Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Kẻ sĩ ngày xưa và người trí thức ngày nay

     
    
        Hoạt động của giới trí thức cũng như mọi hoạt động khác trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, học thuật...đều là hình thái của văn hóa. Văn hóa lại là phần hồn của một nước. Văn hóa cũng là văn minh, cũng là giáo dục. Đối với văn hóa, giáo dục có nhiệm vụ kép: "Giáo dục vừa xây dựng văn hóa cho ngày mai thụ hưởng, vừa vun bồi kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua." (1) Nói gọn lại là nhiệm vụ xây dựng cái mới và vun bồi, kế thừa cái cũ. Kẻ sĩ xưa và trí thức nay theo nghĩa hẹp là tên gọi khác chỉ người có chữ nghĩa, học cao hiểu rộng và có lương tâm, lương thức. Kẻ sĩ và trí thức khác nhau về cái học (nội dung đào tạo, phương pháp rèn luyện, chỗ đứng trong xã hội) nhưng về vai tuồng, sứ mệnh đối với xã hội, với nhân tâm, thế đạo thì không khác. Kẻ sĩ hay trí thức mãi mãi là hình thái văn hóa. Văn hóa là phần hồn của đất nước. Cái học ngày xưa có gì khác với cái học ngày nay ? Và kẻ sĩ ngày xưa nắm giữ vai tuồng gì đối với quốc gia, xã tắc ?
          
      Trước hết hãy luận bàn về cái học ngày xưa của kẻ sĩ. Chữ Sĩ trong hai tiếng Kẻ Sĩ ngày xưa chỉ người học trò (Sĩ tử) còn chữ Kẻ là cách xưng hô khiêm hạ, nhún nhường. Học đường ngày xưa là "cửa Khổng sân Trình". Mạng lưới giáo dục ngày xưa không quy mô như ngày nay. Học vấn, kinh sách mà người học nghiên cứu là Đạo Nho, còn gọi là Nho học. Nho học không đơn thuần là hệ thống tri thức mà còn là học thuyết về đạo đức. Người thông nho gọi là Nho sĩ. Nho học là môn học đạo đức và chính trị (hiểu theo nguyên nghĩa) - Cái chính trị diễn dịch từ đạo đức - Khác với ngày nay đạo đức diễn dịch từ chính trị. "Học cho biết cương thường đạo lý" (Đạo đức), học cho biết cách vật trí tri (Chính trị- Khoa học). Ngày xưa không tách rời đạo đức với chuyên môn. Chuyên môn gắn với đạo đức, nghề nghiệp (Đạo nghệ). Dạy đạo đức chính trị là dạy cách làm người và cách quản lý xã hội, lãnh đạo đất nước. Từ thứ dân cho đến vương tử, muốn làm quan, làm vua đều phải qua cửa Khổng sân Trình. Học hành, đỗ đạt, làm quan, về nhàn là chương trình hành động của kẻ sĩ ngày xưa. Sĩ đứng đầu trong tứ dân (Sĩ, Nông, Công, Thương). Sĩ đứng ở bậc thang giá trị cao nhất trong xã hội. Kẻ sĩ không nhất thiết xuất thân từ quý tộc mà có thể xuất thân từ giai cấp cùng đinh. Bằng con đường khoa cử, ai ai cũng có cơ hội tham gia quản lý xã hội, lãnh đạo đất nước. Nho học chủ trương "Cử hiền tài". Ai có thực tài, thực học, là người hiền đức thì được tiến cử. Kẻ sĩ được đắc dụng, trọng vọng, tôn vinh trong chế độ văn trị, đức trị. Còn đối với thể chế pháp quyền độc tôn  kẻ sĩ lại là thành phần nguy hiểm, dị ứng đối với bạo quyền, độc đoán. Xét về lịch sử, nhà Chu bên Tàu, là triều đại văn trị đầu tiên mở nhà học hoàn bị, đào tạo một số người nghiên cứu kinh sử để khi ra làm quan đem cái học ra giúp nước. Nhà Chu suy vong, nhà Tần dấy nghiệp, Tần Thủy Hoàng theo chế độ pháp trị, độc tài bạo ngược, căm ghét học trò và sợ hãi kinh sách nên có chủ trương đốt sách chôn học trò (phần Thư khanh nho). Đến đời nhà Hán, Nho học được phục hưng, phục hoạt đã trở thành quốc học. Địa vị kẻ sĩ từ đây có cơ hội đem sở học của mình ra giúp nước. Bằng con đường khoa cử, ai ai cũng có cơ hội tham gia quản lý xã hội. Theo quy luật xã hội , trong một chế độ không tạo điều kiện cho kẻ hiền tài tham chính thì bọn xôi thịt có nhiều cơ hội ĐẦU CƠ CHÍNH TRỊ . Khoa cử là sáng kiến của nhà Hán, đã đưa địa vị kẻ sĩ lên đứng đầu trong tứ dân.
    "Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý"
                                 (Nguyễn Công Trứ)
          Ở nước ta, nhà Lý kế thừa nhà Đinh, nhà Tiền Lê giữ vững thời đại tự chủ đối với giặc phương Bắc. Thời Lý là thời đại vàng son trong lịch sử nước ta. Được như vậy là nhờ thời Lý mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Lão) để tạo nhiều cơ hội cho nhiều ý hệ tham gia chính trường. Mặc dù Phật giáo vẫn là quốc giáo song Nho học vẫn được đề cao. Các vua đời Lý đã đưa con đến cửa Khổng sân Trình để học làm người trước khi làm vua. Nhà Trần kế thừa nhà Lý vẫn tiếp tục mở các khoa thi Tam giáo. Nhờ vậy mà nhà Trần đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Đến đời nhà Lê, độc tôn Nho giáo, loại trừ nhiệm vụ giáo dục của tôn giáo. Do vậy mà nhà Lê bị cô lập dẫn đến hậu quả mất nước về tay giặc Minh. Ở những triều đại rộng mở, phóng khoáng, dung nạp được nhiều tư tưởng trái ngược, giữa thế quyền kẻ sĩ ăn ý cùng nhau, cùng nhau hợp tác. Vua thì có quyền, kẻ sĩ thì có học. Cả hai trợ lực nhau trị an xã hội, giữ vững chế độ. Kẻ sĩ ngày xưa có hai con đường hành động : Xuất và Xử. Xuất là ra làm quan, Xử là lui về ở ẩn. Nếu gặp minh chủ thì ra hợp tác. Nếu gặp hôn quân thì treo ấn từ quan, lui về ẩn dật. Đó là khí tiết kẻ sĩ. Dù Xuất hay Xử bao giờ cũng chính tâm thành ý, một mực giữ đạo cương thường. Cổ thời, có những mỹ từ dùng để tôn vinh, ngưỡng phục, đề cao kẻ sĩ như : Sĩ hạnh, Sĩ khí, Sĩ tiết, Danh sĩ, Học sĩ hàn lâm, Chí sĩ...Tuy vậy, trong giới Nho học vẫn còn không ít bọn hủ nho, ngụy nho,... do đọc không hết sách, hiểu không hết lời, tri hành không hợp nhất (cũng như ngày nay bên cạnh chân trí thức vẫn không ít ngụy trí thức, ác trí thức)
            NGƯỜI TRÍ THỨC NGÀY NAY CÓ GÌ KHÁC SO VỚI KẺ SĨ NGÀY XƯA ? Dùng quan niệm người trí thức thay cho quan niệm kẻ sĩ không được tương thích cho lắm. Nhưng không có từ nào thích hợp hơn. Quan niệm về người trí thức ngày nay thật khó mà giới thuyết rạch ròi, định vị phân minh. Tuy vậy giữa kẻ sĩ và trí thức vẫn có một điểm đồng- là người có học (có sở tri, có sở kiến). Chỗ khác biệt rõ nét nhất là cái học ngày xưa và cái học ngày nay khác nhau về nội dung, về phương pháp, về mục tiêu đào tạo. Ngoài ra địa vị và vai trò của người trí thức ngày nay không được đề cao, trọng vọng như xưa. Tuy nhiên như đã nói ở trên, kẻ sĩ hay trí thức đều là sản phẩm của một nền giáo dục mà giáo dục cũng là văn hóa. Đối với văn hóa, giáo dục có hai nhiệm vụ chính: Vừa xây dựng, định hướng cho ngày mai thụ hưởng, vừa vun bồi, kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua. Trí thức của ngày hôm nay không thể đoạn tuyệt, quay lưng lại truyền thống văn hóa của ngày hôm qua. Những sở tri, sở học, sở kiến, sở đạt của trí thức ngày hôm nay, phát nguyên từ nguồn mạch của văn hóa truyền thống. Phủ nhận văn hóa truyền thống là tự bóp chết cái hồn của dân tộc, là bất tiếu (2). Jasper định nghĩa văn hóa là cái gì còn lại sau khi ta quên hết. Cái còn lại đó là cái hồn, cái tinh hoa, tinh túy của cả dân tộc. Không có gì hoàn toán mới mà không ẩn chứa cái cũ. Cụ Nguyễn Công Trứ nói "Chỗ mà ngày nay chúng ta ngồi thì người xưa đã từng ngồi rồi" (Ngã kim nhật tại tọa chi địa. Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi). Một nền giáo dục không chú trọng đến cổ văn, cổ sử thì sớm muộn gì cũng đào tạo một lớp trí thức lai căn, mất gốc (chương trình văn học cổ ngày nay chỉ giúp cho Thầy và Trò dắt nhau vào một gian hàng đồ cổ, chỉ có thể liếc mắt nhìn qua rồi đi ra chứ không mang gì được về nhà). Dưới thời Pháp thuộc, Tây học thay thế cho Nho học, Trần Tế Xương đã than thở :
"Cái học nhà Nho đã hỏng rồi !
Mười người đi học chín người thôi "
          Đất nước bị đô hộ thì tất nhiên văn hóa bị nô dịch. Cái học nhà Nho đã hỏng vì chẳng mấy ai còn đi học Nho song cái hồn của Nho sĩ vẫn còn đó. Các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là những nho sĩ kiệt xuất mà còn là những chí sĩ yêu  nước thương nòi. Bài thơ "Bài ca chúc Tết thanh niên" của cụ Phan Bội Châu là hồi chuông cảnh tỉnh, đánh thức biết bao thanh niên mê chơi, mê ngủ trước cảnh quốc phá gia vong. Khi tự mình nhổ ra khỏi gốc rễ truyền thống thì chẳng khác nào những cô hồn sống không nơi nương tựa.
           TRÍ THỨC NGÀY NAY LÀ HẬU DUỆ CỦA KẺ SĨ NGÀY XƯA . Đã là hậu duệ ít nhiều cũng ảnh hưởng gen di truyền của tổ tiên ngày trước.
           Địa vị xã hội của trí thức ngày nay không còn được đề cao trọng vọng như ngày xưa. Xã hội ngày nay bị phân hóa ra làm nhiều giai cấp, tầng lớp và người ta chỉ chú trọng đến kinh tế hơn là trí thức, tâm linh. Ngày nay, các đại gia, các nhà đầu tư làm chủ xã hội. Những người trí thức có văn bằng cao đi làm thuê cho các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp cấu kết với quyền lực chính trị để có đặc quyền, đặc lợi. Ngoài ra do nhu cầu giải trí càng ngày càng cao nên giới thể thao, giới tài tử điện ảnh, giới ca sĩ được coi trọng hơn cả trí thức (nhiều ca sĩ nổi tiếng mang bệnh "ngôi sao", được phỏng vấn trên truyền hình tỏ ra hãnh tiến, hợm hĩnh kênh kiệu một cách lố bịch). Ngày nay văn hóa đọc cũng bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn.
          Qua nhiều giai đoạn lịch sử, số phận của kẻ sĩ cũng như trí thức cũng lắm thăng trầm. Có thời kỳ trí thức là thành phần nguy hiểm cần phải "Đào tận gốc, trốc tận rễ". Thậm chí có thời trí thức bị coi như "cục phân". Nhưng dù ở hoàn cảnh nào thì người trí thức vẫn giữ được tiết tháo của mình. Kẻ sĩ ngày xưa "Uy vũ bất năng khuất. Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di." Tuy vậy ngày nay vẫn có loại trí thức "trùm chăn", im tiếng, thờ ơ, bàng quan trước những bất công xã hội, cường quyền bạo ngược.
          Trí thức ngày nay cũng khác kẻ sĩ ngày xưa về nội dung giáo dục đào tạo. Ngày nay khoa học phát triển đòi hỏi có sự chuyên biệt hóa các ngành học. Môn học đạo đức tách ra ngoài các khoa học chuyên môn. Đào tạo chuyên môn và giáo dục đạo đức là hai ngành học khác nhau. Ngày xưa, kẻ sĩ vừa học cương thường đạo lý (đạo đức) vừa học "cách vật trí tri" (khoa học), vừa học văn vừa học võ. Thành ngữ "Nho khả bách vi" nói lên tính đa năng, đa dụng của kẻ sĩ. Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa, khi thì xử án, lúc đi dinh điền, lúc viết sử, lúc đánh giặc, lúc làm thơ. Ngày nay do hiểu biết của xã hội vô cùng rộng lớn nên học chuyên ngành là điều tất yếu. Nói như vậy không phải chỉ có những giáo sư, văn sĩ, học giả mới là trí thức. Bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà toán học vẫn là trí thức. Quý hồ là những người này có văn hóa, có tinh thần khoa học, có lương tâm nghề nghiệp. Có tri thức có học vấn chưa chắc đã là có văn hoá . Đành rằng muốn có văn hóa phải thông qua học vấn. Tri thức khoa học là điều kiện ắt có chứ chưa đủ có để trở thành người trí thức. Có người cho rằng người lao động trí thức (intellectual worker) không phải là trí thức. Nói vậy e không đúng. Người lao động trí thức vẫn là người trí thức nếu họ có lương tâm khoa học. Einstein nói "Khoa học mà không có lương tâm là sự tàn lụi của tâm hồn". Cũng có người cho rằng người trí thức là người lao động trí óc. Điều này e cũng không đúng. Bởi vì lao động nào mà chẳng cần đến trí não ?
 Hơn nữa một người lao động chân tay có vận dụng trí óc một cách triệt để, chịu khó rèn luyện, học tập, mày mò phát minh ra những máy móc để cải thiện kỹ thuật lao động chẳng phải là trí thức ư ?!
 Trái lại một bác sĩ chuyên móc tiền trong túi bệnh nhân; một kỹ sư không chế nổi một cái máy thông dụng, một giáo sư toán mà lý luận tiền hậu bất nhất, nhà văn nhà báo bẻ cong ngòi bút ...họ cũng được xem là trí thức ư ?!

         Người lao động trí óc mang nhiều nọa tính (3) : không động não, không tỉnh thức, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng, không biết đau niềm đau của tha nhân, không ưu thời mãn thế cũng không thể gọi là trí thức!
         Thông thường những người học cao, có chuyên môn cao, hầu hết đều được mệnh danh là trí thức. Nhưng thiết nghĩ điều này cần phải được xét lại. Học cao, chuyên môn cao phải có thực học, thực lực, thực tài và thực tâm mới xứng đáng là trí thức. Bây giờ vàng thau lẫn lộn, thực-giả bất minh, bằng giả tràn lan, bằng thật mà học giả cũng không ít. Cho dù bằng thật, học thật mà không băn khoăn thao thức về những tệ nạn trong xã hội, những tệ đoan trong đời sống văn hóa, những bất bình trong nhân dân... thì cũng chưa thể được gọi là trí thức. Đó là loại ngụy trí thức, tuy có thực tài, thực học nhưng chỉ dùng tài trí của mình, bằng cấp, học vị của mình để phủ đầu, áp đảo những trí thức khác kiểu "Vú lớn lấp miệng em".Học phiệt cùng một giuộc với quân phiệt , tài phiệt và cùng nguy hiểm như nhau 
          CHÂN TRÍ THỨC BAO GIỜ CŨNG VỪA TỈNH THỨC VỪA ĐÁNH THỨC XÃ HỘI , ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI , DẪN DẮT QUẦN CHÚNG HƯỚNG VỀ CHÂN- THIỆN - MỸ . Thời nay, có nhiều người bằng nào cũng lấy, hội nào cũng vào, ghế nào cũng ngồi, chức danh nào cũng đạt, song không hề có một phát minh, phát kiến nào mới mẽ cho nhân quần xã hội nhích thêm một bước nào.
          Kẻ sĩ ngày xưa là người quân tử có vai trò định quốc an dân. Họ luôn quan tâm đến nhân tâm thế đạo, sự hưng vong của đất nước. Họ tự nhận là cán bộ của Nho giáo. Dù xuất hay xử, ra làm quan hay lui về ẩn dật vẫn một niềm ưu ái đối với dân, với nước. Trí thức ngày nay cho dù có học vấn, chuyên môn cao nhưng không quan tâm đến cộng đồng, xã hội, không gây được ảnh hưởng gì trong đời sống văn hóa, học thuật, không lắng nghe được tiếng kêu than nơi thôn cùng xóm vắng...  thì cũng chỉ là những "ông phổng đá" mà thôi . Trái lại, có những vị mới chỉ đậu tú tài như cụ Nguyễn Hiến Lê mà đã miệt mài tự học, tự rèn luyện để trở thành một học giả có uy tín và có tầm ảnh hưởng to lớn trong nhiều thế hệ. Riêng tủ sách học làm người của cụ đã giúp cho không ít người hoàn thiện được nhân cách làm người đích thực là người. Cụ xứng đáng với lời khen tặng   :
"Phú quý mạc cầu, phấn phát băng tâm cư loạn. Thư hoa chân ái, sổ thiên văn tự lưu phương." (Phú quý chẳng cầu, giữ tấm lòng son thời loạn. Sách hoa riêng thích, để đời văn tự ngàn chương)
Công trình học thuật của cụ Nguyễn Hiến Lê có ảnh hưởng lâu dài và to lớn cho nhiều thế hệ mai sau.
Cái học ngày xưa khác cái học ngày nay, không những về nội dung mà còn về phương pháp học. Sách Trung Dung dành riêng một phần quan trọng bàn về phương pháp học tập của Nho sĩ ngày xưa. Phương pháp này đại loại tóm gọn trong mấy từ sau : 
 bác học (người đi học phải học cho giỏi)
thẩm vấn (hỏi thì hỏi cho kỹ); 
thận tư (suy nghĩ thì suy nghĩ cho cẩn thận); 
minh biện (biện luận cho rõ ràng);
đốc hành (cố tâm thực hành điều mình biết). 

Học thì phải học cho thật giỏi, nghĩ thì phải nghĩ cho ra lẽ, hỏi thì phải hỏi cho biết mới thôi, làm thì phải làm cho hết sức mình. Ngoài ra phải khiêm tốn, thật thà, không giấu dốt, không nói những điều mình không biết rõ (biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy - Khổng Tử). Phương pháp rèn luyện của người trí thức là tự mình thấy, tự mình nghĩ ra điều tự mình thấy để hành động khi đã thực biết.
         Cũng có những phương pháp giáo dục áp đặt, nhồi sọ bắt buộc người học phải nhìn một hướng, nghĩ một chiều, nói một kiểu, làm một cách, thiên về một phía.
         Chỗ dị biệt rõ nhất của kẻ sĩ ngày xưa và trí thức ngày nay là nội dung và phương pháp học tập, rèn luyện. Tuy nhiên vẫn có một điểm tương đồng là vai trò, sứ mạng của kẻ sĩ ngày xưa không khác gì với vai trò và sứ mạng của trí thức ngày nay. Vì như trên đã nói, hoạt động của giới trí thức ngày nay cũng như những hoạt động khác của đời sống dân tộc đều là hình thái của văn hóa. Văn hóa lại là phần hồn của một nước. Văn hóa vừa là văn minh mà cũng vừa là giáo dục. "Nhiệm vụ của giáo dục vừa xây dựng văn hóa cho ngày mai thụ hưởng, vừa vun bồi, kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua" (4)

         Kẻ sĩ xưa và trí thức nay đều là sản phẩm của một nền giáo dục. Trí thức ngày nay vẫn còn giữ được địa vị tinh thần của kẻ sĩ ngày xưa. Muôn đời, trí thức vẫn là người cầm bó đuốc tinh thần của nhân loại, giữ vai trò lãnh đạo tinh thần của một dân tộc. 

   Trong một xã hội nặng mùi vật chất, đồng tiền là vạn năng, giá trị tinh thần thuộc về thứ yếu, đời sống tâm linh nghèo nàn, tình người đắt đỏ hiếm hoi...thì địa vị tinh thần của người trí thức cần được đề cao, coi trọng hơn bao giờ hết. 
   Quốc gia, dân tộc hưng thịnh hay suy vong thì cả đến người thất học cũng phải có trách nhiệm huống chi là người có học !(quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách).


---------------
Chú thích:
(1) Trích bởi Thạch Trung Giả
(2) Bất tiếu (Dégénéré) : Không giống- không giống cha mẹ- con hư- người ngu đối với người hiền.
(3) Nọa tính : Tính yếu ớt, nhu nhược, nhát nhớn, chây lỳ , trì trệ.
(4) Trích bởi Thạch Trung Giả.

5 nhận xét:

  1. Xin phép thầy cho em đăng bài tại trang : K81. CỰU HỌC SINH ĐẠI LỘC
    Cảm ơn thầy và chúc thầy sức khỏe.

    Trả lờiXóa
  2. Thầy nhất trí. Cảm ơn em đã ghé thăm blog Thầy.

    Trả lờiXóa
  3. Cậu viết bài này hay quá !

    Trả lờiXóa
  4. Xin phép tác giả cho tôi được share bài này cho một số bạn bè đang có một trao đổi nhỏ về đề tài 'kẻ sĩ'.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn thầy về bài viết!

    Trả lờiXóa