Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

NGÀY ẤY ...

     Ngày ấy đã trôi qua gần 1/2 thế kỷ . Ngày ấy vì thời cuộc tôi đành lìa xa ngôi trường Trần Quý Cáp thân yêu . Ngày ấy vào những năm 60 , tôi đang theo cấp học phổ thông đầy ắp những kỷ niệm khó quên của thời niên thiếu ; những dấu ấn khó phai của lứa tuổi trở mình làm người lớn , lớn xác nhưng chưa đủ khôn ... Đặc biệt với Thầy Dương Ngọc Tạo , " ngày ấy " của tôi vớiThầy đã trở thành huyền thoại đối với tôi trong suốt quãng đời sau khi rời trường trung học . Chính Thầy đã khơi nguồn chỉ lối cho tôi con đường tư duy đa phương , trái chiều . Thầy tôi cũng như những người làm giáo dục thời ấy đều đi theo đường hướng khai phóng rộng mở . Riêng đối với môn Văn , vấn đề nào không giải quyết được trong chính khóa thì Thầy đưa qua ngoại khóa thường là dưới hình thức thuyết trình . Nhớ một lần , Thầy đã giao cho tôi thuyết trình về vấn đề CAO BÁ QUÁT , CÁCH MẠNG HAY PHẢN LOẠN ? Đó là câu chuyện mà cũng là kỷ niệm khó quên trong đời tôi .

    Ngày ấy tôi đang học lớp đệ tứ . Trước một trọng trách được Thầy tín nhiệm giao phó , tôi không thể không hoang mang lo sợ . Nhưng sau đó tôi bình tâm trở lại khi nhớ tới lời khuyên của Decartes : " Có phương pháp thì dù không có tài năng cũng làm được việc ". Công việc đầu tiên là tôi đến nhà Thầy học phương pháp lập văn bản thuyết trình . Am hiểu toàn bộ ý nghĩa của đề tài là vấn đề nan giải nhất . Đó là việc mà tôi phải tự mình làm tự mình hiểu rồi tự mình trình bày một cách thuyết phục trước lớp . Muốn tìm hiểu thấu đáo vấn đề Thầy bảo tôi phải chẻ nhỏ thành nhiều câu hỏi :
   - Khái niệm cách mạng là gì ? ( theo quan điểm đông và tây )
   - Phản loạn là gì ?
   - Tư tưởng của  Cao Bá Quát
   - Tình hình chính trị xã hội đương thời
   - ...

     Sau khi ở nhà Thầy về tôi bắt mình phải triền miên suy tư về các vấn đề trên bất kể đang làm công việc gì ! Vấn đề nào chưa hiểu tường tận tôi tra cứu tài liệu tham khảo . Trước mặt tôi là hai chồng sách tham khảo do các bạn cung cấp theo chỉ đạo của Thầy . Nếu không làm tròn phận sự tôi cảm thấy có lỗi với Thầy tôi và phụ lòng các bạn của tôi . Sự thành công của buổi thuyết trình này tùy thuộc vào sự hô ứng , tâm truyền giữa Thầy và trò . Bản thân tôi theo gơi ý của Thầy ,  cũng mượn ở thư viện một số tác phẩm của các tác giả như : Phạm văn Diêu , Phạm Thế Ngũ , Dương Quãng Hàm , Nghiêm Xuân Hồng , Nguyễn Mạnh Côn .  Một lần nữa tôi được Thầy giảng sâu sắc về một trang sử triều đại nhà Nguyễn  -Tự Đức - thời Cao Bá Quát .
 Đó là :
   - Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do Lê Duy Cự cầm đầu và Cao Bá Quát làm quân sư xảy ra dưới thời Tự Đức .  Cao Bá Quát ra đời Khi Vua Gia Long đã vững vàng nghiệp đế . Ông vua này có công đưa giang sơn về một mối ; thống nhất lãnh thổ nhưng chưa thống nhất được nhân tâm .
  - Đất nước hòa bình nhưng chưa thái bình ! Ấy là do chính sách phân biệt Bắc Nam  và sự trả thù hèn hạ với nhà Tây Sơn . Đến thời Minh Mạng , Thiệu Trị , nhờ có văn học và biết vận dụng tư tưởng Tống Nho nên đất nước có phần ổn định về nội trị song do vụng về trong đối ngoại nên mắc phải những sai lầm trầm trọng .
  - Đó là chính sách " bế môn tỏa cảng " và giết hại giáo dân . Đến thời Tự Đức thì chẳng những không cải cách được gì mà còn bảo thủ lạc hậu nữa . Ngay việc Tự Đức lên ngôi cũng là mầm mống " huynh đệ tương tàn " , " nồi da xáo thịt " . Theo di chiếu của Thiệu Trị thì Hồng Bảo là  con trưởng được nối ngôi nhưng Hồng Nhậm cải di chiếu và lên ngôi lấy hiệu là Tự Đức . Hồng Bảo là người có tư tưởng tiến bộ , có óc duy tân , có chí hướng giao thương với Tây phương , gây thanh thế trên vũ đài quốc tế lại bị Hồng Nhậm  ( Tự Đức ) giam cho đến chết  .   -Trong 36 năm trị vì ( 1847- 1883) , Tự Đức không làm được gì ích nước lợi dân mà còn làm mất từng phần lãnh thổ và làm cho dân khổ trong vụ xây " Vạn niên cung " . Tự Đức là một ông Vua nhu nhược , ích kỷ , đớn hèn . Khi tướng Hoàng Kế Viêm dâng sớ xuất quân , Tự Đức phê vào sớ : " Nay chiến tranh , mai lại chiến tranh , chiến tranh hoài mà không thắng thì còn đất đai mô cho mẹ con Trẩm ở " .
   - Tự Đức suốt ngày xướng họa văn thơ với các cận thần dua nịnh , bỏ mặc cho quan lại đục khoét công quỹ ; hoàng tộc lộng hành . Đời sống của lương dân càng ngày càng trở nên bức bách , bần cùng , đói khổ. Giặc cướp nổi lên tứ tung.
   -  Trong tình hình đất nước lầm than như vậy buồn thay cho một số người được mệnh danh là kẻ sĩ vẫn cúc cung phụng sự cho triều đình vì bà lợi danh . Chẳng phải " hễ ra khỏi bụng mẹ là có vua để thờ " . Vua thì cũng có hôn quân . Đâu phải lúc nào cũng " sắp hai chữ quân thân mà gánh vác " . Điển hình cho loại trí thức này là Nguyễn Công Trứ - người sống đồng thời với Cao Bá Quát . Cao Bá Quát có tư tưởng tiến bộ , có tầm nhìn chiến lược về tương lai đất nước , có tâm huyết canh tân đổi mới .
 
    Thông thường những cá thể đột biến như Cao Bá Quát không chịu ép mình theo lề thói của xã hội vạch sẵn mà luôn luôn muốn thoát ra khuôn khổ và vươn lên tìm chân trời mới . Đó là nguyên động lực để tiên sinh gia nhập cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương . Khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại , cả dòng họ của Cao Bá Quát bị tru di tam tộc . Riêng Cao tiên sinh bị bắt bỏ củi đem về kinh để chịu  hành hình  . Các sử thần của vua thảy đều cho đây là cuộc phản loạn . Ngay cả Trúc Khê Lê Văn Triện ( làm việc ở Viễn Đông Bác cổ ) cũng dựa vào sử sách mà cho rằng khởi nghĩa Mỹ Lương " là việc cuồng vọng của nhà văn sĩ họ Cao bất đắc chí chứ không phải là việc do một cái tư tưởng cách mạng sản sinh ra ".
     Nếu cho rằng cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương chưa đầy đủ ý nghĩa để gọi là cách mạng thì hành động của Cao Bá Quát xuất phát từ tư tưởng cách mạng , từ  một tấm lòng với dân với nước . Tấm lòng đó được bộc bạch trong bài thơ ( * ) chữ Hán được diễn xuôi như sau :
    Ta sinh ra vốn không phụ với nước non này 
   Trời đất vô tình với ta không biết bao nhiêu nữa 
   Vĩnh biệt buồn nghe khúc ca Nam phố 
   Về làng nên đọc bài ca khải hoàn 
   Nước cũ ngàn năm còn lại tinh túy thiêng liêng 
  Một bước ra đi khách anh hùng uống nhiều hận 
   Lạy tạ miếu đường suốt ngày cảm động 
   Cây lá xưa vẫn như cũ nở cành hoa ngày nay 


  Đây là một văn liệu hiếm hoi do cụ Ngô Tất Tố phát hiện và đăng trong " Văn học tạp chí " ( 1939) .

  Nhà phê bình văn học Phạm văn Diêu đã thấu hiểu được tấm lòng của Cao Chu Thần bằng nhận xét : " Thật đáng trách cái chế độ hà khắc , trong giai đoạn suy vong lại càng ác liệt  đến không dung dưỡng một tâm hồn mẫn tiệp , ham sống - đó cũng là cái sống bền bĩ , muôn đời mà cũng là những gì tiêu biểu cho quyền sống con người nghìn thuở hướng vươn lên" .

     Trên đây là phần khái quát nội dung văn bản thuyết trình . Bước tiếp theo là học thuộc văn bản và bước cuối cùng là tập diễn thuyết . Nhờ lời khuyên của cụ Nguyễn Hiến Lê trong cuốn " Nghệ thuật nói trước công chúng " nên tôi vừa đi vừa trình bày văn bản trong một rừng thông vắng vẻ suốt mấy ngày liền và kết quả mỹ mãn . Buổi thuyết trình diễn ra song suốt . Cử tọa chăm chú lắng nghe , thảo luận sôi nổi , tranh luận nảy lữa .
    Cũng với đề tài này , sau khi tổ chức thuyết trình thành công tại lớp Tứ 3 của tôi , Thầy Dương Ngọc Tạo tổ chức thuyết trình mẫu cho cả khối đệ tứ . Mỗi lớp cử một số học sinh ưu tú tham gia để học tập rút kinh nghiệm về tổ chức cho lớp mình !
  Điều thú vị hơn nữa là cũng đề tài đó và cùng nội dung văn bản đó , tôi thuyết trình một lần nữa tại giảng đường phân khoa Văn khoa & và khoa học nhân văn Viện Đại học Vạn Hạnh dưới sự tổ chức của giáo sư Doãn Quốc Sỹ . Doãn Quốc Sỹ là là một nhà văn kiêm giáo sư đại học , được viện ĐH Vạn Hạnh mời giảng dạy giáo trình văn học và những vấn đề văn học .

      Sau hai sự kiện trên tôi đã càng trở nên dạn dĩ , hùng biện từ " ngày ấy " - cái ngày được Thầy Dương Ngọc Tạo khai thông , mở lối đi trên con đường nghiên cứu . Sự học phải gắn liền với nghiên cứu ; không nghiên cứu thì chưa thể nói là học !
 Dumas Père có một câu nói trứ danh : " Khi lớp học của con đã mãn thì sự học của con mới bắt đầu " . Thầy Dương Ngọc Tạo giống như một thiền sư lựa cho đúng  lúc nhân duyên thời tiết truyền tâm ấn , giao cho đệ tử một thoại đầu, để cho đệ tử tự mình vén mở chân lý !


Chú thích :
  ( * ) Khi đoàn giải tù đi ngang qua làng Bố Vệ ( Thanh Hóa ) Cao Bá Quát chợt trông thấy đền Vua Lê Thái Tổ bèn xin vào miếu để tế tam sinh . Trước linh vị của Vua Lê Thái Tổ , Cao Bá Quát cảm xúc ứng khẩu đọc bài thơ cảm động này !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét