Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

NgườiTHẦY của tôi

Cô bất tai cô tai cô tai (*)
Tôi xin mạn phép Khổng Tử buông lời bắt chước :
Sư bất tai sư tai sư tai !?
 Thầy không ra Thầy mà cũng bảo là Thầy sao ?!
Đã là Thầy thì phải có tư cách mẫu mực mô phạm . Còn Thầy mà bảo học trò hãy nghe những gì thầy nói mà đừng làm theo những gì thầy làm thì hởi ôi chẳng phải là thầy . Hạnh phúc thay cho những ai có được một người Thầy đúng nghĩa , chính danh .
 Tôi may mắn có được cái hạnh phúc ấy .
Thầy tôi  là một giáo sư lão thành vừa dạy học vừa viết sách vừa thực sống theo những gì mình nói và  viết – suốt một đời làm nghề giáo :Thầy NGUYỄN ĐĂNG THỤC . Cách nay gần bốn mươi năm tôi vừa là học trò Thầy vừa phụ khảo ,phụ giảng cho Thầy . Vào mùa xuân năm 1976 tôi đến thăm thầy và không ngờ đó là chuyến thăm cuối cùng ; bởi từ đó đến nay tôi không còn gặp Thầy nữa .

Theo phong tục xưa , tôi đến thăm Thầy vào mùng ba Tết .
Nơi ở của Thầy đúng là cảnh lâm tuyền mà nếp thị  thành . Một ngôi nhà ngói cổ đơn sơ tọa lạc giữa một khu vườn rộng trồng cây ăn trái . Ngôi nhà có ba gian . Gian chính thờ Phật , hai gian bên thờ ông bà và   tiếp khách . Còn nơi làm việc của Thầy là một căn nhà riêng biệt nằm vuông góc với ngôi nhà . Thầy mời tôi ngồi . Thầy tiếp tôi như tiếp một đồng nghiệp  Tôi ngồi xếp chân ở một bên không trực diện với Thầy . Thầy tự tay châm trà , còn tôi đưa hai tay vin vào tách trà . Đó là cách giao tiếp với người lớn mà học sinh ngày đó được dạy như vậy . Sau vài câu chuyện thăm hỏi , Thầy đưa tôi sang tham quan căn nhà làm việc của Thầy . Căn nhà  có nhiều phòng , trong phòng có nhiều bàn viết , mỗi một bàn viết gánh một tác phẩm đang còn dỡ dang , kèm theo là mớ hồ sơ tài liệu nghiên cứu  .Những bài viết của Thầy thuộc nhiều đề tài song chung quy là TINH THẦN TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN  ( Nho -Phật -Lão quy về một nguồn ) .Tôn chỉ của thầy là đồng quy nhi thù đồ , nhất trí nhi bách lự . Nghiã là quy về chỗ giống nhau nhưng bằng nhiều đường khác nhau.Nhiều cách nghĩ khác nhau nhưng rốt cùng cũng nhất trí với nhau . Với tôn chỉ nầy thì không những chỉ có Nho Phật Lão đông quy mà sẽ có sự hòa đồng giũa triêt lý đông và tây , giữa khoa học và và đạo học . Bởi vì “ở phương đông có thánh nhân ra đời thì tâm ấy đồng , ý ấy đồng ; ở phương tây có thánh nhân ra đời thì tâm ấy đồng , ý ấy đồng “. Nếu đạt được tôn chỉ nầy thì sẽ không có hận thù ,không có chiến tranh , không còn khũng bố . Bấy giờ sẽ bốn biển một nhà , năm châu một chợ . Sự hòa đồng trên chỉ có thể thành tựu ở Việt nam . Vì hoàn cảnh địa lý và vị trí đắc địa của Việt Nam là GIAO ĐIỂM  cho đồng quy ,  hòa đồng mọi tư tưởng dị biệt . Việt nam là ngã tư của những nền văn minh trên thế giới  ( carefour de civilization). Theo Thầy thì hai chữ GIAO CHỈ , GIAO CHÂU là con đường gặp gỡ ( Trung - Ấn , Á –Âu )chứ không phải là hai ngón chân cái giao nhau như nhiều người lầm tưởng . Có lẽ vì vậy mà gần  đây các cường quốc không ngại ký những hiệp ước đối tác toàn diện với Việt nam .
 Hoài bảo cả một đời của Thầy là xây dựng một nền QUỐC HỌC  cho Việt nam , một nền văn  hóa thuần túy Việt Nam   mà tinh thần tam giáo đồng nguyên là cốt lõi của nền văn hóa đó . Quốc học được xem như một giáo trình bắt buộc giảng dạy ở các Đại học .Quốc học được coi như là cái gốc vững chắc để đón nhận những nhánh văn hóa ngoại lai cấy ghép vào . Nếu cái gốc không vững chắc thì sự cấy ghép sẽ không tựu thành , thậm chí có nguy cơ lai căng mất gốc .
 Giáo sư Heinrich Zimmer cho rằng nền giáo dục cũng như triết học Á đông là ở  NẾP SỐNG chứ không phải ở lý thuyết đầu môi . Điều quan trọng không phải là những gì thầy viết , điều quan trọng là những điêù Thầy thực sống với những gì đã viết   . Điều quan trọng không phải là ngôn thuyết mà là thân giáo . Không phải dùng lời thuyết giáo suông mà lấy bản thân làm gương mẫu ,  dùng tâm mình để chuyển tánh(transformation ). Trong con người của Thầy có ba dòng chảy : Khổng , Phật , Lão . Về Khổng giáo Thầy tổ chức gia đình thành một nếp sống nho phong , lễ giáo ; hành xử giao tiếp ngoài xã hội với một phong thái điềm đạm , khiêm cung , tín nghĩa , tiết độ . Về Phật giáo Thầy đã chọn đây là bến đỗ tâm linh ; về Lão giáo Thầy sống theo nếp nhàn của Lão Trang ; nhàn nhã tự nhiên trong cái đa đoan bận rộn – lấy cái làm mà không làm , lấy cái không làm mà làm ( dĩ vi nhi vô vi , dĩ vô vi nhi vô bất vi ) .
 Vừa giảng bải trên giảng đường , vừa đảm nhiệm chức trưởng khoa , vừa liên tục cho ra đời nhiều đầu sách , vừa nhận làm patron cho sinh viên cao học vv …nhưng lúc nào Thầy cũng ung dung tự tại . Chính nếp sống của Thấy , tư cách phong thái của thầy đã cảm hóa được biết bao kẻ hậu học . dạy về đạo , viết về đạo , sống trong đạo , không màng danh lợi  . Trong bốn mươi năm tuổi nghề Thầy đã cho ra đời trên năm mươi tác phẩm văn học , đạo học , triết học . Học trò của Thầy nhiều người đã thành danh .

   Những giáo sư giảng viên đại học ngày nay sống thực dụng , vụ lợi hơn là vì lý tưởng giáo dục .Thay vì dành thời giờ nghiên cứu và giảng dạy , họ dạy hết trường này qua trường khác theo chế độ thỉnh giảng .Giáo sư thì lạm phát mà công trình nghiên cứu thì ít oi . Nền giáo dục của ta nghèo học giả chỉ giàu bằng giả .Đó là chưa kể tệ nạn nhận phong bì của sinh viên , nhận lời mời ăn nhậu của sinh viên có nhu cầu xin điểm .Sinh viên biến người thầy thành công cụ để tiến thủ một cách bất chính . Không chỉ ở bậc đại học mà ngay đến bậc mầm non  mẫu giáo cũng lắm điều để bàn . Cô nuôi dạy trẻ yêu tiền hơn yêu trẻ - lại có cả bạo hành trẻ -Học sinh lớp một cũng bị cô giáo lùa về nhà để dạy thêm …Một nền giáo dục vụ lợi kiểu nầy thì mong gì tương lai của các thế hệ mai sau .Trong hiện  tại , nghĩa ân sư , tình thầy trò bị xói mòn , mai một . Câu nói “ dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo “ trở nên sáo mòn vô nghĩa .Thầy vô đạo thì trò còn gì để mà trọng , còn ai để mà tôn kính ! Chẳng trách học trò ngày nay thất lễ với thầy . Nghề nào cũng phải có đạo của nghề đó . Cái đạo của nghề dạy học là lòng yêu thương học sinh . Không những yêu thương mà còn phải biết trân quý mầm non của đất nước . Nhà vi trùng học Yersin có một câu nói rất hay về đạo làm thầy :  Ta đến với một đứa trẻ vì một lòng thương và một lòng kính . Thương vì hiện tại của em và kính vì tương lai của mà em có thể có
  Làm thầy mà không biết yêu thương học trò không biết nâng niu trân trọng tương lai của học trò , không mô phạm chuẩn mực thì đâu phải là thầy !
 Sư bất tai sư tai sư tai ?!

  Ngày xuân năm nào đi thăm thầy cũ đã gợi lại trong tôi nỗi niềm trắc ẩn trước thực trạng của giáo dục hiện nay . Biết bao người đã mong chờ và tự hỏi  không biết trong lần cải cách tới có thay đổi được gì không ?Riêng tôi , tôi may mắn có được một  người Thầy đúng nghĩa , chính danh.

 Thầy tôi đã giảng về đạo , viết về đạo và thực sống trong đạo  với những gì Thầy nói Thầy viết trong suốt cuộc đời làm nghề dạy học !


(*) Cô là cái cốc uống rượu có góc vuông . Về sau cốc uống rượu không có góc vuông nữa vẫn được gọi là cô .
Trong thuyết chính danh Khổng Tử than : Cốc không là cốc, cũng gọi cốc sao, cũng gọi cốc sao ?!

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

TRIẾT LÝ HÀNH ĐỘNG CỦA NGUYỄN CÔNG TRỨ

 
 Nguyễn Công Trứ ( 1778- 1858) , trong bài KẺ SĨ đã vạch ra một chương trình hành động cho cuộc đời của mình gồm 3 giai đoạn : Vị đạt , hiển đạt và nhàn dật . Vị đạt còn có tên là vị ngộ , tức là thời kỳ kẻ sĩ sống trong tối tăm , ẩn kín nơi thôn dã chưa được ai biết tới , lo dùi mài kinh sử . Hiển đạt là giai đoạn gặp thời đem sở học ra ứng dụng để giúp đời giúp nước . Giai đoạn cuối là NHÀN DẬT : tự do , thích thảng , nhàn du , phóng dật !Nói nôm na là : nhỏ học , lớn hành , già ở không . Triết lý hành động của NCT  ở thời kỳ nào , giai đoạn nào cũng có ý thức thường trực về mọi hoạt động của mình !

    Ý THỨC TÂM NIỆM CỦA KẺ SĨ THỜI VỊ ĐẠT ;  Lúc còn nhỏ học hành ,rèn luyện , trau dồi tài năng , đức độ , chuẩn bị ứng thí ở các kỳ thi .Nếu sau khi đỗ đạt mà chưa có cơ hội tham chính thì vẫn ẩn mình nơi thôn dã :
" Lúc hội ngộ hối tàng nơi bồng tất "
Ôm một bụng chữ , ôm cái tài kinh bang tế thế , ôm cái học thông kim bác cổ mà phải làm những việc tầm thường ( như câu cá , cày ruộng ,...) để mưu sinh độ nhật thì kẻ sĩ có buồn chăng ? Không những không buồn mà còn " hiêu hiêu nhiên điếu vị canh sằn " vì " mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ".

   Thời vị đạt có thể kéo dài đến tuổi trung niên ; nhưng không phải vì thế mà cầu an thất chí . Không làm được gì ích quốc lợi dân thì ít ra cũng làm tấm gương hiếu nghị cho làng xã noi theo :
 " Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị "
" Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường "
 Đạo lập thân là con đường làm người tử tế , hiền lương . Không một con đường nào có thể thay thế " tam cương ngũ thường "
  Ý thức hành động tích cực hơn nữa là phản biện xã hội trước những điều chướng tai gai mắt . Kẻ sĩ không phải chỉ biết tu hạnh , xử kỷ cho bản thân mà còn phải biết lo bảo tồn nếp phong hóa bằng lý lẽ , nghị luận , biết khen chê , biết phân minh phải trái !
" Phù thế giáo một vài câu thanh nghị "
 Kẻ sĩ ý thức rất rõ về vai trò cán bộ nho giáo là truyền bá chánh đạo , đồng thời be bờ , ngăn chặn bá đạo , tà giáo , bạo quyền , tà thuyết ,...
" Cầm chính đạo để tịch tà cự bí "
" Hồi cuồng phong nhi chướng bách xuyên "
  Về phương diện tỉnh thức trong cuộc sống và ý thức hành động tuổi trẻ ngày xưa có hoài bão , có lý tưởng rất lớn ! Tuổi trẻ ngày nay thường sống đốt giai đoạn , sống vội vàng trong vô thức tập thể ; chưa đủ già mà đã lo hưởng lạc , hưởng nhàn , ...quay lưng với nhân tâm thế đạo , thờ ơ trước vận mệnh nước nhà !

Ý THỨC , TÂM NIỆM CỦA KẺ SĨ THỜI HIỂN ĐẠT :Đây là thời kỳ nhập thế hành đạo , giai đoạn ứng dụng , thực hành sở học , sở kiến , sở tri vào cuộc nhân sinh . Có 2 con đường lập thân , xuât chính : Một là đỗ đạt rồi được tuyển cử làm quan, hai là nhờ thanh khí tương tầm , nhờ thiên duyên hạnh ngộ , minh chủ biết đến và tin dùng . Dù nhập thế bằng con đường nào , kẻ sĩ cũng đem hết tài năng , học thức tồn trữ sở đắc từ buổi thư sinh để ứng dụng thực hành !
" Rồng mây khi gặp hội ưa duyên "
" Đem quách cả sở tồn làm sở dụng "
  Nếu là quan văn sẽ là rường cột của triều đình . Nếu đất nước có giặc giả , có ngoại bang xâm lược thì kẻ sĩ thành võ quan, xuất quân, thân chinh dẹp giặc !
  " Trong lăng miếu ra tài lương đống "
" Ngoài biên thùy rạch mũi can tương "

   Đối với kẻ sĩ chân chính vấn đề không phải quan văn hay võ tướng , vấn đề không phải là chức tước , quân hàm , mà là tư cách , tài năng và thái độ phục vụ , cống hiến .
Điều làm cho kẻ sĩ lưu danh sử sách chính là sĩ hạnh , sĩ khí chứ chẳng phải công hầu khanh tướng !
" Làm sao cho bách thế lưu phương "
"Trước là sĩ ,sau là khanh tướng "

 Nếu so sánh giữa cán bộ nho gia xưa và cán bộ cách mạng ngày nay thì khác nhau trời vực . Nho học và đặc biệt là Tống Nho với Vương Dương Minh thì lấy " tri hành hợp nhất "  làm tiêu chí hàng đầu ! Quy trình lập thân của kẻ sĩ là học hành , đỗ đạt rồi mới làm quan ; còn cán bộ ngày nay rất nhiều trường hợp làm quan rồi mới học hành ( và đỗ đạt ). Thời xưa người ta chuộng kẻ sĩ dựa vào công tích của họ cống hiến cho đất nước cho dân tộc ; khác với  ngày nay người ta chuộng quan chức chỉ dựa vào phẩm trật và thành tích của họ ( qua báo cáo ) !
Ý THỨC , TÂM NIỆM CỦA KẺ SĨ THỜI NHÀN DẬT ( HOÀN DANH ) : Giai đoạn nầy là thời kỳ quay về cuộc sống nhàn du , nghỉ ngơi để bảo toàn khí tiết . Thái độ nầy xuất phát từ ý thức " công thành thân thoái "
  Nếu đã công thành danh toại thì có nghĩa là đã trả xong cái nợ sách đèn ,nợ công danh , nợ hiếu trung ,...
 Nợ trả xong thì xem như " Sĩ đã hoàn danh "
Đã hoàn danh rồi thì nên lui về vui thú điền viên , tự do thích thảng . Đó là thái độ của hiền triết !
  Khác với ngày nay nhiều cán bộ đã đến tuổi hưu rồi vẫn tìm cách ký hợp đồng để "hiển đạt " tiếp !

   Cuộc đời của kẻ sĩ ngày xưa theo quan niệm của Nguyễn Công Trứ thật nhẹ nhàng , đơn giản : Nhỏ học , lớn hành , già nghỉ ngơi ! Đó là triết lý căn bản về hành động . Đó là lối sống tỉnh thức .Trong hệ ý thức đó thì ý thức về sự hữu dụng , tác dụng đối với nhân quần xã hội , đối với quốc gia xã tắc được đặt lên trên tất cả  !


     Tóm lại , nói đến triết lý hành động là nói đến ý thức tự ý thức ! Phải ý thức cho rõ về mình trước khi tìm hiểu thế giới chung quanh mình .Socrate từng bảo :" Anh phải tự hiểu chính anh"  (Connais-toi toi-même).
  Mọi hành vi sai trái đều xuất phát từ sự vô minh của chủ thể hành động !