Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

ĐỌC LẠI BÀI HỊCH TƯỚNG SĨ CỦA TRẦN QUỐC TUẤN


   Bài Hịch tướng sĩ ( Dụ chư tỳ tướng hịch văn ) của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết cách chúng ta hơn 700 năm mà nay đọc lại vẫn cứ âm vang giai điệu hào hùng và dâng trào tâm tư bi thiết .
   Trong cuộc chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai , bài Hịch đã chuyển thế trận của quân Đại Việt từ thu quân , đầu hàng sang quyết chiến quyết thắng . Sức thuyết phục của bài hịch là ở chỗ yếu tố trữ tình bàng bạc , lan tỏa thấm đẩm cả bài văn chính luận . Từ trái tim đến trái tim , từ một tấm lòng đến vạn tấm lòng đã thắp sáng niềm tin , gọi hồn sông núi . Khởi đầu là tấm lòng của chủ tướng . Mục đích yêu cầu của bài hịch -  không dùng đao to búa lớn , lý lẽ suông tình , mệnh lệnh áp đặt hoặc nhân danh này nọ - mà chỉ dùng tình cảm để hiệu triệu , khuyến dụ , khuyên răn , cảnh tỉnh tướng sĩ đang  ham chơi mê ngủ .

    Tháng 12 năm Giáp thân ( 1254 ) hiệu Thiên Bảo năm thứ 6 , đời Trần Nhân Tông , đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng , Hưng Đạo Vương  thất thế thu quân chạy về Vạn Kiếp . Vua Nhân Tông thấy thế giặc quá mạnh cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng :
  -  " Thế giặc to như vậy mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát , nhà cửa bị phá hết ; hay là trẩm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân ".
   Hưng Đạo Vương tâu :
-" Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức , nhưng tôn miếu xã tắc thì sao ? Nếu bệ hạ muốn hàng thì xin hãy chém đầu thần trước đã " .
Vua Nhân Tông nghe thế yên lòng , Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân và thảo ra DỤ CHƯ TỲ TƯỚNG HỊCH VĂN  để khuyên răn , đánh thức các tướng dưới quyền hãy từ bỏ lối sống cầu an , hưởng thụ và lo luyện tập võ nghệ , trau dồi binh pháp để chuẩn bị chiến tranh . Mặt khác vua cho họp các bô lão , mở hội nghị DIÊN HỒNG ,trưng cầu ý dân NÊN HÒA HAY NÊN CHIẾN .
  Lúc bấy giờ vua quan nhà Trần phải đương cự trước một tình thế vô cùng khó khăn .
   Khó khăn lớn nhất là phải chống lại một đạo quân bách chiến bách thắng , một đạo quân mà các sử gia tây phương phải kiêng dè :" Đi đến đâu thì cỏ chết đến đấy" . Nhưng đó chỉ là khó khăn ngoài biên ải , đáng kể nhất là khó khăn nội tại ngay trong triều đình .
   Trong triều đình vẫn có những quan lại vì lợi ích cá nhân mà thông đồng với giặc , thỏa hiệp với kẻ thù . Các quan lại khác thì vì hèn nhát phải khom lưng cúi đầu tiếp đãi ngụy sứ như quốc khách . Những cảnh tượng chướng tai gai mắt ngày ngày vẫn diễn ra trước sự phẫn nộ , căm tức của những con dân yêu nước .    Trong lúc đó ở bên ngoài thì bọn sứ giặc  " đi lại nghênh ngang ngoài đường , uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình , đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ " . Còn ở bên trong triều đình thì "tấu nhạc Thái Thường để đãi yến ngụy sứ ; làm tướng triều đình mà đứng hầu quân giặc "  .Thật oái oăm thay khi phải đem quốc lễ mà tiếp đón kẻ cướp nước .
  Càng đáng lo ngại hơn nữa là các tướng sĩ trong quân ngũ không ai quan tâm đến hiện tình dầu sôi lửa bỏng của đất nước .Họ bàng quan , thờ ơ trước những chuyện đau lòng đang diễn ra trong triều , ngoài dân chúng .
  Sau khi thắng cuộc trong trận chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất , họ ngủ quên trong chiến thắng ; họ đua nhau hưởng thụ theo sở thích cá nhân : "hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa , hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển , hoặc vui thú ruộng vườn hoặc quyến luyến vợ con ; hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước , hoặc ham săn bắn mà quên việc quân ; hoặc thích rượu ngon , hoặc mê tiếng hát " .
  Thái độ ham mê hưởng thụ xuất phát từ tâm lý chung của những người vừa mới trải qua nhiều thiếu thốn gian khổ .
  Còn thái độ quay lưng lại với thời cuộc với vận mạng của nước nhà là xuất phát từ vô minh , không thấy được mối tương quan , tương liên giữa cá nhân và xã hội , giữa gia đình và Tổ quốc .
   Một khi nước mất là mất tất cả !
   Quốc phá gia vong !
Chủ tướng Hưng Đạo Vương đem lòng đại lượng mà chỉ tỏ cho các tỳ tướng thấy được cái sai cùa mình : " Nếu có giặc đến thì cựa gà trống sao cho đâm thủng áo giáp quân thù , mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu ; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều , tấm thân ấy ngàn vàng khôn chuộc , vả lại vợ bìu con ríu nước nầy trăm sự nghĩ sao ? tiền của dù nhiều cũng không mua được đầu giặc , chó săn ấy thì địch sao cho nổi quân thù , chén rượu ngon không làm cho địch say chết ; tiếng hát hay không làm cho địch điếc tai . Lúc bấy giờ chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng hết ; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các người cũng nguy ; chẳng những là ta chịu nhục bấy giờ mà trăm năm về sau tiếng xấu hãy còn mãi mãi ; mà gia thanh cùa các người cũng chẳng khỏi mang tiếng nhơ. Đến lúc bấy giờ các người dẫu muốn vui vẻ , phỏng có được không ? "
  Hậu quả của lối sống hưởng thụ , thái độ vô cảm , bàng quan thờ ơ trước vận nước không những ảnh hưởng đến sự mất còn của quốc gia dân tộc mà còn gây di chứng cho nhiều thế hệ kế tiếp .
    Sau khi chỉ ra cho các tỳ tướng thấy được sai lầm trong hành vi cũng như trong nhận thức của họ ; chủ tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mới bộc bạch tâm tư tình cảm của mình :
   "Ta đây ngày thì quên ăn , đêm thì quên ngủ , ruột đau như cắt , nước mắt đầm đìa , chỉ căm tức rằng chưa được xẻ thịt lột da của quân giặc , dẫu cho thân nầy phơi ngoài nội cỏ , xác nầy gói trong da ngựa , thì ta cũng đành lòng " ,
  Tâm tư, tình cảm của chủ tướng nói gọn lại cô đúc trong bốn chữ : " LO- ĐAU - BUỒN - CĂM ".
  Lo là lo cho vận nước trong cơn nguy khốn
  Đau là đau lòng vì thấy bọn tham quan hại dân bán nước
  Buồn là buồn cho dân tình lơ láo , quân ngũ buông tuồng
  Căm là căm tức thái độ hung hăng ngang ngược của giặc Tàu

 Lo , đau , buồn , căm - tình cảm nào cũng tuyệt đỉnh :
 Lo cho đến nổi quên ăn bỏ ngủ
  Đau như có ai cắt từng khúc ruột
 Buồn đến nổi nước mắt đầm đìa
Căm đến nổi muốn lột da xẻ thịt quân thù cho hả dạ

Tất cả những tình cảm ấy nung nấu thành một ý nguyện hy sinh cũng tuyệt đỉnh : Dẫu cho trăm thân phơi ngoài nội cỏ , nghìn xác gói trong da ngựa thì cũng cam lòng !

   Tại sao tình cảm nào cũng tuyệt đỉnh ?
  Lẽ dễ hiểu là không có nỗi nhục nào lớn hơn nỗi nhục quốc thể ( quốc sỉ ) .
Nỗi nhục bị xúc phạm đến thể diện quốc gia là nỗi nhục lớn nhất .
Ai đó xúc phạm đến danh dự thể diện của cá nhân hoặc dòng họ thì cũng đủ làm cho ta thấy nhục rồi . Huống chi ở đây kẻ thù xúc phạm đến cả tông miếu , triều đình  , xả tắc ...thì chỉ có những con người vô cảm vô sỉ mới không thấy nhục !

   Tấm lòng của chủ tướng đã bộc bạch can trường là thế , còn các tỳ tướng thì sao?

 Đây là câu hỏi vô cùng nghiêm khốc khiến người nghe phải giật mình . Bài hịch chuyển sang giọng nghiêm :
" Nay các ngươi nhìn tủi nhục mà không biết lo , trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn , làm tướng triều đình đứng hầu quân giặc mà không biết tức ; nghe nhạc Thái Thường đãi yến ngụy sứ mà không biết căm ! "  khiến cho các tỳ tướng  không thể không soi lại mình .
  Trong khi chủ tướng vừa lo vừa buồn vừa đau vừa căm thì các tỳ tướng lại điềm nhiên bình chân như vại là nghĩa làm sao . Đã thế mà còn đàn đúm hưởng thụ ăn chơi trụy lạc  . Huống chi tấm lòng của chủ tướng đối với quân sĩ như nghĩa anh em như tình cha con :
  Không có áo thì ta cho áo , không có ăn thì ta cho ăn , quan nhỏ thì ta thăng thưởng ,lương ít thì ta tăng cấp ; đi thủy thì ta cho thuyền , đi bộ thì ta cho ngựa ; lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết , lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười ..."

    Chủ tướng không nhân danh cấp trên để hạch hỏi  , cũng không  sỉ mắng chì chiết cấp dưới mà ai nấy cũng tự khắc cảm thấy mình mang tội bất hiếu , bất để , bất trung , bất tín , vô liêm ,  vô sỉ . Bất hiếu với tổ tông ,bất để trong tình huynh đệ chi binh , bất trung với vua , bất tín với xã tắc , vô liêm trong cách hành xử và vô sỉ vì không biết xấu hổ .Cảm được như vậy và hiểu ra như thế các tỳ tướng tự nhiên thấy mình có lỗi mà đem lòng thống hối muốn đái công chuộc tội. Sức thuyết phục của bài hịch ở chỗ không dùng lý lẽ quân pháp mà dùng tình cảm để mưu phạt tâm công . Hiệu quả to lớn của bài hịch nhờ vào cái tài bút pháp đã đành nhưng đặc biệt là nhờ cái tâm của chủ tướng . Nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng :" Bài dụ Chư tỳ tướng hịch văn cho thấy không những Hưng Đạo Vương là võ tướng mà ông còn có tài học vấn , đọc nhiều sách và thông hiểu nhiều điển tích kim cổ " còn sử gia Trần Trọng Kim ghi lại trong Việt Nam sử lược : " Binh sĩ nghe lời hịch nức lòng , lấy mực xăm hai chữ Sát Thát lên cánh tay và hết lòng chiến đấu chống giặc " . Kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm phương bắc trong suốt chiều dài lịch sử cho thấy yếu tố tất thắng chính là nhờ khối đoàn kết nội tại trong cả nước . Nhưng để huy động được sự đoàn kết ấy cần có nhà lãnh đạo minh triết .

       Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được quốc tế công nhận là một danh tướng thế giới .
   Sau khi mất Ngài được nhân dân phong thánh và lập đền thờ ở khắp nơi .
   Ngài vừa có võ học vừa có văn tài , vừa rành binh pháp vừa giỏi dụng binh .        Nhưng cái đáng tôn sùng và nể trọng  là Ngài đã  biết gạt bỏ thù nhà để lo nợ nước ; biết lấy bản thân làm gương cho binh sĩ .
  Trung thực và công chính chính là bản chất của Ngài .
  Ngài được vua ban cho quyền tiền trảm hậu tấu nhưng chưa một lần dùng đến quyền nầy .
 Ngài được phong thánh không chỉ vì có công lớn đối với quốc gia xã tắc mà còn là vì  sự kỳ vĩ thập thành trong lập ngôn cũng như lập đức .





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét