Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Tạp ghi về một chuyến đi trao quà ở Trà Vinh

Nhân ngày Phật Đản đức Bổn sư, nhóm MABĐ cử mấy anh em chúng tôi đi qua Trà Vinh để trao quà cho các em bé cơ nhỡ, khuyết tật, những phần quà naỳ là của Hội từ bi Quan Thế Âm gửi về . Đoàn người gồm có: Thọ, Tài, vợ chồng Tự, Thoa, Quang và vợ chồng Nguyên Minh. Có đi sâu vào các con hẻm nhỏ ở đô thị hoặc luồn lách vào các vùng quê hẻo lánh, đến tận nơi, trao tận tay mới thấu hiểu cảnh tình bi đát của những mảnh đời bất hạnh sống lây lất đâu đó trên đất nước này.


   Chúng tôi xuất phát từ bệnh viện Trần Văn An lúc 7 giờ bằng xe máy rôì thẳng tiến về Hương Mỹ, qua sông bằng phà Vàm Đồn. Cái nắng gay gắt bắt đâù thiêu đốt lúc nửa buổi. Con sông rộng đến nôĩ đứng bên này nhìn sang bên kia bờ thấy xa tít tắp. Nước sông đục ngầu chở nặng phù sa bôì đắp 2 bên bãi bờ xanh tốt. Hơi nước từ mặt sông bốc lên làm hạ nhiệt đôi phần sức nóng gay gắt của mặt trời. Qua sông, chúng tôi thẳng tiến về phía Cầu Ngang để trao quà cho một em bé khuyết tật (vừa câm vừa điếc gốc Khmer). Em bé và cả gia đình đông con sống chen chúc trong một khu nhà thấp lè tè dựng trên bãi cát. Sau đó từ Cầu Ngang, chúng tôi đáo lại thị trấn Trà Vinh giữa ngọ thiên hết nắng lại mưa.

Đường xa vời vợi, thời tiết khắc nghiệt... thế mà chẳng ai phiền hà. Khi hiến tặng niềm vui cho ai đó, ta thấy lòng vui vui. Đi làm từ thiện là cách để trưởng dưỡng tâm từ và tâm bi (Từ là đem niềm vui đến cho người, Bi là giúp người bớt khổ). Vào đến thị trấn Trà Vinh, sát nách 1 ngôi chùa cổ, có 1 túp lều ổ chuột. Đây là địa chỉ mà chúng tôi muốn kiếm tìm. Trong túp lều lụp xụp có 2 em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ được ông bà ngoại cưu mang cho ăn học. Bà ngoại thì già yếu, đau ốm thường xuyên. Gánh nặng gia đình đặt trên đôi vai gầy của ông ngoại sống bằng nghề đạp xe lôi. Làm xong công việc, chúng tôi tìm đến ao Bà Om để nghỉ qua trưa chờ trời mát mới quay về Bến Tre.

Ao bà Om nằm trên ngọn đồi thoai thoải, lọt thỏm giữa một rừng cây mọc thẳng vun cao ngút ngàn. Ấn tượng đầu tiên là những gốc cây nằm khơi trên mặt đất. Rễ cây sù sì, gân guốc, vạm vỡ cắm sâu vào lòng đất vừa chống đỡ cho cây đứng thẳng vươn ca. Tuôỉ thọ của những cây sồi này có hơn 100 năm. Qua thời gian đất cát bị xoí mòn chỉ còn trơ rễ mà vẫn không bật gốc. Sức sống của cây cũng như sức sống của con người vẫn trường tồn bất diệt qua nhiều cơn dâu bể. Nói là ao nhưng thật ra đó là một cái hồ rộng mênh mông, nước trong xanh tĩnh lặng giữa một rừng cây yên tĩnh. Vài bông sen vươn lên khoỉ mặt nước với dáng vẻ khiêm hạ, thanh lương lạ thường.


Nhiều người thắc mắc về cái tên "Bà Om". Tên "Om" là danh xưng của một ai đó  như : Nuí Bà Đen, đình Ông Tạ... Có người noí vui đặt tên là ao Bà Om là vì ao được đào bằng thủ công, ôm đất từ đáy hồ lên bờ ... nhưng dưới nhãn quan của một người hay liên tưởng, liên hệ thì chữ "Om" này có thể là biến dạng của chữ "Ohm" trong kinh điển Bà La Môn hoặc chữ "Um" trong tiếng BaLi, hai là chữ "Án" trong phiên âm Hán Tự. Bởi vì những câu thần chú Mật Tông thường bắt đầu bằng chữ "Ulm" hoặc "Án". Ví dụ câu : "Um mani pame hum" (âm Hán : "Án ma ni bát mi hồng") Chữ Um rất quan trọng trong cả câu thần chú. Chữ Um chỉ cho sự viê dung, đầy đủ của tam thân (Pháp thân, Báo thân, Ứng thân). Chữ Mani nghĩa là hoa sen; chữ "pam" nghĩa là bảo trì và chữ "hum" nghĩa là tâm ý. Cả câu thần chú nghĩa là : "Bảo trì tâm ý thuần tịnh và vô nhiễm như hoa sen".
Sở dĩ có sự liên tưởng thế là vì đất Trà Vinh còn đậm màu sắc Phật giáo Nam Tông. Những chùa tháp, tịnh xá theo lối kiến trúc Ấn Độ nằm ẩn mình trong các rừng cây. Những khất sĩ áo vàng ở đây tụng kinh, chú bằng âm Bali. Như vậy liên hệ chữ "Om" trong ao Bà Om là do chữ Um trong mật chú của Nam Tông. Xem ra có lý phần nào chăng ?
    Chúng tôi về đến nhà trời đã nhá nhem, một đoạn đường dài gần 150 km đôí với những tay lái trên dưới 60 không phải là chuyện dễ dàng gì. Trong một ngày con người có thể làm biết bao nhiêu việc, nghĩ biết bao nhiêu điều... nhưng thường những việc ta làm, những việc ta nghĩ là do tâm hành chứ ít khi "như lý tất ý". Nghĩ, nói và làm trong chánh niệm theo chánh pháp là tạo thiện nghiệp cho đời sau. Trong kinh Di Giáo, Phật dạy:"Các việc ác chớ làm mà hãy chăm làm những việc thiện" (Chư ác mạc tác, chu thiện phụng hành) .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét