Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Cà sa mặc rồi và chưa mặc

    Thiền sư Phước Hậu có hai câu thơ nói về nghịch lý của việc tu rồi và chưa tu . Khi chưa vào chùa khoác áo cà sa thì hiềm vì đa sự nhưng khi đã vào chùa khoác áo cà sa thì sự cánh đa
             Vị trước cà sa hiềm đa sự
              Đắc trước cà sa sự cánh đa

Khi chưa khoác áo cà sa thì đa sự là lẽ thường tình . Cuộc đời vốn dĩ phiền toái đa đoan nhiễu sự . Với cái thân ngũ uẩn loay hoay trong sáu căn sáu thức sáu trần cộng với tám ngọn gió phân biệt xúy động từng giờ con người có vô vàn những lo âu sợ hãi , khổ đau phiền muộn . Đó là hoàn cảnh giới hạn  (situation limite )  mà con người luôn luôn tìm cách thoát ra . Đó cũng là cái đang là ( hiện hữu ) mà con người muốn tìm một lối thoát . Có nhiều lối thoát khác nhau nhưng chung quy cũng chỉ để chạy trốn hiện hữu :ví dụ như chọn một lý tưởng , một ý hệ , một định chế chính trị , một tín ngưỡng vân vân ... Đi tu cũng là một trong các lối thoát trên . Nhưng điều oái oăm , đầy nghịch lý là tất cả những lối thoát đều là sản phẩm của tư duy và ngã chấp . Rốt cùng con đường thoát đó là tư duy , mà hễ còn tư duy là còn lối thoát , còn bám víu , còn vướng mắc ...vô hình trung tự tạo ra những dây trói thắt chặt mình . Giải thoát ra khỏi những trói buộc là giải thoát khỏi tư duy . Tâm thể ly niệm , hoàn toàn vắng lặng thì thực tại mới hiển bày . Tìm một lối thoát để thoát ra khỏi cái đang là chẳng khác nào sóng đi tìm nước đang khi sóng chính là nước . Sóng đang là cái mà nó muốn tìm vì trong sóng đã có nước . Anh chính là cái mà anh muốn trở thành ( you are alredy what you want to become).  Đi tu khoác áo cà sa rồi mà còn mãi tư duy , phân biệt thị phi , ôm giữ giáo điều thì chẳng những không phải là người vô sự mà sự còn nhiều hơn . Bàn về việc tìm cầu lối thoát bằng một lý tưởng - xét như một thiên đường huyễn hoặc - bằng những lý luận vụn vặt ,Tuệ Sỹ viết ; " Trước đại dương mênh mông của máu và nước mắt , trước những cuồng phong lửa dữ , trước những dòng xoáy kinh hoàng của sinh tử của biến dịch vô thường ...tất cả đều bị dao động , bị chấn động mạnh . Với những kẻ hèn yếu không tìm ra lối thoát , tự thấy mình hèn yếu bất lực thì hoặc tự trang bị những mẫu lý luận vụn vặt để chối bỏ hiện thực , hoặc tự vẽ cho mình một thiên đường huyễn hoặc . Những người ấy thiếu cả hai : thiếu sự rung động của trái tim và thiếu sự nhạy bén của trí não " . Thiếu sự rung động của trái tim và thiếu sự nhạy bén của trí não tức là thiếu từ bi và trí tuệ . Nói khác nữa là thiếu bồ đề tâm . Và như vậy , nguyên động lực của người xuất gia vào đạo là phát bồ đề tâm .Bài kệ xuất gia sau đây nói rõ nguyên động lực nầy :
                           Hủy hình phi pháp phục 
                           Cát ái từ sở thân
                           Xuất gia thành Phật đạo
                           Nguyện độ nhất thiết nhân
  Mục đích của việc bỏ cái đẹp trần thế, khoác chiếc áo cà sa , cắt đứt dây tình ái là trên cầu Phật đạo , dưới độ chúng sanh . Phật đạo là đạo bồ đề , đạo từ bi và trí tuệ . Áo cà sa là áo pháp  ( pháp phục ). Áo pháp là áo giải thoát , áo thanh tịnh , áo giới luật , áo vô phân biệt . Mặc áo cà sa rồi mà còn vướng mắc , còn phiền não ...thì sự còn nhiều hơn là điều tất yếu . Chiếc áo không phải là con người mặc nó . Con người cũng không phải là chiếc áo . Cho nên mặc áo cà sa rồi chưa chắc trở thành bậc chân tu , người vô sự . Ngạn ngữ tây phương có câu  : "Chiếc áo không làm nên thầy tu " ( Clothe no do monks).
    Trong thời buổi như hiên nay đồ giả nhiều hơn đồ thiệt . Kinh sư dễ kiếm , chân sư khó tìm . Không ít những người đội lốt nhà sư nhập vai đóng giả làm người tu hành lại giữ những chức sắc trong giáo hội để theo đuổi một ý đồ thế tục . Hoặc không ít những kinh sư chuyên nghiệp mượn chiếc áo để làm giàu cho cá nhân ... Tất cả những người này đều là giấy bạc giả của nhà chùa . Họ là những con vi trùng trong thân sư tử mà ngày xưa đức Phật đã từng cảnh báo  : " Sư tử trùng đục sư tử nhục " .  Hạng người này ta không cần bàn đến ở đây . Ở đây ta chỉ nói đến những bậc xúât gia đã từng phát bồ đề tâm , đã từng bi thiết khẩn trương tìm cầu giải thoát như " Cứu cái đầu của mình sắp bị lửa cháy sém ". Những vị này sau khi mặc áo cà sa vẫn còn sự mà đôi khi sự còn nhiều hơn . Trong " Thiền luận " , Suzuki có kể kinh nghiệm của một người tu đạo qua ba giai đoạn :
- Khi chưa vào đạo tu tập tôi thấy núi là núi sông là sông
- Khi đã vào đạo tu tập tôi thấy núi không phải là núi sông không phải là sông
- Và khi tôi đã giác ngộ rồi thì núi vẫn là núi sông vẫn là sông
 Khi chưa quán niệm sâu sự vật ta thấy sự vật chỉ là sự vật như nó vốn có . Nhưng khi quán niệm sâu vào sự vật ta thấy sự vật không có tự tính , tự thể mà do tương tức tương nhập mà có ( tương tức là caí nầy có vì cái kia có , cái nầy không vì cái kia không còn tương nhập là cái nầy có trong cái kia ) . Như vậy núi không phải là núi sông không phải là sông . Bởi vì núi được cấu thành bởi những yếu tố không phải núi và sông cũng được cấu thành bởi những yếu tố không phải sông .Theo nguyên tắc tương nhập núi đã đi vào sông và sông đã đi vào núi . Nhưng khi đã ngộ đạo rồi và trở về với thế giới sinh hoạt hằng ngày thì núi vẫn là núi sông vẫn là sông . Và như vậy ta muốn tắm phải lội xuống sông , muốn hái củi phải leo lên núi . Người mới khoác áo cà sa mới vào đạo thì thấy núi không phải là núi sông không phải là sông mới chỉ là bước đầu của quá trình tu tập chuyển hóa . Bước nầy làm cho hành giả cảm thấy rối rắm hoài nghi , khởi nghi tình sinh ra lắm chuyện . Cũng giai đoạn nầy , hành giả hoang mang đặt ra nhiều nghi vấn , nhiều vấn đề . Ví dụ : đặt câu hỏi con chó có Phật tính không ? Ý của tổ sư Đạt Ma qua Đông Độ là gì ?
Hoặc một thiền sinh năm mươi tuổi đạo đến hỏi Shinkan , một thiền sư tu chứng , rằng :
 -  Tôi đã học ở Tendai về tư tưởng khi tôi còn bé , nhưng có một điều tôi không hiểu được . Tendai dạy rằng đến cỏ cây cũng sẽ giác ngộ . Đối với tôi điều này có vẻ kỳ lạ quá .
 Shinkan trả lời :
- Bàn luận về cỏ cây sẽ giác ngộ thế nào có ích chi đâu . Vấn đề là làm sao chính ông có thể giác ngộ được , ông có xét thấy điều nầy không ?

  Mặc áo cà sa rồi mà vẫn còn đa sự là do tập khí tư duy , biện biệt , tìm cầu bên ngoài mình . Tệ hại hơn nữa là ôm chặt những giáo điều, định kiến . Đời Đường Trung Quốc có một gia đình gồm có ba thành viên đều tu tại gia . Đó là gia đình của cư sĩ Bằng Uẩn . Một hôm ông chồng xướng thoại đầu : Khó , khó , khó một tạ dầu mè trên đầu cây vuốt .
Bà vợ : Dễ, dễ, dễ trăm đầu ngọn cỏ ý tổ sư .
Con gái :  Cũng không khó , cũng không dễ , đói ăn cơm , mệt ngủ khì
  Thì ra mọi con đường hàng ngày đều là con đường vào đạo : gánh nước, bửa củi, đói ăn , khát uống , mệt nghỉ đều là đạo :
                            Nhật dụng vô phi đạo
                            Tâm an tức thị thiền
Núi vẫn là núi sông vẫn là sông là tuệ giác của nhà thiền . " Không tư duy là yếu chỉ của việc tọa thiền .
Không ai trên đời muốn đa đoan đa sự . Dù là đa sự ngoài thế tục hay đa sự trong chốn thiền môn đều phiền não như nhau . Ái và kiến là hai mặt của phiền não . Tu mà còn bận bịu , còn lo lắng , còn nhiều vấn đề , còn nhiều dự án thì làm sao trở thành người vô sự được . Người vô sự là người không đâu để đến , không  chi để làm ; nhưng lại đi đâu cũng tới thấy chi cũng làm . Làm rất nhiều mà xem như không làm chi cả . Lấy cái làm mà không làm , lấy cái không làm mà làm .
                   Trơ trơ không tu thiện
                   Lăng xăng không tạo ác 
                   Giải trừ tâm phân biệt 
                   Lộ lộ tâm vô trước
  Khi tiếp xúc với ngoại cảnh bằng cách nhìn sâu và lắng nghe với cái tâm không chấp trước , không phân biệt thì tất cả pháp đều là Phật pháp vậy !

 

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Lập đông

        Lập đông nầy bửa hôm nay
    Trời se thắt lạnh mới hay thu tàn
        Nghe từ viễn mộng mơ màng...
     Trong tro lạnh.. vẫn còn than lửa hồng