Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Học vị - danh hiệu -sự thành đạt và sự nổi tiếng

  Trong thời buổi như hiện nay có không ít người bằng nào cũng lấy , danh hiệu nào cũng đạt , hội nào cũng vào , chức danh nào cũng nhận ...nói chung là thành đạt và nổi tiếng  nhưng chưa phải là con người đích thực . Ấy là vì họ chưa hội đủ những căn bản đạo đức để làm người đúng với bản vị là con người với trọn vẹn nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của chữ NGƯỜI ( viết hoa ) .Căn bản đạo đức để làm một con người đích thục gồm tám chữ mô tả tám đức hạnh sau đây : HIẾU , ĐỂ , TRUNG ,TÍN , LỄ , NGHĨA , LIÊM , SĨ . Thiếu những đức lý căn bản nói trên cho dù có thành đạt , nổi tiếng cũng chưa phải là con người đích thực .
   -Hiếu tức là hiếu thảo cung kính cha mẹ
   -Để là tình anh em chân thành đùm bọc , cưu mang nhường nhịn lẫn nhau
   - Trung  là chân thành với chân lý , với lẽ phải ,với lý tưởng
   - Tín là sự được tin cậy , được tín nhiệm bỡi cộng đồng qua lời nói và hành động
   -Lễ là xử thế một cách lễ phép lịch sự , đúng mực
   -Nghĩa là đề cao chân lý , quên mình vì chân lý vì nghĩa vụ cao cả
   -Liêm là trong sạch , không tham lam , không nhận  hối lộ, không đánh mất lương tâm vì tư lợi
   -Sĩ là biết xấu hổ biết thẹn với lương tâm , với thánh hiền .
   Những đức hạnh trên đây không lấy gì làm cao xa. Chúng có mặt ngay trước mắt từng cá nhân trong cuộc nhân sinh thường nhật . Thiếu chúng thì mối quan hệ giữa con người với con người , giữa con người với cộng đồng trở nên tồi tệ . Ta có thể gom tám đức hạnh trên thành bốn cặp phạm trù và mỗi cặp phạm trù có tương quan tương duyên với nhau :
  Trước hết là hiếu- để . Một đứa con không biết hiếu kính yêu thương cha mẹ và thuận thảo với anh chị em thì lấy gì bảo đảm rằng hắn ta sẽ yêu thương nhân quần xã hội . Hiếu và để có tương quan với nhau . Có hiếu phải có để  và có để để làm tròn chữ hiếu . Anh em trong một bọc sinh ra mà không thương yêu đùm bọc nhau thì lấy gì bảo đảm rằng họ sẽ yêu thương đùm bọc đồng bào . Anh em có hòa thuận thì cha mẹ mới an tâm vui vầy
    Làm người phải trung - tín . Bản thân mình không trung thành với chân lý , với lý tưởng thì tự mình cũng đánh mất niềm tin của chính mình và mất luôn sự tin cậy , sự tín nhiệm của người khác dành cho mình . Có trung mới có tín . Làm người mà không biết bênh vực lẽ phải , đấu tranh cho chân lý , đập tan những bất bình thì đó là kẻ bất trung .Từ bất trung dẫn đến bất tín
  Lễ -nghĩa rất cần thiết trong quan hệ giao tiếp ứng xử . Thiếu lễ là thiếu tất cả . Dọn ra mâm cao cỗ đầy mà mời không đúng lễ thì chẵng ai màng ăn ( tiếng chào cao hơn mâm cỗ ) . Trong đời sống thường nhật , ta có thể thiếu tiện nghi , phương tiện ... nhưng không thể thiếu lễ dù  trong một giờ một phút . Bây giờ người ta hay dùng từ" thân thiện" một cách hoa mỹ và gượng ép . Sao không nói lễ mà nói thân thiện . Từ thân thiện có sắc thái ý nghĩa bất bình đẵng . Còn lễ thì người trên hay kẽ dưới đều phải giữ.Ý nghĩa đích thực của chữ lễ là mỗi người trong xã hội làm đúng  phận sự , chức trách của mình . Các cụ ngày xưa đến nhà ai mà chủ nhà trải chiếu không ngay thì  không ngồi ( cụ bất chính bất tọa ). Ngày nay nhiều người có địa vị xã hội mà khách đến nhà vẫn mặc áo lót quần đùi ra tiếp . Như vậy là thiếu lễ . Lễ là cơ sở để đề cao chân lý , coi trọng nghĩa vụ cao cả .Có lễ tất sinh ra nghĩa ra tình ...
  Cuối cùng là cặp phạm trù liêm -sĩ . Câu chưởi cay độc nhất là câu " đồ vô liêm sĩ ". Vô liêm sĩ là loại người chuyên làm những việc hắc ám , trái khuấy mà vẫn nhơn nhơn không biết xấu hổ .
   Tám đức hạnh để làm con người đích thực thì bắt đầu là hiếu và cuối cùng là sĩ . Đầu và cuối đều quan trọng như nhau . Một đứa con không biết hiếu thảo với cha mẹ , không thờ phụng ông bà tổ tiên thì có thành đạt , có nổi tiếng cũng chưa phải là người . Những thứ  học vị , danh hiệu , chức danh ...chỉ là những giá trị ảo . Làm người mà không biết xấu hổ , không biết tự phản tỉnh thì không việc gì xấu mà không dám làm ( vô sở bất vi ). Người ta có thể qua được kẻ hở của luật pháp , công an nhưng không dễ gì qua mặt được lương tâm .
   Tóm lại , trước khi trở thành một cái gì đó như bác sĩ , kỷ sư , chính khách..vv...,thì trước hết phải là con người (viết hoa ) . Đạo đức cách mạng hay gì gì đi nữa mà thiếu đạo lý làm người thì đều hỏng cả Nếu không giáo hóa con cháu  trở thành con người đích thực với đầy đủ tám chữ học làm người trên đây thì hậu quả tất yếu là đào tạo ra những đứa con bất hiếu bất để , những viên chức bất trung bất tín , những công dân vô lễ bất nghĩa , những quan chức bất liêm vô sĩ .Vì vậy một nền giáo dục đúng hướng là một nền giáo dục đào tạo con người trước , đào tạo chuyên viên sau . Nghĩa là nền giáo dục đó đặt trọng tâm vào việc giáo hóa con người ; giáo hóa con người thành người đích thực   , trở về đúng bản vị là NGƯỜI.













1 nhận xét:

  1. một bài viết sâu sắc khiến ta phải suy nghĩ !

    Trả lờiXóa