Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

TỪ LỤC VÂN TIÊN ĐẾN HIỆP SĨ ĐƯỜNG PHỐ

       Trong văn học cổ nước ta có 2 tác phẩm lớn : Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu . Cả 2 đều có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến phong hóa của 2 miền Nam Bắc . Riêng ở miền Nam tinh thần nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên đã ăn sâu vào huyết quản của những lưu dân đi mở cõi . Ngày nay nhóm " hiệp sĩ đường phố " tại Sài Gòn mang dòng máu của những anh hùng trượng nghĩa xuất hiện giữa một thành phố đầy rẫy những đạo tặc , cướp bóc ...Vừa qua cái chết của 2 hiệp sĩ bắt cướp gây xôn xao dư luận trái chiều . Thương xót , tán thán cũng có ; chê bai , phê phán cũng có - thậm chí còn có người  có lời lẽ sỉ nhục " ngu như bò" , "anh hùng rơm ", vv...Vậy bản chất của vấn đề là gì ? Hiểu sao cho đúng ? Có lẽ câu hỏi này đã ám ảnh không ít người có quan tâm đến thời cuộc của đất nước !

       Lục Vân Tiên là nhân vật cùng tên với tác phẩm của cụ Đồ Chiểu . Cái tên Lục Vân Tiên từ lâu đã thành biểu tượng của tinh thần nghĩa hiệp , của đạo lý TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA .
            "Trai thời trung hiếu làm đầu
           Gái thời tiết hạnh là câu trau mình "
 
   Truyện thơ lục bát LVT kể về một trang nam nhi mang hoài bão học hành thành tài ra giúp dân giúp nước . Năm 16 tuổi  , LVT sau khi làu thông kinh sử , từ giả ân sư , chia tay bạn bè lên kinh ứng thí . Chàng LVT không chỉ giỏi văn mà còn giỏi cả võ . Trên đường đi thi chàng LVT tình cờ gặp "chuyện bất bình " : một người con gái ( tên Kiều Nguyệt Nga ) bị bọn cướp chận đường cướp bóc và chàng đã tả xung hữu đột ra tay nghĩa hiệp đánh bọn cướp giải cứu cho người con gái ấy được an toàn . Thật đúng với câu " Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã " - thấy việc nghĩa không làm không phải là kẻ dũng ! Dù Khổng Tử từng dạy " việc gì không can dự đến mình chớ có đương đầu "( bất can cớ sự mạc đương đầu ) , nhưng Vân Tiên đã vượt ra khỏi  khuôn khổ ước lệ của kinh điển . Phải chăng đây là phong cách của người Nam bộ , thiên về hành động không cứng nhắc lý luận .
   Cụ Đồ Chiểu mang hai dòng máu : cha Bắc , mẹ Nam . Thân sinh của cụ được triều đình đưa vào trấn nhiệm thành Gia Định . Ông lấy vợ người Nam ( Ba Tri , Bến Tre ) sinh ra Nguyễn Đình Chiểu . Nguyễn Đình Chiểu lớn lên học hành đỗ đạt làm quan .Về sau , khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định , NĐC từ quan và về sống ở quê của mẹ ( Ba Tri - Bến Tre ) . Thực dân Pháp từng phủ dụ ông ra hợp tác nhưng ông cương quyết chối từ . Chẳng những không hợp tác mà NĐC còn tham gia các cuộc khởi nghĩa chống Pháp .
    Mẹ mất , cụ khóc đến mù cả mắt . Dù sống trong cảnh mù lòa cụ vẫn không ngừng viết văn " tải đạo":
                       "Thà đui mà giữ đạo nhà
                     Còn hơn có mắt ông cha không thờ"

    Đạo lý TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA  của cụ lan tỏa , thấm nhuần khắp trong dân gian :
                     "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
                       Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà "
    Thủ thuật của Pháp là chia để trị nên khi ấy nước Việt Nam ta bị chia ra làm 3 phần : Bắc ;Trung , Nam. Nam phần theo chế độ thuộc địa nên tiếp xúc với văn minh Tây phương sớm hơn 2 miền kia . Sau năm 1954 , mặc dù miền Nam vẫn tiếp tục ảnh hưởng văn minh Âu Mỹ nhưng  dân miền nam vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc Việt , chí khí Việt - TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA vẫn được coi là giá trị tinh thần , là nếp phong hóa của người dân Việt . Trước năm 1975 , ở miền Nam hơn hai mươi năm khói lửa chiến tranh chưa từng ngừng nghỉ nhưng vẫn có một số đông thả hồn trong thế giới ảo của Kiếm hiệp Kim Dung . Một số người đọc vẫn thấy được trong các phẩm này có nội dung triết lý sâu xa . Nhưng sau này , một số người lại cho rằng sự ra đời của nhóm hiệp sĩ đường phố ( HSĐP) là do ảnh hưởng tiểu thuyết kiếm hiệp ( lãng mạn , thiếu thực tế ) của Kim Dung . Nhận xét này theo thiển ý của tôi vừa võ đoán vừa thiếu cơ sở . Như trên đã nói dân nam bộ ảnh hưởng Lục Vân Tiên về tính nghĩa khí , hào hiệp , phóng khoáng ... Nhưng có một sự khác biệt không nhỏ giữa LVT xưa và các HSĐP nay là về tính chất hành hiệp . Sự hành hiệp của nhân vật LVT hoàn toàn do tự phát và tình cờ; còn sự hành hiệp của các HSĐP thoạt đầu là tự phát nhưng dần dần biến thành tổ chúc ! Trong truyên LVT có câu " giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha " chúng ta cần lưu ý 2 từ " GIŨA ĐƯỜNG  " và " THẤY". Hai chữ giữa đường mang ý nghĩa bất ngờ , tình cờ bắt gặp " chuyện bất bình " chứ không đi săn tìm , lùng sục kẻ xấu kẻ cướp để " ra tay nghĩa hiệp ". Những nghĩa cử ra tay giúp đời cứu người xét như PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN của người NGHĨA HIỆP vốn sẵn từ tâm - không toan tính mà cũng chẳng mưu cầu -
   " Làm ơn há dễ để người trả ơn "

   Thoạt đầu nhóm HSĐP chỉ là một số cá nhân tình cờ vì trượng nghĩa ra tay bắt cướp cứu người trên đường phố . Đến khi cướp bóc ngày càng gia tăng , lộng hành thì các HSĐP riêng lẻ này mới hợp lực thành nhóm ...Mỗi khi khống chế được cướp thì họ giao cho công an xử lý . Chính quyền địa phương cấp giấy khen , tặng quà tưởng thưởng . Các nhóm bắt  cướp dần dần được đội ngũ hóa với danh hiệu " Câu lạc bộ phòng chống tội phạm " .
    Trong vụ việc vừa qua , trong lúc hành hiệp thì có 2 anh tử vong và 3 người khác bị thương . Cái chết của các anh là nghĩa khí song nhiều người cảm thấy có gì đó không ổn ; nếu không muốn nói là tức tưởi , bất cập và phi lý .
  Vấn đề đặt ra là tại sao phải là Hiệp Sĩ ?! Nhiệm vụ và chức năng bảo vệ trật tự trị an thuộc về công an , hà cớ gì mà các anh làm thay cho công an ?! Công an là lực lượng bán võ trang , có khí giới mới có thể khống chế được tội phạm ;trong lúc các anh không có tấc sắt trong tay sao có thể đương đầu với tội phạm có hung khí ?!Việc này cũng giống như ngư dân được nhà nước tặng cho lá cờ rồi ra khơi giữ biển vậy .
    Có nhiều bạn ở miền Bắc trách sao dân miền Nam ( chỗ có cướp ) thiếu đoàn kết , thiếu dũng khí không biết áp lại cùng bao vây để bắt tội phạm - như dân miền Bắc đã từng có chuyện cả làng vây bắt tội phạm chó rồi tự xử tội luôn , có khi đánh tội phạm đến chết ! Dùng một cái sai này để sửa một cái sai khác thì cái sai sẽ nhân lên gấp bội .

     Tinh thần nghĩa hiệp của LVT mãi mãi vẫn được lưu giữ trong nhiều thế hệ . Cái chính là đừng để bị lợi dụng như một công cụ để rồi " ăn cơm nhà , vác tù và hàng tổng " . nếu các nhóm HSĐP được chính quyền bảo vệ , được trang bị áo giáp , được đào tạo nghiệp vụ ,...thì vô hình trung nhóm HSĐP này là một tổ chức bán quân sự chuyên lo bắt cướp để bảo vệ tài sản , tính mạng của người dân.Làm như thế khác nào HSĐP thế mạng công an -  ăn lương là công an còn săn bắt cướp , bị cướp giết là thường dân !

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

HIỆN TƯỢNG VONG THÂN

   Hiện tượng vong thân là hiện tượng tâm lý tự đánh mất chính mình .Đây là hiện tượng không bình thường trong đời sống tâm lý . Người bị vong thân không còn biết mình là ai , đang ở đâu , đang làm gì , ...Vong thân là hệ quả của tâm lý đam mê thái quá như đam mê tình ái , đam mê tình dục , đam mê danh vọng , đam mê tiền của , đam mê quyền lực , ... Đam mê một cách thái quá dẫn đến vong thân . Vong thân trong quyền lực là hiện tượng tâm lý nguy hiểm nhất trong nhiều hình thái vong thân .

    Tự thân của ái tình , dục tình , danh vọng , tiền của , quyền lực ,...đều là nhu cầu tự nhiên , thiết yếu của con người .Và tâm lý đam mê cũng chỉ là yếu tố quan trọng giúp ta thăng hoa , thăng tiến trong cuộc sống thường nhiên . Vấn đề là ở chỗ đam mê thái quá . Thái quá cũng như bất cập đều tai hại như nhau . Đam mê thái quá sẽ biến chủ thể đam mê thành u mê , ngập chìm trong đối tượng đam mê . Và khi đó mọi đối tượng khác đều bị xao lãng , bỏ quên ; thậm chí trở nên vật cản trên con đường phóng tâm đuổi theo đối tượng .
+ Vong thân trong tình ái xô đẩy con người vào vũng bùn lùng nhùng của những ái ố , bi ai , hỉ nộ ...; ngày đêm mơ tưởng đến người mình yêu với tất cả mộng ước hiến dâng trao gởi . Nếu mộng ước không thành thì trở nên nghi vọng , tuyệt vọng , mất kiểm soát lý trí . Người trong mộng luôn sai sử , chiếm ngự toàn bộ không gian hoạt động của chủ thể đam mê (trong khi còn bao nhiêu người để yêu , bao nhiêu việc phải làm , bao nhiêu đều phải nghĩ ). Chủ thể đam mê thái quá  luôn muốn tan biến mình vào đối tượng đam mê
                               Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
                                 Bao giờ tôi hết được yêu vì"( Những giọt lệ -Hàn Mặc Tử )

                               "Làm sao giết được người trong mộng 
                               Để trả thù duyên kiếp phũ phàng" ( Lang thang - Hàn Mặc Tử)

. Tình yêu được thăng hoa quá mức khiến ta không còn biết mình là ai ; thậm chí nghĩ mình là ông Hoàng , bà Chúa ,..." Chủ nhật này trẫm nhớ ái khanh không "( Nhất Tuấn). Khi ảo tưởng giãy chết , thực tế nhầy nhụa , mộng vỡ , tình tan ,...dẫn đến quyên sinh , tự vẫn .
+ Vong thân trong tình dục còn nguy hiểm hơn vong thân trong tình ái nữa.Đam mê dục tình quá mức biến con người lùi về với bản năng thú vật . Đó là chưa kể đến việc suy kiệt sức khỏe , giảm sút về tinh anh . Đức Phật ví dục tình như một cây sai trái , như một hầm gươm đao . Về phương diện sinh lý thì tình dục cần cho cuộc sống thế tục . Điều này khoa học đã chứng minh . Nhu cầu sinh lý là lẽ tự nhiên trong quan hệ vợ chồng . Ngoài quan hệ vợ chồng đều bị coi là dâm dục . Chữ dâm có nghĩa là thái quá , xa xỉ ( luxe) vượt khỏi khuôn khổ luân thường đạo lý ( như loạn luân , hiếp dâm , thông dâm , ấu dâm , ...). Không biết bắt nguồn từ đâu mà xã hội ta ngày nay có hiện tượng tâm lý đề cao dục tính , xem trọng nhu cầu thỏa mãn tình dục . Điều này thể hiện qua cách ăn mặc hở hang , khêu gợi ; qua các trang quảng cáo sex, qua các trang viết mô tả cách làm tình một cách trần trụi - ngay cả trong truyện lịch sử dành cho trẻ em mà cũng có sex - Hiện tượng vong thân trong tình dục ở người lớn đã ảnh hưởng xấu , gây tác hại cho trẻ một cách đáng báo động !
    + Vong thân trong tiền bạc của cải là căn bệnh của các đại gia , trọc phú một khi đã làm giàu thái quá . Hội chứng của căn bệnh này hoạt hiện dưới 2 hình thái trái ngược . Một là tiêu pha phung phí , hai là riết róng hà tiện . Đối với hình thái thứ nhất những nhà giàu này tiêu xài vung tay quá trán ,ném tiền qua cửa sổ , tôn thờ sức mạnh vô địch của đồng tiền . Nhất là khi họ làm giàu bất chính thì hiệu ứng vong thân là hành vi nhẫn tâm , bất chấp đạo lý , bất kể nhân quả . Còn những trọc phú hà tiện , ky bo thì hiệu ứng của vong thân là xem tiền của quý hơn mạng sống . Truyện cổ có kể về một lão hà tiện trong 1 lần đi đò ông ta khát nước mà sợ mua nước tốn tiền nên cúi đầu xuống sông uống nước . Chẳng may lộn cổ rớt xuống sông . Anh lái đò đưa tay để cứu ông ta  nhưng ông ta  sợ mất tiền đền ơn nên hỏi giá bao nhiêu tiền . Biết tánh ông ta hà tiện , anh lái đò liền đưa giá cao bảo năm quan ; ông ta lại trả giá hai quan ; anh lái đò lắc đầu bảo thế thì ba quan . Ông ta cũng lắc đầu bảo ba quan mắc quá , thà chết sướng hơn . Rồi buông tay chìm lỉm !
    + Vong thân trong danh vọng địa vị bắt nguồn từ tâm lý háo danh, muốn được nổi tiếng. Một khi đã có địa vị cao sang , đã nổi tiếng thì tự đánh mất mình , mắc bệnh ngôi sao , xa rời quần chúng. Nhiều ca sĩ , diễn viên ,...sau khi nổi tiếng trở nên ngông nghênh , kênh kiệu . Một số người có được chức quyền địa vị lại trở thành hống hách , quan cách , mục hạ vô nhân !
    Vong thân trong quyền lực là một hiện tượng tâm lý khởi đi từ đam mê quyền lực thái quá . Chủ thể đam mê dần dà tha hóa thành kẻ vong thân . Loại đam mê này có một ma lực quyến rũ gồm cả lực đẩy lẫn lực hút .Lực đẩy là nguyên động lực và sức hút là mục tiêu đầy tham vọng . Động lực tranh đoạt quyền lực và mục tiêu giành được quyền lực tối cao . Sau khi đã nắm trong tay quyền lực tối cao , sẽ thâu tóm thiên hạ về của riêng mình - một mình một cõi !
  Thực ra quyền lực tự nó không có tội tình gì . Quyền lực là phương tiện , điều kiện giúp cho việc điều hành , tổ chức , quản lý xã hội , lãnh đạo đất nước tăng phần chính danh và hiệu quả . Nhưng nếu quyền lực rơi vào tay chính khách xôi thịt , nuôi mộng bá quyền ...thì sẽ là hiểm họa cho đất nước . Diễn trình của vong thân trong quyền lực khởi đầu từ tranh giành quyền lực đến độc chiếm quyền lực , rồi từ độc tài dẫn đến độc tôn . Xưa nay những kẻ vong thân trong quyền lực phóng tâm đuổi theo và leo lên các nấc thang địa vị để có được vị trí cao nhất . Và để đạt được mục tiêu này họ sẵn sàng giẫm đạp lên các vật cản , sẵn sàng triệt hạ các đối thủ ngáng chân họ . Thông thường các chính khách xôi thịt hay dựa vào nhân dân , lấy nhân dân làm hậu thuẫn . Nhưng khi đã tóm thâu quyền lực rồi thì họ trở thành nhà độc tài ;  nhân dân trở nên thành phần đối lập . Khi nhân dân trở thành vật cản , ngáng chân thì họ sẵn sàng ra tay đàn áp .
Sở dĩ quyền lực làm hư hỏng con người , làm con người tham quyền cố vị  là vì quyền lực là mẹ đẻ mọi thứ trên đời . Có quyền lực là có tất cả !Vì thế cho nên trên hầu hết các chính trường đều xảy ra thanh trừng , đấu đá , trừ khử , giết hại nhau . Giai đoạn đầu là đấu đá rồi thỏa hiệp để cộng sinh cộng hưởng ; đến giai đoạn khốc liệt thì đấu đá không khoan nhượng , một mất một còn !Vong thân trong quyền lực không những đánh mất chính mình mà còn có nguy cơ mất cả mạng sống !

      Nhìn chung , vong thân là một hiện tượng tâm lý - một căn bệnh nguy hiểm !Mầm mống của căn bệnh này là đam mê thái quá . Đam mê vốn dĩ là yếu tố cần và đủ để thăng hoa, thăng tiến ; nhưng cái gì thái quá cũng không tốt . Những hiền sĩ , đạo gia ngày xưa luôn đề cao sự quân bình , tiết độ ( température). " ĐẠT THÂN QUÂN TỬ " là tên gọi các bậc hiền triết LUÔN LUÔN LÀ CHÍNH MÌNH !Đạt thân trái nghĩa với vong thân ! Nếu không đạt được trình độ đạt thân thì ít ra cũng đừng để rơi vào trạng thái vong thân !