Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Bài học về thân giáo của Trần Quốc Tuấn

       Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là đệ nhất danh tướng nước Việt nam ta . Ông đã có công ba lần đánh đuổi giặc  Nguyên Mông - bọn giặc mà ngay đến các sử gia Âu Tây cũng phải kinh sợ : " đi đến đâu cỏ cũng không còn mọc lên được "- ra khỏi bờ cõi .Trần Quốc Tuấn là kết tinh , kết tụ giáo dục thời Trần , một nền giáo dục đã một thời đem lại cho Việt Nam  một xã hội Diên Hồng .Sự đoàn kết trong xã hội thời Trần bắt nguồn từ sự đoàn kết nội tại từ bản thân của mỗi con  người . Trong lòng mỗi cá nhân không có mâu thuẫn nội tại thì dễ mỡ lòng ra để nối vòng tay lớn . Không có thời nào mà từ vua cho đến thứ dân ai ai cũng lấy việc tu thân làm gốc . Nhờ có tu thân mà vua cũng có thể bỏ ngôi , dân không thiết chức , quan sẵn sàng cởi áo nếu thấy mình bất lực ; kẻ sĩ khước từ công danh nếu chưa sửa được mình . Bài học thân giáo ấy được kết tinh từ tinh thần giáo dục ấy .Lấy bản thân mình để hành xử giáo huấn ( thân giáo ) chứ không chỉ dùng lời lẽ suông để thuyết giáo ( ngôn giáo ) . Trần Quốc Tuấn là nhân vật tiêu biểu hấp thụ được nền giáo dục nầy .
    Ngày trước , giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Cảnh ( tức Trần Thái Tông ) có một mối hiềm khích tưởng chừng như không hòa giải được . Nguyên do là nhà Lý không có con trai , Lý huệ Tông truyền ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng rồi bỏ đi tu . Việc nhiếp chính triều đình giao cho Trần Thủ Độ vì Lý Chiêu Hoàng lúc ấy mới có mười một tuổi . Trần Cảnh ( tám tuổi ) cưới Lý Chiêu Hoàng và được vợ truyền ngôi . Vị vua tám tuổi này chưa thể có con nối nghiệp nên Trần Thủ Độ rất lo lắng việc không có ai kế tục cơ nghiệp nhà Trần ; bèn ép Trần Cảnh bỏ Chiêu Thánh để lấy chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên ( lúc bấy giờ Thuận Thiên là vợ của Trần Liễu , anh của Trần Cảnh ). Thuận Thiên đang mang thai - Thủ Độ muốn đảm bảo sự kế tục của dòng dõi . Tất nhiên Trần Cảnh phản đối kịch liệt việc loạn luân này . Nhưng do áp lực và bạo lực của Thủ Độ nên đành phải chấp nhận . Trần Liễu phẩn uất dấy binh nổi loạn ( 1236).Trần Quốc Tuấn là con của Trần Liễu nên không thể nào bỏ cha mà bênh chú , dù cho chú là Vua .
   Thế mà khi giặc Mông sang xâm lấn nước ta , Trần Quốc Tuấn đã không ngần ngại quên đi thù nhà phò vua giúp nước .Lúc bấy giờ tuy là tướng trẻ , Quốc Tuấn đã đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên thù nhà . Khi quân Nguyên Mông sang lần thứ hai và lấn thứ ba , Trần Quốc Tuấn được phong là Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh toàn quân lãnh đạo các tướng sĩ làm nên những chiến công hiển hách . Việc làm đó đã là bài học về thân giáo có sức thuyết phục hùng hồn . Đoàn kết từ nội tại bản thân ,đến các tôn thất , tướng lãnh phò vua đánh giặc giữ nước . Có lúc thế giặc quá mạnh , sợ không chống nổi , vua Trần bảo  Trần Quốc Tuấn  rằng : " Thế giặc to quá , chống với nó thì dân sẽ tàn hại , hay là trẩm chịu hàng để cứu muôn dân " Hưng Đạo Vương tâu rằng : " Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức , nhưng mà tông miếu xã tắc thì sao ? Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước đã " .Câu nói này trùng hợp với câu nói của Trần Thủ Độ : " Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo !". Những lời lẽ khí khái đó trùng hợp với hành động oanh liệt của một thiếu niên (Trần Quốc Toản ) đòi tham gia việc nước . Tinh thần đoàn kết nhất trí , dân chủ và rộng mở đó là kết quả của nền giáo dục lấy tu thân làm gốc . Bề trên mà chân chính , bề dưới theo gương bề trên . Thượng trị hạ sẽ trị , thượng loạn hạ sẽ loạn . Người giữ ngôi vị càng cao chừng nào thì càng có nhu cầu tu thân chừng ấy( Tu - Tề - Trị - Bình ) . Tinh thần thân giáo của Trần Quốc Tuấn còn bộc lộ trong bài Hịch tướng sĩ( Dụ chư tỳ tướng hịch văn ) . Nếu như tất cả những lời giáo huấn của thầy khuyên trò , cha khuyên con  , bề trên nói với kẻ dưới đều như cách nói , cách nghĩ,cách làm của Trần Quốc Tuấn thì việc giáo dục , dạy dỗ mang lại hiệu quả biết bao . Lúc bấy giờ tình thế thật rối ren: bên ngoài giặc dữ lăm le xâm chiếm , sứ giặc nghênh ngang gây sự , sỉ mắng triều đình một cách thô bạo .... Bên trong thì tướng lãnh thờ ơ , lãnh đạm , vô trách nhiệm , mất lòng tin ... chỉ lo ăn chơi , hưởng thụ . Bản thân của chủ tướng có hai nỗi đau : Đau vì nỗi nhục quốc thể và đau vì lòng người chưa đồng tâm hiệp lực chống  giặc . Tiếng nói chân tình bộc trực giản dị nhưng vẫn đậm nét trữ tình : " Ta thường tới bửa quên ăn , nửa đêm vỗ gối , ruột đau như cắt , nước mắt đầm đìa , chỉ căm tức rằng chưa xã thịt lột da , nuốt gan , uống máu quân thù . Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ , nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng ".
  Ta mà như thế còn các ngươi thì sao ? Lấy bản thân mình ra làm gương cho người dưới , không phải ai ai cũng làm được như Trần Quốc Tuấn .
   Trong hai chữ giáo dục bao gồm giáo và dục . Dục là nuôi dưỡng và giáo là dạy dỗ , giáo huấn chứ không đơn thuần là đào tạo và huấn luyện . Nếu cha có công sinh dưỡng thì thầy giáo có công dạy dỗ . Cha có bổn phận phải gởi con đến trường để được giáo huấn cẩn thận . Khổng Tử nói : " Nuôi con mà không dạy con thì như nuôi heo " . Chính vì vậy mà ông cha ta đặt thầy trên cha  ( Quân - Sư - Phụ ). Việc giáo dục các tỳ tướng dưới quyền của Trần Quốc Tuấn có cả ân lẫn uy . Ân đó là tình phụ tử chi binh  " Không có mặc thì ta cho áo , không có ăn thì ta cho cơm , quan bé  thì ta thăng chức , lương ít thì ta cấp bỗng , đi thủy thì ta cho thuyền , đi bộ thì ta cho ngựa , lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết , lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười ..." . Rõ ràng các tướng đều khá hơn về mặt vật chất , về danh vọng địa vị nhưng không  tránh khỏi trường hợp sa sút tinh thần - thích hưởng thụ đâm ra trụy lạc , mất nhuệ khí . Do có sự mâu thuẫn giữa bản năng và lý trí nên vấn đề giáo dục mới được đặt ra . Shopenhauer cho rằng : " Giáo dục là những gì trái với tự nhiên "( Education  est ce qui contre la nature ) . Trần Quốc Tuấn đã đem bản thân mình và bầu nhiệt huyết của mình để tỉnh thức và đánh thức bản năng của các tỳ tướng , khơi dậy nỗi nhục quốc thể của cả dân tộc . Ai đó đánh ta một bạt tai, sỉ nhục dòng họ ta , ta còn cảm thấy nhục thay , huống chi kẻ thù đã làm nhục cả danh dự quốc gia . Cách giáo huấn của Trần Quốc tuấn xưa nay được coi là mưu phạt tâm công  ( đánh thẳng vào lòng người ) . Chỉ có hiểu biết mới gợi được sự hiểu biết , và chỉ có tình thương mới gợi được tình thương .
    Ngoài ra một bài học nữa về thân giáo của Trần Quốc Tuấn là đức tính khiêm cung , không ham danh vọng và tiền tài ; nhân hậu với nhân dân . Nói về danh vọng và địa vị của Trần Quốc Tuấn thì không ai bằng .  Ông được vua ban cả sáu chức tước . Tuy uy quyền lừng lẫy nhưng ông  luôn giữ  phận làm tôi , không hề kiêu ngạo . Hưng Đạo Vương được vua cho quyền thay vua phong tước cho bề tôi rồi tâu sau với vua . Thế nhưng ông không hề dám tự tiện phong tước cho ai cả . Đối với những người giàu có mà ông có quyên tiền gạo nuôi quân , ông chỉ phong làm " Giải lương tướng" ( tướng cho vay lương ) mà thôi .
  Nhờ có đức chuẩn nên Trần Quốc Tuấn quy tụ được nhiều người tài giỏi như Phạm Ngũ Lão , Trần Quang Khải , Trương hán Siêu ,  ...
   Sau khi công thành danh toại , ông cáo quan về an dưỡng ở Vạn kiếp . Khi ông mất , từ vua cho đến dân ai ai cũng thương tiếc , nhiều nơi lập đền thờ phụng .
   Tóm lại , thời Trần quả đã có những bậc vua hiền , tôi trung , con hiếu ... Đó là nhờ phép tắc nghiêm trang , thưởng phạt phân minh ; chính trị không có điều chi hồ đồ . Việc học hành mỡ mang rộng rãi ; văn học phong nhiêu , lưu lộ . Được như vậy là nhờ một nền giáo dục chú trọng thân giáo , lấy việc sửa mình làm gốc , sửa người làm ngọn ; giáo dục người lớn trước, giáo dục trẻ con sau . Từ vua cho đến thứ dân ai ai cũng lấy việc tu thân làm gốc . Nền giáo dục ấy đã hun đúc được một Trần Quốc Tuấn , một người con yêu của  đất nước Việt  , một " Đức Thánh Trần " trong lòng dân tộc Viêt !

6 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Tôi thật hết sức mừng vì có một bạn đọc hưởng ứng bài viết về " Thân giáo ", một đề tài mà rất ít người quan tâm . Cảm ơn comment của bạn đã đem đến cho tôi một niềm vui không nhỏ !

      Xóa
    2. cung hay nhung daj wa

      Xóa
  2. daj wa doc met chjt dj dc lun ak

    Trả lờiXóa
  3. Xin lỗi đã làm cho bạn trẻ mỏi mắt. Hì , dẫu sao ..bạn thấy hay là tốt rồi .Cảm ơn bạn đã quan tâm đến những bài viết khó đọc như thế nầy !

    Trả lờiXóa
  4. Bản thân tôi nói thật lòng; đã định không ý kiến mhưng do tâm động nên đành có đôi lời
    Ngoài đời gặp nhau nhiều khi chỉ cần một ánh mắt nụ cười ,mà hiểu nhau,để rồi thành bạn bè tâm giao.Rồi có khi gặp nhau nói hết thời gian 1 ngày ,2 ngày mà chưa đủ....để hiểu nhau.
    Trong văn chương , xã luận ,bút ký.v.v...nhiều khi đọc chỉ 1 từ ,1 ngữ ,1 câu...1 đoạn văn, ta đã hiểu ,đã thấy cái hay ,đẹp của người viết ...hoặc chẳng cảm được điều gì cả.
    Lẽ thường là thế thôi.Đức Sơn giờ mới hiểu được vì đâu khi Đức Phật đứng trước đại chúng đệ tử,khi giơ 1đóa hoa lên,chỉ có một đại đệ tử mỉm cười mà thôi.
    Thành thật cáo lỗi với mọi người khi Đức Sơn mượn trang này commens đôi dòng,ngôn ngữ không truyền tải hết ý của Đức Sơn được.Dài ngắn đâu quan trọng,quan trọng là ta hiểu nhau trên blog Pham Hanh này ,kính mọi người

    Trả lờiXóa