là sau . Cái học nhà Nho là cái học đào tạo con người và chuyên môn một cách song hành : học cho biết cương thường đạo lý để làm người ; học cho biết cách vật chí tri . Cương tức là tam cương . Thường tức là ngũ thường . Tam cương : Quân thần cương  , phu thê cương , phụ tử cương . Ngũ thường : Nhân , nghĩa , lễ , trí , tín . Nói đến luân lý đạo đức mà không nhắc đến tam cương ngũ thường là phi đạo đức ( dù là đạo đức cũ hay đạo đức mới ). Việc tu thân làm gốc , việc giữ gìn giềng mối tam cương ngũ thường không bao giờ là lạc hậu dù nhân danh bất kỳ ý hệ nào .Đạo đức diễn dịch từ chính trị xuất phát từ việc mất đạo nên còn lại đức ,  mất đức nên còn lại nhân ,  mất nhân nên còn lại nghĩa , mất nghĩa, trí , tín nên còn lại lễ .Bấy giờ lễ chỉ là hình thức lễ nghi ( theo kiểu Tàu - Chinoisie). Đặt đạo đức trên căn bản chính trị chẳng khác nào dộng ngược đầu - gốc trên ngọn , mạc trên bản. Bản mà loạn thì mạc không thể có được .
  Ngoài đạo Nho , đạo Phật cũng góp phần giáo hóa con  người trở thành con người đích thực , xa hơn nữa là Phật giáo đưa con người đến chỗ siêu hóa vượt lên chính mình để thể nhập cuộc sống toàn diện . Đường hướng giáo dục Phật giáo không tách rời giáo dục và đức dục , trí tuệ và từ bi . Phương châm giáo dục gồm có ba chữ : Bi- Trí - Dũng .Bi , trí , dũng không tách rời ba thành phần khác nhau và không đối nghịch nhau .Cả ba dĩễn tả một thực tại sống động : Trí đích thực là trí khi có bi và dũng kèm theo . Bi đích thực là bi khi có trí soi sáng và có dũng ủng hộ . Một người được mệnh danh là trí thức là người có lòng trắc ẩn và can đảm đấu tranh cho sự thật không sợ hãi trước nguy khốn . Nhờ có tinh thần đại hùng , đại lực , đại từ bi mà quân dân nhà Lý đã làm cho quân Tống khiếp sợ ; nhà Trần đã làm cho quân Nguyên Mông ba lần thất bại thảm hại . Cũng trong tinh thần đó mà vua dám bỏ ngôi , quan biết từ chức , dân không thiết chức khi thấy mình không đủ tài năng .
  Trong thời Pháp thuộc , phong trào Tây học lấn áp Nho học . Đạo Nho bị suy tàn . Không ai mặn mà với cái học Nho ; và đạo đức cổ truyền cũng dần dần mai một . Cách đây tám mươi bảy năm , vào ngày 17 tháng  3 năm 1926 cụ Phan Bội Châu đọc diễn văn tại trường Khải Định trong đó có đoạn viết : " Tới lúc bây giờ , hình thức học đường tuy là khác học đường khoa cử ngày xưa rất nhiều , da vỏ bề ngoài hình như vừa mắt , nhưng xét đến tinh thần cốt tủy có khác gì vượn học tiếng người , đạo đức cũ đã sạch sành sanh , và văn hóa mới chẳng có chút gì dây vướng ở học đường , ra rồi chưa có thành tựu gì mà chỉ thấy cái bình rượu Tây , túi cơm Tây , ngồi xe Tây ngày ngày rộn rịp trước mắt người ta , tuy có một vài người phảng phất chỉ giống như muôn người không được một . Vậy cho nên những người thương tâm thế đạo ai cũng bảo rằng : Cái mục đích người ta ngày nay vào học chẳng qua vì cầu quan to , hốt đồng bạc , để làm môi giới cho rượu Tây , đồ mặc Tây , xe Tây , lầu Tây mà thôi " .  Lời của cụ Phan vừa mô tả thực trạng suy đồi của đạo đức cũ vừa tiên tri cảnh báo cho thế hệ mai sau . Ngày nay nếu đem lời cụ Phan nghiệm lại thì quả thật chẳng khác gì ngày ấy . Những người có bằng cấp có học vị lẽ ra phải tự hỏi rằng với từng ấy năm ăn học họ phải có trách nhiệm gì với đất nước , với xã hội . Nhưng trái lại họ chỉ  cố tìm mọi cách để thu hồi vốn hầu được vinh thân phì da . Tệ hại hơn nữa là một số trong họ môi giới kết cấu với bọn gian thương , tham quan để hiếp đáp dân lành . Ngày xưa , do thấm nhuần đạo đức cũ nên đã từng có một Chu văn An , một Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ can gián vua , khi vua không nghe bèn cáo quan về quê ẩn dật . Đạo đức cũ là những giá trị cổ truyền , những tinh hoa cố hữu của dân tộc đã sản sinh ra những con người liêm sĩ khí tiết , có tinh thần dân tộc . Vì mất căn bản đạo lý Khổng Mạnh , nên nền giáo dục sai đường chệch hướng đã sản xuất ra những người con bất hiếu , những công dân bất trung , những con người bất nghĩa .
   Đạo đức cổ truyền -cũng như văn hóa truyền thống -là cái gốc ; còn văn minh văn hóa mới được thâu hóa giống như những nhánh cây cấy ghép . Cái gốc mà bị chết khô thì việc cấy ghép trở nên vô ích .

  Ngày nay , chúng ta chú trọng  nhiều đến việc đào tạo chuyên môn hơn là việc giáo hóa con người . Đức dục không được coi là một khoa học mà chỉ được coi như là một môn học và chỉ chiếm một thời lượng ít ỏi trong chương trình .Nhà trường nào cũng đua nhau treo câu biểu ngữ " tiên học lễ , hậu học văn " nhưng đó chỉ là khẩu hiệu suông . Trí dục không song hành cùng với đức dục thì đó là mối hiểm họa cho xã hội . Nói như sử gia Guizot : " Trí dục nếu không đi đôi với đức dục sẽ là gốc của sự kiêu ngạo , bất phục tùng , ích kỷ và như thế thì rất nguy hiểm cho xã hội "




                                                                                       

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Sự TIẾN HÓA của LỊCH SỬ dưới CÁI NHÌN BIỆN CHỨNG của HEGEL

Hegel cho rằng sự tiến hóa của lịch sử luôn luôn trải qua ba giai đoạn :
1/ Chính đề (these ,thesis )
2/ Phản đề (antithese)
3/ Hợp đề ( synthese)
Lịch sử nhân loại tiến hóa theo con đường biện chứng  nói trên . Mọi sự thay ngôi đổi chủ đều được vận hành một cách biện chứng . Biện chứng pháp của Hegel lý giải vì sao có sự thay ngôi đổi chủ trong xã hội loài người .

    Đầu tiên là biện chứng pháp chủ-nô . Hegel cho rằng thoạt kỳ thủy , xã hội loài người được phôi dựng bằng một cuộc đánh nhau chí tử giữa hai con người.Động cơ và mục đích của cuộc ấu đả là tranh giành ngôi chủ . Tâm lý con người ai cũng muốn làm chủ , chẳng ai chịu làm nô .Vì không ai chịu nhường cho ai nên phải thách đấu bằng một cuộc đọ sức để phân thắng bại . Ai thắng sẽ làm chủ , ai thua phải chịu làm nô .
   Có hai điều đáng lưu ý trong sự vụ nầy :một là đánh nhau chí tử mà không để cho đối phương chết ; hai là bên thắng là kẻ không sợ chết .Đánh nhau chí tử mà không để cho chết vì nếu đối phương chết thì lấy ai để công nhận mình là người , thì lấy ai tôn mình làm chủ ?
  Bên thắng trận là người không sợ chết. Vì sao không sợ chết đang khi ham sống sợ chết là bản năng mà ai cũng có ?Phải chăng trong cuộc đánh nhau chí tử nầy kẻ không sợ chết có bản năng quyền lực mạnh hơn là bản năng sợ chết . Thêm vào đó y không có gì để mất - không tài sản không địa vị ...Thông thường trong cuộc ẩu đả kẻ nào tuyên bố ' liều một phen ' , ' thí mạng cùi ' đều làm cho đối phương khiếp sợ và phải đầu hàng .  Bên thua trận vì muốn giữ lại mạng sống , tài sản ,...nên đành chịu thua và đành chấp nhận làm nô , buộc phải công nhận quyển làm người của chủ .  Ông chủ mới truất bỏ quyền làm người của nô .Truất bỏ quyền làm người của nô nhưng vẫn thừa nhận nô là người ; vì chẳng lẽ ông chủ được công nhận quyền làm người bởi một con không phải là con người !
  Sẽ xảy ra sự thể gì đây sau khi đã phân ngôi chủ tớ ?
  Nô với thân phận nô lệ hoàn toàn lệ thuộc vào chủ , sinh mệnh của nô nằm trong tay chủ . Nô trở thành công cụ lao động của chủ - một thứ công cụ sống - Nô bị mất chỗ đứng trong thế giới con người (le monde  humain ). Nô chỉ còn biết chinh phục thiên nhiên , khai thác thiên nhiên để làm chủ trong nhiên giới (le monde  naturel ).Nô phải nai lưng ra làm việc để phục vụ ông chủ . Đất đai là mẹ của tài sản , lao động là cha của tài sản . Nô tác động sức lực và cơ bắp của mình vào đất đai để làm ra tài sản cung phụng cho chủ .Khi cơ bắp được vận dụng thì trí não nô cũng được triển nở phát tiết . Nô làm chủ thiên nhiên và từ đó  bắt đầu phục hồi ý thức làm chủ . Qua lao động con người nẩy sinh ra nhiều sáng kiến ,phát minh để cải tiến lao động . Do nhu cầu nâng cao năng suất , nô buộc phải nghĩ ra những dụng cụ lao động đạt nhiều hiệu quả hơn. Thế là mọi tài sản trong xã hội đều do một tay nô làm ra . Còn chủ thì chỉ ngồi mát ăn bát vàng . Vì chỉ biết hưởng thụ , lười nhác lao động nên càng ngày càng trở nên ù lì trì trệ . Cái mầm của giai đoạn phản đề đã bắt đầu phôi thai .
   Khi xã hội phát triển , biện chứng chủ nô biến dạng thành biện chưng giai cấp thống trị và giai cấp bị trị . Giai cấp thống trị đóng vai trò trung gian nghiểm nhiên hưởng thụ mọi thứ và tài sản càng ngày càng trở nên kếch sù .Giai cấp thống trị giàu có sung mãn ham mê hưởng thụ sinh ra sợ chết . Giai cấp thống trị càng ngày càng củng cố quyền lực để có thể thống trị lâu dài.Giai cấp bị trị dần dần bị tước đoạt hết quyền tự do . Mâu thuẫn giữa hai giai cấp càng ngày càng trở nên sâu sắc và một phản động lực bắt đầu hoạt hiện triển nở . Thế là giai đoạn chính đề đã qua giai đoạn phản đề .Giai cấp bị trị cần thiết phải quật khởi để giành lấy quyền con người , quyền tự do . Tự do hay là chết . Sống cho ra sống hay chấp nhận cái chết .Đó  là một sự lựa chọn mang tính mặc định .Danton , nhà cách mạng Pháp 1789 đã từng than lên rằng :"Ôi!Mỗi bước tiến của thần Tự Do là một viên đá để xây mồ" .Trong cuộc đấu tranh sống mái giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị , thế tất thắng nghiêng về giai cấp bị trị do các yếu tố sau đây
   - Giai cấp thống trị có nhiều cái để mất :QUYỀN LỰC , TÀI SẢN , DANH VỌNG ,ĐỊA VỊ ...
  - Vì quen lối sống hưởng thụ , lười nhác lao động , ngại khó ngại khổ
  -Sự sợ hải làm cho con người thiếu sáng suốt , mất bình tĩnh và suy yếu ý chí chiến đấu.
  Nhưng , yếu tố quan trọng nhất là sợ chết .
 Trong khi đó giai cấp bị trị không có gì để mất , đã từng kinh qua khó khăn gian khổ , từng làm chủ thiên nhiên , làm chủ khoa học kỹ thuật , lại có lợi thế là chiếm đa số . Thế là kẻ chiến thắng trước đây nay thành kẻ chiến bại . Một tổng hợp đề mới khác ra đời .
  Biện chứng pháp của Hégel có ảnh hưởng không ít về cách tư duy , lập luận của các triết gia sau nầy . Về bản thể luận , Hegel cuối cùng đi đến kết luận yếu tính điều động và chi phối tất cả mọi hiện hữu là ý tưởng tuyệt đối( l'idée absolue).Có lẽ vì vậy mà sau nầy người ta gọi triết học Hegel là triết học duy tâm . Karl Max , học trò của Hegel đã vận dụng biện chứng pháp của thầy mình để luận về chủ nghĩa tư bản  (capitalisme) hình thành một phương pháp biện chứng mới : biện chứng pháp duy vật sử quan . Điều trái ngược giữa  Hegel và Karl Max là một bên cho rằng ý tưởng tuyệt đối , một bên cho rằng vật chất tuyệt đối. Truyền thống triết học tây phương nặng về duy lý :có hoặc không có vấn đề là ở đó ( to be or not to be that question ). Truyền thống triết học đông phương tiêu biểu như Nho , Phật , Lão vượt lên trên hai đầu cực đoan : có hay không có vấn đề không phải ở đó (to be or not to be that not question ). Thuyết trung dung của Khổng Mạnh , thuyết trung đạo của Phật gia và thuyết vô tránh của Lão Trang đều có cái nhìn tổng hòa nhất quán về hiện hữu , tạo ra sự hòa điệu trong mọi sinh thành của vũ trụ và nhân sinh . Từ đó tạo ra sự cân bằng và hòa hợp trong mối quan hệ tứ trụ :THẦN - NHÂN - THIÊN- ĐỊA

   Làm thế nào để hóa giải những mâu thuẫn trầm kha trong lịch sử cũng như trong xã hội để cho lịch sử được tiến hóa trong chiều hướng tích cực . Đây là vấn đề luôn luôn được bỏ ngỏ .














Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Bất bình tắc minh

       Hàn Dũ - nhà văn , nhà thơ, nhà triết học đời Đường đã đưa ra một luận điểm mà hầu như ai cũng đồng tình : " bất đắc kỳ bình tắc minh " . Luận điểm nầy có thể hiểu là  :
 - Vật không được bình yên thì kêu lên
 - Vật không được thế quân bình thì phát ra tiếng kêu
   Luận điểm nầy có thể được chứng minh bằng nhiều phương diện : chính trị xã hội , sáng tác văn chương , triết học tôn giáo .

  Trước hết về phương diện chính trị xã hội :  Một chế độ chính trị không đem lại an bình thịnh trị cho dân chúng sẽ nẩy sinh ra những phản động lực . Một xã hội bất công sẽ âm ỉ những tiếng kêu than của những con người thấp cổ bé miệng . Hàng triệu triệu những tiếng kêu đó hợp lực lại thành một tiếng nổ lớn có thể lật đổ cả một chế độ . Bằng chứng là chế độ quân chủ chuyên chế của Pháp bị lật đổ bởi cuộc cách mạng 1789 . Cuộc cách mạng 1789 nổ ra do sự bất công giữa giai cấp quý tộc , tu sĩ với giới bình dân . Mức sống giũa giai cấp quý tộc , tu sĩ so với giới bình dân có một sự chênh lệch quá lớn . Giai cấp quý tộc thì xa hoa phung phí , giai cấp tu sĩ thì hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi ; trong khi đó thì giới bình dân thì nai lưng ra làm việc mà chẳng hưởng được gì . Sự mất cân bằng nầy làm nẩy sinh ra những tiếng kêu không những của người dân mà còn  cả đến các nhà triết học , các bậc thức giả như Voltaire , Montesquieu , J.J. Rousseau, ...Tư tưởng của các vị nầy về sau có ảnh hưởng rất lớn đến nền dân chủ của nhiều nước trên thế giới .
 Cuộc cách mạng Nga 1917 nổ ra do mâu thuẫn giữa các chủ nhân ông và giai cấp thợ thuyền , giữa địa chủ và nông dân . Các chủ nhà máy  xí nghiệp bóc lột công nhân , các chủ đất áp bức tá điền và " ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh " 
Tiếng kêu lớn của Lenin : " Giai cấp vô sản trên toàn thế giới hãy đoàn kết lại "  cũng đã dấy lên phong trào cách mạng vô sản ở một số nước ...
Trên đây là tiếng kêu phát ra do sự  bất bình trong đời sống chính trị xã hội . Dưới đây là những tiếng kêu phát ra trong lãnh vực sáng tác văn chương . Hàn Dũ cho rằng con người ta vì bất đắc dĩ mới viết văn , làm thơ . Lịch sử văn học đã chứng minh rằng  trong những thời kỳ đen tối nhất , những giai đoạn lịch sử rối ren nhất  đã xuất hiện những tác phẩm có giá trị nhất . Trong thời kỳ vua Lê , Chúa Trịnh , Đàng Trong , Đàng Ngoài , chiến tranh xảy ra liên miên  đã tạo ra một xã hội mục ruỗng , thối nát ; người dân đã phải gánh chịu những nỗi khổ đau cùng cực . Nói như nhà thơ Pháp Alfred de  Musset : " Không có gì làm cho ta trở nên cao đại  bằng một sự đau đớn lớn nhất " ( Nul ne nous rend si grand qu'une grande douleur ) .
Nỗi đau đớn  cùng cực đã phát ra những tiếng kêu . Tiếng kêu đó phải chăng là những  tiếng thơ của Nguyễn Du , của Nguyễn Gia Thiều , của Đoàn thị Điểm , ...Truyện Kiều của Nguyễn Du là tiếng kêu than của một người con gái tài sắc hiếu hạnh bị vùi dập xuống tận bùn đen . Đã bao lần Kiều muốn thoát ra vươn lên nhưng rồi bị thế lực của các nhà quan nhà chứa ấn dúi xuống sâu hơn ...Những ông quan , kể cả những bà quan hùa nhau  xô đẩy Thúy Kiều vào con đường cùng buộc nàng phải bật lên  : " Oan nầy còn một kêu trời nhưng xa "
   Chinh phụ ngâm là tiếng kêu than của người chinh phụ tiễn chồng đi chiến trận   : " Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi " 
  Cung oán ngâm khúc là tiếng kêu than của người cung nữ nơi cung cấm khi thì được vua yêu quý khi thì bị thất sủng . Ngoài ra những cuộc tình éo le bi đát , oái oăm và ngang trái đã để lại cho đời những thiên tình sử  như "  Sơ kính tân trang " của Phạm Thái , " Hồn bướm mơ tiên " của Khái Hưng , ...
Nỗi đau của những người vợ mất chồng , người chồng mất vợ cũng là những nỗi bất bình phát ra tiếng kêu thương . Đó là Ai Tư Vãn của Ngọc Hân công chúa  , Giọt mưa thu của Tương Phố  , Linh Phượng của Đông Hồ  , Màu tím hoa sim của Hữu Loan ,...
 Bất bình tắc minh còn được chứng minh trong lãnh vực triết học tôn giáo : Bất cứ triết gia nào cũng ít nhiều trầm tư về lẽ sống chết chẳng hạn như " tại sao ta sinh ra  ? tại sao ta chết đi ? " ...Đó là những thắc mắc siêu hình muôn đời là vấn nạn . Trong nhà thiền , liễu sinh tử là động cơ , là nguyên động lực của việc tu thiền . Giáo chủ của đạo Phật là Tất Đạt Đa xưa vì ý thức được nỗi khổ đau của sinh lão bệnh tử nên mới xuất gia cầu đạo . Rõ ràng sự bất bình về cái chết là nguyên động lực đưa con người đến với tôn giáo .

 Suy cho cùng , bất bình tắc minh không chỉ đơn thuần là luận điểm mà còn là đại luật của vũ trụ . Phàm vật gì không cân bằng tất nhiên phải phát ra tiếng kêu ; phàm con người không được bình yên thì tất nhiên phải  cất  tiếng kêu than . Vậy vấn đề là làm thế nào để hạn chế những tiếng kêu than ấy ? Phải chăng  một trong những thuộc tính của nhà hiền triết lãnh đạo là sự hòa hợp tiết độ ( température ),  là  mẫu mực cho sự điều hòa và quân bình ( không bất cập , không thái quá ) .Hiện nay người ta có thói quen sợ hãi về những điều bất cập mà không ai lo lắng về những cái thái quá đang diễn ra tràn lan trong nhiều lãnh vực như thói ham hư vinh , thích chơi trội , lễ nghi quá đà ,...


     Cần thiết phải lắng nghe những tiếng kêu nhỏ và làm quân bình  êm dịu chúng ; nếu không nó hợp lực thành tiếng nổ lớn .Cũng như đám cháy nào cũng bắt đầu từ một que diêm !








Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Tưởng niệm Phạm Duy

Xưa , Tạ Tỵ nói : " Phạm Duy còn đó nỗi buồn "
Nay , Phạm Hạnh cũng xin nói : " Phạm Duy còn đó nỗi buồn "