Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Khổ nhi tri

  Khổ nhi tri hay khốn nhi tri là do khốn khổ cùng cực mà thấu hiểu lẽ trời lẽ đạo . Sách trung dung dành riêng một phần quan trọng ( chương XXIII) để bàn về phương pháp học hỏi . Trước hết là bàn về cách BIẾT . Có ba cách BIẾT :Một là sinh ra đã biết ( sinh nhi tri ) cái biết do thiên bẩm của bậc thượng trí ; thứ hai là học  mà biết ( học nhi tri ) là cách biết bậc thứ của người bình thường và thứ ba là do chịu khốn cùng khổ sở , nhờ vào kinh nghiệm mà  biết ( KHỔ nhi tri ). Dù biết bằng cách nào thì kết quả vẫn như nhau . Sự liễu ngộ trong đạo Phật bắt đầu từ liễu sinh tử . Chấp nhận sự thật khổ đau ( khổ đế )để tìm hiểu nguyên nhân khổ đau ( tập đế )và rồi chọn con đường tu tập ( đạo đế )để chấm dứt khổ đau ( diệt đế ) ." Đời là bể khổ" câu nói dân gian này phát ra từ cửa miệng của những người lâm vào cảnh khổ . Sinh lão bệnh tử khổ , cầu bất đắc khổ , ái biệt ly khổ oán tắng hội khổ , ...Không ai tránh được khổ .Nói như cách nói của một nhà thơ nào đó :
"Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió 
Cũng chỉ trong vòng bể thảm thôi "
  Tuy nhiên , nói như vậy không có nghĩa là ai ai cũng khổ . Nhờ y báo , phước báo thừa hưởng nhân lành kiếp trước nên có người gặp nhiều may mắn , được sung sướng hạnh phúc . Song dù vậy họ vẫn không thoát được sinh lão bệnh tử . Nói về người chịu cảnh khổ sẽ có hai thái độ khác nhau 
   1/ Chấp nhận sự thật một cách hoan hỹ . người này kham nhẫn chịu đựng kết quả của nghiệp NHÂN kiếp trước ( Đức Phật dạy rằng chúng sinh là kẻ thừa tự những hành động mà y đã gây ra trong quá khứ).Kham nhẫn là chịu đựng được những gì tưởng chừng không thể chịu đựng . Kinh qua được khổ đau cùng cực người này sẽ thấu hiểu được lẽ vô thường vô ngã .
  2/ Chịu hoàn cảnh khổ đau một cách buông xuôi , tha hồ để buồn đau gậm nhấm ,tàn hại thân tâm . Họ để cho nỗi khổ đau đè nặng lên thân phận rồi than thân trách phận , than trời trách đất , hờn cha oán mẹ .Họ không nghĩ quả đời này chính là nhân đời trước . Nói như cụ Nguyễn Du :
   Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
  Cái khổ nào rồi cũng giống cái khổ nào . hoàn cảnh thì không khác chỉ khác nhau ở thái độ của con người trước hoàn cảnh mà thôi . Do cái nhìn phân biệt mà nẩy sinh ra các hoàn cảnh khác nhau : " Tôi khổ đau vì tôi nhìn thấy hoàn cảnh của tôi khác hoàn cảnh của người kia , họ có phước hơn tôi , con họ thành đạt hơn con tôi ..vv... Với cái nhìn và thái độ ấy đương sự trước sau gì cũng chìm trong bể khổ . Nhưng nếu chấp nhận SỰ THẬT ( khổ ) một cách hoan hỹ , kham nhẫn , chịu đựng ...thì con người trong cảnh khổ này sẽ ngộ ra chân lý cuộc đời : Khổ- vô thường - vô ngã-.Vì quá đau khổ ta thấu hiểu được rằng ĐỜI LÀ KHỔ . Hiểu được khổ ta dễ dàng chấp nhận vô thường và vì vô thường nên mới vô ngã . Khổ nhi tri 
   Chịu đựng được điều tưởng chừng như không thể chịu đựng được gọi là nhẫn ba la mật . Kinh Kim Cang gọi là đắc thành ư nhẫn ..
Tu là phải rèn luyện trong sự đau khổ ( khổ tu ) . Tu sĩ Phật giáo tự xưng là bần tăng chứ không ai xưng là phú tăng . Ngày nay ít thấy ai xưng bần tăng vì đa số có khá nhiều tư hữu  .. Khổ đau khốn đốn là nghịch cảnh của người TU . "Tu trong nghịch cảnh chẳng khác nào nồi lửa bỏng mà rèn luyện thành kim cang bất hoại .". Thiền sư Hoàng Bá cho rằng để có   được mùi hương thơm ngát   vào mùa xuân thì  hoa mai phải biết chịu cái rét buốt của đêm đông hôm trước :
  Chẳng trãi một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát hương đưa
Khổ nhi tri là một cách biết , cách học hỏi để biết từ thế bị động biến thành chủ động - Vật cùng tất biến, biến cùng tất thông -. Trong lịch sử trong văn chương và cả trong thực tế cuộc sống liên tục xảy ra đây đó hiện tượng nầy . Ta thử đơn cử vài ví dụ :
   Vua Trần Thái Tông tức Trần Cảnh bị chú ruột của mình là Trần Thủ Độ bức ép lấy chị dâu ( vợ Trần Liễu ) đang có mang . Trần Cảnh đau khổ buồn bã, chán ngán trước cảnh thương luân bại lý đã bỏ cung điện ngôi báu như vứt " đôi giày rách " đang đêm qua sông Bình Than vào chùa Hoa Yên núi Yên Tử phát nguyện xuất gia cùng thiền sư Phù Vân . Vua nói :  Ta đến đây chỉ cầu làm Phật không cầu gì khác  ( duy cầu tác Phật bất cầu tha vật )  . Thiền sư khuyên vua : Bệ hạ nên trở về để thực hiện Đạo trong Đời . Trong núi không có Phật .Phật ở tại trong tâm .Tâm yên tỉnh mà giác ngộ ấy là Chân Phật .
  Và như vậy từ nỗi đau khổ bị bức ép mà Trần Cảnh đã giác ngộ được điều thứ nhất trong tám điều giác ngộ của bậc đại nhân ( bát đại nhân giác ) .*
  Trần Thủ Độ vì muốn gầy dựng nghiệp đế cho nhà tần nên bất chấp mọi thủ đoạn . Thủ Độ ép Lý huệ tông phải vào chùa . Trong hoàn cảnh bị bức ép , đau khổ , Lý huệ Tông không có tâm thế sẵn sàng chịu đựng nên khi nghe Thủ độ dọa " nhổ cỏ tận gốc "thì bèn ra sau chùa thắt cổ tự tử . Vì đã vào chùa nhưng chưa đắc thành ư nhẫn nhà vua cuối cùng của họ Lý phải chịu sự bức tử !
  Xem ra khổ và chịu khổ là hai thái độ khác nhau . Khổ là để cho nỗi đau tha hồ gậm nhấm , tàn hại thân tâm . Còn chịu khổ là kham nhẫn chấp nhận thực tại khổ đau , giáp mặt cuộc đời tìm ra lẽ đạo :
  "Bắt phong trần phải phong trần 
Cho thanh cao mới được phần thanh cao "
  Hai câu trên làm ta liên tưởng đến thân phận nàng Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn du . Trải qua Mười lăm năm bị trôi giạt , dập vùi , tủi nhục ê chề Kiều đã ngộ ra một điều : " tu là cõi phúc , tình là dây oan ".Trong buổi Kim Kiều tái hợp , cả nhà ai cũng động viên khích lệ Kiều chấp nối mối tình dang dở với Kim Trọng . Thế nhưng Kiều một mực chối từ và xin lập một am tranh sau vườn để tu cho hết kiếp phong trần .
  Thì ra , hạt giống Bồ Đề cho dù bị vùi lấp trong bùn đen tanh tưởi vẫn còn khả tính triển nở , nẩy mầm , để rồi vươn lên cao vút .... Tuy cũng có lúc Thúy Kiều buông tay trước số phận :
  "Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa "


Sao lại chừa chút lòng trinh bạch ?  Đó là bi kịch muôn thuở của con người bị o ép trước hoàn cảnh . Vì hoàn cảnh mà con người muốn sống lương thiện , hiền lương cũng không xong . Xưa nay người ta xin chừa những thói hư tật xấu chứ nào ai nói xin chừa lòng trinh bạch ?! Không phải Thúy kiều đổ thừa hoàn cảnh để ra tiếp khách làng chơi mà vì nàng biết  rất rõ khung hình phạt đối với tội " bỏ nhà theo trai "trong bối cảnh xã hội bấy giờ . Lỗi không phải ở nàng mà ở tên Sở Khanh đểu cáng  trân tráo . Hắn ta đã cấu kết với tú bà dụ cho Kiều bỏ trốn rồi  chỉ điểm  cho tú bà bắt lại .Điều đáng quý là mặc dầu " thanh y hai lượt thanh lâu hai lần "nhưng Kiều vẫn giữ được một " chữ Trinh " ( chữ trinh còn lại chút này ) . Chữ trinh ở đây chính là" nhất phiến băng tâm "là giác tính là lương thức trong " linh khâm " của mỗi con người . Như nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã nói :
  "Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn 
    Mà em vẫn giữ tấm lòng son "
Nhờ vào giác tính lương thức ấy mà Kiều ngộ ra được vô thường vô ngã . . Nhìn sâu vào khổ đau ta thấu hiểu được lẽ vô thường , hiểu được vô thường là chấp nhận vô ngã và vô ngã dẫn ta đến niết bàn !Niết bàn có nghĩa là dập tắt , tắt ngấm những khổ đau phiền muộn , đạt trạng thái an lạc diệt độ .
   Vào những năm 80 , nhiều người Việt Nam tìm đủ mọi cách vượt biển để tìm đến miền đất mà họ muốn đến . Họ đã phải chịu bao nhiêu nguy hiểm , gian truân lẫn máu và nước mắt  trong chuyến đi này . Nào là sóng to gió dữ nào là hải tặc hung hãn hiếp người cướp của ...nào là đói , khát , nào là thuyền bị chết máy giữa biển...Có gia đình năm  người sau chuyến đi chỉ còn một người sống sót . Người phụ nữ nầy đã  may mắn sống sót trong khi chồng chị  , hai con chị và đứa em của chị  đã không còn nữa . Đây là hoàn cảnh khổ đau tưởng chừng như không thể chịu đưng nổi ! Nhưng chị ấy đã vượt qua nhờ pháp âm , hải triều âm đã cảm ứng đạo giao. Khi đã chịu đựng tận cùng nỗi khổ chị đã ngộ được lẽ đời lẽ đạo . Chị dùng gần hầu hết đồng tiền kiếm được gởi về quê nhà cho gia đình và nhờ các em đi làm việc từ thiện .Chị muốn chia sẽ một phần với những mảnh đời khốn khó ;chị muốn nhờ bàn tay nối dài xoa dịu những nỗi lòng đau khổ . Đúng là    " đoạn trường ai có qua cầu mới hay ".


    Về tiến trình tâm , có bốn giai đoạn đạt trạng thái đoạn, hoặc ,chứng ,chân , chuyển mê thành ngộ . Đó là thấy , biết , sáng đạt .Riêng về cái biết có ba cách biết như đã nói ở trên . Đối với bậc thượng trí sinh nhi tri như Tổ Huệ Năng chỉ cần nghe một câu trong kinh Kim Cang là đã ngộ . Có người miệt mài kinh giáo mới được ngộ như ngài Thần Tú . Cũng có người do giáp mặt với những khổ đau cùng cực mà tự ngộ ra lẽ đời lẽ đạo . Ấy gọi là khổ nhi tri . Nhưng không phải hể khổ là biết . Muốn biết,  người chịu khổ phải có thái độ chấp nhận sự thật" một cách hoan hỷ", phải biết kham nhẫn để chuyển hóa hoàn cảnh . Nỗi khổ đau là bậc thang cho người trí dũng nhưng là vực thẳm cho kẻ yếu mềm bi lụy . Alfred de Musset, một nhà thơ Pháp , đã nói :" Không có gì làm cho ta trở nên kỳ vĩ cao đại bằng một nỗi đau đớn lớn nhất " ( Rien ne nous rend si grand qu'une grande douleur).


__________________________________________________________________________________________________________

.*Điều thứ nhất trong tám điều giác ngộ của bậc đại nhân : Cuộc đời là vô thường , cấu tạo các đại đều rỗng , ngũ ấm không có thực ngã . Tâm không tạp loạn . Thân không tham dục

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Phép lạ

         Lời qua tiếng lại mà chi 
     Cũng không cứu vãn được gì nữa đâu 
        Chi bằng hít thở cho sâu 
     Rỗng rang mỉm miệng mời nhau nụ cười

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Đường đi vào đạo

   Không ít người cho rằng đường đi vào đạo là đại tạng kinh điển , là các lớp học giáo lý , là đường đến chùa , đường lên núi Thướu , đường đến núi Bà , đường ra Tịnh Xứ , đường xuống biển Nam ,...Thật ra mọi con đường hàng ngày là con đường vào đạo đấy thôi .
  Ngài Huệ Trung Thượng Sĩ nói : " Hoa đào đâu phải cội bồ . Linh Vân sao lại tìm vô đạo tràng ? " . Hòa thượng Linh Vân là học trò ngài Quy Sơn bỏ hết sách vở kinh kệ đi chơi rong tình cờ bắt gặp hoa đào nở liền hốt nhiên đại ngộ.Ngài làm bài thi kệ sau đây :
    Tam thập niên lai tầm kiếm khách 
    Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi 
   Tư tòng nhất kiến đào hoa hậu 
    Trực chỉ như kim cánh bất nghi
  Dịch :
   Ba chục năm rồi tìm kiếm khách 
   Mấy hồi lá rụng cành cây khô
   Một lần chợt thấy hoa đào ấy 
   Nghi vấn xưa nay thấy rụng rời
    Đúng là hoa đào không phải là cội bồ đề bởi vì đã là Linh Vân rồi thì không cần phải đến đạo tràng.
 Như vây con đường vào đạo , ngộ đạo không nhất thiết là con đường vào chùa , không nhất thiết là con đường đến các trường trung cấp ,cao đẳng ,  đại học Phật giáo , cũng không nhất thiết là những con đường hành hương lễ Phật . Bởi vì mọi con đường hàng ngày đều là con đường vào đạo . Hòa thương Linh Vân nhìn thấy hoa đào mà lòng bừng sáng diệu tâm của mình . Đó là phút giây bừng thức, phút giây đại ngộ . Trong nhà thiền không ít những bậc đại sư miệt mài giáo điển, tụng đọc kinh luận , đi thăm vấn hết thầy nầy đến thầy kia mà vẫn chưa ngộ . Thế rồi một ngày kia không tìm mà được , không đi mà đến như ngài Đức Sơn , ngài Hương Nghiêm.Ngài Đức Sơn đứng hầu thầy tới khuya không chịu về . Thầy bảo về đi . Đức Sơn chạy ra ngoài rồi chạy vào nói trời tối quá . Thầy bảo  đốt đuốc lên mà đi  . Thế là Đức Sơn bừng ngộ . Còn ngài Hương Nghiêm rời bỏ kinh sách , lấy chổi quét sân chùa , bỗng nghe tiếng sỏi va vào bụi trúc hốt nhiên đại ngộ . Như vậy  những việc làm hàng ngày như xem hoa nở như quét sân chùa đều là con đường vào đạọ.
   Tuệ Trung Thượng Sĩ viết trong ngữ lục :
Đi cũng thiền ngồi cũng thiền
Trong lò lửa đỏ một cành sen
Ý khí mất đi thêm ý khí
Được an tiện đấy cứ tiện an
   Đó cũng là tư tưởng tùy xứ tác chủ . Có nghĩa là ở đâu ta cũng làm chủ , ở đâu ta cũng có chủ quyền của mình , ở đâu ta cũng sống thành thật với chính mình . Sống trong chánh niệm ta chế tác ra được rất nhiều năng lượng . Với năng lượng nầy giúp ta khai mở , triển nở , hiển lộ những điều mới mẽ trong cuộc sống . Mọi con đường hàng ngày là con đường vào đạo với điều kiện là người đi trên con đường ấy phải chánh niệm . Niệm sinh ra Định ,Định sinh ra Tuệ . Trước hết là niệm . Khi ta chánh niệm ta biết ta là ai , ta biết cái gì đang xảy ra . Trong niệm có định ,trong niệm cũng có huệ . Ngài Huệ năng nói : " Định và Tuệ đừng tưởng đó là hai cái .Định tức là Tuệ " .Đi cũng thiền ,nằm cũng thiền . Nói nín động tĩnh thể an nhiên .Khi đã chánh niệm thì mọi con đường hàng ngày là con đường vào đạo . Ở trong phòng mà chánh niệm là Phật , ngồi giữa đạo tràng mà tà niệm vẫn là ma . Chánh niệm giúp ta làm mới từng giây phút hiện tại .Trúc Lâm đạo sĩ núi Yên Tử nói : " Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân  ( Mỗi lần bàn đến lại thành mới tinh ).Thiền sư Nhất Hạnh nói : "Khi ta làm mới lại con người của ta trong từng giây phút hiện tại tức thì ta cảm thấy mát mẽ, dễ chịu đối với mọi người ; và khi ta đổi mới ta rồi thì nhìn mọi vật đều mới "
   Đem tâm về với thân bằng hơi thở nhiếp niệm . Hơi thở có ý thức tạo ra sự hòa điệu giữa thân với tâm : Thân tâm nhất như .
     Chánh niệm chánh tâm giúp ta làm chủ được mọi cảnh ngộ , mọi tình huống .Chí sĩ Phan Bội châu , một nhà thơ nho học , cũng phải công nhận sức mạnh vô địch của chánh tâm : " Muốn làm thánh triết cốt ở chánh tâm . Đánh được giặc tâm  mới là danh tướng "

      Ngày nay người ta tu hành theo phong trào hành hương lễ Phật cầu phước . Họ rũ nhau đi cầu lộc ở núi Bà , cầu phước ở núi Yên tử ...mà quên những bước đi chánh niệm . Đi trong chánh niệm là con đường hàng ngày đưa ta vào đạo . Đi trong chánh niệm là nẻo về của ý . Đi trong chánh niệm là dập tắt những nóng bức sân hận , những hờn giận ganh đua để đến tịch diệt niết bàn.
  Bài thi kệ Thiền hành  sau đây giúp ta thấy được lợi lạc của việc đi trong chánh niệm:
   Ý về muôn vạn nẻo
   Thiền lộ tâm an nhiên 
   Từng bước gió mát dậy
   Từng bước nở hoa sen

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

TẬP ĐI

     Mỗi bước chân đặt trên mặt đất
     Như ấn tín của quốc vương in trên chiếu chỉ
Từng bước
Từng bước đi
Nhiếp niệm
Khoan thai
Vững chãi
Trên trái đất nầy cùng hơi thở vào ra

Thở vào
      Ta đếm
       Một hai
Thở ra
      Ta bước một hai hài hòa

Những bước chân nối nhau cùng nhịp thở
Như sợi chỉ xâu những viên ngọc trai thành chuổi hạt
Thân, Tâm ta chẳng rơi vãi, bung thùa ...
Là ta có mặt
   Ở đây
   Bây giờ
    An trú

Còn Em ở đâu ?
Hãy cùng ta có mặt !
Trên trái đất nầy trong mỗi phút giây

Bây giờ hay chẳng bao giờ
Cùng đi và không đến