Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca và con đường trung đạo

                                                             

            
         
              Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử ( Historical person) có ngày sinh, nơi sinh và ngày chết hẳn hoi .Đức Phật Thích Ca còn là Đức Phật lịch sử  (Buddism historique  ) nên bên cạnh tính biên niên của sử lịch còn có tính triết lý của sử tính .Cuộc đời của Ngài là một khảo chứng cho sự tựu thành của con đường Trung đạo ( middle way ) - con đường giữa hai đầu cực đoan -trong bối cảnh của xã hội  Ấn Độ thời bấy giờ .Thời ấy xã hội Ấn Độ bị phân hóa bởi nhiều giai cấp và trong môi trường văn hoá có nhiều luồng tư tưởng cực đoan đối đầu nhau , Ngài thị hiện trên thế gian như một giải pháp đối trị với mọi cực đoan quá khích hầu đem lại hòa bình trong tự thân và trên thế giới .

       Ngay trong thời Đức Phật còn tại thế có hai tôn giáo lớn đã phát triển rộng rãi và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến triết học và tôn giáo ở Ấn Độ .Đó là Phật giáo và Bà La Môn giáo . Phật giáo tuy mới hình thành song phát triển nhanh và sâu rộng hơn Bà La Môn giáo .Những tư tưởng triết học , tôn giáo thời ấy chia làm hai hệ  thống : Chính thống ( Astika - cực hữu ) và không chính thống ( Nastia- cực tả  ).Đại biểu cho hệ thống chính thống là Bà La Môn giáo và đại biểu cho hệ thống không chính thống là Chủ nghĩa duy vật ,Kỳ Na giáo , Chủ nghĩa hoài nghi , Phật giáo , vv...Nguyên nhân xuất hiện nhiều trường phái không chính thống là bởi hệ thống tư tưởng Bà La Môn có tính độc tôn,độc quyền về ý hệ nên nảy sinh ra các trường phái chống lại sự áp đặt quan niệm về một đấng sáng tạo vũ trụ ,vạn hữu.
 Trường phái chủ nghĩa duy vật ( Météralism ) chủ trương vô thần , sau khi chết không có linh hồn ,không còn có đời sống nào khác . Chết là hết .Không có thế giới nào khác ngoài thế giới hạnh phúc và lạc thú ở đời . Cứu cánh cuộc đời là hưởng thụ khoái lạc .Không có chuyện luân hồi hay tái sinh .
    Trái lại những tín đồ của Kỳ Na giáo (Jainism)chuyên tu hành khổ hạnh ,khắc kỷ để giải thoát linh hồn ra khỏi sự ràng buộc của nghiệp , luân hồi ,tái sinh ,...Lối tu của các tín đồ nầy hành hạ thân xác , o ép bản thân ,thậm chí có phái cấm không mặc quần áo !
Còn trường phái hoài nghi chủ trương nghi ngờ tất cả mọi thứ , mọi việc , tẩy chay mọi sự hiểu biết ,tranh luận , phê phán ...
   Trước những luồng tư tưởng cực đoan quá khích đó , Đức Phật chọn con đường Trung đạo :Ngài bác bỏ quan niệm về đấng tối cao của Bà La Môn giáo, không chấp nhận lối tu khổ hạnh của Kỳ Na giáo ,cũng không đồng tình với chủ nghĩa duy vật .Ngài cho rằng hạnh phúc trong dục lạc là tạm thời và ngắn ngủi .Ngài cũng đã phê phán chủ nghĩa hoài nghi sai lầm ở chỗ không tin vào thực chứng chân lý bằng suy niệm tâm linh ở nội tâm .

    Trở lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho tới  khi nhập diệt  là một bài học thân giáo về triết lý Trung đạo .
  Ngay trong việc tái sinh lần cuối cùng làm kiếp người ,Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha  ) không đi thẳng đến gốc cây Bồ Đề để thành Phật ngay mà phải tuần tự trải qua các giai đoạn :hài đồng , thiếu niên ,thành nhân ; rồi xuất gia tu hành thành đạo .Ấy là vì Người muốn thành tựu Phật quả với tư cách là một con người - cùng một phận người - như mọi con người trong cộng đồng nhân loại .Người muốn chứng tỏ cho những kẻ hoài nghi tin rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tính và ai cũng có khả tính thành Phật .Nghiệp , kiết sử  ,đều có thể chuyển hóa bằng con đường tu tập .Sự giác ngộ của Ngài không do thần  khải hay mặc khải  mà là hoa trái của một quá trình tu chứng . Đó là việc làm của một Pháp Vương ,một lãnh đạo tinh thần cho cả thế gian thay vì làm một Quốc vương cai trị một nước .Thái Tử Tất Đạt Đa sống trong cung vàng điện ngọc nhưng không hề mê đắm  vào trong cuộc sống xa hoa sung mãn cũng như Ngài  không mặn mà đến việc kế nghiệp vương quyền  . Tuy nhiên ,Ngài cũng đã kết hôn và có con theo ý của vua cha . Ngay cả đến việc đặt tên con là La - Hầu - La (có nghĩa là sự cản trở ) cũng  xuất phát từ tâm thức về sự ràng buộc thê nhi ( thê thằng tử phược ).
 Sau nhiều lần ra ngoại thành du ngoạn , đã chứng kiến nhiều  thảm  cảnh khổ đau của kiếp người ; Ngài bắt đầu suy tư về bốn chữ sanh ,lão , bệnh ,tử . Lần ra  ngoại thành cuối cùng Thái Tử bắt gặp một tu sĩ đang thiền định dưới một gốc cây với dáng vẻ thảnh thơi , an hoa , tỉnh lự . Chính hình ảnh đó đã thôi thúc Ngài sớm thực hiện ý nguyện xuất gia tầm đạo . Rồi một đêm  , Thái Tử vứt bỏ quyền bính , cung điện , từ giã vợ đẹp con xinh để vào rừng làm một tu sĩ .
   
 Trong rừng sâu , Thái Tử đã từng gặp các bậc thầy của các bậc thầy thiền định như Uất Đạc gia , A La La . Nhưng rồi Thái Tử sớm nhận ra hai vị tiên nhân đó chưa phải là bậc thầy của giải thoát , tự thân của họ chưa đạt được trí tuệ Ba La Mật . Thái tử suy nghiệm rằng Nhất thiết trí hay trí tuệ Ba La Mật có liên quan đến thân xác , lục căn , lục trần . Thái tử từng tự vấn phải làm thế nào để tịnh hoá lục căn , điều phục thân xác ? Phải chăng là con đường khổ hạnh ? Thế là Ngài gia nhập nhóm tu khổ hạnh trong Khổ hạnh lâm - ép xác suốt sáu năm trời : Từ phép tu cắn răng đến phép nín thở rồi nhịn ăn , ...Thái tử lúc này chỉ còn là bộ xương khô , lại không mảnh vải che thân . Như một quả lắc đồng hồ đi từ cực đoan nầy sang cực đoan khác , Thái tử từ trong nhung lụa xa hoa đến khắc khổ hành xác -đi đứng khó khăn tai ù mắt loà ..May thay nhờ trải qua nhiều kiếp tu hành nên Thái tử vẫn còn đủ trí tuệ để phản tỉnh xét lại lối tu sai lầm nầy . Đó là khởi đầu cho một con đường sáng : Con đường Trung đạo ! Không o bế chìu chuộng thân xác , cũng không o ép hành hạ xác thân . Một tinh thần minh mẫn chỉ có thể có trong một thân thể tráng kiện .
    Nhờ vào phước báo được tích luỹ trong nhiều kiếp trước nên Thái tử có nhiều trợ duyên giúp phục hồi sức khoẻ nhanh chóng : có người cho tấm y để che thân , có người cho bát sữa tươi bồi bổ thân thể , có người cho mấy bó cỏ khô làm bồ đoàn - đã giúp Ngài đủ điều kiện toạ thiền suốt 49 ngày đêm ròng rã . Để củng cố tinh thần cho Thái tử , một thiên sứ đã hoá thân làm nhạc sĩ lên dây đàn . Thái tử ngộ ra rằng nếu dây đàn căng quá thì đứt mà nếu dây chùng quá thì thanh không vang ; vậy không căng không chùng thì sẽ đạt thanh âm tuyệt hảo .Thì ra việc hành trì tu tập cũng giống như việc lên dây đàn vậy !

    Sau 49 ngày đêm thiền định dưới gốc Bồ đề Ngài lần lượt thắng vượt được tham , sân , si , ái , dục ; chiến thắng được vòng vây cám dỗ bởi tài , sắc , danh , thực , thuỳ , ... cuối cùng chứng đắc túc mạng minh , thiên nhãn minh rồi lậu tận minh ...toả sáng Bát Nhã Ba La Mật . Ngài đã thành một Pháp vương vô thượng tôn của cõi Trời , cõi Thần và cõi Người . Từ đây Thái tử Siddhārtha  (tiếng Pali có nghĩa là một người đã hoàn thành được chủ đích của mình ) đã trở thành một Đấng giác Ngộ hoàn toàn ; có danh hiệu là Phật Thích Ca và được người đời tôn xưng là Đức Phật . Chữ Phật phiên âm từ chữ Budha ( Bụt ) có nghĩa là Giác Ngộ . Sau khi thành Phật , Ngài tiếp tục thiền định 7 ngày để kiểm nghiệm lại quá trình tu chứng của mình . Sau đó , Ngài phân vân không biết có nên tuyên thuyết giáo pháp của mình hay nhập Niết bàn ngay , bởi giáo pháp của Ngài quá vi diệu khó tiếp thu do sự hạn chế của ngôn ngữ văn tự . Nhưng rồi vì lòng bi mẫn đối với chúng sinh , Ngài bắt đầu đi du thuyết . Bài thuyết pháp đầu tiên ( chuyển pháp luân ) nói về con đường Trung đạo . Du thuyết suốt 45 năm khắp xứ Ấn Độ  mà cuối đời  Phật lại nói  rằng : " 45 năm qua ta chưa từng nói một lời nào " . Không định thuyết rồi lại thuyết ; thuyết rồi lại phủ nhận điều mình đã thuyết . Tại sao như vậy ? Vấn nạn nầy về sau được Bồ tát Long Thọ giải mã trong Trung Quán luận . Luận chứng căn bản trong Trung Quán là biện chứng pháp sau đây :
                                Không - Giả danh - Trung đạo 
  Chữ Không trong mệnh đề trên nằm trong " Vạn Pháp giai không " .Không không có nghĩa là không đối đãi với có mà có nghĩa là không có tự tính , không thực hữu . Tất cả các pháp đang hiện hữu đều không có tự tính . Chúng hiện hữu do duyên sinh ( tương tức, tương nhập ) . Bồ tát Long Thọ đưa ra tiền đề : " Nếu bảo tất cả các pháp đều không , ngôn ngữ văn tự cũng nằm trong các pháp , thì lấy gì bảo rằng không ? Vậy nên phải mượn văn tự xét như một phương tiện để hiển bày Không Tánh  gọi là giả danh . Đó chính là Trung đạo . Xem thế , ngôn ngữ không phải là thực tại mà là phương tiện truyền thông  để chuyển tải mô tả thực tại . Kinh nói " Chỉ có văn tự thôi thì đều không có thực nghĩa ( đản hữu văn tự đô vô thật nghĩa ) . Đức Phật từng ví Chân lý thực tại mà Ngài vén mở như mặt trăng , còn văn tự ngôn thuyết như là ngón tay chỉ mặt trăng ( nhất thiết tu đà na giáo như tiêu nguyệt chỉ ) . Nếu vướng và chấp vào văn tự thì sẽ lầm lẫn ngón tay là mặt trăng . Biện chứng pháp Không - Giả danh - Trung đạo cho phép ta không loại trừ ngôn ngữ văn tự mà vẫn thấy được thực nghĩa ; đồng thời không động đến chân tướng mà vẫn kiến lập được các pháp :

                                Bất đoạn giả danh nhi kiến thực nghĩa 
                                Bất động chân tướng kiến lập chư pháp 

       Thái độ tẩy chay hay tuyệt đối hóa giá trị của ngôn ngữ  đều là cực đoan cố chấp . Bởi thế cho nên Đức Phật đi du thuyết suốt 45 năm mà cuối cùng Ngài lại bảo rằng  : " Ta không nói một lời nào "  Ấy là vì Ngài lo sợ hậu thế chấp vào kinh giáo . Tuy nhiên phép đốn tu mà Ngài giới thiệu cho thánh chúng trong hội Linh Thứu bằng thái độ không giảng một lời kinh nào mà chỉ đưa cánh hoa lên ( niêm hoa vi tiếu ) dĩ tâm truyền tâm .Ngài Ca Diếp trong chúng hội được truyền tâm nên " phá nhan vi tiếu " . Đó là phép tu " giáo ngoại biệt truyền "của Thiền tông mà Ngài Ca Diếp là tổ thiền đầu tiên . Về phép tu theo kinh giáo , Đức Phật sợ hậu thế sau nầy chấp vào văn tự nên đã khuyến cáo chúng đệ tử rằng : " Không nên kẹt vào pháp , cũng không nên kẹt vào chẳng phải pháp . Các vị tỳ kheo nên biết pháp ta nói như chiếc bè qua sông . Pháp còn phải bỏ huống hồ gì không phải pháp " ( Kinh Kim Cang )
      Trên con đường tu đạo điều uý kỵ nhất là thái độ cực đoan cố chấp . Trong luận Đại Trí Độ , Phật giảng về đệ nhất nghĩa đế để độ những kẻ cực đoan cố chấp : " Có kẻ đang được độ thoát mà bị rơi vào thái độ cực đoan hoặc vì vô trí mà chỉ cầu sự khoái lạc cho thân thể , hoặc vì hành đạo mà tu hành theo lối khổ hạnh , những người như thế đối với đệ nhất nghĩa đế mất hết niết bàn chánh đạo " ( trích Luận Đại Trí Độ - bản dịch của Tuệ Sỹ ).Rõ ràng con đường Trung đạo là con đường duy nhất đưa ta đến Niết Bàn

   
Tóm lại , cả cuộc đời của đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi nhập diệt đều hiển thị ý nghĩa vi diệu của con đường Trung đạo - con đường ở giữa hai đầu cực đoan - Đó là một trong những lý do mà Liên Hiệp Quốc chọn Phật giáo là tôn giáo Hòa Bình của Thế Giới - giữ được sự cân bằng hòa hợp trong tâm mỗi người là bước quan trọng trong tiến trình kiến lập hòa bình trong tự thân và trên thế giới ( Peace in oneself , Peace in the world ) .


3 nhận xét:

  1. Ngày nay, điêu khắc những bức tượng bổn sư thích ca như tượng phật nằm,, tượng phật thích ca đẹp không chỉ mang tính chất tâm linh thành kính của phật tử mà còn là nét đẹp nghệ thuật trong văn hóa

    Trả lờiXóa
  2. Tác giả đã đa số dùng tiếng Anh trong ngoặc đơn như middle way cho trung đạo; Jainism cho Kỳ Na Giáo v.v...theo tập quán gọi là nhất thống, nếu dùng chữ "materialism" cho chủ nghĩa duy vật thì giới đại chúng dễ nhận ra. Cũng vậy, giới đại chúng bình dân hay nói Historical Buddha để chỉ Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử.

    Trả lờiXóa