Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012
Truyện "Ông Thầy Mục Đồng"
Tôi ngồi đối diện với thầy Từ Viên ở bàn khách dành cho các sư . Người đàn bà mặc áo sô đầu chít khăn tang mời chúng tôi uống nước . Đã có vài người đến trước bàn Phật thành kính lễ bái .Mọi người đều loay hoay chuẩn bị cho buổi lễ cầu siêu . Tôi vẫn thường nhận lời thầy Từ Viên đi tụng niệm những đám như thế trong các dịp về thăm Tu Bông . Dân Tu Bông hầu hết là Phật tử và biết Phật giáo qua con đường sùng bái .Thầy Từ Viên đã khế hợp được căn cơ của quần chúng tại nơi nầy nên suốt đời Thầy chỉ hành trì một hạnh nguyện : nhận lời làm đám cho bất cứ ai và bất cứ khi nào .Nhiều khi tôi thật cảm động khi thấy Thầy tuy đã cao tuổi mà vẫn không nề hà xa xôi hoặc đêm hôm khuya khoắc, lụm khụm xách đèn dầu đi làm lễ cầu siêu cho người dân trong làng vừa qua đời . Chừng như đọc được những ý nghĩ đang lung tung trong đầu tôi nên thầy buột miệng :
- Tôi biết đạo Phật không chỉ có nghĩa thu hẹp trong việc lễ đám ; nhưng mình phải biết tùy thuận chúng sanh !
Tôi bày đặt lý sự :
-Đó là ý nghĩa khế cơ của kinh ngoài hai nghĩa khế lý và khế thời . Đem giáo lý uyên mật của Phật ra nói với các bà nầy không bằng tụng cho họ một thời kinh để họ phát khởi tín tâm. Con nghĩ chấp" không "hay chấp "có "đều là biên kiến . Trong kinh Bảo Tích Phật bảo bệnh chấp "không "nặng hơn bệnh chấp " có " . Hôm qua con có đi thăm chỗ đặt viên đá xây chùa đập Hải Triều , có một cụ già đã hỏi con tại sao phải lạy một pho tượng chỉ bằng xi măng . Con nói hồi đức Phật còn tại thế thì không có hình tượng , nhưng sau khi đức Phật nhập niết bàn thì hàng đệ tử ghi lại hình ảnh của Ngài bằng các hình vẽ , bằng những pho tượng ; vậy lạy các pho tượng là lạy cái linh thiêng cao cả mà pho tượng biểu hiện - cũng như con cháu lạy bài vị của ông bà trên bàn thờ tổ tiên -
Thầy Từ Viên bèn nhắc lại câu chuyện cách đây khoảng ba bốn mươi năm có một cậu bé chăn trâu đến với đạo Phật chỉ duy nhất bằng việc chiêm bái Phật tượng . Đó là chuyện " ông thầy mục đồng " .
Một cậu bé chăn trâu mang tật ngọng nghịu . Cậụ ngọng nặng đến nỗi gần như câm vì khó có ai nghe và hiểu được những lời cậu nói .Trong đám mục đồng ở Tu Bông, cậu là một cậu bé lạc loài và thường bị chế giễu . Khi đánh trâu ra đồng cậu chỉ biết chơi một mình và chơi duy nhất có một trò : lấy đất sét nắn thành hình tượng Phật , đặt tượng ở một chỗ cao rồi quỳ mọp lạy . Nhiều lần ,những đứa trẻ chăn trâu khác thấy cậu làm chuyện "kỳ quặc " bèn lấy chân đạp đổ tượng Phật rồi cùng phá lên cười . Cậu chỉ biết ngồi khóc như tiếc thương một cái gì thân thương đã mất . Cậu lại đi tìm đất sét và nặn tiếp những pho tượng Phật khác .Nặn xong một tượng Phật cậu bé vui mừng như vừa hoàn tất được một công trình lớn lao . Cậu để hết tâm trí vào việc nặn tượng đến nỗi nhiều khi cậu quên giữ trâu để trâu ăn phải lúa của người ta và cậu phải bị chú chửi mắng ,đánh đập .
Những pho tượng của cậu bé ít tuổi mà nhiều thành ý đó lại đẹp không thua gì những pho tượng đồng do những tay chú tượng chuyên nghiệp !Đặc biệt nữa là những pho tượng do cậu bé nặn đều giống hệt nhau tuy cậu chẳng hề có sẵn khuôn mẫu nào cả . Và cứ hể nặn xong một tượng Phật cậu lại thành kính đặt lên một chỗ cao rồi quỳ lạy .
Giữa đồng ruộng mênh mông cậu bé vẫn hạnh phúc với trò chơi nặn tượng của mình cho dù những công trình của cậu không ít lần bị bọn trẻ chăn trâu đập phá để làm trò vui .
Cậu lớn lên trong khung cảnh ruộng đồng và trong không khí thành kính quyện quanh người cậu .
Thắm thoát cậu bé đã trở thành một chàng thanh niên . Chú của cậu cho cậu vài sào ruộng và có ý tìm vợ cho cậu . Nhưng cậu thì không muốn rời bỏ những pho tượng ;nên khước từ ý thứ hai của người chú .Cậu tự mình dựng lên một cái chòi tranh nhỏ ở giữa đồng . Cậu thận trọng đặt vào trong chòi một pho tương lớn nhất và hàng ngày không ngừng cầu nguyện và lễ bái . Nhiều năm như thế chàng thanh niên vẫn sống trong mái chòi tranh ấy với lòng thành kính ấy với những pho tượng ấy ...! Rồi không biết từ bao giờ người trong làng mặc nhiên gọi chàng là ông Thầy ! Phải ! Ông Thầy Mục Đồng !
Cái tên Ông Thầy Mục Đồng đã dần dần trở nên quen thuộc và thân thiết đối với cả vùng Tu Bông . Có cả những bà cụ mang chuối đến đặt vào bàn thờ Phật trong chòi tranh của thầy Thầy tỏ ra bằng lòng với cuộc sống thanh tịnh , đạm bạc trong thế giới riêng tư của mình .
Vào thời Pháp thuộc , Phật học ở Tu Bông không được phổ cập ; hầu hết dân làng tin Phật , thờ Phật chỉ theo lối sùng bái . Ít có ai học Phật , nghiên cứu giáo điển một cách sâu sắc . Trong số những công chức lục lộ của Pháp có một vị rất sùng đạo Phật . Ông giữ nhiệm vụ coi sóc các con đường từ Nha Trang đến Tuy Hòa .Tu Bông là nơi ông thường lưu trú dài ngày . Ở đấy ông vẫn thường đi các lễ chùa , tiếp xúc với các vị xuất gia , các vị trưởng lão trong làng . Thế rồi một hôm ông tình cờ nghe được câu chuyện " ông Thầy mục Đồng " Ông tức tốc tìm đến mái chùa tranh . Đời sống của ông Thầy Mục Đồng vẫn bình thường đạm bạc nhưng thảo am của Thầy thì đã có phần tươm tất nhờ những bàn tay tu bổ của những người có lòng tin Phật . Nơi thanh vắng ngày nào giờ đã có phần tấp nập người tới lui lễ bái . Người công chức nọ thấy lòng cảm động ; tự dưng ông phát bồ đề tâm thật mãnh liệt . Thế rồi ông trở về vận động toàn thể nhân viên của sở lục lộ đóng góp để xây dựng một ngôi chùa gạch ngói thật khang trang .Chùa cất bên cạnh đường xe lửa , kề cận nhà ga .
Nhờ sự nhiệt tình của các phu lục lộ mà công trình xây cất ấy rất hoàn mỹ và nhanh chóng . Sau đó ,toàn bộ anh em trong sở lục lộ cùng nhau đến thảo am chân thành thỉnh mời thầy về trụ trì chùa mới
Thế là ông thầy mục đồng phải rời bỏ thảo am thân yêu . Tuy nhiên Thầy thấy trong lòng mình chẳng có gì thay đổi . Sống trong một thảo am hay trong một ngôi chùa mới - đứng trước một pho tượng Phật đất hay một pho tượng Phật đồng đối với Thầy không có sự phân biệt hơn kém .Thầy về ở chùa mới chẳng qua là tùy thuận chúng sanh , thuận theo lời yêu cầu thiết tha của những người có đạo tâm . Có điều từ ngày về đây Thầy được hiến cúng đầy đủ hơn, khỏi phải vất vả như hồi còn ở thảo am . Người công chức nọ mỗi tháng đều có cung cấp gạo muối cho chùa . Những phật tử trong làng cũng không ngừng lễ bái , cúng dường .Tuy cả ngày Thầy không nói tiếng nào nhưng dường như có cái gì thật bình an , thanh khiết tỏa ra từ người Thầy . Ai gần Thầy cũng thấy lòng mình an định , nhẹ nhàng . Suốt đới Thầy chỉ nói được một câu niệm " Nam Mô ...". Sự hiến cúng ngày càng dồi dào nên tài sản của chùa càng ngày càng phong phú . Nhưng lòng tham chúng sanh là cái vốn căn bản .Thế nên có những người trộm cắp những vật dụng và thực phẩm của nhà chùa .Nhưng Thầy Mục Đồng không hề biết được những việc đó .Vì suốt ngày Thầy chỉ để tâm vào cõi huyền vi . Thầy chỉ chiêm ngưỡng sùng bái ...trước pho tượng Phật , Chúng sanh không dừng được trộm cắp . Thầy thì vẫn an nhiên tự tại ...
Người công chức bị đổi đi nơi khác . Việc hiến cúng hàng tháng cho chùa của Thầy mục đồng không còn được tiếp tục .Đồ đạc trong chùa vẫn tiếp tục bị mất mát .Những Phật tử trong vùng cũng thưa dần cúng bái .Nhưng ông Thầy Mục đồng vẫn ở đó , vẫn giữ được mức sống thanh đạm như ngày nào tại thảo am .
Khi Việt Minh quật khởi chiến dịch tổng khởi nghĩa thì quân Pháp phản công lại bằng cách tung quân về các làng mạc .Dân làng Tu Bông một số đi tản cư , một số ở lại trong hồi hộp lo âu . Ngôi chùa lại càng tiêu điều hơn .Rêu phong đầy tường , cỏ dại phủ lấp lối đi .Thầy Mục Đồng tuy đã cao tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và khương kiện .Thầy vẫn không phút giây rời bỏ cái tâm đã quy về một chỗ ..Thường ngày người ta vẫn thấy Thầy xách nước ,quét sân , nhổ cỏ,... ở sân chùa .
Bỗng ...bẵng đi bảy ngày ... ngôi chùa hình như lặng ngắt ! Hình như đã bảy ngày rồi không ai còn thấy bóng Thầy đâu cả . Người ở cạnh chùa sinh nghi bèn chạy vào chùa tìm Thầy . Sau cùng người ta phát giác pháp thể của Thầy trên một chiếc đơn sau nhà Tổ . Thầy chết bình yên như nằm ngủ . Xác đã bảy ngày mà không có mùi hôi thúi . Da thịt của Thầy săn lại khô quánh . Dân làng lấy làm lạ và họ đều tin rằng Thầy đã chứng quả . Những vị Thầy cao đức khác trong làng đã tổ chức tang lễ cho Thầy rất trọng thể.
Thầy Từ Viên dứt lời kể , tôi không ngăn được sự cảm động .Tôi cũng đã đọc " Cao tăng truyện " , cũng đã được biết những hành trạng lạ lùng của các vị thiền sư tu chứng nhưng câu chuyện nầy đã gợi trong lòng tôi một cảm xúc khó tả . Có lẽ người kể đã ít nhiều chứng kiến câu chuyện xảy ra . Cũng có lẽ câu chuyện xảy ra trên chính quê hương của Ngài Quảng Đức . Tôi nghĩ xứ nầy có duyên với các Bồ Tát hiện thân . Bồ Tát Quảng Đức đã để lại quả tim bất diệt ; còn Thầy Mục Đồng đã để lại tinh thần không nhân không ngã, vô chấp vô trước .
Tôi còn đang nghĩ miên man thì tiếng Thầy Từ Viên nhắc nhở chuẩn bị làm lễ khiến tôi trở về thực tại .Tôi vừa mặc áo đắp y vừa nghĩ đến công phu niệm Phật . Con đường đi đến giải thoát không phải chỉ bằng trí thức hay hành động . Ông Thầy Mục Đồng đã đạt đến sự chứng ngộ bằng con đường sùng bái . Và chính con đường sùng bái đã đưa tôi đến đây , hôm nay , với Thầy Từ Viên trong buổi lễ cầu siêu nầy .
Tu Bông mùa Phật Đản 2517 ( 1973)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đức hạnh như Thầy Mục Đồng thật đáng kính.
Trả lờiXóaNhân đọc Phạm Hạnh tưởng viếng Thầy Mục Đồng...
Trả lờiXóaPhật đất giữa mục đồng
Am vắng vắng hồi chuông
Tâm không không động mõ
Gió qua, qua bao giờ!?
Vương Đức Bình trong trực cảm vô ngôn thốt lên lời u mặc
Trả lờiXóaKhởi niệm trong vô niệm
Chung thanh không thỉnh chung
Mỏ khua không động mỏ
Vô thỉ và vô chung !
" Phật là vầng trăng mát
Trả lờiXóaĐi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sinh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần !"
Từ khi Đức Sơn quy y Phật,học làm theo lời Phật dạy,Đức Sơn thấy yêu cuộc sống mình đang có .Sống có Chánh niệm . Phật dạy con người phải biết chia sẻ ,Phật không khuyến khích lý luận triết lý sâu xa,mà chỉ dạy sống có thực chứng.Hình ảnh Ông Thầy Mục Đồng là thực chứng sống động,rất cám ơn Bác Đạt Nhân đã cung cấp câu chuyện vô cùng thiết thực.Đức Sơn xin ghi ra câu kệ mà ai cũng biết như sau.
Trả lờiXóaTa biết đâu suối nguồn An Lạc
Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa
Ta biết đâu bến bờ Hạnh Phúc
Đúng Ngọ về chùa cất cuốc ăn trưa
Chùa của ngài khai sơn giờ tôi về trụ trì...
Trả lờiXóa