Xiếc
Sống thường hay đua tranh
Chết vô cùng thương tiếc
Con người đang làm xiếc
Giữa cuộc đời mong manh
Nguyên Âm
Thắc mắc lớn nhất của con người là thắc mắc về lẽ sống chết ở đời .Đại loại như tại sao ta sinh ra ? tại sao ta chết đi ?Tại sao lại là tôi ?( khi phải đối mặt với tuyệt vọng khôn cùng ) vv...và vv. Mọi tôn giáo và triết thuyết đều tập trung lý giải những thắc mắc nầy . Quan điểm chính thống của nhà xã hội học thì chỉ tập trung định nghĩa lẽ sống chứ không đề cập đến cái chết . Người đời cũng chỉ thường mưu sinh chứ không mưu tử . . Dưới cái nhìn của nhà xã hội học thì sống được định nghĩa là sống với ( vivre avec ) .Trừ những người bị lưu đày nơi hoang đảo hoặc các ẩn sĩ trong rừng sâu thì không ai sống một mình . Con người cũng như các loài động vật đều sống theo bầy đàn . Các loài thú hoang dã sống theo bầy đàn và tranh giành nhau những con mồi để sinh tồn . Loài nầy là mồi của loài kia . Con người là động vật cao quý nhất đi bằng hai chân ( lưỡng túc )Nhưng đôi khi con người còn tệ hại hơn loài vật ở chỗ tranh giành giết hại nhau . Đành rằng trước cái chết của đồng loại cũng biết tỏ ra thương tiếc .Một thi sĩ đã khái quát nghịch lý nầy bằng bốn câu thơ :
Sống thường hay đua tranh
Chết vô cùng thương tiếc
Con người đang làm xiếc
Giữa cuộc đời mong manh
Thực trạng , chân tướng của đời sống , cách cư xử của con người trong cuộc sống : Sống đua tranh , chết thương tiếc .
Nghĩa tử là nghĩa tận . Chết là hết ! hết đua tranh . Thường người ta nói rằng sống là tranh đấu . Nhưng tranh đấu mà không lành mạnh , minh bạch sẽ trở thành tranh giành , ganh đua , tỵ hiềm , đố kỵ . Mọi tội ác trên đời này đều bắt nguồn từ sự ghét ghen ( ghen ăn , ghét ở ) .Trịnh Hâm trong "Lục Vân Tiên " cùng một lúc phạm phải ba tội ác cũng chỉ vì mỗi lý do ganh ghét : Thứ nhất là giết người bạn đồng môn , thứ hai là giết một người sa cơ lỡ thế , thứ ba là giết một người tật nguyền không có khả năng tự vệ . Trong thời đại ngày nay , các cuộc khủng bố đẫm máu giết hại hàng loạt con người chung quy cũng chỉ vì lòng đố kỵ .
Chết là kết thúc mọi chuyện , không còn đua tranh , thù hận . Khi còn sống thì có nhiều đối thủ ; nhưng khi chết rồi thì chẳng còn ai là đối thủ cả . Con người lúc sinh tiền dù có ác đức , tàn độc đến mấy ..khi chết đi cũng được thương tiếc ...Người Việt ta vốn nhân hậu nên mỗi khi nghe tin ai đó qua đời đều chép miệng " tội nghiệp " bất kể đó là ai .Đã làm người ai cũng " mang lấy nghiệp vào thân " nên " cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa ". Không ai tránh khỏi nghiệp vì nghiệp là những hành vi đã gây ra trong quá khứ có ảnh hưởng đến hiện tại và là nhân tố tác động cho sự sống kế tục . Con người là kẻ thừa tự những hành vi mà y đã gây ra trong quá khứ . Bao lâu con người còn tranh giành , ganh đua , bấy lâu con người còn tàn hại nhau một cách ghê tởm . Thương tiếc một người đã khuất , phúng điếu , thắp hương trong tang lễ chỉ là lễ nghi hình thức . Lễ chẳng qua là bì phu chi ngoại .Giá trị tinh thần cao cả nhất là ĐẠO . ĐẠO rồi mới đến ĐỨC, NHÂN , NGHĨA và sau cùng là LỄ . Các giá trị này đã dần dần bị phá sản .Sống mà tranh giành thì đâu còn kể gì nhân nghĩa .Nhân là quan hệ tốt đẹp giữa người với người .Còn nghĩa là quan hệ tốt đẹp giữa cá nhân và cộng đồng . . Khi hai mối quan hệ trên không còn nữa thì lễ chỉ là hình thức mong manh . Sống mà tranh giành , tàn hại nhau thì chết thương tiếc để làm gì ? Chi bằng lúc sống ăn ở cùng nhau cho phải đạo làm người là đủ . Thiên hạ người đời phóng tâm chạy theo mưu cầu cuộc sống - tranh giành , ganh đua , bành trướng , gây thanh thế , chiếm quyền lực ...mà quên đi sự ngắn ngủi mong manh của cuộc đời .
Cuộc đời như giấc mộng Nam Kha - tỉnh giấc mộng nồi kê còn chưa chín
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm nào có gì đâu
Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì
Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều
Thế gian là cõi tạm . Cuộc đời là quán trọ . Ta là người khách lữ rong chơi trong cuộc lữ . .Hà cớ gì mà phải lao tâm khổ tứ phù phép đua tranh .Lão Tử cho rằng cuộc đời như một giấc mộng lớn , làm chi cho nhọc sức ( Xử thế nhược đại mộng , hà vi lao kỳ sanh ? )
Vậy mà :
Con người đang làm xiếc
Giữa cuộc đời mong manh
Con người đang làm xiếc tức là đang bày ra tuồng ảo hóa giữa kiếp phù sinh . Làm xiếc tức là bày trò ảo thuật trong các quan hệ ứng xử giữa người với người , giữa cá nhân và cộng đồng - tạo ra một thế giới ma trận . Trong thế giới nầy cái thật nhường chỗ cho cái ảo . Cái ảo lại lộng hành khuynh đảo , len lõi đến tận ngỏ ngách của đời sống . Cái gì cũng có thể ảo : Chất lượng ảo , thành tích ảo , học thuật ảo ...Thậm chí cả đồ ăn thức uống đưa vào cơ thể con người cũng bị làm ảo . Khi khoa học kỹ thuật càng phát triển thì kỹ nghệ làm xiếc càng tinh vi . Tuy vậy đừng vội đổ lỗi cho khoa học vì một nhà khoa học nổi tiếng đã cảnh báo :" Khoa học mà không có lương tâm thì đó là sự tàn lụi của tâm hồn " . Một khi đánh mất đạo ,đức , nhân , nghĩa thì chuyện kết nghĩa ở vườn đào trong Tam quốc chí không còn đầy đủ ý nghĩa về tình đệ huynh . Ngày nay , loại người như Lý Thông thì đầy rẩy , nhan nhản .Ngay cả kỹ nghệ " lấy Tây " ở thế kỷ trước cũng trở nên tinh xảo gấp bội trong thế kỷ nầy . Nói làm sao hết những trò ảo thuật đang diễn ra hằng ngày vì chúng muôn hình vạn trạng như hình thù trong ống kính vạn hoa
Sống tranh giành , chết thương tiếc , xiếc một đời , chết không lời trối trăn . Đó chính là sống say chết mộng ( sinh túy , tử mộng ) . Cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã khái quát rất tài tình chu kỳ một vòng đời của con người :
Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thầm rơi
Chiều nay : một dấu than buông dứt
Đinh đóng vào săng (* )tiếng trả lời
Chu kỳ của vòng đời bắt đầu từ nhiều dấu hỏi (? ) và kết thúc bằng một dấu than ( !) .Một thái độ tích cực để lấy lại cân bằng trong tự thân là VÔ TRÁNH ( không tranh giành ).Lão Tử cho rằng vì ta không tranh cho nên không ai tranh nỗi với ta . Một khi đã vô tránh rồi thì hà tất phải nhọc công làm xiếc . Lấy lại sự cân bằng trong nội tâm là lập lại hòa bình trong mỗi cá nhân .Hòa bình trong tự thân , hòa bìmh trên thế giới . ( peace in oneself, peace on the world )
(* ) Săng : quan tài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét