Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

SỐNG TRONG HIỆN TẠI

                                                                      Phạm Đạt Nhân 
                                                           
                                           Không tại là không ở đây 
                                         Tự tại là ta có mặt ở đây bây giờ 
                 

 Chào mừng lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn , ta hãy lắng lòng " Hành thâm Bát Nhã " thực hành chánh niệm để được an vi tự tại . Bởi vì Bồ Tát Quán Thế Âm còn có danh hiệu là Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm tự tị cũng là tâm chánh niệm . Sống trong chánh niệm tức là sống trong hiện tại - bây giờ và ở đây -

   Trạng thái tâm lý của ta thường hay bị phóng tâm chạy theo một cái gì đó hoặc để tâm dong ruổi về miền quá khứ xa xôi . Tâm như vậy gọi là tâm bất tại hay vọng tâm . Từ đó chúng ta thường " ở không yên ổn , ngồi không vững vàng " - đi như bị ma đuổi - sống say chết mộng ! Ấy là vì tâm không chánh niệm . Cứ nhìn dòng người giao thông trên đường phố , ai nấy đều căng thẳng , hối hả ,...Vì sao như vậy ?Phải chăng vì họ tập trung tâm trí vào điểm đến ( sở làm , điểm hẹn ,..) mà ít khi ý thức chú tâm đoạn đường mình đang đi . thật ra đi cũng hạnh phúc như đến  Muốn hưởng hạnh phúc trên đường đi thì tâm phải chánh niệm  . Chánh niệm là trạng thái tâm lý không bị phân tâm , không thất niệm hay vọng niệm . Chữ VỌNG được cấu tự bởi chữ vong ( mất ) và chữ tâm . Còn chữ NIỆM  được cấu tự bằng chữ  kim ( hiện tại ) và chữ tâm . Tâm thường trú trong hiện tại gọi là tâm tại . Tâm thất tán gọi là tâm bất tại . Chánh niệm là điều tâm về với hiện tại . Phàm làm bất cứ chuyện gì mà không ý tứ , bị phân tâm thì cũng thất bại  . " Tâm bất tại yên thị nhi bất kiến , thính nhi bất văn  , thực bất tri kỳ vị " ( Tâm không tại thì nhìn mà chẳng thấy , nghe mà không hiểu , ăn mà chẳng biết mùi vị ) .
    Sống trong tỉnh thức là sống trong chánh niệm , an trú trong từng phút giây của hiện tại . Nếu không như thế là sống say chết mộng . Tiếp xúc sâu vào hiện tại mới thực sự cảm nhận được sự nhiệm mầu của cuộc sống , mới thưởng lãm được vẻ đẹp của đất trời : một áng mây trôi , một bông hoa nở , một cánh chim bay ,...Nghe và nhìn trong chánh niệm thì mọi âm thanh , mọi hình ảnh nào cũng ươm đầy sức sống diệu kỳ !
 .Thông thường ta không an trú trong hiện tại mà hoài vọng một quá khứ xa xăm hoặc dự phóng một tương lai xa vời .. Trong truyện Kiều có hai câu thơ mô tả trạng thái phân tâm của Kiều :
   Tưởng bây giờ là bao giờ 
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao 
  Mở mắt ra rồi mà mà vẫn không biết mơ hay thực
  Quá khứ đã đi qua .Tương lai chưa đến .Hiện tại có ở đó mà không biết là thật hay không thật . Khi ta chớp mắt một cái thì cái chớp mắt liền đi vào quá khứ . Và khi chưa chớp mắt thì nó còn nằm ở tương lai . Heidegger đã nói : " Thời gian tính là yếu tính của thời gian khi tương lai đi vào quá khứ đúng lúc nó vừa tới hiện tại " . Vậy hiện tại người ở đâu ? Ở trong những khoảnh khắc mà ta thật sự sống một cách an nhiên tự tại
  Có người hỏi Thiền sư Thiền Lão :
 " Hòa Thượng ở núi nầy bao lâu rồi ?
 Thiền sư trả lời :
"Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu "
Sống hôm nay biết hôm nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì )
Lại hỏi : Ngày ngày hòa thượng làm gì ?
Trả lời :Thủy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
            Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân
   ( Trúc biết hoa vàng đâu ngoại cảnh 
   Trăng trong mây trắng hiện toàn chân )
 Khi tiếp xúc sâu vào hiện tại cuộc sống thì tất cả pháp đều là phật pháp . Tâm rỗng , lặng thì Phật tính hiển lộ :
            Nghìn trùng có nước nghìn trăng hiện 
           Muôn dặm không mây muôn dặm trời 

 Có một nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc được tính nhân duyên giữa tâm và cảnh bằng những vần thơ sau :
        Bởi vì mắt thấy trời xanh
       Cho nên mắt cũng long lanh màu trời 
       Bởi vì mắt thấy biển khơi
       Cho nên mắt cũng xa vời đại dương

 Bốn câu thơ nói lên sự tương duyên tương hợp giữa tâm và cảnh : Mắt có thấy được màu thiên thanh của da trời thì màu trời mới long lanh trong mắt; bởi vì mắt có phóng ra xa tầm đại dương  dịu vợi thì mắt mới đong đầy sát hải biếc xanh ngàn trùng .
   
     Đối với quá khứ ta có thể nâng niu hoài niệm chứ không thể sống mãi với nó được vì nó trôi chảy tương tục như một dòng nước. Ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông . Đối với tương lai ta có thể hoạch định rất đẹp các dự án để khỏi bị động vì " ai không lo xa ắt có buồn gần . Dù vậy cũng không thể sống với tương lai vì nó chưa đến . Nghĩ và chuẩn bị cho tương lai là việc làm khôn ngoan nhưng nếu ta chỉ biết có tương lai thì chẳng khôn ngoan chút nào . Một nhà văn Nga đã nói : " Chúng ta phải sống chứ không phải chuẩn bị sống ". Sống thật sự là sống trong mỗi phút giây hiện tại bây giờ và ở đây .
 Có một mẫu đối thoại thú vị của hai mẹ con bàn về vấn đề hạnh phúc .
 Charles Black- một chính khách và cũng là nhà ngoại giao người Mỹ thành công cả ngoài đời và trong gia đình , thuở nhỏ một lần hỏi mẹ :
" Mẹ đã bao giờ hạnh phúc nhất ?"
Bà mẹ trả lời :
 " Ngay lúc bây giờ đây "
- Thế trước kia mẹ có hạnh phúc không ?
- Trước kia là trước kia ;  khi trước mẹ đã hạnh phúc . Giờ đây mẹ cũng hạnh phúc . Chúng ta chỉ có thể thật sự sống khi chúng ta đang sống . Vì thế với mẹ lúc nào cũng là giây phút hạnh phúc nhất .
   
       Vậy , phải chăng  :
            Quá khứ thì đã đi qua 
          Tương lai chưa đến biết là về đâu 
           Chi bằng hít thở cho sâu 
          Sống trong hiện tại nhiệm mầu phút giây !