Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

TỪ LỤC VÂN TIÊN ĐẾN HIỆP SĨ ĐƯỜNG PHỐ

       Trong văn học cổ nước ta có 2 tác phẩm lớn : Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu . Cả 2 đều có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến phong hóa của 2 miền Nam Bắc . Riêng ở miền Nam tinh thần nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên đã ăn sâu vào huyết quản của những lưu dân đi mở cõi . Ngày nay nhóm " hiệp sĩ đường phố " tại Sài Gòn mang dòng máu của những anh hùng trượng nghĩa xuất hiện giữa một thành phố đầy rẫy những đạo tặc , cướp bóc ...Vừa qua cái chết của 2 hiệp sĩ bắt cướp gây xôn xao dư luận trái chiều . Thương xót , tán thán cũng có ; chê bai , phê phán cũng có - thậm chí còn có người  có lời lẽ sỉ nhục " ngu như bò" , "anh hùng rơm ", vv...Vậy bản chất của vấn đề là gì ? Hiểu sao cho đúng ? Có lẽ câu hỏi này đã ám ảnh không ít người có quan tâm đến thời cuộc của đất nước !

       Lục Vân Tiên là nhân vật cùng tên với tác phẩm của cụ Đồ Chiểu . Cái tên Lục Vân Tiên từ lâu đã thành biểu tượng của tinh thần nghĩa hiệp , của đạo lý TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA .
            "Trai thời trung hiếu làm đầu
           Gái thời tiết hạnh là câu trau mình "
 
   Truyện thơ lục bát LVT kể về một trang nam nhi mang hoài bão học hành thành tài ra giúp dân giúp nước . Năm 16 tuổi  , LVT sau khi làu thông kinh sử , từ giả ân sư , chia tay bạn bè lên kinh ứng thí . Chàng LVT không chỉ giỏi văn mà còn giỏi cả võ . Trên đường đi thi chàng LVT tình cờ gặp "chuyện bất bình " : một người con gái ( tên Kiều Nguyệt Nga ) bị bọn cướp chận đường cướp bóc và chàng đã tả xung hữu đột ra tay nghĩa hiệp đánh bọn cướp giải cứu cho người con gái ấy được an toàn . Thật đúng với câu " Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã " - thấy việc nghĩa không làm không phải là kẻ dũng ! Dù Khổng Tử từng dạy " việc gì không can dự đến mình chớ có đương đầu "( bất can cớ sự mạc đương đầu ) , nhưng Vân Tiên đã vượt ra khỏi  khuôn khổ ước lệ của kinh điển . Phải chăng đây là phong cách của người Nam bộ , thiên về hành động không cứng nhắc lý luận .
   Cụ Đồ Chiểu mang hai dòng máu : cha Bắc , mẹ Nam . Thân sinh của cụ được triều đình đưa vào trấn nhiệm thành Gia Định . Ông lấy vợ người Nam ( Ba Tri , Bến Tre ) sinh ra Nguyễn Đình Chiểu . Nguyễn Đình Chiểu lớn lên học hành đỗ đạt làm quan .Về sau , khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định , NĐC từ quan và về sống ở quê của mẹ ( Ba Tri - Bến Tre ) . Thực dân Pháp từng phủ dụ ông ra hợp tác nhưng ông cương quyết chối từ . Chẳng những không hợp tác mà NĐC còn tham gia các cuộc khởi nghĩa chống Pháp .
    Mẹ mất , cụ khóc đến mù cả mắt . Dù sống trong cảnh mù lòa cụ vẫn không ngừng viết văn " tải đạo":
                       "Thà đui mà giữ đạo nhà
                     Còn hơn có mắt ông cha không thờ"

    Đạo lý TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA  của cụ lan tỏa , thấm nhuần khắp trong dân gian :
                     "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
                       Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà "
    Thủ thuật của Pháp là chia để trị nên khi ấy nước Việt Nam ta bị chia ra làm 3 phần : Bắc ;Trung , Nam. Nam phần theo chế độ thuộc địa nên tiếp xúc với văn minh Tây phương sớm hơn 2 miền kia . Sau năm 1954 , mặc dù miền Nam vẫn tiếp tục ảnh hưởng văn minh Âu Mỹ nhưng  dân miền nam vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc Việt , chí khí Việt - TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA vẫn được coi là giá trị tinh thần , là nếp phong hóa của người dân Việt . Trước năm 1975 , ở miền Nam hơn hai mươi năm khói lửa chiến tranh chưa từng ngừng nghỉ nhưng vẫn có một số đông thả hồn trong thế giới ảo của Kiếm hiệp Kim Dung . Một số người đọc vẫn thấy được trong các phẩm này có nội dung triết lý sâu xa . Nhưng sau này , một số người lại cho rằng sự ra đời của nhóm hiệp sĩ đường phố ( HSĐP) là do ảnh hưởng tiểu thuyết kiếm hiệp ( lãng mạn , thiếu thực tế ) của Kim Dung . Nhận xét này theo thiển ý của tôi vừa võ đoán vừa thiếu cơ sở . Như trên đã nói dân nam bộ ảnh hưởng Lục Vân Tiên về tính nghĩa khí , hào hiệp , phóng khoáng ... Nhưng có một sự khác biệt không nhỏ giữa LVT xưa và các HSĐP nay là về tính chất hành hiệp . Sự hành hiệp của nhân vật LVT hoàn toàn do tự phát và tình cờ; còn sự hành hiệp của các HSĐP thoạt đầu là tự phát nhưng dần dần biến thành tổ chúc ! Trong truyên LVT có câu " giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha " chúng ta cần lưu ý 2 từ " GIŨA ĐƯỜNG  " và " THẤY". Hai chữ giữa đường mang ý nghĩa bất ngờ , tình cờ bắt gặp " chuyện bất bình " chứ không đi săn tìm , lùng sục kẻ xấu kẻ cướp để " ra tay nghĩa hiệp ". Những nghĩa cử ra tay giúp đời cứu người xét như PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN của người NGHĨA HIỆP vốn sẵn từ tâm - không toan tính mà cũng chẳng mưu cầu -
   " Làm ơn há dễ để người trả ơn "

   Thoạt đầu nhóm HSĐP chỉ là một số cá nhân tình cờ vì trượng nghĩa ra tay bắt cướp cứu người trên đường phố . Đến khi cướp bóc ngày càng gia tăng , lộng hành thì các HSĐP riêng lẻ này mới hợp lực thành nhóm ...Mỗi khi khống chế được cướp thì họ giao cho công an xử lý . Chính quyền địa phương cấp giấy khen , tặng quà tưởng thưởng . Các nhóm bắt  cướp dần dần được đội ngũ hóa với danh hiệu " Câu lạc bộ phòng chống tội phạm " .
    Trong vụ việc vừa qua , trong lúc hành hiệp thì có 2 anh tử vong và 3 người khác bị thương . Cái chết của các anh là nghĩa khí song nhiều người cảm thấy có gì đó không ổn ; nếu không muốn nói là tức tưởi , bất cập và phi lý .
  Vấn đề đặt ra là tại sao phải là Hiệp Sĩ ?! Nhiệm vụ và chức năng bảo vệ trật tự trị an thuộc về công an , hà cớ gì mà các anh làm thay cho công an ?! Công an là lực lượng bán võ trang , có khí giới mới có thể khống chế được tội phạm ;trong lúc các anh không có tấc sắt trong tay sao có thể đương đầu với tội phạm có hung khí ?!Việc này cũng giống như ngư dân được nhà nước tặng cho lá cờ rồi ra khơi giữ biển vậy .
    Có nhiều bạn ở miền Bắc trách sao dân miền Nam ( chỗ có cướp ) thiếu đoàn kết , thiếu dũng khí không biết áp lại cùng bao vây để bắt tội phạm - như dân miền Bắc đã từng có chuyện cả làng vây bắt tội phạm chó rồi tự xử tội luôn , có khi đánh tội phạm đến chết ! Dùng một cái sai này để sửa một cái sai khác thì cái sai sẽ nhân lên gấp bội .

     Tinh thần nghĩa hiệp của LVT mãi mãi vẫn được lưu giữ trong nhiều thế hệ . Cái chính là đừng để bị lợi dụng như một công cụ để rồi " ăn cơm nhà , vác tù và hàng tổng " . nếu các nhóm HSĐP được chính quyền bảo vệ , được trang bị áo giáp , được đào tạo nghiệp vụ ,...thì vô hình trung nhóm HSĐP này là một tổ chức bán quân sự chuyên lo bắt cướp để bảo vệ tài sản , tính mạng của người dân.Làm như thế khác nào HSĐP thế mạng công an -  ăn lương là công an còn săn bắt cướp , bị cướp giết là thường dân !

2 nhận xét: