Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

TRIẾT LÝ HÀNH ĐỘNG CỦA NGUYỄN CÔNG TRỨ

 
 Nguyễn Công Trứ ( 1778- 1858) , trong bài KẺ SĨ đã vạch ra một chương trình hành động cho cuộc đời của mình gồm 3 giai đoạn : Vị đạt , hiển đạt và nhàn dật . Vị đạt còn có tên là vị ngộ , tức là thời kỳ kẻ sĩ sống trong tối tăm , ẩn kín nơi thôn dã chưa được ai biết tới , lo dùi mài kinh sử . Hiển đạt là giai đoạn gặp thời đem sở học ra ứng dụng để giúp đời giúp nước . Giai đoạn cuối là NHÀN DẬT : tự do , thích thảng , nhàn du , phóng dật !Nói nôm na là : nhỏ học , lớn hành , già ở không . Triết lý hành động của NCT  ở thời kỳ nào , giai đoạn nào cũng có ý thức thường trực về mọi hoạt động của mình !

    Ý THỨC TÂM NIỆM CỦA KẺ SĨ THỜI VỊ ĐẠT ;  Lúc còn nhỏ học hành ,rèn luyện , trau dồi tài năng , đức độ , chuẩn bị ứng thí ở các kỳ thi .Nếu sau khi đỗ đạt mà chưa có cơ hội tham chính thì vẫn ẩn mình nơi thôn dã :
" Lúc hội ngộ hối tàng nơi bồng tất "
Ôm một bụng chữ , ôm cái tài kinh bang tế thế , ôm cái học thông kim bác cổ mà phải làm những việc tầm thường ( như câu cá , cày ruộng ,...) để mưu sinh độ nhật thì kẻ sĩ có buồn chăng ? Không những không buồn mà còn " hiêu hiêu nhiên điếu vị canh sằn " vì " mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ".

   Thời vị đạt có thể kéo dài đến tuổi trung niên ; nhưng không phải vì thế mà cầu an thất chí . Không làm được gì ích quốc lợi dân thì ít ra cũng làm tấm gương hiếu nghị cho làng xã noi theo :
 " Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị "
" Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường "
 Đạo lập thân là con đường làm người tử tế , hiền lương . Không một con đường nào có thể thay thế " tam cương ngũ thường "
  Ý thức hành động tích cực hơn nữa là phản biện xã hội trước những điều chướng tai gai mắt . Kẻ sĩ không phải chỉ biết tu hạnh , xử kỷ cho bản thân mà còn phải biết lo bảo tồn nếp phong hóa bằng lý lẽ , nghị luận , biết khen chê , biết phân minh phải trái !
" Phù thế giáo một vài câu thanh nghị "
 Kẻ sĩ ý thức rất rõ về vai trò cán bộ nho giáo là truyền bá chánh đạo , đồng thời be bờ , ngăn chặn bá đạo , tà giáo , bạo quyền , tà thuyết ,...
" Cầm chính đạo để tịch tà cự bí "
" Hồi cuồng phong nhi chướng bách xuyên "
  Về phương diện tỉnh thức trong cuộc sống và ý thức hành động tuổi trẻ ngày xưa có hoài bão , có lý tưởng rất lớn ! Tuổi trẻ ngày nay thường sống đốt giai đoạn , sống vội vàng trong vô thức tập thể ; chưa đủ già mà đã lo hưởng lạc , hưởng nhàn , ...quay lưng với nhân tâm thế đạo , thờ ơ trước vận mệnh nước nhà !

Ý THỨC , TÂM NIỆM CỦA KẺ SĨ THỜI HIỂN ĐẠT :Đây là thời kỳ nhập thế hành đạo , giai đoạn ứng dụng , thực hành sở học , sở kiến , sở tri vào cuộc nhân sinh . Có 2 con đường lập thân , xuât chính : Một là đỗ đạt rồi được tuyển cử làm quan, hai là nhờ thanh khí tương tầm , nhờ thiên duyên hạnh ngộ , minh chủ biết đến và tin dùng . Dù nhập thế bằng con đường nào , kẻ sĩ cũng đem hết tài năng , học thức tồn trữ sở đắc từ buổi thư sinh để ứng dụng thực hành !
" Rồng mây khi gặp hội ưa duyên "
" Đem quách cả sở tồn làm sở dụng "
  Nếu là quan văn sẽ là rường cột của triều đình . Nếu đất nước có giặc giả , có ngoại bang xâm lược thì kẻ sĩ thành võ quan, xuất quân, thân chinh dẹp giặc !
  " Trong lăng miếu ra tài lương đống "
" Ngoài biên thùy rạch mũi can tương "

   Đối với kẻ sĩ chân chính vấn đề không phải quan văn hay võ tướng , vấn đề không phải là chức tước , quân hàm , mà là tư cách , tài năng và thái độ phục vụ , cống hiến .
Điều làm cho kẻ sĩ lưu danh sử sách chính là sĩ hạnh , sĩ khí chứ chẳng phải công hầu khanh tướng !
" Làm sao cho bách thế lưu phương "
"Trước là sĩ ,sau là khanh tướng "

 Nếu so sánh giữa cán bộ nho gia xưa và cán bộ cách mạng ngày nay thì khác nhau trời vực . Nho học và đặc biệt là Tống Nho với Vương Dương Minh thì lấy " tri hành hợp nhất "  làm tiêu chí hàng đầu ! Quy trình lập thân của kẻ sĩ là học hành , đỗ đạt rồi mới làm quan ; còn cán bộ ngày nay rất nhiều trường hợp làm quan rồi mới học hành ( và đỗ đạt ). Thời xưa người ta chuộng kẻ sĩ dựa vào công tích của họ cống hiến cho đất nước cho dân tộc ; khác với  ngày nay người ta chuộng quan chức chỉ dựa vào phẩm trật và thành tích của họ ( qua báo cáo ) !
Ý THỨC , TÂM NIỆM CỦA KẺ SĨ THỜI NHÀN DẬT ( HOÀN DANH ) : Giai đoạn nầy là thời kỳ quay về cuộc sống nhàn du , nghỉ ngơi để bảo toàn khí tiết . Thái độ nầy xuất phát từ ý thức " công thành thân thoái "
  Nếu đã công thành danh toại thì có nghĩa là đã trả xong cái nợ sách đèn ,nợ công danh , nợ hiếu trung ,...
 Nợ trả xong thì xem như " Sĩ đã hoàn danh "
Đã hoàn danh rồi thì nên lui về vui thú điền viên , tự do thích thảng . Đó là thái độ của hiền triết !
  Khác với ngày nay nhiều cán bộ đã đến tuổi hưu rồi vẫn tìm cách ký hợp đồng để "hiển đạt " tiếp !

   Cuộc đời của kẻ sĩ ngày xưa theo quan niệm của Nguyễn Công Trứ thật nhẹ nhàng , đơn giản : Nhỏ học , lớn hành , già nghỉ ngơi ! Đó là triết lý căn bản về hành động . Đó là lối sống tỉnh thức .Trong hệ ý thức đó thì ý thức về sự hữu dụng , tác dụng đối với nhân quần xã hội , đối với quốc gia xã tắc được đặt lên trên tất cả  !


     Tóm lại , nói đến triết lý hành động là nói đến ý thức tự ý thức ! Phải ý thức cho rõ về mình trước khi tìm hiểu thế giới chung quanh mình .Socrate từng bảo :" Anh phải tự hiểu chính anh"  (Connais-toi toi-même).
  Mọi hành vi sai trái đều xuất phát từ sự vô minh của chủ thể hành động !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét