Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

DUY TUỆ THỊ NGHIỆP - MỘT MÔ HÌNH GIÁO DỤC NHÂN BẢN



      Cách đây nửa thế kỷ , ở miền nam Việt Nam có một mô hình giáo dục nhân bản với tôn chỉ DUY TUỆ THỊ NGHIỆP  . Đó là mô hình giáo dục của viện Đại học Vạn Hạnh do giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập . Duy tuệ thị nghiệp là gì ? và mô hình giáo dục ấy có gì mới mẻ , đặc sắc so với hệ thống giáo dục thời bấy giờ và ngay cả bây giờ ?
   Triết` lý giáo dục của nền Cộng Hòa miền nam Việt Nam trước năm 1975 là  NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG . Riêng  viện đại học Vạn Hạnh , triết lý ấy được cụ thể hóa bằng tôn chỉ DUY TUỆ - THỊ NGHIỆP !
            Viện đại học Vạn Hạnh là cơ sở giáo dục bậc đại học của giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất .  Bậc phổ thông là hệ thống trường Bồ Đề ở khắp các tỉnh thành . Viện đại học Vạn Hạnh  do hòa thượng Thích Minh Châu làm viện trưởng .Hòa thượng Thích Minh Châu tốt nghiệp triết học ở Ấn Độ được giáo hội mời về nước đảm nhiệm chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ giáo dục kiêm viện trưởng viện đại học Vạn Hạnh .Năm 1966 Hòa thượng sang Paris dự hội thảo và may mắn gặp thi sĩ - triết gia Phạm Công Thiện . Hòa thượng mời Phạm Công Thiện về nước làm khoa trưởng phân khoa Văn học và Khoa học nhân văn và nhờ ông nầy xây dựng chương trình cho cả viện . Riêng tôn chỉ DUY TUỆ THỊ NGHIỆP do giáo hội đề xuất ..Bốn chữ DTTN được trích trong kinh BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC ( tám điều giác ngộ của bậc đại nhân ) .Trong 8 điều đó có một điều tối quan trọng : " Thường niệm tri túc , an bần thủ đạo , duy tuệ thị nghiệp " ( Thường nghĩ đến việc biết đủ , ở yên trong cảnh nghèo mà giữ Đạo , chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực cho cuộc đời của mình ). Chữ Tuệ trong tuệ giác còn gọi là trí tuệ , nói cho đầy đủ là trí tuệ ba la mật .Chữ Duy trong DTTN  muốn nhấn mạnh sự duy nhất hóa , tuyệt đối hóa . Muốn có sự nghiệp đích thực cho cuộc đời mỗi người không có con đường nào ngoài con đường Tuệ giác . Đạt đến tuệ giác là một tiến trình học hỏi , tu tập , rèn luyện .
   Chữ Tuệ trong DTTN có 2 tầng nghĩa . Nghĩa thông tục trong cuộc nhân sinh và nghĩa siêu việt về mặt tâm linh , giải thoát .
Khi ứng dụng vào cuộc nhân sinh , hòa nhập cộng đồng thì chữ Tuệ có thể được hiểu là sự hiểu biết , là trí thức , là giá trị tinh thần . Con người có thể thiếu thốn nhiều thứ nhưng dứt khoát không thể thiếu sự hiểu biết , thiếu trí thức  ! Phật từng dạy rằng " Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là sự thiếu hiểu biết " . Sự hiểu biết , cái biết là một nhu cầu không thể thiếu . Nhu cầu hiểu biết là một nguyên động lực thúc đẩy sự phát triển về vật chất lẫn tinh thần . Chính vì vậy mà đứa bé đến tuổi ra lớp phải ôm cặp đến trường . Rồi sau đó đứa bé lại phải " học ăn, học nói ,học gói, học mở " . Và cha mẹ nào cũng muốn cho con giỏi giang , " hay chữ " ( sự nghiệp trí thức) . Bởi vì trí thức , sự hiểu biết là chìa khóa mở vào mọi cánh cửa cuộc đời .
    Về nghĩa siêu việt của chữ Tuệ trong DTTN  thường đi đôi với chữ giác : Tuệ giác . Tuệ giác là trí tuệ bát nhã ,trí tuệ ba la mật có công năng phá vòng vô minh , diệt trừ si mê phiền não , tà thuyết ác kiến ...Chữ giác trong tiếng Phạn gọi là Budhi - phiên âm hán tự là Bồ Đề . Budhi hay Bồ đề là con đường là đức lý , nghĩa chính là giác ngộ . Chính vì vậy mà Đạo Phật còn gọi là Đạo Bồ Đề  , Đạo Giác ngộ . Sở dĩ chỉ lấy việc đạt đến Tuệ giác làm sự nghiệp đích thực cho đời mình là vì có Tuệ giác mới triệt phá vòng vô minh , phiền não để đạt tới giải thoát . Cứu cánh của cuộc đời là giải thoát ( trong cuộc sống hiện tại và kiếp vị lai ) .
   Mô hình giáo dục của viện đại học Vạn Hạnh lấy DTTN làm tôn chỉ , và tôn chỉ nầy định hình , chi phối mọi tổ chức học chánh , xây dựng chương trình , quy hoạch các phân khoa , soạn giáo trình ...
Sau đây là một số nét tiêu biểu về mô hình giáo dục nầy :
   - Mở những phân khoa mới để đáp ứng kịp thời cho sự phát triển của quốc gia như : Phân khoa báo chí , phân khoa xã hội học , phân khoa ứng dụng ( đào tạo kỹ sư ) , phân khoa giáo dục . Điểm táo bạo nhất là phân khoa ứng dụng đã đưa vào chương trình đào tạo kỹ sư dầu mỏ mặc dù thời đó chưa ngã ngũ về việc có hay không có dầu lữa ở thềm lục địa

  - Về học chế không theo chứng chỉ chế như trường công lập mà theo chế độ năm . Đào tạo cử nhân 4 năm , mỗi năm có 2 kỳ sát hạch . Sau 4 năm sinh viên đủ 8 chứng chỉ mới làm luận văn tốt nghiệp . Chính vì vậy mà sinh viên sau khi ra trường đã được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn .

  - Về chế độ học bổng dành cho sinh viên ưu tú : SV đạt hạng bình thứ trở lên trong kỳ thi bán niên được công nhận là sv ưu tú và được hưởng chế độ học bổng .
   Đặc biệt là viện đại học Vạn Hạnh  có tập san Tư Tưởng phát hành hàng tháng và một thiền phòng để cho các sv thực tập thiền định .
  - Về phương pháp dạy và học cũng phải trung thành với tôn chỉ " DUY TUỆ THỊ NGHIỆP ". Cả thầy lẫn trò đều phải dùng " ánh sáng tuệ giác " để soi rọi vào những vấn đề được nêu ra trong giáo trình . Thầy chỉ làm công việc hướng dẫn , gợi mở , chỉ tỏ tài liệu nghiên cứu và cách nghiên cứu cho có hiệu quả . Trò không khoán trắng việc học của mình cho thầy mà tự mình tìm tòi , nghiên cứu  để tự mình nghĩ , tự mình biết ,...Về phía người dạy không áp đặt , không nhồi nhét , không giáo điều ; về phía người học không học gạo , không học vẹt , cũng không quá dựa dẫm vào sách vở . Huệ Trung Thượng Sĩ trong bài thi kệ Thị học ( bằng chữ Hán ) đã ví nguồn Tuệ giác như một tia sáng của mùa xuân , chiếu tới đâu là hoa nở tới đó . Trúc Thiên dịch như sau

      Mịt mù học giả hướng nào dong
      Gạch ngói mài chi uổng phí công
      Thôi , chớ cửa người đừng nương dựa
      Ánh xuân một điểm khắp trời bông

Người đi học mà học gạo , học vẹt , y cứ vào giáo điều mà không suy nghĩ  ,... chẳng khác nào mài gạch ngói để mong thành ngọc . Người học đừng quên rằng chỉ có nguồn
tuệ giác mới phá bỏ được vô minh .

    Mô hình giáo dục của viện đại học vạn hạnh với tôn chỉ DUY TUỆ THỊ NGHIỆP  là một mô hình giáo dục lấy con người làm gốc . tất cả mọi hoạt động giáo dục , đường hướng giáo dục , mục tiêu giáo dục , phương pháp giáo dục , ...đều vì con người , bởi con người , do con người và CHO  con người ./.
 
     

 

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

ĐÔNG DẠ VĂN TRÙNG

Trùng thanh động tứ khổ ư thu
Bất giải sầu nhân văn diệc sầu
Ngã thị lão nhân thinh bất úy
Thiếu niên mạc thính bạch quân đầu
         Bạch Cư Dị

Đạt Nhân dịch :

ĐÊM ĐÔNG NGHE TIẾNG CÔN TRÙNG

Trời đã thu rồi đông sẽ sang
Tiếng trùng vang động ý thu tàn
Kẻ vô tình mấy nghe cũng nẫu
Lão giả như nhiên - Trẻ bạc đầu
               

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

LUẬT PHÁP VÀ SỰ TÔN TRỌNG PHÁP LUẬT

       Trong một cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ - Hillary Clinton và Donald Trump -khi trả lời về vấn đề trật tự xã hội , an ninh quốc gia , ứng viên Clinton có  một phát ngôn mang tính triết lý chính trị : " Luật pháp phải tôn trọng tất cả và tất cả phải tôn trọng luật pháp !"
     Câu nói trên mặc nhiên được cầu chứng vì được thốt ra từ cửa miệng của một người dày dạn trong chính trường . Bà Clinton đã từng là đệ nhất phu nhân của tổng thống Hoa kỳ , từng tranh cử chức vụ tổng thống với tổng thống đương nhiệm và từng là ngoại trưởng ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ .Câu nói vừa ngắn gọn vừa súc tích vừa quyết đoán xoáy vào tâm điểm của lãnh vực lập pháp , hành pháp và tư pháp . Thượng tôn luật pháp không chỉ dành riêng cho người dân , không nhất thiết phải nêu ra khẩu hiệu : " Sống và làm việc theo pháp luật " Bởi vì đó là điều hiển nhiên nếu không muốn phiền hà rắc rối cho bản thân . Vấn đề là quan chức trong bộ máy công quyền có tôn trọng luật pháp hay không ? Nói cách khác là cơ quan lập pháp , cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp phải tôn trọng sự công bằng , sự sòng phẳng giữa con người - xét như công dân - với luật pháp . Nói đến pháp luật là nói đến công chính , công bằng , công minh . Sự công chính , công bằng , công minh phải được bắt đầu từ việc soạn thảo ra hiến pháp ( văn bản trên luật ) đến việc ban hành các đạo luật và các văn bản dưới luật ( nghị định , thông tư ,..)và sau cùng là thi hành luật .
 Nước Mỹ là một quốc gia " hiệp chủng quốc " được hình thành bởi nhiều dân tộc , sắc tộc , cộng đồng dân cư , ...Cho nên quản lý xã hội bằng luật pháp là biện pháp tối ưu . Luật và trật tự xã hội do đó được đưa lên hàng đầu .
  Khi trọng tài nêu lên câu hỏi về vấn đề nầy thì ứng viên Trump trả lời rằng cần phải cải tổ hệ thống tư pháp vì thiếu công bằng trong hành xử giữa người Mỹ và người nhập cư , rằng trật tự không ổn định là do chính sách nhập cư quá dễ dãi ( với người Hồi Giáo và người Mễ Tây Cơ ) . Trong số người nhập cư có nhiều kẻ xấu và súng nằm trong tay họ . Ông nói nếu ông làm tổng thống ông sẽ cho xây một bức tường thành thật cao để ngăn người Mễ tây Cơ xâm nhập vào nước Mỹ ; ông cấm tuyệt người Hồi Giáo nhập cư . Theo Trump phải có thêm cảnh sát và cho phép cảnh sát khám nhà đột xuất để đoạt súng trong tay kẻ xấu .
    Trái lại quan điểm của bà Hillary thì vấn đề không ở chỗ cộng đồng nhập cư mà là LÒNG TIN TƯỞNG GIỮA CỘNG ĐỒNG VÀ CẢNH SÁT TRÊN CƠ SỞ  LUẬT PHÁP PHẢI TÔN TRỌNG TẤT CẢ VÀ TẤT CẢ PHẢI TÔN TRỌNG LUẬT PHÁP . Cảnh sát khám xét đột xuất nhà dân là thiếu tôn trọng pháp luật và đánh mất lòng tin của cộng đồng vào cảnh sát .
  Thế nào là luật pháp phải tôn trọng tất cả ? Tất cả ở đây gồm những ai ? Tất cả ở đây là cho mọi người , cho mỗi người không phân biệt chủng tộc , sắc tộc , nhân thân ...Luật pháp phải tôn trọng quyền con người , quyền làm người ( nhân quyền ) và quyền công dân ( dân quyền ) . Đó là giá trị phổ quát mà công ước quốc tế đã quy định và các quốc gia đã ký kết . Đáp lại , tất cả mọi người , dù là dân thường hay quan chức đều cũng phải tôn trọng pháp luật .Tất cả phải được bình đẳng trước pháp luật - công pháp bất vị thân - Cốt lõi của thể chế pháp trị là công chính ,công bằng , công minh . Nhân viên thi hành pháp luật phải làm đúng theo luật định đã được minh thị trong hiến pháp , trong đạo luật . Ngược lại , người dân có quyền giám sát việc làm của nhân viên an ninh xem có đúng với hiến định , luật định hay chưa .Theo quan điểm của bà Clinton thì trong ổn định trật tự xã hội , an ninh quốc gia ; vấn đề không ở chỗ tăng quyền cho cảnh sát mà là tăng lòng tin giữa cộng đồng và cảnh sát .
  Có sự khác biệt giữa hai khái niệm " nhà nước pháp quyền " và " thể chế pháp trị ". Nhà nước pháp quyền tuy có sự tách bạch hành pháp , lập pháp và tư pháp ; song từ hiến pháp cho đến các đạo luật và văn bản dưới luật đều theo một đường kẻ vạch sẵn của hình thái đơn nguyên tập quyền . Còn thể chế pháp trị là sử dụng những điều lệ , nguyên tắc của luật pháp để quản trị xã hội . Cái mà ứng viên Clinton muốn bảo vệ và phát huy chính là mô hình thể chế dân chủ pháp trị , sử dụng nguyên tắc luật định của pháp luật để quản trị một quốc gia đa chủng tộc , nhiều thành phần như Hoa Kỳ !. Đó là hình thái thể chế dân chủ pháp trị .
  Suy rộng ra , trật tự an ninh thế giới ổn định hay mất ổn định tuỳ thuộc vào sự tôn trọng của các quốc gia đối với công ước quốc tế với những phán quyết , án lệ của trọng tài . Toà trọng tài căn cứ vào công pháp quốc tế để đưa ra một phán quyết nào đó lập tức nó trở thành luật , thành án lệ mà các quốc gia liên quan có trách nhiệm thi hành . Trung Quốc bác bỏ phán quyết của toà trọng tài là không tôn trọng luật pháp quốc tế . Tống thống tiền nhiệm của Philippine đã đệ đơn khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế và đã thắng kiện . Nay tân tổng thống của Philippine , Duterte , đã không đếm xỉa gì đến phán quyết của toà trọng tài , lại bắt tay với bên thua kiện là thái độ không tôn trọng luật pháp quốc tế . Sự không tôn trọng và bất tuân luật pháp của cả bên bị cáo lẫn nguyên cáo là nguyên cớ gây mất ổn định an ninh cho khu vực và thế giới . Nếu chiến tranh nổ ra thì Philippine có một phần trách nhiệm rất lớn với thế giới .

    Tóm lại, triết lý chính trị của ứng viên tổng thống Hoa Kỳ , Hillary Clinton " luật pháp phải tôn trọng tất cả và tất cả phải tôn trọng luật pháp " nếu được ứng dụng đúng mức sẽ đem lại trật tự an ninh cho một quốc gia cà cho cả thế giới !

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

MẠN ĐÀM VỀ MẶC CẢM



       

               Sự kiện Trung Quốc tiếp đón tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ở sân bay Hàng Châu bằng mặc cảm thay vì theo bằng nghi thức ngoại giao thông thường là một hiện tượng lạ trong lịch sử ngoại giao thế giới . Mặc cảm ( complexe ) là một loại tâm lý phức tạp ( phức cảm ) . Nó hoàn toàn không thật , mặc định nhưng không cố định , quá khích và nguy hiểm . Trong đối nhân xử thế ta thường bị chi phối bởi mặc cảm mà ta không biết . Nếu mâu thuẫn xảy ra mặc cảm trong giao tiếp giữa quốc gia với quốc gia thì đó là nguy cơ xảy ra chiến tranh , khủng bố ...
   Mặc cảm hay phức cảm là loại tâm lý không nằm trên bình diện ý thức mà ẩn tàng trong vô thức nên rất khó kiểm soát .
   Có ba loại mặc cảm :
-Mặc cảm tự tôn ( complexe de supériorité)
-Mặc cảm tự ti ( complexe d'inphériorité)
- Mặc cảm đồng nhất ( complexe d'intentité)
   Mặc cảm tự tôn là tự cho mình hơn người
  Mặc cảm tự ti là tự cho mình thua người
  Mặc cảm đồng nhất là tự cho mình bằng người
   Trong ba loại mặc cảm trên thì mặc cảm tự tôn là hiện tượng tâm lý nguy hiểm nhất , phức tạp nhất và thường hay biến tướng . Thuật ngữ Phật học gọi nó là " cống cao ngã mạn " . Cái tôi của người mang mặc cảm nầy là không thật , là tha ngã ( sur moi) khác với chân ngã ( vrai moi ) . Nó chi phối toàn bộ suy nghĩ , hành động ...tạo nên tính cách tự cao tự đại- mục hạ vô nhân .Một khi cái tôi ấy đương cự , đối đầu với thực tế phũ phàng ( là mình không bằng ai ) , mặc cảm tự tôn sẽ biến tướng thành mặc cảm tự ti . Điển hình về sự biến tướng nầy là trường hợp " TRUNG HOA NƯỚC LỚN ". Chính người Bắc Kinh tiếp đón tổng thống Hoa Kỳ bằng cùng một lúc ba loại mặc cảm nói trên .

     Từ thời cổ đại , Trung Hoa rất tự hào về những ưu thế vốn có của dân tộc mình . Thực tế , Trung Hoa là nước có lãnh thổ rộng nhất Châu Á , dân số đông nhất thế giới , nền văn minh lâu đời nhất thế giới ...Có lẽ vì vậy mà họ đặt tên nước là TRUNG HOA ( trung tâm của mọi tinh hoa trên thế giới ). Não trạng của các vương triều  Trung Hoa bao giờ cũng thể hiện là " Trung Hoa nước lớn " . Và tất nhiên họ xem các nước lân bang chỉ là nước nhỏ , chỉ là chư hầu , có bổn phận triều cống  cho thiên tử nước lớn .
Do mặc cảm tự tôn , chính quyền Trung Hoa rất sính chữ " đại " như đại Hán tộc , đại cách mạng , đại lễ đường , đại mỹ nhân , đại tự điển , ...( Người Pháp thì cuốn tự điển dày cộm mà họ  lại gọi là petit la rousse !). Cũng may nhờ có triết học Nho giáo mà giới trí thức , nho gia , kẻ sĩ biết mềm mỏng , khiêm cung, khiêm hạ ( Chữ Nho trong đạo Nho hàm nghĩa là Nhu ).  Do não trạng nước lớn , do tâm lý tự kỷ trung tâm mà các vương triều Trung Hoa không chịu mở cửa để học hỏi những tiến bộ về khoa học , kỹ nghệ của phương Tây . Kịp đến khi 8 nước phương tây lập thành liên quân tấn công vào Trung Hoa thì gươm giáo không địch lại súng đạn ...Rồi trong thế chiến thứ 2 , dân tộc Trung Hoa lại bị quân phiệt Nhật đè đầu cởi cổ , bạt tai đá đít ...  Thực tế phũ phàng nầy đã biến mặc cảm tự tôn cố hữu thành mặc cảm tự ti kéo dài suốt mấy thập niên ...

Thế chiến thứ 2 kết thúc do 2 quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống đất Nhật ; Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện và triệt thoái quân khỏi các nước chiếm đóng .Chế độ Cộng Hoà của Tưởng Giới Thạch lãnh trách nhiệm của đồng minh giao phó để giải giới quân Nhật . Lợi dụng cơ hội  nầy Mao Trạch Đông lãnh đạothành công  cuộc cách mạng vô sản ...Họ Mao biết khai  thác triệt để mặc cảm tự ti dân tộc, mặc cảm nghèo hèn thua kém của nông dân  - từng bị khinh khi rẻ rúng , từng bị áp bức bất công , từng bị thua kém ,từng bị chà đạp , ... rồi dẫn chứng thành quả " đại cách mạng " để kích hoạt  mặc cảm tự ti dần dần biến tướng thành mặc cảm tự tôn cố hữu !Mặc cảm tự tôn của nhà cầm quyền Trung Hoa ngày càng trở nên nguy hiểm khi nền kinh tế càng ngày càng lớn mạnh ... ( Nhờ thoả hiệp Thượng Hải đưa đến kinh tế thị trường giúp Trung quốc giàu lên nhanh chóng ). Thế là Trung Quốc lại trỗi dậy thành " Trung Hoa nước lớn "có điều không trổi dậy trong hoà bình mà trỗi dậy bằng chiến tranh , bằng xâm lược của  tâm lý " kẻ mạnh , bằng cách đánh chiếm các nước lân bang như Tây Tạng , Tân Cương ,...Và còn có cả tham vọng độc chiếm biển Đông ... Tự tôn mặc cảm khiến Trung Quốc càng ngày càng trở nên ngang ngược , hống hách  bắt nạt các nước nhỏ , xem thường cả luật pháp quốc tế . Não trạng nước lớn từ mặc cảm tự tôn đã ăn sâu trong tư tưởng từ lãnh đạo lây lan cả dân chúng ...Thái độ kẻ cả ,ngạo mạn của nhân viên an ninh to tiếng với bà cố vấn tổng thống Hoa kỳ ..; hình ảnh cư xử ngang tàng của người dân Trung Quốckhi đi du lịch ở các nước đã nói lên điều đó !

    Sự kiện đón tiếp tổng thống Hoa Kỳ ở sân bay Hàng Châu của nhà nước Trung Quốc đã không tuân thủ quy định về nghi thức ngoại giao mà cùng một lúc bộc lộ ba loại mặc cảm : vừa tự tôn  vừa tự ti  vừa đồng nhất .
 - Tự tôn vì nghĩ rằng ta đây cũng là cường quốc ...và rất có thể ta sẽ soán ngôi Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới
- Tự ti vì xét lại nhiều mặt khác như trí thức , tự do ,dân chủ , an sinh phúc lợi , ...vẫn còn thua các cường quốc tư bản ..
- Mặc cảm đồng nhất vì tự cho mình ngang bằng với các nước văn minh . Bằng chứng là trước thềm hội nghị G20 nhà cầm quyền Trung Quốc muốn cho Hàng Châu , nơi diễn ra hội nghị phải được lột xác để chứng tỏ cho thế giới biết Trung Quốc là một quốc gia văn minh- bằng các việc làm sau đây : trang trí thành phố lộng lẫy ; đóng cửa các nhà máy để làm sạch môi trường ; lắp đặt bồn cầu miễn phí cho các hộ dân chưa có bốn cầu ; cơ cấu một đội an ninh nữ toàn là những người đẹp ,...
    Trung Quốc ngày xưa là một nước rất đề cao chữ lễ , nhưng ngày nay do bị chi phối bởi nhiều mặc cảm  nên việc đón tiếp một tổng thống lại không giống ai .Nước ta có thành ngữ " tiếng chào cao hơn mâm cỗ " đề cao chữ lễ trong đối nhân xử thế . Chữ lễ rất cần thiết trong giao tiếp hàng ngày . Ta có thể thiếu thốn tiện nghi vật chất trong thời gian dài nhưng không thể thiếu lễ dù trong một phút ! Sự thất lễ của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với tổng thống Hoa Kỳ là một điều đáng tiếc của nước chủ nhà . Bởi vì dù cho khách không lấy đó làm điều song sự kiện đó đã làm cho thể diện quốc gia của cả hai đều bị tổn thương .Nguy hiểm hơn nữa là mầm mống mâu thuẫn giữa hai dân tộc có thể treo lơ lửng đâu đó ...

       Giá trị của ai là của người ấy . Tự cho mình là như thế nầy hoặc như thế kia là thuộc loại tâm lý phức tạp , không thật và nguy hiểm - nhất là mặc cảm tự tôn ."Cái tôi bao giờ cũng đáng ghét " và đáng xấu hổ và bị mọi người xa lánh . Trong cấu tự chữ Hán , chữ tự đại ( gồm chữ TỰ  và chữ ĐẠI ) họp thành chữ XÚ ( hôi thúi , bốc mùi )
. Tự cho mình lớn chưa chắc đã lớn , nhưng bốc mùi thì có thật . Tiếng Pháp phân biệt rạch ròi hai khái niệm : "Homme grand " ( người to lớn ) và " Grand homme" (vĩ nhân ). To con lớn xác chưa hẳn là vĩ nhân !

   
         
 

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

ĐÃ LÀM GÌ - ĐƯỢC LÀM GÌ - LÀM GÌ ĐƯỢC

        Sau khi tái đắc cử, nhậm chức lần thứ hai chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong cuộc gặp mặt báo chí đã phát ngôn như sau : " Bảo vệ hòa bình không phải là hô hào thật to , kích động thế nầy thế khác là được chủ quyền , không có đâu . Một số tổ chức , cá nhân lên tiếng hô hào thế nầy thế khác , những người đó , những tổ chức cá nhân đó đã làm gì cho đất nước ?  Chưa làm gì cả " . Lời tuyên bố của người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất khiến cho nhiều người quan tâm đến vận mệnh đất nước cảm thấy bất bình  . Bởi vì nhiệm vụ của công dân là phải tự hỏi mình  đã làm gì cho đất nước chứ không phải đòi hỏi đất nước phải làm gì cho mình . Thế nhưng , các tổ chức cá nhân trong quần chúng lên tiếng hô hào bảo vệ chủ quyền biển đảo , bảo vệ môi trường biển , .. đã không được chính quyền hoan nghênh mà còn bị lên án , chỉ trích  . Thực tế họ đã làm gỉ ? Họ được làm gì ? Và họ làm gì được ?

       Nói " Những tổ chức cá nhân chưa làm gì cả " cho đất nước là không công bằng , không đúng và thiếu hiểu biết . Bởi lẽ , mỗi công dân trong nước làm tròn bổn phận , trách vụ của mình thì kể như " đã làm gì " cho đất nước rồi . Ví dụ như người nông dân cần mẫn trên ruộng đồng , học sinh sinh viên chăm chỉ học hành , cán bộ công chức tận tụy với công việc , ...tức nhiên là đã góp phần cống hiến cho đất nước rồi . Đóng thuế , nộp phí , thậm chí tiêu dùng , hưởng thụ cũng đã chịu một khoản thuế giá trị gia tăng làm giàu ngân sách quốc gia . Đáo cùng , một công dân lương thiện cũng đã góp phần rất nhiều vào sự lành mạnh hóa xã hội . Nói ai đó chưa làm gì cả cho đất nước là cách nói hồ đồ trịch thượng kẻ cả của người bề trên mắng kẻ dưới là đổ vô tích sự .
   Hơn nữa , không ai có thể độc quyền yêu nước . Độc quyền yêu nước dễ dẫn đến độc chiếm quyền lực , thiếu dân chủ và dễ đưa đất nước đến một con đường có` nhiều rủi ro . Mỗi công dân đều có quyền yêu nước và có những cách thế biểu lộ lòng yêu nước khác nhau - tùy vào hoàn cảnh , khả năng , cương vị . Đã có lần cụ Phan Bội Châu rủ cụ Trần Tế Xương đi làm cách mạng . Hai người vừa đi đến Bắc Giang thì trời vừa tối , lại không có đò qua sông nên hai cụ phải ngủ lại chờ trời sáng . Sáng hôm sau thức đậy cụ Phan không thấu Tú Xương đâu cả , chợt hiểu ra rằng người như Tú Xương chỉ có thể làm cách mạng bằng thơ trào phúng  .Thơ trào phúng của Tú Xương cũng đã đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc cải tạo xã hội cũng như chống ngoại xâm . Tú Xương đã tham gia ' làm cách mạng ' bằng thơ ! Được làm gì cho đất nước còn phụ thuộc vào những tiêu chí , cơ cấu nhân sự của chính quyền . Nếu hiền tài không được tham chính thì trong bộ máy cầm quyền , những kẻ vô tài bất tướng sẽ lộng hành khuynh loát ; hậu quả là chẳng những  uổng phí nguyên khí quốc gia mà còn đem lại di hại cho tương lai dân tộc . Quy luật của chính trị là trong một chế độ không tạo điều kiện cho bậc hiền tài tham chính thì bọn xôi thịt có nhiều cơ hội đầu cơ chính trị để vinh thân phì da .
  Nói ai đó chưa làm gì cho đất nước là hồ đồ  . Tất cả mọi công dân tốt đếu đã và đang phụng sự cho tổ quốc .
   Từ câu hỏi  đã làm gì , được làm gì khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi tiếp theo là  ta làm gì được ?! . Câu trả lời thích ứng đó là tham gia vào các cuộc biểu tình dù có hoặc chưa có luật biểu tình . Bởi vì trên đạo luật là văn bản hiến pháp . Và trên hiến pháp là công ước quốc tế . Quyền được biểu tình đã được công ước quốc tế công nhận và được hiến pháp Việt Nam minh thị . Biểu tình ( manifestation ) đơn giản có nghĩa là biểu lộ , phát lộ , phát biểu . Đại biểu Quốc Hội có nhiệm vụ thay mặt cử tri đề đạt lên chính phủ nguyện vọng của dân chúng . Bà chủ tịch Quốc hội đã chẳng những không  đưa tiếng nói của dân vào chương trình nghị sự trong những kỳ họp QH mà còn cao giọng phê phán , lên án là hành vi gây rối làm mất ổn định chính trị .


      Như vây , phát ngôn của bà chủ tịch Quốc hội vừa không chân xác lại mang giọng điệu trịch thượng cuả kẻ bề trên . Điều nầy trái với nguyên tắc lấy dân làm gốc mà Đức Khổng Tử từ xưa đã từng khuyên dạy các nhà lãnh đạo  dân vi quý , xã tắc thứ chi , quân vi khinh .


Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

CHÍNH TRỊ , CÔNG DÂN VÀ TỔ QUỐC

       
Quan tâm chính trị để làm gì ?
   Thuật ngữ triết học gọi tên những câu hỏi như thế  là loại câu hỏi trùng phức . Câu hỏi trùng phức là loại câu hỏi thừa , lẽ ra không cần phải hỏi . Một câu hỏi thường chứa một phần ba câu trả lời .; còn câu hỏi trùng phức tự nó đã có sẵn câu trả lời . Trừ những người sống trên hoang đảo , hoặc những đạo sĩ ẩn tu trong rừng sâu , không ai không quan tâm chính trị . Lý do là chính trị dính chặt vào sự tồn sinh của mỗi công dân và của toàn dân tộc .
      Không ít người có chủ kiến " không quan tâm không dính dấp đến chính trị "hoặc " chính trị là của chính khách , thường dân quan tâm làm gì ? " Những quan điểm trên chứa  mâu thuẫn nội tại . Bởi vì ai ai cũng muốn sống yên ổn ,  cũng muốn " ổn định chính trị " , nhưng lại thường thờ ơ tránh né những gì xảy ra chung
quanh mình . Chính trị đơn giản là những sự kiện , những biến động ,...xảy ra trong cuộc sống quanh ta . Những sự kiện biến động đó tuy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân ta song có nguy cơ làm thay đổi cục diện của đất nước . Sự thịnh suy của đất nước chắc chắn có ảnh hưởng đến mọi công dân . Gần đây xảy ra nhiều sự kiện , những biến động mang yếu tố Trung Quốc làm chấn động dư luận như nguồn nước sông Mê Kông bị chặn ở đầu nguồn dẫn đến nước ở đồng bằng miền tây nam bộ  bị nhiểm mặn ; bùn đỏ ở Tây nguyên tràn ngập , mạch ngầm  bị nhiểm độc ; thuyền đánh cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm ; cá chết hàng loạt ở biển miền Trung ,đài phát thanh ở một số tỉnh thành bị nhiễu sóng phát tiếng Trung Quốc ; phán quyết của toà án quốc tế về đường lưỡi bò , vv...Những sự kiện biến động trên đều có liên quan đến chính trị . Chính trị chi phối hoàn toàn cuộc sống của mỗi cá nhân . Nói đến chính trị là nói đến chính phủ chính quyền , chính thể , hành chính , định chế , đạo luật , thông tư nghị định , vv...Cuộc sinh tồn của mỗi công dân gắn liền với sự sinh tồn của dân tộc ; và sự sinh tồn của dân tộc bảo đảm cho sự sinh tồn của mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc . Bởi thế cho nên hễ nước mạnh thì dân giàu , nước mất thì nhà tan . Làm một công dân dù quan tâm hay không quan tâm chính trị thì vẫn bị chính trị chi phối từng ngày từng giờ - trong hiện tại và cả trong tương lai con cháu chúng ta .
   Xét về nghĩa từ nguyên , chữ chính trị có nghĩa là làm cho ngay ngắn , đúng đắn , kỷ cương , minh bạch . Một nền chính trị hồ đồ sẽ gây ra chính sự phiền hà , dễ khiến lòng dân oán hận . Sứ mạng to lớn của chính trị gia là trị quốc an dân ; đem lại sự thái bình thịnh trị cho quốc gia dân tộc . Làm chính trị mà sai lầm thì giết chết cả thế hệ ,
   Ngày xưa trong chế độ phong kiến , bá tánh phải tận trung với vua vì quan niệm vua là " Thiên tử " ( con trời ) . Ngày nay khái niệm nầy được thay bằng " trung thành với tổ quốc " vì Tổ quốc là trên hết  .
  " Hãy trung thành với tổ quốc và chỉ trung thành với chính quyền , một khi nó xứng đáng với điều đó " ( Mark Twain ) 

       Là một công dân trong cộng đồng dân tộc mà  không quan tâm chính trị khác nào kẻ đứng bên lề , có khi còn tệ hơn một người nước ngoài ! Không lên tiếng , không đứng lên bảo vệ chân lý ,chính nghĩa , tổ quốc , ...thì cuộc sống sẽ trôi lăn theo dòng đời ngu mê u  tối !Cụ Phan Chu Trinh nhận xét rất đúng về dân tộc tính của người Việt như sau : " Bi kịch của dân tộc Việt Nam là người Việt chỉ yêu bản thân họ hơn là quan tâm đến những gì xảy ra chung quanh . Bản tính cuả  người Việt là sợ liên luỵ và ngại giúp đỡ ; từ đó dẫn đến vô cảm " 
   Trước những sự kiện , biến động xảy ra trong nước hiện giờ thì chỉ một số nhân sĩ trí thức đã dũng cảm có tiếng nói , buồn thay còn một số thì cầu an bởi " sĩ khí rụt rè gà phải cáo " ( Trần Tế Xương ) .

     Nếu làm từ thiện xuất phát từ lòng trắc ẩn và từ tâm một cách tự nhiên trong mối quan hệ giữa tình đồng loại thì quan tâm chính trị cũng là  nghĩa cử tự nhiên vốn dĩ như thế . Quan tâm chính trị chẳng khác nào quan tâm hơi thở , quan tâm đến môi sinh , đến sự biến đổi khí hậu, đến chính sách , định chế , đạo luật , nghị định , thông tư , thuế , phí , cách sử dụng tiền thuế của dân trong việc thực hành an sinh , phúc lợi ,vv...Tất cả những vấn đề đó gắn liền với sự tồn sinh của mỗi cá nhân và toàn dân tộc . Nếu không quan tâm đến chúng , ta sẽ thiếu trách nhiệm với bản thân và cả với cộng đồng . Quan tâm để tỉnh thức trong các lựa chọn , để hành xử thích ứng trong từng giai đoạn .( chẳng hạn như hiện nay mọi yếu tố có liên quan đến Trung Quốc đều đáng quan ngại và đề phòng cảnh giác !)




Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

" LÀM TỪ THIỆN ĐỂ LÀM GÌ ?! "

                               " Từ đây người biết thương người ..." 
    Đó là niềm hân hoan và khát vọng của nhạc sĩ Văn Cao trong " Mùa xuân đầu tiên " sáng tác vào sau năm 1975 . Bốn mươi năm sau không chỉ trong Nam mà ngoài Bắc rộ lên phong trào làm từ thiện vì ngày càng có nhiều mảnh đời cơ nhở , cơ hàn . Nhưng những tấm lòng trắc ẩn , những nghĩa cử cứu giúp người nghèo khó nay bị đem ra phanh phui , mổ xẻ , ...bằng những câu hỏi lạnh lùng khắc bạc " Để làm gì ..., để làm gì ..., để làm gì ...? " Phong trào làm từ thiện rồi đây có nguy cơ bị bức tử . Người dù có " biết thương người " cũng đành bó tay thúc thủ . Do ai và vì sao ra nông nỗi nầy ? Vì sao người ta phải huy động nhiều thành phần tham gia chất vấn   chỉ để đánh sập một tấm lòng .

    Chương trình " 60 phút mở " bề ngoài có dáng vẻ như một cuộc hội thảo cởi mở bình đẳng giữa các thành phần tham gia nhưng thực chất bên trong được dàn dựng theo một kịch bản nhằm điều hướng dư luận theo ý của người biên tập . " 60 phút mở"  lần nầy bàn về chủ đề : " Làm từ thiện vì ai " . Duyên do thành lập chủ đề nầy có lẽ xuất phát  từ sự thất bại lớn của một chuyến đi từ thiện lớn ở vùng cao vào giáp tết Bính Thân . Vào thời điểm nầy nhóm từ thiện " Xây dựng trường vùng cao " tổ chức một chuyến đi từ thiện với chủ điểm " Tết ấm biên cương "   ở Mường Lạng ( sát biên giới Lào ) . Nhóm định tổ chức một bửa tiệc tất niên cho 3600 em bé vùng cao được ăn bánh chưng đươc5 mặc áo ấm . Một chiếc xe chở 3600 chiếc bánh chưng , 3600 cây  giò và 25 tấn quần áo chạy suốt 15 tiếng đồng hồ ! Xe chạy gần tới địa điểm Mường Lạng thì bị lực lượng biên phòng chận lại . Ông trưởng đồn từ chối nhận quà và không cho tổ chức tiệc tất niên . Thế là nhóm từ thiện chỉ còn biết khóc !

  Bà Tạ Bích Loan người chủ trì chương trình mời 2 anh trong nhóm từ thiện nói trên đến để trao đổi ,thực chất là để truy vấn . Hai người đó một người có tên Nguyễn hoài Anh , một người có tên là Nguyễn Như Quỳnh ( trưởng đòan ) . Ngoài ra khách mời có tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và ca sĩ Thái Thùy Linh . Mở đầu chương trình bà Tạ mời 2 anh tường thuật lại chuyến đi từ thiện hôm giáp tết ở vùng cao . Khi thuật đến sự kiện bị ngăn cản bà hỏi cảm giác các anh khi đó thế nào . Anh Hoài Anh trả lời " chỉ biết khóc " . Ông tiến sĩ lên giọng an ủi : " Giờ này không nên ngồi mà than vãn chuyện đã xảy ra mà hãy rút kinh nghiệm " , Còn bà Tạ tuyên bố trọng tâm của chương trình : " Đây là câu hỏi rất là chủ yếu của ngày hôm nay , tôi muốn hỏi các bạn làm từ thiện là vì ai ? và để làm gì ? " Câu " để làm gì" được vặn đi vặn lại ba lần .
   Khán giả xem truyền hình thấy cử chỉ gần như trấn áp và những câu hỏi dồn dập của chủ tọa , nhiều người lấy làm khó chịu . Người xem có cảm giác đây là một cuộc hỏi cung . Sau câu trả lời của 2 anh , bà Tạ phán một câu quyết đoán : " Các bạn có nghĩ là làm từ thiện không có lợi mà còn dễ gây hại không ?" Nói theo ngôn ngữ của giáo sư Ngô Bảo Châu thì người hỏi câu nầy " hoặc là thần kinh , hoặc là khốn nạn " . Hoạt động từ thiện thuộc loại hoạt động phi lợi nhuận ( ngoại trừ một số làm kinh doanh từ thiện ) . Có ai sẵn lòng từ tâm đi cứu giúp người khốn khổ mà lại tính toán lợi hại ? . Câu hỏi làm từ thiện là vì ai là câu hỏi thừa mà người hỏi đủ thông minh để biết là thừa nhưng vẫn cứ hòi để lèo lái câu chuyện sang một hướng có dụng ý . Tất nhiên đi làm từ thiện là vì những người cần được giúp đỡ chứ vì ai nữa . Còn làm từ thiện vì mình thì cũng không sai : làm việc nhân nghia để tích đức , lưu phước thì cũng tốt chứ sao . Nhưng vấn đế là câu hỏi " vì ai " , để làm gì "

   Người xem chương trình còn khó chịu hơn nữa khi ông tiến sĩ Đặng Hoàng Giang phô diễn : " Việc làm từ thiện với một quy mô lớn như vừa rồi xuất phát từ TƯ DUY CHỨNG TỎ ( ? ) . Ông nói thêm : " làm đại tiệc hoành tráng , 3600 chiếc bánh chưng ...chứng tỏ như chưa có ai làm được vậy - kiểu như chiếc bánh tét dâng vua Hùng ..." Thật ngớ ngẩn , thật dốt nát ! . Mỗi em bé chỉ nhận một chiếc bánh chưng , ..thì có gì là hoành tráng . ( Hoành tráng chăng có lẽ là con số 3600 bé đang chịu cảnh cơ hàn ;  hay hoành tráng như chiếc bánh  , tô hủ tíu khổng lồ dâng vua Hùng mà không ai ăn được !) . Không biết ông tiến sĩ xuất thân từ đại học nào mà ăn nói hồ đồ như thế .
  Bà Tạ XƯỚNG ra vấn đề "gây hại " thì ông Đặng HỌA : " Làm từ thiện đã không có lợi mà gây ra 2 cái hại : một là các em bé vùng cao mặc áo có  " design"nước ngoài sẽ làm mất bản sắc văn hóa ; hai là gây ra tâm lý ỷ lại , trông chờ của người nhận " . Ông tiến sĩ nầy hiểu thế nào là bản sắc văn hoá?. Nếu y phục làm nên bản sắc văn hóa thì dân tộc Kinh mặc đồ Tây chắc là mất bản sắc văn hóa từ lâu rồi ! Cứu đói cứu lạnh như cứu hỏa mang tính cấp thời . Một em bé vùng cao trùng trục chịu rét dưới cái lạnh 0 độ mà chờ có được cái áo thổ cẩm chắc không còn kịp !Còn cái từ thiết kế sao ông tiến sĩ " bảo tồn bản sắc văn hóa " không dùng mà lại phải dùng tiếng design của nước ngoài ?   Vậy là chính ông ta đang làm mất bản sắc văn hóa Việt ! Còn chuyện ông ta lo sợ người nghèo có tâm thế ỷ lại , trông chờ từ thiện là không đáng . Giúp đỡ người qua cơn khốn khó là "giúp ngặt " chứ không thể " giúp nghèo " . Giúp nghèo đã có an sinh xã hội của nhà nước lo , người làm từ thiện không nhất thiết phải có trách nhiệm với cái nghèo thường trực của người nghèo . Bà Tạ rất vô lý khi nói những người nghèo không cần bánh chưng không cần quần áo mà chỉ cần việc làm , ...Việc làm , sinh kế của người dân là trách nhiệm của bộ Lao Động & Thương Binh xã hội . Trong khi người nghèo đói bị thất nghiệp chưa có cần câu cơm thì trước mắt nên cho cơm để họ sống đã !Còn ông tiến sĩ thì hăm dọa : " Bất cứ hành vi nào khi tác động vào xã hội cũng có hiệu ứng phụ . Làm từ thiện phải là từ thiện đúng , cứ sướng lên mà cho thì khi xảy ra hậu quả tai hại nhà nước phát hiện thì nguy " .Thật không thể tưởng tượng nổi một ông mang danh tiến sĩ mà phát ngôn cẩu thả như vậy ! " Sương lên mà cho " là thế nào ?! Cho , xuất phát từ lóng thương yêu lo lắng chứ không ai nói " sướng " bao giờ .  Nói đến CHO người ta nghĩ đến 5 loại sau đây :
- Ta cho những gì ta có
- Ta không có mà ta vẫn tìm cách để cho ( quyên góp )
- Ta có khi ta cho ( có niềm vui vì làm xong nghĩa cử đẹp )
- Ta có mà ta không biết cho
- Ta không cho mà ta còn dèm xiểm người đi cho

  Theo ông tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thì khái niệm từ thiện đúng  là phải hướng dẫn người nghèo cách quản lý tài chánh ( ? ! ) , là tạo chất xám cho người nghèo ! Nói như ông Giang chẳng khác nào đem tranh tặng người khiếm thị , đem dĩa nhạc tặng người khiếm thính !. Chốt lại chương trình " 60 phút mở " bà Tạ quay sang hỏi tiến sĩ : " Vậy là chúng ta có nên đem bánh chưng , quần áo lên vùng cao nữa không ? "  Ông tiến sĩ trả lời dứt khoát : "Tôi thì tôi không làm như vậy " 

    Tóm lại , những nghi vấn về việc làm từ thiện như " vì ai " , " để làm gì " lẽ ra không nên đặt ra . Thấy đói thì cho ăn , thấy rét thì cho mặc , thấy cháy thì chửa lửa , ...đó là tính thiện tự nhiên của con người ,hà tất phải hỏi ! Sở dĩ nhà đài , nhà báo , nhà lý luận cố tình đặt ra những câu hỏi như thế để cố nhào nặn ra cho được câu trả lời : "Làm từ thiện là vì mình , làm lợi cho mình mà làm hại cho người được giúp đỡ " . Đó là một thứ tư duy tư lương , tính toán lợi hại thiệt hơn đã ăn sâu vào não trạng thực dụng tèrre à tèrre ! Tư duy như vậy sẽ làm mất đi cái bản sắc Việt về lòng tương thân tương ái tương tế tương trợ mà người  xưa đã đúc kết trong câu ca dao " Miếng khi đói bằng gói khi no , Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng ". Hành vi từ thiện còn được gọi là nghĩa  cử xuất phát từ cái bụng , cái tâm , tấm lòng chứ không xuất phát từ cái đầu kê tính . Cái tâm đó nhà Phật gọi là Bồ Đề tâm . Phật dạy : " Đánh mất Bồ đề tâm đi làm việc thiện là hành vi của ma " ( vong thất Bồ Đề tâm hành chư thiện pháp thị danh ma nghiệp - Kinh Hoa Nghiêm ) . Bồ Đề tâm là tâm bình đẳng , tâm không phân biệt kẻ cho người nhận , không có gì để cầu , cũng không có gì để được . Những người lợi dụng từ thiện để làm nghề kinh doanh chính là ma nghiệp sẽ bị quả báo khôn lường !

   

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

KHÚC HẬU ĐÌNH HOA VÀ BÀI THƠ BẠC TẦN HOÀI

                                Thương nữ bất tri vong quốc hận 
                                Cách giang do xướng Hậu đình hoa 

Hai câu cuối của bài thơ " Bạc Tần Hoài "(  Tần Hoài Dạ Bạc ) đã từng gây hoang mang tranh cải cho hậu thế . " Không biết mối hận mất nước " thì đã rõ , nhưng khúc " Hậu Đình Hoa " là khúc gì mà ghê gớm lắm vậy ?  Xin thưa là vì bài ca nầy có liên quan đến việc mất nước , đến người sáng tác ra nó , đến thân phận ca nhi , đào hát , đến thái độ của thi hào Đỗ Mục  trong bài " Bạc Tần Hoài" và dư chấn của bài thơ .
 Có thể tóm lược xuất xứ của bài thơ nầy như sau : Hậu Đình Hoa là một trong ba tập thơ do Trần Thúc Bảo  thường được biết đến trong sử sách là Trần Hậu Chủ đời hậu Trần , thời Nam Bắc triều ( 420- 587) bên Tàu  - tập hợp các bài thơ sáng tác trong các buổi tiệc tùng , vui chơi giải trí cùng các quan học sĩ. Khúc " Hậu Đình Hoa " được phổ nhạc từ một bài thơ hay nhất trong tập thơ củng tên . Bài thơ có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của Trương Lệ Hoa - người được Trần Hậu Chủ đặc biệt sủng ái . Bài hát có những ca từ tình tứ , du dương nhất .Trong các cuộc dạ tiệc thâu đêm , các ca nương , đào hát rất thích hát bài nầy .
 Trần Hậu Chủ (553-604 ) là một vị vua cuối cùng của họ Trần - là một ông vua nổi tiếng phong tình , ham mê thi ca , nhạc tửu , nhất là gái đẹp . Ông bị mất nước trong một cơn say khước : Say rượu , say thơ , say nhạc , say tình bên cạnh người đẹp Trương Lệ Hoa đang hát khúc Hậu đình hoa. Rồi từ đó cái tên Trần Hậu Chủ gắn liền với tên Hậu đình hoa - trở thành điển tích của vết nhơ vong quốc .
    Mãi đến 200 năm sau , những ca nhi vẫn còn mê hát khúc hát nầy trong các cuộc vui chơi trác táng , yến tiệc linh đình . Dù trong hoàn cảnh nước mất nhà tan , các thương nữ vẫn bình nhiên hát khúc nhục ca nầy . Thi hào Đỗ Mục ( 803 - 852 ) một đêm đổ bến Tấn Hoài gần kề quán rượu bỗng nghe vẳng lại từ bên sông tiếng hát của một thương nữ đang hát khúc ca Hậu đình . Đỗ Mục đọng mối cảm hoài sáng tác bài thơ BẠC TẦN HOÀI  ( Tần Hoài Dạ Bạc ) .
                             Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa 
                              Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia 
                              Thương nữ bất tri vong quốc hận 
                              Cách giang do xướng Hậu đình hoa 

    Dịch xuôi :   Khói lan tỏa trên mặt nước lạnh , ánh trăng lan tỏa trên cát . Đêm đến đậu thuyền trên bến sông Tần Hoài gần quán rượu . Ca nhi không biết mối hận mất nước . Ở bên kia sông còn hát khúc Hậu đình hoa .
 
    Trong thể thơ thất ngôn tứ tuyệt , thường câu thơ cuối chứa đựng nội dung biểu đạt mà tác giả muốn gởi gắm tâm tình của minh vào bài thơ . Về sau bài thơ nầy được nhiều người dịch ra thơ , mỗi người dịch đều trung thành với nguyên tác song thái độ đối với nhân vật "thương nữ " thì mỗi người mỗi khác . Có người vừa trách móc vừa thương hại , có người vừa trách móc vừa khinh miệt .

                    Nhóm thứ nhất gồm có những dịch giả sau đây :

     - Lâm Trung Phú : Cô gái vô tình quên mất nước 
                                     Hậu đình hoa hát vọng sang sông 

   - Trần Trọng San : Cô gái không hay buồn mất nước 
                                  Bên sông còn hát Hậu đình hoa 


   - Nguyễn Hàm Ninh : Thương nữ biết chi sầu mất nước 
                                       Cách sông hát khúc Hậu Đình hoa 

   - Khương Hữu Dụng :Cô gái biết chi hờn mất nước 
                                       Cách sông còn hát Hậu đình hoa 


 Nhóm trên có người để nguyên từ " thương nữ " có người dịch là " cô gái " . Điều đó chứng tỏ có sự nhẹ tay , châm chước và cảm thông . Thật ra thương nữ có nghĩa là con hát , đào hát .
           
       Nhóm thứ hai gồm có những dịch giả sau đây :
       - Mộng Sơn :   Gái đêm quen sóng khuynh thành 
                                Bên sông hát khúc Hậu đình hoa chơi 
       - Hoàng Giáp Tôn  : Gái còn hát Hậu đình hoa 
                                        Hờn mất nước chẳng xót  xa trong lòng 
      - Phí Minh Tâm : Cô ả biết đâu hờn mất nước
                                   Bên sông còn hát khúc Đình hoa 

Nhóm dịch giả trên dịch Thương nữ ra Gái đêm , Gái , Cô ả , thể hiện thái độ coi khinh người ca nữ . Nhất là Mộng Sơn dùng từ Gái đêm hơi nặng tay .
  Dù dịch kiểu gì hay là diễn theo cách nào thì cô gái hát khúc nhục ca vong quốc giũa hoàn cảnh nước nhà nghiêng ngã vẫn bị chê trách . Do đâu và vì sao cô gái phải chịu nỗi hàm oan nầy ? Phải chăng đây là định nghiệp của kiếp cầm ca . Vì nghệ thuật và vì kế mưu sinh - phải làm đẹp lòng khách mua vui . Chẳng qua là vì khúc hát đã biến thành vết nhơ của Trần Hậu Chủ . Trần Hậu Chủ vì ham tửu sắc , thi ca để xảy ra mất nước , bị người đời sau nguyền rủa . Trách hôn quân sao không trách nịnh thần - đám học sĩ bao quanh ông ta . Giữa lúc đất nước ngã nghiêng , dân tình điêu đứng , đám học sĩ không dùng tài học của mình để can gián vua mà lại bẻ cong ngòi bút , làm thơ xướng họa , vịnh nguyệt thưởng hoa hầu hưởng chút hương thừa rượu cặn . Thời nào cũng vậy , ngụy trí thức tuy có học hàm học vị nhưng cam chịu kiếp sống vong thân , làm con rối cho quân quyền giựt dây .

   " Quốc gia hưng vong , thất phu hữu trách " câu nói của người xưa vẫn còn tươi nguyên giá trị . Sự hưng thịnh hay tiêu vong của nước nhà thì kẻ thất học cũng phải có trách nhiệm huống chi người có học . Yêu nước là trách nhiệm của mỗi công dân . Không ai được quyền thoái thác trách nhiệm nầy cho người khác và cũng không ai được độc quyền yêu nước . Yêu nước không nhất thiết là phải cầm súng . Mỗi người thể hiện quyền yêu nước theo cách của họ và tùy vào khả năng điều kiện có thể . Thái độ trút hết trách nhiệm cho cô thương nữ là không công bằng .
   Bài thơ Bạc Tần Hoài cách chúng ta hơn một ngàn năm mà chừng như cái sầu mất nước vẫn còn âm ỉ : Mất biển đảo , mất những vị trí chiến lược trên đất liền , mất nguồn nước sông Mê- Kông , mất ngư trường đánh cá , mất nguồn hải sản , mất an toàn thực phẩm chẳng ngang bằng mất nước ư ?

    Hai câu thơ cuối trong bài thơ của Đỗ Mục như một lời chê trách , lời cảnh báo những ai quay lưng lại với mệnh nước ; những ai bằng lòng với những lợi quyền nhỏ mhoi , bình an giả tạm để đắm mình trong những trò vui chơi giải trí . Bộ máy công quyền nắm vai trò định hướng thông tin đại chúng , bám sát các hoạt động giải trí tuyên truyền . Do vậy người dân chỉ có thể nói một chiều , nghĩ một hướng , làm một kiểu ,...Thậm chí một MC chỉ chia sẻ lại hình ảnh cá chết từ một kênh truyền hình cũng bị đem ra đấu tố , hạch hỏi ...


      Những ai còn có lương tri , lương thức , còn băn khoăn đến vận nước , đến dân tộc , tổ quốc đều bị nhóm lợi quyền quy kết là có ý đồ lật đổ chính quyền .Biết hận mất nước là một chuyện , nhưng làm thế nào để cứu nguy dân tộc lại là điều không dễ !

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

TRIẾT LÝ NHÂN NGHĨA TRONG BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO

         
 

           " Bình Ngô đại cáo "là bản hùng văn tuyên cáo cho toàn dân được biết cuộc kháng chiến 10 năm đánh đuổi giặc Minh ra khỏi nước hoàn toàn thắng lợi . Nguyễn Trãi chấp bút viết thay Bình Định Vương Lê Lợi nên có câu mở đầu : " Thay trời hành hóa Hoàng thượng tuyên rằng : .." Bài cáo ra đời cách chúng ta hơn 600 năm mà tính thời sự của nó như vẫn còn nóng hổi  , sống động . Đó là nhờ cách lập luận của tác giả dựa vào CHÂN LÝ XÁC TÍN của lịch sử .Ở đây là Việt sử - mà sử Việt là đấu tranh sử . Qua khảo sát lịch sử , ôn cố tri tân , tức cổ nghiệm kim ( xét xưa nghiệm nay )  tác giả đã đưa ra những luận điểm , luận cứ , luận chứng hùng hồn , xác thực và giàu sức thuyết phục . Triết lý nhân nghĩa vừa là tư tưởng xuyên suốt , vừa là phương châm hành động của nghĩa quân Lam Sơn .

     Mở đấu bài cáo , tác giả nêu cao ngọn cờ chính nghĩa :
  "  Việc nhân nghĩa cốt ở an dân 
      Quân điếu phạt trước lo trừ bạo "

Hai chữ nhân và nghĩa trong hệ tư tưởng Khổng Mạnh có ý nghĩa chung chung :  Nhân là mối quan hệ giữa con người với con người ; Nghĩa là mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng .  Trong cấu tự chữ Hán , chữ Nhân  ( )   gồm có bộ Nhân đứng và chữ Nhị . Còn chữ Nghĩa (  ) được cấu tạo từ chữ Dương với chữ Ngã  . Do ý nghĩa chung chung ấy mà nhiều triều đại phong kiến phương Bắc lợi dụng chiêu bài  nhân nghĩa để thôn tính nước ta . Chẳng hạn như chuyện Tôn Sĩ Nghị sang nước ta với chiêu bài nhân nghĩa là phù Lê diệt Trịnh  . Nếu Lê Lợi có công giành lại độc lập tự chủ cho nước nhà thì Lê chiêu Thống là tội đồ rước voi dày mã tổ , cõng rắn cắn gà nhà . Mỗi khi triều đại An Nam bị suy thoái là lúc giặc phương Bắc lợi dụng thời cơ để tiến hành chiến tranh xâm lược . Lần nầy , nhà Trần suy thoái , Hồ Quý Ly khuynh loát triều đình , giết gần bốn trăm người họ Trần để tiếm ngôi . Đây là một cái cớ để nhà Minh mượn tiếng là điếu phạt ( điếu dân , phạt tội ) hầu cướp nước ta một lần nữa .

    Nhân họ Hồ chính sự phiền hà 
  Để trong nước lòng dân oán hận 
Quân Cuồng Minh thừa cơ gây họa 
Bọn gian tà bán nước cầu vinh 

  Trong thư trả lời Phương Chính  - tướng của giặc Minh - Nguyễn Trãi lật mặt dã tâm của nhà Minh : " Nước mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo . mượn tiếng là " điếu dân phạt tội " kỳ thực làm việc bạo tàn , lén cướp đất nước ta , bóc lột nhân dân ta , thuế nặng , hình nhiều , vơ vét của quý , dân mọn các làng không được sống yên . Nhân nghĩa mà lại thế ư ? " . Nguyễn Trãi đã xé toang bức màn dối trá ; đâm thủng bức màn khói hư ảo lập lờ đánh lận con đen - kiểu quan hệ hữu hão giả tạo như ngày nay .

     Nguyễn Trãi đã bạch hóa vấn đề nhân nghĩa đầu môi bằng một câu khẳng định đầy quyết đoán   "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân " . Muốn an dân phải lo trừ bạo . Không yêu dân , không lo cho sự an nguy của dân thì sao gọi là nhân nghĩa ? !
 
      Nhà Minh đem quân điếu phạt như một chiêu bài nhân nghĩa để lừa mị dân ta :
  " Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế 
  Gây binh kết oán trải hai mươi năm 
 Bạt nhân nghĩa nát cả đất trời 
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi !

  Chúng không những bắt nhân dân ta xuống biển " còng lưng mò ngọc ", lên núi " đãi cát tìm vàng " mà còn tàn hại môi sinh , tuyệt kế sinh nhai: " bẩy hưu đen ", "bắt chim trả " ," tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ "., phá nát cân bằng sinh thái , tuyệt đường sống của dân ta .
   Còn bọn bán nước và bè lũ cướp nước thì :
   Thằng há miệng , đứa nhe răng , máu mỡ bấy no nê chưa chán 
   Nay xây nhà , mai đắp đất , chân tay nào phục vụ cho vừa 

    Tội ác của giặc Minh được Nguyễn Trãi khắc họa trong câu  " trúc Nam Sơn không ghi hết tội , nước Đông Hải không rửa sạch mùi " 
   Não trạng bá quyền của các vua phong kiến phương Bắc cho đến tận bây giờ vẫn thế , nghĩa là luôn luôn cho rằng nước Nam là của Tàu - cũng như Hoàng Sa , Trường Sa là của tổ tiên chúng để lại . Nguyễn Trãi bác bỏ luận điệu đó bằng lịch sử đấu tranh của người Việt . Không có chân lý nào xác tín hơn chân lý lịch sử . Tác giả bài cáo đã khẳng định một cách đanh thép rằng chủ quyền của dân tộc Việt đã từng tồn tại qua chiều dài lịch sử . Nam triều không những tồn tại mà  còn vững vàng - ngang ngữa với Bắc triều .
   Như nước Việt ta từ trước 
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia 
Phong tục Bắc , Nam cũng khác 
Từ Triệu , Đinh , Lý , Trần xây nền độc lập 
Cùng Hán, Đường , Tống , Nguyên hùng cứ một phương 
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau 
Song hào kiệt thời nào cũng có 

   Nếu Lý Thường Kiệt tuyên bố chủ quyền dựa vào sách trời phân định rõ ràng giữa Bắc Quốc và Nam Quốc , giữa Bắc Đế và Nam Đế thì Nguyễn Trãi dựa vào văn hiến là cốt lõi của vấn đề . Nếu kể cả thời tiền sử thì dân Việt ta có đến năm nghìn năm văn hiến . Văn là vẻ đẹp của văn chương học thuật ...nói chung là văn hóa . Còn Hiến là chủ thể của văn hóa vừa tạo ra vừa bảo tồn văn hóa . Đó là nguồn nguyên khí hiền tài bất tận . Chính vì hào kiệt thời nào cũng có nên nền văn hiến trường tồn bất diệt . Phong tục tập quán cũng góp phần làm nên bản sắc của dân tộc Việt . Chính cái nền văn hiến lâu đời đó mà bao nhiêu lần bị Bắc thuộc dân ta cũng không bị Hán tộc đồng hóa . Trái lại , có khi người Hán còn bị Việt hóa : Hoa kiều ở Việt Nam đã nhập quốc tịch Việt , lấy vợ Việt , theo phong tục Việt , góp phần phát triển đất nước . Điển hình như Mạc Cửu ở Hà Tiên , người Minh Hương ở Hội An , Chợ Lớn ,..Sự tồn tại chủ quyền của dân tộc Việt sóng đôi với sự tồn tại của phương Bắc : Phương Bắc có Hán , Đường , Tống , Nguyên thì phương Nam ta có Triệu , Đinh , Lý , Trần . Đó là sự tồn tại ngang hàng bình đẳng giữa các quốc gia dù lớn dù nhỏ . Não trạng bá quyền nước lớn đã ăn sâu vào tâm não của các nhà cầm quyền Trung quốc , xem các nước lân bang là chư hầu ; xem vua của chư hầu là cống thần có nhiệm vụ triều cống cho thiên tử .

      Quốc hiệu Đại Việt có từ thời vua Lý Thánh Tông . Theo nhận định của nhà bác học Hoàng Xuân Hãn : " Lý Thánh Tông là vua ta đầu tiên có óc lập ra một đế quốc có danh hiệu ngang với một nước thiên tử , đặt quốc hiệu là Đại Việt ..." . Từ đó mở ra một kỷ nguyên mới với tinh thần dân chủ rộng mở , dung nạp được cả Nho , Phật , Lão . Chất Đại Việt được nhà Trần bảo lưu , kế thừa . Nguyễn Trãi là cháu ngoại của nhà Trần .Ngay từ nhỏ , Nguyễn Trãi đã được hấp thụ , di dưỡng chất Đại Việt . Chất Đại Việt ấy được đâm hoa kết trái vào đầu nhà Lê .
   Thắng lợi của cuộc kháng chiến mười năm đuổi giặc Minh là nhờ vào tinh thần đoàn kết nội tại trong dân chúng .Truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm từ xưa tới nay nhờ vào lòng dân , ý dân ,rồi tạo ra  sức dân . Một khi sức dân đủ mạnh nó " kết thành một làn sóng vô cùng to lớn có thể nhấn chìm cả bè lũ bán nước và cướp nước "  ( Hồ Chí Minh ) 

        Nguyễn Trãi viết cáo bình Ngô theo tinh thần túc cổ nghiệm kim . Vì vậy ngày nay con dân Việt nên đọc bài cáo cũng trên tinh thần ấy . Bởi không có chân lý nào xác tín hơn chân lý lịch sử . Lịch sử chứng minh chủ quyền của nước ta đã phải trả giá bằng xương máu của bao cuộc chiến tranh vệ quốc chống ngoại xâm phương Bắc . Quan hệ Việt Trung muôn đời chỉ là hữu hảo giả tạo . Bài cáo mở đầu bằng cách đề cao nhân nghĩa , mà nhân nghĩa là làm cho dân được an cư lạc nghiệp , bảo đảm an sinh xã hội , Muốn được như vậy trước hết phải trừ gian diệt bạo , phải "làm sao trong thôn cùng xóm vắng không một tiếng oán sầu " .
   Mở đầu bài cáo là   " việc nhân nghĩa cốt ở an dân " và kết thúc bài cáo là "nền thái bình muôn thuở " !

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Lan man suy nghĩ về cái nghề " giải trí"

     
      Vào thời hậu Lê độc tôn Nho giáo quan niệm những người xướng ca , diễn tấu không nằm trong bốn nghề "sĩ ,nông  ,công ,  thương " nên gọi là vô loại . Vua quan ngụy Nho nhà Lê rẽ rúng , coi khinh cả dòng họ , con cháu của những người nầy . Thế nhưng ngày nay những người làm nghề ca hát nói chung là giới showbiz được công chúng hâm mộ , có khi đến cuồng nhiệt . Cuộc sống , thu nhập của giới nầy rất cao ; địa vị của họ cũng được xã hội tôn vinh . Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước như hiện nay xảy ra quá nhiều thảm họa thì sự lên ngôi của giới showbiz là một hiện tượng  đáng buồn . Sự cạn kiệt nguồn nước sông Mê Kông , đồng bằng miền Tây bị ngập mặn , biển miền Trung bị nhiểm độc cá chết hàng loạt , bùn đỏ tây nguyên tràn ngập , vv..thì dường như chẳng làm nao lòng giới Showbiz.
   Ngược dòng lịch sử , nghề ca hát diễn xướng ở Việt Nam xuất hiện từ thế kỷ thứ 3 . Hai loại diễn xướng là tuồng và chèo được phát triển phổ biến rộng rãi trong dân gian và được cho là một bộ môn nghệ thuật vào đời vua Lý Thái Tông ( 1068 - 1128 ). Đến đời vua Lý Thánh Tông thì không những nghề nầy phổ biến trong dân gian mà ngay tại cung đình cũng được trọng vọng . Lý Thánh Tông là vị vua rất sành về âm luật của cả nhạc Trung Hoa và Chiêm Thành . Chính nhà vua đã soạn ra những ca khúc Chiêm Thành rồi cầm khiên múa hát trong tiệc khao quân giữa lòng đất Chiêm . Nhà Lý tuy chọn Phật giáo làm quốc giáo song vẫn ứng dụng tinh hoa của Nho gia hòa vào mạch sống của dân tộc tỷ như quan niệm " hưng ư thi , thành ư lễ , hòa ư nhạc ( hưng phấn nhờ vào thơ ca , thành ý nhờ ở lễ , hòa hợp nhờ vào âm nhạc ) .  Nhiều khi một bản nhạc , một bài cũng tạo ra hiệu ứng  gây ảnh hưởng lớn trong xã hội   . Yếu tố nhân hòa không kém quan trọng trong ba yếu tố Thiên thời , địa lợi , nhân hòa .
   Đến đời hậu Lê độc tôn Nho giáo . Đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông đã liệt những người ca kỷ hát xướng vào chung với hạng người cờ bạc rượu chè , trộm cướp , ác nghịch , ...Thậm chí còn có lệnh cấm con cháu những người nầy không được đi thi ;  không được lấy người quyền quý . Chế độ độc tôn , độc đoán hà khắc đó đã làm mất đi  các bậc hiền tài . Tỷ như Đào Duy Từ là con của một người làm nghề xướng ca nên không được đi thi . Năm 21 tuổi ông đổi sang họ Vũ đi thi Hương đổ Á nguyên . Nhưng đến kỳ thi thi Hội bị phát hiện man khai lý lịch nên chẳng những ông bị đánh tuột á nguyên của kỳ thi Hương mà còn bị tống giam . Sau khi ra tù ông mai danh ẩn tích một thời gian rồi trốn vào " đàng trong " phò chúa Nguyễn Phúc Nguyên . Về sau , Đào Duy Từ trở thành một nhà quân sự , một chính trị gia lỗi lạc , một danh nhân kiệt xuất , một bậc sơ khai công thần số một của quân đội chúa Nguyễn . Ấy là nhờ tinh thần cởi mở phóng phoáng , hào hiệp của dân Thuận Quảng nói riêng và dân Nam bộ nói chung .

    Có ý kiến cho rằng xướng ca vô loại không hẳn là do không có tên trong các nghề mà do nhập vai tréo hèo như cha đóng vai con , mẹ đóng vai vợ , .. . Người đời không hiểu rằng vì nghệ thuật cho nên diễn viên phải nhập vai như vậy . Chuyện nhập vai là chuyện sân khấu ; mà đã là sân khấu thì phải diễn - muốn diễn tốt thì phải nhập vai là lẽ đương nhiên . Điều đáng nói  là trong đời thường , nhất là trong chính trường mà nhập vai đóng giả để lừa mị nhau thì mới là tệ hại  . Thật ra không có nghề xấu mà chỉ có người xấu . Nghề mà không bị tai tiếng mà còn giúp ích cho đời thì  mới là đạo nghệ . Nhà phường chèo , giới showbiz là những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật . Nghệ thuật lại là một trong các nội hàm của văn hóa . Văn hóa là hơi thở là mạch sống của cả một dân tộc . Sự thịnh suy hưng vong của dân tộc một đất nước không thể không ảnh hưởng đến văn học nghệ thuật . Bởi vì  ca hát , nhảy múa , tấu hài ,...cũng là một bộ môn nghệ thuật nên các nghệ sĩ chân chính không thể thờ ơ bàng quan trước những gì xảy ra trong cuộc sống quanh ta  .

   Gần đây trên TV xuất hiện nhiều chương trình giải trí như  Vietnam's Got Talent  , Vietnam Idol , vv,. . Giám khảo trong các cuộc thi ngồi chễm chệ trên ghế như một vị thánh -  nhả ngọc phun châu .. . Các thí sinh thì như những con chiên ngoan đạo đứng nghe những điều răn như muốn nuốt  từng lời . Thế là Showbiz đã lên ngôi . Giải trí  đúng là thang thuốc bổ đối với khán giả sau những giờ làm việc mệt nhọc  . Còn đối với diễn viên sân khấu thì đó là cơ hôi để tỏa sáng . Càng tỏa sáng càng nổi tiếng ; càng nổi tiếng thu nhập càng cao . Thế là dân ta bình yên vui chơi thỏa thích . nếu không được như vậy thì ít ra cũng ru ngủ được số đông . Những ai còn thao thức khắc khoải vận nước từng ngày cũng " cuốn theo chiều gió " vì

Thiên hạ có khi còn ngủ cả 
 Việc gì ta thức một mình ta  ( Trần Tế Xương ) 

      Thể mệnh của giới văn nghệ sĩ ngày nay  thật là chông chênh chìm nổi . Có khi  bị  liệt vào nhà phường chèo xướng ca vô loại , có lúc thì bị tù đày chỉ vì bảo vệ chính kiến ... Nhưng cũng có khi chỉ chực làm nghề tuyên truyền trong hàng ngũ văn công - làm công cụ để ru ngủ quần chúng quên đi nỗi nhục quốc thể , kiếp sống vong nô .

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca và con đường trung đạo

                                                             

            
         
              Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử ( Historical person) có ngày sinh, nơi sinh và ngày chết hẳn hoi .Đức Phật Thích Ca còn là Đức Phật lịch sử  (Buddism historique  ) nên bên cạnh tính biên niên của sử lịch còn có tính triết lý của sử tính .Cuộc đời của Ngài là một khảo chứng cho sự tựu thành của con đường Trung đạo ( middle way ) - con đường giữa hai đầu cực đoan -trong bối cảnh của xã hội  Ấn Độ thời bấy giờ .Thời ấy xã hội Ấn Độ bị phân hóa bởi nhiều giai cấp và trong môi trường văn hoá có nhiều luồng tư tưởng cực đoan đối đầu nhau , Ngài thị hiện trên thế gian như một giải pháp đối trị với mọi cực đoan quá khích hầu đem lại hòa bình trong tự thân và trên thế giới .

       Ngay trong thời Đức Phật còn tại thế có hai tôn giáo lớn đã phát triển rộng rãi và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến triết học và tôn giáo ở Ấn Độ .Đó là Phật giáo và Bà La Môn giáo . Phật giáo tuy mới hình thành song phát triển nhanh và sâu rộng hơn Bà La Môn giáo .Những tư tưởng triết học , tôn giáo thời ấy chia làm hai hệ  thống : Chính thống ( Astika - cực hữu ) và không chính thống ( Nastia- cực tả  ).Đại biểu cho hệ thống chính thống là Bà La Môn giáo và đại biểu cho hệ thống không chính thống là Chủ nghĩa duy vật ,Kỳ Na giáo , Chủ nghĩa hoài nghi , Phật giáo , vv...Nguyên nhân xuất hiện nhiều trường phái không chính thống là bởi hệ thống tư tưởng Bà La Môn có tính độc tôn,độc quyền về ý hệ nên nảy sinh ra các trường phái chống lại sự áp đặt quan niệm về một đấng sáng tạo vũ trụ ,vạn hữu.
 Trường phái chủ nghĩa duy vật ( Météralism ) chủ trương vô thần , sau khi chết không có linh hồn ,không còn có đời sống nào khác . Chết là hết .Không có thế giới nào khác ngoài thế giới hạnh phúc và lạc thú ở đời . Cứu cánh cuộc đời là hưởng thụ khoái lạc .Không có chuyện luân hồi hay tái sinh .
    Trái lại những tín đồ của Kỳ Na giáo (Jainism)chuyên tu hành khổ hạnh ,khắc kỷ để giải thoát linh hồn ra khỏi sự ràng buộc của nghiệp , luân hồi ,tái sinh ,...Lối tu của các tín đồ nầy hành hạ thân xác , o ép bản thân ,thậm chí có phái cấm không mặc quần áo !
Còn trường phái hoài nghi chủ trương nghi ngờ tất cả mọi thứ , mọi việc , tẩy chay mọi sự hiểu biết ,tranh luận , phê phán ...
   Trước những luồng tư tưởng cực đoan quá khích đó , Đức Phật chọn con đường Trung đạo :Ngài bác bỏ quan niệm về đấng tối cao của Bà La Môn giáo, không chấp nhận lối tu khổ hạnh của Kỳ Na giáo ,cũng không đồng tình với chủ nghĩa duy vật .Ngài cho rằng hạnh phúc trong dục lạc là tạm thời và ngắn ngủi .Ngài cũng đã phê phán chủ nghĩa hoài nghi sai lầm ở chỗ không tin vào thực chứng chân lý bằng suy niệm tâm linh ở nội tâm .

    Trở lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho tới  khi nhập diệt  là một bài học thân giáo về triết lý Trung đạo .
  Ngay trong việc tái sinh lần cuối cùng làm kiếp người ,Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha  ) không đi thẳng đến gốc cây Bồ Đề để thành Phật ngay mà phải tuần tự trải qua các giai đoạn :hài đồng , thiếu niên ,thành nhân ; rồi xuất gia tu hành thành đạo .Ấy là vì Người muốn thành tựu Phật quả với tư cách là một con người - cùng một phận người - như mọi con người trong cộng đồng nhân loại .Người muốn chứng tỏ cho những kẻ hoài nghi tin rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tính và ai cũng có khả tính thành Phật .Nghiệp , kiết sử  ,đều có thể chuyển hóa bằng con đường tu tập .Sự giác ngộ của Ngài không do thần  khải hay mặc khải  mà là hoa trái của một quá trình tu chứng . Đó là việc làm của một Pháp Vương ,một lãnh đạo tinh thần cho cả thế gian thay vì làm một Quốc vương cai trị một nước .Thái Tử Tất Đạt Đa sống trong cung vàng điện ngọc nhưng không hề mê đắm  vào trong cuộc sống xa hoa sung mãn cũng như Ngài  không mặn mà đến việc kế nghiệp vương quyền  . Tuy nhiên ,Ngài cũng đã kết hôn và có con theo ý của vua cha . Ngay cả đến việc đặt tên con là La - Hầu - La (có nghĩa là sự cản trở ) cũng  xuất phát từ tâm thức về sự ràng buộc thê nhi ( thê thằng tử phược ).
 Sau nhiều lần ra ngoại thành du ngoạn , đã chứng kiến nhiều  thảm  cảnh khổ đau của kiếp người ; Ngài bắt đầu suy tư về bốn chữ sanh ,lão , bệnh ,tử . Lần ra  ngoại thành cuối cùng Thái Tử bắt gặp một tu sĩ đang thiền định dưới một gốc cây với dáng vẻ thảnh thơi , an hoa , tỉnh lự . Chính hình ảnh đó đã thôi thúc Ngài sớm thực hiện ý nguyện xuất gia tầm đạo . Rồi một đêm  , Thái Tử vứt bỏ quyền bính , cung điện , từ giã vợ đẹp con xinh để vào rừng làm một tu sĩ .
   
 Trong rừng sâu , Thái Tử đã từng gặp các bậc thầy của các bậc thầy thiền định như Uất Đạc gia , A La La . Nhưng rồi Thái Tử sớm nhận ra hai vị tiên nhân đó chưa phải là bậc thầy của giải thoát , tự thân của họ chưa đạt được trí tuệ Ba La Mật . Thái tử suy nghiệm rằng Nhất thiết trí hay trí tuệ Ba La Mật có liên quan đến thân xác , lục căn , lục trần . Thái tử từng tự vấn phải làm thế nào để tịnh hoá lục căn , điều phục thân xác ? Phải chăng là con đường khổ hạnh ? Thế là Ngài gia nhập nhóm tu khổ hạnh trong Khổ hạnh lâm - ép xác suốt sáu năm trời : Từ phép tu cắn răng đến phép nín thở rồi nhịn ăn , ...Thái tử lúc này chỉ còn là bộ xương khô , lại không mảnh vải che thân . Như một quả lắc đồng hồ đi từ cực đoan nầy sang cực đoan khác , Thái tử từ trong nhung lụa xa hoa đến khắc khổ hành xác -đi đứng khó khăn tai ù mắt loà ..May thay nhờ trải qua nhiều kiếp tu hành nên Thái tử vẫn còn đủ trí tuệ để phản tỉnh xét lại lối tu sai lầm nầy . Đó là khởi đầu cho một con đường sáng : Con đường Trung đạo ! Không o bế chìu chuộng thân xác , cũng không o ép hành hạ xác thân . Một tinh thần minh mẫn chỉ có thể có trong một thân thể tráng kiện .
    Nhờ vào phước báo được tích luỹ trong nhiều kiếp trước nên Thái tử có nhiều trợ duyên giúp phục hồi sức khoẻ nhanh chóng : có người cho tấm y để che thân , có người cho bát sữa tươi bồi bổ thân thể , có người cho mấy bó cỏ khô làm bồ đoàn - đã giúp Ngài đủ điều kiện toạ thiền suốt 49 ngày đêm ròng rã . Để củng cố tinh thần cho Thái tử , một thiên sứ đã hoá thân làm nhạc sĩ lên dây đàn . Thái tử ngộ ra rằng nếu dây đàn căng quá thì đứt mà nếu dây chùng quá thì thanh không vang ; vậy không căng không chùng thì sẽ đạt thanh âm tuyệt hảo .Thì ra việc hành trì tu tập cũng giống như việc lên dây đàn vậy !

    Sau 49 ngày đêm thiền định dưới gốc Bồ đề Ngài lần lượt thắng vượt được tham , sân , si , ái , dục ; chiến thắng được vòng vây cám dỗ bởi tài , sắc , danh , thực , thuỳ , ... cuối cùng chứng đắc túc mạng minh , thiên nhãn minh rồi lậu tận minh ...toả sáng Bát Nhã Ba La Mật . Ngài đã thành một Pháp vương vô thượng tôn của cõi Trời , cõi Thần và cõi Người . Từ đây Thái tử Siddhārtha  (tiếng Pali có nghĩa là một người đã hoàn thành được chủ đích của mình ) đã trở thành một Đấng giác Ngộ hoàn toàn ; có danh hiệu là Phật Thích Ca và được người đời tôn xưng là Đức Phật . Chữ Phật phiên âm từ chữ Budha ( Bụt ) có nghĩa là Giác Ngộ . Sau khi thành Phật , Ngài tiếp tục thiền định 7 ngày để kiểm nghiệm lại quá trình tu chứng của mình . Sau đó , Ngài phân vân không biết có nên tuyên thuyết giáo pháp của mình hay nhập Niết bàn ngay , bởi giáo pháp của Ngài quá vi diệu khó tiếp thu do sự hạn chế của ngôn ngữ văn tự . Nhưng rồi vì lòng bi mẫn đối với chúng sinh , Ngài bắt đầu đi du thuyết . Bài thuyết pháp đầu tiên ( chuyển pháp luân ) nói về con đường Trung đạo . Du thuyết suốt 45 năm khắp xứ Ấn Độ  mà cuối đời  Phật lại nói  rằng : " 45 năm qua ta chưa từng nói một lời nào " . Không định thuyết rồi lại thuyết ; thuyết rồi lại phủ nhận điều mình đã thuyết . Tại sao như vậy ? Vấn nạn nầy về sau được Bồ tát Long Thọ giải mã trong Trung Quán luận . Luận chứng căn bản trong Trung Quán là biện chứng pháp sau đây :
                                Không - Giả danh - Trung đạo 
  Chữ Không trong mệnh đề trên nằm trong " Vạn Pháp giai không " .Không không có nghĩa là không đối đãi với có mà có nghĩa là không có tự tính , không thực hữu . Tất cả các pháp đang hiện hữu đều không có tự tính . Chúng hiện hữu do duyên sinh ( tương tức, tương nhập ) . Bồ tát Long Thọ đưa ra tiền đề : " Nếu bảo tất cả các pháp đều không , ngôn ngữ văn tự cũng nằm trong các pháp , thì lấy gì bảo rằng không ? Vậy nên phải mượn văn tự xét như một phương tiện để hiển bày Không Tánh  gọi là giả danh . Đó chính là Trung đạo . Xem thế , ngôn ngữ không phải là thực tại mà là phương tiện truyền thông  để chuyển tải mô tả thực tại . Kinh nói " Chỉ có văn tự thôi thì đều không có thực nghĩa ( đản hữu văn tự đô vô thật nghĩa ) . Đức Phật từng ví Chân lý thực tại mà Ngài vén mở như mặt trăng , còn văn tự ngôn thuyết như là ngón tay chỉ mặt trăng ( nhất thiết tu đà na giáo như tiêu nguyệt chỉ ) . Nếu vướng và chấp vào văn tự thì sẽ lầm lẫn ngón tay là mặt trăng . Biện chứng pháp Không - Giả danh - Trung đạo cho phép ta không loại trừ ngôn ngữ văn tự mà vẫn thấy được thực nghĩa ; đồng thời không động đến chân tướng mà vẫn kiến lập được các pháp :

                                Bất đoạn giả danh nhi kiến thực nghĩa 
                                Bất động chân tướng kiến lập chư pháp 

       Thái độ tẩy chay hay tuyệt đối hóa giá trị của ngôn ngữ  đều là cực đoan cố chấp . Bởi thế cho nên Đức Phật đi du thuyết suốt 45 năm mà cuối cùng Ngài lại bảo rằng  : " Ta không nói một lời nào "  Ấy là vì Ngài lo sợ hậu thế chấp vào kinh giáo . Tuy nhiên phép đốn tu mà Ngài giới thiệu cho thánh chúng trong hội Linh Thứu bằng thái độ không giảng một lời kinh nào mà chỉ đưa cánh hoa lên ( niêm hoa vi tiếu ) dĩ tâm truyền tâm .Ngài Ca Diếp trong chúng hội được truyền tâm nên " phá nhan vi tiếu " . Đó là phép tu " giáo ngoại biệt truyền "của Thiền tông mà Ngài Ca Diếp là tổ thiền đầu tiên . Về phép tu theo kinh giáo , Đức Phật sợ hậu thế sau nầy chấp vào văn tự nên đã khuyến cáo chúng đệ tử rằng : " Không nên kẹt vào pháp , cũng không nên kẹt vào chẳng phải pháp . Các vị tỳ kheo nên biết pháp ta nói như chiếc bè qua sông . Pháp còn phải bỏ huống hồ gì không phải pháp " ( Kinh Kim Cang )
      Trên con đường tu đạo điều uý kỵ nhất là thái độ cực đoan cố chấp . Trong luận Đại Trí Độ , Phật giảng về đệ nhất nghĩa đế để độ những kẻ cực đoan cố chấp : " Có kẻ đang được độ thoát mà bị rơi vào thái độ cực đoan hoặc vì vô trí mà chỉ cầu sự khoái lạc cho thân thể , hoặc vì hành đạo mà tu hành theo lối khổ hạnh , những người như thế đối với đệ nhất nghĩa đế mất hết niết bàn chánh đạo " ( trích Luận Đại Trí Độ - bản dịch của Tuệ Sỹ ).Rõ ràng con đường Trung đạo là con đường duy nhất đưa ta đến Niết Bàn

   
Tóm lại , cả cuộc đời của đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi nhập diệt đều hiển thị ý nghĩa vi diệu của con đường Trung đạo - con đường ở giữa hai đầu cực đoan - Đó là một trong những lý do mà Liên Hiệp Quốc chọn Phật giáo là tôn giáo Hòa Bình của Thế Giới - giữ được sự cân bằng hòa hợp trong tâm mỗi người là bước quan trọng trong tiến trình kiến lập hòa bình trong tự thân và trên thế giới ( Peace in oneself , Peace in the world ) .


Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Chuyện trăng tròn trăng khuyết

   


           Trăng dù có khi tròn khi khuyết thì cũng vẫn chỉ là trăng . Còn chuyện lăng xăng sầu bi hỉ lạc lúc nhìn trăng vọng nguyệt là chuyện của con người .Trăng tròn hay khuyết chỉ là do vị trí tương đối  giữa mặt trăng mặt trời và trái đất cùng với sự tiếp nhận ánh sáng của mặt trăng từ mặt trời . Tròn hay khuyết cũng là do niệm tưởng của con người- có khác chăng là giữa người nầy với kẻ nọ , lúc nầy và lúc khác .

     Mọi sự trên đời đều do chấp tướng mà tưởng ra thế nầy thế nọ như thấy dây thừng nhìn ra con rắn .Yếu tính của mọi hiện hữu là vừa hằng vừa  chuyển  .Hằng là thường hằng bất biến còn chuyển là chuyển biến dịch chuyển thường xuyên . Tỷ như nước và sóng , sóng dù có lăn tăn hay cuồng nộ cũng chỉ là nước . Trăng tròn hay trăng khuyết cũng chỉ là trăng của muôn thuở . Do diễn biến dịch chuyển mà có khi tròn khi khuyết khiến cho nhân gian lấy đó làm điều . Ngày xưa Mạc Đỉnh Chi đi sứ sang Tàu vào đúng lúc cô công  chúa con gái duy nhất của vua Tàu qua đời . Sứ giả họ Mạc đại diện cho nước Nam làm bài thơ chữ NHẤT để  tán thán như sau :
             Thiên thanh nhất đóa vân 
             Hồng lô nhất điểm tuyết 
             Thượng uyển nhất chi hoa 
             Giao trì nhất phiến nguyệt 
             Ô hô! vân tán ,tuyết tiêu , hoa tàn, nguyệt khuyết !
   Tạm dịch :
             Giữa trời xanh có một áng mây 
             Giữa lò lửa có một điểm tuyết
              Trong vườn ngự có một cành hoa
              Giữa ao sâu có một vầng trăng tròn 
              Ôi! mây tán ,tuyết tan ,hoa tàn ,trăng khuyết !

    Thì ra luật vô thường không loại trừ bất kỳ ai :Mây tụ rồi lại tán , tuyết tụ rồi lại tan , hoa thắm rồi lại tàn , trăng tròn rồi lại khuyết .Vũ trụ là không gian vô cùng vô tận và thời gian vô thỉ vô chung . Nói đến thời gian là nói đến sự dịch chuyển từ quá khứ đến hiện tại ; từ hiện tại đến tương lai . Triết gia Heideguer đã định nghĩa về sự luân chuyển của thời gian như sau : " Thời gian tính là thể tính của thời gian khi tương lai đi vào quá khứ chính lúc nó vừa tới hiện tại " .Dòng thời gian vừa hằng vừa chuyển chẳng khác nào lưu lượng của một dòng sông . Những lưu lượng nước không ngừng thay đổi . Thế nên mới nói " Không thể tắm hai lần trong một dòng sông " ( Heraclite). Cuộc đời con người cũng như một dòng sông . Con người già ,chết từng phần qua dòng thời gian . Sống là đang chết từng phần ( La vie est la mort partie en partie ) trong từng sat -na. .Những tế  bào sinh sinh hóa hóa . Ta đi ngang qua cuộc đời như đi qua dòng sông . Trịnh công Sơn đã ngộ ra điều nầy :" Em đi qua chuyến đò thấy con sông đang nằm ngủ . Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du Em đi qua chuyến đò con trăng đang còn trẻ Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già "
  Rõ ràng diễn biến dịch chuyển là định luật tất yếu . Trong thời gian vô thỉ vô chung thì sự chuyển  biến diễn
 ra thật là chớp nhoáng .
              Trăng non rồi sẽ trăng già 
              Ba vô số kiếp chỉ là sát na 

     Chuyện trăng tròn trăng khuyết là do ảnh hưởng sự vận hành của vũ trụ .Thế nhưng trong cõi nhân sinh thì đó là tâm tình  tâm cảnh . Khi buồn thương tiếc nuối thì người ta than vãn trăng tròn rồi lại khuyết . Khi an ủi ,gieo niềm tin hy vọng thì người ta bảo trăng khuyết rồi lại tròn .Cũng cùng một vầng trăng mà mỗi lần xuất hiện trong thi ca nhạc họa đã trở thành một mảnh tình riêng  . Với Lý Bạch trăng là mối u hoài cố quận " ngẩng đầu nhìn trăng sáng , cúi đầu nhớ cố hương "; với Nguyễn Du thì trăng là nỗi niềm ly biệt " Vầng trăng ai xẻ làm đôi ,
nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường "...
Tất cả đều do móng tâm niệm tưởng mà ra
Trăng tròn rồi  lại khuyết hay trăng khuyết rồi lại tròn đều nằm trong ý nghĩa của luật vô thường vậy !




Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Năm khỉ nghĩ về tập tính bắt chước của loài khỉ

           
     
 
      Tập tính của loài khỉ là hay bắt chước . Bắt chước cũng là một trong các thuộc tính thuộc về trí năng của con người . Nhưng nếu con người bắt chước một cách thiếu thông minh thì chẳng khác gì Vượn học tiếng người . Cách đây 90 năm chí sĩ Phan Bội Châu đã phê phán nền tây học lúc bấy giờ " Tới bây giờ , tuy là hình thức học đường  khác học đường khoa cử ngày xưa rất nhiều , dáng vẻ bên ngoài hình như vừa mắt , nhưng xét đến tinh thần cốt tủy có khác gì vượn học tiếng người . Đạo đức cũ đã sạch sành sanh , và văn hóa mới lại chẳng có chút gì dây vướng ở học đường "

  Đã non một thế kỷ mà những chuyện " khỉ gió " thời bây giờ chẳng khác chi chuyện " khỉ gió  "thời bấy giờ . Chuyện thời bây giờ hình thức học đường tuy có cách tân rất nhiều về kỹ thuật , về kế hoạch , về tổ chức học chánh vv...nhưng hồn cốt thì chẳng khác chi " vượn học tiếng người " . Trần tế Xương - người đồng thời với chí sĩ Phan Bội Châu chế diễu cái kiểu duy tân , cải cách kệch cởm , nhố nhăng thời bấy giờ :
  " Gặp ba ông Táo dạo chơi xuân
Đội mũ mang hia chẳng mặc quần
  Trời hỏi làm sao ăn mặc thế ?
Thưa rằng hạ giới nó duy tân !
 Tú Mỡ họa lại bài thơ trên làm tăng thêm nét trào phúng cay độc :

 " Thưa rằng hạ giới nó duy tân
Chỉ có trên đầu với dưới chân
Trong bụng chứa nguyên điều hủ bại
Xin trời đại xá bọn ngu dân !

Nhận định của nhà chí sĩ họ Phan quả là tiên tri ! Gần một thế kỷ sau , cái học ngày hôm nay về da dẻ hình thức bên ngoài trông thật chỉn chu đẹp mắt song " trong bụng chứa nguyên điều hủ bại ", Duy tân theo kiểu bắt chước một cách dại dột thiếu ý thức thì chẳng khác nào " vượn học tiếng người " Ngày ngày nhí nhố nhộn nhịp diễn ra quan chức mặc đồ Tây , đi xe Tây , ăn cơm Tây , uống rượu Tây , xài tiền Tây , ...nhưng rất ít người là  con người mới ! Văn hóa mới cũng "chẳng có gì dây vương ở học đường ". Trong khi đó đạo đức cũ đã sạch sành sanh "
 Vượn học tiếng người là chỉ lối bắt chước dại dột và nguy hiểm của con người . một câu chuyện vui kể về sự bắt chước của khỉ dẫn đến sự tự hại mình : " Có một con khỉ của người hàng xóm của  anh thợ giày ; hàng ngày thường hay lén nhìn  qua cửa sổ tiệm giày để xem anh thợ cắt da . Nó nhìn thấy anh thợ giày lấy dao cắt da để làm giày  . Chớ lúc anh ta đóng cửa đi ăn cơm , nó chui vào và bắt chước cắt nát hết các tấm da trong tiệm . Đi ăn cơm về , anh thợ giày biết ngay thủ phạm . Lợi dụng tính hay bắt chước của khỉ , anh buộc tấm da vào cổ -dưới da có chèn miếng sất - xong anh đưa dao cắt vào tấm da trên cổ mình . Sau đó anh đóng cửa tiệm đi về .Hôm sau trở lại , quả nhiên anh ta thấy con khỉ bị chết ngả lăn vì đứt cổ !

   Thấy ai làm gì mà mình bắt chước làm nấy mà không biết suy nghĩ , chọn lọc để áp dụng cho thích hợp  thì thật là dại dột và nguy hiểm như chú khỉ đáng thương kia
Nền giáo dục của ta hiện nay tự mình nhổ ra khỏi gốc rễ của truyền thống để rồi mô phỏng rập khuôn theo nước ngoài chẳng khác nào ghép một nhánh cây vào một cái gốc cây không cùng chủng loại . Hậu quả là " đạo đức cũ đã sạch sành sanh và đạo đức văn hóa mới chẳng có gì dây vướng ở học đường " . Đạo đức cũ ở đây là đạo đức Khổng Mạnh với tam cương và ngũ thường . Để cho con người xứng đáng là người thì không thể thiếu " nhân , nghĩa , lễ , trí , tín " . Và để trở nên con người hiền lương , tử tế thì con người ấy phải đầy đủ tám đức tính : hiếu , để , trung , tín , lễ , nghĩa , liêm , sĩ . Bất luận học thuyết đạo đức nào , chủ nghĩa gì cũng không thể rũ sạch những đức tính trên , nếu muốn giáo dục con người thành tử tế ! Bắt chước , mô phỏng theo cái học của người một cách tùy tiện để rồi loại bỏ những tinh hoa cố hữu của mình là lai căng mất gốc . Một nền giáo dục như vậy chỉ có thể đào tạo ra những  lãnh đạo yếu kém , những cán bộ vừa thiếu khả năng chuyên môn lại vừa thiếu đạo đức ; những đứa con bất hiếu , những người dân bất trung .

   Vừa qua , dự thảo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD& ĐT đã có dự kiến tích hợp môn Lịch Sử với môn Giáo dục công dân và An ninh Quốc phòng thành môn Công dân và Tổ Quốc . Một việc làm trái khoáy như vậy thế mà có chuyên gia ở Bộ lại cho rằng " Các nước làm như thế và Việt Nam cũng nên làm theo " .

   Hiện nay , nhiều trường phổ thông ở nhiều địa phương có khuynh hướng coi nhẹ môn Tiếng Việt và thường dồn hết tâm sức cho môn Tiếng Anh . Đây cũng là kiểu bắt chước các nước muốn hội nhập vào văn minh thế giới . Chú trong vào môn ngoại ngữ là không sai song xem thường tiếng mẹ đẻ là một việc làm sai lầm có nguy cơ làm con cháu mất gốc .

    Giáo dục có một nhiệm vụ kép : vừa vun bồi , kế thừa tinh hoa văn hóa của ngày hôm qua vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới . Ngoài ra , giáo dục phải có sức đề kháng , đào thải sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai . Hơn nữa , giáo dục cần phải có nhiệm vụ cảnh giác trước sự cưởng ép , thống trị của văn hóa ngoại lai . Sự xâm nhập văn hóa ngoại lai vào một quốc gia chẳng khác nào một vật lạ trong cơ thể người ...

       Khỉ là một  loài vật thông minh nổi trội hơn các loài vật khác . Năm Bính Thân - năm con khỉ -mong sao năm nay sẽ xuất hiện một "Thạch Hầu "( với 72 phép thần thông biến hóa )
để triệt phá những cái nhố nhăng trong xã hội đồng thời phục hoạt lại nền văn hóa cổ truyền của dân tộc bên cạnh những giá trị văn minh phổ quát của nhân loại !

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

NGHĨ VỀ TRIẾT LÝ HÀNH ĐỘNG CỦA BÀ AUNG SAN SUU KYI

   
     
         
     Bà Aung San Suu Kyi - nhà đấu tranh chính trị kiệt xuất của đất nước Miến Điện - đã đấu tranh không mệt mõi cho tự do , dân chủ suốt 20 năm - đã đạt được thắng lợi vinh quang và ngọt ngào êm thắm !Triết lý hành động của bà được gói gọn  trong câu nói : "  Chỉ có sự sợ hãi mới là nhà tù thật sự và chỉ có tự do  thật sự khi giải phóng được sự sợ hãi " ( The only real prison is fear and the only real freedom is freedom from fear)

    Dưới ánh sáng của triết lý Phật giáo , bà San Suu Kyi đã trang bị cho mình một tư duy chân xác về nguyên nhân gây ra thảm hoạ cho con người . Trước sự nô lệ của con người , thảm hoạ bắt đầu từ  sự sợ hãi của chính con người . Sự sợ hãi tạo ra một nhà tù ảo giác cho  chính mỗi cá nhân , mỗi công dân trong một chế độ độc tài .Và , chỉ khi nào giải thoát được nỗi sợ hãi đó mới có tự do thật sự .
  Nói thì dễ mà làm thì không dễ . Làm thế nào có thể vượt thoát nỗi sợ hãi đã trở thành thâm căn cố đế . Sợ hãi thuộc về chủng tử bản hữu , tiên thiên trong mỗi con người . Khi sinh ra là đã biết sợ hãi . Vấn đề đặt ra là mỗi cá nhân phải tự đấu tranh để vượt thoát khỏi bản năng cố hữu đó . Càng sống càng va chạm với cuộc đời , với xã hội , càng nẩy sinh bao nỗi sợ hãi dưới nhiều hình thức khác nhau . Nếu chẳng may sống trong một xã hội đảo điên , một thể chế chính trị hà khắc thì nỗi sợ hãi sẽ trở nên luỹ thừa .
   Thế nhưng , nguyên nhân nào gây ra thảm hoạ sợ hãi ? Nguyên nhân gây ra mọi thảm hoạ chính là vô minh . Đối trị với vô minh là chánh kiến , chánh tư duy . Bà Aung San Suu Kyi đã tư duy về sự sợ hãi từ tứ diệu đế ( 4 chân lý vi diệu về thực tại ) của nhà Phật . Sau khi thành Phật , Đức Thích Ca đã rời gốc bồ đề , đến vườn Lộc Uyển để thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như  về bốn chân lý vi diệu nầy . Đây là bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài . Bốn chân lý ấy là khổ - tập - diệt - đạo.  
   Khổ : hiện trạng thực tế của kiếp người
  Tập : nguyên nhân gây ra đau khổ
  Diệt :trạng thái được giải thoát sau khi hết khổ 
  Đạo :con đường , phương pháp tu tập để được giải thoát .
       Riêng về chân lý thứ nhất ( khổ đế ) , Đức Phật dẫn ra các  hình thái khổ đau của kiếp người : Sinh khổ , lão khổ , bệnh khổ , tử khổ , cầu bất đắc khổ , ái biệt ly khổ ,  oán tắng hội khổ .
     Bà San Suu Kyi với tư cách là nhà hoạt động xã hội , nhìn cuộc đời bằng con mắt thương cảm và tấm lòng trắc ẩn cho rằng : " Bất cứ nỗi khổ nào bị bỏ qua thì nơi đó có mầm mống xung đột . Bởi vì nỗi khổ sẽ làm cho con người sa đoạ , thù hận và bạo hành " .Một xã hội có nhiều hận thù và bạo hành sẽ gây ra biết bao nỗi sợ hãi . Con người ta sợ hãi trước cái chết đã đành , mà cả trong lúc sống cũng nơm nớp lo sợ đủ điều :  Sợ giả , sợ bệnh , sợ nghèo , sợ mất việc ,...Vậy làm thế nào để đối trị với nỗi sợ hãi để thoát ra khỏi nó ? Nhà Phật đề cao hạnh vô uý (không sợ hãi ). Một trong những nỗi sợ khủng khiếp nhất là sợ tù tội , mất tự do . Bà San Suu Kyi cho rằng không có nhà tù thật sự mà chỉ có sự sợ hãi mới là nhà tù thật sự ; và chỉ có tự do  thật sự khi giải phóng được sự sợ hãi . Sợ hãi là nhà tù ảo ảnh khiến con người bị nô lệ chính mình . Trước sự nô lệ của con người đòi hỏi mỗi chúng ta phải đấu tranh với chính mình , phải tu tâm rèn chí , phải kiên định chí khí để thoát khỏi sợ hãi . Một trong những thuộc tính của hạnh vô uý là sự can trường dũng lược . Nhật Bản là một dân tộc can cường với truyền thống võ sĩ đạo . Sau chiến tranh thế giới , Nhật Bản được vực dậy một cách nhanh chóng là nhờ triết lý nhân- trí - dũng . Việt Nam ta  vào thời Lý cũng đề cao bi- trí - dũng . Bi , trí , dũng có mặt đồng thời , tương liên , tương tác trong một con người toàn diện . Bi , trí , dũng chẳng phải là ba thành phần đối nghịch tách bạch ; mà là ba mặt của cùng một thực tại : Trí chỉ là trí khi nào có bi và dũng đi cùng . Bi đích thực  là bi khi được trí soi sáng và dũng trợ lực . Dũng đúng là dũng khi có sự điều hướng của bi và trí .
Vì vậy , người được mệnh danh là trí thức chính là con người có lòng trắc ẩn , đồng thời có can đảm đứng lên tranh đấu cho sự thật mà lòng không bị ngăn ngại bởi sợ hãi ;dù cho có gặp nguy hiểm cho bản thân vẫn không bị thối chuyển ;  quyết tâm thực hiện chí nguyện giúp người cứu đời .
        Con người sỡ dĩ sợ hãi vì do có nhiều chướng ngại , chấp trước : chấp thủ , chấp hữu , chấp danh , chấp ngã . Trong kinh Tinh yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa ,  Bồ Tát Quán Tự Tại trao cho con người một món quà quý giá - đó là món quà vô uý . Sợ hãi , hận thù , bạo hành là sản phẩm của ảo giác,vọng tưởng , điên đảo do tri giác sai lầm gây ra . Ví dụ do nhận thức sai lệch về lẽ sống chết ( sanh , diệt ) cho rằng chết là hết  nên thường sợ hãi hốt hoảng trước cái chết .Thật ra , bản thể của sự sống là chuyển biến từ dạng thức nầy sang dạng thức khác - chứ không sinh mà cũng chẳng diệt . Nếu có cái nhìn chánh kiến , chánh tư duy về bản chất đích thực của sự sống thì sẽ an nhiên trước lẽ sống chết .
   Sự sợ hãi là gánh nặng đeo đẳng đè nặng lên cả kiếp người từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay . Khi quán chiếu thật sâu vào Bát Nhã Ba La Mật , Bồ tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn đều không có tự tính ( do duyên mà sinh ) . Ngài tuyên thuyết  : " Nếu nương tựa vào pháp vi diệu thì trong lòng không còn chướng ngại . Tâm không chướng ngại nên không sợ hãi và vì  không sợ hãi nên tránh xa được điên đảo mộng tưởng " ( Tâm vô quán ngại cố , vô hữu khủng bố , viễn ly điên đảo mộng tưởng ) .
  Thì ra , con người sợ hãi vì do chấp hữu , chấp danh , ...; do vô minh cố chấp . Con người vô sự mới đích thị là con người tự do . Và chỉ khi nào phá hết chấp , giải thoát ra khỏi sợ hãi thì khi ấy mới có tự do thật sự .
   Phật giáo là quốc giáo của Miến Điện . Bà San Suu Kyi là Phật tử thuần thành của nhà Phật . Chẳng may do cộng nghiệp của cả dân tộc bà phải làm công dân của một đất nước bị cai trị dưới một chế độ độc tài quân phiệt . Bà San Suu Kyi vì lòng trắc ẩn trước dân tình thống khổ cộng với truyền thống yêu nước của gia đình nên đã dấn thân vào con đường đấu tranh cho dân quyền , dân chủ . Dấn thân vào con đường nầy là chấp nhận nguy hiểm kể cả cái chết . Dante - nhà cách mạng dân chủ Pháp ( 1789 ) đã từng cảm khái kêu lên : " Ôi! Mỗi bước tiến của thần tự do là một viên đá để xây mồ "  Bản chất của chế độ độc tài là khủng bố tinh thần dân chúng , gieo rắc sự sợ hãi để dễ bề cai trị . Machiavel - một triết gia cổ vũ cho chế độ độc tài - cho rằng : " Dân chỉ cần làm cho họ sợ chứ không cần làm cho họ thương " .
 
   Suốt 20 năm bị quảng thúc (giam lỏng) tại gia , thường xuyên bị canh gác , giám sát , bà San Suu Kyi vẫn cảm thấy mình là con người tự do . Bà vẫn tiếp tục đấu tranh không mệt mõi  dưới hình thức bất bạo động . Chí khí cương liệt của bà đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng đấu tranh .

   
        Suy cho cùng , triết lý và hành động bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định . Hành động mà không nương tựa vào một nguyên tắc có tính triết lý là một ý chí mù quáng .Bà San Suu Kyi vừa hành động vừa có tư tưởng triết lý hướng dẫn hành động . Trước một tình trạng xã hội nhiễu loạn , sa đoạ , thù hận , bạo hành ,...gieo rắc muôn vàn sợ hãi ; bà đã tự trấn an mình và vỗ an quần chúng bằng con đường thoát khỏi sợ hãi . " Và , chỉ có tự do thật sự khi giải phóng được nỗi sợ hãi " (  Aung San Suu Kyi )