Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Ý nghĩa vi diệu của việc LẠY SÁT ĐẤT

    Lạy sát đất tức là gieo mình phủ phục xuống đất với tất cả chí tâm thành ý , bằng tất cả những năng lượng cảm ứng giao thoa giữa người lạy và đối tượng được lạy ( lạy Phật , lạy Tổ , lạy ông bà , đất đá cây cỏ ...) .Lạy sát đất đúng quy cách là đầu , mặt tiếp giáp với  gối giữ ba hơi thở đều và sâu rồi mới đứng dậy . Lạy như vậy gọi là ngũ thân trì địa , năm vóc sát đất . Nhưng ý nghĩa vi diệu  của cái lạy này là gì ?

     Ý nghĩa và hạnh nguyện của cái lạy sát đất  nằm gọn trong bài kệ Quán tưởng mà người chủ lễ tuyên đọc trước khi hành lễ . Bài kệ này rất nhiều người đã từng tụng đọc hoặc từng nghe tụng đọc song không mấy ai để ý tìm hiểu ý nghĩa vi diệu của nó :
   Năng lễ sở lễ tánh không tịch
   Cảm ứng đạo giao nan tư nghì 
   Ngã thử đạo tràng như Đế Châu
   Thập phương chư Phật ảnh hiện trung 
   Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền 
   Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ
 Bài quán tưởng có ba cặp câu , mỗi cặp câu gói gọn một ý hoàn chỉnh :
     Cặp câu đầu rất quan trọng vì nó xác định tính chất bình đẳng giữa người lạy ( năng lễ ) và người được lạy (sở lễ ) .Phật và chúng sinh thể tính nhất như : tánh không tịch . Khi lạy xuống , trong tâm ý của người lạy không phân biệt chủ khách, năng sở , ngã nhân . Phật trên tòa sen là Phật đã thành , người đang lạy là Phật sẽ thành . Về phương diện phật tính thì là không khác . Mỗi chúng sanh là một vị Phật tương lai bởi tất cả chúng sanh đều có khả tính thành Phật . Lục Tổ Huệ năng đã từng sách tấn chúng đệ tử : " Này các thiện tri thức , tự tánh Bồ Đề bản lai thanh tịnh , vận dụng tâm ấy tất nhiên thành Phật "
      Cảm ứng đạo giao nan tư nghì . Có bản dịch là  Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn  " cảm ứng đạo giao " khó mà dịch cho thông , tuy nhiên có thể hiểu là sự truyền thông giao cảm giữa chúng sinh và Phật thông qua lễ bái chứ không thông qua lý lẽ ngôn từ . Điều quan trọng là lễ bái phải  với tất cả tấm lòng chí thành , chí thiết . Hể chí thành thì  thông thánh . Đó là sự hòa mạng của các sóng từ . Việc cúi lạy sát đất chẳng phải là sự mê tín mà là một động tác thể hiện sự tôn vinh , trân quý Phật tính trong chính mình nhằm mục đích thăng hoa , giao hòa với chư Phật , chư Bồ Tát . Tánh không tịch tức là tánh rỗng , lặng mà cả Phật và chúng sinh đều có :
    Phật như vầng trăng mát
   Đi qua trời thái không 
   Hồ tâm chúng sanh lặng
   Trăng hiện bóng trong ngần
Đại lụật  của vũ trụ là đồng thanh thì âm hưởng , đồng khí thì quy hưởng . Lạy sát đất là để đập nát , xóa tan cái huyễn ngã của mình để hòa mạng , phủ sóng cùng với cái đại ngã của vũ trụ của chư Phật ( Nguyễn Công Trứ : Linh khâm bảo hợp thái hòa )
     Câu thứ ba : Ngã thử đạo tràng như Đế Châu  ( Đạo tràng của con đây giống như lưới ngọc) .Đạo tràng là nơi thờ Phật có đông đủ Tăng chúng , Phật tử tu tập , tụng kinh , hành thiền , nghe pháp . Đạo tràng cũng là nơi khai mở mạng mạch giáo nghĩa uyên thâm của Phật pháp . Đạo tràng nầy như một mạng lưới được kết dệt bằng vô số những hạt ngọc có công năng phản chiếu . Đế Châu là lưới ngọc . Lưới ngọc là mạng lưới kết bằng nhiều chuỗi ngọc , mỗi chuỗi ngọc lại được kết bằng nhiều viên ngọc . Mỗi viên ngọc có sức phản chiếu hình ảnh của các viên ngọc khác và hình ảnh của chính nó cũng được phản chiếu trong tất cả những viên ngọc khác trên cùng một mạng lưới ( trùng trùng duyên khởi ). Như vậy trong một đạo tràng , mỗi một bạn tu , pháp lữ đều có mặt trong nhau và cùng nhau ảnh hiện trước Phật : Mười phương chư Phật đều ảnh hiện trong mạng lưới ấy *   (thập phương chư Phật ảnh hiện trung).
   Nếu sáu câu trên là tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho cái lạy thì hai câu cuối là tư thế lạy : 
  Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền 
 Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ .
Hai câu trên có nghĩa là thân của con đây đang ảnh hiện trước Phật , con xin được phủ phục đầu mặt tiếp gối , phó thác quay về nương tựa Phật .


Cũng có nhiều người kiêu mạn chưa từng bao giờ lạy sát đất . Họ cho đó là hành vi tự hạ thấp nhân vị  làm mất thể diện mình .Thật ra lạy Phật , lạy Tổ , lạy bài vị tổ tiên ông bà cha mẹ...chính là lạy mình , lạy Phật tính trong mình .Bởi vì năng lễ và sở lễ tánh không tịch .
Thậm chí lạy cây cỏ đất đá cũng là lạy Phật . " Thiên thượng thiên hạ vô như Phật " ( Nguyễn công Trứ ). Ngài Hư Vân trên đường về xứ Phật cứ hể ba bước thì lạy một lạy .
   Cái lạy ngoài việc cảm ứng đạo giao nhất thành thông thánh , ngoài việc phá ngã chấp còn có công năng sám hối tội chướng bằng cách tiếp xúc với đất . Thủy sám là cách sám hối bằng cách lấy nước Từ Bi tiêu trừ tội chướng . Địa sám là phép sám hối bằng cách tiếp xúc với đất , nương tựa vào đất , tiếp nhận năng lượng vững chãi , sâu dày của đất để cho đất ôm lấy mình và giúp mình chuyển hóa vô minh , khổ đau , tuyệt vọng . Đất thì ở đâu cũng có , tiếp xúc với đất sẽ được an ổn  ( Xứ xứ hữu địa xúc chi tắc an ). Con người dù có được bay bổng cao xa đến đâu cũng phải có lần tiếp đất để về với đất . Phẩm hạnh của ngài Địa Tạng Bồ Tát là kiên cố vững chãi , sâu dày , kham nhẫn và luôn luôn ôm ấp . Có lẽ vì vậy mà người biết mình sắp chết muốn được nằm xuống đất .Vậy thì tại sao lúc còn sống khỏe mạnh ta không tiếp xúc với đất bằng cái lạy để có được cảm giác an ổn . Bản thân người viết bài nầy sáng nào cũng lạy Phật sát đất ba mươi lạy xong rồi mới tọa thiền trì chú niệm Phật . Nếu vì lý do nào đó không thực hiện được quy trình này thì cả ngày hôm đó cảm thấy khó ở bất an .


Tóm lại , lạy sát đất vừa có công năng " cảm ứng đạo giao " với thập phương chư Phật , vừa để gạt bỏ tính kiêu mạn , ngã chấp , vừa có công năng tiêu trừ tội chướng từ nhiều đời kiếp trước .
------------------------------------------------------------------------------------


 Ghi Chú :
* Đạo tràng là một trong bốn nét nghĩa của MẠN ĐÀ LA : 
1/Đạo tràng  , 
2/ Như Lai Thai 
 3/ Như Lai Tạng  ,
 4/ Trạng Thái  Bardo  ( thân trung ấm ) 



2 nhận xét:

  1. Con vẫn nhớ những lời thầy nói về việc lạy Phật. Nên bây giờ đến chùa lạy Phật, con không còn khó chịu với những ...cái mông và cột chùa ạ ! Haahaa

    Trả lờiXóa
  2. Cái ngộ nầy rất quan trọng đấy Đ.Quang à

    Trả lờiXóa