Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

KHỔ NHI TRI


               "Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió 
             Cũng chỉ trong vòng bể thảm thôi "
      Chúng ta xuôi ngược trong cuộc đời chẳng khác nào chiếc thuyền đơn độc ngược xuôi trong bể khơi .Trừ những bậc thấu thị , đạo gia ..tất cả chúng ta khôn dễ gì ngộ ra rằng :" đời là bể khổ " . Không ít ai đó một lần đối mặt với một nỗi khổ đau cùng cực , khốn khó ê chề - tử biệt sinh ly , sa cơ thất thế , bức bối cùng đường ,...
 Do khốn khổ mà ngộ ra lẽ đời , lẽ đạo thì hẳn đó là khổ nhi tri .

   TRI không có nghĩa đơn thuần là BIẾT mà còn có nghĩa là NGỘ , là GIÁC , là THỰC CHỨNG . khốn nhi tri hay khổ nhi tri là khốn khổ cùng cực mà ngộ ra chân lý cuộc đời :" đoạn trường ai có qua cầu mới hay " ( Nguyễn Du ). Sinh nhi tri là cái biết nhờ thiên bẩm - sinh ra đã biết - của bậc thượng trí . Học nhi tri là cái biết của hạng bình thường - học mà biết -  Còn khổ nhi tri là cái biết do khốn cùng khổ sở mà ngộ ra chân lý thứ nhất trong 4 chân lý : KHỔ, TẬP , DIỆT , ĐẠO .
 Thấy , biết được sự thật khổ đau ( khổ đế ) mới tìm hiểu nguyên nhân gây ra khổ đau ( tập đế) và từ đó tìm kiếm con đường tu tập để hóa giải nguyên nhân gây ra khổ đau ( đạo đế ) và cuối cùng đạt thành tựu an lạc ( diệt đế ) . Nói "ĐỜI LÀ BỂ KHỔ " vì có muôn vàn nỗi khổ trong cuộc sống thường nhật : khổ do sinh , lão , bệnh , tử ; khổ do cầu mà không được , khổ do yêu mà phải xa , khổ do ghét mà phải gần ,..vv.. Tất cả những khổ đau đều giống nhau ở chỗ gây ra phiền não . Cảnh ngộ khổ đau giống nhau khi người trong cuộc buông xuôi để cho buồn đau , phiền não tha hồ gặm nhấm , tàn hại thân tâm . Vì không hiểu quả đời này là nhân của đời trước nên để khổ đau đè trên thân phận ; lại đâm ra hờn cha oán mẹ , than trời trách đất .
     Đã mang lấy nghiệp vào thân 
  Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa "
Đã là định nghiệp thì không thể thay đổi được số phận nhưng có thể chuyển hóa bằng thái độ của người trong cuộc . Thái độ tích cực nhất là chấp nhận thực tại khổ đau một cách kham nhẫn và chịu đựng . Nhờ khổ mà giác ngộ được lẽ vô thường và vì thấy được vô thường mà chấp nhận vô ngã . Vô ngã tức là mọi sự vật trên đời vốn không có tự tính , nhờ duyên vào nhau mà hiện hữu : Cái này có thì cái kia có ; cái này không thì cái kia không . Từ khổ đi đến vô thường , vô ngã là một tiến trình tâm : Thấy , biết , sáng , đạt . Nói gọn lại là KHỔ NHI TRI !
   Tu trong đạo Phật chính là rèn luyện trong đau khổ ( khổ tu ) . Chính vì vậy mà các Thích tử ( con Phật ) tự xưng là bần tăng . Thân bần chứ đạo không bần . Khổ đau , khốn đốn là nghịch cảnh của người tu . Tu trong nghịch cảnh chẳng khác nào trong nồi lửa bỏng mà chuyển thành kim cang bất hoại . Hoa mai kia phải chịu cái rét buốt của những đêm đông giá mới tỏa được hương thơm ngát vào mùa xuân .
   "Chẳng trải một phen xương lạnh buốt 
  Hoa mai đâu dễ ngát hương đưa "

   Khổ nhi tri là cách giáp mặt cuộc đời , chấp nhận khổ đau để nhận ra chân lý . 
  Để xây dựng nghiệp đế cho nhà Trần , Trần Thủ Độ bất chấp mọi thủ đoạn , làm những việc thương luân bại lý như ép Trần Thái Tông ( Trần Cảnh ) cháu ruột của mình lấy chị dâu là vợ của Trần Liễu - đang mang thai . Trần Cảnh đau khổ , chán ngán nên bỏ cung điện ngôi báu , đang đêm vượt sông Bình Than lên chùa Hoa Yên  trên núi Yên Tử xin thiền sư Phù Vân cho xuất gia . 
Thiền sư hỏi : Bệ hạ đến đây làm gì ? 
Nhà vua nói : Ta đến đây để chỉ cầu làm Phật , không làm gì khác  ( duy cầu tác Phật , bất cầu tha Phật ) .
  Thiền sư khuyên vua : Bệ hạ nên trở về cung để thực hiện ĐẠO trong ĐỜI . Trong núi không có Phật . Phật ở trong tâm . Tâm yên tỉnh mà giác ngộ ấy là chân Phật . 
Nhà vua ngộ ra và trở về cung tích cực chăm lo việc nước !
Xem ra trong cảnh đau khổ mà bị bức ép nên nhà vua đã giác ngộ được điều thứ nhứt trong 8 điều giác ngộ của bậc đại giác . 
   
    Lý Huệ Tông bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng  ( Vợ Trần Cảnh ) nên cũng  vào chùa xuống tóc đi tu . Thủ Độ thấy Huệ Tông đang nhổ cỏ ở sân chùa buông lời bóng gió " nhổ cỏ phải nhổ tận gốc " . Lý Huệ Tông  ra sau chùa treo cổ tự tử . Tiếc cho Lý Huệ Tông đã vào chùa , đã xuất gia đầu Phật mà chưa " đắc thành ư nhẫn " cho nên khổ mà vẫn chưa ngộ ra lẽ đời lẽ đạo !

  Trong truyện Kiều của Nguyễn Du , Thúy Kiều đã trải qua " Mười lăm năm ấy biết bao là tình " , biết bao điều tủi nhục ,...cuối cùng đã ngộ ra : " tu là cội phúc , tình là dây oan " . Trong buổi Kim Kiều tái hợp , cả nhà đều khuyên Kiều chắp nối mối tình dang dở với chàng Kim nhưng Kiều một mực chối từ và xin lập một am tranh sau vườn để tu cho hết kiếp phong trần . 
    
      Nhờ quá khổ đau mà nàng Kiều mới ngộ ra được " tình là dây oan " và " tu là cội phúc "!

     Như vậy , khổ đau nghịch cảnh mới là bậc thang cho người trí dũng nhưng là vực thẳm cho kẻ yếu mềm . Đối mặt với khổ đau cuộc đời để giác ngộ được chân lý chính là khổ nhi tri !  
Cùng một ý trên , thi sĩ Pháp Alfred De Musset cũng đã nói :
"Rien ne nous rend si grand qu'une grande douleur "
(Không có gì làm cho ta trở nên cao đại bằng một nỗi khổ đau khôn cùng ! ) .


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét