Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

"..TỘI TỪ DUY NHẤT VÔ MINH ... "*

hình : internet
   
        Chúa Jésu giáng sinh nhập thế để cứu chuộc tội lỗi của con người . Nhờ có tài diễn thuyết  lại có nhiều phép lạ và có lòng nhân ái nên ngài có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với dân chúng .Chính quyền Do Thái lo sợ ảnh hưởng của Chúa nên đã đóng đinh ngài bằng một bản án ngớ ngẩn phi lý .

        Vào dịp " lễ vượt qua " ( Passover )ngài đi đến đền thờ Jésusalem thấy trong đền dân chúng họp chợ , biến nơi cầu nguyện thiêng liêng thành nơi tụ tập mua bán xô bồ .Ngài xua đuổi những con gia súc gia cầm , dọn dẹp  bàn ghế của những người buôn bán và trách quở rằng : " Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện nhưng các người đã biến nó thành một nơi hỗn tạp "! Chính quyền Do Thái mà đại diện là Tòa Công luận (Shanhedrin) đã tức thời bắt giữ Chúa Jésu.Họ gán ghép cho ngài tội danh : PHẠM THƯỢNG  và  XÚI GIỤC NỔI LOẠN . Với tội danh nầy nếu quy chiếu vào các khung hình phạt thì chưa đáng phải phạm tội chết . Nhưng không hiểu sao giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái lại gây áp lực cho Tổng Đốc ra lệnh đóng đinh Chúa Jésu cùng với hai người phạm tội trộm cắp !
Chúa Jésu bị nhà cầm quyền bắt giữ vì một tội danh không được minh thị rõ ràng .Rõ ràng ai cũng biết rằng nơi đền thờ miếu mạo là nơi thờ phượng thiêng liêng không ai có quyền chiếm dụng để làm nơi mua bán của thế tục .Cho  nên Chúa Jésu giải tán cuộc đông chợ là hợp tình hợp lẽ - không thể gọi là phạm thượng . Cũng không thể gọi tội danh xúi giục - vì thật ra những hành động đó của ngài chẳng hề xúi giục một đối tượng nào . Đúng lẽ thì nhà chức trách phải làm chuyện nầy để thể hiện sự tôn trọng tín ngưỡng cũng như bảo vệ sự thiêng liêng nơi đất Thánh .
  Mặt khác , tội danh không rơi vào khung hình xử tử nhưng giới lãnh đạo tôn giáo lại gây áp lực buộc tổng đốc Pontus Pilate ra lệnh đóng đinh Chúa Jésu ! Sự hồ đồ của chính quyền Do Thái đã tạo cơ hội cho sự lộng hành khuynh loát của giáo quyền ! Thế quyền và giáo quyền đều sợ hãi tầm ảnh hưởng của Chúa Jésu . Cho nên tôn giáo hóa quyền lực thế tục là ý đồ của nhà cầm quyền .Đóng đinh Chúa cùng với hai tên tội phạm trộm cắp chính là hình thức báng bổ , sỉ nhục Chúa . Chúa có thể dùng phép lạ để thoát chết nhưng Chúa vẫn chấp nhận cái chết với thái độ từ bi hỷ xã .
Chúa đã ngửa mặt lên trời cầu xin Đức Chúa Cha : "Lạy Chúa hãy tha tội cho họ vì họ không biết họ đang làm gì !"
 
         Bản án vô lý của chính quyền Do Thái và sự lộng hành của giới lãnh đạo tôn giáo của nước nầy đã chứng tỏ một sự cai trị yếu kém cũng như  một nền chính trị hồ đồ và bất minh !
                 Phải chăng tội lỗi duy nhất của con người là vô minh

* Thơ Trung Vũ

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

VUA LÝ THÁNH TÔNG

     
   Platon quan  niệm một người lãnh đạo quốc gia phải  là một hiền triết .Hơn thế nữa , Platon đòi hỏi triết gia phải tham gia lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội . Quan niệm của Platon không xa lạ với quan niệm cổ thời đông phương : người chăn dắt trăm họ , đứng đầu một nước phải là người hiền đức , các quan chức tham gia bộ máy chính quyền phải là các bậc hiền tài . Đã là hiền tài thì phải xuất chính để giúp  dân giúp nước . Dưới các triều đại Lý , Trần hầu hết vua chúa , quan lại đều là những bậc hiền đức , hiền tài . . Điển hình nhất là vua Lý Thánh Tông.

      Platon , Pythagore , ...là những triết gia bậc thầy của triết học Hy lạp cổ thời .
 Triết - theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh là sự khôn ngoan , là trí đức . Triết học là học vấn nghiên cứu về nguyên lý của vũ trụ và nhân sinh .
 Triết gia là người nghiên cứu triết học
Còn theo tự điển triết học thì triết là khoa học về các nguyên tắc phổ quát chi phối , điều động hữu thể ( L'être). Triết cũng là tư tưởng con người , là quá trình nhận thức . Riêng đối với Platon thì cho rằng triết gia là con người tốt nhất , được tẩy sạch mọi nhơ  nhớp , quen sống với thực tại và nhữn giá trị tinh thần  , một người không sợ hãi trước cái  chết . Cũng theo quan niệm của Platon triết gia nhiều khi vụng về trong đời sống xã hội nhưng lại là người có đủ uy tín làm gương mẫu cho mọi người . Triết  gia còn là một nghệ sĩ , một nhà thần bí , một con người quen sống với thực tại mà nhà chính trị ngụy biện không hề biết đến . triết gia là người biết chiêm ngưỡng , làm quen với thực tại đồng thời có hoài bảo xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp phù hợp với những gì mà họ chiêm ngưỡng thấy . Tư tưởng , lời nói và việc làm của triết gia bao giờ cũng  nhất quán ( tri hành hợp nhất ). Ngoài ra Platon cũng nhấn mạnh đến điều kiện cần và đủ của nhà lãnh đạo hiền triết : mẫu mực cho sự điều hòa và quân bình . Sự điều hòa trong một cơ cấu xã hội cũng thiết yếu như sự quân bình giữa các  cơ năng trong một cơ thể . Chính sự điều hòa quân bình dẫn đến sự chừng mực tiết độ , điềm đạm khoan hòa , không bất cập , không thái quá .

    Trong cuốn Việt sử lược có chép lại sự ra đời của vua Lý Thánh Tông ( LTT ) như sau :" Mai Thị Hoàng hậu mộng thấy mặt trăng vào bụng , nhân đó có mang . Ngày 15 tháng 02 năm 14 hiệu Thuận Thiên ( 1023) sinh ra vua ở cung Long Đức  (1) . Năm đầu tiên Thiên Thánh ( 1028) được lập làm Thái tử ; khi lớn lên vua thông kinh truyện , sành âm luật , nhất là sở trường về vũ lược .  Thái Tông mất, vua vâng di chiếu lên ngôi trước linh cửu của cha " .Và trong cuốn Lý Thường kiệt , nhà bác học Hoàng Xuân Hãn đã có lời nhận định : " Lý Thánh Tông là vua ta đầu tiên có óc lập một đế quốc có danh hiệu ngang với một nước Thiên tử . đặt quốc hiệu là Đại Việt , tôn các vua trước là Thái Tổ , Thái Tông ..., coi các nước nhỏ  chư hầu và muốn ngăn Chiêm Thành thần phục nhà Tống ".
  Con người của Lý Thánh Tông có đầy đủ thuộc tính của một triết gia , theo quan niệm của Platon:
   - Sự khôn ngoan ( sagesse )
   - Lòng nhân đức công chính ( justice )
   - Lòng can trường , dũng lược ( courage )
 và đặc biệt là sự hài hòa tiết độ ( température )
 Theo quan niệm phương đông thì một con người hoàn hảo , một hiền nhân quân tử phải có đầy đủ ba tác dụng tinh thần :
   - Lý trí  ( sự hiểu biết)
   - Tình cảm ( yêu con người , yêu nghệ thuật , yêu thiên nhiên )
   - Ý chí ( hành động )
Để thực hiện được hoài bảo lập một đế quốc có danh ngang với một nước thiên tử " , LTT đã hội đủ những những yếu tố , những điều kiện sau đây :
  1/ Sự khôn ngoan của một hiền triết :Platon cho rằng triết gia là người quen sống với những giá trị tinh thần , là người biết chiêm ngưỡng , làm quen với thực tại đồng thời có hoài bảo xây dựng một xã hội phù hợp với những gì mà mình đã sống và chiêm ngưỡng thấy !. LTT quả đúng là con người như vậy . Vốn sẵn tư chất thông minh , lại mẫn cảm với thời thế , LTT biết chọn một mô thức xã hội , một định chế chính trị đáp ứng được nhu cầu về cái  toàn diện  và hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân .Trong môi trường văn hóa lúc bấy giờ có nhiều luồng tư tưởng như Nho - Phật - Lão. Tâm lý dân tộc do vậy cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau . người theo Nho có khuynh hướng nhập cuộc dấn thân ; người theo Lão có khuynh hướng đi ra thiên nhiên , trường sinh tịch cốc  . Còn người theo đạo Phật đa số lạc lối trong cảnh giới thiền bác học của Vô Ngôn thông . Trong khi đó nhu cầu thiết yếu của dân tộc là  THỐNG NHẤT Ý CHÍ ĐỂ HÀNH ĐỘNG : một mặt đấu tranh với hoàn cảnh khắc nghiệt  của thiên nhiên , một mặt đấu tranh chống lại âm mưu xâm lược của giặc phương Bắc ; mặt khác  chinh phạt mở rộng bờ cõi về phương Nam . Làm thế nào thiết lập một toàn thể nhất quán để thỏa mãn nhu cầu về cái toàn diện . Nhà lãnh đạo thời ấy vừa phải tích cực hành động , vừa thiết lập cái toàn thể nhất quán để hướng dẫn hành động. Muốn có được toàn thể nhất quán không thể chọn một bỏ một mà phải dung thông dung hóa nhiều khuynh hướng khác nhau .TINH THẦN TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN  là giải pháp tối ưu cho tồn vong và phát triển của đất nước . Các khoa thi tam giáo đã tuyển trạch được nhiều hiền tài cho đất nước làm phong nhiêu hưng thịnh nguyên khí quốc gia .
  Vua Lý Thánh Tông vừa làu thông kinh truyện của Nho gia vừa am hiểu tư tưởng uyên áo của Lão giáo lại vừa thấm nhuần giáo pháp của Phật học đại thừa .. Nhà vua không độc tôn một tư tưởng nào mà chủ trương " đồng qui nhi thù đồ , nhất trí nhi bách lự  (nhiều đường khác nhau qui về một chỗ , thống nhất cùng nhau dù trăm cách nghĩ khác nhau ) . Đó là tư tưởng đa nguyên sớm sủa nhất trong lịch sử nước ta .. Tư duy và  hành động của LTT bao giờ cũng nhất quán ( tri hành hợp nhất ) . LTT tuy là phật tử thuần thành song vẫn chuộng nho học với lý tưởng  TU- TỀ - TRỊ - BÌNH  ; bởi vì đây là cái học thực tế , nhân sinh có liên hệ mật thiết đến nhân quần xã tắc . Ngoài việc xây dựng chùa , tháp nhà vua còn cho xây văn miếu thờ Thánh Nho ; đúc tượng Khổng Tử , Chu Công , Thất thập nhị hiền . Thái tử , Hoàng tử đều học Nho ở cửa Khổng sân Trình . Nhà vua không những tin Phật , thờ Nho mà còn tôn sùng Bà La Môn giáo - một tôn giáo có tư tưởng uyên áo ở xứ Ấn độ du nhập vào nước ta qua cửa ngõ Chiêm Thành .Hành động cụ thể là cho xây chùa Nhị Thiên Vương để thờ thần Deva và thần Civa .
  Tam giáo đồng nguyên , vạn pháp nhất lý vốn là căn nguyên ý thức hệ dân tộc thời Lý .Tư tưởng " vạn pháp nhất lý bén rễ từ thiền hành động của thiền sư Vạn Hạnh , Pháp Thuận , Khuông Việt . Thành tựu và biểu hiện minh nhiên nhất là Vạn Hạnh thiền sư - một nhà sư nhập cuộc tích cực :vừa lo đạo vừa lo đời , vừa nhập định theo thiền tông , vừa tụng chân ngôn theo lối mật tông vừa hoạt động vừa thiết lập cái toàn thể nhất quán để hướng dẫn hành động , vừa xuất vừa xử ,vừa đi ra thiên nhiên lại vừa đi vào sinh hoạt của quần chúng , vừa dấn thân giúp đời lại vừa giữ được không lý .
  Về sau , Vô Ngôn Thông họ Trịnh người Quảng Châu mang dòng thiền của Tổ Bách Trượng vào Việt Nam . Rồi từ đó văn minh Trung Hoa càng ngày càng xâm nhập vào Việt Nam khiến cho thiền VN dần dần có khuynh hướng bác học xa rời quần chúng - nhu cầu về cái tòan diện không còn được thỏa  mãn thích đáng.Đó là lý do vua LTT sáng lập ra một thiền phái mới : Thiền phái Thảo Đường .Triết lý Thảo Đường có đặc điểm phối hợp giữa Thiền và Tịnh . Điều nầy phù hợp với nhu cầu thống nhất ý chí quần chúng và đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân .Bởi lẽ đại chúng bình dân luôn tha thiết với con đường tình yêu mà sự biểu hiện là tín ngưỡng sùng bái và đề cao nguyên lý mẫu  .Bất cứ nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng muốn xác lập một định chế chính trị và hoàn thiện một cơ cấu xã hội . Nhưng một nền chính trị có định chế , một xã hội có cơ cấu tổ chức không tránh khỏi một chế độ pháp quyền thuần lý cứng nhắc . Điều nầy không tương thích với tâm lý dân tộc và tín ngưỡng sùng bái của người Việt đã ăn sâu vào mạch sống của dân tộc .( Ngoài thì là lý nhưng trong là tình - ND) .Với sự khôn ngoan của một nhà lãnh đạo hiền triết ,vua LTT xây dựng một xã hội VN đầy đủ  NHÂN , TRÍ , DŨNG .
   2/Lòng nhân đức , sự công chính là đặc tính của chế độ nhân trị . Chính sách ái dân , huệ dân , thân dân  được xem là quốc sách . Thay vì dùng luật pháp để răn đe , trừng trị , LTT dùng lòng yêu thương dân như con đẻ để giáo hóa trăm họ
Trang Wikipedia đã viết về vị vua nhân từ nầy như sau:
   "Nhân một năm trời rét đậm, Thánh Tông bảo các quan hầu cận rằng:

Trẫm ở trong cung ngự sưởi than thú, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Huống chi những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm.
Nói rồi vua truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm, và mỗi ngày cho hai bữa ăn.
Lại có một hôm, Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Động Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng:
Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi " ( hết trích )
 Ngay đến việc vua đưa một thôn nữ hái dâu về cung và phong là Thần phi , giao cho việc nội trị đủ chứng tỏ vua LTT không  phân biệt giai cấp và rất bình đẳng giới tính . Bình đẳng tánh trí cũng như tâm vô phân biệt là lý tưởng của người tu Phật . Con đường tình yêu của nhà vua còn được thể hiện ở nhiều bộ môn nghệ thuật . Ngay từ nhỏ ngài đã rành âm luật , lớn lên ngài đã từng phiên dịch nhạc khúc Chiêm Thành rồi sai nhạc công , vũ nữ đàn hát . Trong một buổi tiệc khao quân , chính nhà vua biểu diễn múa khiên , đánh cầu theo những nhạc khúc do chính mình biên soạn giữa lòng đất Chiêm .Ngoài ra LTT còn là một kiến trúc sư tàì hoa lỗi lạc . Chùa , tháp  và các cung điện nguy nga đều đã được xây cất theo thiết kế bản vẽ của vua . Âm nhạc và kiến trúc phải chăng là những bộ môn giúp cho tâm hồn con người có sự quân bình hòa hợp .Kinh nhạc có câu : "Đức giả , tính chi đoan dã . Nhạc giả , đức chi hòa dã " có nghĩa là đức ấy là sự đoan chính của tính tình , nhạc là sự hòa hợp của đức vậy . Sự hòa hợp, quân bình , tiết độ đều là thuộc tính của ĐỨC  lý . Thái quá hay bất cập đều tệ hại như nhau cả .
 3/Sau cùng là Dũng :  Theo quan niệm của Platon một hiền triết lãnh đạo quốc gia phải có lòng can trường , dũng lược của một chiến sĩ , một người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng . LTT trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành , mở rộng bờ cõi về phương Nam ngay từ khi còn là Thái tử - đánh đâu thắng đó , mở rộng bờ cõi ra đến ba tỉnh : Địa Lý , Ma Linh , Bố Chánh . Năm 1069 , vua giao việc nội chính lại cho Thần Phi Ỷ Lan , thân chinh đi đánh Chiêm Thành . Sau khi cùng các quan quân làm lễ tuyên thệ ở điện Long Trì , vua xuống thuyền xuất quân . Sử chép vua đánh Chiêm Thành đã lâu không thắng , lại lo cho việc nội trị ở nhà ,bèn quay về . Đến Châu Cư Liêm vua nghe nói Ỷ Lan coi sóc nội trị dân tâm hòa hợp , trong nước yên ổn . Nghe vậy , vua nói " Kẻ kia là phụ nhân còn được như thế , ta đây nam nhân há lại tầm thường ư ? " . Vua bèn quay lại và đánh thắng giặc Chiêm .
     
          Tóm lại , theo quan niệm của triết gia Platon một người lãnh đạo quốc gia phải là một hiền triết ( Sophos King ).  Đã là một hiền triết phải hội đủ ba đức tính căn bản : Sự khôn ngoan , lòng nhân đức công chính và lòng can trường dũng lược . Vua Lý Thánh Tông đúng là một hiền triết lãnh đạo đất nước , là nguyên khí của quốc gia . Lý Thánh Tông kế thừa sự nghiệp của các tiên đế đã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự chủ của nước Đại Việt - một nước đại Việt mà trong cáo Bình Ngô , Nguyễn Trải lấy làm tự hào : " Như nước Đại Việt ta từ trước , vốn xưng nền văn hiến đã lâu ; núi sông bờ cõi đã chia , phong tục Bắc Nam cũng khác " Nếu đem so với quan niệm của Platon thì vua LTT đúng là mẫu hình lý tưởng của một nguyên thủ quốc gia trong mọi thời đại !


Chú thích :
( 1) :Cung Long Đức được vua Lý Thái Tông xây ngoài thành dành cho Thái tử ở . Nhà vua muốn cho Thái tử sống gần gủi dân chúng để hiểu rõ dân tình 



.

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

TỪ TRIẾT HỌC PHẠM TRÙ ĐẾN CHỦ NGHĨA, Ý HỆ



       Ngày nay nhân loại sản sinh ra quá nhiều thứ chủ nghĩa và ý thức hệ : Chủ nghĩa duy tâm giáo điều , chủ nghĩa duy vật thực dụng , chủ nghĩa hiện sinh , chủ nghĩa khủng bố ,…. Trong tiếng Việt hai tiếng chủ nghĩa có tiếp đầu ngữ là DUY ; trong tiếng Pháp có tiếp vỉ ngữ là ISM. Chủ nghĩa , ý hệ là di căn của triết học  PHAM TRÙ ( catégories philosophiques )

     Triết học phạm trù  hay triết lý nhị nguyên là loại triết học nhận thức , nắm bắt THỰC TẠI  ( Le réel) bằng khái niệm ( Concept). Khái niệm , phạm trù ( catégories) là cái khung đóng nhốt thực tại bằng cái lưới của trí óc tính toán,biện biệt , tư lương . Thực tại luôn luôn biến dịch , thường xuyên chuyển hóa , liên tục thay đổi , còn khái niệm về thực tại thì khô cứng , chai lỳ , biếng trễ .. Triết gia Shopenhauer ví khái niệm như cái kén còn thực tại như con ngài cất cánh bay xa .
Triết học phạm trù khởi nguồn từ Aristote, Platon. Hai triết gia nầy có công  khai sinh ra triết học duy lý giúp cho khoa học , kỹ thuật phát triển . Bản chất của khoa học là nhị nguyên đối đãi . Người quan sát và đối tượng được quan sát phân định rạch ròi . Trí năng của con người , mạng lưới của trí óc tha hồ phân tích  , bình luận , biện biệt , so sánh ...Khoa học ngày càng tiến bộ thì ĐẠO HỌC  ngày một suy tàn .Bởi vì đạo học là quy bản ( vạn pháp quy nhất ) còn khoa học là phân chi tách nhánh . Một gốc tách ra nhiều nhánh khác nhưng nhiều nhánh khác quy về một gốc ( nhất bản tán vạn thù , vạn thù quy nhất bản ). Đời vốn không ly mà cứ biệt . Ấy là do tập quán thâm căn cố đế của con người là phân biệt .Sự phân biệt ( disférence ) là loại virus gây ra hội chứng TÂM THẦN PHÂN LẬP mà cụ thể là DUY nầy DUY nọ , chủ nghĩa nầy , chủ nghĩa kia ...Những học thuyết , chủ thuyết , triết thuyết của các triết gia bị các chính trị gia lợi dụng , xuyên tạc biến thành các ý thức hệ - làm kim chỉ nam cho hành động cải tạo thế giới . Ví dụ như Hitler mượn học thuyết siêu nhân , ý chí quyền lực của Nietzche để dựng lên chủ nghĩa phat -xit ; Karl Marx - học trò  của Hégel dộng ngược đầu hệ thống triết học duy tâm ( L' idée absolue ) thành triết học duy vật . Rồi Lénin dựa vào Karl Marx để làm cuộc cách mạng chuyên chính vô sản . Nhờ học được phương pháp biện chứng sắc sảo , hùng biện của Hégel mà Marx có sức thuyết phục trong biện chứng pháp duy vật sử quan của mình .Trong bối cảnh khoa học , kỹ nghệ ở các nước tư bản mới phát triển còn trong hình thái sơ khai , hoang dã , giai cấp thợ thuyền bị bóc lột - ý thức hệ vô sản là cái phao cứu sinh của giai cấp công nhân và nông dân. Hệ thống triết học duy vật lúc bấy giờ được những nhà Mat-xit coi là khoa học tiên tiến nhất . 
     Đại để ,triết học duy vật lập cước trên cặp phạm trù  VẬT CHẤT và  Ý THỨC ( VC và YT). Hai phạm trù nầy là vũ khí lợi hại nhất để đánh đổ triết học duy tâm . Bằng khái niệm triết gia duy vật định nghĩa : VC là cái có trước YT là cái có sau . Cắt nghĩa  VC là gì YT là gì rồi triết gia Mat- xit khẳng định : VC quyết định YT , VC phản ảnh vào YT, sau đó YT tác động lại " thế giới vật chất "Như vậy y thức là cái vật chất đã được phản ảnh vào đầu óc con người , còn vật chất là cái tồn tại bên ngoài . Từ đó tạo ra hai thế giới sai biệt ( do sự phản ảnh vào nhau , tác động lẫn nhau giũa VC và YT). Như vậy cái thế giới có trước ( VC ) quyết định cái thế giới có sau ( YT ). 
 VC và YT là cặp phạm trù căn để làm trụ cột cho cả hệ thống Mat - xít 
       Như trên đã nói phạm trù là cái khung nhốt thực tại trong một kích cở định sẵn như chiếc giường của tướng cướp Procuste. Tướng ướp Procuste , mỗi khi bắt được một người đem về nhà , y cho đặt người bị bắt lên chiếc giường ấy . Nếu nạn nhân mà dài hơn kích cỡ của giường thì bị y chặt chân bớt ; còn nếu nạn nhân mà ngắn hơn chiếc giường thì bị y kéo chân ra cho vừa với chiều dài giường . 
 Thật ra VC và YT không phải hai mà là một ( bất nhị ); cũng không trước không sau , không trong không ngoài . Phân biệt VC và YT ra làm hai phạm trù là thói quen phân biệt theo lối nhận thức bằng khái niệm ; không có cái nào làm chỗ dựa cho cái kia ; cũng không có cái nào ở trong hoặc ở ngoài cái kia .( nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài - Nguyễn công Trứ )
 Tất cả vạn hữu đều tồn tại theo quy luật ; TƯƠNG TỨC, TƯƠNG NHẬP. Tương nhập là cái nầy ở trong cái kia và ngược lại . Tương tức là cái nầy có vì cái kia có , cái nầy sinh vì cái kia sinh .Theo lập luận của Mat-xit thì YT con người là cái tồn tại  được ý thức ; còn cái VC - cái tồn tại bên ngoài kia chính là cái THỰC TẠI KHÁCH QUAN  được cảm giác con người chép lại , chụp lại , phản ảnh lại . Toàn bộ những  người Mat-xit đều coi đây là khoa học tiên tiến nhất , là đỉnh cao trí tuệ . Đặc điểm khoa học là tiệm cận với chân lý chứ không bao giờ trùng khít với chân lý . Thế mới là khoa học 
 Phân biệt trước / sau , trong / ngoài , xấu /tốt ; vật chất / tinh thần là sản phẩm của triết lý nhị nguyên đối đãi .Thật ra ranh giới của sự sai biệt chỉ là ranh giới ảo , do cái nhìn sai lầm .Hơn nữa không chỉ con người ý thức mới có tính phản ảnh . Phản ảnh không phải thuộc tính độc quyền của con người  Vạn hữu đều có thuộc tính ấy : Nam châm / từ trường , oxy / hydro , vv .Không thể nào có cái gọi là THỰC TẠI KHÁCH QUAN  khi thực tại ấy nhận thức bằng phạm trù , khái niệm .. Khi ta dùng khái niệm để quan sát , định nghĩa một thực tại đương nhiên ta phải chận hai đầu của thực tại , để nhốt thực tại trong một thời điểm , địa điểm nhất định . Trong khi thực tại thay đổi thường xuyên, tự diễn biến thường xuyên ...
Khoa học định nghĩa A = A để tiện quan sát nhưng đạo gia nhìn  thấy A vừa là A vừa là không A. A trong thời khắc nầy khác với A trong thời khắc tiếp nối . Héraclite, triết gia Hy Lạp cho rằng "Không ai xuống tắm hai lần trong một dòng sông " là vậy .

    Trên đây là tính hằng chuyển của thực tại , còn chủ thể nhận thức thực tại cũng tự diễn biến liên tục , chuyển hóa liên tục tùy hoàn cảnh , tùy môi trường . Tỷ như cô Tấm trong cổ tích khi còn là trẻ mồ côi bất hạnh thì cô rất hiền lành , nhẫn nhục trước sự hiểm ác của bà dì ghẻ . Nhưng khi Tấm đã trở thành hoàng hậu thì cũng hiểm ác - còn hơn cả dì ghẻ nữa .Trong truyện " ông lão đánh cá và con cá vàng " bà vợ ông lão vốn là một bần nông vô sản nhưng nhờ con cá vàng trả ơn mà trở nên giàu sang ...; rồi phát triển tham vọng quyền lực có ý muốn thống trị tối thượng  !
Những triết gia Mat- xit chỉ dựng lại phạm trù Ý THỨC mà quên rằng cao hơn Ý THỨC là LƯƠNG THỨC ( ý thức tự ý thức , ý thức phản tỉnh  -LE BONSEN).Chính lương thức là nguyên động lưc giúp con người chuyển hóa , thanh lọc để ngày càng trong sạch , không bị sai sử , ô nhiểm bởi thế giới vật chất . Thuật ngữ LƯƠNG TRI ĐỀ KHÁNG  từng có trong minh triết .

     Tóm lại triết học phạm trù của truyền thống duy  lý Tây Phương đã sản sinh ra nhiều thứ DUY , nhiều CHỦ NGHIÃ , nhiều Ý HỆ,...xung đột đối kháng nhau , gây ra chiến tranh , khủng bố , chết chóc cho cả nhân loại . Tình người cũng càng ngày càng cạn kiệt vì những sai biệt trầm kha , dai dẳng 

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Bi kịch chữ nghĩa buổi đổi đời

Từ sau năm 1975 bỗng xuất hiện những từ ngữ "lạ " - dùng miết thành quen .Tính chất của các từ lạ nầy có ý đồ đánh tráo khái niệm - bằng cách dùng từ nầy thay thế từ kia để gọi tên  sự vật sự việc .Từ đó nẩy sinh ra nhiều bi kịch trong giao tiếp !
    Tôi được nghe kể một câu chuyện của hai người bạn chỉ vì một từ " nhất trí " mà mối quan hệ của hai người đang tốt đẹp bỗng trở thành lạnh nhạt
    Không ít những nhà văn từng viết lách trước 75,  vẫn không tránh được những từ lạ mà mình chưa từng dùng mà nghe miết rồi thành quen : Sự cố , giản đơn , đảm bảo , thi thoảng , nhất trí, nhà đẻ , động não , máy bay  lên thẳng , lính thủy đánh bộ ,...
Những từ ngữ mới nghe lần đầu thật chói tai - nhưng ngày nầy qua tháng nọ cứ nghe miết rồi thành ...quen rồi lại sử dụng trong văn nói rồi tới trong văn viết một cách vô thức .
 Tôi có nghe kể một câu chuyện cũng khá xót lòng . Có người hỏi một cô bé :
- Ba con làm gì ?
- Ba con là lính ngụy  ...!
Thì ra cô bé - một cách vô thức - đã dùng từ " ngụy " để gọi cha mình rất vô tư vì đã nghe người ta gọi như vậy !
 Có những từ đúng ra có nghĩa xấu nhưng sau 75 lại được dùng theo nghĩa tích cực . Chẳng hạn như từ " ý đồ ". Trước 75 chữ ý đồ nói lên một toan tính hắc ám ; nhưng sau 75 chữ ý đồ có nghĩa như một dụng ý tốt . Ví dụ Thầy giảng Văn :"...Những câu thơ trên có ý đồ lập ra  một bệ phóng cho câu thơ cuối bay lên ..."

   Trở lại hai chữ " nhất trí " đã nói ở trên tự thân nó có nghĩa là mọi ý kiến trái chiều đều được thống nhất sau khi đã trao đổi , thương thảo hoặc tranh luận . Tỷ như câu "Đồng qui nhi thù đồ , Nhất trí tri bách lự ( Qui về một chỗ bằng nhiều đường khác nhau , cả trăm cách nghĩ khác nhau mà vẫn thống nhất một ý ) . Đó là tư tưởng đa nguyên đa chiều . Thế mà từ nhất trí hiện nay chỉ được dùng trong ngữ cảnh đồng ý một các đơn thuần . Đồng ý và nhất trí có một khoảng cách nhất định . Trong lễ cưới tại nhà thờ , linh mục sẽ hỏi cô dâu ( hoặc chú rể ) :
- Con có đồng ý  lấy X làm chồng ( hoặc làm vợ ) không ?
Thử nghĩ xem nếu linh mục hỏi
- Con có nhất trí lấy X làm chồng ( hoặc ) làm vợ không ?
thì khó tránh gieo vào trong đầu mọi người  một sự hoang mang lạ lẫm và buồn cười !
Gần đây xuất hiện một từ lạ đồng thuận . Và từ nầy nhanh chóng phổ cập trong quần chúng nhân dân . Hai chữ đồng thuận mang sắc thái mặc nhiên , mặc định , ...nghĩa là không thể làm khác được . Khi một cá nhân hay một tổ chức đưa ra một quyết định nào đó mà mọi người đều răm rắp " nhất trí cao " ấy là đồng thuận !( không qua tranh luận , phản biện , đối thoại ). Tuy nhiên có một sự mập mờ về nghĩa của từ nầy trong các hiệp ước hiệp định ,...giữa hai đối tác không cân bằng lực lượng
  Rồi để đánh tráo khái niệm bói toán người ta dùng từ ngoại cảm , ...Những nhà ngoại cảm nghe vinh dự hơn những  thầy bói ..
 Ác thay , những từ ngữ đại loại như đã nói ở trên có khả năng huân tập vào não trạng của đám đông và nhanh chóng được xã hội mặc nhiên chấp nhận ( không cần suy xét ) !

Nếu bỏ bánh xà phòng thơm vào ngăn đựng áo quần thì áo quần sẽ có mùi xà phòng thơm !
 Còn nếu đựng trà trong bình đã từng đựng mắm thì nước trà khi uống tất nhiên sẽ nghe  mùi mắm .
 Sự huân tập là như thế - không thể tránh khỏi  .

  Ngôn ngữ , chữ nghĩa là phương tiện truyền thông giao tiếp- từng là công cụ lợi hại để củng cố quyền lực mềm  .
 Đổi đời - đổi thay  -  cả chữ cả nghĩa , cả vân mệnh ...
Cho nên :
  " Buổi đổi đời danh sĩ cũng lêu bêu ...
   Hà huống chi ta một thằng say rượu " ( Hoàng Lộc )

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

NGHĨ BÀN  về  ĐẠO ĐỨC  và   PHÁP LUẬT



Sống không tuân thủ pháp luật sẽ bị truy tố dẫn đến tù tội . Pháp luật đương nhiên không bỏ tù người thiếu đạo đức mà chỉ bỏ tù người vi phạm pháp luật . Luật pháp cũng khônghề truy tố người có lối sống vô tâm vô cảm , vô lễ , …, bất hiếu ,bất nhân ,thất đức …!Xét về một phương diện nào đó , sống và làm việc theo pháp luật đã là đạo đức rồi . Nhưng xét vấn đề một cách toàn diện thì đôi khi phạm pháp chưa hẳn là mất đạo đức ; mà không phạm pháp cũng chưa hẳn đã là trong sạch thánh thiện .
 Vậy giữa pháp luật và đạo đức có một ranh giới nhập nhằng khó phân định : tiểu đồng mà đa dị .
 Trước hết thử bàn đến điểm tương đồng  của hai lãnh vực nầy :
Đạo đức và pháp luật đều hướng thiện , đều nhắm đến mục tiêu lành mạnh hóa con người , xã hội . Nếu đạo đức tôn giáo , tín ngưỡng dẫn dắt con người trên đường hướng thiện thì hiến pháp , pháp luật có nhiệm vụ giữ gìn , trị an phép nước .mang lại công bằng , tự do , dân chủ và hạnh phúc cho công dân .
 Đạo đức và pháp luật còn giống nhau ở chỗ nguyên tắc pháp lý ; các điều khoản trong luật không xa rời quy  tắc đạo đức . Hệ thống pháp luật không tách rời truyền thống dân tộc . Bởi “ sẽ không có hạnh phúc nếu tự mình nhổ ra khỏi gốc rễ của truyền thống “ ( Thiền sư Nhất Hạnh ) .
 Bên cạnh những tương đồng ít ỏi và mong manh trên , giữa đạo đức và pháp luật có những dị biệt căn bản :
-         Điểm khác biệt lớn nhất là luật pháp chỉ mang tính chất  chuẩn xác chứ không    chân xác .Chỉ có đạo đức mới mang tính chân xác . Tính chuẩn xác đo bằng thước đo quy ước xã hội ( hợp với quy ước là chuẫn ). Tính chân xác đo bằng thước đo của thực tạị như nó có ( le réel ).  Trên thực tế có nhiều trường hợp chuẩn mà không chân  . Điển hình có một phiên tòa mở ra với hình thức chỉn chu , theo một trình tự hợp lý ( có quan tòa , có công tố , bồi thẩm , luật sư , nhân chứng , vật chứng , …) nhưng sau 10 năm thì lại phát hiện là xử oan vì hung thủ chợt ra đầu thú . Đó là vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang  . Rồi có một bản án chỉ kết án 18 năm tù đối với một hung thủ  Lê văn Luyện cướp tiệm vàng giết ba mạng người và chặt tay em bé chỉ vì phạm nhân còn thiếu mấy tháng nữa mới đủ tuổi trưởng thành ( ! ) .
-            Hệ thống pháp luật từ hiến pháp đến các đạo luật , nghị định , thông tư , chỉ thị ,…do ai làm ra ; làm ra để mang lại lợi ích cho ai , ..là vấn đề tối quan trọng  .  Ngay đến đạo đức cũng có chân đạo đức và ngụy đạo đức . Ngụy đức là thứ đạo đức giả danh , ngụy trang , hình thức . Lão Tử nói : “ Thượng đức bất đức “ . Còn Pascal cho rằng : “ Chân đạo đức chế giễu đạo đức “( Le vrai moral moque le moral )
-         Điểm dị biệt thứ hai là hiến pháp và luật pháp có thể thay đổi theo từng thể chế chính trị , qua từng thời – do thời đổi pháp phải đổi . Nhưng đạo đức và giá trị của đạo đức là trường tồn bất di bất dịch .
-          Ngoài ra đạo đức và pháp luật còn khác nhau ở chỗ : Sống và làm việc theo pháp luật thì cao lắm chỉ  là một công dân bình thường ; còn sống trong đạo đức thì người ta sẽ vượt lên cả giới hạn đó để là một con người trong sạch thanh cao làm tốt cho cả mọi người xung quanh -ảnh hưởng tốt cho cả nhân quần xã hội .
        Quản lý xã hội bằng pháp luật là cách quản lý khoa học và tiên tiến của nhiều nước trên thế giới . Tinh thần thượng tôn pháp luật phù hợp và thích ứng cho phương pháp quản lý đó  . Tuy nhiên tuyệt đối hóa duy nhất hóa pháp luật mà xao lãng việc di dưỡng đạo đức thì chính là chỉ lo nuôi dưỡng phần xác mà khinh suất phần hồn . – Bởi bản thân luật pháp là bất toàn và còn nhiều khiếm khuyết . 
-         Những kẻ hở trong hệ thống pháp luật khó tránh được , có thể tạo cơ hội cho kẻ xấu lách luật , thủ lợi . Ngay như bộ luật La Mã ( Loi Louvain ) nổi tiếng mẫu mực , kinh điển mà ở trang cuối của bộ luật này còn ghi rõ hàng chữ cảnh báo : “ Hãy coi chừng ! Quá công bình quá bất công “

-         Đề cao pháp luật một cách tuyệt đối sẽ biến con người thành vô cảm , lạnh lùng khắc bạc . Vừa rồi trên báo có đăng  một hình ảnh bốn , năm người công an giao thông bận làm biên bản , bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông mà bỏ mặc   nạn nhân đang bị thương nặng cần vào bệnh viện để cấp cứu . Ta thấy họ không hề vi phạm pháp luật mà chỉ có thể nói họ đã vi phạm đạo đức . Con người vốn dĩ là giống hữu tình nên không thể làm ngơ , không thể không đoái hoài đến những mảnh đời cơ nhở , đến những kẻ sa cơ gặp nạn …Nguyễn Du trong truyện Kiều đã từng nói : “ Ngoài thì là lý nhưng trong là tình “.

-          Thiết nghĩ ngoài việc thượng tôn pháp luật , nhà nước cần tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển đúng bản chất tôn giáo ; nhà nước nên tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển thuần túy tín ngưỡng .Như vậy thì môi trường đạo đức mới thẩm thấu vào môi trường pháp luật . Lẽ ra phải nói : “ Tốt đạo đẹp đời “ chứ không nói “ tốt đời đẹp đạo “. Nói đến đạo là nói đến chí  thiện , chí tâm , chí thành . Đạo nào cũng khuyên ta tránh dữ làm lành . Trong kinh Pháp cú , Đức Phật Thích Ca đã thu gọn lời dạy của chư Phật trong 4 câu :

-            Chư ác mạc tác

-         Chúng thiện phụng hành

-         Tự tịnh kỳ ý

-         Thị chư Phật giáo

-         Hòa thượng Thích Minh Châu dịch như sau :

-         Không làm mọi điều ác

-         Thành tựu các hạnh lành

-         Tâm ý giữ trong sạch

-         Chính lời chư Phật dạy

-         Luật pháp chỉ là biện pháp quan phòng , răn đe , chế tài tội phạm . Đạo đức tôn giáo mới là nguồn đức lý vô tận , bền vững giúp con người trở nên trong sạch thánh thiện .


-          Tóm lại ,  những suy nghĩ lan man trong bài viết này xuất phát từ những sự kiện thực tế có mối quan hệ nhập nhằng giữa hai phạm trù đạo đức và pháp luật , giữa chân và chuẩn . Trong xã hội ,  luật pháp được đưa lên ngôi vị cao nhất và việc chuẩn hóa luật pháp cũng được toàn xã hôi quan tâm . Để  được chuẩn cần dùng thước đo quy ước xã hội đặt ra , có khi chỉ  là nghe một phía , nghĩ một chiều , nhìn một hướng ...- đang khi chân xác phải có cái nhìn toàn cục , đa diện đa chiều ....

             Nội dung bài viết này không có tính phản biện , tranh luận mà chỉ có tính cách trầm tư , suy ngẫm về một vấn đề mà mình còn rất băn khoăn...

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Một cách nhìn khác về quan niệm : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia "



Trong bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba do tiến sĩ Thân Nhân Trung ( TNT) soạn có câu mở đầu : Hiền tài là nguyên khí của quốc gia . Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao ; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp ...Quan niệm trên cách chúng ta hơn một nửa thiên niên kỷ mà mỗi khi bàn đến vẫn thấy tươi nguyên giá trị .Từ kinh nghiệm cũ ta thử bàn lại để có được ý mới nào chăng ?

   Mở đầu bài ký tác giả viết : Hiền tài là nguyên khí của quốc gia . Nguyên khí thịnh thì thế nước  mạnh rồi lên cao ; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp .
  Trước hết cần hiểu thế nào là hiền tài? thế nào là nguyên khí ?. Hiền tài là những người tài cao học rộng có tâm có đức ; còn nguyên khí theo nghĩa từ nguyên là  tính khí của người ta do sự hấp thụ khí thiêng của thiên nhiên , của đất trời . Theo quan niệm âm dương ngũ hành , con người có mối quan hệ tứ trụ : Thần - Nhân - Thiên - Địa . Việc mạnh yếu thăng trầm của đất nước tùy thuộc vào sự thịnh suy và nguyên khí của quốc gia ấy .  Nguyên khí là vô hạn , vô cùng ; không bao giờ thiếu hoặc mất đi
 " Dẫu cường nhược có lúc khác nhau 
  Mà hào kiệt không bao giờ thiếu  
                                      ( Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo )

Nguyên khí khác với tài nguyên . Tài nguyên quốc gia là cái nguồn sinh ra của cải , sự giàu có ( source de chisses). Cái nguồn ấy có lúc vơi dần và có lúc cạn kiệt nhưng trí thức ,  sức sáng tạo , nhân tài , hiền triết ...thì thời nào và ở đâu cũng có .Vấn đề là không được phát hiện,không được đề bạt tiến cử đó thôi . Ngay đến người phát ngôn ra câu : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia " cũng là một bậc hiền tài , từng là rường cột của triều đình : Tiến sĩ Thân Nhân Trung .TNT tuy đỗ đạt muộn màng ( 1) nhưng đã lập nhiều công tích , được vua Lê Thánh Tông trọng dụng - TNH giữ chức Phó Tao Đàn nguyên súy . TNT còn có công khai khoa cho 10 vị tiến sĩ ở quê cha đất tổ làm rạng danh cho quê hương , tổ tiên , dòng tộc .Xem ra , người hiền tài không chỉ có tài mà còn biết đem cái tài của mình ra để an bang tế thế .
  Sau khi đặt xong vấn đề , tác giả đưa ra những luận điểm , luận cứ và luận chứng để làm sáng tỏ vấn đề "Bởi thế các các đức Thánh Đế ,Minh Vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài , kén chọn kẻ sĩ , vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên ".Đấy là luận điểm giàu sức thuyết phục . Lịch sử nhân loại đã chứng minh - bất kỳ chế độ nào , mô thức chính trị nào có minh chủ , có nhà lãnh đạo hiền triết đều quy tụ được nhiều hiền tài , làm cho nguyên khí quốc gia triển nở,sung mãn . Ngay thời cổ đại , đức Khổng Tử đã đề cao chính sách cử hiền tài thay cho thế tập . Và ngài đã quy tụ  đươc đệ tử xuất chúng . Theo chính sách cử hiền tài thì bất cứ ai , bất kể xuất thân từ giai cấp nào cũng có thể tham chính nếu đỗ đạt ở các khoa thi . Bước cử hiền tài là bước tiếp theo của bước sát hạch , tuyển trạch. Thi để chọn và chọn để cử . Sự tuyển chọn qua thi cử có mối liên quan mật thiết đến việc đề bạt , tiến cử và việc đề bạt tiến cử có liên quan đến việc thịnh suy của đất nước . Chọn lầm người dẫn đến việc đặt ngồi nhầm ghế . Chính vì vậy mà đông , tây , kim cổ đều xem học hành thi cử là quốc sách . Một nhà chính trị sáng suốt không bao giờ xao lãng hoặc tách rời việc tuyển chọn nhân tài  và việc đề bạt nhân tài . Một quốc gia hùng mạnh không thể không cần đến những bậc hiền tài làm rường cột . Nguyễn công Trứ đã nói rõ trách vụ của kẻ sĩ đối với Hoàng triều cương thổ :
Trong lăng miếu ra tài lương đống 
 Ngoài biên thùy rạch mũi can tương .

 Chính vì kẻ sĩ ,  hiền tài là nguyên khí của quốc gia nên người ta có thể bỏ ra ngàn vàng để đánh đổi được  kẻ sĩ hoặc như Lưu Bị ba lần đến nhà cỏ của Khổng Minh để cầu hiền . Vào thời Xuân Thu chiến quốc nước Tần còn nghèo nàn lạc hậu bị các nước lớn xem thường , kịp đến khi Tần mục Công lên ngôi biến Tần quốc thành một nước hùng mạnh ; đó là nhờ thực thi nghiêm túc việc tuyển chọn và đề bạt nhân tài vào các chức quan . Về sau Tần quốc sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất như Bá Lý Hề , Thương Ưởng , Trương Nghi , Hàn Phi Tử , Lý Tư , ... Đến thời Tần Thỉ hoàng , nhờ biết sử dụng lại những hiền tài nói trên nên nước  Tần vẫn giữ vững là một đế chế hùng mạnh thôn tính 6 nước thống nhất Trung Hoa .  Sau khi Tần Thỉ Hoàng chết , Lưu Bang cùng với Hạng Võ tiêu diệt nhà  Tần rồi sau đó trừ Hạng Võ để lên ngôi hoàng đế , hiệu là Hán Võ Đế . Trái với Tần Thỉ Hoàng đốt sách chôn Nho ,  Hán Võ Đế  đích thân tuyển chọn và đề bạt nhân tài . Về phương diện dùng người Hán Võ Đế tỏ ra thông thoáng , rộng mở hơn nhiều so với các vua trước . Nhà vua không ngại dùng những người tài xuất thân từ giai cấp thấp kém hoặc có khuyết tật - hiểu theo nghĩa bóng : có tài có tật - . Hán võ Đế quy tụ những chuyên gia học giả -như  kinh học có Đổng Trọng Thư ,sử học có Tư Mã Thiên , văn học có Tư Mã Tương Như , quân sự có Lý Quảng , Thiết Thanh .. Đặc điểm trong cách dùng người của Hán Võ Đế là chỉ quan tâm đến sở trường chuyên môn của các hiền tài còn về sở đoản thì không thành vấn đề .Điều nầy thiết nghĩ thật là chí lý .Ai  có sở trường nấy . Con vịt bơi dưới nước đâu có cần đôi chân dài như con đà điểu chạy trên cạn  .Hà cớ gì phải kéo dài chân vịt hoặc thu ngắn chân của đà điểu .
   Trở về việc tuyển chọn và đề bạt  và sử dụng hiền tài ở xứ ta không phải bắt đầu từ thời Trần mà thời Lý Nhân Tông đã có rồi : Năm Ất Mão ( 1075 ) mở khoa thi tam trường để lấy người có văn học làm quan ; năm Bính Thìn ( 1076 ) lập Quốc Tử Giám để tuyển chọn giáo thọ ; năm Bính Dần ( 1086 ) mở khoa thi chọn Viện sĩ Hàn lâm viện . Bấy giờ đã có chức Hàn Lâm học sĩ . Đến đời nhà Trần tinh thần tam giáo đồng nguyên vẫn còn bảo lưu trong dòng chảy văn hóa dân tộc  .Sau khi nhà Trần mất về tay Hồ Quý Ly rồi cha con Hồ Quý Ly bị bỏ củi áp giải sang Tàu , Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn ..Trong thời kỳ khó khăn , Lê Lợi ra sức cầu hiền , mong được người tài giúp sức . Nguyễn Trãi là cánh tay mặt của Lê Lợi .đã giúp Lê Lợi khởi nghĩa thành công . Các vua kế nghiệp nhà Lê độc tôn Nho giáo nên dẫn đến tinh thần nhân đạo , dân chủ rộng mở của thơ Lý ,Trần  bị suy vi mai một . Tư tưởng tam giáo đồng nguyên là nhân tố tích cực làm cho nước Đại Việt trở nên hùng cường . Những kẻ sĩ của nước Đại Việt có đầy đủ ba tác dụng : Lý trí , tình cảm và ý chí ( hành động ). Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì chỉ số IQ và chỉ số EQ cân bằng ; riêng đối với hiền tài thì chỉ số EQ có  phần trội hơn . Bởi " chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài " ( Nguyễn Du ). Nếu chỉ  có tài thôi mới chỉ là người thông thái , uyên bác , duy lý trí - xa rời cộng đồng .Điều kiện ắt có và đủ cho một người hiền là  lòng yêu thương đồng bào đồng loại và khát vọng được cống hiến phục vụ dân tộc   Khát vọng đó phải được thực hiện bằng hành động ( ý chí ).Đạo Nho là một học thuyết chính trị và đạo đức . Học Nho đễ đỗ đạt làm quan thì hãy còn phiến diện . Muốn học để làm người toàn diện cần phải có cả Nho - Phật - Lão . Vị vua đầu nhà Lý ( Lý Công Uẩn )là một người được các cao tăng truyền thụ cho cái học tam giáo từ khi còn là chú tiểu . Lịch sử đã chọn Lý công Uẩn mà không chọn Lê Long Đỉnh là điều tất yếu .. Trong các triều đại nhà Lý , đời nào cũng có hiền tài giúp sức : đời Lý Thái Tổ có quốc sư Vạn Hạnh , đời Lý Thánh Tông có nguyên phi Ỷ Lan ; đời Lý Nhân Tông có thái sư Lý Đạo Thành . Nhân Tông lên ngôi mới có 7 tuổi , mọi việc triều chính đều do tay Lý Đạo Thành đảm đang . Lý Đạo Thành thương dân và tận tụy với nước ; tất cả quan chức triều đình đều do Lý Đạo Thành kén chọn người tài và cất nhắc  . Dưới đời Nhân Tông , Thánh Tông nhờ có hiền tài giúp sức nên Bắc đánh Tống , Nam bình Chiêm giữ vững phên giậu ở phía Bắc , mở rộng bờ cõi về phía nam . Tinh thần tôn giáo còn được tôn sùng dưới thời nhà Trần . Nhà Trần ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi là nhờ có nhiều bậc hiền tài làm rường cột : Trần Thủ Độ , Trần Quốc Tuấn , Trần Quang Khải , Yết Kiêu , Dã Tượng , ...Nhờ tinh thần tam giáo đồng nguyên mà toàn xã hội có sự đoàn kết nội tại , dân chủ và rộng mở ... "Con người trong xã hội ấy được phản ảnh là có nhân cách đặc xuất , không những cao về tài năng đạo đức mà còn rộng về trí tuệ và tâm hồn .Nô tỳ , thiếu niên ,thiếu nữ ,lão bà , nông dân , tăng ni , đạo sĩ , nho sĩ , quý tộc , hoàng hậu ...nhà vua ...không tầng lớp nào , không tuổi nào , không giới nào mà không có những tính cách vượt xa trên mức bình thường "(Lê Trí Viễn ) .Trong thời nhà Trần , Vua dám bỏ ngôi , quan không thiết chức , kẻ sĩ không nhận chức tước bỗng lộc nếu thấy mình chưa xứng đáng . Nói chung  Lý ,Trần là hai thời đại hoàng kim trong lịch sử . Người phát hiện ra và biết sử dụng hiền tài cũng là bậc hiền tài . Đó là những minh chủ , minh vương , thánh đế , những nhà lãnh đạo sáng suốt . Một vị thủ tướng trở nên hiền tài nếu thành lập nội các gồm những bộ trưởng có  chuyên môn , sở trường về ngành nghề , tận tụy với công việc , khiêm hạ , thanh liêm trong quan hệ với cấp dưới .. Tiêu biểu cho bậc hiền tài biết dùng người phải kể đến Thomas Jefferson(2) Tổng thống Hoa Kỳ , một trong các tác giả của bản tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ . Ở Trung Hoa vào đời Tống có tể tướng Vương An Thạch  cũng là một người biết dùng người tài .
     Người hiền tài tất nhiên phải được nể trọng , vinh danh . Tuy nhiên trong số họ vẫn có những người mất chất . Thân Nhân Trung viết : "Vì hối lộ mà hư hỏng hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác là vì lúc sống chưa được nhìn tấm bia trinh bạch nầy thôi , giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy , ý ác được ngăn chặn , đâu dám làm chuyện càn bậy " 
  Trên một tấm bia đề tên tiến sĩ khoa Đinh Mùi ( 1487 ) TNT nhấn mạnh sự dối trá biến chất của kẻ tội đồ : " ..tu sửa văn vẻ bên ngoài , đức hạnh thiếu thốn bên trong , điều thấy không bằng điều nghe , việc làm trái với điều học , hạnh kiểm sa sút , danh giá nhuốc nhơ , chỉ tổ bôi nhọ tấm bia nầy mà thôi ..."Nói theo cách nói bây giờ thì đó là loại ác trí thức , ngụy trí thức . Khoa danh của họ có thể là học giả bằng thật hoặc học thật mà tri hành bất nhất hoặc không thật sống theo những gì mình thật biết vv...Loại nầy sẽ nguy hiểm cho xã hội khi biến mình thành học phiệt ; dùng học vị , học hàm của mình để bóp méo sự thật , làm ô nhiểm môi trường văn hóa .

   Suy cho cùng thì những bậc hiền tài , kẻ sĩ ...rồi ra cũng khuất bóng và đi vào cổ triết , cổ sử . Nhưng thời nào , ở đâu họ vẫn là nguyên khí của quốc gia .Quan niệm của TNT cách chúng ta hơn nửa thiên niên kỷ mà vẫn còn tươi nguyên giá trị . Nhiệm vụ của đời sau là dẫn dắt quá khứ , định hướng tương lai . Ôn cố tri tân không có nghĩa là bê nguyên ý của đời xưa để áp dụng vào đời nay ; mà dựng lại quá khứ trong kinh nghiệm mới mẻ của hiện tại . Nói như Trúc Lâm đạo sĩ : " Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân ( mỗi lần bàn đến lại thành mới tinh ) . Hoặc như lời cổ thi :
 "Nhậm vận tự sinh kim nhật ý.
Hàn hoa chi tát khí mai hương "

Chú thích :
 (1):Thân Nhân Trung sinh năm 1418 mãi đến năm 1469 mới đỗ tiến sĩ 
(2):Trên mộ của Jefferson có ghi dòng chữ : " Đây là mộ của người biết dùng người tài "

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Nhiệm vụ của giáo dục đối với văn hóa


         Hai chữ văn hóa có nội hàm bao gồm :giáo dục, chính trị ,triết học ,tôn giáo ,tín ngưỡng ,ngôn ngữ ,văn nghệ ,thuần phong mỹ tục vv...Đặc biệt giáo dục đối với văn hóa có nhiệm vụ kép : Vừa xây dựng cơ sở văn hóa cho ngày mai thụ hưởng vừa vun bồi tưới tẩm tinh hoa văn hóa của ngày hôm qua . Cái làm nên giá trị của một quốc gia chính là bản sắc dân tộc của quốc gia đó .Ví dụ giá trị Nhật là trung thực , can trường ; giá trị Mỹ là thực dụng , nhân bản . ..Đã là bản sắc thì không giá trị nào giống giá trị nào , cũng không có chuyện hơn kém giữa các giá trị. Trong các nội hàm của văn hóa có thuần phong mỹ tục . Thuần phong mỹ tục là luân lý , và có thể coi như đạo đức thực hành .Nền giáo dục của ta hiện nay nặng thuyết lý đạo đức , nhẹ về giáo dục luân lý qua giao tiếp , ứng xử , tập quán , lối sống  mà xưa gọi là gia phong lễ giáo .
    Nói đến giáo dục là phải nói đến đường hướng , mục tiêu đào tạo . Đào tạo một công dân tương lai có tình yêu thương gia đình , dòng họ ; có tinh thần dân tộc đồng thời có mẫu số chung của một  con người nhân loại .   Đó là lý tưởng của giáo dục . Mỗi quốc gia tự chọn cho mình một triết lý giáo dục làm kim chỉ nam cho đường hướng giáo dục . Nội dung chương trình sách giáo khoa , phương pháp dạy học đều phải phản ảnh cho được triết lý đã chọn . Miền nam trước 75 đã chọn triết lý giáo dục là Dân tộc - Nhân bản - Khai phóng . Vì đề cao tinh thần dân tộc mà trong giờ địa lý , học sinh nào vẽ bản đồ Việt Nam mà thiếu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng sa sẽ bị phạt nặng ; ở phòng học nào cũng có treo câu khẩu hiệu : " Tổ quốc trên hết ". Sách giáo khoa và kinh điển nói chung là cái hồn cái hạnh của giáo dục .Một công dân đã từng cắp sách đến trường đều có mang trong huyết quản cái hồn cái hạnh từ những trang sách giáo khoa  - nghĩa là đã hấp thu trong tâm hồn một nền giáo dục chân chính . Tình yêu gia đình , nghĩa gia tộc , tình yêu quê hương đất nước đã từng được di dưỡng tưới tẩm từ thuở học trò .  Nhà thơ Giang Nam có mấy câu thơ nói lên tầm ảnh hưởng của sách giáo khoa đối với tình yêu quê hương : 

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường 
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ 
 Ai bảo chăn trâu là khổ 
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao 
 
       Những " trang sách nhỏ" đã hun đúc tình yêu quê hương của nhà thơ chính là bộ " Quốc văn giáo khoa thư "do học giả Trần Trọng Kim , Nguyễn văn Ngọc , Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn . Bộ sách nầy được chính thức giảng dạy ở các trường Tiểu học vào những thập niên tiền bán  thế kỷ XX. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn Hương rừng Cà Mau có kể câu chuyện " tình nghĩa giáo khoa thư "thật cảm động . Chuyện kể một ông phái viên nhà báo được tòa soạn cử đi đòi nợ một độc giả mua báo dài hạn ở tận vùng xa xôi hẻo lánh . Nhà báo và độc giả qua một đêm tâm tình tương đắc và đồng cảm những bài học trong sách" Quốc văn giáo khoa thư "mà cả hai đã thuộc nằm lòng từ thuở nhỏ đã khiến sáng hôm sau nhà báo lên đường trở về tỉnh thành mà không hề đề cập  đến chuyện tiền nong với anh độc giả nghèo yêu sách báo .. Nhưng anh độc giả nọ đã chủ động nhắc món tiền nợ báo và xin được trả nợ bằng những sản vật hiện có trong nhà .Đọc " Tình nghĩa giáo khoa thư "người đọc cảm thấy hạnh phúc khi tìm lại chính mình " qua từng "trang sách nhỏ " . Bộ " Quốc văn giáo khoa thư "gồm có ba quyển :
  * Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng 
*Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị 
* Luân lý giáo khoa thư lớp đồng ấu 

       Riêng luân lý giáo khoa thư chuyên đề dạy về phong hóa , lễ giáo cho học sinh từ thuở còn thơ  . Đây là quyển sách giáo khoa lớp khai tâm dạy làm người .Đây cũng là nền tảng văn hóa Việt . Đây cũng là trường hợp giáo dục đã làm tốt nhiệm vụ kép  : vừa xây dựng cơ sở văn hóa cho ngày mai thụ hưởng ; vừa vun bồi tưới tẩm truyền thống tốt đẹp của ngày hôm qua . Tôi xin được dẫn ra đây một số bài học  luân lý trong quyển giáo khoa nầy :  Thương yêu kính trọng ông bà cha mẹ , thương yêu nhường nhịn anh chị em ; thờ cúng tổ tiên ; giúp đỡ người trong họ , thương yêu tôi tớ trong nhà ; yêu thương thầy dạy , tôn kính thầy dạy , ...
 Những bài học trên đây trong " luân lý giáo khoa thư "có thể ngày nay nhiều người cho rằng không còn hợp thời nữa . Nhưng có những việc " biết rồi khổ lắm nói mãi ".. Nói mãi hóa nhàm mà làm mãi vẫn chưa xong . Ngay đến những người lớn tuổi cả những kẻ thành đạt trong cuộc sống , nếu một ngày tự soi sẽ thấy mình còn vô vàn thiếu sót . Một trong tám chữ học làm người ( hiếu , để , trung , tín , lễ , nghĩa , liêm ,sĩ ) chữ hiếu đứng hàng đầu , chữ để đứng hàng thứ hai . Hiếu là bổn phận đối với ông bà cha mẹ . Để là trên kính dưới nhường - anh chị em trong nhà phải hòa hợp , nhường nhịn , thuận thảo cùng nhau .Quan điểm của các soạn giả "Quốc văn giáo khoa thư "là làm sao thể hiện được nét văn hóa đặc thù của NgườiViệt : lấy gia đình làm nền tảng cho xã hội , quốc gia  , dân tộc .Một đứa trẻ không biết yêu thương ông bà cha mẹ , anh chị em trong nhà thì lấy gì bảo đảm rằng khi lớn lên nó biết yêu quê hương, đất nước , đồng bào , đồng loại . Gia đình , gia tộc là cái nôi của tình yêu thương và cũng là nơi trú ẩn an toàn nhất khi gặp phong ba bão tố trong cuộc đời .. Xưa , có một bức tranh vẽ cảnh gia đình một nhà sum họp có tựa đề "Buổi tối trong gia đình ": cha ngồi đọc báo , mẹ ngồi khâu vá , con học bài , bà kể chuyện cổ tích cho cháu . Trong bài thơ " Lượm " có câu thơ " Ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà " của Tố Hữu ca ngợi những đứa trẻ thoát ly gia đình ... chỉ thích hợp với giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ !
   Thời bây giờ tuổi trẻ ít gần gủi gắn bó với gia đình, không coi trọng các mối quan hệ trong thân tộc là do sách giáo khoa khai tâm thiếu những bài học đề cao tinh thần gia đình ..!. Thậm chì đêm giao thừa là thời điểm thiêng liêng nhất để gia đình sum họp tiển năm cũ , đón năm mới mà cũng không còn giữ được nếp xưa . Ngày nay , đêm giao thừa ta thấy thanh niên thiếu nữ tập trung ở các lễ hội (hội nhiều hơn lễ ). Lễ lại chỉ là cái cớ để tụ họp vui chơi múa hát ...Nếu giao thừa mà cả nhà ăn mặc tươm tất , sửa soạn bàn thờ ông bà , chuẫn bị cúng tổ tiên rồi sau đó là mừng tuổi chúc tết lẫn nhau ...thì thế mới gọi là đậm đà bản sắc dân tộc .
 
       Vậy phải chăng nói đến văn hóa là phải đề cập đến nhiệm vụ kép của giáo dục : nhiệm vụ xây dựng cơ sở văn hóa cho thế hệ mai hậu thụ hưởng , đồng thời bảo tồn di sản văn hóa của tiền nhân để lại .


Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Tính " hay cãi " của người Quảng Nam

Đã có nhiều giả định về nguyên nhân nguồn gốc của tập quán nầy. Phần lớn các giả định tỏ ra không mấy thiện cảm, có thiên hướng tiêu cực về tính hay cãi nầy. Thậm chí có người cho rằng dân vùng Quảng Nam tính tình hung hãn hung hăng, nóng nảy nên hay cự cãi.
Người viết bài nầy mạo muội đưa ra giả định cho rằng tính hay cãi của người Quảng Nam có liên quan đến hoàn cảnh, vị trí địa lý của đất Quảng Nam. Đó là mối liên quan giữa đất và người. Điều nầy dễ nhận ra ở đất và cây. Tùy theo thổ nhưỡng thổ ngơi mà cây ra trái lại có vị khác nhau. Quýt ở Giang Nam vốn ngọt nhưng nếu bứng đem trồng ở Giang Bắc thì "giỏi bấy tay trồng cũng hóa chua " (thơ Hoàng Lộc).

Phong tục, tập quán của người dân Quảng Nam gắn liền với phong cảnh, phong thổ, thổ nhưỡng, thổ ngơi của đất Quảng Nam. Quảng Nam có những con sông lớn như Cẩm Lệ, Thu Bồn... bồi đắp phù sa màu mỡ cho những nương dâu, ruộng lúa phì nhiêu tươi tốt. Sông sâu, nước trong, núi non hùng vĩ đã hun đúc nên con người Quảng Nam có tư chất thâm trầm, nói năng bộc trực, tính tình thẳng thắn, thật thà chất phác.
Tâm thế  tranh cãi để sinh tồn

Điều kiện thiên nhiên quá ư nghiệt ngã, đầy bất trắc đã tạo nên người Quảng Nam có thói quen chịu đựng, nhẫn nại, chuyên cần, chăm chỉ và luôn có tâm thế đấu tranh để sinh tồn. Người Quảng Nam không dễ dàng tiếp thu ý kiến của người khác là vì sống trong bất trắc, quen hoài nghi cảnh giác nên phải tranh luận cho ra lẽ rồi mới đồng thuận.
 
Vì rẻo đất chiến lược, với đèo Hải Vân là tuyến phòng ngự rất khó vượt qua, hai bên Việt – Chiêm cãi qua, cãi lại, giằng co nhau quyết liệt nhiều năm trời. Ảnh: Vũ Công Điền

Phải chăng có tranh cãi mới sáng tỏ vấn đề. Có lật ngược vấn đề để tranh luận thì mới có cái nhìn toàn diện, khách quan. Nếu tranh luận không cần thiết thì sẽ không có phản biện và ngày nay người ta không cần đến luật sư. Nhiều người nghĩ rằng tính hay cãi là do tính bướng bỉnh, sân si, nóng nảy. Nhưng thiết nghĩ tranh cãi khác với cự cãi, cãi bướng cãi bừa... Chính nhờ không dễ dàng chấp nhận những lề thói cổ hủ, những luật lệ bất công trói buộc nên người Quảng Nam thường tiên phong trong các phong trào như phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế ở Đại Lộc, phong trào cắt tóc ngắn, mặc Âu phục (do cụ Phan Chu Trinh xướng xuất); phong trào thơ mới (cụ Phan Khôi ),...

Đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội do vua Duy Tân làm Chủ Súy, trong ủy ban khởi nghĩa có nhiều người Quảng Nam giữ cương vị chủ chốt như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Ngung, Nguyễn Súy, Lê Cơ, Lê Đình Dương... Việc bại lộ, vua Duy Tân bị Pháp đưa đi đày, Thái Phiên và ba đồng chí bị hành quyết. Để ghi nhớ người anh hùng dân tộc thành phố Đà Nẵng đã một thời mang tên Thái Phiên.

Có người cho rằng "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm" là cách nói thậm xưng nói quá... nhưng thật ra chẳng quá chút nào vì người Quảng Nam rất nhạy bén, rất ưu thời mẫn thế. Thật vậy, thường những người làm cách mạng thuộc loại cá thể đột biến, không theo lẽ thường tình.

Cãi… thuộc bản sắc 

"Bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong".
Trong cuốn "Có 500 năm như thế" của nhà khảo cứu Hồ Trung Tú có chương mục lý giải khá thú vị về tính hay cãi của người Quảng Nam. Theo tác giả thì trong suốt 500 năm người Chăm và người Việt sống cạnh nhau, xen kẽ nhau, làng này cách làng kia một cánh đồng, một con bàu, thậm chí một con đường. Có lúc có nơi họ tôn trọng hòa hiếu nhau, nhưng bao giờ cũng giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Từ đó xảy ra sự xung đột do sự dị biệt giữa hai nền văn hóa như chế độ phụ hệ, mẫu hệ; như tín ngưỡng của người Việt là Trời Phật, của người Chăm là SiVa, Visnu. Đó là nguyên nhân của tính hay cãi.
Hồ Trung Tú rất có lý khi cho rằng: "Bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong". Đây là một khẳng định, một lời cảnh báo có giá trị như một quy luật lịch sử mà các nhà làm văn hóa cần quan tâm. Hồ Trung Tú càng có lý khi cho rằng cãi nhau để khẳng định mình, cố trung thành với niềm tin của mình, bất luận đúng sai không chỉ là tính bảo thủ mà còn là sự sống còn của bản sắc văn hóa. Ông gần như xác quyết: "Phải chăng chính nhờ thế mà họ đã bảo lưu được bản sắc văn hóa của mình suốt 500 năm". Đã là bản sắc văn hóa dân tộc thì không có vấn đề hơn kém, đúng sai, tốt xấu. Giá trị của ai là của người ấy. 


Cũng từ thế kỷ thứ 16 trở đi Dinh Trấn Quảng Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc giao lưu với các nước phương Tây. Giáo sĩ Dusomi rồi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Trấn Quảng Nam để truyền giáo. Điều đáng lưu ý là Alexandre de Rhodes cùng với các thức giả Việt Nam soạn từ điển Việt - Bồ - La; từ đó manh nha hình thành chữ Quốc ngữ. Từ Trung Hoa, hòa thượng Thích Đại Sán rồi học giả Chu Thoại Thủy đã đến Việt Nam và lưu trú dài ngày ở Hội An (Quảng Nam) để thăm thú trước tác. Điều đáng lưu ý là trong "Hải ngoại ký sự" của hòa thượng Thích Đại Sán có mô tả và xác nhận hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.

Những sự kiện kể trên chứng tỏ người dân Quảng Nam đón những luồng gió mới với thái độ dè dặt cần phải tranh cãi phản biện trước khi tiếp nhận. Ngoài ra Quảng Nam còn là nơi giao điểm, giao lưu của hai nền văn minh lớn: văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Hai nền văn minh nầy du nhập vào Việt nam từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên bằng hai con đường: đường thủy từ Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan  và đường bộ từ Trung Hoa sang. Người Việt và cả người Chăm đứng trước một sự lựa chon: phải chọn một bỏ một hay dung nạp cả hai trong ý thức phản biện thường trực, tranh luận gay gắt  để cuối cùng dung thông, thâu hóa cả hai.

Còn giọng nói của người Quảng Nam có hơi thô mộc cứng và nặng (có lẽ vì pha giọng của người Chăm) khiến  người nghe có cảm giác đang bị cự cãi. Ngoài ra, ngôn ngữ của người Quảng Nam có tính cách "ăn sóng, nói gió" có lẽ vì đất Quảng Nam ở đầu sóng ngọn gió  chăng? Người Quảng Nam ăn cục nói hòn, nghĩ sao nói vậy, thẳng như ruột ngựa... ấy là do tánh quyết liệt, mạnh mẽ, bộc trực...

Tóm lại, tính hay cãi của người Quảng Nam phải chăng phát nguyên từ hoàn cảnh vị trí địa lý của cộng đồng dân cư có ảnh hưởng đến tâm lý con người xứ Quảng. Tâm lý phòng ngừa bất trắc trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt; tâm lý hồ nghi dè chừng những luồng gió mới từ bốn phương thổi tới; tâm lý quyết liệt mạnh mẽ, căng thẳng khi phải đương đầu với thiên tai thủy ách và các thế lực ngoại xâm. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là đất Quảng Nam đã sản sinh ra nhiều danh sĩ danh nhân, anh hùng, chí sĩ có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.  

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Nghĩ xưa , buồn nay

     Nguyễn Trãi có một câu thơ nôm mà nay đọc lại thấy xót xa cho thế cuộc .
  Triều có hiền tài nho sĩ ấm
 Biên không binh lửa tướng quân nhàn 

Hai câu thơ nôm na dân dã mà ý chí sâu xa , diễn tả khát vọng về một đất nước an bình thịnh trị . Nói đến một thời đại phong kiến là nói đến hoàng triều cương thổ . Nói đến hoàng triều là nói đến vua hiền tôi trung . Nếu vua là minh chủ tất nhiên có nhiều hiền tài dốc lòng giúp vua trị nước .. Những hiền tài xuất thân từ khoa bảng là những hàn nho , kẻ sĩ .. Vua có quyền , kẻ sĩ có học cùng nhau hợp tác chế định chính sách , sắp đặt giềng mối trị quốc an dân .
Bằng con đường cử hiền tài những kẻ sĩ khoa bảng được tiến cử vào các vị trí lảnh đạo đất nước .Những kẻ vô tài bất tướng theo chủ nghĩa cơ hội sẽ không có cơ hội tham chính để tham ô đục khoét hại dân hại nước
 Triều có hiền tài nho sĩ ấm
 Đó là sứ mạng của hiền tài .
 Còn tướng quân ngoài biên ải thì sao ?
 Thời bình tướng quân có nhiệm vụ tập luyện quân sĩ để chuẩn bị cho thời chiến .
Nuôi quân ba năm dụng binh một ngày .
Tuy nhiên , dù sao trong thời bình tướng quân cũng nhàn hơn thời chiến .
 Biên không binh lửa tướng quân nhàn .
 Khi biên cương có biến thì tất yếu phải động binh . Lúc bấy giờ thì hiển nhiên tướng quân không còn có thể nhàn được nữa rồi  ! Tướng tá giỏi , binh lính tinh nhuệ thì sẽ sớm đẩy lui giặc ngoại xâm  ; giữ toàn vẹn lãnh thổ , củng cố chủ quyền quốc gia .

Ngày nay giặc Tàu chiếm đảo , lấn biển sát thềm lục địa mà tướng quân nhà ta vẫn  nhàn nhã  , vẫn bình chân như vại , lại còn nói chuyện hữu nghị hòa hiếu với kẻ thù  là cớ làm sao ? !
 Việc giữ biển giử đảo là nhiệm vụ của  quân đội , đâu phải của ngư dân . Đem tàu cá mà đọ sức với tàu chiến của kẻ địch thì khác nào đem trứng mà chọi đá ư !

     Buồn thay ! 
     Lo thay ! 

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Nghĩ về nhân cách , trí thức của một ông giáo sư qua lời đề tựa cho một quyển sách độc hại



Gần đây trên các trang mạng đăng  tải nhiều bài viết của nhiều tác giả về một cuốn sách của ông Đỗ Minh Xuân ( ĐMX) có tựa đề : “ TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU VỚI TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI , PHỔ THÔNG ĐẠI CHÚNG VÀ TRONG SÁNG “( nhà xuất bản văn hóa thông tin ). Nhiều bài viết có nội dung bất bình , phê phán chỉ trích thậm chí lên án tác giả cuốn sách là kẻ tội đồ cầm đuốc đốt đền . Ông Đỗ Minh Xuân , tác giả cuốn sách , là một kỳ sư cơ khí đã làm một công việc trái khuấy là sửa hơn 1000 đơn vị từ trong tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du. Đó là việc làm ngông cuồng của một kẻ bất tiếu (1)không đáng tốn nhiều giấy mực .Điều đáng suy nghĩ là lời đề tựa của một ông giáo sư danh gíá đã từng được tôn vinh là anh hùng lao động, đã từng giữ chức Viện trưởng viện xã hội học : ông Đặng Vũ Khiêu .Ông viết : ‘ Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc ông Đỗ Minh Xuân tìm lại hầu hết các văn bản truyện Kiều từ trước đến nay , so sánh dị bản tìm đọc hầu hết các bài bình luận tác phẩm và tác giả . Từ đó ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa truyện Kiều cho quãng đại quần chúng . Ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong truyện Kiều . Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông ĐMX và tin rằng cuốn sách nầy là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu truyện Kiều .”

Qua lời đề tựa tán dương , cổ xúy ,đồng tình tán thưởng nói trên ta tự hỏi : “ Ông Vũ Khiêu là ai ?Do đâu ? vì sao , nhằm mục đích gì mà viết ra như thế . Đã có người kết án ông “ nối giáo cho giặc “ .

Giặc ở đây là giặc phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc . Ông ĐMX là một kỷ sư cơ khí lẽ ra ông phải nghiên cứu chuyên ngành sáng chế máy móc lại đi làm thợ tiện , thợ lắp ráp văn chương chữ nghĩa . Sửa chữ trong văn thơ là việc làm sai nguyên tắc hoc thuật và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ . Truyện Kiều của Nguyễn Du gồm 3254 câu thơ lục bát mà ĐMX đã sửa 1000 từ , có khi sửa cả câu thì còn gì là Truyện Kiều ?

  Điều đáng ngạc nhiên là ĐMXdám sửa thơ của một  đại thi hào , một danh nhân văn hóa thế giới .Ông ta lại càng ngông ngênh ngạo mạn khi tự cho rằng chữ của mình hay hơn Nguyễn Du . Truyện Kiều ra đời cách chúng ta hơn 200 năm đã ổn định giá trị như một khối đá tảng . Đây là tác phẩm kinh điển được xem như một di sản văn hoá của dân tộc, một ngôi đền văn hóa của người Việt . Điều đáng xấu hổ hơn nữa là ông ta đã sửa truyện Kiều một cách ngô nghê , tầm phào ,…
 Người xưa đã từng cảnh báo những kẻ hậu học chớ làm khôn đi sửa văn thơ của người khác .” Văn chương đâu phải là đơn thuốc , khuyên bầy con trẻ chớ thày lay “ Thế mà cũng có kẻ liều lĩnh làm cái việc úy kỵ đó . Tỉ như Tô Đông Pha sửa thơ của Vương An Thạch :
  Thơ Vương An Thạch :
                          Minh nguyệt sơn đầu khiếu   
                         Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Tô đông Pha sửa :
                         Minh nguyệt sơn đầu chiếu
                         Hoàng khuyển ngọa hoa âm
    Tô đông Pha sửa như vậy vì cứ  tưởng minh nguyệt là trăng  - thì phải dùng chữ chiếu thay cho chữ khiếu , còn  Hoàng khuyển là con chó vàng nằm dưới bóng hoa - chữ âm thay cho tâm  (*) ( **). Sau này , ngao du thiên hạ , Tô đông Pha mới hiểu ra Minh nguyệt là một loài chim , còn còn Hoàng khuyển là một loài sâu ( sâu nằm trong hoa ). Tô đông Pha bèn xin lỗi Vương An Thạch . Thì ra làm thơ cũng nên hiểu biết về sinh vật nữa . Ở nước ta trong thế kỷ trước cũng đã có một Nguyễn bách Khoa phê bình văn học theo kiểu lương y bắt mạch . Ông  chẩn đoán Thúy Kiều mắc bệnh ủy hoàng , chứng u uất , biến chứng thành dâm dục , dâm đãng .Còn ông Hoài Thanh , phê bình gia nổi tiếng , từng chê Nguyễn Du trong văn tế “ Thập loại chúng sanh “ là không phân biết giai cấp , yêu  hết mọi loài , chê Từ Hải theo chủ nghĩa đầu hàng : “ chết đứng , chết ngồi , chết nằm gì cũng chết vì đầu hàng “. Phê bình văn học qua cặp kiếng màu chẳng khác nào mù mà dẫn người khác đi , què mà dạy cho người ta chạy “
 Trở lại trường hợp ông ĐM X sửa thơ trong truyện Kiều . Việc nầy không lấy gì làm nghiêm trọng , chẳng qua là “ con trẻ thày lay chuyện người lớn “. Điều đáng tiếc là việc làm đó được một giáo sư lão thành , có uy tín , có danh phận , có học hàm học vị cổ xúy , tán dương ..Ông ĐM X mới chỉ vấy bẩn , làm ô nhiểm truyện Kiều .., còn ông V. K tiếp tay vứt xác truyện Kiều xuống sông ! Ôi ! Truyện Kiều mất , nước ta có còn không ?Ngôn ngữ của một dân tộc là chủ quyền của một nước . Truyện Kiều là một kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt , vừa bác học , vừa  bình dân vừa thanh cao điển nhã , vừa dung dị , chân phác . Truyện Kiều là cái HỒN cái HẠNH, cái bản sắc văn hóa của dân tộc .  
 Tại sao phải sửa thơ truyện Kiều để hiện đại hóa , phổ thông hóa , đại chúng hóa và trong sáng hóa ?! Ông Vũ Khiêu khen ông ĐMXcó một tinh thần khoa học nghiêm túc . Làm thế mà nghiêm túc ư ?
Tinh thần nghiêm túc là phải sao lục tất cả các dị bản của truyện Kiều , tham khảo , nghiên cứu tài liệu khảo chứng dữ liệu để đưa truyện Kiều trở về nguyên văn chính bản . Tùy tiện sửa từ , thay câu là phản khoa học trái với nguyên tắc học thuật , là phạm pháp .
Ông V.K khen ông ĐMX có ý tưởng lớn “ hiện đại hóa , phổ thong hóa , đại chúng hóa , trong sáng hóa truyện Kiều “bằng cách “ gạt bỏ “ gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán thay bằng ngôn ngữ thuần Việt “. Thật không thể hiểu nổi trình độ học vấn của một ông giáo sư !Đọc truyện Kiều hay bất cứ một tác phẩm cổ điển nào cũng đâu có khó vì đã có chú thích về từ Hán Việt , từ cổ , điển tích .Riêng truyện Kiều thì lại có từ điển truyện Kiều của Đào duy Anh . Nếu gạt gỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán thì còn gì dòng văn học chữ Hán và chữ Nôm ? !
 Tại sao ông V.K lại đồng tình với việc hiện đại hóa một tác phẩm cổ điển ? phải làm mới một di sản văn hóa của nước nhà ?Đó là điều tối kỵ trong công cuộc bảo tồn , bảo toàn văn hóa dân tộc ( kiểu vẽ rồng thêm chân ) .Văn hóa là phần hồn của một nước . Văn hóa cũng là văn minh là giáo dục …, đều có nhiệm vụ xây dựng cơ sở văn hóa cho thế hệ sau thụ hưởng đồng thời phải thừa kế , vun bồi truyền thống tốt đẹp của ngày hôm qua . Dân tộc ta đã bị bọn giặc phương Bắc nhiều phen xâm lược nhưng không đồng hóa được ; ấy là nhờ cái HỒN , cái HẠNH của đất nước không bị mất đi - mặc dầu sau mỗi lần tháo chạy về nước , bọn giặc không quên tiêu hủy toàn bộ văn khố , văn liệu của dân tộc ta .
 Tại sao ông VK nêu ra yêu cầu “ phổ cập hóa truyện Kiều cho quảng đại quần chúng “ ? Không lẽ ông giáo sư không biết rằng truyện Kiều đã đi vào mạch sống của dân tộc , đã trở thành kinh điển của toàn dân. Từ người không biết chữ đến bậc trí thức đều say mê truyện Kiều . Ai cũng thuộc ít nhất năm ba câu Kiều . Tôi đã từng nghe câu nói sau đây qua miệng của những người bình dân :” Trên thế gian không ai đẹp bằng con Kiều , cũng không ai khổ bằng con Kiều “
 Như vậy cần gì phổ cập hóa truyện Kiều cho quảng đại quần chúng .Từ hán Việt chiếm gần một nửa vốn từ tiếng Việt ,Những từ : Tổ quốc , công dân , cộng hòa , hy sinh , công bằng , độc lập , tự do , hạnh phúc ,..không phải là từ chữ Hán là gì ? . Nếu gạt bỏ những từ khó hiểu từ tiếng Hán thì còn lại gì ? Nếu gặp từ tiếng Hán khó hiểu hoặc điển tích thì đã có chú thích ; sao lại phải gạt bỏ như ông ĐMX đã làm và ông  VK đã khen ? Trong câu thơ Kiều :
  Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang
Trong cuốn truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải có chú thích hai từ xăm xăm và Lam kiều rất rõ ( chú thích 266 trang 34).Thế mà ĐMX dám gạt bỏ từ “lam kiều “và thay bằng chữ “ đánh liều “ :
  Xăm xăm đè nẻo đánh liều lần sang
  .
Sự thay chữ “ Lam Kiều “ bằng ‘đánh liều “làm mất đi vẻ đẹp của câu thơ trong truyện Kiều : Kim Trọng háo hức , theo đường nhắm hướng nơi có người đẹp ( Lam Kiều ) để bước tới . ĐMX biến một văn nhân Kim Trọng với ý tưởng gặp gở lãng mạn bỗng chốc trở thành một kẻ phàm phu xoàng xỉnh .Phải chăng những điển tích điển cố làm cho câu văn càng thêm trang trọng , bóng bẩy .
    
  Như ở đoạn sau đây,Thúy Kiều ngăn chận hành động quá đà của Kim Trọng :
   Chày sương chưa nện cầu Lam
Sợ lần khân quá ra sàm sở chăng ?
  Nếu không đọc điển tích cầu Lam thì sao hiểu được hai chữ chày sương . Tài hoa của Nguyễn Du còn thể hiện ở nghệ thuật kết cấu : câu trước ý trước làm nền cho câu sau ý sau .
 Đúng là ĐMX đã dung tục hóa truyện Kiều . Cụ Nguyễn Du đã chắt lọc từng chữ từng câu để biến truyện “ phong tình “trong nguyên lục của Thanh Tâm Tài Nhân ( Trung Hoa ) thành “ Đoạn trường tân thanh “ hay hơn gấp bội so với nguyên lục . Có người cho rằng truyện “ phong tình “ của Thanh Tâm Tài Nhân  khi sang Việt Nam đã được cụ Nguyễn Du khoác cho chiếc áo dài trang nhã ,thanh lịch  .

  Đã đến lúc ta phải tự hỏi do đâu , bởi ai ?nhằm ý đồ gì ông Vũ khiêu lại tiếp tay cho một người đang tâm xâm phạm di sản văn hóa dân tộc ; chê bai , báng bổ tiền bối .Phải chăng có sự định hướng của một thế lực nào đó muốn triệt tiêu quốc hồn , quốc túy để tiện bề nô dịch văn hóa và đồng hoá dân ta .
 Quả mìn định hướng lại đem đặt ngay xứ Nghệ , khu di tích Nguyễn Du . Tại đây vào ngày 15/12/2012 có  cuộc hội thảo : “ Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ truyện Kiều đến thơ mới “ . Kết thúc hội thảo ông ĐMX tặng cho mỗi đại biểu một quyển sách độc hại của ông . Việc phát tán cuốn sách nầy là sức công phá của  một quả mìn có định hướng vào ngôi đền văn hóa của dân tộc Việt .

Truyện Kiều không còn tiếng ta còn không ? Tiếng ta không còn nước ta còn không ?



(1) bất tiều : con không giống cha - cha làm thầy con bán sách - người ngu đối với người hiền 

(*)Đời vua Tống Thần Tông bên Tàu (1068-1078), có tể tướng Vương An Thạch, ngoài tài kinh bang tế thế, trị quốc an dân ra, ông còn giỏi văn chương thi phú nữa.
Ông đặt ra tám điều Tân Pháp để cải cách về Tài Chánh và Quân sự của xã hội Trung Hoa thời bấy giờ.
Trong triều đình có nhiều quan lại bảo thủ chống đối Tân Pháp ấy hay cố ý làm sai lạc đi. Trong số này có Tô Đông Pha, mới hai mươi tuổi đã đậu tiến sĩ.

Tô Đông Pha nổi tiếng là một thi sĩ, đại văn gia.
Họ Tô không những chống đối Vương An Thach về đường lối cải cách chính trị mà còn dám sửa cả văn thơ của Vương tể tướng nữa.
Trong một bài thơ Vương An Thach làm có hai câu như sau:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu* ( khiếu = hót)Hoàng khuyển ngọa hoa tâm*( tâm = chính giữa)
Tô Đông Pha chê Vương An Thach dốt, viết sai vì cho rằng:Trăng sáng làm sao mà hót trên đầu núi được?
Con chó vàng làm sao mà nằm 
trong lòng hoa được?

Thật là nực cười! Vậy mà làm tới chức tể tướng??? Ông bèn phóng bút sửa hai câu thơ trên lại như sau:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu* (chiếu = sáng)Hoàng khuyển ngọa hoa âm*(âm = bóng mát)
Dịch nghĩa là:Trăng sáng chiếu trên đầu núi
Chó vàng nằm dưới 
bóng
 hoa.
Vương An Thạch biết chuyện, chỉ cười.
Tô Đông Pha sau bị đổi ra đất Hoàng Châu là nơi hoang dã, xa xôi. Nay là Hoàng Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Một hôm ông đi dạo chơi nơi thôn dã, nghe thấy có con chim lạ hót rất hay. Hỏi nông dân ở đó là con chim gì vậy, mới biết con chim có tên là Minh Nguyệt.
Ông mới "ớ" người ra sửng sốt. Hóa ra, mình nhầm. Tài sơ, trí thiễn, hiểu biết nông cạn mà lại đi chê quan tể tướng viết bậy, viết sai. Chỉ biết có mỗi chữ "Minh Nguyệt" là trăng sáng!
Thời gian sau, ông lại giật mình lần nữa. Lần này thì rõ ràng là ông dốt thật chứ không phải họ Vương. Ở vùng này có một loài sâu tên là "Hoàng khuyển" chuyên ăn nhụy hoa. Ăn no rồi nằm ngủ và đẻ trứng ngay chính giữa cái hoa.
Vậy ra, tể tướng Vương An Thạch là người học rộng biết xa đã làm hai câu thơ rất thực tế:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

                                                   ( chuyện đó đây - ninh-hoa.com)-
( **) Đạt Nhân rất cảm ơn một bạn đọc đã có lòng góp ý phần chú thích nầy