Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Tiếng ta còn , nước ta còn

 "Truyện Kiều còn tiếng ta còn , tiếng ta còn nước ta còn ". Đó là câu nói bất hủ của cụ Phạm Quỳnh khi đánh giá " Truyện Kiều " của cụ Nguyễn Du . Còn Tố Hữu thì cho rằng truyện Kiều là " Tiếng thơ ai động đất trời " ,là tiếng vọng của non nước từ nghìn thu xưa . Và nghìn năm sau truyện Kiều vẫn là "tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày ". Cả hai nhà đều coi truyện Kiều là cái hồn của non sông đất nước bởi vì nó đại diện cho vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của người Việt nam . Điều đáng buồn là tiếng Việt ngày nay lâm vào tình trạng xô bồ bát nháo trong cách nói , cách viết của một số người Việt .
  Tình trạng xô bồ bát nháo đó phơi bày đây đó cả trên báo đài , trên các bảng hiệu , biển quảng cáo , tên của các công ty ; thậm chí có mặt cả trong tác phẩm văn chương .
   Ở các thành phố lớn ta thấy  bảng hiệu , bảng quảng cáo người ta đua nhau ghi bằng tiếng nước ngoài , có khi chua thêm vài dòng tiếng Việt ở dưới . Tên công ty thì pha trộn nửa tây nửa ta như công ty Minh Đạt thì là MiDa, công ty Mỹ Tâm thì ghi là MyTa  ,vv...Ngay trong ngôn ngữ nói của phát ngôn viên đài trung ương cũng có chỗ không chuẩn : Chẳng hạn , lẽ ra phải nói : "Chương trình hôm nay có những nội dung chính sau đây... "nhưng vì kiệm lời  phát ngôn viên đó bỏ đi hai tiếng " sau đây " làm cho câu văn trở thành cụt ngủn bất thành câu. Trong văn viết có thể thay thế hai chữ sau đây bằng dấu  hai chấm ( : ) nhưng trong văn nói thì không nên như vậy .
    Không biết từ bao giờ và từ đâu người ta có thói quen tùy tiện ghép từ " Việt " đàng sau một từ . Ví dụ : Bếp Việt ,gạo Việt , văn chương Việt , tâm hồn Việt ,...Tại sao lại cứ phải " Việt " đang khi ta là người Việt nói về một vấn đề của ta ở chính  trên đất Việt của ta ! Ai cũng hiểu từ " Việt " chính là Việt Nam . Những gì có trên đất nước Việt Nam mặc nhiên là " Việt Nam " rồi , hà cớ phải thêm chữ Việt . Nếu là một cộng đồng người Việt sinh sống tại hải ngoại , để phân biệt với các kiều bào khác , có thể gọi thế là đúng . Ví dụ như " phố Việt " , " phố Hoa " , " cơm Việt " , " cơm Tàu " , ...Nhưng gạo do dân ta trồng đương nhiên là gạo Việt Nam rồi , cần gì phải nói " gạo Việt " .  Gọi hàng sản xuất trong nước là hàng nội địa để phân biệt với hàng ngoại nhập là đủ .

  Ngôn ngữ của một nước thể hiện chủ quyền quốc gia của  nước đó . Ta phải  nói đúng , viết đúng tiếng nước ta . Người nước ngoài buộc phải học cách nói cách viết của ta . Ví dụ  buộc họ phải nói " bưởi da xanh " chứ không vì sợ họ không nói được  mà ta lại gọi là " Budaxa ". Ngược lại , ta cần phải viết đúng , phát âm đúng  các tên gọi của nước ngoài chứ không nên phiên âm tùy tiện , dễ dãi . Điều này gây trở ngại vô cùng cho việc tra cứu tìm hiểu . Đến tận bây giờ sách giáo khoa vẫn còn phiên âm một cách ngô nghê . Ví dụ Alsace thì được phiên âm là An dat , Shakespeare thì phiên âm là Sếch-xpia, vv...
    Ngoài ra tình trạng cải biên chữ viết của các bạn trẻ tràn lan trong các văn bản giao tiếp bất chấp luật chính tả và ngữ pháp . Ví dụ : "-»ckuc mn co m0t ngax  nkuj max man nka-" có nghĩa là " chúc mọi người có một ngày nhiều may mắn nha " , vv..
   Ngôn ngữ của một nước là cái hồn , cái hạnh của một nước , là chứng minh thư chứng nhận chủ quyền quốc gia của một dân tộc . Ngôn ngữ có trường tồn thì nền độc lập tự chủ mới trường tồn . " Tiếng ta còn , nước ta còn " , câu nói bất hủ của Phạm Quỳnh có giá trị như một " ghi nhớ " có tính ràng buộc .Tiếng ta tức là tiếng mẹ đẻ . Một đứa bé sinh ra đời bập bẹ tiếng mẹ đẻ ngay từ những tiếng nói đầu đời . Tâm hồn của đứa bé cũng được di dưỡng qua lời ru à ơi của mẹ . Trẻ con học tiếng trước khi học chữ . Chữ viết có thể thay đổi qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng tiếng nói thì không hề thay đổi . Thời nội thuộc phương Bắc ta dùng chữ Hán . Sau nầy , Hàn Thuyên phổ biến ra chữ Nôm . Rồi sau đó nữa là chữ quốc ngữ . Dù là thứ chữ gì thì tiếng nói của người Việt Nam , cái hồn của người Việt Nam vẫn là nguyên vẹn tinh khôi . Tiếng Việt còn hay mất là tùy thuộc vào lòng yêu tiếng Việt , yêu nước Việt .  Yêu tiếng tức là yêu nước , và vì yêu nước mà phải giữ gìn sự trong sáng cho tiếng . Nói theo cách nói của Phạm Duy trong nhạc phẩm  Tình ca :Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời ..., tiếng nước tôi tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi...

      Vào thế kỷ thứ mười chín , nước Pháp đã một phen khốn đốn vì cuộc chiến tranh Pháp - Phổ . Nước Pháp thua trận đành phải cắt vùng đất giáp biên giới với Phổ giao cho Phổ . Chính quyền Phổ ra cáo thị vùng đất nầy từ đây  không được dạy tiếng Pháp . Nhà văn Alphonse Daudet kể lại nỗi đau xót của một giáo viên dạy môn tiếng Pháp trong buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp .Buổi học cuối cùng ấy càng lúc càng thu ngắn thời gian lại  trong niềm cảm xúc dâng trào của thầy lẫn trò .
  Ở Việt Nam trong thời Pháp thuộc may mắn còn có trường Đông Kinh Nghĩa Thục dạy Quốc văn giáo khoa thư cho học trò . Quốc văn giáo khoa thư là một bộ sách giáo khoa đầu tiên soạn theo hướng tích hợp : vừa dạy chữ vừa dạy người , vừa dạy trí dục vừa dạy đức dục đan xen lồng ghép trong một bài học.
  Khi ngôn ngữ của một nước bị lai căng pha tạp - không còn chính danh nữa thì cái mầm mất nước đã chực chờ nằm sẵn đâu đó rồi .Thuyết chính danh của Khổng Tử trước hết đặt vấn đề chính danh tự .Chính danh tự là một danh từ phải gọi đúng tên sự việc , phải diễn tả đầy đủ khái niệm về sự vật đó . Sự vật sự việc thế nào thì phải gọi cho đúng bằng một cái tên sát hợp với bản chất của sự vật sự việc đó . Danh có chính thì ngôn mới thuận . Ngôn có thuận thì sự việc mới thành tựu một cách minh nhiên sáng tỏ . Danh mà không chính thì lời nói sẽ lập lờ , lấp liếm , lơ tơ mơ ...Một xã hội mà vấn đề chính danh không được coi trọng thì cái mầm băng hoại đã đương nhiên tiềm ẩn . 

     Có một điều đáng lạc quan tin tưởng là tiếng ta vẫn còn .  Mặc dù có hiện tượng xô bồ tùy tiện song bản chất tiếng Việt bao giờ cũng trong sáng . Nước Việt ta  hiện nay có rất  nhiều học hàm học vị giáo sư tiến sĩ mà tiếc thay ( ! ) lại không có  được một hàn lâm viện để hiệu chỉnh kịp thời những sai trái tùy tiện trong cách dùng tiếng Việt .



.............................................................................................

 Bổ sung ( trích từ comment của bạn Vương Đức Bình )

Con người chân chính nào cũng yêu tiếng mẹ đẻ của họ, đơn giản bởi vì đó chính là tiếng lòng của họ, là tiếng nói của Mẹ, là thứ tiếng ta nghe nhận được từ lòng yêu thương vô bờ của Mẹ ngay cả khi ta chưa biết nói, khi ta còn khóc oe oe đòi bú, là thứ tiếng nói chảy vào lòng ta kèm theo dòng sữa ngọt ngào từ vú mẹ. Ta cảm nhận những âm thanh đó bằng những xúc cảm chân thật nhất trước khi ta biết đến cú pháp của ngôn ngữ. Tiếng của Mẹ trở thành những câu chú thiêng liêng nuôi ta lớn lên. Cũng như sức mạnh của những câu thần chú, đôi khi ta không cần hiểu, ta chỉ cần cảm nhận. Có ai muốn phân tích một lời à ơi trong câu ru của mẹ không!? Ta chỉ mới vài tháng tuổi, ta chỉ cần nghe "À ơi, con ơi con ngủ cho say...." là ta đã yên lòng, cảm thấy bình yên trong vòng tay của Mẹ. Và khi ta lớn lên, khi ta muốn thổ lộ tình yêu với người con gái mà lòng ta tha thiết, và nếu ta là người Việt Nam, ta có muốn nói với bạn tình "I love you..." hay không, hay ta sẽ nói "Anh yêu em"!? Ta sẽ thì thầm điều đó với bạn tình bằng sự rung động tinh tế mà Mẹ đã truyền cho ta từ dòng sữa của Mẹ, bằng chính ngôn ngữ của Mẹ, mặc cho ta có bằng tiến sĩ hay đại loại bằng gì đó về tiếng Anh, tiếng Pháp,... Và nếu không may, nếu bạn tình - cô bạn Việt Nam của ta - trả lời "I love you too!" thì chắc ta phải nghi ngờ tính chân thật của mối tình của cô bạn dành cho ta, rằng câu trả lời đó không xuất phát từ trái tim!

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Hoa ngõ hạnh

  Hoa ngõ hạnh ( * )


Trông hoa ngõ hạnh , dàu dàu
tả tơi gió sớm dãi dầu nắng hanh
 đời đang vui cũng cam đành
ngủ yên giấc ngũ trên cành héo hon

Trông tôi , ngày tháng chon von
đam mê khắc khoải mỏi mòn tương lai
đêm nghe vẳng tiếng than dài
tiếc thương như tiếc lâu đài cựu vương !
                                               Trung Vũ ( 1973)

( * ) Cảm tác " hoa ngỏ hạnh ", Bùi Giáng dịch Otello của William Shakespeare

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Giá trị tương đối của văn tự

   Ngôn ngữ , văn tự là phương tiện truyền thông , chuyển tải , mô tả thực tại . Văn tự , ngôn ngữ không phải là  thực tại .

      Đức Phật dạy tất cả kinh giáo là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải mặt trăng . Chấp , vướng vào văn tự rồi cho đó là thực tại chẳng khác  nào chăm chú nhìn vào ngón tay chỉ mặt trăng mà cho đó là mặt trăng . Ngôn ngữ văn tự chỉ có giá trị tương đối xét như là một giả danh chứ không phải thực danh . Bồ Tát Long Thọ đưa ra biện chứng : Không - giả danh - trung đạo .Ngài khởi đầu biện chứng bằng một vấn nạn : Nếu bảo nhất thiết không , ngôn ngữ cũng nằm trong nhất thiết thì lấy gì bảo rằng không ? Cần hiểu Không ở đây không phải là không đối đãi với có mà Không  có nghĩa  là không  có tự tính , không có thực thể ; do nhân duyên sinh mà sinh , do nhân duyên diệt mà diệt  ( thử hữu tất bĩ hữu , thử vô tất bĩ vô ...) . Để mô tả cái Không  nầy buộc lòng phải dùng văn tự như một phương tiện thiện xảo . Long Thọ gọi đây là  giả danh . Từ đó giáo pháp trung đạo ra đời , còn gọi là Trung quán luận .

      Quá chấp vào văn tự sẽ không bao giờ thấy được thật nghĩa ( đãn hữu văn tự đô vô thật nghĩa ) .Chính Đức Phật đã từng tuyên thuyết :
                                  Tìm ta qua âm thanh 
                                  Tìm ta qua hình ảnh 
                                  Là kẻ hành tà đạo 
                                  Không thể thấy Như Lai

Biện chúng pháp Không -giả danh - trung đạo của Long Thọ cho phép ta không loại trừ văn tự mà vẫn thấy được thật nghĩa ; không động đến chân tướng mà vẫn kiến lập các pháp .
                                Bất đoạn giả danh như kiến thật nghĩa 
                                Bất động chân tướng kiến lập chư pháp 

   Đề cao  văn tự xét như một thực tại tuyệt đối cũng như không tin vào các pháp của Phật đều là thái quá , bất cập , đưa đến chỗ kẹt vướng vào tướng . Trong kinh Kim Cang Phật thuyết : " Không nên kẹt vào pháp , không nên kẹt vào chẳng phải pháp . Các vị tì kheo nên biết pháp ta nói như chiếc bè qua sông . Pháp còn phải bỏ huống hồ gì không phải pháp . "

    Muốn thể nghiệm được thực tại đạt đến cứu cánh giải thoát phải hạ thủ công phu thực tu, thực chứng . Đọc nhiều, hiểu nhiều , kiến giải nhiều giỏi lắm cũng chỉ là học giả chứ không  hẳn là hành giả . Tam Tạng kinh điển được viết bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau ( Sanskrit , Pali , Hán ) đều như ngón tay chỉ mặt trăng ( Nhất thiết tu đà na giáo như tiêu nguyệt chỉ ).Vậy đừng nên quá suy tôn văn tự ngôn ngữ một cách tuyệt đối hóa mà phải xem đó chỉ  là một thứ giả danh .



Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Văn hóa sống và sống văn hóa

      Mọi thứ văn hóa trên đời nhằm phục vụ cho cuộc sống văn hóa . Thứ văn hóa nào không nhằm phục vụ cho cuộc sống văn hóa là phi nhân bản .
    Càng ngày càng xuất hiện nhiều loại hình văn hóa mới : văn hóa giao tiếp , văn hóa ẩm thực , văn hóa đọc , vv...Văn hóa sống ít ai đề cập đến và càng ngày càng bị phai nhạt trong những mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với cộng đồng. Bao lâu trong mỗi cá nhân không lập được quân bình trong nội tâm , và sự quân bình cho các mối quan hệ xã hội thì bấy lâu cuộc sống văn hóa sẽ bị mai một .
   Có nhiều cách định nghĩa về lẽ sống ở đời như : sống là tranh đấu , sống là chiến đấu , sống là hưởng thụ ,...tất cả những định nghĩa về cuộc sống có thể đúng nhưng không đủ . Văn hóa sống và sống văn hóa không theo một định nghĩa nào nhất định , cũng không rập khuôn theo một học thuyết cứng nhắc nào cả . Nói một cách đơn giản sống là sống với . Trong cuộc "sống với "mỗi cá nhân cần phải tỉnh thức trong từng giây phút hiện tại , phải biết mình đang ở đâu và mình đang là ai .Sống mà không biết mình là ai và mình đang ở đâu là hiện tương vong thân trong cuộc sống .Vong thân là hiện tượng đánh mất chân nhân của mình . Trong tâm lý học có đề cập tới ba loại mặc cảm phức tạp : mặc cảm tự  thấy mình cao hơn người  , mặc cảm tự thấy mình thua kém người  và mặc cảm thứ ba là tự  thấy mình luôn  bằng người trong mọi tình huống .
  Gọi là mặc cảm vì nó mang tính chất phức tạp , không thật như những gì mình có . Mình là mình . Mình không thể đặt mình trong sự so sánh với người khác . Bởi vì mỗi một con người đều có một hoàn cảnh riêng , một điều kiện riêng , một nghiệp quả riêng . Khi bị đắm chìm một trong ba loại mặc cảm ấy thì hiển nhiên sẽ bị vong thân .
   Nhiều khi vì quá tự ti đâm ra tự tôn và ngược lại  . Có nhiều người vì quá tự ti cho mình là thua kém nên cũng thường đi kết thân với người thua kém khác để được tung hô .Đó là những loại tâm lý phức tạp mà những người thiếu tỉnh thức thường hay mắc phải .
     Ngày xưa , đức Khổng Tử dạy học trò bằng Kinh Thi , Kinh Nhạc , Kinh Lễ . Ngài cho rằng : " Hưng ư Thi , hòa ư Nhạc , thành ư Lễ " . Có nghĩa là muốn làm cho lòng người hưng phấn phải nhờ thơ ca ; muốn cho có sự hòa hợp phải nhờ âm nhạc ; muốn có sự thành tâm thành ý thì phải nhờ lễ nghi . Trong văn hóa sống điều quan trọng nhất là chữ lễ . Giữ lễ là cách thể hiện sự thành tâm thành ý . Nếu không thành tâm thành ý là lễ nghi hình thức giả dối . Trên thực tế có những cái bắt tay siết chặt thân tình , có những cái bắt tay hờ hửng chiếu lệ . Chữ lễ hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa . Người không biết giữ lễ là người thiếu văn hóa cho dù người đó có địa vị cao hay học thức cao ! Ngày xưa  khách đến , chủ nhà mặc quần áo chỉnh tề ra tiếp khách . Ngày nay người ta vin vào sư thoải mái , xuề xòa để tiếp khách với quần cụt áo lót . Trong cuộc sống ta có thể thiếu thốn nhiều tiện nghi vật chất song không thể thiếu lễ trong từng giờ từng phút .
   Nếu sống có nghĩa là sống với thì văn hóa sống chính là văn hóa làm người . Mọi thứ văn hóa khác đều chỉ phục vụ cho văn hóa làm NGƯỜI.Muốn trở thành con người đích thực cần phải học tám chữ sau đây : Hiếu , Để , Trung , Tín , Lễ , Nghĩa , Liêm , Sĩ . Hiếu là hiếu với cha mẹ ông bà tổ tiên . Để là thuận thảo với anh chị em trong gia đình . Trung là trung thành với tổ quốc , với lý tưởng . Tín là giữ sự tin cậy với mọi người . Lễ là giữ đúng cung cách ứng xử tùy theo vai vế địa vị  . Nghĩa là giải quyết tốt các mối quan hệ cộng đồng  . Liêm là trong sạch không tham lam của công . Sĩ là biết tự biết  xấu hổ khi mắc lỗi .

 Trong tiến trình học làm người không có điểm dừng , cũng không có bằng tốt nghiệp . Có thể sống cả đời người cũng chưa học xong bài học làm người . Làm chính khách , làm doanh nhân , làm thầy giáo , ...trước hết phải làm người . Đạo sư Tĩnh Vân có một người đệ tử , sau khi tốt nghiệp đại học liền theo học thạc sĩ , rồi lại học tiến sĩ  . Sau nhiều năm đèn sách cuối cùng anh cũng hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng vui mừng . Một hôm người đệ tử nầy trở về thưa với đạo sư : " Thưa thầy con có học vị tiến sĩ rồi , sau này con sẽ phải học những gì nữa ? " Đạo sư trả lời : " Học làm người , học làm người là phải học suốt đời , chẳng thể nào tốt nghiệp được ".

  Tóm lại , mọi thứ văn hóa trên đời đều nhằm phục vụ cho cuộc sống có văn hóa . Văn hóa học làm người là một thứ văn hóa phục vụ tích cực nhất cho đời sống văn hóa !








Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Bài học về thân giáo của Trần Quốc Tuấn

       Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là đệ nhất danh tướng nước Việt nam ta . Ông đã có công ba lần đánh đuổi giặc  Nguyên Mông - bọn giặc mà ngay đến các sử gia Âu Tây cũng phải kinh sợ : " đi đến đâu cỏ cũng không còn mọc lên được "- ra khỏi bờ cõi .Trần Quốc Tuấn là kết tinh , kết tụ giáo dục thời Trần , một nền giáo dục đã một thời đem lại cho Việt Nam  một xã hội Diên Hồng .Sự đoàn kết trong xã hội thời Trần bắt nguồn từ sự đoàn kết nội tại từ bản thân của mỗi con  người . Trong lòng mỗi cá nhân không có mâu thuẫn nội tại thì dễ mỡ lòng ra để nối vòng tay lớn . Không có thời nào mà từ vua cho đến thứ dân ai ai cũng lấy việc tu thân làm gốc . Nhờ có tu thân mà vua cũng có thể bỏ ngôi , dân không thiết chức , quan sẵn sàng cởi áo nếu thấy mình bất lực ; kẻ sĩ khước từ công danh nếu chưa sửa được mình . Bài học thân giáo ấy được kết tinh từ tinh thần giáo dục ấy .Lấy bản thân mình để hành xử giáo huấn ( thân giáo ) chứ không chỉ dùng lời lẽ suông để thuyết giáo ( ngôn giáo ) . Trần Quốc Tuấn là nhân vật tiêu biểu hấp thụ được nền giáo dục nầy .
    Ngày trước , giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Cảnh ( tức Trần Thái Tông ) có một mối hiềm khích tưởng chừng như không hòa giải được . Nguyên do là nhà Lý không có con trai , Lý huệ Tông truyền ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng rồi bỏ đi tu . Việc nhiếp chính triều đình giao cho Trần Thủ Độ vì Lý Chiêu Hoàng lúc ấy mới có mười một tuổi . Trần Cảnh ( tám tuổi ) cưới Lý Chiêu Hoàng và được vợ truyền ngôi . Vị vua tám tuổi này chưa thể có con nối nghiệp nên Trần Thủ Độ rất lo lắng việc không có ai kế tục cơ nghiệp nhà Trần ; bèn ép Trần Cảnh bỏ Chiêu Thánh để lấy chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên ( lúc bấy giờ Thuận Thiên là vợ của Trần Liễu , anh của Trần Cảnh ). Thuận Thiên đang mang thai - Thủ Độ muốn đảm bảo sự kế tục của dòng dõi . Tất nhiên Trần Cảnh phản đối kịch liệt việc loạn luân này . Nhưng do áp lực và bạo lực của Thủ Độ nên đành phải chấp nhận . Trần Liễu phẩn uất dấy binh nổi loạn ( 1236).Trần Quốc Tuấn là con của Trần Liễu nên không thể nào bỏ cha mà bênh chú , dù cho chú là Vua .
   Thế mà khi giặc Mông sang xâm lấn nước ta , Trần Quốc Tuấn đã không ngần ngại quên đi thù nhà phò vua giúp nước .Lúc bấy giờ tuy là tướng trẻ , Quốc Tuấn đã đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên thù nhà . Khi quân Nguyên Mông sang lần thứ hai và lấn thứ ba , Trần Quốc Tuấn được phong là Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh toàn quân lãnh đạo các tướng sĩ làm nên những chiến công hiển hách . Việc làm đó đã là bài học về thân giáo có sức thuyết phục hùng hồn . Đoàn kết từ nội tại bản thân ,đến các tôn thất , tướng lãnh phò vua đánh giặc giữ nước . Có lúc thế giặc quá mạnh , sợ không chống nổi , vua Trần bảo  Trần Quốc Tuấn  rằng : " Thế giặc to quá , chống với nó thì dân sẽ tàn hại , hay là trẩm chịu hàng để cứu muôn dân " Hưng Đạo Vương tâu rằng : " Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức , nhưng mà tông miếu xã tắc thì sao ? Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước đã " .Câu nói này trùng hợp với câu nói của Trần Thủ Độ : " Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo !". Những lời lẽ khí khái đó trùng hợp với hành động oanh liệt của một thiếu niên (Trần Quốc Toản ) đòi tham gia việc nước . Tinh thần đoàn kết nhất trí , dân chủ và rộng mở đó là kết quả của nền giáo dục lấy tu thân làm gốc . Bề trên mà chân chính , bề dưới theo gương bề trên . Thượng trị hạ sẽ trị , thượng loạn hạ sẽ loạn . Người giữ ngôi vị càng cao chừng nào thì càng có nhu cầu tu thân chừng ấy( Tu - Tề - Trị - Bình ) . Tinh thần thân giáo của Trần Quốc Tuấn còn bộc lộ trong bài Hịch tướng sĩ( Dụ chư tỳ tướng hịch văn ) . Nếu như tất cả những lời giáo huấn của thầy khuyên trò , cha khuyên con  , bề trên nói với kẻ dưới đều như cách nói , cách nghĩ,cách làm của Trần Quốc Tuấn thì việc giáo dục , dạy dỗ mang lại hiệu quả biết bao . Lúc bấy giờ tình thế thật rối ren: bên ngoài giặc dữ lăm le xâm chiếm , sứ giặc nghênh ngang gây sự , sỉ mắng triều đình một cách thô bạo .... Bên trong thì tướng lãnh thờ ơ , lãnh đạm , vô trách nhiệm , mất lòng tin ... chỉ lo ăn chơi , hưởng thụ . Bản thân của chủ tướng có hai nỗi đau : Đau vì nỗi nhục quốc thể và đau vì lòng người chưa đồng tâm hiệp lực chống  giặc . Tiếng nói chân tình bộc trực giản dị nhưng vẫn đậm nét trữ tình : " Ta thường tới bửa quên ăn , nửa đêm vỗ gối , ruột đau như cắt , nước mắt đầm đìa , chỉ căm tức rằng chưa xã thịt lột da , nuốt gan , uống máu quân thù . Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ , nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng ".
  Ta mà như thế còn các ngươi thì sao ? Lấy bản thân mình ra làm gương cho người dưới , không phải ai ai cũng làm được như Trần Quốc Tuấn .
   Trong hai chữ giáo dục bao gồm giáo và dục . Dục là nuôi dưỡng và giáo là dạy dỗ , giáo huấn chứ không đơn thuần là đào tạo và huấn luyện . Nếu cha có công sinh dưỡng thì thầy giáo có công dạy dỗ . Cha có bổn phận phải gởi con đến trường để được giáo huấn cẩn thận . Khổng Tử nói : " Nuôi con mà không dạy con thì như nuôi heo " . Chính vì vậy mà ông cha ta đặt thầy trên cha  ( Quân - Sư - Phụ ). Việc giáo dục các tỳ tướng dưới quyền của Trần Quốc Tuấn có cả ân lẫn uy . Ân đó là tình phụ tử chi binh  " Không có mặc thì ta cho áo , không có ăn thì ta cho cơm , quan bé  thì ta thăng chức , lương ít thì ta cấp bỗng , đi thủy thì ta cho thuyền , đi bộ thì ta cho ngựa , lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết , lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười ..." . Rõ ràng các tướng đều khá hơn về mặt vật chất , về danh vọng địa vị nhưng không  tránh khỏi trường hợp sa sút tinh thần - thích hưởng thụ đâm ra trụy lạc , mất nhuệ khí . Do có sự mâu thuẫn giữa bản năng và lý trí nên vấn đề giáo dục mới được đặt ra . Shopenhauer cho rằng : " Giáo dục là những gì trái với tự nhiên "( Education  est ce qui contre la nature ) . Trần Quốc Tuấn đã đem bản thân mình và bầu nhiệt huyết của mình để tỉnh thức và đánh thức bản năng của các tỳ tướng , khơi dậy nỗi nhục quốc thể của cả dân tộc . Ai đó đánh ta một bạt tai, sỉ nhục dòng họ ta , ta còn cảm thấy nhục thay , huống chi kẻ thù đã làm nhục cả danh dự quốc gia . Cách giáo huấn của Trần Quốc tuấn xưa nay được coi là mưu phạt tâm công  ( đánh thẳng vào lòng người ) . Chỉ có hiểu biết mới gợi được sự hiểu biết , và chỉ có tình thương mới gợi được tình thương .
    Ngoài ra một bài học nữa về thân giáo của Trần Quốc Tuấn là đức tính khiêm cung , không ham danh vọng và tiền tài ; nhân hậu với nhân dân . Nói về danh vọng và địa vị của Trần Quốc Tuấn thì không ai bằng .  Ông được vua ban cả sáu chức tước . Tuy uy quyền lừng lẫy nhưng ông  luôn giữ  phận làm tôi , không hề kiêu ngạo . Hưng Đạo Vương được vua cho quyền thay vua phong tước cho bề tôi rồi tâu sau với vua . Thế nhưng ông không hề dám tự tiện phong tước cho ai cả . Đối với những người giàu có mà ông có quyên tiền gạo nuôi quân , ông chỉ phong làm " Giải lương tướng" ( tướng cho vay lương ) mà thôi .
  Nhờ có đức chuẩn nên Trần Quốc Tuấn quy tụ được nhiều người tài giỏi như Phạm Ngũ Lão , Trần Quang Khải , Trương hán Siêu ,  ...
   Sau khi công thành danh toại , ông cáo quan về an dưỡng ở Vạn kiếp . Khi ông mất , từ vua cho đến dân ai ai cũng thương tiếc , nhiều nơi lập đền thờ phụng .
   Tóm lại , thời Trần quả đã có những bậc vua hiền , tôi trung , con hiếu ... Đó là nhờ phép tắc nghiêm trang , thưởng phạt phân minh ; chính trị không có điều chi hồ đồ . Việc học hành mỡ mang rộng rãi ; văn học phong nhiêu , lưu lộ . Được như vậy là nhờ một nền giáo dục chú trọng thân giáo , lấy việc sửa mình làm gốc , sửa người làm ngọn ; giáo dục người lớn trước, giáo dục trẻ con sau . Từ vua cho đến thứ dân ai ai cũng lấy việc tu thân làm gốc . Nền giáo dục ấy đã hun đúc được một Trần Quốc Tuấn , một người con yêu của  đất nước Việt  , một " Đức Thánh Trần " trong lòng dân tộc Viêt !

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Vô đề

          Từ hoang sơ trần thế vốn buồn tênh 
          Mưa nguồn tuôn thác đổ xô ghềnh 
          Mây ngũ sắc kết nên hình vân cẩu 
          Màu thời gian bạc thếch vết thương đau .