Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Một cách nhìn khác về quan niệm : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia "



Trong bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba do tiến sĩ Thân Nhân Trung ( TNT) soạn có câu mở đầu : Hiền tài là nguyên khí của quốc gia . Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao ; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp ...Quan niệm trên cách chúng ta hơn một nửa thiên niên kỷ mà mỗi khi bàn đến vẫn thấy tươi nguyên giá trị .Từ kinh nghiệm cũ ta thử bàn lại để có được ý mới nào chăng ?

   Mở đầu bài ký tác giả viết : Hiền tài là nguyên khí của quốc gia . Nguyên khí thịnh thì thế nước  mạnh rồi lên cao ; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp .
  Trước hết cần hiểu thế nào là hiền tài? thế nào là nguyên khí ?. Hiền tài là những người tài cao học rộng có tâm có đức ; còn nguyên khí theo nghĩa từ nguyên là  tính khí của người ta do sự hấp thụ khí thiêng của thiên nhiên , của đất trời . Theo quan niệm âm dương ngũ hành , con người có mối quan hệ tứ trụ : Thần - Nhân - Thiên - Địa . Việc mạnh yếu thăng trầm của đất nước tùy thuộc vào sự thịnh suy và nguyên khí của quốc gia ấy .  Nguyên khí là vô hạn , vô cùng ; không bao giờ thiếu hoặc mất đi
 " Dẫu cường nhược có lúc khác nhau 
  Mà hào kiệt không bao giờ thiếu  
                                      ( Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo )

Nguyên khí khác với tài nguyên . Tài nguyên quốc gia là cái nguồn sinh ra của cải , sự giàu có ( source de chisses). Cái nguồn ấy có lúc vơi dần và có lúc cạn kiệt nhưng trí thức ,  sức sáng tạo , nhân tài , hiền triết ...thì thời nào và ở đâu cũng có .Vấn đề là không được phát hiện,không được đề bạt tiến cử đó thôi . Ngay đến người phát ngôn ra câu : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia " cũng là một bậc hiền tài , từng là rường cột của triều đình : Tiến sĩ Thân Nhân Trung .TNT tuy đỗ đạt muộn màng ( 1) nhưng đã lập nhiều công tích , được vua Lê Thánh Tông trọng dụng - TNH giữ chức Phó Tao Đàn nguyên súy . TNT còn có công khai khoa cho 10 vị tiến sĩ ở quê cha đất tổ làm rạng danh cho quê hương , tổ tiên , dòng tộc .Xem ra , người hiền tài không chỉ có tài mà còn biết đem cái tài của mình ra để an bang tế thế .
  Sau khi đặt xong vấn đề , tác giả đưa ra những luận điểm , luận cứ và luận chứng để làm sáng tỏ vấn đề "Bởi thế các các đức Thánh Đế ,Minh Vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài , kén chọn kẻ sĩ , vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên ".Đấy là luận điểm giàu sức thuyết phục . Lịch sử nhân loại đã chứng minh - bất kỳ chế độ nào , mô thức chính trị nào có minh chủ , có nhà lãnh đạo hiền triết đều quy tụ được nhiều hiền tài , làm cho nguyên khí quốc gia triển nở,sung mãn . Ngay thời cổ đại , đức Khổng Tử đã đề cao chính sách cử hiền tài thay cho thế tập . Và ngài đã quy tụ  đươc đệ tử xuất chúng . Theo chính sách cử hiền tài thì bất cứ ai , bất kể xuất thân từ giai cấp nào cũng có thể tham chính nếu đỗ đạt ở các khoa thi . Bước cử hiền tài là bước tiếp theo của bước sát hạch , tuyển trạch. Thi để chọn và chọn để cử . Sự tuyển chọn qua thi cử có mối liên quan mật thiết đến việc đề bạt , tiến cử và việc đề bạt tiến cử có liên quan đến việc thịnh suy của đất nước . Chọn lầm người dẫn đến việc đặt ngồi nhầm ghế . Chính vì vậy mà đông , tây , kim cổ đều xem học hành thi cử là quốc sách . Một nhà chính trị sáng suốt không bao giờ xao lãng hoặc tách rời việc tuyển chọn nhân tài  và việc đề bạt nhân tài . Một quốc gia hùng mạnh không thể không cần đến những bậc hiền tài làm rường cột . Nguyễn công Trứ đã nói rõ trách vụ của kẻ sĩ đối với Hoàng triều cương thổ :
Trong lăng miếu ra tài lương đống 
 Ngoài biên thùy rạch mũi can tương .

 Chính vì kẻ sĩ ,  hiền tài là nguyên khí của quốc gia nên người ta có thể bỏ ra ngàn vàng để đánh đổi được  kẻ sĩ hoặc như Lưu Bị ba lần đến nhà cỏ của Khổng Minh để cầu hiền . Vào thời Xuân Thu chiến quốc nước Tần còn nghèo nàn lạc hậu bị các nước lớn xem thường , kịp đến khi Tần mục Công lên ngôi biến Tần quốc thành một nước hùng mạnh ; đó là nhờ thực thi nghiêm túc việc tuyển chọn và đề bạt nhân tài vào các chức quan . Về sau Tần quốc sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất như Bá Lý Hề , Thương Ưởng , Trương Nghi , Hàn Phi Tử , Lý Tư , ... Đến thời Tần Thỉ hoàng , nhờ biết sử dụng lại những hiền tài nói trên nên nước  Tần vẫn giữ vững là một đế chế hùng mạnh thôn tính 6 nước thống nhất Trung Hoa .  Sau khi Tần Thỉ Hoàng chết , Lưu Bang cùng với Hạng Võ tiêu diệt nhà  Tần rồi sau đó trừ Hạng Võ để lên ngôi hoàng đế , hiệu là Hán Võ Đế . Trái với Tần Thỉ Hoàng đốt sách chôn Nho ,  Hán Võ Đế  đích thân tuyển chọn và đề bạt nhân tài . Về phương diện dùng người Hán Võ Đế tỏ ra thông thoáng , rộng mở hơn nhiều so với các vua trước . Nhà vua không ngại dùng những người tài xuất thân từ giai cấp thấp kém hoặc có khuyết tật - hiểu theo nghĩa bóng : có tài có tật - . Hán võ Đế quy tụ những chuyên gia học giả -như  kinh học có Đổng Trọng Thư ,sử học có Tư Mã Thiên , văn học có Tư Mã Tương Như , quân sự có Lý Quảng , Thiết Thanh .. Đặc điểm trong cách dùng người của Hán Võ Đế là chỉ quan tâm đến sở trường chuyên môn của các hiền tài còn về sở đoản thì không thành vấn đề .Điều nầy thiết nghĩ thật là chí lý .Ai  có sở trường nấy . Con vịt bơi dưới nước đâu có cần đôi chân dài như con đà điểu chạy trên cạn  .Hà cớ gì phải kéo dài chân vịt hoặc thu ngắn chân của đà điểu .
   Trở về việc tuyển chọn và đề bạt  và sử dụng hiền tài ở xứ ta không phải bắt đầu từ thời Trần mà thời Lý Nhân Tông đã có rồi : Năm Ất Mão ( 1075 ) mở khoa thi tam trường để lấy người có văn học làm quan ; năm Bính Thìn ( 1076 ) lập Quốc Tử Giám để tuyển chọn giáo thọ ; năm Bính Dần ( 1086 ) mở khoa thi chọn Viện sĩ Hàn lâm viện . Bấy giờ đã có chức Hàn Lâm học sĩ . Đến đời nhà Trần tinh thần tam giáo đồng nguyên vẫn còn bảo lưu trong dòng chảy văn hóa dân tộc  .Sau khi nhà Trần mất về tay Hồ Quý Ly rồi cha con Hồ Quý Ly bị bỏ củi áp giải sang Tàu , Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn ..Trong thời kỳ khó khăn , Lê Lợi ra sức cầu hiền , mong được người tài giúp sức . Nguyễn Trãi là cánh tay mặt của Lê Lợi .đã giúp Lê Lợi khởi nghĩa thành công . Các vua kế nghiệp nhà Lê độc tôn Nho giáo nên dẫn đến tinh thần nhân đạo , dân chủ rộng mở của thơ Lý ,Trần  bị suy vi mai một . Tư tưởng tam giáo đồng nguyên là nhân tố tích cực làm cho nước Đại Việt trở nên hùng cường . Những kẻ sĩ của nước Đại Việt có đầy đủ ba tác dụng : Lý trí , tình cảm và ý chí ( hành động ). Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì chỉ số IQ và chỉ số EQ cân bằng ; riêng đối với hiền tài thì chỉ số EQ có  phần trội hơn . Bởi " chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài " ( Nguyễn Du ). Nếu chỉ  có tài thôi mới chỉ là người thông thái , uyên bác , duy lý trí - xa rời cộng đồng .Điều kiện ắt có và đủ cho một người hiền là  lòng yêu thương đồng bào đồng loại và khát vọng được cống hiến phục vụ dân tộc   Khát vọng đó phải được thực hiện bằng hành động ( ý chí ).Đạo Nho là một học thuyết chính trị và đạo đức . Học Nho đễ đỗ đạt làm quan thì hãy còn phiến diện . Muốn học để làm người toàn diện cần phải có cả Nho - Phật - Lão . Vị vua đầu nhà Lý ( Lý Công Uẩn )là một người được các cao tăng truyền thụ cho cái học tam giáo từ khi còn là chú tiểu . Lịch sử đã chọn Lý công Uẩn mà không chọn Lê Long Đỉnh là điều tất yếu .. Trong các triều đại nhà Lý , đời nào cũng có hiền tài giúp sức : đời Lý Thái Tổ có quốc sư Vạn Hạnh , đời Lý Thánh Tông có nguyên phi Ỷ Lan ; đời Lý Nhân Tông có thái sư Lý Đạo Thành . Nhân Tông lên ngôi mới có 7 tuổi , mọi việc triều chính đều do tay Lý Đạo Thành đảm đang . Lý Đạo Thành thương dân và tận tụy với nước ; tất cả quan chức triều đình đều do Lý Đạo Thành kén chọn người tài và cất nhắc  . Dưới đời Nhân Tông , Thánh Tông nhờ có hiền tài giúp sức nên Bắc đánh Tống , Nam bình Chiêm giữ vững phên giậu ở phía Bắc , mở rộng bờ cõi về phía nam . Tinh thần tôn giáo còn được tôn sùng dưới thời nhà Trần . Nhà Trần ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi là nhờ có nhiều bậc hiền tài làm rường cột : Trần Thủ Độ , Trần Quốc Tuấn , Trần Quang Khải , Yết Kiêu , Dã Tượng , ...Nhờ tinh thần tam giáo đồng nguyên mà toàn xã hội có sự đoàn kết nội tại , dân chủ và rộng mở ... "Con người trong xã hội ấy được phản ảnh là có nhân cách đặc xuất , không những cao về tài năng đạo đức mà còn rộng về trí tuệ và tâm hồn .Nô tỳ , thiếu niên ,thiếu nữ ,lão bà , nông dân , tăng ni , đạo sĩ , nho sĩ , quý tộc , hoàng hậu ...nhà vua ...không tầng lớp nào , không tuổi nào , không giới nào mà không có những tính cách vượt xa trên mức bình thường "(Lê Trí Viễn ) .Trong thời nhà Trần , Vua dám bỏ ngôi , quan không thiết chức , kẻ sĩ không nhận chức tước bỗng lộc nếu thấy mình chưa xứng đáng . Nói chung  Lý ,Trần là hai thời đại hoàng kim trong lịch sử . Người phát hiện ra và biết sử dụng hiền tài cũng là bậc hiền tài . Đó là những minh chủ , minh vương , thánh đế , những nhà lãnh đạo sáng suốt . Một vị thủ tướng trở nên hiền tài nếu thành lập nội các gồm những bộ trưởng có  chuyên môn , sở trường về ngành nghề , tận tụy với công việc , khiêm hạ , thanh liêm trong quan hệ với cấp dưới .. Tiêu biểu cho bậc hiền tài biết dùng người phải kể đến Thomas Jefferson(2) Tổng thống Hoa Kỳ , một trong các tác giả của bản tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ . Ở Trung Hoa vào đời Tống có tể tướng Vương An Thạch  cũng là một người biết dùng người tài .
     Người hiền tài tất nhiên phải được nể trọng , vinh danh . Tuy nhiên trong số họ vẫn có những người mất chất . Thân Nhân Trung viết : "Vì hối lộ mà hư hỏng hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác là vì lúc sống chưa được nhìn tấm bia trinh bạch nầy thôi , giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy , ý ác được ngăn chặn , đâu dám làm chuyện càn bậy " 
  Trên một tấm bia đề tên tiến sĩ khoa Đinh Mùi ( 1487 ) TNT nhấn mạnh sự dối trá biến chất của kẻ tội đồ : " ..tu sửa văn vẻ bên ngoài , đức hạnh thiếu thốn bên trong , điều thấy không bằng điều nghe , việc làm trái với điều học , hạnh kiểm sa sút , danh giá nhuốc nhơ , chỉ tổ bôi nhọ tấm bia nầy mà thôi ..."Nói theo cách nói bây giờ thì đó là loại ác trí thức , ngụy trí thức . Khoa danh của họ có thể là học giả bằng thật hoặc học thật mà tri hành bất nhất hoặc không thật sống theo những gì mình thật biết vv...Loại nầy sẽ nguy hiểm cho xã hội khi biến mình thành học phiệt ; dùng học vị , học hàm của mình để bóp méo sự thật , làm ô nhiểm môi trường văn hóa .

   Suy cho cùng thì những bậc hiền tài , kẻ sĩ ...rồi ra cũng khuất bóng và đi vào cổ triết , cổ sử . Nhưng thời nào , ở đâu họ vẫn là nguyên khí của quốc gia .Quan niệm của TNT cách chúng ta hơn nửa thiên niên kỷ mà vẫn còn tươi nguyên giá trị . Nhiệm vụ của đời sau là dẫn dắt quá khứ , định hướng tương lai . Ôn cố tri tân không có nghĩa là bê nguyên ý của đời xưa để áp dụng vào đời nay ; mà dựng lại quá khứ trong kinh nghiệm mới mẻ của hiện tại . Nói như Trúc Lâm đạo sĩ : " Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân ( mỗi lần bàn đến lại thành mới tinh ) . Hoặc như lời cổ thi :
 "Nhậm vận tự sinh kim nhật ý.
Hàn hoa chi tát khí mai hương "

Chú thích :
 (1):Thân Nhân Trung sinh năm 1418 mãi đến năm 1469 mới đỗ tiến sĩ 
(2):Trên mộ của Jefferson có ghi dòng chữ : " Đây là mộ của người biết dùng người tài "

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Nhiệm vụ của giáo dục đối với văn hóa


         Hai chữ văn hóa có nội hàm bao gồm :giáo dục, chính trị ,triết học ,tôn giáo ,tín ngưỡng ,ngôn ngữ ,văn nghệ ,thuần phong mỹ tục vv...Đặc biệt giáo dục đối với văn hóa có nhiệm vụ kép : Vừa xây dựng cơ sở văn hóa cho ngày mai thụ hưởng vừa vun bồi tưới tẩm tinh hoa văn hóa của ngày hôm qua . Cái làm nên giá trị của một quốc gia chính là bản sắc dân tộc của quốc gia đó .Ví dụ giá trị Nhật là trung thực , can trường ; giá trị Mỹ là thực dụng , nhân bản . ..Đã là bản sắc thì không giá trị nào giống giá trị nào , cũng không có chuyện hơn kém giữa các giá trị. Trong các nội hàm của văn hóa có thuần phong mỹ tục . Thuần phong mỹ tục là luân lý , và có thể coi như đạo đức thực hành .Nền giáo dục của ta hiện nay nặng thuyết lý đạo đức , nhẹ về giáo dục luân lý qua giao tiếp , ứng xử , tập quán , lối sống  mà xưa gọi là gia phong lễ giáo .
    Nói đến giáo dục là phải nói đến đường hướng , mục tiêu đào tạo . Đào tạo một công dân tương lai có tình yêu thương gia đình , dòng họ ; có tinh thần dân tộc đồng thời có mẫu số chung của một  con người nhân loại .   Đó là lý tưởng của giáo dục . Mỗi quốc gia tự chọn cho mình một triết lý giáo dục làm kim chỉ nam cho đường hướng giáo dục . Nội dung chương trình sách giáo khoa , phương pháp dạy học đều phải phản ảnh cho được triết lý đã chọn . Miền nam trước 75 đã chọn triết lý giáo dục là Dân tộc - Nhân bản - Khai phóng . Vì đề cao tinh thần dân tộc mà trong giờ địa lý , học sinh nào vẽ bản đồ Việt Nam mà thiếu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng sa sẽ bị phạt nặng ; ở phòng học nào cũng có treo câu khẩu hiệu : " Tổ quốc trên hết ". Sách giáo khoa và kinh điển nói chung là cái hồn cái hạnh của giáo dục .Một công dân đã từng cắp sách đến trường đều có mang trong huyết quản cái hồn cái hạnh từ những trang sách giáo khoa  - nghĩa là đã hấp thu trong tâm hồn một nền giáo dục chân chính . Tình yêu gia đình , nghĩa gia tộc , tình yêu quê hương đất nước đã từng được di dưỡng tưới tẩm từ thuở học trò .  Nhà thơ Giang Nam có mấy câu thơ nói lên tầm ảnh hưởng của sách giáo khoa đối với tình yêu quê hương : 

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường 
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ 
 Ai bảo chăn trâu là khổ 
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao 
 
       Những " trang sách nhỏ" đã hun đúc tình yêu quê hương của nhà thơ chính là bộ " Quốc văn giáo khoa thư "do học giả Trần Trọng Kim , Nguyễn văn Ngọc , Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn . Bộ sách nầy được chính thức giảng dạy ở các trường Tiểu học vào những thập niên tiền bán  thế kỷ XX. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn Hương rừng Cà Mau có kể câu chuyện " tình nghĩa giáo khoa thư "thật cảm động . Chuyện kể một ông phái viên nhà báo được tòa soạn cử đi đòi nợ một độc giả mua báo dài hạn ở tận vùng xa xôi hẻo lánh . Nhà báo và độc giả qua một đêm tâm tình tương đắc và đồng cảm những bài học trong sách" Quốc văn giáo khoa thư "mà cả hai đã thuộc nằm lòng từ thuở nhỏ đã khiến sáng hôm sau nhà báo lên đường trở về tỉnh thành mà không hề đề cập  đến chuyện tiền nong với anh độc giả nghèo yêu sách báo .. Nhưng anh độc giả nọ đã chủ động nhắc món tiền nợ báo và xin được trả nợ bằng những sản vật hiện có trong nhà .Đọc " Tình nghĩa giáo khoa thư "người đọc cảm thấy hạnh phúc khi tìm lại chính mình " qua từng "trang sách nhỏ " . Bộ " Quốc văn giáo khoa thư "gồm có ba quyển :
  * Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng 
*Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị 
* Luân lý giáo khoa thư lớp đồng ấu 

       Riêng luân lý giáo khoa thư chuyên đề dạy về phong hóa , lễ giáo cho học sinh từ thuở còn thơ  . Đây là quyển sách giáo khoa lớp khai tâm dạy làm người .Đây cũng là nền tảng văn hóa Việt . Đây cũng là trường hợp giáo dục đã làm tốt nhiệm vụ kép  : vừa xây dựng cơ sở văn hóa cho ngày mai thụ hưởng ; vừa vun bồi tưới tẩm truyền thống tốt đẹp của ngày hôm qua . Tôi xin được dẫn ra đây một số bài học  luân lý trong quyển giáo khoa nầy :  Thương yêu kính trọng ông bà cha mẹ , thương yêu nhường nhịn anh chị em ; thờ cúng tổ tiên ; giúp đỡ người trong họ , thương yêu tôi tớ trong nhà ; yêu thương thầy dạy , tôn kính thầy dạy , ...
 Những bài học trên đây trong " luân lý giáo khoa thư "có thể ngày nay nhiều người cho rằng không còn hợp thời nữa . Nhưng có những việc " biết rồi khổ lắm nói mãi ".. Nói mãi hóa nhàm mà làm mãi vẫn chưa xong . Ngay đến những người lớn tuổi cả những kẻ thành đạt trong cuộc sống , nếu một ngày tự soi sẽ thấy mình còn vô vàn thiếu sót . Một trong tám chữ học làm người ( hiếu , để , trung , tín , lễ , nghĩa , liêm ,sĩ ) chữ hiếu đứng hàng đầu , chữ để đứng hàng thứ hai . Hiếu là bổn phận đối với ông bà cha mẹ . Để là trên kính dưới nhường - anh chị em trong nhà phải hòa hợp , nhường nhịn , thuận thảo cùng nhau .Quan điểm của các soạn giả "Quốc văn giáo khoa thư "là làm sao thể hiện được nét văn hóa đặc thù của NgườiViệt : lấy gia đình làm nền tảng cho xã hội , quốc gia  , dân tộc .Một đứa trẻ không biết yêu thương ông bà cha mẹ , anh chị em trong nhà thì lấy gì bảo đảm rằng khi lớn lên nó biết yêu quê hương, đất nước , đồng bào , đồng loại . Gia đình , gia tộc là cái nôi của tình yêu thương và cũng là nơi trú ẩn an toàn nhất khi gặp phong ba bão tố trong cuộc đời .. Xưa , có một bức tranh vẽ cảnh gia đình một nhà sum họp có tựa đề "Buổi tối trong gia đình ": cha ngồi đọc báo , mẹ ngồi khâu vá , con học bài , bà kể chuyện cổ tích cho cháu . Trong bài thơ " Lượm " có câu thơ " Ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà " của Tố Hữu ca ngợi những đứa trẻ thoát ly gia đình ... chỉ thích hợp với giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ !
   Thời bây giờ tuổi trẻ ít gần gủi gắn bó với gia đình, không coi trọng các mối quan hệ trong thân tộc là do sách giáo khoa khai tâm thiếu những bài học đề cao tinh thần gia đình ..!. Thậm chì đêm giao thừa là thời điểm thiêng liêng nhất để gia đình sum họp tiển năm cũ , đón năm mới mà cũng không còn giữ được nếp xưa . Ngày nay , đêm giao thừa ta thấy thanh niên thiếu nữ tập trung ở các lễ hội (hội nhiều hơn lễ ). Lễ lại chỉ là cái cớ để tụ họp vui chơi múa hát ...Nếu giao thừa mà cả nhà ăn mặc tươm tất , sửa soạn bàn thờ ông bà , chuẫn bị cúng tổ tiên rồi sau đó là mừng tuổi chúc tết lẫn nhau ...thì thế mới gọi là đậm đà bản sắc dân tộc .
 
       Vậy phải chăng nói đến văn hóa là phải đề cập đến nhiệm vụ kép của giáo dục : nhiệm vụ xây dựng cơ sở văn hóa cho thế hệ mai hậu thụ hưởng , đồng thời bảo tồn di sản văn hóa của tiền nhân để lại .


Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Tính " hay cãi " của người Quảng Nam

Đã có nhiều giả định về nguyên nhân nguồn gốc của tập quán nầy. Phần lớn các giả định tỏ ra không mấy thiện cảm, có thiên hướng tiêu cực về tính hay cãi nầy. Thậm chí có người cho rằng dân vùng Quảng Nam tính tình hung hãn hung hăng, nóng nảy nên hay cự cãi.
Người viết bài nầy mạo muội đưa ra giả định cho rằng tính hay cãi của người Quảng Nam có liên quan đến hoàn cảnh, vị trí địa lý của đất Quảng Nam. Đó là mối liên quan giữa đất và người. Điều nầy dễ nhận ra ở đất và cây. Tùy theo thổ nhưỡng thổ ngơi mà cây ra trái lại có vị khác nhau. Quýt ở Giang Nam vốn ngọt nhưng nếu bứng đem trồng ở Giang Bắc thì "giỏi bấy tay trồng cũng hóa chua " (thơ Hoàng Lộc).

Phong tục, tập quán của người dân Quảng Nam gắn liền với phong cảnh, phong thổ, thổ nhưỡng, thổ ngơi của đất Quảng Nam. Quảng Nam có những con sông lớn như Cẩm Lệ, Thu Bồn... bồi đắp phù sa màu mỡ cho những nương dâu, ruộng lúa phì nhiêu tươi tốt. Sông sâu, nước trong, núi non hùng vĩ đã hun đúc nên con người Quảng Nam có tư chất thâm trầm, nói năng bộc trực, tính tình thẳng thắn, thật thà chất phác.
Tâm thế  tranh cãi để sinh tồn

Điều kiện thiên nhiên quá ư nghiệt ngã, đầy bất trắc đã tạo nên người Quảng Nam có thói quen chịu đựng, nhẫn nại, chuyên cần, chăm chỉ và luôn có tâm thế đấu tranh để sinh tồn. Người Quảng Nam không dễ dàng tiếp thu ý kiến của người khác là vì sống trong bất trắc, quen hoài nghi cảnh giác nên phải tranh luận cho ra lẽ rồi mới đồng thuận.
 
Vì rẻo đất chiến lược, với đèo Hải Vân là tuyến phòng ngự rất khó vượt qua, hai bên Việt – Chiêm cãi qua, cãi lại, giằng co nhau quyết liệt nhiều năm trời. Ảnh: Vũ Công Điền

Phải chăng có tranh cãi mới sáng tỏ vấn đề. Có lật ngược vấn đề để tranh luận thì mới có cái nhìn toàn diện, khách quan. Nếu tranh luận không cần thiết thì sẽ không có phản biện và ngày nay người ta không cần đến luật sư. Nhiều người nghĩ rằng tính hay cãi là do tính bướng bỉnh, sân si, nóng nảy. Nhưng thiết nghĩ tranh cãi khác với cự cãi, cãi bướng cãi bừa... Chính nhờ không dễ dàng chấp nhận những lề thói cổ hủ, những luật lệ bất công trói buộc nên người Quảng Nam thường tiên phong trong các phong trào như phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế ở Đại Lộc, phong trào cắt tóc ngắn, mặc Âu phục (do cụ Phan Chu Trinh xướng xuất); phong trào thơ mới (cụ Phan Khôi ),...

Đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội do vua Duy Tân làm Chủ Súy, trong ủy ban khởi nghĩa có nhiều người Quảng Nam giữ cương vị chủ chốt như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Ngung, Nguyễn Súy, Lê Cơ, Lê Đình Dương... Việc bại lộ, vua Duy Tân bị Pháp đưa đi đày, Thái Phiên và ba đồng chí bị hành quyết. Để ghi nhớ người anh hùng dân tộc thành phố Đà Nẵng đã một thời mang tên Thái Phiên.

Có người cho rằng "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm" là cách nói thậm xưng nói quá... nhưng thật ra chẳng quá chút nào vì người Quảng Nam rất nhạy bén, rất ưu thời mẫn thế. Thật vậy, thường những người làm cách mạng thuộc loại cá thể đột biến, không theo lẽ thường tình.

Cãi… thuộc bản sắc 

"Bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong".
Trong cuốn "Có 500 năm như thế" của nhà khảo cứu Hồ Trung Tú có chương mục lý giải khá thú vị về tính hay cãi của người Quảng Nam. Theo tác giả thì trong suốt 500 năm người Chăm và người Việt sống cạnh nhau, xen kẽ nhau, làng này cách làng kia một cánh đồng, một con bàu, thậm chí một con đường. Có lúc có nơi họ tôn trọng hòa hiếu nhau, nhưng bao giờ cũng giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Từ đó xảy ra sự xung đột do sự dị biệt giữa hai nền văn hóa như chế độ phụ hệ, mẫu hệ; như tín ngưỡng của người Việt là Trời Phật, của người Chăm là SiVa, Visnu. Đó là nguyên nhân của tính hay cãi.
Hồ Trung Tú rất có lý khi cho rằng: "Bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong". Đây là một khẳng định, một lời cảnh báo có giá trị như một quy luật lịch sử mà các nhà làm văn hóa cần quan tâm. Hồ Trung Tú càng có lý khi cho rằng cãi nhau để khẳng định mình, cố trung thành với niềm tin của mình, bất luận đúng sai không chỉ là tính bảo thủ mà còn là sự sống còn của bản sắc văn hóa. Ông gần như xác quyết: "Phải chăng chính nhờ thế mà họ đã bảo lưu được bản sắc văn hóa của mình suốt 500 năm". Đã là bản sắc văn hóa dân tộc thì không có vấn đề hơn kém, đúng sai, tốt xấu. Giá trị của ai là của người ấy. 


Cũng từ thế kỷ thứ 16 trở đi Dinh Trấn Quảng Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc giao lưu với các nước phương Tây. Giáo sĩ Dusomi rồi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Trấn Quảng Nam để truyền giáo. Điều đáng lưu ý là Alexandre de Rhodes cùng với các thức giả Việt Nam soạn từ điển Việt - Bồ - La; từ đó manh nha hình thành chữ Quốc ngữ. Từ Trung Hoa, hòa thượng Thích Đại Sán rồi học giả Chu Thoại Thủy đã đến Việt Nam và lưu trú dài ngày ở Hội An (Quảng Nam) để thăm thú trước tác. Điều đáng lưu ý là trong "Hải ngoại ký sự" của hòa thượng Thích Đại Sán có mô tả và xác nhận hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.

Những sự kiện kể trên chứng tỏ người dân Quảng Nam đón những luồng gió mới với thái độ dè dặt cần phải tranh cãi phản biện trước khi tiếp nhận. Ngoài ra Quảng Nam còn là nơi giao điểm, giao lưu của hai nền văn minh lớn: văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Hai nền văn minh nầy du nhập vào Việt nam từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên bằng hai con đường: đường thủy từ Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan  và đường bộ từ Trung Hoa sang. Người Việt và cả người Chăm đứng trước một sự lựa chon: phải chọn một bỏ một hay dung nạp cả hai trong ý thức phản biện thường trực, tranh luận gay gắt  để cuối cùng dung thông, thâu hóa cả hai.

Còn giọng nói của người Quảng Nam có hơi thô mộc cứng và nặng (có lẽ vì pha giọng của người Chăm) khiến  người nghe có cảm giác đang bị cự cãi. Ngoài ra, ngôn ngữ của người Quảng Nam có tính cách "ăn sóng, nói gió" có lẽ vì đất Quảng Nam ở đầu sóng ngọn gió  chăng? Người Quảng Nam ăn cục nói hòn, nghĩ sao nói vậy, thẳng như ruột ngựa... ấy là do tánh quyết liệt, mạnh mẽ, bộc trực...

Tóm lại, tính hay cãi của người Quảng Nam phải chăng phát nguyên từ hoàn cảnh vị trí địa lý của cộng đồng dân cư có ảnh hưởng đến tâm lý con người xứ Quảng. Tâm lý phòng ngừa bất trắc trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt; tâm lý hồ nghi dè chừng những luồng gió mới từ bốn phương thổi tới; tâm lý quyết liệt mạnh mẽ, căng thẳng khi phải đương đầu với thiên tai thủy ách và các thế lực ngoại xâm. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là đất Quảng Nam đã sản sinh ra nhiều danh sĩ danh nhân, anh hùng, chí sĩ có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.