tranh của họa sĩ Đinh Cường |
- Một là cha mẹ còn sống , anh em hòa thuận
-Hai là được gần gũi với những thiện trí thức
- Ba là nhìn lên không thẹn với trời , ngó xuống không hổ với người và nhìn lại trong lòng mình không có gì tội lỗi .
Tôi may mắn có được hạnh phúc thứ hai , nghĩa là có dịp gần gũi với các bậc thiện trí thức như Bùi Giáng , Phạm công Thiện , Nguyễn Đăng Thục ,...
Trong những năm học phổ thông tôi đã rất mê đọc Bùi Giáng : Mưa nguồn , Lá hoa cồn , Mùa thu thi ca , Sa mạc phát tiết , ...Nhưng mãi đến năm 1969- 1970 tôi mới được gặp và làm quen với một Bùi Giáng bằng xương bằng thịt - đó là lúc tôi mới bước chân vào Đại học Vạn Hạnh -Có ai đó cho rằng : " Các cô gái tốt thì tìm đọc những quyển sách hay , còn các bậc thánh nữ thì tìm cách ngủ với tác giả của nó " .Tôi tuy không phải là thánh nữ nhưng cũng tìm mọi cách " ăn nằm " với Bùi Giáng . Mặc dù trong giới phê bình thời đó có người lên án : " Bùi Giáng và Phạm công Thiện là hai con rắn ẩn náu trong trong Đại học Vạn Hạnh chuyên phun nọc độc ..".Nọc rắn làm chết người nhưng cũng là dược tố cứu người . Thượng tọa viện trưởng viện Đại học Vạn Hạnh dường như thấy được dược tính của hai loại rắn này nên mời hai vị này cọng tác giảng dạy tại viện . Nagaruna ( Long Thọ bồ tát ) cũng đã từng phun nọc độc về tánh không luận .Phạm công Thiện thì chịu cọng tác với viện ở cương vị là khoa trưởng phân khoa văn học và khoa học nhân văn . Nhưng còn họ Bùi thì vốn ghét cay ghét đắng kiến thức kinh viện , triết lý nhà trường nên một mực từ chối .Tuy vậy , thầy viện trưởng vẫn sắp xếp cho Bùi Giáng một phòng đối diện với phòng của Phạm công Thiện gần tòa viện trưởng . Ý thầy viện trưởng là không muốn cho họ Bùi giong rủi ,lang thang trên khắp phố thị Sài Gòn và có chỗ ổn định để trước tác , dịch thuật . Phải nói là viện trưởng thực là có con" mắt xanh " nhận ra thiên tài dịch thuật của họ Bùi . Những danh tác của Shakespeare, của André Gide , Saint Ext, Hermann Hesse , Nietzche, Heidegger vv...lần lượt được họ Bùi chuyển dịch sang tiếng Việt bằng một ngôn ngữ dịch thuật điêu luyện đến mức không còn thấy dấu vết của sự điêu luyện .. Lâu nay người ta chỉ biết Bùi Giáng là một thi sĩ điên gàn , ít có ai ngờ rằng Bùi Giáng còn là một nhà dịch thuật , một nhà tư tưởng và là một nhà hội họa . Bùi Giáng thường hay nói đến nàng Kim Cương trong thơ chỉ vì Bùi Giáng rất mê kinh Kim Cương của nhà Phật . Chỉ một cuốn kinh Kim Cương đã chi phối toàn bộ tư tưởng của họ Bùi . Mỗi lần đến thăm chơi với Bùi Giáng tôi đều bắt gặp ông đọc bộ kinh Kim Cương nguyên bản chữ Hán nét chữ nhỏ liu riu như con kiến .Gian phòng rộng và thoáng nhưng sàn nhà thì vương vãi tàn thuốc ...Bùi Giáng trong tư thế nửa nằm nửa ngồi , lựng dựa vào tường ; dưới cặp kính dày như hai đít chai là hai con mắt thao láo chăm chú vào trang sách , không cần biết có ai ở kế bên cả . Tôi bỗng có cảm giác như đang thấy một con gà đang ấp trứng ...hay một con mèo đang rình chuột vậy .
Xưa , tổ Huệ Năng cũng nhờ nghe một câu ( Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm )trong kinh Kim Cương mà ngộ . Với Bùi Giáng thì nguồn cảm hứng thi ca về nàng Kim Cương cũng tuôn trào từ đó . . Và điều trùng hợp lý thú là Phạm Công Thiện đang tu tại một chủng viện ở Đà Lạt bay về Nha Trang sau khi viết cuốn " Ý thức mới trong văn nghệ và triết học " ; tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang Phạm công Thiện được Tuệ Sỹ giới thiệu cho cuốn Kim Cương ; đọc xong bộ kinh , Phạm công Thiện cởi chiếc áo dòng , cạo đầu và ...mặc vào chiếc áo nâu sòng !
Không cần phải đọc nhiều , học nhiều , chỉ cần ngộ ra một điều là thông suốt tất cả ! "Nhất ánh xuân quang xứ xứ hoa " ( Tuệ Trung Thượng Sỹ ) Chỉ cần một tia nắng của mùa xuân thì đâu đâu cũng nở hoa xuân .
Sau năm 1975 tôi gặp Bùi Giáng ( lần cuối ) trước cổng trường Đại học Vạn hạnh . Tiên sinh đội một cái sọt rác trên đầu , khoác chiếc áo choàng của phụ nữ , dắt theo mấy con chó .Nghe nói mấy con chó nầy đi đâu ông cũng dẫn theo làm sủa vang các hẻm đường .; có hồi ông dồn tất cả vào bao bố và vác trên lưng làm chúng ngộp thở ngất ngư chỉ còn kêu hực hực trong bao .Đàn chó nầy mỗi con đều có một cái tên . Và có người kinh hoàng khi nghe ông gọi tên con chó xấu xí , nhếch nhác nhất trong đám bằng cái tên nhân vật số một của lịch sử hiện đại .Tôi mời ông ghé lại quán cà phê Nha tu thư của Viện Đại học Vạn Hạnh để thăm hỏi , hàn huyên . Câu chuyện đang vui vẻ bỗng nhiên tôi vô tình nhắc đến một cái tên khiến tiên sinh bất thình lình nổi đóa la hét chửi bới ...làm tôi hoảng hốt lính quính thiếu điều quên trả tiền cà phê ...Ra tới đường , tôi nhìn theo tiên sinh , thấy tiên sinh đang bước những bước khoan thai trên hè phố - những bước chân xem ra vững chải như ngọc tỷ của Quốc Vương in lên tờ chiếu chỉ . Tôi bỗng nhớ mấy câu thơ của ông mà tôi đã từng mê :
Đường phố thị cũng xa bay như gió
Cộ xe nhiều cũng nhảy bỗng như hươu
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu
Ông La Toàn Vịnh , cựu sinh viên trường Mỹ thuật Gia Định , trên số báo kinh tế ngày 17/10/1998 có nhắc chỗ ông Xuân Diệu diễn thuyết trong khuôn viên trường Mỹ thuật , Bùi Giáng đi tới đi lui ngoài cổng trường và chửi đổng : " Mẹ mày Xuân Diệu ...Mẹ mày Xuân Diệu ..." Nhớ đến đây tôi không thể không bật cười mà tưởng tượng ra cái dáng đi , cái điệu nói , tiếng cười và cả giọng chưởi của ông ...
Vào ngày 17/ 8 năm Mậu Dần ( 7/ 10/ 1998 ) tôi bàng hoàng khi hay tin Bùi Giáng đã ra đi . Vì xa xôi cách trở nên tôi không về được Sài Gòn để dự đám tang của tiên sinh tại chùa Vĩnh Nghiêm . Sau đó , tôi được một người bạn trao cho tập kỷ yếu Bùi Giáng . Lần này tôi lại nao lòng hơn khi bắt gặp đôi mắt của Bùi sau làn kính cận in trên trang bìa của tập sách . Ôi ! đôi " biệt nhãn " đó đã từng rình rập từng chữ , từng câu trong bộ kinh Kim Cương, làm tôi lại nghe rúng động với cái cảm giác thấy mèo rình chuột ,thấy gà ấp trứng năm nào ! Bùi Giáng đã ra đi, nhưng , những đấng tài hoa như tiên sinh thì " thác là thể phách , còn là tinh anh " .
Trong thế kỷ XX , ở Việt nam xuất hiện hai thiên tài : Một là Bùi Giáng diễn đạt tư tưởng bằng thi ca , dịch thuật , phê bình , khảo luận ; hai là Trịnh công sơn diễn đạt tư tưởng bằng âm nhạc với những ca từ giàu chất thơ . Đó là những minh triết của thời đại chúng ta . Có lẽ , phải đợi một thế kỷ sau thì hào quang của hai con người ấy mới len lõi đến mọi ngỏ ngách của tư tưởng con người Việt Nam
Bài viết vào cuối năm Mậu Dần (1998)
Hôm nay nhân lúc nhàn rỗi,tâm hồn thanh thản Đức Sơn đọc chậm rãi bài viết của Thầy Đạt Nhân. Đọc bài của thầy ,phải mang tâm thanh thản,không vội vã ,không được hấp tấp ,đó là điều Đức Sơn tự dặn lòng mình như vậy,kể từ khi lần đầu đọc bài viết của thầy.
Trả lờiXóaKể từ hôm nay ,Thầy cho phép Đức Sơn được gọi thầy là thầy nhé.Bởi vì qua tìm hiểu về thầy, Đức Sơn thấy cần phải xưng hô như vậy mới phải phép.Trước đây mới vào blog của thầy ,Đức Sơn chỉ nghĩ đây cũng chỉ là blog như những blog khác .Nhưng từ lúc đọc các bài viết của thầy Đức Sơn cho rằng nên xem blog của thầy là :
- Một Thảo Am điện tử
Ngoài đời khi bước vào một Thảo Am, mọi người đều phải chỉnh sửa bản thân từ trang phục cho đến tâm hồn mình thanh sạch,nhu hòa.Đến để chia sẻ ,yêu thương nhau.
Đến với Thảo Am điện tử Phạm Hạnh ,cũng vậy thôi,và mong mọi người chấp nhận như vậy.
Đức Sơn đôi dòng nói lên cảm nghĩ thực của mình,kính mong thầy và mọi người chấp nhận nhé.
Chào Đức sơn !
Trả lờiXóaĐọc comment của Đức Sơn tôi lấy làm cảm động vì nghe được khích lệ một cách chân tình . Đây là phần thưởng lớn cho người viết blog . Chữ nghĩa thánh hiền , văn tự trong thế giới tục đế có sứ mạng chuyển tải đạo nghĩa ở đời . Vẫn biết rằng về phương diện chân đế thì ngôn ngữ đạo đoạn . Nhưng vì phương tiện cũng muốn hát vu vơ trong cõi vô thanh . Không ngờ có người tưng tiu , trân quý . Âu cũng là đồng thanh âm hưởng , đồng khí quy hưởng . Người xưa có nói : " Ngao du khắp thiên hạ , tri âm được mấy người " cũng không ngoa !
Một là Bùi Giáng diễn đạt tư tưởng bằng thi ca , dịch thuật , phê bình , khảo luận ; hai là Trịnh công sơn diễn đạt tư tưởng bằng âm nhạc với những ca từ giàu chất thơ.
Trả lờiXóaTheo Trần Trụi thì có lẽ là Phạm Duy bác Phạm Hạnh à.
Trần Trụi nói cũng phải ! Nhung nghĩ kỹ thì hình như ca từ trong nhạc Phạm Duy mang chất trịết luận trội hơn chất thơ !
Trả lờiXóa