Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Trung Quốc xưa và nay

  
Nhân đọc một bài xã luận của nhà báo Chu phương - biên tập viên đối ngoại của Tân hoa xã  - đăng trong blog cá nhân của ông  tôi trực nhận sự dị biệt to lớn giữa Trung Quốc cổ đại và Trung Quốc đương đại . Chu Phương đã khẳng định : " Trung Quốc cổ đại và chính quyền Trung Quốc hiện nay không phải là một quốc gia . Giữa hai thực thể nầy ngoài việc kế thừa ở một chừng mực nhất định nào đó về văn hóa ra , căn bản không có một tí liên hệ nào cả " . Phải chăng về mô thức xã hội , định chế chính trị của Trung Quốc ngày xưa đã hoàn toàn biến thái từ một xã hội tình sang một xã hội lý . Đó là một hiện tượng vong thân trong  chính trị .Chính vì vậy mà TQ dần dần bớt bạn thêm thù . Chu Phương cũng như các bậc thức giả khác của Trung Quốc hiện nay đang rất quan ngại về mưu đồ bành trướng của chính quyền Trung Quốc . Sự kiện nầy dễ dẫn đến chiến tranh  , mà chiến tranh thì ai cũng sợ hãi  vì chiến tranh là con yêu tinh tàn hại gieo rắc đau thương và chết chóc .. Trừ những chủ đầu tư và những kẻ buôn bán vũ khí thì không ai muốn chiến tranh cả . Nguyên nhân nào khiến cho TQ cổ đại và TQ ngày nay  không còn " một tơ hào quan hệ nào cả ? " ?

      Tôi còn nhớ hai câu thơ của một tác giả xứ Quảng viết sau cuộc chiến vệ quốc chống giặc xâm lăng biên giới phía Bắc vào cuối thập niên 70 : " tôi yêu Trung Hoa vì một lẽ sau cùng , đất nước có thơ Đường và liễu rũ ". Đó là cách nói hình tượng của thi ca . Thật ra Trung Quốc cổ đại không chỉ có " thơ đường và liễu rũ " mà có cả một nền văn minh tối cổ , một hệ thống tư tưởng triết học ngang tầm với buổi triêu dương của triết học Hy Lạp . Triết học Hy Lạp có tầm ảnh hưởng đối với châu Âu giống như triết học Trung Quốc có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với châu Á . Tiếc thay những tinh hoa của Nho , Phật , Lão đã không được kế thừa phát huy trong đời sống xã hội Trung Quốc mà lại bị thay thế bằng một thứ chủ nghĩa vay mượn của phương Tây . Tất cả những học thuyết chủ nghĩa của Tây phương đều là sản phẩm của của một loại triết học phạm trù  ( philosophie cathégorique )thiên về lý niệm  ( concept). Những thứ chủ nghĩa bắt đầu bằng chữ duy ( ism) là căn nguyên nguồn cội của những định kiến , cố chấp .Trong khi Tây phương hành trình về Đông phương để tạo lập lại cân bằng trong tư tưởng triết học thì đông phương - cụ thể là TQ- lại du nhập một sản phẩm ý thức hệ của Tây phương ! Cuộc cách mạng văn hóa diễn ra ở TQ đã tẩy trừ những tinh hoa của Trung Hoa cổ đại .Dọn cỏ mà không trồng hoa đã là tệ hại ; dọn hoa mà không trồng lại loại cây thích hợp với thổ nhưỡng thổ ngơi còn tệ hại hơn . Tên nước Trung Hoa thể hiện lòng tự hào về một quốc gia trung tâm của những tinh hoa nhân loại .Đó là sở trường , là điểm mạnh mà cũng là quốc bảo của  dân tộc Trung Hoa .Phật giáo du nhập vào Trung Hoa làm cho văn hóa của đất nước này thêm phong nhiêu đa dạng .Đạo lý nhân nghĩa của Khổng Mạnh được xem như một căn bản đạo đức trong đời sống xã hội . Khổng tử đi du thuyết khắp thiên hạ để đề cao chữ Nghĩa trong khi ai nấy đều nghĩ đến cái Lợi. Khổng Tử không coi thường cái lợi mà cho cái lợi phải theo sau cái nghĩa !: " Nghĩa trước mà lợi sau là vinh , lợi trước mà nghĩa sau là nhục " . Mạnh Tử sau này khẳng định : " Nếu chỉ nghĩ đến cái lợi trước thì kẻ nầy cướp hết đất của người kia mới hả dạ  " . Người chính danh quân tử là người chí nhân chí nghĩa . Nhân là mối quan hệ đẹp lành giữa ngừơi với người ; Nghĩa là mối quan hệ nhu thuận hòa hợp giữa cá nhân và cộng đồng , quốc gia xã tắc .( Trong cấu tự chữ Hán thì  Nhân gồm có  bộ nhân đứng và chữ nhị  ; Nghĩa gồm có bộ dương và chữ ngã   ).Xưa , Nguyễn Trãi dương cao lá cờ khởi nghĩa của Lê Lợi bằng hai chữ nhân nghĩa : " Đem đại nghĩa để thắng hung tàn ,lấy chí nhân để thay cường bạo "
                                                                          
 Nay chính quyền Trung Quốc với bản đồ lưỡi bò đã có ý đồ tóm thâu vùng Đông hải  thành Nam hải , lấn chiếm biển đảo của các nước lân bang , đó là hành động bất nghĩa , bất nhân  và phi pháp . Vùng biển đông ngoài hải phận của các nước còn có vùng ' công hải ' . TQ làm như vậy là hám  cái lợi trước mắt mà bỏ đi cái nghĩa lâu dài  . Hành động này của Trung Quốc đi ngược lại tuyên ngôn của chủ nghĩa cộng sản :"Giai cấp vô sản trên toàn thế giới đoàn kết lại ". Đó là tinh thần quốc tế vô sản . Cộng sản Trung Quốc sau khi thống nhất đất nước , tóm thâu quyền lực đã không là cộng sản quốc tế mà đã Trung Quốc hóa cọng sản . Các nước cọng sản đàn em của TQ ngây thơ cả tin vào ông anh xấu bụng rồi ra sẽ mất cả chì lẫn chài . Kết nghĩa với người anh thuộc loại Lý Thông thì sớm muộn gì cũng bị lợi dụng .
    Thông thường khi chưa nắm quyền lực , các chính trị gia liên minh với kẻ yếu ; nhưng khi nắm quyền lực rồi , họ lại trở thành kẻ mạnh hiếp yếu . 
 Chính quyền TQ muốn bành trướng , chinh phục các nước nhỏ bằng sức mạnh quân sự là một sai lầm lớn . Đế quốc Mông Cổ đã từng dẫm đạp lên nửa thế giới dưới gót giày chinh phạt ; bây giờ lại bị nội thuộc Trung Quốc  .
  Điểm mạnh của TQ là văn hóa . Tại sao TQ không phát triển thành  cường quốc văn hóa ? !
Khi đã là cường quốc văn hóa thì sẽ có đủ tác nhân để trở thành cường quốc kinh tế ! Hàn Quốc , Nhật Bản ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Trung Hoa cổ thời đã phát triển kinh tế bằng bản sắc văn hóa dân tộc . Xem phim Hàn Quốc người ta thích dùng sản phẩm của quốc gia nầy vì sắc thái văn hóa dân tộc của Hàn  bộc lộ qua phim ảnh . Sắc thái văn hóa của một dân tộc làm nên bản sắc dân tộc và sức mạnh của dân tộc đó .
   Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói : " Sẽ không có hạnh phúc nếu tự mình nhổ ra khỏi gốc rễ của truyền thống ". TQ ngày nay đã tự nhổ ra khỏi gốc rễ của truyền thống văn hóa cổ thời nên không còn được sự ngưỡng mộ của các nước lân bang . Tệ hại hơn nữa là TQ trở thành mối nguy   cơ đe dọa an ninh quốc gia lân bang trong khu vực và trên thế giới .

   "Trong một thời gian dài , thủ đoạn chinh phục duy nhất của TQ đó là dùng văn hóa , bây giờ là kinh tế ...nhưng sẽ không bao giờ là quân sự ...Bởi vì đạo lý Khổng Mạnh không cho phép ; bản tính của người dân Trung Quốc cũng không cho phép "( Chu Phương )

       Đúng vậy , nếu TQ dùng quân sự để chinh phục các nước yếu là nghịch với ý trời , với lòng dân và với công ước quốc tế về sự bình đẵng giữa các dân tộc . Nghịch với lòng dân thì sớm muộn gì cũng sẽ tiêu vong . Bởi vì dân là nước , nước làm cho thuyền nổi mà cũng có thể làm cho lật thuyền !




Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

tản mạn ký ức về Bùi Giáng



tranh của họa sĩ Đinh Cường 
       Đức Khổng Phu Tử cho rằng ở đời có ba hạnh phúc lớn nhất :
  - Một là cha mẹ còn sống , anh em hòa thuận
  -Hai là được gần gũi với những thiện trí thức
  - Ba là nhìn lên không thẹn với trời , ngó xuống không hổ với người và nhìn lại trong lòng mình không có gì tội lỗi .
   Tôi may mắn có được hạnh phúc thứ hai , nghĩa là có dịp gần gũi với các bậc  thiện trí thức như Bùi Giáng , Phạm công Thiện , Nguyễn Đăng Thục ,...
   Trong những năm học phổ thông tôi đã rất mê đọc Bùi Giáng :  Mưa nguồn , Lá hoa cồn , Mùa thu thi ca , Sa mạc phát tiết , ...Nhưng mãi đến năm 1969- 1970 tôi mới được gặp và làm quen với một Bùi Giáng bằng xương bằng thịt - đó là lúc tôi mới bước chân vào Đại học Vạn Hạnh -Có ai đó cho rằng : " Các cô gái tốt thì tìm đọc những quyển sách hay , còn các bậc thánh nữ thì tìm cách ngủ với tác giả của nó " .Tôi tuy không phải là thánh nữ nhưng cũng tìm mọi cách " ăn nằm " với Bùi Giáng . Mặc dù trong giới phê bình thời đó có người lên án : " Bùi Giáng và Phạm công Thiện là hai con rắn ẩn náu trong trong Đại học Vạn Hạnh chuyên phun nọc độc ..".Nọc rắn làm chết người nhưng cũng là dược tố cứu người . Thượng tọa viện trưởng viện Đại học Vạn Hạnh dường như thấy được dược tính của hai loại rắn này nên mời hai vị này cọng tác giảng dạy tại viện . Nagaruna ( Long Thọ bồ tát ) cũng đã từng phun nọc độc về tánh không luận .Phạm công Thiện thì chịu cọng tác với viện ở cương vị là khoa trưởng phân khoa văn học và khoa học nhân văn . Nhưng còn họ Bùi thì vốn ghét cay ghét đắng kiến thức kinh viện , triết lý nhà trường nên một mực từ chối .Tuy vậy , thầy viện trưởng vẫn sắp xếp cho Bùi Giáng một phòng đối diện với phòng của Phạm công Thiện gần tòa viện trưởng . Ý thầy viện trưởng là không muốn cho họ Bùi giong rủi ,lang thang trên khắp phố thị Sài Gòn và có chỗ ổn định để trước tác , dịch thuật . Phải nói là viện trưởng thực là có con" mắt xanh "  nhận ra thiên tài dịch thuật của họ Bùi . Những danh tác của Shakespeare, của André Gide , Saint Ext, Hermann Hesse , Nietzche, Heidegger vv...lần lượt được họ Bùi chuyển dịch sang tiếng Việt bằng một ngôn ngữ dịch thuật điêu luyện đến mức không còn thấy dấu vết của sự điêu luyện .. Lâu nay người ta chỉ biết Bùi Giáng là một thi sĩ điên gàn , ít có ai ngờ rằng Bùi Giáng còn là  một nhà dịch thuật , một nhà tư tưởng và là một nhà hội họa . Bùi Giáng thường hay nói đến nàng Kim Cương trong thơ chỉ vì Bùi Giáng rất mê kinh Kim Cương của nhà Phật . Chỉ một cuốn kinh Kim Cương đã chi phối toàn bộ tư tưởng của họ Bùi . Mỗi lần đến thăm chơi với Bùi Giáng tôi đều bắt gặp ông đọc bộ kinh Kim Cương nguyên bản chữ Hán nét chữ nhỏ liu riu như con kiến .Gian phòng rộng và thoáng nhưng sàn nhà thì vương vãi tàn thuốc ...Bùi Giáng trong tư thế nửa nằm nửa ngồi , lựng dựa vào tường ; dưới cặp kính dày như hai đít chai là hai con mắt thao láo chăm chú vào trang sách , không cần biết có ai ở kế bên cả . Tôi bỗng có cảm giác như đang thấy một con gà đang ấp trứng ...hay một con mèo đang rình chuột vậy .
   Xưa , tổ Huệ Năng cũng nhờ nghe một câu  ( Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm )trong kinh Kim Cương mà ngộ . Với Bùi Giáng thì nguồn cảm hứng thi ca về nàng Kim Cương cũng tuôn trào từ đó . . Và điều trùng hợp lý thú là Phạm Công Thiện đang tu tại một chủng viện ở Đà Lạt bay về Nha Trang sau khi viết cuốn " Ý thức mới trong văn nghệ và triết học " ; tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang Phạm công Thiện được Tuệ Sỹ giới thiệu cho cuốn Kim Cương ; đọc xong bộ kinh , Phạm công Thiện cởi chiếc áo dòng , cạo đầu và ...mặc vào chiếc áo nâu sòng !
  Không cần phải đọc nhiều , học nhiều , chỉ cần ngộ ra một điều là thông suốt tất cả ! "Nhất ánh xuân quang xứ xứ hoa " ( Tuệ Trung Thượng Sỹ ) Chỉ cần một tia nắng của mùa xuân thì đâu đâu cũng nở hoa xuân .
   Sau năm 1975 tôi gặp Bùi Giáng ( lần cuối ) trước cổng trường Đại học Vạn hạnh . Tiên sinh đội một cái sọt rác trên đầu , khoác chiếc áo choàng của phụ nữ , dắt theo mấy con chó .Nghe nói mấy con chó nầy đi đâu ông cũng dẫn theo làm sủa vang các hẻm đường .; có hồi ông dồn tất cả vào bao bố và vác trên lưng làm chúng ngộp thở ngất ngư chỉ còn kêu hực hực trong bao .Đàn chó nầy mỗi con đều có một cái tên . Và có người kinh hoàng khi nghe ông gọi  tên con chó  xấu xí , nhếch nhác nhất trong đám bằng cái tên  nhân vật số một của lịch sử hiện đại .Tôi mời ông ghé lại quán cà phê Nha tu thư của Viện Đại học Vạn Hạnh để thăm hỏi , hàn huyên . Câu chuyện đang vui vẻ bỗng nhiên tôi vô tình nhắc đến một cái tên khiến tiên sinh bất thình lình nổi đóa la hét chửi bới ...làm tôi hoảng hốt lính quính thiếu điều quên trả tiền cà phê ...Ra tới đường , tôi nhìn theo tiên sinh , thấy tiên sinh đang bước những bước khoan thai trên hè phố - những bước chân xem ra vững chải như ngọc tỷ của Quốc Vương in lên tờ chiếu chỉ . Tôi bỗng nhớ mấy câu thơ của ông mà tôi đã từng mê :
      Đường phố thị cũng xa bay như gió
      Cộ xe nhiều cũng nhảy bỗng như hươu
      Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
      Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu

   Ông La Toàn Vịnh , cựu sinh viên trường Mỹ thuật Gia Định , trên số báo kinh tế ngày 17/10/1998 có nhắc chỗ ông Xuân Diệu diễn thuyết trong khuôn viên trường Mỹ thuật , Bùi Giáng đi tới đi lui ngoài cổng trường và chửi đổng : " Mẹ mày Xuân Diệu ...Mẹ mày Xuân Diệu ..." Nhớ đến đây tôi không thể không bật cười mà tưởng tượng ra cái dáng đi , cái điệu nói , tiếng cười và cả giọng chưởi của ông ...

     Vào ngày 17/ 8 năm Mậu Dần ( 7/ 10/ 1998 ) tôi bàng hoàng khi hay tin Bùi Giáng đã ra đi . Vì xa xôi cách trở nên tôi không về được Sài Gòn để dự đám tang của tiên sinh tại chùa Vĩnh Nghiêm . Sau đó , tôi được một người bạn trao cho tập kỷ yếu Bùi Giáng . Lần này tôi lại nao lòng hơn khi bắt gặp đôi mắt của Bùi sau làn kính cận in trên trang bìa của tập sách . Ôi ! đôi " biệt nhãn " đó đã từng rình rập từng chữ , từng câu trong bộ kinh Kim Cương, làm tôi lại nghe rúng động với cái cảm giác thấy mèo rình chuột ,thấy  gà ấp trứng năm nào ! Bùi Giáng đã ra đi,  nhưng ,  những đấng tài hoa như tiên sinh thì " thác là thể phách , còn là tinh anh " .

      Trong thế kỷ XX , ở Việt nam xuất hiện hai thiên tài : Một là Bùi Giáng diễn đạt tư tưởng bằng thi ca , dịch thuật , phê bình , khảo luận ; hai là Trịnh công sơn diễn đạt tư tưởng bằng âm nhạc với những ca từ giàu chất thơ . Đó là những minh triết của thời đại chúng ta . Có lẽ , phải đợi một thế kỷ sau thì hào quang của hai con người ấy mới len lõi đến mọi ngỏ ngách của tư tưởng con người Việt Nam

                            Bài viết vào cuối năm Mậu Dần (1998)

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Khát vọng làm người

         
                             
                 Tập tễnh làm thơ tập tễnh yêu 
                 Tập tễnh sương mai đến nắng chiều
                 Tập tễnh cả đời còn tập tễnh 
                 Tập tễnh làm người tập tễnh yêu .( Nguyên Âm )

  Làm người thì ai cũng  muốn nhưng muốn hoàn thiện nhân cách đích thực của một con người đúng nghĩa NGƯỜI  ( viết hoa ) thì phải dày công thực tập chuyển hóa dần dần . Trước khi trở thành một chức danh gì đó phải là con người đúng nghĩa . Làm gì cũng được - làm chính khách , làm nhà doanh nghiệp , kỹ sư , bác sĩ ...hay làm một dân thường- nhưng trước hết phải làm người cho ra người . Khổng Tử từng dạy : " làm người khó lắm " . Bài thơ " Tập tễnh " của Nguyên Âm nói lên khát vọng của một con người như thế .
   Bài thơ làm cho người viết nhớ đến quẻ " vị tế " trong kinh dịch . Vị tế là chưa xong : vạn sự trên đời đều là chưa xong . Chính vì chưa xong nên còn phải tiếp tục , cố gắng làm cho xong . Cái chết đến với con người giữa lúc công việc còn dang dỡ , thậm chí có ngừơi chết khi chưa ăn xong bửa cơm . Không ai bảo chắc rằng mình làm xong mọi việc trước khi nhắm mắt . Vì không có gì gọi là xong nên mọi việc trên đời đều phải bắt đầu trở lại và cứ thế tập tễnh mày mò , thực tập . Cái tứ của bài thơ là khát vọng hoàn thiện , hoàn mãn cái đạo làm người nhưng đây không chỉ đơn thuần khát vọng suông mà còn thực hành liên tục , bền bĩ mỗi ngày từ sớm mai cho đến chiều tà .
                    Tập tễnh làm thơ tập tễnh yêu 
                     Tập tễnh sương mai đến nắng chiều 
Chủ thể trữ tình của bài thơ thiên về khuynh hướng hành động , thực tập hơn là lý trí biện giải . Khuynh hướng lý trí làm cho  chúng ta tiêu hao khá nhiều thời giờ vào việc học hỏi , thu nạp kiến thức , bình luận phê phán .Học nhiều biết nhiều mà không thực hành chẳng khác gì thuộc lòng sách nấu ăn mà không bao giờ xuống bếp . Hai chữ tập tễnh ở đầu mỗi câu thơ như muốn nói lên tính thực hành liên tục , bất tận trên cuộc hành trình tiến tới con người đích thực . Nhưng sao phải tập làm thơ ? Phải chăng là cho dù có là thi hào thi bá ...hoặc đã để lại cho đời cả một núi thơ thì chắc gì đã bay vào không gian vô tận . Thơ đưa ta bay lên bằng đôi cánh của vần điệu . Mộng ước của thi nhân là bay lên thật cao , lánh cuộc hồng trần , xa vòng tục lụy .Đó là khát vọng thăng hoa .Sống là là trên mặt đất ( terre à terre )thì thật là chán . Thi sĩ Tản Đà có lần muốn lên trăng vì trần thế em nay chán nửa rồi nhưng muốn bay thật cao phải biết rũ bỏ những hệ lụy , triền phược của cuộc đời đa đoan . Hàng ngày phải sống cuộc đời khinh an , buông bỏ . Tập làm thơ tức là tập thăng hoa vì  cuộc sống vốn dĩ có quá nhiều đeo mang , ràng buộc .
    Ngoài tập tễnh làm thơ còn phải tập tễnh yêu . Không nhất thiết là tình yêu đôi lứa  .Tập yêu là tập trải lòng mình trước cái đẹp , tập cho con tim biết rung động đúng lúc .Tình yêu làm cho cuộc đời vui tươi , ấm áp .Không có tình yêu cuộc đời sẽ băng giá . Con người vốn là giống hữu tình nhưng vì vật dụng , tham lam...đã trở nên vô tình .
                 Giang hà nhật hạ nhân ô trọc 
                 Thiên hạ lô trung thục hữu tình 
Sông nước mỗi ngày mỗi cạn , người người đều ô trọc . Trong cái lò của trời đất , ai là giống hữu tình đây ? Thi sĩ vốn dĩ đa tình .Yêu rất nhiều nhưng độc chiếm chẳng bao nhiêu. Khác với kẻ quyền uy trọc phú , vợ quá nhiều nhưng chẳng biết yêu ai . Có một câu đối treo trước thiền phòng đáng được suy ngẫm :
                          Bất tục tất tiên cốt 
                          Đa tình thị Phật tâm 
               ( không tục là cốt tiên , đa tình là tâm phật )  .
     Tình yêu là năng lượng được chế tác từ lòng bi mẫn đối với vạn vật .Tình yêu làm cho con  người chìm đắm vấy bùn được gọi tên là bể ái . Còn tình yêu chắp cánh cho con người bay vào không gian vô tận được gọi là đại bi .
  Khó khăn lắm mới hóa được kiếp người . Thế mà khi chào đời lại cất tiếng khóc oa oa . Ấy là vì con người rồi ra sẽ không biết thực tập chuyển hóa , không biết chế tác năng lượng tình yêu bằng chất liệu từ . Vậy phải sống làm sao để khi chết không khóc mà cười .
                    Sống sao khi chết khóc - cười đổi ngôi ( Nguyên Âm )
    Có lẽ phải thực tập cả một đời người mới có được cái chết khinh an như vậy .
                   Tập tễnh cả đời còn tập tễnh 
                   Tập tễnh làm người tập tễnh yêu 
 Bài thơ có cái âm điệu hối hả khẩn trương vì e rằng không còn thời gian tập tễnh . Cả bài thơ xoay quanh ba động từ chỉ động thái : làm thơ , yêu , làm người . Ở mỗi đầu câu thơ là hai từ tập tễnh . Hình thức kết cấu và nghệ thuật ngôn từ nói lên khát vọng làm người trên con đường thực tập , thể nghiệm , kinh qua .nếm trải...thậm chí có khi phải hứng chịu bao nỗi trần phiền .

 Sống phải biết thăng hoa , phải biết nhìn đời bằng con mắt thương ( thay vì mắt xanh xét nét ). Sống như vậy may ra mới sống được cuộc đời của một con người đích thực . Ước mơ này dẫu gửi phía chân trời  nhưng mãi mãi vẫn là mơ ước muôn đời của con người nghìn thuở hướng vươn lên .