Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Trung Quốc xưa và nay

  
Nhân đọc một bài xã luận của nhà báo Chu phương - biên tập viên đối ngoại của Tân hoa xã  - đăng trong blog cá nhân của ông  tôi trực nhận sự dị biệt to lớn giữa Trung Quốc cổ đại và Trung Quốc đương đại . Chu Phương đã khẳng định : " Trung Quốc cổ đại và chính quyền Trung Quốc hiện nay không phải là một quốc gia . Giữa hai thực thể nầy ngoài việc kế thừa ở một chừng mực nhất định nào đó về văn hóa ra , căn bản không có một tí liên hệ nào cả " . Phải chăng về mô thức xã hội , định chế chính trị của Trung Quốc ngày xưa đã hoàn toàn biến thái từ một xã hội tình sang một xã hội lý . Đó là một hiện tượng vong thân trong  chính trị .Chính vì vậy mà TQ dần dần bớt bạn thêm thù . Chu Phương cũng như các bậc thức giả khác của Trung Quốc hiện nay đang rất quan ngại về mưu đồ bành trướng của chính quyền Trung Quốc . Sự kiện nầy dễ dẫn đến chiến tranh  , mà chiến tranh thì ai cũng sợ hãi  vì chiến tranh là con yêu tinh tàn hại gieo rắc đau thương và chết chóc .. Trừ những chủ đầu tư và những kẻ buôn bán vũ khí thì không ai muốn chiến tranh cả . Nguyên nhân nào khiến cho TQ cổ đại và TQ ngày nay  không còn " một tơ hào quan hệ nào cả ? " ?

      Tôi còn nhớ hai câu thơ của một tác giả xứ Quảng viết sau cuộc chiến vệ quốc chống giặc xâm lăng biên giới phía Bắc vào cuối thập niên 70 : " tôi yêu Trung Hoa vì một lẽ sau cùng , đất nước có thơ Đường và liễu rũ ". Đó là cách nói hình tượng của thi ca . Thật ra Trung Quốc cổ đại không chỉ có " thơ đường và liễu rũ " mà có cả một nền văn minh tối cổ , một hệ thống tư tưởng triết học ngang tầm với buổi triêu dương của triết học Hy Lạp . Triết học Hy Lạp có tầm ảnh hưởng đối với châu Âu giống như triết học Trung Quốc có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với châu Á . Tiếc thay những tinh hoa của Nho , Phật , Lão đã không được kế thừa phát huy trong đời sống xã hội Trung Quốc mà lại bị thay thế bằng một thứ chủ nghĩa vay mượn của phương Tây . Tất cả những học thuyết chủ nghĩa của Tây phương đều là sản phẩm của của một loại triết học phạm trù  ( philosophie cathégorique )thiên về lý niệm  ( concept). Những thứ chủ nghĩa bắt đầu bằng chữ duy ( ism) là căn nguyên nguồn cội của những định kiến , cố chấp .Trong khi Tây phương hành trình về Đông phương để tạo lập lại cân bằng trong tư tưởng triết học thì đông phương - cụ thể là TQ- lại du nhập một sản phẩm ý thức hệ của Tây phương ! Cuộc cách mạng văn hóa diễn ra ở TQ đã tẩy trừ những tinh hoa của Trung Hoa cổ đại .Dọn cỏ mà không trồng hoa đã là tệ hại ; dọn hoa mà không trồng lại loại cây thích hợp với thổ nhưỡng thổ ngơi còn tệ hại hơn . Tên nước Trung Hoa thể hiện lòng tự hào về một quốc gia trung tâm của những tinh hoa nhân loại .Đó là sở trường , là điểm mạnh mà cũng là quốc bảo của  dân tộc Trung Hoa .Phật giáo du nhập vào Trung Hoa làm cho văn hóa của đất nước này thêm phong nhiêu đa dạng .Đạo lý nhân nghĩa của Khổng Mạnh được xem như một căn bản đạo đức trong đời sống xã hội . Khổng tử đi du thuyết khắp thiên hạ để đề cao chữ Nghĩa trong khi ai nấy đều nghĩ đến cái Lợi. Khổng Tử không coi thường cái lợi mà cho cái lợi phải theo sau cái nghĩa !: " Nghĩa trước mà lợi sau là vinh , lợi trước mà nghĩa sau là nhục " . Mạnh Tử sau này khẳng định : " Nếu chỉ nghĩ đến cái lợi trước thì kẻ nầy cướp hết đất của người kia mới hả dạ  " . Người chính danh quân tử là người chí nhân chí nghĩa . Nhân là mối quan hệ đẹp lành giữa ngừơi với người ; Nghĩa là mối quan hệ nhu thuận hòa hợp giữa cá nhân và cộng đồng , quốc gia xã tắc .( Trong cấu tự chữ Hán thì  Nhân gồm có  bộ nhân đứng và chữ nhị  ; Nghĩa gồm có bộ dương và chữ ngã   ).Xưa , Nguyễn Trãi dương cao lá cờ khởi nghĩa của Lê Lợi bằng hai chữ nhân nghĩa : " Đem đại nghĩa để thắng hung tàn ,lấy chí nhân để thay cường bạo "
                                                                          
 Nay chính quyền Trung Quốc với bản đồ lưỡi bò đã có ý đồ tóm thâu vùng Đông hải  thành Nam hải , lấn chiếm biển đảo của các nước lân bang , đó là hành động bất nghĩa , bất nhân  và phi pháp . Vùng biển đông ngoài hải phận của các nước còn có vùng ' công hải ' . TQ làm như vậy là hám  cái lợi trước mắt mà bỏ đi cái nghĩa lâu dài  . Hành động này của Trung Quốc đi ngược lại tuyên ngôn của chủ nghĩa cộng sản :"Giai cấp vô sản trên toàn thế giới đoàn kết lại ". Đó là tinh thần quốc tế vô sản . Cộng sản Trung Quốc sau khi thống nhất đất nước , tóm thâu quyền lực đã không là cộng sản quốc tế mà đã Trung Quốc hóa cọng sản . Các nước cọng sản đàn em của TQ ngây thơ cả tin vào ông anh xấu bụng rồi ra sẽ mất cả chì lẫn chài . Kết nghĩa với người anh thuộc loại Lý Thông thì sớm muộn gì cũng bị lợi dụng .
    Thông thường khi chưa nắm quyền lực , các chính trị gia liên minh với kẻ yếu ; nhưng khi nắm quyền lực rồi , họ lại trở thành kẻ mạnh hiếp yếu . 
 Chính quyền TQ muốn bành trướng , chinh phục các nước nhỏ bằng sức mạnh quân sự là một sai lầm lớn . Đế quốc Mông Cổ đã từng dẫm đạp lên nửa thế giới dưới gót giày chinh phạt ; bây giờ lại bị nội thuộc Trung Quốc  .
  Điểm mạnh của TQ là văn hóa . Tại sao TQ không phát triển thành  cường quốc văn hóa ? !
Khi đã là cường quốc văn hóa thì sẽ có đủ tác nhân để trở thành cường quốc kinh tế ! Hàn Quốc , Nhật Bản ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Trung Hoa cổ thời đã phát triển kinh tế bằng bản sắc văn hóa dân tộc . Xem phim Hàn Quốc người ta thích dùng sản phẩm của quốc gia nầy vì sắc thái văn hóa dân tộc của Hàn  bộc lộ qua phim ảnh . Sắc thái văn hóa của một dân tộc làm nên bản sắc dân tộc và sức mạnh của dân tộc đó .
   Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói : " Sẽ không có hạnh phúc nếu tự mình nhổ ra khỏi gốc rễ của truyền thống ". TQ ngày nay đã tự nhổ ra khỏi gốc rễ của truyền thống văn hóa cổ thời nên không còn được sự ngưỡng mộ của các nước lân bang . Tệ hại hơn nữa là TQ trở thành mối nguy   cơ đe dọa an ninh quốc gia lân bang trong khu vực và trên thế giới .

   "Trong một thời gian dài , thủ đoạn chinh phục duy nhất của TQ đó là dùng văn hóa , bây giờ là kinh tế ...nhưng sẽ không bao giờ là quân sự ...Bởi vì đạo lý Khổng Mạnh không cho phép ; bản tính của người dân Trung Quốc cũng không cho phép "( Chu Phương )

       Đúng vậy , nếu TQ dùng quân sự để chinh phục các nước yếu là nghịch với ý trời , với lòng dân và với công ước quốc tế về sự bình đẵng giữa các dân tộc . Nghịch với lòng dân thì sớm muộn gì cũng sẽ tiêu vong . Bởi vì dân là nước , nước làm cho thuyền nổi mà cũng có thể làm cho lật thuyền !




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét