Trăng dù có khi tròn khi khuyết thì cũng vẫn chỉ là trăng . Còn chuyện lăng xăng sầu bi hỉ lạc lúc nhìn trăng vọng nguyệt là chuyện của con người .Trăng tròn hay khuyết chỉ là do vị trí tương đối giữa mặt trăng mặt trời và trái đất cùng với sự tiếp nhận ánh sáng của mặt trăng từ mặt trời . Tròn hay khuyết cũng là do niệm tưởng của con người- có khác chăng là giữa người nầy với kẻ nọ , lúc nầy và lúc khác .
Mọi sự trên đời đều do chấp tướng mà tưởng ra thế nầy thế nọ như thấy dây thừng nhìn ra con rắn .Yếu tính của mọi hiện hữu là vừa hằng vừa chuyển .Hằng là thường hằng bất biến còn chuyển là chuyển biến dịch chuyển thường xuyên . Tỷ như nước và sóng , sóng dù có lăn tăn hay cuồng nộ cũng chỉ là nước . Trăng tròn hay trăng khuyết cũng chỉ là trăng của muôn thuở . Do diễn biến dịch chuyển mà có khi tròn khi khuyết khiến cho nhân gian lấy đó làm điều . Ngày xưa Mạc Đỉnh Chi đi sứ sang Tàu vào đúng lúc cô công chúa con gái duy nhất của vua Tàu qua đời . Sứ giả họ Mạc đại diện cho nước Nam làm bài thơ chữ NHẤT để tán thán như sau :
Thiên thanh nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Giao trì nhất phiến nguyệt
Ô hô! vân tán ,tuyết tiêu , hoa tàn, nguyệt khuyết !
Tạm dịch :
Giữa trời xanh có một áng mây
Giữa lò lửa có một điểm tuyết
Trong vườn ngự có một cành hoa
Giữa ao sâu có một vầng trăng tròn
Ôi! mây tán ,tuyết tan ,hoa tàn ,trăng khuyết !
Thì ra luật vô thường không loại trừ bất kỳ ai :Mây tụ rồi lại tán , tuyết tụ rồi lại tan , hoa thắm rồi lại tàn , trăng tròn rồi lại khuyết .Vũ trụ là không gian vô cùng vô tận và thời gian vô thỉ vô chung . Nói đến thời gian là nói đến sự dịch chuyển từ quá khứ đến hiện tại ; từ hiện tại đến tương lai . Triết gia Heideguer đã định nghĩa về sự luân chuyển của thời gian như sau : " Thời gian tính là thể tính của thời gian khi tương lai đi vào quá khứ chính lúc nó vừa tới hiện tại " .Dòng thời gian vừa hằng vừa chuyển chẳng khác nào lưu lượng của một dòng sông . Những lưu lượng nước không ngừng thay đổi . Thế nên mới nói " Không thể tắm hai lần trong một dòng sông " ( Heraclite). Cuộc đời con người cũng như một dòng sông . Con người già ,chết từng phần qua dòng thời gian . Sống là đang chết từng phần ( La vie est la mort partie en partie ) trong từng sat -na. .Những tế bào sinh sinh hóa hóa . Ta đi ngang qua cuộc đời như đi qua dòng sông . Trịnh công Sơn đã ngộ ra điều nầy :" Em đi qua chuyến đò thấy con sông đang nằm ngủ . Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du Em đi qua chuyến đò con trăng đang còn trẻ Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già "
Rõ ràng diễn biến dịch chuyển là định luật tất yếu . Trong thời gian vô thỉ vô chung thì sự chuyển biến diễn
ra thật là chớp nhoáng .
Trăng non rồi sẽ trăng già
Ba vô số kiếp chỉ là sát na
Chuyện trăng tròn trăng khuyết là do ảnh hưởng sự vận hành của vũ trụ .Thế nhưng trong cõi nhân sinh thì đó là tâm tình tâm cảnh . Khi buồn thương tiếc nuối thì người ta than vãn trăng tròn rồi lại khuyết . Khi an ủi ,gieo niềm tin hy vọng thì người ta bảo trăng khuyết rồi lại tròn .Cũng cùng một vầng trăng mà mỗi lần xuất hiện trong thi ca nhạc họa đã trở thành một mảnh tình riêng . Với Lý Bạch trăng là mối u hoài cố quận " ngẩng đầu nhìn trăng sáng , cúi đầu nhớ cố hương "; với Nguyễn Du thì trăng là nỗi niềm ly biệt " Vầng trăng ai xẻ làm đôi ,
Tất cả đều do móng tâm niệm tưởng mà ra
Trăng tròn rồi lại khuyết hay trăng khuyết rồi lại tròn đều nằm trong ý nghĩa của luật vô thường vậy !
Hì hì... ông thầy không lo thưởng trăng, chỉ lo lý sự! Trăng chìm trong chén trà rồi kia !
Trả lờiXóa