Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOÃNG CỦA GIÁO DỤC HIỆN NAY


     Đường hướng giáo dục của một quốc gia chính là tư tưởng triết lý giáo dục của quốc gia đó .Tư tưởng triết lý vế giáo dục chứ chẳng phải là tư tưởng triết lý xã hội học . Chính tư tưởng triết lý đó chi phối toàn bộ hệ thống giáo dục , hoạt động giáo dục : hoạch định chính sách , thiết chế kỹ thuật , tổ chức học chánh , giáo vụ , học vụ , thí vụ vv...
    Giáo dục VN cũng như các quốc gia theo chủ nghĩa XH đặt trên nền tảng tư tưởng triết lý xã hội học của Emil Durkheim( 1856-1917). Chủ trương của nhà xã hội học nầy tách rời giáo dục ra khỏi con người , ra khỏi tính cách đặc thù , ý thức cá nhân của mỗi con người . Chủ trương nầy chú trọng đến vấn đề xã hội và không hề quan tâm gì đến vấn đề con người - đang khi yếu tố con người là yếu tố cấu thành xã hội .Tư tưởng của Durkheim xem ra rất hợp khẩu vị với học thuyết xã hội chủ nghĩa ( Socialisme).Đường hướng giáo dục nầy xem giáo dục chỉ là một sự kiện xã hội ( fait social) . Đặc điểm của đường hướng giáo dục nầy là thích khuôn mẫu , uốn nắn , đào luyện , cốt làm sao xã hội hóa được thế hệ trẻ . Từ đó diễn ra một cuộc cưỡng chế quy mô lớn giữa " người lớn " và " trẻ con " , giữa thế hệ " trưởng thành " và " chưa trưởng thành ". Người lớn - thế hệ trưởng thành - trực tiếp cưỡng chế là giáo sư, giáo viên , gián tiếp là phụ huynh , quan chức lãnh đạo GD, ban tuyên giáo trung ương ,...
Mục tiêu GD hiện nay là mục tiêu đào tạo , chính xác là đào luyện những công cụ đáp ứng những yêu cầu xã hội , chính trị .Đường hướng GD kiểu nầy theo triết gia Krishnamurti chỉ đào tạo ra " một mẫu người khuôn khổ ,thích an toàn , ham cạnh tranh ,mê giải trí ,giết thời gian bằng cách sống máy móc và ít suy nghĩ chừng nào hay chừng ấy " .Những mẫu người nầy thuộc làu làu giáo điều , đức lý nhưng lại không chí tâm thành ý trong mọi hành vi đạo đức .
Hướng GD theo đường lối nầy vẫn cắm cúi đi theo đường cày vạch sẵn . Những cuộc cải cách , chỉnh lý , đổi mới chỉ nhắm vào kỹ thuật GD mà vẫn giữ nguyên đường hướng GD . Có sự khác biệt không nhỏ giữa đường hướng GD và kỹ thuật GD.
Đường hướng GD là tư tưởng , là tinh thần được cụ thể hóa trong mọi hoạt động GD nhằm đào tạo con người ; còn kỹ thuật GD là cách thức tổ chức học chánh , sử dụng các phương tiện GD . Sự thay đổi xoành xoạch sách GK, phân phối chương trình , lề lối thi cử ,...chỉ gây thêm tốn kém cho phụ huynh , cho ngân sách .Tốn kém tiền nong là một lẽ ,điều đáng quan ngại là nếu cứ mãi lầm đường lạc lối thì hậu quả thật khôn lường !
Chừng nào còn xem GD là sự kiện xã hội chừng ấy GD chẳng thể nào là quốc sách . Bao lâu còn coi trọng khuôn mẫu ( dạy mẫu , học mẫu , thi mẫu , chấm mẫu ,...) bấy lâu tính sáng tạo , độc lập của trẻ còn bị thui chột , bóp chết . Phải tiêu trừ thể chế GD mang tính cưỡng chế , áp đặt giữa " người lớn " và " trẻ nhỏ ". Lấy gì bảo đảm rằng hể là người lớn thì mặc nhiên trưởng thành và hể là trẻ con là chưa trưởng thành ? Có những điều mà trẻ nít 3 tuổi đã biết còn ông già 80 làm mãi chưa xong ( Ô Sào: tam tuế tiểu nhi giai đương tri , bát thập lão ông tạo bất đáo ) . Nếu cứ nhồi nhét vào đầu trẻ thơ những suy nghĩ giáo điều của người lớn thì sản phẩm của GD sẽ là "những đứa trẻ cụ non và những người già ấu trỉ ". Vả lại GD không chỉ là nhu cầu của một lứa tuổi , của một tầng lớp ,..mà là của mọi người , của mỗi người . Nhiệm vụ của người thầy giống như nhiệm vụ của một bà mụ đở đẻ - giúp sản phụ sinh đẻ chứ không đẻ thay cho sản phụ !
Giáo dục trước hết là đào tạo con người đúng với ý nghĩa đích thực của nó . Trước hết phải là con người đúng nghĩa rồi mới tính đến nghề nghiệp , chức danh ,...Một nền GD chỉ nhắm đến đào tạo chuyên viên - xét như công cụ phục vụ xã hội - là nền GD phi nhân tính .Sản phẩm của nền GD phi nhân tính là những bác sĩ giết người hợp pháp , những luật sư bảo vệ cho thân chủ phi đạo đức , những chính khách xôi thịt , những ngụy trí thức , những thanh niên cầu an, ham ganh đua ,mê giải trí , lười suy nghĩ , ham ăn chơi ,...
Như trên đã nói , đường hướng GD như hiện nay quyết định mọi hoạt động GD . Một trong các hoạt động bề nổi là việc học hành thi cử . Việc học nhiều môn mà chỉ thi có 3 môn , việc lấy kết quả kỳ thi phổ thông làm cơ sở tuyển sinh vào Đại học ,vv...đều bị chi phối bởi đường hướng GD hiện hành . ĐH Sư phạm là cái lò đào tạo ra những con người làm GD , , những nhà GD , thế mà điểm chuẩn ở mức thấp nhất : 3 điểm/ môn ( điểm kém ).Trong khi đó các trường công an , quân đội thì điểm chuẩn cao ngất : 10điểm /môn ( điểm tối ưu ) . Thật là trớ trêu khi ĐH sư phạm xả cổng , cửa rộng mở mà chẳng mấy em muốn vào . Đó là một nghịch lý bi hài mà cũng là chỉ dấu của một sự khủng hoảng trầm trọng trong GD .
Giáo dục ở miền Nam trước 75 rất coi trọng việc chuẩn cấp học ( Standard class). Ở cấp trung học phổ thông phải trải qua 3 kỳ thi (*) :Trung học đệ nhất cấp , tú tài 1, tú tài 2 . Tú tài 2 còn gọi là tú tài toàn phần . Hai chữ toàn phần nói lên tính đủ chuẩn của văn bằng : học bao nhiêu môn thì thi đủ bấy nhiêu môn ! Nhờ có bảo chứng về giá trị văn bằng nên hs sau khi đậu tú tài 2 có quyền ghi danh học ĐH mà không qua thi tuyển . Chỉ riêng đối với một số ít trường do nhà nước tổ chức để đào tạo chuyên viên thì các cô cậu tú nào muốn học thì phải chịu trải qua một cuộc thi tuyển nghiêm ngặt .Trường ĐH sư phạm là một trong số trường thi nghiêm ngặt đó ! Chen chân vào các loại hình trường nầy thật không dễ dàng chút nào ! Sinh viên ĐH sư phạm thời đó được miễn học phí , có học bỗng , khi ra trường được nhà nước bổ nhiệm ngay - đặc biệt các người đỗ cao sẽ được ưu tiên chọn nhiệm sở .Với mãnh bằng tú tài toàn nếu không đủ điều kiện vào ĐH thì các cô cậu tú cũng đã có đủ vốn liếng hành trang vào đời - vì đã đủ những kiến thức phổ thông và đã đủ những tri thức đức lý để làm người tử tế , sống cuộc đời hiền lương !
Việc chỉ thi 3 môn mà lấy kết quả kỳ thi làm chuẩn để tuyển sinh ĐH chứng tỏ bô GD chẳng biết quan tâm đến vấn đề " chuẩn cấp học " là gì !
   Nói tóm lại , nguyên nhân sâu xa của sự khủng hoảng GD hiện nay là do đường hướng GD quá chú trọng đến vấn đề xã hội mà không đếm xỉa gì đến vấn đề con người . Một nền GD phi nhân tính tách GD ra khỏi con người , ra khỏi cá tính đặc thù , ý thức cá nhân ,...dần dà triệt tiêu ý nghĩa của đời sống .Nói như Nietzche : " Ý nghĩa của đời sống không ở trong sự duy trì hay sự tiến bộ của những chế độ nhưng lại ở trong các cá nhân "
Chính ý nghĩa đời sống trong các cá nhân đã góp phần làm nên điện mạo của văn minh , văn hóa !
(*) Sau nầy vì tình hình chiến sự nên năm 1967 chính phủ đã bỏ kỳ thi TH đệ nhất cấp , ít năm sau bỏ luôn kỳ thi tú tàì1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét