Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Tụng đọc kinh Phật và nghiên cứu kinh luận như thế nào để đem lại lợi lạc ?

Việc tụng đọc kinh văn hằng ngày cũng như việc nghiên cứu các kinh luận Phật giáo là một vấn đề hệ trọng trong việc thực tập đạo giải thóat cũng như tìm hiểu Phật pháp. Hầu như ít người có ý thức thường trực về nguyên động lực, cũng như tâm thế sẵn sàng cho công việc này. Thông thường trước khi làm bất cứ việc gì, dù là việc nhỏ nhặt, tầm thường cũng phải có động cơ chính đáng và một tâm thế sẵn sàng. Việc nhỏ nhặt tầm thường cũng có thể tạo ra những hậu quả to lớn bất ngờ, huống chi việc tụng đọc kinh văn và nghiên cứu kinh luận Phật giáo.Tổ sư Long Thọ đã nói lên sáu Duyên để thành tựu sự kết tập một bộ kinh: "Tín thành tựu, văn thành tựu, thời thành tựu, chủ thành tựu, xứ thành tựu và chúng thành tựu". Vì vậy trước khi bắt đầu tụng đọc kinh văn, nghiên cứu kinh luận, chúng ta tưởng cũng nên hội đủ nhân duyên để có được kết quả tốt đẹp. Duyên ở đây là điều kiện đủ và có để được thành tựu viên mãn. Điều kiện Duyên khởi là chuẩn bị tinh thần sáng suốt, sạch sẽ, thân tâm thanh tịnh, tiếp đến là phải xác định động cơ đúng đắn vào mục đích cao cả. Làm thế nào tụng đọc kinh văn, nghiên cứu kinh luận Phật giáo vừa đem lại lợi lạc cho bản thân vừa đem đến lợi lạc cho chúng sanh để hồi hướng công đức một cách hoan hỷ. Chúng tôi xin được trình bày hai nội dung chính:
1. Tụng đọc kinh văn (dành cho hàng hành giả)
2. Nghiên cứu kinh luận (dành cho hàng học giả)

I/ Tụng đọc kinh văn:
Ngòai các nghi thức thông thường như rửa tay, súc miệng, tán lư hương, tụng chú, điều đặc biệt lưu ý là hiểu rõ ý nghĩa của bài Khai kinh :
"Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách niên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa"
Bài kệ Khai kinh trên đây đã xác định được nguyên động lực duy nhất đúng của người sắp tụng đọc kinh văn. Nguyên động lực đó là gì ? Là pháp Bồ Đề tâm, phát khởi lòng Bồ Đề một cách dũng mãnh, khẩn trương để đạt đến giác ngộ viên mãn vì phúc lợi mênh mông cho tất cả chúng sanh. Tụng đọc kinh văn là để được thọ trì, được thể nhập vi diệu pháp, pháp trí độ, chân thiệt nghĩa của Như Lai. Các pháp này không dễ gì nghe được, thấy được. Phải trải qua biết bao trăm ngàn vạn kiếp mà vẫn khó có thể gặp được. May mắn thay, ta đã tạo được vô lượng phước đức trong bao nhiêu tiền kiếp cho nên kiếp này mới được nghe, tụng, đọc kinh Phật. Thật là một cơ hội hãn hữu. Tụng đọc kinh Phật để làm sáng tỏ chân thiệt nghĩa của Như Lai, để phát Bồ Đề tâm, lập tức tu hành "siêng năng tu học Phật pháp với sự cố gắng nỗ lực khẩn trương giống như giải cứu cái đầu của mình khỏi bị lửa cháy sém". Do vậy, hàng cư sĩ tại gia, cũng như các tu sĩ ở các tự viện, chùa chiền đọc tụng kinh Phật không với động cơ và mục đích nói trên thì chẳng có lợi lạc gì cả. Và như vậy đã bỏ lỡ một cơ hội hy hữu trong đời bởi vì "Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn".
Tuy nhiên, tưởng cũng nên xác định lại ý nghĩa của Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm (BodhiCita) tức là Lòng Bồ Đề, tức là Lòng Giác Ngộ, là thành tâm dũng mãnh đạt tới giác ngộ viên mãn vì phúc lợi mênh mông cho tất cả chúng sanh. 
Chính Bồ Đề Tâm làm cho Bồ Tát là Bồ Tát, làm cho Phật tử là Phật tử. Không có Bồ Đề Tâm thì không có đạo Phật trên thế gian này. Và không có Bồ Đề Tâm thì chùa chiền, tu viện, giáo hội cũng không có lý do tồn tại .
Bồ Đề Tâm gồm 2 phương diện :
1/ Đại từ bi
2/ Đại trí huệ
Phương tiện thiện xảo của Đại Từ Bi là hành trì Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định). Đại trí huệ là Bát Nhã Ba La Mật Đa, là vi diệu pháp, là pháp trí độ, là tánh KHÔNG. Tụng đọc kinh Phật phải khởi Bồ Đề Tâm làm nguyên động lực để cầu giải thóat xét như cứu cánh tối thượng. Chúng ta có thể đạt trình độ đại học, có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ, chúng ta có thể thành công trong cuộc đời, trở nên người thành đạt, chúng ta có thể là đại gia giàu có lắm tiền nhiều của, chúng ta là người thông thái lỗi lạc nhưng chắc gì chúng ta không chất chứa những hòai nghi, sợ hãi và lo toan thường trực. Ở Tây Tạng có lòai chim bay cao nhất là kền kền. Nhưng vấn đề không phải là chúng bay cao mà vấn đề là chúng ăn những gì. Trong kinh Lương Hoàng Sám  (ngài Trí Quang dịch) có một câu kinh lặp đi lặp lại nhiều lần, mà mỗi lần tụng đến là tôi cảm thấy vô cùng thống hối, xấu hổ: "Vì sao ngày nay chúng ta vẫn chưa được sám hối"
Con đường dẫn đến giải thóat có 2 phương tiện : Đại Trí và Đại Bi. Nói dễ hiểu là : Hiểu và Thương. Đại trí ở đây là vi diệu pháp, là pháp trí độ, là tánh Không. Bi ở đây là Từ bi (Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ). Trong kinh Pháp Hoa có câu : "Từ nhãn thị chúng sanh". Từ nhãn là cái nhìn trong sạch. Tiếng Tây Tạng : DAG SNANG, tiếng Anh : purevision, tiếng Pháp là pure perception có cùng một tầng nghĩa là Coi tất cả thế giới hiện tượng, tất cả chúng sanh đều là trong sạch, hoàn thiện từ bản lai nguyên ủy. 
Phần trên là viết cho hàng những người tụng đọc kinh văn tìm cầu giải thóat. Tiếp theo là phần nghiên cứu kinh luận Phật giáo đem lại lợi lạc cho bản thân và chúng sinh. Chương 9 kinh Phổ Minh Bồ Tát, trong bộ kinh Đại Bảo Tích có ghi điều 9 như sau : "Sau khi đọc tụng kinh Phật một  Bồ Tát hư hỏng bại họai là kẻ chỉ thích chơi chữ, thích hý luận thay vì thực hành đúng theo Phật pháp."
Bồ Tát  cũng được gọi   là Thượng Sĩ. Luận Du Già giải thích : "Không lợi ta lợi người là Hạ Sĩ, lợi ta không lợi người là Trung Sĩ, lợi cả ta lẫn người là Thượng Sĩ". Trên thực tế có một hạng người làm những việc vừa hại ta vừa hại người, hạng người này được gọi là Vô Sĩ được chăng ? Điều đáng nói ở đây là nghiên cứu kinh luận Phật giáo sao cho vừa lợi mình vừa lợi người để trở nên bậc Thượng Sĩ.

II/Vấn đề nghiên cứu kinh luận Phật giáo
Nguyên động lực của việc khám phá, vén mở chân lý là thái độ ngạc nhiên, hòai nghi. Sẽ không có khoa học nếu không có hòai nghi. Nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu kinh luận Phật giáo thì nền tảng của tất cả mọi hiện hữu là hòai nghi về Bản Ngã và Bản Thân của chính mình, tức là hòai nghi về cái "tôi" và cái "của tôi" (Ngã và Ngã Sở) Đó là nguyên động lực cần và đủ cho một người muốn bắt tay vào việc nghiên cứu, tranh luận về kinh điển Phật giáo. Một triết gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu Phật giáo, vào cuối đời đã ngộ ra một điều: "Ngôn ngữ của chư Phật và chư Bồ Tát là ngôn ngữ tự xóa mất trong từng chữ và từng tiếng để bất ngờ khai mở một thế giới vô tận, mới lạ. Và chỉ khi nào cái Bản Ngã hẹp hòi của mình bị nghiền nát thành tro bụi thì may ra lúc ấy mới bừng sáng tất cả chân thiệt nghĩa vô lượng của Như Lai" (Phạm Công Thiện).
Thật vậy, nếu đem cái Tôi và cái "của Tôi" mà nghiên cứu giáo điển nhà Phật thì thật là vô bổ. Bởi lẽ đạo Phật là đạo giải thóat, học Phật, tu Phật nhằm mục đích cứu khổ thóat vòng Luân hồi sinh tử. Bí quyết của Thiền tông là vấn đề sinh tử (Sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc). Nghiên cứu kinh luận để khoe khoang sở học của mình chẳng qua là để phô diễn cái tôi.
Trong giảng dạy hoặc nghiên cứu kinh luận Phật giáo cần tránh 2 trường hợp : Thóat ly kinh điển và cố chấp vào văn tự, ngôn thuyết (Đản hữu ngôn thuyết. Đô vô thật nghĩa). Các vị cổ đức ngày xưa đã từng cảnh báo : "Ly kinh giảng nghĩa tức đồng Ma Phật
Y kinh giảng nghĩa Tam thế Phật oan"
Ly kinh là thóat ly yếu nghĩa, mật nghĩa của Như Lai trong kinh Phật để giảng kinh Phật. Còn y kinh là chấp vào văn tự, ngôn thuyết trong kinh và cho đó là tinh túy của đạo Phật đang khi ngôn ngữ chỉ là phương tiện thiện xảo để làm sáng tỏ thực tại chứ không phải là chính thực tại. Lời Phật nói ra là Ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải Mặt trăng (Nhất thíết tu Đà La giáo như nguyệt chỉ tiêu). Ngôn ngữ, khái niệm là công cụ, là phương tiện để vén mở chân lý, để tiếp cận Thực Tại. Ngài Long Thọ đưa ra thuyết Trung đạo để xác định vai trò giả danh của ngôn ngữ: "Nếu bảo tất cả đều Không mà ngôn ngữ là tất cả thì lấy gì bảo là Không" ? Vì vậy phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện thiện xảo. Và như vậy ta có công thức :KHÔNG - GIẢ DANH- TRUNG ĐẠO.
Truyền thống triết học Tây phương có thói quen chặn đứng hai đầu của thực tại ( A = A) để quan sát, nhận thức thực tại bằng các khái niệm khô cứng. Trong khi thực tại luôn luôn biến dịch (penta tei) tất cả đều trôi chảy, sống rồi chết, đêm rồi ngày ( thệgiả như tư phù bất khả trú giả), Henry Bergson đã phê bình triết học xây trên khái niệm, phạm trù có tính tĩnh chỉ như sau : "Khái niệm (concept) tựa như cái vỏ kén đã khô đét, tựa như tổ kén mà con ngài đã cắn tổ bay đi rồi, còn lại cái vỏ rỗng. Đem những khái niệm ấy ra xếp đặt, tìm hiểu thực tại, khác nào đem mớ kén rỗng để tìm hiểu khi con ngài đã xa chạy cao bay". Nhận thức khái niệm là sản phẩm của trí năng. Nhưng trí năng có giới hạn của nó, nó chỉ nhận biết được những hiện tượng bì phu chi ngoại  (phénomène) chứ không nắm bắt được thế giới ẩn tượng (noumène) mà Duy thức học gọi là Thế giới tánh cảnh (thực tại). Thói quen của nhận thức khái niệm là điều kiện hóa đối tượng, tức là nhận thức có sự so sánh, đối chiếu, nhị nguyên đối đãi. Ví dụ: khái niệm ngắn đòi hỏi phải có điều kiện đi với khái niệm "dài" ( tương tự xấu/tốt; nhơ/ sạch; cao/thấp; trong/ ngòai...) Điều kiện hóa là tạo ra cái để so sánh trong khi bản chất của vạn vật là không sai khác không phân biệt. Nhận thức bằng điều kiện hóa đối tượng là tự giam mình trong hòan cảnh có giới hạn (Situation limite). Cụ Nguyễn Công Trứ đã có cái nhìn vô phân biệt :
"Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngòai"
Tinh yếu của đạo Phật là Tánh Không  , thể nhập, tiếp cận Tánh Không bằng tuệ giác, trí tuệ chứ không bằng trí năng. Đành rằng trí năng, nhận thức, khái niệm đựơc dùng như phương tiện giả danh (Bất động giả danh như kiến thật nghĩa). Chính vì vậy mà lập luận trong Phật giáo là lập luận theo cách phủ định (Vô). Như đã nói ở trên, ngôn ngữ của chư Phật và chư Bồ Tát là ngôn ngữ tự xóa mất trong từng chữ từng tiếng. Lập luận phủ định là có ý muốn đập tan các vấn nạn của trí năng. "Vô" không có dấu vết của trí năng mà chỉ có dấu vết của ý chí vượt qua trí năng. Nói thế không có nghĩa là chối bỏ trí năng, cái đáng bị chống đối là xem trí thức là thực tại cứu cánh (có người đề cao ý thức ngang bằng với thượng đế). Sở dĩ có sự dài dòng về phương pháp nhận thức trong truyền thống triết học Tây phương là vì gần đây  có sự tranh cãi về Phật giáo và Trần Đức Thảo mà người đề dẫn vấn đề là  Hồ Trung Tú trong bài viết : "Sự gặp gỡ bất ngờ giữa Phật giáo và Trần Đức Thảo".
Đến đây, tưởng có thể cho rằng nội dung của bài viết có thể trình bày đầy đủ. Song vì có tình trạng có những tranh luận không có hồi kết trên đây nên xin được nêu một vài thực tế diễn ra trên diễn đàn tranh luận để làm sáng tỏ bài viết.
Trong 24 điều khiến cho Bồ Tát đánh mất Bồ Đề Tâm của kinh Bảo Tích : "Chẳng tin và nói nghịch lại với những kinh Phật mà mình chưa được nghe lần nào". Và điều thứ 19 : "Những học giả thế tục cũng không thể là bạn tốt và bạn đồng hành với Bồ Tát vì họ chỉ lo nghiên cứu các thứ ngọai đạo và khoái sướng với hư văn, mỹ lệ, với văn tự nghiêm sức điểm trang". Hai điều này nếu ứng vào việc so sánh đối chiếu giữa Trần Đức Thảo (TĐT) và Phật giáo của Hồ Trung Tú (HTT) thì thật có nhiều điều để bàn. Ta hãy nghe lời đề dẫn của  HTT "Tôi không hiểu nhiều về TĐT nhưng nhìn thấy điểm hay ho của triết gia này khi phân tích nguồn gốc của ý thức ta bèn liên tưởng đến quan điểm cội sinh của ý thức trong kinh Thập nhị nhân duyên qua cách hiểu của Thiền tông. Từ đó có những mong đợi, gợi mở cách hiểu, cách tiếp cận mới với kinh sách nhà Phật đã bị che phủ bởi nhiều luận giải trùng vá không trùng suốt (?) là từ 2000 năm qua".
Trước hết nói không hiều nhiều về TĐT mà đem ông này so sánh với Phật giáo là sai nguyên tắc nghiên cứu. Bởi vì muốn so sánh phải nắm vững cả hai vế : Vế so sánh và vế được so sánh.
Thứ đến có phải là : "Kinh sách Phật giáo đã bị che phủ suốt 2000 năm qua" do những luận giải không trùng suốt" ? và nếu thực như thế thì liệu ông HTT có gợi mở được cách hiểu, cách tiếp cận mới không ?
Những vấn nạn trên lớn quá, khó quá, xin miễn bàn. Tuy nhiên cũng nên xin dẫn ra đây một số việc mà HTT đã nêu lên trong các bài viết tạo ra nhiều hồ nghi không đáng có :

Thứ nhất  HTT đã đưa một cụm từ không có trong kinh điển Phật giáo là "Vô thủy vô minh " để chứng minh (theo giọng lưỡi của T ĐT) rằng : Thọat kỳ thủy chỉ có Vô minh. Theo ông Vô minh cũng là vô thức, cũng là bản năng, rằng : thưở hồng hoang mông mụội khi con người còn ăn lông ở lỗ thì hòan tòan không có ý thức mà chỉ có vô thức, bản năng. Khi so sánh Thập nhị nhân duyên với  TĐT, HTT bắt gặp điều gặp gỡ bất ngờ giiữa Phật giáo và TĐT. TĐT cho rằng nguồn gốc của ý thức là Hành, là "những họat động lao động kiếm sống để sinh tồn và truyền giống". Theo đó Hành là họat động lao động (active) là nguồn gốc của ý thức. Giống như 12 nhân duyên : Vô minh, Hành, Thức, ...  TĐT không nói nguồn gốc của Vô minh là gì. Nhưng  HTT dựa vào câu nói của TĐT "Trước khi con người chưa có ý thức, tức hòan tòan vô thức, tức khi con người là động vật vượn người  thì cái dẫn dắt mọi hành vi là Hành , tức là những họat động kiếm sống và sinh tồn" để cho rằng nguồn gốc của Hành và Vô minh. Rồi từ đó kết luận Vô thức, Vô minh là nguồn gốc, là điểm khởi đầu cùa 12 nhân duyên. Chuyện đúng sai trong lập luận của hai nhà tôi không bàn thêm nữa vì đã nói ở bài trước. Ở đây xin xác định là cụm từ Vô thủy Vô minh không có trong kinh điển Phật giáo. Trong kinh điển chỉ có cụm từ Vô thủy Vô chung (tức là vòng tròn Sinh Lão bệnh Tử không bắt đầu từ đâu và không kết thúc từ đâu) .
Mà cho dù có cụm từ Vô thủy vô minh thì cũng không có nghĩa rằng thọat kỳ thủy chỉ có vô minh. Thọat kỳ thủy có Vô minh và có cả Chân Như giống như ánh sáng và bóng tối có cùng một trật. Đức Phật đã từng nói : "Tiếc thay, tất cả chúng sanh đều có đủ Huệ Đức Tướng Như Lai, nhưng vì Vô minh làm cho ô nhiễm che khuất (Kỵ ta nhất thiết chúng sanh cựu hữu, Huệ, Đức, Tướng Như Lai Nhi vị Vô Minh ô nhiễm hữu cố). Như vậy thọat kỳ thủy không chỉ có Vô thức Vô minh mà có cả Chân Như. Nói tóm lại Phật giáo và TĐT chẳng có điểm nào gặp nhau cả. Bởi lẽ ý thức và Hành của TĐT hòan tòan xa lạ với Thức và Hành trong Thập nhị nhân duyên. Và như vậy không thể đánh đồng Vô minh với Vô thức và Bản năng.
Còn nữa, trong tranh luận với PhongUyên ( trong blog Hồ Trung Tú ), HTT đã đưa ra những chứng lý không thuyết phục để bác bỏ những luận điểm của P.U. P.U. nói : "Đạo Phật là Vô Ngã và tất cả mọi hiện tượng đều là hư ảo cần lọai bỏ". HTT bác bỏ luận điểm này và cho rằng trong kinh Phật nhiều chỗ có đề cập đến Ngã, đến Thân và các hiện tượng không hề là hư ảo, không cần lộ rõ.
P.U. nói : Đạo Phật là vô ngã" là đúng (khổ, vô thường., vô ngã) và mọi hiện tượng là hư ảo là hợp với khế kinh ( Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn tạo ảnh, như lộ diệc như điện)
Nói đến hiện vật, hiện tượng hư ảo là nói đến Vô tự tính. Cái mà ta gọi là vật hay hiện tượng gì đó bằng một khái niệm thì cái đó, hiện tượng đó được hợp thành bởi những yếu tố không phải nó. Chính vì vậy mà nó mới là nó (như thị). Tất cả các pháp đều Không vì không có tự tánh.  HTT dẫn kinh để chứng minh có Ngã trong kinh Phật :
... Kinh Kim Cương "Ngay trong thân Phật mà thấy là Phật thân".
Đây là vấn đề quán thân trong thân chứ không phải là Ngã. Quán Thân trong Thân để thấy Thân vô tự tính, thân giả hợp, thân vô ngã mà thấy được vô ngã là thấy được Phật thân. Bởi vì thân thể này chính là cái Ta, thân thể này với ta là một (This body is me). Huệ Trung Thượng Sĩ nói :"Thỏa nguyện ta hề được ngã sở. Sống chết bức nhau hề ta vẫn xem thường"
  HTT dẫn kinh Pháp Hoa : "Phật tính trong chúng sinh tính" Câu này cũng không có nói đến Ngã mà có ý nói Phật pháp không xa rời thế gian pháp (Chân đế trong Tục đế) -   HTT nói "Có Ngã sao có câu Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc" Mấy câu này trong kinh Bát Nhã không phải thừa nhận có Ngã mà nêu lên tính tương tức, tương nhập (cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này ở trong cái kia)
Ngoài ra để chứng minh những luận giải kinh điển trùng vá không trùng suốt, HTT đưa ra ví dụ : Tứ diệu đế (Bốn sự thật) là chân lý mà Phật thuyết pháp đầu tiên với 5 anh em ông Kiều Trần Như vì sao lại phủ nhận trong kinh Bát Nhã :
"Không hề có Vô minh
Không hề có hết Vô minh
Cho đến không Lão, Tử
Không Khổ, Tập, Diệt, Đạo..."
Bộ kinh Tinh yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa được Bồ tát Quán Tự Tại tuyên đọc trước khi thực hành sâu (hành thâm) quán chiếu thấy Năm uẩn đều không. Trong tánh không mọi cái đều không, tất cả bốn sự thật : Khổ, Tập, Diệt, Đạo đều Không. Bởi vì Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng không tồn tại một cách độc lập mà duyên vào nhau, cái này là Nhân của cái kia (Tập là nguyên nhân của Khổ, Đạo là nguyên nhân của Diệt). Không thể căn cứ vào đó mà nói kinh sách Phật giáo bị che phủ bởi những luận giải trùng vá không trùng suốt. Nói như vậy là không kính trọng luận sư, pháp sư trong quá khứ và hiện tại. Do chấp vào ngôn thuyết mà cho rằng chỗ này nó có và chỗ kia nó không. Lời nói dù là Phật thuyết cũng theo thế gian. Chấp lời là nghịch ý. Y kinh giảng nghĩa là oan cho ba đời  chư Phật. Kinh Kim Cang do Phật thuyết nhưng trong kinh Phật nói : "Nếu có người nói ta có thuyết pháp là phỉ báng ta". Pháp mà còn phải bỏ huống chi Không phải Pháp. Trong nhà thiền có ẩn dụ "Hàn lưu trục khối- Sư tử giảo nhân". Một người liệng ra cục xương , con chó chạy theo cục xương mà cắn, còn  con sư tử thì không để ý đến cục xương mà cắn người liệng ra cục xương (người : tự tánh; xương :lời của Phật tổ). Chó đuổi theo lời của Phật tổ, còn sư tử thì cắn tự tánh . Cũng như nói "Ngón tay chỉ mặt trăng", có người nương tay theo ngón tay để nhìn thấy mặt trăng, lại cũng có người chỉ nhìn chăm chăm vào ngón tay và cho đó là mặt trăng.
  Sau cùng còn vấn đề nữa trong nhiên cứu kinh điển Phật giáo  là hiện nay có khuynh hướng đem phật giáo cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học (như sinh vật học ,nhân chủng học ,cơ thể học ,phân tâm học ,triết học ,các lý thuyết và các chủ thuyết thế tục ...)
Về vấn đề này ta không cần bàn luận thêm nữa mà chỉ cần đọc kỹ đoạn trích sau đây của Albert  Einstein -nhà bác học lỗi lạc thế giới -"Nếu có một tôn giáo nào có thể thích nghi với những nhu cầu của khoa học thì đó chính là Phật giáo . Phật giáo không cần phải duyệt  xét quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học .Bỡi vì Phật giáo bao gồm cà khoa học và đồng thời cũng vượt qua khoa học .Phật giáo siêu việt qua thời gian và mãi mãi có giá trị ."
     Đức Phật Thích Ca chưa từng tốt nghiệp trường đại học nào nhưng nhờ thiền định mà biết được vũ trụ có vô số thế giới hằng hà sa số như cát sông Hằng ;trái đất không phải là trung tâm vũ trụ ; thân thể con người có 360 khớp xương 84000 lỗ chân lông vv...Chúng ta đâu cần đem quan điểm Phật giáo để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học để rồi nói theo giọng lưỡi của thời thượng rằng Phật giáo đồng hành cùng ông này cùng bà nọ !
 Đạo Phật là đạo giải thóat, kinh điển Phật giáo giúp ta con đường đi tới cứu cánh giải thóat. nghiên cứu kinh luận để có được tuệ giác, thấy được khổ, vô thường, vô ngã chứ không phải để khoe khoang tri thức, phô diễn cái ta. Thâu đọat kiến thức dưới tay người khác là tự đóng cửa sự tự giác ngộ của mình. Muốn việc nghiên cứu kinh luận Phật giáo đem lại lợi lạc cho mình và cho chúng sanh phải có động cơ phát Bồ Đề tâm. Ngòai ra cần thiết phải tỏ ra Khiêm hạ, Khoan nhu, không nên quá tự cao tự đại, kiêu ngạo, ngạo mạn, khinh thường và miệt thị người khác.
    Để kết thúc bài viết này, xin dẫn ra đây bài thi kệ "Thị học" (Bảo cho hàng học giả biết) của Huệ Trung Thượng Sĩ do Trúc Thiên dịch thơ :
"Miệt mài học giả hướng nào dong
Gạch ngói mài chi luống uổng công
Thôi chớ cửa người nương dựa mãi
Ánh xuân một điểm khắp trời bông"
Câu cuối nguyên văn Hán tự : "Nhất phiến xuân quang xứ xứ hoa" nghĩa là Chỉ cần một tia nắng ấm của mùa xuân chiếu rọi thì đâu đâu cũng thấy nở rộ bông hoa. Dựa vào tri thức của người khác, chấp vào ngôn thuyết văn tự, tham gia vào trò chơi hý luận, khư khư bảo thủ ý kiến của mình ... chẳng khác nào mài gạch ngói để mong thành gương soi mặt. Những biên kiến, thủ kiến, chấp kiến đem ra để tranh luận chẳng khác gì  "đàm dãi của chồn cáo "( *)
        
(*)  Đây là thành ngữ phổ biến trong nhà thiền  phê phán những người sa vào ngôn thuyết ,xao lãng tự tánh  .

- Phạm Hạnh-

26 nhận xét:

  1. Có một mớ chỗ để cãi. Nếu Phạm Đạt Nhân muốn con cãi con sẽ cãi :)

    Trả lờiXóa
  2. Đọc 1 bài luận là để suy ngẫm,để chiêm nghiệm.
    Cuộc đời là vạn vạn những sát na, cho nên cái "tức thì" cũng đã là quá khứ, cái quá khứ thì có thể trở thành cái cũ, cái cũ có đôi lúc không còn thuyết phục được cái mới. Sự dung nạp tri thức của con người có hạn, cho nên sự chiêm nghiệm cũng có giới.
    Không có gì là tuyệt đối, nếu "Ta bà" tui muốn cãi, tui cũng có thể lôi sách của ông Khổng Phu Tử, sách ông Krishnamurtri ra- đầy chỗ để tui cãi.

    Trả lờiXóa
  3. Một người đến gặp một triết gia để …cãi, anh ta cao giọng: “bất cứ điều gì ông nói, tui sẽ chỉ ra một mớ để cãi”. Triết gia nói:
    “Không có điều gì mãi mãi là chân lý, là vĩnh hằng”.
    Anh ta cãi. Vị triết gia kia yên lặng.


    Anh ta tìm gặp một vị thiền sư cũng để …cãi, anh ta cao giọng: “ bất cứ điều gì ông nói, tui cũng sẽ chỉ ra một mớ để cãi”.
    Vị thiền sư nói “vạn vật vũ trụ vô thường vô ngã vô tướng vô thủy vô chung”.
    Anh ta cãi. Vị thiền sư kia yên lặng.


    Anh ta đắc chí, cứ tuởng mình là vô địch cãi và luôn mong tìm người cãi giỏi để so tài. Được người đời mách bảo, anh ta tìm đến một người có ních-nem là NgoKhong để …cãi.

    Gặp mặt NGokhong, anh ta cũng cao giọng “ bất cứ điều gì anh nói, tui cũng chỉ ra một mớ chổ để cãi…”. NgoKhong cười hé hé, hé hé (như …khỉ) và ra điều kiện:
    “Được, tôi sẽ nói để anh cãi với điều kiện tôi sẽ nói với anh tại đồn công an, nhờ công an làm chứng”. Anh ta gật đầu đồng ý ngay.

    Tại đồn công an, NgoKhong bắt đầu nói:
    “ Đảng CSVN quang vinh muôn năm”.

    Anh ta yên lặng. NgoKhong cười hé hé, hé hé (như…khỉ

    Ngokhong tiếp: “Đảng csvn luôn luôn sáng suốt và vĩ đại”. Anh ta lại yên lặng. Ngokhong lại cười hé hé, hé hé.

    NgoKhong làm quả cuối: “ Tấm gương đạo đức HCM là tấm gương đạo đức sáng người”.

    Anh ta hộc hộc mấy tiếng ra chiều muốn nói song lại lẳng lặng bỏ đi.
    (Ngokhong)lại cười hé hé, hé hé.

    Trả lờiXóa
  4. Ngokhong ơi !hôm nay bản cô nương ta mới thấy cái thần lực của cây THIẾT BẢNG của NGOKHONG đấy .Hãy vung sấm sét diệt trừ lủ yêu quái nhé nhé .

    Trả lờiXóa
  5. Vậy thì sư huynh Phạm Hạnh chuẩn bị nghe nhé. Tui đây có máu điên nhưng không phải tự dưng mà điên , ai chọc vào nó mới điên. Quý vị muốn thấy người điên thì chuẩn bị nghe nhé :)

    Trả lờiXóa
  6. Trước hết xin quý vị đọc vài bài tôi đã viết lâu nay và đã công bố trên mạng, để may ra không lặp lại những điều không cần thiết, và quan trọng nhất là cần phải hiểu không nên đóng khung cách hiểu đạo Phật lại. Nó cầng được hiểu cho đúng. Lên chùa lạy Phật tôi không cầu xin điều gì, chỉ xin cho con được hiểu chánh pháp. Và tôi đang nỗ lực làm điều này một cách tự lực chứ không đợi Phật bổ đầu đổ vào. Và các bạn cũng nên thế.


    http://www.quangduc.com/khoahoc/82tuongdong.html
    http://www.talawas.org/?p=16520
    http://phathoc.net/phat-phap/thien-hoc/564602_giai_ma_nhung_bi_an_cua_thien_dinh.aspx
    http://www.talawas.org/?p=20343

    Trả lờiXóa
  7. Và bây giờ bắt đầu:
    Trước hết xin nói về thuật ngữ "Trùng vá không trùng suốt" .
    Không hiểu bác Phạm Hạnh mắt mũi sao mà đọc câu: "trúng và không trúng suốt hơn hai ngàn năm qua" thành "trùng vá không trùng suốt" rồi phê phán cái gì tôi thực sự không hiểu

    Trả lờiXóa
  8. Và bây giờ là đặt nguyên tắc tranh luận:
    1/ trước hết đạo Phật có cần tranh luận để hiểu đúng hay không ?
    Câu này không trả lời thì tôi xin dừng lại mọi cuộc nói cbuyện; đơn giản là vì ai cũng khăng khăng bảo mình là duy nhất đúng, ai mở miệng nói gì liền khép cho tội loạn ngôn, hí luận, ăn đờm dãi con chồn... thì nỗ lực đều vô ích.
    Nếu chấp nhận thì phải tôn trọng người đối thoại, có thể bảo dốt vì không biết chứ cấm bảo ngu và cấm không được xúc phạm cá nhân.

    Nếu được đồng ý tôi sẽ thứ tự trả lời những điều:

    ...

    Trả lờiXóa
  9. "ta bà" tui không am hiểu kinh Phật, mong được thỉnh giảng!

    Trả lờiXóa
  10. Nhà cháu xin phép được bắt đầu, cũng nói cho xong, để oan ức trong bụng lâu nó không tốt cho sức khỏe, có gì bác Phạm Hạnh bỏ quá cho cháu vô phép :)
    -------
    Phạm Hạnh: Ta hãy nghe lời đề dẫn của HTT "Tôi không hiểu nhiều về TĐT nhưng nhìn thấy điểm hay ho của triết gia này khi phân tích nguồn gốc của ý thức ta bèn liên tưởng đến quan điểm cội sinh của ý thức trong kinh Thập nhị nhân duyên qua cách hiểu của Thiền tông. Từ đó có những mong đợi, gợi mở cách hiểu, cách tiếp cận mới với kinh sách nhà Phật đã bị che phủ bởi nhiều luận giải trùng vá không trùng suốt (?) là từ 2000 năm qua". Trước hết nói không hiều nhiều về TĐT mà đem ông này so sánh với Phật giáo là sai nguyên tắc nghiên cứu. Bởi vì muốn so sánh phải nắm vững cả hai vế : Vế so sánh và vế được so sánh.

    HTT: Nhà cháu nói câu trên “không hiểu nhiều về TDT” là trong trường hợp người đối thoại nói ra ngoài khuông khổ trao đổi, nói về những tác phẩm của TĐT như : “Chủ Nghĩa Marx và Hiện Tượng Học” , “Hạt Nhân Duy Lý” trong Triết Học Hê-Ghen, tiểu sử TĐT... nó ra ngoài chủ đề “nguồn gốc của ý thức”, chủ đề đang trao đổi. Có cần thiết phải biết hết TĐT mới bàn được chuyện kết nối luận điểm nguồn gốc của ý thức với thuyến Nhân duyên nhà Phật ?

    Trả lờiXóa
  11. PH: Thứ đến có phải là : "Kinh sách Phật giáo đã bị che phủ suốt 2000 năm qua" do những luận giải không trùng suốt" ? và nếu thực như thế thì liệu ông HTT có gợi mở được cách hiểu, cách tiếp cận mới không ? Những vấn nạn trên lớn quá, khó quá, xin miễn bàn.
    HTT: Vì quá khó, quá lớn nên mới cần khai mở. Người mới khai mở, mới đặt vấn đề thôi đã bị vùi cho là lộng ngôn, hí luận, là khoe khoan sở học... thì có phải là tầm nhìn của bậc trượng phu không ? Sao gọi đó là khoe khoang sở học được, nói chuyện chưa ai từng nói, gợi mở ra một cách tiếp cận mới, dùng ngôn ngữ hiện đại để hiểu Phật giáo là một nỗ lực tìm học cần thiết, nói ra để tìm cách điều chỉnh, sao gọi là khoe khoang sở học được ? Khoe khoan sở học là khoe hiểu biết, thuộc bài, trầm chương trích cũ, đây là nói chuyện chưa ai từng nói thì là cần thiết chứ ?

    Trả lờiXóa
  12. PH: Thứ nhất HTT đã đưa một cụm từ không có trong kinh điển Phật giáo là "Vô thủy vô minh " để chứng minh (theo giọng lưỡi của T ĐT) rằng : Thọat kỳ thủy chỉ có Vô minh. Theo ông Vô minh cũng là vô thức, cũng là bản năng, rằng : thưở hồng hoang mông mụội khi con người còn ăn lông ở lỗ thì hòan tòan không có ý thức mà chỉ có vô thức, bản năng. Khi so sánh Thập nhị nhân duyên với TĐT, HTT bắt gặp điều gặp gỡ bất ngờ giiữa Phật giáo và TĐT. TĐT cho rằng nguồn gốc của ý thức là Hành, là "những họat động lao động kiếm sống để sinh tồn và truyền giống". Theo đó Hành là họat động lao động (active) là nguồn gốc của ý thức. Giống như 12 nhân duyên : Vô minh, Hành, Thức, ... TĐT không nói nguồn gốc của Vô minh là gì. Nhưng HTT dựa vào câu nói của TĐT "Trước khi con người chưa có ý thức, tức hòan tòan vô thức, tức khi con người là động vật vượn người thì cái dẫn dắt mọi hành vi là Hành , tức là những họat động kiếm sống và sinh tồn" để cho rằng nguồn gốc của Hành và Vô minh. Rồi từ đó kết luận Vô thức, Vô minh là nguồn gốc, là điểm khởi đầu cùa 12 nhân duyên. Chuyện đúng sai trong lập luận của hai nhà tôi không bàn thêm nữa vì đã nói ở bài trước.

    HTT: lập luận ở trên hay vậy, và cháu thấy bác PH đã hiểu rõ vẫn đề mà sao bác cũng vẫn cứ bỏ qua, thật tiếc !

    Trả lờiXóa
  13. PH: Ở đây xin xác định là cụm từ Vô thủy Vô minh không có trong kinh điển Phật giáo. Trong kinh điển chỉ có cụm từ Vô thủy Vô chung (tức là vòng tròn Sinh Lão bệnh Tử không bắt đầu từ đâu và không kết thúc từ đâu) .

    HTT: Nhà Thiền có cụm từ nói đi nói lại rất nhiều lần “phá tan hầm sâu vô thủy vô minh” . Lẽ nào bác PH không nghe nói ?

    Trả lờiXóa
  14. PH: Mà cho dù có cụm từ Vô thủy vô minh thì cũng không có nghĩa rằng thọat kỳ thủy chỉ có vô minh. Thọat kỳ thủy có Vô minh và có cả Chân Như giống như ánh sáng và bóng tối có cùng một trật. Đức Phật đã từng nói : "Tiếc thay, tất cả chúng sanh đều có đủ Huệ Đức Tướng Như Lai, nhưng vì Vô minh làm cho ô nhiễm che khuất (Kỵ ta nhất thiết chúng sanh cựu hữu, Huệ, Đức, Tướng Như Lai Nhi vị Vô Minh ô nhiễm hữu cố). Như vậy thọat kỳ thủy không chỉ có Vô thức Vô minh mà có cả Chân Như. Nói tóm lại Phật giáo và TĐT chẳng có điểm nào gặp nhau cả.

    HTT: Khi mặt đất chưa có con người (cụ thể là thời khủng long 65 triệu năm trước) thì Chơn Như ở đâu bác PH ? Nếu bác nói Chơn Như ở cõi thiên hà khác, cõi trời nào đó khác thì cháu xin miễn bàn, vì điều đó hoàn toàn thuộc về niềm tin, ở đây, cháu xin nói ngay trên mặt đất này, với những điều cụ thể (Như Lục tổ nói: Tìm Phật tánh ngoài chúng sinh như đi tìm lông rùa sừng thỏ) là cơ thể này, cuộc sống này, thế giới này. Sự sống hình thành trên mặt đất này 3 tỉ năm trước và nó phát triển dần từ thô sơ lên phức tạp. Từ những con khủng long gầm rú đến bầy khỉ chí chéo bắt đầu bở cây xuống đất. Rõ ràng thời đó TRÊN MẶT ĐẤT HOÀN TOÀN CHƯA CÓ THỨC ? Bác có đồng ý điều này không ? Làm thế nào để trên mặt đất xuất hiện ý thức của con người ? Đó là công trình của TĐT, và cháu lấy kinh sách nhà Phật để soi chiếu lại điều đó liệu có đúng không . Ngày nay người ta lấy kinh sách nhà Phật để soi chiếu đến các lý thuyết sự hình thành vũ trụ. Nhà cháu soi chiếu việc hình thành ý thức qua quan điểm của TĐT, cũng là một cố gắng cần thiết chứ bác PH ?

    Trả lờiXóa
  15. PH: Bởi lẽ ý thức và Hành của TĐT hòan tòan xa lạ với Thức và Hành trong Thập nhị nhân duyên. Và như vậy không thể đánh đồng Vô minh với Vô thức và Bản năng.

    HTT: Bản năng, vô thức trong ngô ngữ tâm lý học hiện đại có phải chính là Vô minh, Tàng thức, Alạida thức hay không cháu xin hẹn bác PH trong một bài viết công phu hơn.

    Trả lờiXóa
  16. Còn nhiều nữa, đụng đâu cũng thấy điều cần phải nói lại cho rõ, như chuyện vô ngã, bác PH đã bao giờ nghe đến câu "Ngã mang đến bao nhiêu khổ đau nghiệp chướng thì vô ngã cũng mang lại chừng đó khổ đau nghiệp chướng không" Và đó mới là nghĩa thật của sắc tức thị không không tức thị sắc (bắt nhã) và "ngã với vô ngã bất nhị" (Duy Ma Cật)...Có nghĩa là còn rất nhiều điều cần phải hiểu, cần phải đào sâu chứ không phải đơn giản chỉ một cách hiểu. Mong bác PH hiểu thành tâm của cháu.
    Mà thôi, xin tạm dừng ở đây, nếu bác và các bạn ở đây thực sự muốn nghe cháu nói, cho dù là nói trật , nghe để cười, cháu sẽ nói nữa, còn không thì thôi. Bye cũng dễ mà :)

    Trả lờiXóa
  17. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  18. Xin được tiếp tục:
    ------------

    PH: HTT dẫn kinh để chứng minh có Ngã trong kinh Phật :... Kinh Kim Cương "Ngay trong thân Phật mà thấy là Phật thân". Đây là vấn đề quán thân trong thân chứ không phải là Ngã. Quán Thân trong Thân để thấy Thân vô tự tính, thân giả hợp, thân vô ngã mà thấy được vô ngã là thấy được Phật thân. Bởi vì thân thể này chính là cái Ta, thân thể này với ta là một (This body is me). Huệ Trung Thượng Sĩ nói :"Thỏa nguyện ta hề được ngã sở. Sống chết bức nhau hề ta vẫn xem thường"


    HTT: Trong "tham thiền cảnh ngữ", có đoạn : Ngài Huyền Sa nói: Ông nay muốn được ra khỏi cái thân do năm uẩn chủ tể kia, chỉ cần biết cái thể kim cương bí mật của ông. Cổ nhân nói với ông: “Viên thành chánh biến trùm khắp sa giới”. Ngài Bác Sơn bình: Thể kim cương bí mật tức là “Viên thành chánh biến trùm khắp sa giới”. Nói rõ ràng với ông rằng: “Cần phải toàn thân ngộ nhập mới được”.
    Bác PH cho cháu hỏi: ‘ Cần phải toàn thân ngộ nhập” là cái gì vậy ? Nếu quán thân để thấy thân vô tự tính như bác nói thì đó là trí nhập chứ đâu phải “toàn thân” ? Và trong kinh Duy Ma Cật có hẳn một chương nói về thân kim cang vô bệnh của bậc chứng đắc. Đó là Phật thân rất cụ thể, vô bệnh, là toàn thân (đến từng tế bào) ngộ nhập chứ không phải là chuyện nhận thức. Kính xin bác Phạm Hạnh mở lòng ra để nhận thấy còn nhiều điều cần phải nhận thức lại, còn nhiều điều cần phải đào xới để hiểu thật kỹ trước khi hạ thủ công phu. Vì nếu không ta sẽ công phu nhầm. và đó là cích lợi của việc nói này, trao đổi tranh luận này. Xin đừng bảo đây là đờm dãi con chồn, là hí luận, loạn ngôn ! Mong thay !

    Trả lờiXóa
  19. ha ha ha.......
    Mình rất thích câu chuyện "Cãi" của NgoKhong.

    Trả lờiXóa
  20. Và tình cờ thấy một người nữa cũng làm cái kết nối Phật giáo - Trần Đức Thảo. Mời bác Phạm Hạnh xem:
    http://www.vietfreefun.com/forum/showthread.php?11646-T%E1%BB%AB-Tr%E1%BA%A7n-Nh%C3%A2n-T%C3%B4ng-%C4%91%E1%BA%BFn-Tr%E1%BA%A7n-%C4%90%E1%BB%A9c-Th%E1%BA%A3o

    Trả lờiXóa
  21. Vô ngã không phải là cứu cánh của Phật Giáo. Nó là phương tiện giúp chúng sinh thoát cái khổ là bị lôi kéo, điều hoạt bởi những chuyện không có thật, những giả hợp. Vì tin có con quỷ trong miếu hoang, một thanh niên quyết đến đánh nó. Đến nơi anh chẳng thấy gì nên nghĩ có lẽ con quỷ đi ăn tối sẽ về nên anh ngồi chờ. Vào lúc tối một thanh niên khác trong làng đi đến miễu để đánh quỷ. Người đến trước thấy người đến sau là quỷ đi ăn về, người đến sau thấy người trước là quỷ ở trong miếu. Hai bên đánh nhau cho đến khi trời sáng thì biết đều lầm. Vô ngã cũng giống như con quỷ giả tưởng làm cho mình điêu đứng. Biết vô ngã là chuẩn bị tiếp nhận lẽ vô thường, khi hương sắc không còn nữa thì đừng buồn khổ, khi hết quyền hành thì nên "thối vi sư".
    Sau khi rốt ráo thuyết giảng về vô ngã và vô thường Phật nói có ngã nhưng là chân ngã là trạng thái giác ngộ. Người tây phương diễn tả điều nầy theo lồi của họ bằng cách nói rằng Phật là đấng có tự do đối với tất cả (free from every thing). Điểm kế tiêp Ngài nói đến hữu thường, tức là tính cách trường cửu của Phật tánh, nói theo kiểu Trung Hoa là cái uyên nguyên của đạo, nó trường tồn bất hoại.
    Hai đểm nầy Phật thuyết giảng rất nhiều cách, rất nhiều ví dụ trong Kinh Niết Bàn. Đây là kinh cuối cùng về thời gian. Kinh cuối cùng về nghĩa lý là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Kinh Niết Bàn được các nhà chú giải nhất là Thiên Thai Tông cho là phụ đính của kinh Pháp Hoa. Trong lối phân chia ngũ thời giáo, giai đoạn cuối gọi là Pháp Hoa Niết Bàn. Thật ra giai đoạn nầy là sự liện tục từ kinh Vô Lượng Nghĩa, qua Pháp Hoa, rồi đến Kinh Niết Bàn.
    Kinh Niết Bàn không theo lối ngôn ngữ đơn giàn của Pháp Hoa; mà kinh lại dùng nhiều thuật ngữ của Phật Giáo, kinh lại rất dài. Ngài thuyết về bốn điểm chính là thường lạc ngã tịnh. Nhưng bàng bạc khắp nơi là ý nghĩa trung đạo, phá cả chấp có lẫn chấp không. Ngải nói: kinh đại thưa phương đẳng của Như Lai vừa là thuốc bổ vừa là thuốc độc.
    Kinh Niết Bàn không phổ thông như kinh Pháp Hoa. Tuy được xem là phần dẫn nhập, Kinh Vô Lượng nghĩa thường được in sau kinh Pháp Hoa.

    Trả lờiXóa
  22. Không biết bác Phạm Hạnh có đồng ý điều này: Ngã chỉ lập khi niệm khởi sinh ?
    Và cho hỏi, có kinh nói điều đó chưa ?

    Trả lờiXóa
  23. Phải đó Trung Tú . Ngài Đức Sơn có nói : " Mảy may hệ niệm là nghiệp nhân của Tam đồ .
    Chớp mắt tình sanh là gông xiềng muôn kiếp "

    Trả lờiXóa
  24. Vậy thì VÔ NGÃ , tức ngã không lập, ngã chưa lập, chính là lúc VÔ NIỆM

    Đời này ai vô niệm để mà nói chuyện vô ngã ?

    Hay nói cách khác, không có vô niệm thì đừng có nói vô ngã.

    Trước khi nói vô ngã thì hãy nói chuyện vô niệm.

    Làm sao vô niệm ?

    Trả lờiXóa