Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Tich hợp hay cưỡng hôn ?!

 

 

          Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông trong tổng thể của Bộ GD- ĐT dự kiến sẽ tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành một môn học mới là môn Công dân và Tổ quốc . Về mặt học thuật , về nguyên tắc tích hợp thì việc làm nầy có phù hợp và thích ứng với  thuật ngữ  tích hợp không ; đó là vấn đề tiên quyết và then chốt ( còn vấn đề di hại của việc nầy đã có nhiều người bàn ).

     Trước hết  cần phải hiểu cho đúng về thuật ngữ tích hợp .Tích hợp là một thuật ngữ mới được vận dụng ở nước ta . Nó xuất phát từ quy luật nhận thức cho rằng : Không có một đơn vị kiến thức nào đứng ở vị trí độc lập và không liên quan đến các kiến thức khác trên cùng bình diện . Hai chữ tích hợp  được dùng dưới nhiều dạng thức khác nhau : Quan điểm tích hợp , tinh thần tích hợp , phương pháp tích hợp , nội dung tích hợp , dạy học tích hợp . Riêng về nội dung tích hợp đòi hỏi các thành phần được tích hợp cùng nằm trên một bình diện . Bởi vì có cùng một bình diện mới có tính liên thông liên kết . Ví dụ dạy môn Văn cần phải có phương pháp tích hợp hai phân môn Tiếng Viết và Tập Làm Văn . Bởi vì trong văn có tiêng , trong tiếng có văn và cả văn lẫn tiếng đều là nguyên vật liệu để tập làm văn .
     Về mặt nội dung tích hợp thì các môn Lịch sử , An ninh quốc phòng và Giáo dục công dân không cùng chung bình diện , cũng chẳng họ hàng gì với nhau . Cho nên sát nhập ba bộ môn nầy thành một là một việc làm khiên cưỡng , phản khoa học và phản học thuật . Thuật ngữ tích hợp hoàn toàn xa lạ với việc sát nhập , lồng ghép , Trong giảng dạy bộ môn ,  hai chữ tích hợp được hiểu là phối hợp thành một thể thống nhất tích chứa bao điều có thể mà vẫn lưu giữ được tính đặc thù của phân môn . Hiểu một cách nôm na đơn giản là nhiều phân môn hòa trộn vào nhau , học cái nầy biết cái kia và ngược lại nhưng vẫn giữ được tính độc lập của từng phân môn ; nghĩa là hòa trộn mà không hòa tan .

      Ông Bộ trưởng bộ GD- ĐT cam kết trước Quốc Hội rằng : "Tuy tích hợp nhưng môn lịch sử không bị coi nhẹ và khẳng định được coi trọng hơn  so với chương trình hiện hành " . Ông nói như vậy đúng là ngụy biện . Một khi tên đã không còn là tên riêng nữa thì lấy gì bảo đảm sự tồn tại của môn lịch sử , nói chi đến xem trọng xem khinh . Ba môn Lịch sử , An ninh quốc phòng và Giáo Dục công dân được trộn lại để cho ra môn Công Dân và Tổ Quốc thì môn Lịch sử kể như đã bị khai tử rồi . Tích hợp như cách làm của ban soạn thảo chương trình là hình thức đánh tráo khái niệm tích hợp thành sát nhập lồng ghép .
    Bộ môn Lịch sử chỉ có thể tích hợp với môn Địa lý , Việt sử , Thế giới sử và những vấn đề có liên quan đến văn học , kinh tế , quân sự , tín ngưỡng , tổ chức hành chính ; và đặc biệt là tư tưởng triết học . Tư tưởng triết học chi phối toàn bộ các lãnh vực khác trong cùng một thời đại , một sự kiện lịch sử .
   Việc tích hợp môn Lịch sử với hai môn khác thành môn mới nằm trong ý đồ thực hiện bước cuối cùng trong tiến trình chính trị hóa . Từ lâu , giáo dục , thông tin và truyền thông  đã bị đánh đồng làm một để mở đường cho tiến trình trên . Và cũng đã từ lâu môn Việt sử hiện đại ( Lịch sử Đảng ) được cày sâu cuốc bẩm ; còn Việt sử thời trung đại và cổ đại thì bị hoang hóa . Tại sao chúng tôi nói bỏ môn Lịch sử là bước  cuối cùng trong tiến trình chính trị trị hóa ? Bởi vì Quốc sử , Quốc học chính là cái hồn , cái hạnh của một dân tộc . Một khi môn Lịch sử không còn tên gọi thì còn  biết đâu là nguồn cội . Cớ sự nầy gây ra do lỗi hệ thống .
   Có hai khuynh hướng cực đoan trong đường lối giáo dục trên thế giới :
  - Một là giáo dục con -người- nhân- loại vượt qua mọi giới hạn không gian , thời gian , hoàn cảnh ( như nền Giáo dục của Pháp trước thế chiến II )
 - Hai là giáo dục con -người- công- dân  trong một hoàn cảnh nhất định ; đào tạo theo một khuôn mẫu nhất định ; đáp ứng yêu cầu của một định chế nhất định ( như nền giáo dục của quốc xã thời Hitler hay nền giáo dục của Nga thời Sô Viết ).
  Hai khuynh hướng trên đều cực đoan và không tưởng . Khuynh hướng đầu phi thực tế ,phi dân tộc .
Khuynh hướng sau không chú trọng đến giáo dục con người đích thực có đầy đủ giá trị Chân Thiện Mỹ của con người muôn thuở mà chỉ chú trọng giáo dục con người công cụ .

   Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa trước đây mang tính trung dung với triết lý giáo dục Nhân Bản -Dân Tộc - Khai Phóng . 
  - Giáo dục nhân bản là lấy con người làm cứu cảnh , đề cao giá trị thiêng liêng của con người , mỗi người và mọi người .
 - Giáo dục dân tộc là đề cao bản sắc dân tộc , bảo đảm sự trường tồn của dân tộc , sự phát triển điều hòa toàn diện của quốc gia .
 - Giáo dục khai phóng có nghĩa là tôn trọng tinh thần khoa học , hướng tới sự tiến bộ , đón nhận tinh hoa văn hóa của thế giới , góp phần phát triển sự tiến bộ , cảm thông và hợp tác quốc tế để tạo điều kiện thăng tiến cho đất nước.

    Nói đến dân tộc là nói đến quá trình phát triển và tiến hóa của dân tộc đó . Và nói đến quá trình phát triển tiến hóa là nói đến lịch sử nước nhà . Những bước đi của lịch sử kết thành những chặng đường phát triển qua các thời kỳ lịch sử . Tính độc lập của môn học nầy vừa hàm nghĩa tính đặc thù bộ môn vừa hàm nghĩa chối từ sự chi phối của bất kỳ xu thế chính trị nào .Thuật lại một sự kiện lịch sử không đơn thuần dựng lại quá khứ mà còn làm sống lại quá khứ trong kinh nghiệm mới mẻ của hiện tại . Đó chính  là ôn cố tri tân .

   "Ý mới rút từ kinh nghiệm cũ 
    Mai tàn lưu lại chút hương xưa "
"Chút hương xưa" ấy là tinh hoa hồn cốt của cả dân tộc , cũng là tư tưởng triết học của người xưa . Nhà sử học Phùng Hữu Lang cho rằng : ' Thuật lại lịch sử của một thời đại , của một dân tộc mà không đề cập đến triết học của thời đại ấy thì chẳng khác nào họa long bất điểm nhãn "  . Và nhà triết học Bacon cũng cho rằng : " Nghiên cứu lịch sử của một thời đại , của một dân tộc mà không đề cập đến triết lý thì khó mà hiểu được triệt để thời đại đó , dân tộc đó " . Xem ra không có triết thì không thể triệt vậy .
  Lịch sử của dân tộc ta đã
" Trải bốn ngàn năm dựng nước nhà 
Sông khoe hùng vĩ núi nguy nga ..." ( Vũ Hoàng Chương )
Trong khoảng thời gian dằng dặc đó trải qua một ngàn năm tranh đấu chống Bắc thuộc ; thời kỳ độc lập tự chủ khởi đầu từ nhà Ngô , nhà Đinh ; rồi hưng thịnh nhất vào thời Lý , Trần . Dưới triều vua Lý Nhân Tông không những giữ yên được bờ cõi , kiên cố phên giậu mà còn bình Chiêm và cả phạt Tống nữa .

      Ơi sử Việt là tranh đấu sử 
      Trước đến sau cầm cự nào ngơi 
      Tinh thần cách mạng sáng ngời 
      Bao người ngã lại bao người đứng lên
                               ( Trả ta sông núi - Vũ Hoàng Chương )

Nền giáo dục xưa không xử lý kỷ thuật , không xây dựng kế hoạch , không công nghệ hiện đại ...nhưng nó đã làm tròn nhiệm vụ của mình ; giữ được vai trò lịch sử của mình ròng rã mấy ngàn năm để nước Việt tồn tại đến tận ngày hôm nay ! 
Bỏ môn lịch sử đồng nghĩa với việc phủ nhận bao công trình huyết hãn của tiền nhân : Bắc đánh Tống , Nam bình Chiêm, diệt Mông Nguyên , giữ yên bờ cõi  . Có được những thành tựu to lớn như vậy là nhờ triết lý giáo dục trung , hiếu , tiết , nghĩa ...chứ không nhờ vào kỹ thuật , kế hoạch giáo dục .

     Để bênh vực việc tạo ra môn học mới , phó GS - TS Bùi Mạnh Hùng đưa ra ý kiến : " Việc tích hợp không chỉ nhắm đến việc nâng cao hiệu quả giáo dục mà còn giải quyết vấn đề kỹ thuật khi xây dựng kế hoạch dạy học " Thì ra ông nầy không phân biệt được đâu là gốc đâu là ngọn ! Đổi mới tư duy giáo dục , đường hướng giáo dục , triết lý giáo dục mới là cái gốc ; còn vấn đề kỹ thuật , kế hoạch kể cả hiệu quả giáo dục chỉ là cái ngọn . Thêm một ý kiến  khác bênh vực cho đề án nầy thì nói  rằng : " Các nước làm như thế và Việt Nam cũng nên làm theo " . Thật là nông cạn và ngớ ngẩn . Các nước tích hợp môn lịch sử với môn địa lý chứ đâu có kiểu tích hợp tùy tiện như dự kiến của các ông !


     Suy cho cùng thì môn Lịch sử không thể nào tích hợp với các môn An ninh quốc phòng , Giáo dục công dân để tạo thành môn học mới cho được . Vì nhiều lý do - trong đó có lý do phản khoa học , phản học thuật và sai nguyên tắc tích hợp là then chốt  . Ngoài ra , việc làm trái khoáy nầy sẽ gây di hại khó lường là việc  chuẩn cấp học ( standard learn ) ở bậc học phổ thông sẽ không thành công . Sau khi ra khỏi nhà trường phổ thông , học sinh sẽ không được trang bị đầy đủ vốn liếng hành trang vào đời  một khi đã bị mất căn bản kiến thức phổ thông trầm trọng . Nguy hiểm nhất là các em sẽ  thiếu tố chất " để cho con người xứng đáng là NGƯỜI " ( nhân chi sở dĩ vi nhân dã ) . Phó GS- TS Phạm Quốc Sử khẳng định : " Người không hiểu sử thì không khác gì con trâu . Con trâu thì ruộng nào cũng cày bởi nó không biết nguồn cội của mình " . Đúng vậy , con trâu chỉ biết cắm cúi cặm cụi kéo cày theo một đường rảnh có sẵn . Kiến thức lịch sử và địa lý vô cùng cần thiết cho con người - cho mỗi người và cho mọi người . Đặc biệt , giới luật gia , chính khách không thể không có hiểu biết về lịch sử và địa lý . Chính khách mà tù mù về kiến thức sử địa thì khi làm cán bộ lãnh đạo dẫn dắt quần chúng chẳng khác nào một người mù dẫn đường  một đoàn người mù .



   

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

ĐỌC LẠI BÀI HỊCH TƯỚNG SĨ CỦA TRẦN QUỐC TUẤN


   Bài Hịch tướng sĩ ( Dụ chư tỳ tướng hịch văn ) của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết cách chúng ta hơn 700 năm mà nay đọc lại vẫn cứ âm vang giai điệu hào hùng và dâng trào tâm tư bi thiết .
   Trong cuộc chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai , bài Hịch đã chuyển thế trận của quân Đại Việt từ thu quân , đầu hàng sang quyết chiến quyết thắng . Sức thuyết phục của bài hịch là ở chỗ yếu tố trữ tình bàng bạc , lan tỏa thấm đẩm cả bài văn chính luận . Từ trái tim đến trái tim , từ một tấm lòng đến vạn tấm lòng đã thắp sáng niềm tin , gọi hồn sông núi . Khởi đầu là tấm lòng của chủ tướng . Mục đích yêu cầu của bài hịch -  không dùng đao to búa lớn , lý lẽ suông tình , mệnh lệnh áp đặt hoặc nhân danh này nọ - mà chỉ dùng tình cảm để hiệu triệu , khuyến dụ , khuyên răn , cảnh tỉnh tướng sĩ đang  ham chơi mê ngủ .

    Tháng 12 năm Giáp thân ( 1254 ) hiệu Thiên Bảo năm thứ 6 , đời Trần Nhân Tông , đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng , Hưng Đạo Vương  thất thế thu quân chạy về Vạn Kiếp . Vua Nhân Tông thấy thế giặc quá mạnh cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng :
  -  " Thế giặc to như vậy mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát , nhà cửa bị phá hết ; hay là trẩm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân ".
   Hưng Đạo Vương tâu :
-" Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức , nhưng tôn miếu xã tắc thì sao ? Nếu bệ hạ muốn hàng thì xin hãy chém đầu thần trước đã " .
Vua Nhân Tông nghe thế yên lòng , Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân và thảo ra DỤ CHƯ TỲ TƯỚNG HỊCH VĂN  để khuyên răn , đánh thức các tướng dưới quyền hãy từ bỏ lối sống cầu an , hưởng thụ và lo luyện tập võ nghệ , trau dồi binh pháp để chuẩn bị chiến tranh . Mặt khác vua cho họp các bô lão , mở hội nghị DIÊN HỒNG ,trưng cầu ý dân NÊN HÒA HAY NÊN CHIẾN .
  Lúc bấy giờ vua quan nhà Trần phải đương cự trước một tình thế vô cùng khó khăn .
   Khó khăn lớn nhất là phải chống lại một đạo quân bách chiến bách thắng , một đạo quân mà các sử gia tây phương phải kiêng dè :" Đi đến đâu thì cỏ chết đến đấy" . Nhưng đó chỉ là khó khăn ngoài biên ải , đáng kể nhất là khó khăn nội tại ngay trong triều đình .
   Trong triều đình vẫn có những quan lại vì lợi ích cá nhân mà thông đồng với giặc , thỏa hiệp với kẻ thù . Các quan lại khác thì vì hèn nhát phải khom lưng cúi đầu tiếp đãi ngụy sứ như quốc khách . Những cảnh tượng chướng tai gai mắt ngày ngày vẫn diễn ra trước sự phẫn nộ , căm tức của những con dân yêu nước .    Trong lúc đó ở bên ngoài thì bọn sứ giặc  " đi lại nghênh ngang ngoài đường , uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình , đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ " . Còn ở bên trong triều đình thì "tấu nhạc Thái Thường để đãi yến ngụy sứ ; làm tướng triều đình mà đứng hầu quân giặc "  .Thật oái oăm thay khi phải đem quốc lễ mà tiếp đón kẻ cướp nước .
  Càng đáng lo ngại hơn nữa là các tướng sĩ trong quân ngũ không ai quan tâm đến hiện tình dầu sôi lửa bỏng của đất nước .Họ bàng quan , thờ ơ trước những chuyện đau lòng đang diễn ra trong triều , ngoài dân chúng .
  Sau khi thắng cuộc trong trận chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất , họ ngủ quên trong chiến thắng ; họ đua nhau hưởng thụ theo sở thích cá nhân : "hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa , hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển , hoặc vui thú ruộng vườn hoặc quyến luyến vợ con ; hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước , hoặc ham săn bắn mà quên việc quân ; hoặc thích rượu ngon , hoặc mê tiếng hát " .
  Thái độ ham mê hưởng thụ xuất phát từ tâm lý chung của những người vừa mới trải qua nhiều thiếu thốn gian khổ .
  Còn thái độ quay lưng lại với thời cuộc với vận mạng của nước nhà là xuất phát từ vô minh , không thấy được mối tương quan , tương liên giữa cá nhân và xã hội , giữa gia đình và Tổ quốc .
   Một khi nước mất là mất tất cả !
   Quốc phá gia vong !
Chủ tướng Hưng Đạo Vương đem lòng đại lượng mà chỉ tỏ cho các tỳ tướng thấy được cái sai cùa mình : " Nếu có giặc đến thì cựa gà trống sao cho đâm thủng áo giáp quân thù , mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu ; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều , tấm thân ấy ngàn vàng khôn chuộc , vả lại vợ bìu con ríu nước nầy trăm sự nghĩ sao ? tiền của dù nhiều cũng không mua được đầu giặc , chó săn ấy thì địch sao cho nổi quân thù , chén rượu ngon không làm cho địch say chết ; tiếng hát hay không làm cho địch điếc tai . Lúc bấy giờ chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng hết ; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các người cũng nguy ; chẳng những là ta chịu nhục bấy giờ mà trăm năm về sau tiếng xấu hãy còn mãi mãi ; mà gia thanh cùa các người cũng chẳng khỏi mang tiếng nhơ. Đến lúc bấy giờ các người dẫu muốn vui vẻ , phỏng có được không ? "
  Hậu quả của lối sống hưởng thụ , thái độ vô cảm , bàng quan thờ ơ trước vận nước không những ảnh hưởng đến sự mất còn của quốc gia dân tộc mà còn gây di chứng cho nhiều thế hệ kế tiếp .
    Sau khi chỉ ra cho các tỳ tướng thấy được sai lầm trong hành vi cũng như trong nhận thức của họ ; chủ tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mới bộc bạch tâm tư tình cảm của mình :
   "Ta đây ngày thì quên ăn , đêm thì quên ngủ , ruột đau như cắt , nước mắt đầm đìa , chỉ căm tức rằng chưa được xẻ thịt lột da của quân giặc , dẫu cho thân nầy phơi ngoài nội cỏ , xác nầy gói trong da ngựa , thì ta cũng đành lòng " ,
  Tâm tư, tình cảm của chủ tướng nói gọn lại cô đúc trong bốn chữ : " LO- ĐAU - BUỒN - CĂM ".
  Lo là lo cho vận nước trong cơn nguy khốn
  Đau là đau lòng vì thấy bọn tham quan hại dân bán nước
  Buồn là buồn cho dân tình lơ láo , quân ngũ buông tuồng
  Căm là căm tức thái độ hung hăng ngang ngược của giặc Tàu

 Lo , đau , buồn , căm - tình cảm nào cũng tuyệt đỉnh :
 Lo cho đến nổi quên ăn bỏ ngủ
  Đau như có ai cắt từng khúc ruột
 Buồn đến nổi nước mắt đầm đìa
Căm đến nổi muốn lột da xẻ thịt quân thù cho hả dạ

Tất cả những tình cảm ấy nung nấu thành một ý nguyện hy sinh cũng tuyệt đỉnh : Dẫu cho trăm thân phơi ngoài nội cỏ , nghìn xác gói trong da ngựa thì cũng cam lòng !

   Tại sao tình cảm nào cũng tuyệt đỉnh ?
  Lẽ dễ hiểu là không có nỗi nhục nào lớn hơn nỗi nhục quốc thể ( quốc sỉ ) .
Nỗi nhục bị xúc phạm đến thể diện quốc gia là nỗi nhục lớn nhất .
Ai đó xúc phạm đến danh dự thể diện của cá nhân hoặc dòng họ thì cũng đủ làm cho ta thấy nhục rồi . Huống chi ở đây kẻ thù xúc phạm đến cả tông miếu , triều đình  , xả tắc ...thì chỉ có những con người vô cảm vô sỉ mới không thấy nhục !

   Tấm lòng của chủ tướng đã bộc bạch can trường là thế , còn các tỳ tướng thì sao?

 Đây là câu hỏi vô cùng nghiêm khốc khiến người nghe phải giật mình . Bài hịch chuyển sang giọng nghiêm :
" Nay các ngươi nhìn tủi nhục mà không biết lo , trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn , làm tướng triều đình đứng hầu quân giặc mà không biết tức ; nghe nhạc Thái Thường đãi yến ngụy sứ mà không biết căm ! "  khiến cho các tỳ tướng  không thể không soi lại mình .
  Trong khi chủ tướng vừa lo vừa buồn vừa đau vừa căm thì các tỳ tướng lại điềm nhiên bình chân như vại là nghĩa làm sao . Đã thế mà còn đàn đúm hưởng thụ ăn chơi trụy lạc  . Huống chi tấm lòng của chủ tướng đối với quân sĩ như nghĩa anh em như tình cha con :
  Không có áo thì ta cho áo , không có ăn thì ta cho ăn , quan nhỏ thì ta thăng thưởng ,lương ít thì ta tăng cấp ; đi thủy thì ta cho thuyền , đi bộ thì ta cho ngựa ; lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết , lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười ..."

    Chủ tướng không nhân danh cấp trên để hạch hỏi  , cũng không  sỉ mắng chì chiết cấp dưới mà ai nấy cũng tự khắc cảm thấy mình mang tội bất hiếu , bất để , bất trung , bất tín , vô liêm ,  vô sỉ . Bất hiếu với tổ tông ,bất để trong tình huynh đệ chi binh , bất trung với vua , bất tín với xã tắc , vô liêm trong cách hành xử và vô sỉ vì không biết xấu hổ .Cảm được như vậy và hiểu ra như thế các tỳ tướng tự nhiên thấy mình có lỗi mà đem lòng thống hối muốn đái công chuộc tội. Sức thuyết phục của bài hịch ở chỗ không dùng lý lẽ quân pháp mà dùng tình cảm để mưu phạt tâm công . Hiệu quả to lớn của bài hịch nhờ vào cái tài bút pháp đã đành nhưng đặc biệt là nhờ cái tâm của chủ tướng . Nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng :" Bài dụ Chư tỳ tướng hịch văn cho thấy không những Hưng Đạo Vương là võ tướng mà ông còn có tài học vấn , đọc nhiều sách và thông hiểu nhiều điển tích kim cổ " còn sử gia Trần Trọng Kim ghi lại trong Việt Nam sử lược : " Binh sĩ nghe lời hịch nức lòng , lấy mực xăm hai chữ Sát Thát lên cánh tay và hết lòng chiến đấu chống giặc " . Kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm phương bắc trong suốt chiều dài lịch sử cho thấy yếu tố tất thắng chính là nhờ khối đoàn kết nội tại trong cả nước . Nhưng để huy động được sự đoàn kết ấy cần có nhà lãnh đạo minh triết .

       Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được quốc tế công nhận là một danh tướng thế giới .
   Sau khi mất Ngài được nhân dân phong thánh và lập đền thờ ở khắp nơi .
   Ngài vừa có võ học vừa có văn tài , vừa rành binh pháp vừa giỏi dụng binh .        Nhưng cái đáng tôn sùng và nể trọng  là Ngài đã  biết gạt bỏ thù nhà để lo nợ nước ; biết lấy bản thân làm gương cho binh sĩ .
  Trung thực và công chính chính là bản chất của Ngài .
  Ngài được vua ban cho quyền tiền trảm hậu tấu nhưng chưa một lần dùng đến quyền nầy .
 Ngài được phong thánh không chỉ vì có công lớn đối với quốc gia xã tắc mà còn là vì  sự kỳ vĩ thập thành trong lập ngôn cũng như lập đức .





Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

CÁI HẠNH CỦA NGƯỜI CẦM BÚT


    Cụ Đồ Chiểu có một câu thơ rất hay -ít nhiều nói lên cái HẠNH của người cầm bút :
         Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm 
         Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà 
Trừ gian diệt ác phải chăng là cái hạnh của người cầm bút . Sứ mệnh của nhà văn , nhà thơ , nhà báo ,...phải chăng là bảo vệ , tôn vinh cái đúng , cái tốt , cái đẹp đồng thời phê phán , chỉ trích , tiêu trừ cái sai , cái ác , cái xấu , ...trong đời sống chính trị xã hội .

    Ba  cột trụ tinh thần của nhân loại là  CHÂN - THIỆN - MỸ  . Cái chân là cái đúng , là  thực tại , chân lý ; cái thiện là đạo đức , luân lý , lòng nhân ái ; cái mỹ là cái vẻ đẹp của thiên nhiên và con người . Đứa bé cắp sách đến trường tức là lên đường đi tìm chân , thiện , mỹ . Nhà trường sẽ dạy trí dục , đức dục và mỹ học . Rồi khi lớn lên một số ít người có năng khiếu thiên bẩm văn chương , chữ nghĩa ...sẽ gia nhập vào nghề cầm bút - không biết chắc là họ đã chọn nghề hay nghề đã chọn họ .Nghề gắn liền với nghiệp , nghề tạo ra nghiệp và nghiệp dẫn dắt nghề trải qua những dằn xôc của số phận . Nghề nào cũng có cái đạo , cái hạnh của nó . Riêng cái nghề cầm bút thì lắm bi kịch . Thứ nhất là giàu tinh thần , giàu chữ nghĩa nhưng nghèo tiền bạc ; thứ hai là vinh nhục khó lường ; thứ ba là khó giữ được toàn thân  ( có khi còn phải vào tù ra khám ). Viên Mai đời nhà Thanh - Trung Hoa đã nói lên bi kịch của nghề cầm bút :
     Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch 
     Lập thân tối dĩ hạ văn chương 
( Mỗi bữa không quên ghi sử sách 
 lập thân tệ nhất ấy văn chương )
 Trong ba cái lập : lập ngôn , lập đức , lập công thì lập ngôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất nhưng lại có tính quyết định nhất . Chính vì vậy mà lập thân bằng con đường ghi chép sử sách , sáng tác văn chương , ...là con đường đầy chông gai , dằn xốc ( tệ nhất ) . Thế mà lạ thay : tới bữa có thể quên ăn , tới giấc có thể quên ngủ , nhưng dứt khoát không thể xao lãng việc trước tác , ghi chép , ...Vinh quang và cảm khái đối với người cầm bút là ở chỗ đó . Đúng là kiếp tơ tằm !
  Tôn trong sự thật lịch sử là cái hạnh của sử gia
  Lịch sử của một dân tộc là ngọn hải đăng , định hướng phát triển của dân tộc đó . Viết sử mà bóp méo sự thật lịch sử là có tội với dân tộc . Quy luật của lịch sử có những nếp gấp ( lặp lại ) mà hậu thế phải biết để rút kinh nghiệm . Dòng họ Tư Mã Thiên nhiều đời làm sử quan bị triều đình ám hại vì không theo ý vua . Đến đời Tư Mã Thiên ẩn nhẫn chấp nhận làm hoạn quan để được sống sót hầu thực hiện sĩ khí của ông cha . Cuốn sử ký Tư Mã Thiên và giá trị của nó có được là nhờ đức tính ẩn nhẫn phi thường của người viết sử .

   Thời nào và ở đâu cũng có những nhà văn , nhà báo kiên trì , ẩn nhẫn trong đấu tranh bảo vệ chân lý . Emil Zole , nhà văn Pháp công khai viết kháng nghị , viết báo để minh oan cho sĩ quan gốc Do Thái . Sau khi ông mất , thủ tướng Pháp - cũng là nhà báo -gọi kháng nghị của ông là TUYÊN NGÔN CỦA TRÍ THỨC ( manifeste des in tellectuel )

  Ở Việt nam , sau cái chết mờ ám của em Đổ Đăng Dư ở Hà Nội , mười mấy luật sư ký tên vào tờ trình báo gởi lên bộ công an đề nghị điều tra xem xét . Sự đoàn kết chung tay góp phần hạn chế những án oan sai bảo vệ dân lành . Ở các nước dân chủ , nhà báo , luật sư có quyền tham gia phá án . Nhà báo , luật sư nếu không được hành nghề , tác nghiệp một cách độc lập thì khó có tự do , công bằng xã hội .
Vừa qua ,giải Nobel văn chương 2015 trao cho Svetlana Alexievich, một nhà báo viết sử bằng cảm xúc của nhà văn . Bà đã đem tâm tình viết lịch sử chiến tranh đổ nát và những số phận con người trong chế độ Xô- Viết  cũ . Viện hàn lâm Thụỵ Điển đã tôn vinh bà như " một tượng đài ẩn nhẫn và quả cảm trong thời đại của chúng ta ". Từ nhiều năm nay bà đã rời bỏ quê hương đất nước Bélarus sang định cư ở Tây Âu vì không chịu nổi chế độ độc tài ở Bélarus.
Năm 2009 , Herta Muller , nữ văn sĩ người Đức cũng nhận giải văn chương Nobel cũng do được tôn vinh đức tính ẩn nhẫn , kiên định với văn chương và thái độ tố cáo tội ác của chế độ độc tài

  Churchill, một nhà quân sự , một chính khách  cũng là thủ tướng nước Anh - là một thủ tướng duy nhất được nhận giải Nobel - là công dân danh dự của Hoa Kỳ -đồng thời cũng từng là một nhà báo với câu nói nổi tiếng : " Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã thì sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh " Nghề cầm bút tuy có lắm nhọc nhằn , nhiều rủi ro song cũng rất vinh quang khi có được những tác phẩm lớn , những bài viết tốt , những phóng sự phản ảnh trung thực ...Người cầm bút phải thường xuyên luyện văn , mài bút , chắt lọc ngôn từ . 
 Thánh thơ Đỗ Phủ rất quan tâm đến việc dùng từ .
Đối với Đỗ Phủ : " Một chữ mà không lay động được lòng người thì chết không yên giấc " (Ngữ bất kinh nhân , tử bất an ). Nhưng muốn lay động lòng người thì người nghệ sĩ phải có trái tim lớn . Trái tim yêu thương , lòng nhân ái ,... là động cơ mà cũng là nguyên liệu để chế tác ra tuyệt phẩm . Đó cũng là nguyên động lực cho những nhà khoa học trong quá trình phát minh , phát kiến . Bất cứ sáng kiến nào cũng xuất phát từ con tim mới dâng lên khối óc . Nguyễn Du viết nên tuyệt tác Truyện Kiều khởi đi từ "những điều trông thấy mà đau đớn lòng "
 Đặng Trần Côn xót thương nỗi lòng cô phụ có chồng đi chiến trận mà viết " Chinh Phụ Ngâm " 
Ôn Như Hầu vì "kiếp phù sinh trông thấy mà đau " nên mới chia sẻ nỗi bất hạnh của những nàng cung nữ trong cung cấm bằng "Cung oán ngâm khúc "

   Cái hạnh của người cầm bút là dám nói thẳng , nó thật ; yêu sự thật , ghét gian trá ; thẳng thắn , trung thực , ghét a dua nịnh bợ . Nói như cụ  Đồ Chiểu " Ghét kẻ nịnh như nhà nông ghét cỏ "


  Tóm lại , cái hạnh của người cầm bút là thánh hóa cuộc đời bằng cách xiển dương những giá trị chân lý , đạo đức , thẩm mỹ . Văn dĩ tải đạo là tôn chỉ của các cụ đồ xưa . Nhờ vậy mà truyện Kiều của cụ Nguyễn Du , truyện  Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu là những tác phẩm văn chương có giá trị bất hủ được lưu gữ trong tâm hồn của nhiều thế hệ . Cũng là những cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ mà Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã đi vào quên lãng ; còn những tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh thì chẳng những được truyền đọc mà  còn được  chuyển thể thành phim và được nồng nhiệt đón nhận .
 Trong một xã hội băng hoại về đạo đức , điên chữ , loạn nghĩa ,...thì sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút càng phải được đề cao hơn bao giờ hết .

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

DỊCH BỆNH ĂN CẮP - ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN

   Xã hội ta ngày nay tràn lan dịch bệnh ăn cắp . Lớn ăn cắp lớn , nhỏ ăn cắp nhỏ . Quan chức ăn cắp , phóng viên nhà báo ăn cắp , nhân viên hàng không ăn cắp ...xấu hổ nhất là giới văn nghệ sĩ cũng ăn cắp văn thơ ...

Mới đây người ta xôn xao về vụ đạo thơ của một nữ sĩ - vừa được giải thưởng . Nhà báo Hà Quang Minh trong một bài viết tố cáo vụ việc nầy đã nói một câu khẳng khái :  'Tôi không cần sự xin lỗi . Cái tôi cần là một nền văn nghệ công chính . Tôi đòi hỏi những nghệ sĩ phải liêmchính "
    Nhà báo Hà Quang Minh đã nhìn ra gốc rễ của vấn đề . Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi thứ đều thiếu công chính . Sự không công chính đẻ ra nhiều hệ quả tệ hại : gian dối , trộm cắp , vô liêm sĩ  ....
 Con người là sản phẩm của xã hội , cũng là sản phẩm của nền giáo dục . Nền giáo dục XHCN ra sức đào tạo con người XHCN ! Nền giáo dục ấy không những không thành công trong việc đào tạo chuyên viên mà còn thất bại cả trong đào tạo con người : thiếu trung thực nhưng lại thừa dối trá , thiếu tài năng nhưng lại giỏi luồn lách ; vụng chèo mà khéo chống ,...
   Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường , học sinh đã được Thầy cô truyền cho mánh khoé gian lận trong học tập . Như dạy hs học thuộc bài văn mẫu cũng đồng nghĩa dạy hs đạo văn . Giải trước các bài tập trong các buổi dạy thêm ở nhà tức là khích lệ hs gian dối . Để đạt giải thi viết thư quốc tế ( UPU )nhà trường động viên hs nhờ phụ huynh viết dùm . Thi thuyết trình văn học thì thầy viết sẵn văn bản , còn trò chỉ việc trình bày theo kịch bản của thầy . Nhà trường tổ chức hội nghị công nhân viên chức ở đầu mỗi học kỳ để đề ra các con số chỉ tiêu . Chỉ tiêu bao giờ cũng cao hơn thực tế . Thế mà cuối học kỳ ai nấy cũng đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu - bằng cách cấy điểm , sửa điểm , báo cáo láo ,...Hậu quả là nhiều hs ngồi nhầm lớp .

   Lên đến bậc đại học , có lắm trường hợp sinh viên  học yếu , nợ môn chỉ cần quà cáp - thậm chí mời thầy đi ăn nhậu , trao phong bì ,...là trả được nợ môn !
  Sau Đại học , rất nhiều trường hợp SV cao học , tiến sĩ chỉ cần xào nấu lại các luận án lưu trữ trong thư viện để làm luận án của mình . Đó đích thực là hình thức ăn cắp rồi còn gì ! Một nền giáo dục mà từ dưới lên trên đều gian dối thì khó mà có được chính phẩm ! Đó là chưa kể lớp dạy vét , học vẹt ,...đã thui chột trí sáng tạo , óc tư duy độc lập của trẻ .
     Đó là chưa kể hình thức tổ chức bộ máy tự quản lớp học quá hình thức , quá nhiều chức danh ...vô tình mớm cho trẻ nhỏ có xu hướng ham mê quyền lực . Gần đây nghe nói sắp cải cách chức danh lớp trưởng thành " Chủ tịch " . Giáo dục kiểu nầy hẳn nhiên đào tạo công dân tương lai khao khát quyền lực , khao khát nổi tiếng ...

 Nguyên nhân sâu xa của dịch bệnh ăn cắp là  sự KHÔNG CÔNG CHÍNH .
Về vụ đạo thơ đã có làn sóng lên án , chỉ trích , chê cười , sỉ vả ... Nhưng nếu nhìn sâu vào toàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay thì phạm nhân nầy cũng chính là nạn nhân của một quá trình giáo dục . Và đáng thương hơn nữa là nạn nhân đã  " ma giáo " vụng chống  sau khi đã gian dối vụng chèo !

  Cái lỗi nầy đã có phải chăng cũng bởi những người chấm giải thiếu văn hoá đọc và sức đọc còn yếu !!!
 Không riêng gì nhà báo Hà Quang Minh " cần một nền văn nghệ công chính "mà những người còn lương tri đều cần . Nhưng đòi hỏi "những nghệ sĩ phải liêm chính "thì nhất thiết phải có một NỀN GIÁO DỤC  CÔNG CHÍNH !

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

NẾP PHONG HOÁ CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM NAY CÒN ĐÂU ?

       Phải thành thực nhìn nhận rằng về  khoa học kỹ thuật , về mức sống đầu người , tiện nghi vật chất , công nghệ thông tin , ...người Việt chúng ta đã vượt xa cha ông mình ngày trước . Thế nhưng về nếp phong hoá của con người nói chung và của người Việt nói riêng thì ta thua xa cha ông mình ngày trước .Nếp phong hoá - một gia tài vô giá - mà cha ông để lại nay còn đâu ?Thật là vô phước  khi con cháu không giữ được nếp nhà , gia bảo , gia phong ...
Kể từ ba bốn chục năm nay , nếp phong hoá của con người Việt dần dà bị phân hoá , phân huỷ bởi lối sống nặng mùi vật chất , khát thèm hưởng thụ , coi nhẹ tâm linh , sa sút nghĩa tình . Dân ta chưa bao giờ vong thân thảm hại như ngày nay . Phẩm giá , phong thái của người Việt dần bị người nước ngoài coi thường rẻ rúng , thậm chí không cho nhập cảnh . Nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ , Nhật , Hàn Quốc ,...đạt được các thành tựu to lớn về khoa học , điện toán , ...song dân tộc họ vẫn còn bảo lưu nếp phong hoá do tiền nhân để lại . Chỉ có Trung Quốc sau " cách mạng văn hoá "đã không giữ được bản sắc của dân tộc Trung Hoa cổ thời .
   Hai chữ văn hoá trong xã hội ta ngày nay bị vật thể hoá trong các cụm từ thông tin văn hoá , văn hoá thể thao , văn hoá giải trí , văn hoá ẩm thực , ...Sau năm 1975 , còn có cụm từ bổ túc văn hoá  (*)! Lẽ ra văn hoá phải đi liền với giáo dục . Hai chữ văn hoá có một nội hàm rất lớn bao gồm giáo dục , triết học , ngôn ngữ , chính trị , học thuật , văn chương , phong tục tập quán ...Phong tục tập quán là một nét văn hoá tạo ra nếp sống phong hoá của con người . Trong nhiều thập niên qua , nếp phong hoá của người Việt Nam ta đã bị mai một do ma chiết với  môi trường sống nặng mùi vật chất , khao khát hưởng thụ , chạy theo tiền tài quyền bính .... Niềm tin tôn giáo biến thành mê tín dị đoan , buôn thần bán thánh .Bacột trụ tinh thần của nhân loại không còn được coi như cốt lõi của xã hội văn minh văn hoá . Dù là ý hệ gì , chủ nghĩa nào nếu không có CHÂN , THIỆN , MỸ làm cột trụ chống đỡ thì sớm muộn gì cũng tiêu vong sụp đổ . Cái ĐÚNG ( chân ), cái TỐT ( thiện ) cái ĐẸP  ( mỹ )mãi mãi là những giá trị tinh thần bất diệt .
 Chân là một giá trị về cái đúng , về thực tại , về sự thật , là chân lý . Ngày nay sự thật , chân lý bị đánh tráo bằng ngôn ngữ quỷ biện , gọi là đánh tráo khái niệm . Sự bưng bít , trí trá , gian dối , láo toét ,...chế ngự chân lý , bóp méo sự thật . Cho dù trình độ và nghệ thuật nói láo có đạt đến đỉnh cao trí tuệ cũng không thành công mãi được . Cây kim trong túi lâu ngày cũng lòi ra  .Sự dối lừa , nguỵ tạo tràn lan , phổ biến có lôi kéo được sự đồng lòng đồng thuận thì cũng trong giai đoạn nhất thời mà thôi .Một khi sự dối trá hiện nguyên hình thì con người bị mất niềm tin . Mất niềm tin là mất tất cả !

   Thiện là cái tốt , là đạo đức luân lý .Cái tốt tỷ lệ thuận với mức độ tiệm cận với cái đúng (  chân ). Càng gần với chân lý thì càng đạo đức . Xa rời chân lý là phi đạo đức .
Trong đạo Phật , ai hiểu đúng được lý nhân duyên , luật nhân quả thì là thiện nhân .Kẻ nào không thấy không biết lẽ vô thường , không tin nhân quả thì không có việc gì mà hắn không làm ( vô sở bất vi ). Lối sống vô luân , vô phép vô tắc là hệ quả của sự dối trá , lừa lọc , mất niềm tin .
  Đắm chìm vật dục là gốc rễ của đau khổ và tội lỗi . Vì khao khát hưởng thụ nên phải nổ lực kiếm tiền càng nhiều càng tốt - có khi không từ cả đồng tiền bất chánh ; chỉ có cách kiếm tiền bất chánh mới nhanh có tiền nhiều ! Hoa hậu , người mẫu bán dâm không phải vì đói cơm thiếu áo mà vì đua đòi hưởng thụ . Ngược lại những đại gia mua dâm cũng chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ .
  Giàu có tiền tài không phải không tốt . Không biết xài tiền đúng mục đích ấy mới là tội lỗi .Shakespeare cho rằng "Khi không còn biết dùng tiền vào việc gì cho phải ấy là lúc người ta bắt đầu làm bậy "
    Người Việt Nam sau nhiều cuộc chiến tranh dai dẳng chịu nhiều đau thương , nghèo khổ , chết chóc . Khi hoà bình lập lại thì nẩy sinh tâm lý hưởng thụ , tâm lý cầu an , tâm lý sợ chiến tranh dù là cuộc chiến tranh vệ quốc .

  Sau cùng là cái đẹp . Cái đẹp là nguyên động lực sáng tác văn chương nghệ thuật nói chung . Cái đẹp là hoa trái của quá trình thăng hoa từ " CON " đến " NGƯỜI" . Con và người là hai thực thể tồn tại : CON : tồn tại thú  vật ; NGƯỜI : tồn tại từ con hướng đến chân thiện mỹ . Nói như Pascal: "Con người chẳng phải thú vật mà cũng chẳng thiên thần " ( L' homme est ni ange ni bête),
   Nếu không thăng hoa , hướng thượng  mà cứ đắm chìm chạy đua theo vật dục thì CON vẫn chỉ là con chứ không thể là người đích thực , Khi trở về làm con thì con người có khi còn hiểm ác bạo tàn hơn loài dã thú .

   Nói đến nét phong hoá của con người nói chung là nói đến chân thiên mỹ ,cốt lõi của văn minh văn hoá . Nếp phong hoá lại là hoa trái của một nền giáo dục . Nền giáo dục của miền Nam trước năm 75 với triết lý NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG  đã sản sinh ra người có nếp phong hoá kế thừa truyền thống  của cha ông ta  ngày trước . Nền giáo dục hiện nay nặng xu hướng đào tạo nhẹ về giáo huấn , khai phóng con người theo hướng chân thiện mỹ .
   Chính vì vậy mà  nếp phong hoá của người Việt Nam nay không còn nữa !


(*) Sau này đã đổi thành " bồi dưỡng thường xuyên "

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

TUYÊN TRUYỀN - TRUYỀN THÔNG VÀ GIAÓ DỤC

 

    Tuyên truyền , truyền thông và giáo dục từ lâu đã bị hóa đồng thành một mẫu số chung . Đây là một hiện tượng khá nguy hiểm cho giáo dục , bởi nó biến giáo dục thành công cụ tuyên truyền .Giáo dục tự thân là một trong những nội hàm quan trọng của văn hóa . Vì đối với văn hóa giáo dục vừa có nhiệm vụ xây dựng văn hóa cho ngày mai thụ hưởng vừa có nhiệm vụ vun bồi kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua .Giáo dục không đơn thuần là giáo dục công dân , giáo dục giác ngộ , giáo dục nhận thức . ...Cụm từ tuyên giáo phải chăng gắn kết hai khái niệm tuyên truyền và giáo dục .?

    Ba khái niệm tuyên truyền - truyền thông và giáo dục đều có phạm trù riêng lẽ không ăn nhập gì với nhau . Chức năng nhiệm vụ của mỗi lãnh vực đều khác nhau . Chức năng nhiệm vụ của giáo dục như đã nói thuộc nội hàm văn hóa . Tuyên truyền chỉ có nhiệm vụ dân vận giúp nhân dân hiểu rõ đường lối chủ trương chính sách của đảng và nhà nước . Còn truyền thông có nhiệm vụ đưa tin , truyền đạt qua báo đài những thông tin sốt dẻo, kịp thời đến quần chúng nhân dân một cách trung thực , khách quan , chính xác .Mức độ trung thực , khách quan đòi hỏi nhà báo phải được hành nghề tự do . Trong vụ thảm sát ở Bình Phước vừa rồi , báo giới đã lấn sân , tiếm quyền tư pháp , vội vàng quy kết nghi can là tội phạm trong khi chưa có bản án của tòa .

 Do mặc định đánh đồng tuyên truyền với giáo dục nên chủ thể giáo dục mặc nhiên là cán bộ tuyên truyền còn quần chúng nhân dân là đối tượng được giáo dục . Điều nầy chỉ có thể có trong trại giam . Trong nhà tù cán bộ quản giáo là người giáo dục , còn tù nhân là người được giáo dục .
 Quần chúng nhân dân không thể nào là đối tượng giáo dục đối với bất cứ chủ thể nào . Bởi vì không có chủ thể nào duy nhất đúng , tuyệt đối tốt , thật sự hoàn hão để làm thầy thiên hạ . Ngay đến đức Khổng Tử được người đời tôn xưng là Vạn Thế sư Biểu cũng phải nhún nhường khiêm hạ : " Ta là một người thầy dạy không biết chán , học không biết mệt . Như vậy , bản thân của chủ thể giáo dục cũng phải không ngừng học hỏi . Càng học càng thấy mình dốt .Có vài kẻ phát ngôn bừa bãi cho rằng :dân trí Việt nam còn thấp "! Người nói ra câu nầy ắt có não trạng xem mình là thầy thiên hạ . Chính cái não trạng nầy dẫn đến căn bệnh tự kỷ, tự tôn , xem mình là trung tâm của thế giới . Loại người nầy cho mình là thành phần giác ngộ chỉ lo giáo dục giác ngộ người khác còn mình thì chẳng cần phải tự học , tự giáo dục . Trong giáo dục có ba nguồn giáo hóa : một là gia đình , hai là nhà trường và xã hội , ba là tự giáo dục . Tự giáo dục ở đây đồng nghĩa với tu thân trong cụm từ " tu thân , tề gia , trị quốc , bình thiên hạ". Nói về việc tu thân , Nho giáo khẳng định từ thiên tử đến thứ dân ai nấy phải lấy việc tu thân làm gốc .
 Như vậy giáo dục không dành riêng cho trẻ nhỏ mà cả cho người lớn . Người lớn mà chân chính mẫu mực đã là bài học thân giáo cho trẻ nhỏ . Trên không chính dưới tất loạn . Một ông thầy không thể nói với học trò của mình rằng " các em hãy nghe những gì thầy nói mà đừng làm theo những gì thầy làm"

    Một nền giáo dục mang tính áp đặt nặng giáo điều sẽ đào tạo ra những con vẹt biết nói tiếng người . Lão Tử có một câu nói khiến hậu thế có kẻ cố tình hiểu lệch và làm sai: " Dân khả dĩ do ( * ) bất khả dĩ tri'. Câu nầy ý Lão Tử muốn cảnh báo nhà cầm quyền rằng đối với dân chúng có thể làm tốt để họ noi theo chớ không thể dạy dỗ cho họ biệt  . Nhiều nhà độc tài cố tình hiểu sai ra như vầy : đối với dân chúng chỉ cần làm cho họ giống nhau chứ không thể làm cho họ biết !
Nền giáo dục nước ta có thiên hướng đào tạo công dân , đào tạo chuyên viên hơn là đào tạo con người đúng nghĩa .  Thiết nghĩ kèm theo địa vị , chức danh , nghề nghiệp phải là một con người đích thực .
  Vẫn còn có nhiều nhà giáo dục tâm huyết muốn bảo lưu bản chất đích thực của giáo dục . Tỷ như bà hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen Bùi Trân Phượng trong bà diễn văn đọc trong lễ tốt nghiệp có gởi cho SV của mình một thông điệp đầy tính nhân văn , nhân bản " ...Cho dù sau nầy các anh chị có chọn cho mình một công việc hay sự nghiệp tương lai gì đi nữa , các anh chị sẽ nghĩ đến đồng bào ruột thịt và vận mệnh đất nước Các anh chị sẽ luôn thành tâm làm điều gì đó cho quê hương 
 Hãy luôn thể hiện mình là một người Việt nam có học , sống tử tế , làm việc đàng hoàng và cư xử nhân ái ..."
Cuối bài diễn văn bà còn nhắc nhở các tân khoa chạy xe cẩn thận , ăn uống nhớ tránh các chất phụ gia độc hại của Trung Quốc ...
Chỉ một đoạn văn mà bà Hiệu trưởng đã nói được ít nhiều thuộc tính của một con người đích thực : yêu tổ quốc , yêu đồng bào , sống hiền lương tử tế , tỏ ra có học , cư xử nhân ái ...
Nếu như tất cả những người làm giáo dục đều có tâm huyết và tư duy như bà Bùi Trân Phượng thì xã hội Việt Nam không đến nỗi băng hoại !

Sự đánh đồng giữa khái niệm tuyên truyền , truyền thông và giáo dục như hiện nay có nguy cơ biến giáo dục thành một thứ công cụ cho mục đích chính trị ; điều nầy có ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển và kế thừa văn hóa dân tộc .


( * ) Chữ Do cùng một âm mà có nhiều nghĩa , trong đó có nghĩa là noi theo ; lại có nghĩa khác là giống nhau                                                                                                                                                        vvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvv

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Hiện tượng ru ngủ ...



     Dưới thời Pháp thuộc , bộ máy cai trị thực dân tổ chức nhiều trò chơi để ru ngủ quần chúng đặc biệt là tầng lớp thanh niên , như đua xe đạp vòng quanh đông dương , nhảy bao bố . trèo cột mỡ ...
 Mưu đồ thâm độc của thực dân là ru ngủ thanh niên - quên đi nỗi nhục mất nước , ngủ quên trong đêm dày lịch sử . Những trò chơi giải trí ngày nay được dùng với cái tên " hiện đại " : game show ,  xuất hiện nhan nhản , dày kín trên truyền hình và được đông đảo người chơi tham gia nhiệt tình và say mê với số tiền thưởng hậu hĩnh .

   Trò chơi giải trí ( game show ) đem lại niềm vui đồng thời bồi bổ ít nhiều kiến thức phổ thông , kỷ năng sống . Nhưng không ít những chương trình game show xem ra vô bổ mà còn nhảm nhí .  Vui chơi giải trí là cách hưởng thụ tinh thần , lành mạnh với điều kiện không quên nhiệm vụ thiêng liêng với đối với quê hương đất nước với cuộc sống vật vã kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi của số đông đồng bào đồng loại . Vui chơi một cách vô cảm , vô tình ,...thì quả là " vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu "( Nguyễn Khuyến " ) .Trần Tế Xương cũng có một câu thơ vừa trào phúng vừa mỉa mai châm biếm cảnh vui chơi vô bổ ấy :

 Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt 
 Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng 

Chí sĩ phan Bội Châu , một nhà văn , nhà thơ , nhà hoạt động cách mạng , một nhân vật lịch sử kiệt xuất tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc - vào những năm bị quản thúc ở Huế (1927) đã ứng khẩu bài thơ " Bài ca chúc tết thanh niên " để đáp lại các sinh viên học sinh đến thăm và chúc tết ông .

Dậy ! dậy ! dậy !
Bên án một tiếng gà vừa gáy 
Chim trên cây vừa ngỏ ý chào mừng 
Xuân ơi xuân , xuân có biết hay chăng ? 
Thẹn cùng sông , buồn cùng núi , tủi cùng trăng 
Hai mươi năm lẽ đã từng chua với xót 
Trời đất may còn thân sống sót 
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh 
 Thưa các cô , các chị lại các anh 
Đời đã mới người càng thêm đổi mới 
mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội 
 Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn 
 Đi cho êm , đứng cho vững , trụ cho gan 
Dây thành bại quyết ghi phen liên hiệp lại 
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi 
Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần 
Đừng ham chơi , đừng ham mặc ham ăn 
Dựng gan óc lên để đánh tan sắt lửa 
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ 
Mới thế nầy là mới hỡi chư quân 
Chữ rằng " Nhật nhật tân , hựu nhật tân "  

Khởi đi từ những lời tâm sự bộc bạch chân thành , ông đã tha thiết kêu gọi , thức tỉnh thanh niên hãy từ bỏ lối sống tầm thường , tu dưỡng tính tình , bắt nhịp kịp thời với thời đại mới , vươn tới lý tưởng cách mạng cứu nước . Trong bài thơ có một câu mà thanh niên ngày nay nên học thuộc và làm đúng theo lời khuyên của tiền bối "Đừng ham chơi , đừng ham mặc ham ăn " 
Các món ăn chơi chưng diện , se sua , model thời thượng chẳng qua là cái bả của thực dân quăng ra để ru ngủ thanh niên , ru ngủ quần chúng yêu nước . Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết rất hay về thái độ bàng quan với thời cuộc , quên lãng chuyện xưa , cổ sử của thanh niên thời Pháp thuộc
  Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê 
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ 

Chuyện vua Lê được " Trời trao cho mệnh lớn " ( NguyễnTrãi ) đánh đưổi giặc Minh , được thần cho mượn gươm báu tại hồ Gươm ..không còn ai nhớ và bàn đến nữa . Chuyện xưa , cổ sử , tích xưa đã lui dần vào quên lãng nhường chỗ cho một thứ hạnh phúc mong manh " đựng trong tà áo đẹp "; một " mái nhà yên rũ bóng xuống tâm hồn "

    Có một nhân vật trong một bộ phim Mỹ nói một câu làm người xem phải giật mình : " Đôi khi phải đứng lên để bảo vệ cho một cái gì đó , còn không thì chỉ sống cho qua ngày .."  " Sống cho qua ngày " là sống mòn để rồi chết mòn , sống như một cái xác sống chứ không sống cái sống của một con người tỉnh thức . " Đứng lên bảo vệ cho một cái gì ..." ...không ngoài sự thật , công lý , đồng bào , tổ quốc .. Ai đó đã nói ; " Chết cho tổ quốc là cái chết bất tử " ; vì thế mới nói " tổ quốc trên hết " . Khi tổ quốc lâm nguy thì người thất học cũng phải có trách nhiệm huống chi là người trí thức . Loại trí thức trùm mền ngủ quên vì bả lợi danh chính  là ngụy trí thức , ác thí thức . Ngày nay không ít những thanh niên trí thức bàng quan , thờ ơ trước vận nước ngã nghiêng do bọn bành trướng Trung Quốc xâm lược biển đảo của ta . Trong khi bọn hải tặc Trung Quốc ngang nhiên xua đuổi tàu thuyền đánh cá của ngư dân ta , hung hăng cướp bóc đánh chìm tàu thuyền của ngư dân ta ; thế mà ngày ngày thanh niên , nam nữ trang phục lòe loẹt kệch cởm múa may nhảy nhót trong các chương trình game show một cách vô tư và mặc cho mưa tuôn và gió thổi " để " thành con rối cho cuộc đời giật dây " " ( Chế lan Viên )
phấn khích. Số thanh niên trí thức còn lại thì cầu an hưởng lạc "

   Hơn bao giờ hết , trong tình cảnh nầy mong sao thanh niên nên đọc lại bài thơ " bài ca chúc tết thanh niên ' của nhà cách mạng Phan Bội Châu để tự đánh thức mình , tự  cảnh tỉnh mình hầu góp phần nào trong nhiệm vụ  cứu nguy tổ quốc

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

DO ĐÂU XÃ HỘI BĂNG HOẠI (*)



       Không ít người đã nhận ra xã hội Việt Nam băng hoại đến mức báo động . Hằng ngày báo , đài đưa tin cướp , giết , hiếp xảy ra nhan nhản - ngày ngày bạo lực diễn ra đây đó . Quan hệ giữa người và người càng ngày càng xấu đi . Tình người riết róng , cạn kiệt đến vô cảm . Tình yêu đôi lứa không còn thơ mộng , lãng mạn mà chỉ còn là  tình dục . Đời sống tâm linh nghèo nàn , vật dục lên ngôi . Tâm tính số đông nóng nảy , sân si ...lúc nào cũng sẵn sàng cự cãi , ẩu đã . Tình đồng bào , đồng loại nhường chỗ cho đồng tiền vạn năng .  Có người cho rằng quan hệ giữa người và người chỉ còn là tồn tại thú vật . Tệ hại nhất là nói láo trở nên mốt thời thượng và được xã hội hóa . Sự dối trá , lừa mị , tráo trở len lỏi đến mọi ngỏ ngách của cuộc sống . Do đâu và vì sao xã hội băng hoại đến vậy ? Phải chăng đó là do tôn giáo đã bị thế quyền tục hóa nhằm phục vụ chính trị .

   Việt Nam có nhiều tôn giáo và các tôn giáo đó có cùng mẫu số chung :đề cao lòng yêu thương , xóa bỏ hận thù , đối xử bình đẳng , nhân bản .Chiến tranh là môi trường xông ướp , huân tập lòng hận thù giữa hai phe tham chiến . Tệ hơn nữa là khai thác hận thù để xúc tiến chiến tranh .Sau chiến tranh chỉ có tôn giáo là có khả năng hóa giải hận thù . Thế nhưng các tôn giáo này càng đánh mất bản chất và thiên chức vốn có của mình do thế quyền lấn áp giáo quyền .
 Sách Hiến pháp và quy luật của dòng Chúa Cứu thế trang 30 chương 1 ghi rõ : " Chúng ta đặc biệt phải chăm sóc người nghèo , người thấp hèn và đặc biệt là người bị áp bức . Việc rao giảng cho những người nầy là dấu chỉ của sự việc thiên sai " Phục vụ cho những người nầy là phục vụ cho Chúa . Nhà thờ và các Thiên sứ đã thực hiện đúng hiến pháp và quy luật do tòa thánh Vatican duyệt y . Các vị linh mục , các bà soeur ..luôn có mặt ở các bệnh viện , các nơi xảy ra đại dịch , ...để giúp đở những người nghèo hèn , khốn khó , cơ nhở ...
 Sau ngày 30/4/75 những anh em thương phế binh của chế độ cũ bị gạt ra khỏi đời sống xã hội . Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng Saigon đã tổ chức một chương trình khám bệnh cho 150 thương phế binh định kỳ mỗi tháng 2 lần . . Nhà thờ Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng ( SG ) đúng là nhà của Chúa lòng lành , là điểm đến duy nhất , quen thuộc , ấm áp của các thương phế binh bên thua cuộc . Đùng một cái , chẳng biết tại sao vào ngày 14/4 /2015 chương trình trên bị hủy bỏ . Ngôi nhà thờ của Chúa Cứu Thế bỗng đóng sập cửa , quay lưng , xua đuổi với những anh em thương phế binh kia . Sự vụ nầy gây ngỡ ngàng , sửng sốt không những cho thương phế binh mà kể cả các bác sĩ , nhân viên phục vụ cũng sững sờ , đau xót ...
  Người chủ trương hoạch định chương trình trên là linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích . Lệnh hủy bỏ chương trình trên cũng do linh mục nầy ban ra . Linh mục Nguyễn Ngọc Bích cũng chỉ thừa lệnh bề trên là Tòa Giám Mục . Nhưng chắc chắn trên tòa Tổng Giám mục ắt phải có ý kiến của nhà nước . Được biết linh mục Nguyễn Ngọc Bích có nhiều cơ hội thăng tiến lên chức giám mục nên có thể vì thế không muốn làm mất lòng tổ chức . Linh mục thà mất lòng Chúa đành quay lưng lại với những người khốn khó chứ không dám làm mất lòng ban tôn giáo .Bản chất và thiên chức của tôn giáo đã bị vô hiệu hóa , thế tục hóa .
   Đạo Phật còn có tên là đạo Bồ Đề . Trong chữ Bồ Đề ( Bodhi ) gồm có Từ Bi Và Trí Tuệ . Tận cùng của Từ Bi là Trí Tuệ . Nói về hận thù , đạo Phật có câu : " Lấy oán báo oán , oán ấy chất chồng , lấy ân báo oán,  oán ấy tiêu tan " . Phật giáo chủ trương xóa bỏ hận thù , xả bỏ mọi hiềm khích , chấp tranh , phân biệt . Nếu Thiên Chúa Giáo chủ trương phục vụ cho những người nghèo khổ khốn khó là phục vụ Chúa , thì Phật dạy :" Cúng dường chúng sanh là cúng dường Chư Phật " . Chính vì vậy trên bước đường hành đạo , thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hướng dẫn một phái đoàn hải ngoại gồm các tăng ni Phật tử về nước tổ chức lễ cầu siêu cho những người bị chết trong và sau  chiến tranh gồm những tử sĩ của hai bên , dân lành chết oan , tù cải tạo và các thuyền nhân vượt biển . Một trong các yếu chỉ của thiền là " Tâm vô phân biệt " . Thiền sư Nhất Hạnh với tâm ấy , hạnh ấy đã không phân biệt phe phái ...,thế mà sau khi hoàn tất lễ cầu siêu , hòa thượng Thích Trí Quảng ( một sư quốc doanh )  đứng lên dõng dạc tuyên bố : " Lễ cầu siêu nầy chỉ dành riêng cho liệt sĩ của chế độ ta mà thôi " . Sự dối trá , trơ trẻn tráo trở đã thâm nhập vào cả trong giới tu hành  rồi chăng ?!

  Sự can thiệp , chi phối quá sâu vào hoạt động tôn giáo của chính quyền đã vô hiệu quá bản chất nhân văn , khai phóng của tôn giáo . Điều đó khiến cho các tôn giáo không độc lập thực hành hạnh nguyện của mình mà bị o ép , định hướng theo mục tiêu chính trị ; càng ngày càng xao lãng thiên chức cố hữu của mình . Và  hệ quả khôn lường đó là sự băng hoại của toàn xã hội


  (*) Cảm ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh với bài viết " Vòng vây thế tục " đã gợi ý cho Phạm Đạt Nhân viết entry nầy 

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Tấc lòng của Chu Thần Cao Bá Quát


Cao Bá Quát  ( 1808?- 1855)

         Có một bài thơ chữ Hán của Chu Thần  Cao Bá Quát  không được phổ biến , không được giảng dạy trong sách giáo khoa và cũng không thấy đăng tải trong thơ văn hợp tuyển của nhiều tác giả . Đó là bài văn tế vua Lê Thái Tổ . Bài thơ được sáng tác trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt và là tài liệu giúp hậu thế hiểu đúng về tấc lòng ưu ái của nhà thơ đối với đất nước . Rất may là vào năm 1939 cụ Ứng Hòe Nguyễn văn Tố đã phát hiện và cho đăng trong Văn Học tạp chí bài thơ hy hữu nầy . Theo cụ Ứng Hòe thì sau vụ khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại cả dòng họ của Cao Bá Quát bị tru di tam tộc ; riêng họ Cao bị bắt bỏ củi đem về kinh để hành hình . Khi đòan người giải tù đi ngang qua làng Bố Vệ , tỉnh Thanh Hóa , Cao Bá Quát chợt thấy đền vua Lê Thái Tổ ông xin vào miếu để tế tam sinh .. Bài thơ nầy được ứng khẩu đọc trước linh vị của vua Lê Thái Tổ .


Ngô sinh bất phụ thử sơn hà
 Thiên địa vô tình khả nại hà 
Vĩnh biệt sầu văn nam phố khúc 
Hoàn hương tu tụng đại phong ca 
Thiên niên cố quốc tinh linh tại 
Nhất khứ anh hùng ẩm hận đa 
Điếu bái miếu đường chung nhật cảm 
Y nhiên tích tụ phát kim hoa 
                           ( Văn học tạp chí năm 1939 )

Ta sinh ra vốn không phụ với nước non nầy 
Trời đất vô tình với ta không biết bao nhiêu nữa 
Vĩnh biệt buồn nghe khúc ca Nam phố 
Về làng nên đọc bài ca khải hoàn 
Nước cũ ngàn năm còn lại tinh túy thiêng liêng 
Một bước ra đi khách anh hùng uống nhiều hận
 Lạy tạ miếu đường suốt ngày cảm động 
Cây lá xưa vẫn như cũ nở cành hoa ngày nay .

 Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do Lê Duy Cự , một cựu thần nhà Lê khởi xướng và Cao bá  Quát làm quân sư . Cuộc khởi nghĩa chẳng may bị bại lộ , nghĩa quân đốt cháy giai đoạn nên dẫn đến thất bại ; triều đình Tự Đức kết án phản loạn . Tất nhiên các sử thần của vua đều ghi chép như vậy . Nhưng rất tiếc một vài trí thức sau nầy cứ dựa y vào sử ghi để kết tội họ Cao . Điển hình là Trúc Khê Lê văn
 Triện . Ông viết :
"Theo nhận xét của tôi bằng những tài liệu chứng cớ còn lại thì việc biến Mỹ Lương là việc có thật mà việc ấy là việc cuồng vọng của nhà văn sĩ họ Cao bất đắc chí chứ không phải là việc do một cái tư tưởng cách mạng sản sinh ra "
   Trúc Khê Lê văn Triện làm ở viện bác cổ nên " những tài liệu và chứng cớ " mà ông có là sử liệu được ghi chép bởi các sử thần . Sử quan ăn lộc vua tất nhiên phải viết tốt cho triều đình . Nếu Trúc Khê có đọc kỷ toàn bộ thơ văn của Chu Thần , đặc biệt là bài thơ tế Lê Thái Tổ trên đây thì sẽ không có nhận xét bất công và nông nổi như thế .
 Bất cứ một sự kiện lịch sử nào đã xảy ra đều đã xảy ra trong một bối cảnh thời đại và một môi trường xã hội , với nhiều nguyên nhân xa, gần khác nhau .
  Xét về khởi nghĩa Mỹ Lương không thể không xét đến triều Tự Đức , đến sự nhiễu nhương của thời đại , đến sự bất ổn của chính trị xã hội ; và đặc biệt là hoài bảo chí hướng và lý tưởng của Cao Bá Quát .. Không thể hồ đồ phiến diện chỉ xét đến khía cạnh " cuồng vọng " , " bất đắc chí " của họ Cao . Vả lại theo quan niệm nho gia thì kẻ sĩ , hiền nhân chỉ thờ hiền vương minh chủ . Dù rằng ( theo Nguyễn công Trứ ) : " Đã mang tiếng ở trong trời đất , phải có danh gì với núi sông " song cũng  không phải vì công danh sự nghiệp mà phải cam lòng làm một ngu trung .

 " Ta sinh ra không phụ với nước non nầy 
  Trời đất vô tình với ta không biết bao nhiêu nữa ..."

 Đọc hai câu nầy làm sao mà chúng ta  không thấy được Cao Chu Thần đã nặng lòng với đất nước biết dường nào !?
Hành động của Cao bá Quát xuất phát từ nguyên động lực vì nước vì dân . Hoài bảo chí hướng vì dân vì nước đã nung nấu trong lòng của tiên sinh ngay từ còn nhỏ tuổi .- những muốn kề vai "gánh vác giang sơn cẩm tú ", đã muốn làm con dân của vua Nghiêu , vu a Thuấn , đã say mê sự nghiệp Trình ,Chu , quyết " xây bạch ốc lại lâu đài "vv...
Quan đốc học thấy Cao bá Quát còn nhỏ mà hóng chuyện người lớn , bèn ra câu đối :
  Nhữ hiếu sinh hà xứ đắc lai , cảm thuyết Trình Chu sự nghiệp ?
( Mày là học trò nhỏ ở đâu tới đây dám nghe sự nghiệp Trình Chu ? )
Cao Bá quát đáp ngay : 
 Ngã quân tử kiến cơ nhi tác dục vi Nghiêu Thuấn quân dân 
( Tôi là người quân tử gặp thời cơ sẽ hành động , lòng những muốn vua và dân trở thành vua và dân  thời Vua Nghiêu Vua Thuấn  )
 Ngay từ rất bé , Cao bá Quát đã có khát vọng tự do , căm ghét quân quyền chuyên chế áp bức . Một hôm vua và tùy tùng tuần du qua sông thấy cậu bé  Cao bá Quát đang  trần truồng bơi lội , quan quân bắt tội cậu , trói dẫn đến vua . Vua ra câu đối  (và bảo nếu đối chỉnh thì tha cho ):
 Nước trong leo lẻo cá đớp cá 
Cậu bé Cao đối ngay :
Trời nắng chang chang người trói người 

Cao bá Quát thuộc loại cá thể đột biến . Những cá thể đột biến thường không theo lẽ phải thông thường , không rập khuôn vào thông lệ ,không ép mình theo công thức để thích nghi với một tình trạng tệ hại kéo dài .. Những nhân tố tiên phong của phong trào cách mạng đều thuộc loại cá thể đột biến . Có một câu nói : " Lịch sử thường được làm nên bởi những phần tử không theo lẽ phải ."Cao Bá quát tha thiết với sự đổi mới và canh tân đất nước .. Ông cực lực phản đối cái học tầm chương trích cú , nhai văn nhá chữ của bọn hủ nho . Cái học đó sản sinh ra hư văn mà không có thực tài , thực lực .Chính vì vậy mà ông dám chê bai , khinh thị mỉa mai hội tao Đàn do vua Tự Đức làm chủ soái :
Ngán thay cái mũi vô duyên 
Câu thơ thi xã con thuền Nghệ An 
Trong khi đó Vua Tự Đức lại thành thực ca ngợi văn tài của Cao bá Quát :
Văn như Siêu Quát vô tiền Hán 
Thi đáo Tùng , Tuy thất thịnh Đường 

Cao bá Quát có tư tưởng tiến bộ , có tầm nhìn chiến lược về tương lai đất nước , có tâm huyết canh tân , đổi mới . Nhân chuyến đi sứ Tân Gia Ba ( Singapore), ông được chứng kiến nền văn minh tiến bộ của xứ người và không khỏi đau lòng trước sự lạc hậu của nước nhà do cái học hư văn :
Nhai văn nhá chữ buồn ta 
Con giun còn biết đâu là nông sâu 
Tân Gia Ba vượt con tàu 
Mới hay vũ trụ một màu bao la 
Giật mình khi ở xó nhà 
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi "
 Cao Bá Quát xiển dương phong trào canh tân đất nước , giao thương với các nước phương tây , học hỏi văn minh của các quốc gia tiên tiến trên thế giới để theo kịp thời đại .
  " Không đi khắp bốn phương trời 
 Vùi đầu án sách uổng đời làm trai 
Ông mỉa mai khinh thường đám kẻ sĩ háo danh , khom lưng , cúi đầu , cúc cung phụng sự cho một triều đình thối nát :
"Mũ cánh chuồn đội trên mái tóc , nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn " 
Thương ai bó gối nằm tròn 
người trong bốn mặt danh sơn rỡ ràng 
Cao nhân dấu cũ mơ màng 
Chữ danh chi để buộc ràng thân nhau ?! "
Cao bá Quát dùng văn chương như một vũ khí công kích bọn quân quyền cầu an , nhu nhược ; những mong triều đại lung lay rồi thay đổi chính sách . nhưng bọn tôi tớ ký sinh , hoàng thân quốc thích cố bám lấy sự duy trì đế chế để vinh thân phì da . Thế là khởi nghĩa Mỹ Lương nổ ra . Cao bá Quát bị xử trảm . Cả ba họ cũng bị tru di .
 Nhưng trước khi chết , tiên sinh đã có một niềm lạc quan tin tưởng " Cây đời mãi mãi xanh tươi "
" Ngàn năm sau vẫn còn lại tinh túy thiêng liêng '

 Cho dù
 "Một bước ra đi khách anh hùng uống nhiều hận "

 Cao tiên sinh lạy tạ miếu lê Thái Tổ và cảm thấy mình xứng đáng với khí thiêng của trời đất với hồn thiêng của người anh hùng áo vải Lam sơn : "Cây lá xưa vẫn như cũ nở cành hoa ngày nay " 

Cũng có người cho rằng sự phản kháng của Cao là do kiêu ngạo và phẩn uất . Nhận định nầy có phần đúng nhưng chưa đủ .
* Kiêu ngạo là hiện tượng ý thức tự ý thức biết mình tài giỏi hơn người , biết mình thông minh trác việt , lỗi lạc vượt trội .. Cao bá Quát đã khiến cho nhiều người khó chịu vì câu nói " Cả thiên hạ có bốn bồ chữ , một mình tôi chiếm hai bồ , anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Siêu  một bồ , còn một bồ phân phát cho thiên hạ " . Thật vậy,  Cao Bá Quát luôn đỗ đầu trong các kỳ thi ; văn tài đến nhà vua cũng phải nể trọng . Có điều ông chỉ tỏ ra cao ngạo với bọn quân quyền sĩ phiệt còn đối với hàn nho , bần dân và các môn đồ ông rất khiêm hạ , thân thiện , gần gủi .
*Phẩn uất là phản ứng tự nhiên của một con người luôn bị chèn ép , hảm hại . Từ bất bình sinh ra phản ứng là quy luật tự nhiên ( vật bất bình tắc minh ) . Sự phản kháng của Cao Bá Quát đi từ ôn hòa đến bạo động là do tình hình đất nước ngày càng đen tối , chế độ phong kiến ngày càng đánh mất vai trò lịch sử ; Vua quan triều Tự Đức ngày càng nhu nhược , đớn hèn khi liên tục phải ký các hiệp ước bất bình đẳng với thực dân Pháp .
  Cao bá Quát ra đời khi Gia Long đã vững vàng đế nghiệp . Ông Vua nầy có công đưa giang sơn quy về một mối . Thống nhật được lãnh thổ nhưng lòng dân không nhất thống . Đất nước có hòa bình nhưng chưa được thái bình . Ấy là do chính sách phân biệt Nam - Bắc , sự trả thù hèn hạ , tàn nhẫn đối với nhà Tây Sơn . Đến đời Minh Mạng , Thiệu Trị nhờ có văn học , biết vận dụng chính trị Tống Nho nên đất nước có ổn định về nội trị song vấn đề đối ngoại có những sai lầm vụng về nghiêm trọng . Đó là chính sách " bế quan tỏa cảng" và giết hại giáo dân . Đến thời Tự Đức không cải cách canh tân được gì mà còn thêm bảo thủ , lạc hậu . Ngay việc lên ngôi của Tự Đức cũng là mầm mống của huynh đệ tương tàn , nồi da xáo thịt . Theo di chiếu của Thiệu Trị thì Hồng Bảo là Hoàng trưởng tử lên làm vua . Hồng Bảo là người có tư tưởng tiến bộ , có óc duy tân , có chí hướng mở cửa giao thương với các nước láng giềng , bang giao với phương Tây , gây thanh thế trên vũ đài quốc tế .. Hồng Nhậm  là em Hồng bảo cải di chiếu , bắt nhốt anh mình vào ngục tối , bỏ đói cho đến chết rồi lên ngôi lấy hiệu là Tự Đức . Trong suột 36 năm trị vì ( 1847- 1883) Tự Đức không làm được gì cho đất nước ngoài việc xướng họa văn thơ với các triều thần dua nịnh ; ngoài việc xây lăng Vạn Niên hao tốn biết bao nhân mạng , biết bao của cải của dân lành . Chính sách cấm đạo , bế môn tỏa cảng .. tạo ra cái cớ cho thực dân Pháp xâm lược nước ta . Tự Đức là một ông vua nhu nhược , đớn hèn , Khi  tướng Hoàng Kế Viêm dâng sớ lên vua xin xuất quân , Tự Đức phê vào sớ : " Kim nhật thỉnh chiến , hựu nhật thỉnh chiến , chiến nhi bất thắng , ngô gia mẫu tử tri vô hà địa ? " ( nay chiến tranh , mai lại chiến tanh chiến mà không thắng thì còn đất đai mô cho mẹ con trẩm ở ? "Thì ra Vua chỉ lo toan cho lợi ích cá nhân mà không đếm xỉa gì đến vận mạng nước nhà , đến sự tồn vong của quốc gia và sự an nguy của xã tắc .
 Do chính sách chuyên chế của nhà vua , sự tham nhũng của quan lại , sự đục khoét của hoàng tộc khiến  cho đời sống của dân lành càng trở nên bức bách , bần cùng , đói khỏ . Giặc cướp nổi lên tứ tung ( giặc Nông văn Vân , giặc Phan bá Vành , giặc Lê Duy Lương ...)
 Buồn thay , trong hoàn cảnh quốc gia suy vong mà một số kẻ sĩ vẫn xuất chính làm quan , cúc cung phụng sự triều đình để có được cái bả vinh hoa . họ là những phần tử thích nghi với hoàn cảnh và thực hiện trung hiếu của nho gia một cách cứng ngắc . Điển hình là ông Nguyễn công Trứ với quan niệm " ra khỏi bụng mẹ là đã có vua để thờ "( xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân ". Nguyễn công Trứ lúc nào cũng " Sắp hai chữ quân thân mà gánh vác " và luôn nghĩ rằng " Đạo vi tử , vi thần đâu có nhẹ ". Nguyễn công Trứ quên rằng lẽ xuất xử của Nho gia có hai lối : Nếu gặp minh quân , chân chúa thì ra làm quan còn nếu gặp hôn quân , bạo chúa thì ẩn dật chờ thời . Vậy nên Nguyễn Trãi mười năm sống ở Đông quan ,nghèo khổ ẩn nhẫn vẫn không chịu hợp tác với nhà Minh ; đợi khì có hội thề Lũng Nhai mới ra đầu quân với Lê Lợi dâng Bình Ngô sách .
 Cao Bá Quát và Nguyễn công Trứ là hai danh sĩ đồng thời , đồng thế hệ ,đều là môn đồ của Nho gia nhưng hoài bảo và chí hướng của  hai con người nầy thật quá khác nhau

  Cao bá Quát là một thiên tài lỗi lạc  ôm ấp chí cao mộng lớn ; từ thuở nhỏ đã tôn thờ lý tưởng  vì dân vì nước . Năm 40 tuổi Cao bá Quát mới thực hiện hoài bảo của mình trong khởi nghĩa Mỹ Lương
     . Tuy giấc mộng không thành , dòng họ lại bị tru di nhưng cái anh linh của tiên sinh không hề mất  bởi " thác là thể phách còn là tinh anh "( Nguyễn Du ) .

  Câu thơ cuối như một lời trăng trối với hậu thế :
 Y nhiên tích tụ phát kim hoa ( cây lá xưa vẫn như cũ nở cành hoa ngày nay ) 

" Thật đáng trách cái chế độ hà khắc , trong giai đoạn suy vong lại càng ác liệt đến không dung dưỡng nổi một tâm hồn mẫn tiệp , ham sống . Đó cũng chính là cái sống bền bĩ , muôn đời mà cũng là những gì tiêu biểu cho quyền sống con người nghìn thuở hướng vươn lên " ( Phạm văn Diêu )