Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Bi kịch chữ nghĩa buổi đổi đời

Từ sau năm 1975 bỗng xuất hiện những từ ngữ "lạ " - dùng miết thành quen .Tính chất của các từ lạ nầy có ý đồ đánh tráo khái niệm - bằng cách dùng từ nầy thay thế từ kia để gọi tên  sự vật sự việc .Từ đó nẩy sinh ra nhiều bi kịch trong giao tiếp !
    Tôi được nghe kể một câu chuyện của hai người bạn chỉ vì một từ " nhất trí " mà mối quan hệ của hai người đang tốt đẹp bỗng trở thành lạnh nhạt
    Không ít những nhà văn từng viết lách trước 75,  vẫn không tránh được những từ lạ mà mình chưa từng dùng mà nghe miết rồi thành quen : Sự cố , giản đơn , đảm bảo , thi thoảng , nhất trí, nhà đẻ , động não , máy bay  lên thẳng , lính thủy đánh bộ ,...
Những từ ngữ mới nghe lần đầu thật chói tai - nhưng ngày nầy qua tháng nọ cứ nghe miết rồi thành ...quen rồi lại sử dụng trong văn nói rồi tới trong văn viết một cách vô thức .
 Tôi có nghe kể một câu chuyện cũng khá xót lòng . Có người hỏi một cô bé :
- Ba con làm gì ?
- Ba con là lính ngụy  ...!
Thì ra cô bé - một cách vô thức - đã dùng từ " ngụy " để gọi cha mình rất vô tư vì đã nghe người ta gọi như vậy !
 Có những từ đúng ra có nghĩa xấu nhưng sau 75 lại được dùng theo nghĩa tích cực . Chẳng hạn như từ " ý đồ ". Trước 75 chữ ý đồ nói lên một toan tính hắc ám ; nhưng sau 75 chữ ý đồ có nghĩa như một dụng ý tốt . Ví dụ Thầy giảng Văn :"...Những câu thơ trên có ý đồ lập ra  một bệ phóng cho câu thơ cuối bay lên ..."

   Trở lại hai chữ " nhất trí " đã nói ở trên tự thân nó có nghĩa là mọi ý kiến trái chiều đều được thống nhất sau khi đã trao đổi , thương thảo hoặc tranh luận . Tỷ như câu "Đồng qui nhi thù đồ , Nhất trí tri bách lự ( Qui về một chỗ bằng nhiều đường khác nhau , cả trăm cách nghĩ khác nhau mà vẫn thống nhất một ý ) . Đó là tư tưởng đa nguyên đa chiều . Thế mà từ nhất trí hiện nay chỉ được dùng trong ngữ cảnh đồng ý một các đơn thuần . Đồng ý và nhất trí có một khoảng cách nhất định . Trong lễ cưới tại nhà thờ , linh mục sẽ hỏi cô dâu ( hoặc chú rể ) :
- Con có đồng ý  lấy X làm chồng ( hoặc làm vợ ) không ?
Thử nghĩ xem nếu linh mục hỏi
- Con có nhất trí lấy X làm chồng ( hoặc ) làm vợ không ?
thì khó tránh gieo vào trong đầu mọi người  một sự hoang mang lạ lẫm và buồn cười !
Gần đây xuất hiện một từ lạ đồng thuận . Và từ nầy nhanh chóng phổ cập trong quần chúng nhân dân . Hai chữ đồng thuận mang sắc thái mặc nhiên , mặc định , ...nghĩa là không thể làm khác được . Khi một cá nhân hay một tổ chức đưa ra một quyết định nào đó mà mọi người đều răm rắp " nhất trí cao " ấy là đồng thuận !( không qua tranh luận , phản biện , đối thoại ). Tuy nhiên có một sự mập mờ về nghĩa của từ nầy trong các hiệp ước hiệp định ,...giữa hai đối tác không cân bằng lực lượng
  Rồi để đánh tráo khái niệm bói toán người ta dùng từ ngoại cảm , ...Những nhà ngoại cảm nghe vinh dự hơn những  thầy bói ..
 Ác thay , những từ ngữ đại loại như đã nói ở trên có khả năng huân tập vào não trạng của đám đông và nhanh chóng được xã hội mặc nhiên chấp nhận ( không cần suy xét ) !

Nếu bỏ bánh xà phòng thơm vào ngăn đựng áo quần thì áo quần sẽ có mùi xà phòng thơm !
 Còn nếu đựng trà trong bình đã từng đựng mắm thì nước trà khi uống tất nhiên sẽ nghe  mùi mắm .
 Sự huân tập là như thế - không thể tránh khỏi  .

  Ngôn ngữ , chữ nghĩa là phương tiện truyền thông giao tiếp- từng là công cụ lợi hại để củng cố quyền lực mềm  .
 Đổi đời - đổi thay  -  cả chữ cả nghĩa , cả vân mệnh ...
Cho nên :
  " Buổi đổi đời danh sĩ cũng lêu bêu ...
   Hà huống chi ta một thằng say rượu " ( Hoàng Lộc )

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

NGHĨ BÀN  về  ĐẠO ĐỨC  và   PHÁP LUẬT



Sống không tuân thủ pháp luật sẽ bị truy tố dẫn đến tù tội . Pháp luật đương nhiên không bỏ tù người thiếu đạo đức mà chỉ bỏ tù người vi phạm pháp luật . Luật pháp cũng khônghề truy tố người có lối sống vô tâm vô cảm , vô lễ , …, bất hiếu ,bất nhân ,thất đức …!Xét về một phương diện nào đó , sống và làm việc theo pháp luật đã là đạo đức rồi . Nhưng xét vấn đề một cách toàn diện thì đôi khi phạm pháp chưa hẳn là mất đạo đức ; mà không phạm pháp cũng chưa hẳn đã là trong sạch thánh thiện .
 Vậy giữa pháp luật và đạo đức có một ranh giới nhập nhằng khó phân định : tiểu đồng mà đa dị .
 Trước hết thử bàn đến điểm tương đồng  của hai lãnh vực nầy :
Đạo đức và pháp luật đều hướng thiện , đều nhắm đến mục tiêu lành mạnh hóa con người , xã hội . Nếu đạo đức tôn giáo , tín ngưỡng dẫn dắt con người trên đường hướng thiện thì hiến pháp , pháp luật có nhiệm vụ giữ gìn , trị an phép nước .mang lại công bằng , tự do , dân chủ và hạnh phúc cho công dân .
 Đạo đức và pháp luật còn giống nhau ở chỗ nguyên tắc pháp lý ; các điều khoản trong luật không xa rời quy  tắc đạo đức . Hệ thống pháp luật không tách rời truyền thống dân tộc . Bởi “ sẽ không có hạnh phúc nếu tự mình nhổ ra khỏi gốc rễ của truyền thống “ ( Thiền sư Nhất Hạnh ) .
 Bên cạnh những tương đồng ít ỏi và mong manh trên , giữa đạo đức và pháp luật có những dị biệt căn bản :
-         Điểm khác biệt lớn nhất là luật pháp chỉ mang tính chất  chuẩn xác chứ không    chân xác .Chỉ có đạo đức mới mang tính chân xác . Tính chuẩn xác đo bằng thước đo quy ước xã hội ( hợp với quy ước là chuẫn ). Tính chân xác đo bằng thước đo của thực tạị như nó có ( le réel ).  Trên thực tế có nhiều trường hợp chuẩn mà không chân  . Điển hình có một phiên tòa mở ra với hình thức chỉn chu , theo một trình tự hợp lý ( có quan tòa , có công tố , bồi thẩm , luật sư , nhân chứng , vật chứng , …) nhưng sau 10 năm thì lại phát hiện là xử oan vì hung thủ chợt ra đầu thú . Đó là vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang  . Rồi có một bản án chỉ kết án 18 năm tù đối với một hung thủ  Lê văn Luyện cướp tiệm vàng giết ba mạng người và chặt tay em bé chỉ vì phạm nhân còn thiếu mấy tháng nữa mới đủ tuổi trưởng thành ( ! ) .
-            Hệ thống pháp luật từ hiến pháp đến các đạo luật , nghị định , thông tư , chỉ thị ,…do ai làm ra ; làm ra để mang lại lợi ích cho ai , ..là vấn đề tối quan trọng  .  Ngay đến đạo đức cũng có chân đạo đức và ngụy đạo đức . Ngụy đức là thứ đạo đức giả danh , ngụy trang , hình thức . Lão Tử nói : “ Thượng đức bất đức “ . Còn Pascal cho rằng : “ Chân đạo đức chế giễu đạo đức “( Le vrai moral moque le moral )
-         Điểm dị biệt thứ hai là hiến pháp và luật pháp có thể thay đổi theo từng thể chế chính trị , qua từng thời – do thời đổi pháp phải đổi . Nhưng đạo đức và giá trị của đạo đức là trường tồn bất di bất dịch .
-          Ngoài ra đạo đức và pháp luật còn khác nhau ở chỗ : Sống và làm việc theo pháp luật thì cao lắm chỉ  là một công dân bình thường ; còn sống trong đạo đức thì người ta sẽ vượt lên cả giới hạn đó để là một con người trong sạch thanh cao làm tốt cho cả mọi người xung quanh -ảnh hưởng tốt cho cả nhân quần xã hội .
        Quản lý xã hội bằng pháp luật là cách quản lý khoa học và tiên tiến của nhiều nước trên thế giới . Tinh thần thượng tôn pháp luật phù hợp và thích ứng cho phương pháp quản lý đó  . Tuy nhiên tuyệt đối hóa duy nhất hóa pháp luật mà xao lãng việc di dưỡng đạo đức thì chính là chỉ lo nuôi dưỡng phần xác mà khinh suất phần hồn . – Bởi bản thân luật pháp là bất toàn và còn nhiều khiếm khuyết . 
-         Những kẻ hở trong hệ thống pháp luật khó tránh được , có thể tạo cơ hội cho kẻ xấu lách luật , thủ lợi . Ngay như bộ luật La Mã ( Loi Louvain ) nổi tiếng mẫu mực , kinh điển mà ở trang cuối của bộ luật này còn ghi rõ hàng chữ cảnh báo : “ Hãy coi chừng ! Quá công bình quá bất công “

-         Đề cao pháp luật một cách tuyệt đối sẽ biến con người thành vô cảm , lạnh lùng khắc bạc . Vừa rồi trên báo có đăng  một hình ảnh bốn , năm người công an giao thông bận làm biên bản , bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông mà bỏ mặc   nạn nhân đang bị thương nặng cần vào bệnh viện để cấp cứu . Ta thấy họ không hề vi phạm pháp luật mà chỉ có thể nói họ đã vi phạm đạo đức . Con người vốn dĩ là giống hữu tình nên không thể làm ngơ , không thể không đoái hoài đến những mảnh đời cơ nhở , đến những kẻ sa cơ gặp nạn …Nguyễn Du trong truyện Kiều đã từng nói : “ Ngoài thì là lý nhưng trong là tình “.

-          Thiết nghĩ ngoài việc thượng tôn pháp luật , nhà nước cần tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển đúng bản chất tôn giáo ; nhà nước nên tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển thuần túy tín ngưỡng .Như vậy thì môi trường đạo đức mới thẩm thấu vào môi trường pháp luật . Lẽ ra phải nói : “ Tốt đạo đẹp đời “ chứ không nói “ tốt đời đẹp đạo “. Nói đến đạo là nói đến chí  thiện , chí tâm , chí thành . Đạo nào cũng khuyên ta tránh dữ làm lành . Trong kinh Pháp cú , Đức Phật Thích Ca đã thu gọn lời dạy của chư Phật trong 4 câu :

-            Chư ác mạc tác

-         Chúng thiện phụng hành

-         Tự tịnh kỳ ý

-         Thị chư Phật giáo

-         Hòa thượng Thích Minh Châu dịch như sau :

-         Không làm mọi điều ác

-         Thành tựu các hạnh lành

-         Tâm ý giữ trong sạch

-         Chính lời chư Phật dạy

-         Luật pháp chỉ là biện pháp quan phòng , răn đe , chế tài tội phạm . Đạo đức tôn giáo mới là nguồn đức lý vô tận , bền vững giúp con người trở nên trong sạch thánh thiện .


-          Tóm lại ,  những suy nghĩ lan man trong bài viết này xuất phát từ những sự kiện thực tế có mối quan hệ nhập nhằng giữa hai phạm trù đạo đức và pháp luật , giữa chân và chuẩn . Trong xã hội ,  luật pháp được đưa lên ngôi vị cao nhất và việc chuẩn hóa luật pháp cũng được toàn xã hôi quan tâm . Để  được chuẩn cần dùng thước đo quy ước xã hội đặt ra , có khi chỉ  là nghe một phía , nghĩ một chiều , nhìn một hướng ...- đang khi chân xác phải có cái nhìn toàn cục , đa diện đa chiều ....

             Nội dung bài viết này không có tính phản biện , tranh luận mà chỉ có tính cách trầm tư , suy ngẫm về một vấn đề mà mình còn rất băn khoăn...