Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

NgườiTHẦY của tôi

Cô bất tai cô tai cô tai (*)
Tôi xin mạn phép Khổng Tử buông lời bắt chước :
Sư bất tai sư tai sư tai !?
 Thầy không ra Thầy mà cũng bảo là Thầy sao ?!
Đã là Thầy thì phải có tư cách mẫu mực mô phạm . Còn Thầy mà bảo học trò hãy nghe những gì thầy nói mà đừng làm theo những gì thầy làm thì hởi ôi chẳng phải là thầy . Hạnh phúc thay cho những ai có được một người Thầy đúng nghĩa , chính danh .
 Tôi may mắn có được cái hạnh phúc ấy .
Thầy tôi  là một giáo sư lão thành vừa dạy học vừa viết sách vừa thực sống theo những gì mình nói và  viết – suốt một đời làm nghề giáo :Thầy NGUYỄN ĐĂNG THỤC . Cách nay gần bốn mươi năm tôi vừa là học trò Thầy vừa phụ khảo ,phụ giảng cho Thầy . Vào mùa xuân năm 1976 tôi đến thăm thầy và không ngờ đó là chuyến thăm cuối cùng ; bởi từ đó đến nay tôi không còn gặp Thầy nữa .

Theo phong tục xưa , tôi đến thăm Thầy vào mùng ba Tết .
Nơi ở của Thầy đúng là cảnh lâm tuyền mà nếp thị  thành . Một ngôi nhà ngói cổ đơn sơ tọa lạc giữa một khu vườn rộng trồng cây ăn trái . Ngôi nhà có ba gian . Gian chính thờ Phật , hai gian bên thờ ông bà và   tiếp khách . Còn nơi làm việc của Thầy là một căn nhà riêng biệt nằm vuông góc với ngôi nhà . Thầy mời tôi ngồi . Thầy tiếp tôi như tiếp một đồng nghiệp  Tôi ngồi xếp chân ở một bên không trực diện với Thầy . Thầy tự tay châm trà , còn tôi đưa hai tay vin vào tách trà . Đó là cách giao tiếp với người lớn mà học sinh ngày đó được dạy như vậy . Sau vài câu chuyện thăm hỏi , Thầy đưa tôi sang tham quan căn nhà làm việc của Thầy . Căn nhà  có nhiều phòng , trong phòng có nhiều bàn viết , mỗi một bàn viết gánh một tác phẩm đang còn dỡ dang , kèm theo là mớ hồ sơ tài liệu nghiên cứu  .Những bài viết của Thầy thuộc nhiều đề tài song chung quy là TINH THẦN TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN  ( Nho -Phật -Lão quy về một nguồn ) .Tôn chỉ của thầy là đồng quy nhi thù đồ , nhất trí nhi bách lự . Nghiã là quy về chỗ giống nhau nhưng bằng nhiều đường khác nhau.Nhiều cách nghĩ khác nhau nhưng rốt cùng cũng nhất trí với nhau . Với tôn chỉ nầy thì không những chỉ có Nho Phật Lão đông quy mà sẽ có sự hòa đồng giũa triêt lý đông và tây , giữa khoa học và và đạo học . Bởi vì “ở phương đông có thánh nhân ra đời thì tâm ấy đồng , ý ấy đồng ; ở phương tây có thánh nhân ra đời thì tâm ấy đồng , ý ấy đồng “. Nếu đạt được tôn chỉ nầy thì sẽ không có hận thù ,không có chiến tranh , không còn khũng bố . Bấy giờ sẽ bốn biển một nhà , năm châu một chợ . Sự hòa đồng trên chỉ có thể thành tựu ở Việt nam . Vì hoàn cảnh địa lý và vị trí đắc địa của Việt Nam là GIAO ĐIỂM  cho đồng quy ,  hòa đồng mọi tư tưởng dị biệt . Việt nam là ngã tư của những nền văn minh trên thế giới  ( carefour de civilization). Theo Thầy thì hai chữ GIAO CHỈ , GIAO CHÂU là con đường gặp gỡ ( Trung - Ấn , Á –Âu )chứ không phải là hai ngón chân cái giao nhau như nhiều người lầm tưởng . Có lẽ vì vậy mà gần  đây các cường quốc không ngại ký những hiệp ước đối tác toàn diện với Việt nam .
 Hoài bảo cả một đời của Thầy là xây dựng một nền QUỐC HỌC  cho Việt nam , một nền văn  hóa thuần túy Việt Nam   mà tinh thần tam giáo đồng nguyên là cốt lõi của nền văn hóa đó . Quốc học được xem như một giáo trình bắt buộc giảng dạy ở các Đại học .Quốc học được coi như là cái gốc vững chắc để đón nhận những nhánh văn hóa ngoại lai cấy ghép vào . Nếu cái gốc không vững chắc thì sự cấy ghép sẽ không tựu thành , thậm chí có nguy cơ lai căng mất gốc .
 Giáo sư Heinrich Zimmer cho rằng nền giáo dục cũng như triết học Á đông là ở  NẾP SỐNG chứ không phải ở lý thuyết đầu môi . Điều quan trọng không phải là những gì thầy viết , điều quan trọng là những điêù Thầy thực sống với những gì đã viết   . Điều quan trọng không phải là ngôn thuyết mà là thân giáo . Không phải dùng lời thuyết giáo suông mà lấy bản thân làm gương mẫu ,  dùng tâm mình để chuyển tánh(transformation ). Trong con người của Thầy có ba dòng chảy : Khổng , Phật , Lão . Về Khổng giáo Thầy tổ chức gia đình thành một nếp sống nho phong , lễ giáo ; hành xử giao tiếp ngoài xã hội với một phong thái điềm đạm , khiêm cung , tín nghĩa , tiết độ . Về Phật giáo Thầy đã chọn đây là bến đỗ tâm linh ; về Lão giáo Thầy sống theo nếp nhàn của Lão Trang ; nhàn nhã tự nhiên trong cái đa đoan bận rộn – lấy cái làm mà không làm , lấy cái không làm mà làm ( dĩ vi nhi vô vi , dĩ vô vi nhi vô bất vi ) .
 Vừa giảng bải trên giảng đường , vừa đảm nhiệm chức trưởng khoa , vừa liên tục cho ra đời nhiều đầu sách , vừa nhận làm patron cho sinh viên cao học vv …nhưng lúc nào Thầy cũng ung dung tự tại . Chính nếp sống của Thấy , tư cách phong thái của thầy đã cảm hóa được biết bao kẻ hậu học . dạy về đạo , viết về đạo , sống trong đạo , không màng danh lợi  . Trong bốn mươi năm tuổi nghề Thầy đã cho ra đời trên năm mươi tác phẩm văn học , đạo học , triết học . Học trò của Thầy nhiều người đã thành danh .

   Những giáo sư giảng viên đại học ngày nay sống thực dụng , vụ lợi hơn là vì lý tưởng giáo dục .Thay vì dành thời giờ nghiên cứu và giảng dạy , họ dạy hết trường này qua trường khác theo chế độ thỉnh giảng .Giáo sư thì lạm phát mà công trình nghiên cứu thì ít oi . Nền giáo dục của ta nghèo học giả chỉ giàu bằng giả .Đó là chưa kể tệ nạn nhận phong bì của sinh viên , nhận lời mời ăn nhậu của sinh viên có nhu cầu xin điểm .Sinh viên biến người thầy thành công cụ để tiến thủ một cách bất chính . Không chỉ ở bậc đại học mà ngay đến bậc mầm non  mẫu giáo cũng lắm điều để bàn . Cô nuôi dạy trẻ yêu tiền hơn yêu trẻ - lại có cả bạo hành trẻ -Học sinh lớp một cũng bị cô giáo lùa về nhà để dạy thêm …Một nền giáo dục vụ lợi kiểu nầy thì mong gì tương lai của các thế hệ mai sau .Trong hiện  tại , nghĩa ân sư , tình thầy trò bị xói mòn , mai một . Câu nói “ dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo “ trở nên sáo mòn vô nghĩa .Thầy vô đạo thì trò còn gì để mà trọng , còn ai để mà tôn kính ! Chẳng trách học trò ngày nay thất lễ với thầy . Nghề nào cũng phải có đạo của nghề đó . Cái đạo của nghề dạy học là lòng yêu thương học sinh . Không những yêu thương mà còn phải biết trân quý mầm non của đất nước . Nhà vi trùng học Yersin có một câu nói rất hay về đạo làm thầy :  Ta đến với một đứa trẻ vì một lòng thương và một lòng kính . Thương vì hiện tại của em và kính vì tương lai của mà em có thể có
  Làm thầy mà không biết yêu thương học trò không biết nâng niu trân trọng tương lai của học trò , không mô phạm chuẩn mực thì đâu phải là thầy !
 Sư bất tai sư tai sư tai ?!

  Ngày xuân năm nào đi thăm thầy cũ đã gợi lại trong tôi nỗi niềm trắc ẩn trước thực trạng của giáo dục hiện nay . Biết bao người đã mong chờ và tự hỏi  không biết trong lần cải cách tới có thay đổi được gì không ?Riêng tôi , tôi may mắn có được một  người Thầy đúng nghĩa , chính danh.

 Thầy tôi đã giảng về đạo , viết về đạo và thực sống trong đạo  với những gì Thầy nói Thầy viết trong suốt cuộc đời làm nghề dạy học !


(*) Cô là cái cốc uống rượu có góc vuông . Về sau cốc uống rượu không có góc vuông nữa vẫn được gọi là cô .
Trong thuyết chính danh Khổng Tử than : Cốc không là cốc, cũng gọi cốc sao, cũng gọi cốc sao ?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét