Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Sống là hy vọng

 
Trong cuộc sống, mọi biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không loại trừ bất cứ ai .Thay đổi, biến dịch là quy luật của mọi sự vật trên đời . Mọi sự trên đời không phải " nhất thành bất biến " mà luôn luôn biến đổi , dịch chuyển nay thế này , mai thế khác : sống rồi chết , được rồi mất , giàu rồi nghèo , sang rồi hèn và ngược lại . Đó là luật vô thường . Một cách đối trị với luật vô thường là nuôi hy vọng nếu chẳng may lâm vào tình huống tồi tệ , ngoài ý muốn . Nói cách khác : Sống là hy vọng . Phật dạy : " Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng ".
    Hy vọng là chất liệu dinh dưỡng cuộc sống trong những tình cảnh bi đát , đầy thảm kịch . Nhờ vô thường mà ta có quyền hy vọng đổi đời hay thoát kiếp .Những người không hiểu hết ý nghĩa của vô thường đâm ra thù ghét , oán giận vô thường : nào là khắc khoải vô thường , nào là vô thường là sự hủy diệt , là triệt tiêu đời sống . Có người còn gọi vô thường là con quỷ trên mặt đất . Thật ra phải cảm ơn vô thường hơn là oán trách . Sống hay chết đều mầu nhiệm như nhau . Có sống phải có chết . Và có chết mới có hy vọng tái sinh  ( tuyệt hậu tái tô). Vô thường rất quan trọng . Điều quan trọng nhất là không có gì đáng phải quan ngại , quan tâm , quan phòng , quan yếu ...Điều quan trọng nhất là vô thường . Chính nhờ vô thường mà hết đêm lại ngày , hết mưa lại nắng ...Nhờ vô thường mà hạt mầm phải tự diệt để nẩy chồi rồi ra lá ra cây đâm hoa kết trái cho đời . Nhờ vô thường mà bào thai trong bụng mẹ được sinh ra , lớn lên...Một nghịch lý ở đời là khi còn nhỏ thì trông cho mau lớn nhưng đến khi lớn rồi thì lại sợ già , già sợ chết .Ai cũng sợ già mà vẫn muốn sống lâu ...
  Nhờ có vô thường mà ta có quyền hy vọng , có quyền trông đợi một sự đổi thay . Thở than , tuyệt vọng , chán chường là vì không sống với vô thường . Trong văn học nghệ thuật luôn có tính lạc quan . Lạc quan là một trong các thuộc tính trong văn học ngoài tính hiện thực , tính nhân văn .
Lý Bạch là một tiên thơ , đa tài đa năng nhưng vua Đường không dùng ông đúng chỗ .Trong bài thơ Tương tiến tửu , Lý bạch có hai câu tuyệt bút :
     Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng 
     Thiên kim tán tận hoàn phục lai 
(  Trời sinh ta vốn có tài 
Tất nhiên sẽ được một mai đem dùng 
   Ngàn vàng dẫu mất sạch không 
Mai kia mốt nọ sẽ vòng về ta )
Đó là niềm hy vọng chính đáng và phù hợp với luật vô thường . Không có gì còn là còn mãi ; không có gì mất là mất luôn . Nguyễn công Trứ ngày xưa bốn mươi tuổi mới hiển đạt . Trong cảnh hàn vi bẩn chật ông vẫn nuôi một niềm hy vọng :
  Còn trời còn đất còn non nước
 Có lẽ ta đâu mãi thế nầy
 Đó là niềm hy vọng của những người trí thức tài hoa
 Và  những người bình dân chơn chất thì cũng không thua kém niềm hy vọng  :
    Tháng giêng 
   Tháng hai
   Tháng ba
   Tháng bốn
   Tháng khốn 
   Tháng nạn 
   Đi vay đi dạm 
   Được một quan tiền
    Ra chợ Kẻ Diên 
    Mua con gà mái về nuôi
    Nó đẻ ra mười trứng
    Một trứng : ung 
    Hai trứng : ung
    Ba trứng : ung 
    Bốn trứng : ung
    Năm trứng : ung 
    Sáu trứng : ung
    Bảy trứng : ung
   Còn ba trứng 
    Nở ra ba con 
    Con : diều tha 
   Con : quạ bắt 
    Con : cắt xơi 
   Chớ than phận khó ai ơi
   Còn da lông mọc còn chồi xanh cây
        Bài ca dao Bình Trị Thiên vô cùng độc đáo đã thể hiện được tính kiên cường và hy vọng trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát tưởng chừng như bế tắc . Người dân Bình Trị Thiên đa phần sống ở vùng nước măn đồng chua , mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa ; lại thêm bão lụt mất mùa thường xuyên nên cái nghèo cứ đeo đẳng họ quanh năm .. Nhưng họ không an phận chịu đựng , thúc thủ trước hoàn cảnh . Chạy đôn chạy đáo vay được một quan tiền mua con gà mái về nuôi để gây giống tạo đàn . Nhưng may đó rồi rủi đó . Con gà đẻ được mười trứng thì đã hết bảy trứng ung !. Ba trứng nở ra ba con . Tưởng đã ổn rồi ai ngờ con thì diều tha con thì quạ bắt con thì chim cắt xơi !Đàn gà  trông chờ đã đi đời nhà ma !
 Nhưng thật bất ngờ xuất hiện  một hy vọng đầy bản lĩnh :
  Chớ than phân khó ai ơi 
Còn  da lông mọc còn chồi xanh cây


  Từ thơ ca bác học đến văn học dân gian cho đến hội họa , âm nhạc ...đều có tính lạc quan , tính hiện thực , tính nhân văn .Sau cơn mưa trời lại tạnh ( vũ thiên chi hậu tất tĩnh thiên )là câu để động viên con người đừng tuyệt vọng dù ở bất cứ cảnh ngộ nào
   Sống là phải hy vọng ( Vivre est  espérer ). Và hy vọng là sống ( espoir est vivant). Không có hoàn cảnh bế tắc nào không có lối thoát . Bởi tất cả đều biến dịch . Vật cùng tất biến , biến cùng tất thông .

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Kẻ sĩ ngày xưa và người trí thức ngày nay

     
    
        Hoạt động của giới trí thức cũng như mọi hoạt động khác trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, học thuật...đều là hình thái của văn hóa. Văn hóa lại là phần hồn của một nước. Văn hóa cũng là văn minh, cũng là giáo dục. Đối với văn hóa, giáo dục có nhiệm vụ kép: "Giáo dục vừa xây dựng văn hóa cho ngày mai thụ hưởng, vừa vun bồi kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua." (1) Nói gọn lại là nhiệm vụ xây dựng cái mới và vun bồi, kế thừa cái cũ. Kẻ sĩ xưa và trí thức nay theo nghĩa hẹp là tên gọi khác chỉ người có chữ nghĩa, học cao hiểu rộng và có lương tâm, lương thức. Kẻ sĩ và trí thức khác nhau về cái học (nội dung đào tạo, phương pháp rèn luyện, chỗ đứng trong xã hội) nhưng về vai tuồng, sứ mệnh đối với xã hội, với nhân tâm, thế đạo thì không khác. Kẻ sĩ hay trí thức mãi mãi là hình thái văn hóa. Văn hóa là phần hồn của đất nước. Cái học ngày xưa có gì khác với cái học ngày nay ? Và kẻ sĩ ngày xưa nắm giữ vai tuồng gì đối với quốc gia, xã tắc ?
          
      Trước hết hãy luận bàn về cái học ngày xưa của kẻ sĩ. Chữ Sĩ trong hai tiếng Kẻ Sĩ ngày xưa chỉ người học trò (Sĩ tử) còn chữ Kẻ là cách xưng hô khiêm hạ, nhún nhường. Học đường ngày xưa là "cửa Khổng sân Trình". Mạng lưới giáo dục ngày xưa không quy mô như ngày nay. Học vấn, kinh sách mà người học nghiên cứu là Đạo Nho, còn gọi là Nho học. Nho học không đơn thuần là hệ thống tri thức mà còn là học thuyết về đạo đức. Người thông nho gọi là Nho sĩ. Nho học là môn học đạo đức và chính trị (hiểu theo nguyên nghĩa) - Cái chính trị diễn dịch từ đạo đức - Khác với ngày nay đạo đức diễn dịch từ chính trị. "Học cho biết cương thường đạo lý" (Đạo đức), học cho biết cách vật trí tri (Chính trị- Khoa học). Ngày xưa không tách rời đạo đức với chuyên môn. Chuyên môn gắn với đạo đức, nghề nghiệp (Đạo nghệ). Dạy đạo đức chính trị là dạy cách làm người và cách quản lý xã hội, lãnh đạo đất nước. Từ thứ dân cho đến vương tử, muốn làm quan, làm vua đều phải qua cửa Khổng sân Trình. Học hành, đỗ đạt, làm quan, về nhàn là chương trình hành động của kẻ sĩ ngày xưa. Sĩ đứng đầu trong tứ dân (Sĩ, Nông, Công, Thương). Sĩ đứng ở bậc thang giá trị cao nhất trong xã hội. Kẻ sĩ không nhất thiết xuất thân từ quý tộc mà có thể xuất thân từ giai cấp cùng đinh. Bằng con đường khoa cử, ai ai cũng có cơ hội tham gia quản lý xã hội, lãnh đạo đất nước. Nho học chủ trương "Cử hiền tài". Ai có thực tài, thực học, là người hiền đức thì được tiến cử. Kẻ sĩ được đắc dụng, trọng vọng, tôn vinh trong chế độ văn trị, đức trị. Còn đối với thể chế pháp quyền độc tôn  kẻ sĩ lại là thành phần nguy hiểm, dị ứng đối với bạo quyền, độc đoán. Xét về lịch sử, nhà Chu bên Tàu, là triều đại văn trị đầu tiên mở nhà học hoàn bị, đào tạo một số người nghiên cứu kinh sử để khi ra làm quan đem cái học ra giúp nước. Nhà Chu suy vong, nhà Tần dấy nghiệp, Tần Thủy Hoàng theo chế độ pháp trị, độc tài bạo ngược, căm ghét học trò và sợ hãi kinh sách nên có chủ trương đốt sách chôn học trò (phần Thư khanh nho). Đến đời nhà Hán, Nho học được phục hưng, phục hoạt đã trở thành quốc học. Địa vị kẻ sĩ từ đây có cơ hội đem sở học của mình ra giúp nước. Bằng con đường khoa cử, ai ai cũng có cơ hội tham gia quản lý xã hội. Theo quy luật xã hội , trong một chế độ không tạo điều kiện cho kẻ hiền tài tham chính thì bọn xôi thịt có nhiều cơ hội ĐẦU CƠ CHÍNH TRỊ . Khoa cử là sáng kiến của nhà Hán, đã đưa địa vị kẻ sĩ lên đứng đầu trong tứ dân.
    "Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý"
                                 (Nguyễn Công Trứ)
          Ở nước ta, nhà Lý kế thừa nhà Đinh, nhà Tiền Lê giữ vững thời đại tự chủ đối với giặc phương Bắc. Thời Lý là thời đại vàng son trong lịch sử nước ta. Được như vậy là nhờ thời Lý mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Lão) để tạo nhiều cơ hội cho nhiều ý hệ tham gia chính trường. Mặc dù Phật giáo vẫn là quốc giáo song Nho học vẫn được đề cao. Các vua đời Lý đã đưa con đến cửa Khổng sân Trình để học làm người trước khi làm vua. Nhà Trần kế thừa nhà Lý vẫn tiếp tục mở các khoa thi Tam giáo. Nhờ vậy mà nhà Trần đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Đến đời nhà Lê, độc tôn Nho giáo, loại trừ nhiệm vụ giáo dục của tôn giáo. Do vậy mà nhà Lê bị cô lập dẫn đến hậu quả mất nước về tay giặc Minh. Ở những triều đại rộng mở, phóng khoáng, dung nạp được nhiều tư tưởng trái ngược, giữa thế quyền kẻ sĩ ăn ý cùng nhau, cùng nhau hợp tác. Vua thì có quyền, kẻ sĩ thì có học. Cả hai trợ lực nhau trị an xã hội, giữ vững chế độ. Kẻ sĩ ngày xưa có hai con đường hành động : Xuất và Xử. Xuất là ra làm quan, Xử là lui về ở ẩn. Nếu gặp minh chủ thì ra hợp tác. Nếu gặp hôn quân thì treo ấn từ quan, lui về ẩn dật. Đó là khí tiết kẻ sĩ. Dù Xuất hay Xử bao giờ cũng chính tâm thành ý, một mực giữ đạo cương thường. Cổ thời, có những mỹ từ dùng để tôn vinh, ngưỡng phục, đề cao kẻ sĩ như : Sĩ hạnh, Sĩ khí, Sĩ tiết, Danh sĩ, Học sĩ hàn lâm, Chí sĩ...Tuy vậy, trong giới Nho học vẫn còn không ít bọn hủ nho, ngụy nho,... do đọc không hết sách, hiểu không hết lời, tri hành không hợp nhất (cũng như ngày nay bên cạnh chân trí thức vẫn không ít ngụy trí thức, ác trí thức)
            NGƯỜI TRÍ THỨC NGÀY NAY CÓ GÌ KHÁC SO VỚI KẺ SĨ NGÀY XƯA ? Dùng quan niệm người trí thức thay cho quan niệm kẻ sĩ không được tương thích cho lắm. Nhưng không có từ nào thích hợp hơn. Quan niệm về người trí thức ngày nay thật khó mà giới thuyết rạch ròi, định vị phân minh. Tuy vậy giữa kẻ sĩ và trí thức vẫn có một điểm đồng- là người có học (có sở tri, có sở kiến). Chỗ khác biệt rõ nét nhất là cái học ngày xưa và cái học ngày nay khác nhau về nội dung, về phương pháp, về mục tiêu đào tạo. Ngoài ra địa vị và vai trò của người trí thức ngày nay không được đề cao, trọng vọng như xưa. Tuy nhiên như đã nói ở trên, kẻ sĩ hay trí thức đều là sản phẩm của một nền giáo dục mà giáo dục cũng là văn hóa. Đối với văn hóa, giáo dục có hai nhiệm vụ chính: Vừa xây dựng, định hướng cho ngày mai thụ hưởng, vừa vun bồi, kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua. Trí thức của ngày hôm nay không thể đoạn tuyệt, quay lưng lại truyền thống văn hóa của ngày hôm qua. Những sở tri, sở học, sở kiến, sở đạt của trí thức ngày hôm nay, phát nguyên từ nguồn mạch của văn hóa truyền thống. Phủ nhận văn hóa truyền thống là tự bóp chết cái hồn của dân tộc, là bất tiếu (2). Jasper định nghĩa văn hóa là cái gì còn lại sau khi ta quên hết. Cái còn lại đó là cái hồn, cái tinh hoa, tinh túy của cả dân tộc. Không có gì hoàn toán mới mà không ẩn chứa cái cũ. Cụ Nguyễn Công Trứ nói "Chỗ mà ngày nay chúng ta ngồi thì người xưa đã từng ngồi rồi" (Ngã kim nhật tại tọa chi địa. Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi). Một nền giáo dục không chú trọng đến cổ văn, cổ sử thì sớm muộn gì cũng đào tạo một lớp trí thức lai căn, mất gốc (chương trình văn học cổ ngày nay chỉ giúp cho Thầy và Trò dắt nhau vào một gian hàng đồ cổ, chỉ có thể liếc mắt nhìn qua rồi đi ra chứ không mang gì được về nhà). Dưới thời Pháp thuộc, Tây học thay thế cho Nho học, Trần Tế Xương đã than thở :
"Cái học nhà Nho đã hỏng rồi !
Mười người đi học chín người thôi "
          Đất nước bị đô hộ thì tất nhiên văn hóa bị nô dịch. Cái học nhà Nho đã hỏng vì chẳng mấy ai còn đi học Nho song cái hồn của Nho sĩ vẫn còn đó. Các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là những nho sĩ kiệt xuất mà còn là những chí sĩ yêu  nước thương nòi. Bài thơ "Bài ca chúc Tết thanh niên" của cụ Phan Bội Châu là hồi chuông cảnh tỉnh, đánh thức biết bao thanh niên mê chơi, mê ngủ trước cảnh quốc phá gia vong. Khi tự mình nhổ ra khỏi gốc rễ truyền thống thì chẳng khác nào những cô hồn sống không nơi nương tựa.
           TRÍ THỨC NGÀY NAY LÀ HẬU DUỆ CỦA KẺ SĨ NGÀY XƯA . Đã là hậu duệ ít nhiều cũng ảnh hưởng gen di truyền của tổ tiên ngày trước.
           Địa vị xã hội của trí thức ngày nay không còn được đề cao trọng vọng như ngày xưa. Xã hội ngày nay bị phân hóa ra làm nhiều giai cấp, tầng lớp và người ta chỉ chú trọng đến kinh tế hơn là trí thức, tâm linh. Ngày nay, các đại gia, các nhà đầu tư làm chủ xã hội. Những người trí thức có văn bằng cao đi làm thuê cho các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp cấu kết với quyền lực chính trị để có đặc quyền, đặc lợi. Ngoài ra do nhu cầu giải trí càng ngày càng cao nên giới thể thao, giới tài tử điện ảnh, giới ca sĩ được coi trọng hơn cả trí thức (nhiều ca sĩ nổi tiếng mang bệnh "ngôi sao", được phỏng vấn trên truyền hình tỏ ra hãnh tiến, hợm hĩnh kênh kiệu một cách lố bịch). Ngày nay văn hóa đọc cũng bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn.
          Qua nhiều giai đoạn lịch sử, số phận của kẻ sĩ cũng như trí thức cũng lắm thăng trầm. Có thời kỳ trí thức là thành phần nguy hiểm cần phải "Đào tận gốc, trốc tận rễ". Thậm chí có thời trí thức bị coi như "cục phân". Nhưng dù ở hoàn cảnh nào thì người trí thức vẫn giữ được tiết tháo của mình. Kẻ sĩ ngày xưa "Uy vũ bất năng khuất. Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di." Tuy vậy ngày nay vẫn có loại trí thức "trùm chăn", im tiếng, thờ ơ, bàng quan trước những bất công xã hội, cường quyền bạo ngược.
          Trí thức ngày nay cũng khác kẻ sĩ ngày xưa về nội dung giáo dục đào tạo. Ngày nay khoa học phát triển đòi hỏi có sự chuyên biệt hóa các ngành học. Môn học đạo đức tách ra ngoài các khoa học chuyên môn. Đào tạo chuyên môn và giáo dục đạo đức là hai ngành học khác nhau. Ngày xưa, kẻ sĩ vừa học cương thường đạo lý (đạo đức) vừa học "cách vật trí tri" (khoa học), vừa học văn vừa học võ. Thành ngữ "Nho khả bách vi" nói lên tính đa năng, đa dụng của kẻ sĩ. Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa, khi thì xử án, lúc đi dinh điền, lúc viết sử, lúc đánh giặc, lúc làm thơ. Ngày nay do hiểu biết của xã hội vô cùng rộng lớn nên học chuyên ngành là điều tất yếu. Nói như vậy không phải chỉ có những giáo sư, văn sĩ, học giả mới là trí thức. Bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà toán học vẫn là trí thức. Quý hồ là những người này có văn hóa, có tinh thần khoa học, có lương tâm nghề nghiệp. Có tri thức có học vấn chưa chắc đã là có văn hoá . Đành rằng muốn có văn hóa phải thông qua học vấn. Tri thức khoa học là điều kiện ắt có chứ chưa đủ có để trở thành người trí thức. Có người cho rằng người lao động trí thức (intellectual worker) không phải là trí thức. Nói vậy e không đúng. Người lao động trí thức vẫn là người trí thức nếu họ có lương tâm khoa học. Einstein nói "Khoa học mà không có lương tâm là sự tàn lụi của tâm hồn". Cũng có người cho rằng người trí thức là người lao động trí óc. Điều này e cũng không đúng. Bởi vì lao động nào mà chẳng cần đến trí não ?
 Hơn nữa một người lao động chân tay có vận dụng trí óc một cách triệt để, chịu khó rèn luyện, học tập, mày mò phát minh ra những máy móc để cải thiện kỹ thuật lao động chẳng phải là trí thức ư ?!
 Trái lại một bác sĩ chuyên móc tiền trong túi bệnh nhân; một kỹ sư không chế nổi một cái máy thông dụng, một giáo sư toán mà lý luận tiền hậu bất nhất, nhà văn nhà báo bẻ cong ngòi bút ...họ cũng được xem là trí thức ư ?!

         Người lao động trí óc mang nhiều nọa tính (3) : không động não, không tỉnh thức, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng, không biết đau niềm đau của tha nhân, không ưu thời mãn thế cũng không thể gọi là trí thức!
         Thông thường những người học cao, có chuyên môn cao, hầu hết đều được mệnh danh là trí thức. Nhưng thiết nghĩ điều này cần phải được xét lại. Học cao, chuyên môn cao phải có thực học, thực lực, thực tài và thực tâm mới xứng đáng là trí thức. Bây giờ vàng thau lẫn lộn, thực-giả bất minh, bằng giả tràn lan, bằng thật mà học giả cũng không ít. Cho dù bằng thật, học thật mà không băn khoăn thao thức về những tệ nạn trong xã hội, những tệ đoan trong đời sống văn hóa, những bất bình trong nhân dân... thì cũng chưa thể được gọi là trí thức. Đó là loại ngụy trí thức, tuy có thực tài, thực học nhưng chỉ dùng tài trí của mình, bằng cấp, học vị của mình để phủ đầu, áp đảo những trí thức khác kiểu "Vú lớn lấp miệng em".Học phiệt cùng một giuộc với quân phiệt , tài phiệt và cùng nguy hiểm như nhau 
          CHÂN TRÍ THỨC BAO GIỜ CŨNG VỪA TỈNH THỨC VỪA ĐÁNH THỨC XÃ HỘI , ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI , DẪN DẮT QUẦN CHÚNG HƯỚNG VỀ CHÂN- THIỆN - MỸ . Thời nay, có nhiều người bằng nào cũng lấy, hội nào cũng vào, ghế nào cũng ngồi, chức danh nào cũng đạt, song không hề có một phát minh, phát kiến nào mới mẽ cho nhân quần xã hội nhích thêm một bước nào.
          Kẻ sĩ ngày xưa là người quân tử có vai trò định quốc an dân. Họ luôn quan tâm đến nhân tâm thế đạo, sự hưng vong của đất nước. Họ tự nhận là cán bộ của Nho giáo. Dù xuất hay xử, ra làm quan hay lui về ẩn dật vẫn một niềm ưu ái đối với dân, với nước. Trí thức ngày nay cho dù có học vấn, chuyên môn cao nhưng không quan tâm đến cộng đồng, xã hội, không gây được ảnh hưởng gì trong đời sống văn hóa, học thuật, không lắng nghe được tiếng kêu than nơi thôn cùng xóm vắng...  thì cũng chỉ là những "ông phổng đá" mà thôi . Trái lại, có những vị mới chỉ đậu tú tài như cụ Nguyễn Hiến Lê mà đã miệt mài tự học, tự rèn luyện để trở thành một học giả có uy tín và có tầm ảnh hưởng to lớn trong nhiều thế hệ. Riêng tủ sách học làm người của cụ đã giúp cho không ít người hoàn thiện được nhân cách làm người đích thực là người. Cụ xứng đáng với lời khen tặng   :
"Phú quý mạc cầu, phấn phát băng tâm cư loạn. Thư hoa chân ái, sổ thiên văn tự lưu phương." (Phú quý chẳng cầu, giữ tấm lòng son thời loạn. Sách hoa riêng thích, để đời văn tự ngàn chương)
Công trình học thuật của cụ Nguyễn Hiến Lê có ảnh hưởng lâu dài và to lớn cho nhiều thế hệ mai sau.
Cái học ngày xưa khác cái học ngày nay, không những về nội dung mà còn về phương pháp học. Sách Trung Dung dành riêng một phần quan trọng bàn về phương pháp học tập của Nho sĩ ngày xưa. Phương pháp này đại loại tóm gọn trong mấy từ sau : 
 bác học (người đi học phải học cho giỏi)
thẩm vấn (hỏi thì hỏi cho kỹ); 
thận tư (suy nghĩ thì suy nghĩ cho cẩn thận); 
minh biện (biện luận cho rõ ràng);
đốc hành (cố tâm thực hành điều mình biết). 

Học thì phải học cho thật giỏi, nghĩ thì phải nghĩ cho ra lẽ, hỏi thì phải hỏi cho biết mới thôi, làm thì phải làm cho hết sức mình. Ngoài ra phải khiêm tốn, thật thà, không giấu dốt, không nói những điều mình không biết rõ (biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy - Khổng Tử). Phương pháp rèn luyện của người trí thức là tự mình thấy, tự mình nghĩ ra điều tự mình thấy để hành động khi đã thực biết.
         Cũng có những phương pháp giáo dục áp đặt, nhồi sọ bắt buộc người học phải nhìn một hướng, nghĩ một chiều, nói một kiểu, làm một cách, thiên về một phía.
         Chỗ dị biệt rõ nhất của kẻ sĩ ngày xưa và trí thức ngày nay là nội dung và phương pháp học tập, rèn luyện. Tuy nhiên vẫn có một điểm tương đồng là vai trò, sứ mạng của kẻ sĩ ngày xưa không khác gì với vai trò và sứ mạng của trí thức ngày nay. Vì như trên đã nói, hoạt động của giới trí thức ngày nay cũng như những hoạt động khác của đời sống dân tộc đều là hình thái của văn hóa. Văn hóa lại là phần hồn của một nước. Văn hóa vừa là văn minh mà cũng vừa là giáo dục. "Nhiệm vụ của giáo dục vừa xây dựng văn hóa cho ngày mai thụ hưởng, vừa vun bồi, kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua" (4)

         Kẻ sĩ xưa và trí thức nay đều là sản phẩm của một nền giáo dục. Trí thức ngày nay vẫn còn giữ được địa vị tinh thần của kẻ sĩ ngày xưa. Muôn đời, trí thức vẫn là người cầm bó đuốc tinh thần của nhân loại, giữ vai trò lãnh đạo tinh thần của một dân tộc. 

   Trong một xã hội nặng mùi vật chất, đồng tiền là vạn năng, giá trị tinh thần thuộc về thứ yếu, đời sống tâm linh nghèo nàn, tình người đắt đỏ hiếm hoi...thì địa vị tinh thần của người trí thức cần được đề cao, coi trọng hơn bao giờ hết. 
   Quốc gia, dân tộc hưng thịnh hay suy vong thì cả đến người thất học cũng phải có trách nhiệm huống chi là người có học !(quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách).


---------------
Chú thích:
(1) Trích bởi Thạch Trung Giả
(2) Bất tiếu (Dégénéré) : Không giống- không giống cha mẹ- con hư- người ngu đối với người hiền.
(3) Nọa tính : Tính yếu ớt, nhu nhược, nhát nhớn, chây lỳ , trì trệ.
(4) Trích bởi Thạch Trung Giả.

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Rằng từ ngẫu nhĩ

  Đời vốn nhỏ cứ ngỡ đời quá lớn 
Em ngẩn ngơ chi giữa cuộc hồng trần  
Ta hiện hữu hay là không hiện hữu
Chẳng can gì hủy diệt với tồn sinh 

Hãy đối mặt với tồn sinh hủy diệt
Hiện hữu nào không mầu nhiệm đâu em
Ta trinh bạch trong cảnh đời ô trọc 
Ta thơ ngây hồn hậu với thời gian 

Hạnh phúc có từ trong khoảnh khắc
Giữa thời gian vô thủy với vô chung 
Mơ làm chi đến vĩnh hằng viên mãn
Nở nụ cười tươi từ ái bao dung 

Nhiệm màu thay trong giây lát tình cờ
Dinh dưỡng mãi trái tim người rạn vỡ
Đời ngỡ lớn hóa ra đời vẫn nhỏ 
 " Lớn không ngoài mà nhỏ cũng không trong* "


*Thơ Nguyễn công Trứ