Nguyên do xảy ra chuyện bầy tôi thí vua , con giết cha , vợ chồng anh em sát hại lẫn nhau không phải một sớm một chiều . Nguyên do ấy xảy đến dần dần từ lúc mới mọc mầm . Cái mầm mống của loạn thần , tặc tử là danh không chính .Nguyên ủy của chính danh là đạo .Đạo là giá trị tinh thần cao nhất trong các giá trị : đạo , đức , nhân , nghĩa , lễ. Thiên hạ dần dần bị phá sản những giá trị tinh thần cao cả ấy : vì mất đạo nên mới tính tới đức ; mất đức nên mới tính tới nhân , mất nhân nên mới tính tới nghĩa và vì mất nghĩa nên mới tính tới lễ - lễ là hình thức mong manh- . Đức Khổng tử cho rằng nguyên nhân của một xã hội băng hoại là " thiên hạ vô đạo " . Sử gia Phùng hữu Lan trong " Lịch sử triết học trung Quốc " viết : " Khổng Tử chính mắt thấy các chế độ đương thời băng hoại nên cho rằng ' thiên hạ vô đạo ' và ngài mơ tưởng đến một thời đại ' thiên hạ hửu đạo ' " .Tử Lộ - học trò của Khổng Tử - hỏi thầy : " Nếu vua Vệ mời thầy làm chính sự thì thầy sẽ làm gì trước ? " Khổng Tử đáp : " Tất nhiên phải chính danh trước " . Đó là vấn đề từ một xã hội băng hoại đến chủ nghĩa chính danh .
Mơ một thời đại thiên hạ hữu đạo là nguyên động lực thúc đẩy Khổng Tử viết sách Xuân Thu . Khổng Tử san định Xuân Thu là để biện biệt thuyết chính danh . Và như vậy thuyết chính danh đã ra đời trong một xã hội băng hoại . Tôn chỉ của chính danh là tạo ra một tiêu chuẩn cho mọi điều phải trái lành dữ...Bằng phương pháp chính danh tự , định danh phận để sửa sang giềng mối quốc gia , tái lập trật tự xã hội . Đó là căn bản của triết học Khổng Tử . Sau đây là mấy nét chính về quan niệm căn bản của triết học Khổng Tử:
- Quan niệm về vũ trụ , vạn vật luôn luôn biến dịch . Dịch là chỗ vô cùng sâu thẳm để nghiên cứu nguyên động lực tạo nên cái chí của thiên hạ . Có động cơ mới làm nên việc . Cơ là chỗ vi diệu nhất của mọi hành động , là sự hiện ra trước của mọi điều lành dữ ( Cơ giã động chi vi kiết hung chi tiền hiện giả dã ). " Tri cơ " , " kiến cơ " để đề phòng từ chỗ nhỏ nhặt , ngăn cản lúc mọc mầm .
- Mọi chế độ khí vật , phép tắc lễ nghi của con người khởi từ tượng . Tượng cũng là cơ của mọi chế độ vạn vật . Mọi ứng dụng của tượng về phương diện tâm lý hay luân lý là Ý hay còn gọi là ý niệm , khái niệm ; còn xét về phương diện thực tế tức là danh ( danh tự ). Học thuyết tượng là động cơ của sự vật . Đối với Khổng Tử , triết học nhân sinh phải chú trọng đến động cơ của hành vi . Tượng có ngụ ý khuôn mẫu để phỏng theo , nên triết học , giáo dục , chính trị của Khổng tử chú trọng đến hành vi, tiêu chuẩn và khuôn mẫu ."Chính cho mình" để "chính cho người".
- Góp danh thành tự . Danh tự là công cụ bày tỏ xu hướng , động tác của ý tượng : vạch ra điều lành , điều ác ; điều lợi , điều hại trong hành vi , làm hướng đạo cho hành vi nhân sinh .
- Chủ nghĩa chính danh là điểm quan trọng nhất trong triết học họ Khổng .
Nói đến chính danh là nói đến chính danh tự , định danh phận và ngụ ý khen chê . Khổng tử làm ra sách Xuân Thu là cốt để trình bày thuyết chính danh hầu răn đe những loạn thần tặc tử .
Đầu tiên là phương pháp chính danh tự . Như trên đã nói mỗi danh tự có một ý nghĩa , khái niệm kèm theo nó . Dần dà những ý niệm của danh tự bị sai lệch và biến nghĩa đi , làm cho danh tự không còn là chính danh nữa . Công việc chính đính lại ý nghĩa của danh tự thuộc các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học , văn pháp học , hàn lâm viện . Ngày xưa chính đính danh tự là trách nhiệm của giới quý tộc , của nhà cầm quyền ( thường gọi là chính danh quân tử ). Khổng Tử cho rằng về chính trị cũng như về xã hội sự băng hoại của các giai cấp là lỗi của lớp quý tộc cầm quyền . Hành vi của giới quý tộc rất có ảnh hưởng đến dân chúng ( thượng bất chính hạ tất loạn ) .
Mỗi cái danh đều có định nghĩa riêng của nó . Chính cái định nghĩa đó làm cho cái danh là danh đích thực . Danh là yếu tố , là khái niệm của một vật . Ví dụ danh từ vua có đủ yếu tố khái niệm là vua cho ra vua . Chữ vua là ông vua có thật . Khái niệm về vua trong khuôn mẫu lý tưởng mới là chính danh vua ( vua ra vua ) . Những danh từ khác như tôi ( quan lại , bồi thần ) , cha (phụ ) , con ( tử ) ...cũng đều như vậy . Nếu vua ra vua , tôi ra tôi , cha ra cha , con ra con ...thì thiên hạ hữu đạo . Còn nếu vua không ra vua tôi không ra tôi , cha không ra cha ...thì thiên hạ vô đạo . Vua mất đạo làm vua , quan mất đạo làm quan ...thì thiên hạ đại loạn là lẽ tất nhiên . Cái mầm loạn ở chỗ danh không chính . Khổng Tử đưa ra ví dụ : " Cô " là cốc uống rượu có góc vuông . Về sau cốc uống rượu không còn góc vuông nữa vẫn được gọi là cô . Ngài than thở : " Bây giờ cô không còn góc nữa cũng gọi là cô sao ? Cũng gọi là cô sao ? ( Cô bất cô , cô tai ! cô tai ! )
Trong xã hội ta ngày nay hiện tượng điên chữ loạn nghĩa đã trở thành đại dịch tràn lan trong mọi lãnh vực. Người ta dùng từ một cách tùy tiện , cẩu thả . Đó còn chưa kể những từ không có trong tự điển và nhiều từ vay mượn tiếng nước ngoài một lố bịch để khoe mẽ . Môi trường tiếng bị ô nhiểm một cách trầm trọng . Khổng Tử nói : " Người quân tử có điều gì không biết thì bỏ qua mà không nói . Nay danh bất chính ắt lời nói không thuận , lời nói không thuận ắt việc chẳng thành , việc chẳng thành ắt lễ nhạc không hưng thịnh , lễ nhạc không hưng thịnh ắt hình phạt chẳng đúng . Hình phạt không đúng phép , dân không biết đặt chân tay vào đâu để tin cậy . Cho nên người quân tử quan niệm danh ắt nói ra được mà nói ra được ắt làm được . Người quân tử nói ra điều gì nên dè dặt không cẩu thả " ( Theo Trung Quốc triết học sử của Hồ Thích ) . Nói danh không chính ắt ngôn không thuận vì ngôn là do danh tổ hợp lại . Vì vậy lời nói khi nói ra là phải có khả năng làm được . Và chỉ làm những gì có thể nói ra được . Ở tây phương , ông Dumas Père đã viết cho con mình là Dumas Fils bằng những lời tương tự : " Con hãy làm những gì mà con có thể nói ra được , con hãy viết những gì mà con có thể ký được " ( Faites ce que vous pouvez dire ; ecrivez ce que vous pouvez signer ) .
Chính danh , chính từ là đặt từ vào đúng ý nghĩa của nó . Ý nghĩa của danh từ nếu không có tiêu chuẩn chín chắn thì dù có muốn nói ra cũng không thông được . Đó là vấn đề biệt đồng dị ( phân biệt chỗ giống và khác nhau của danh từ . Vua mà không ra vua thì không thể gọi là vua được ....Khi vua không ra vua thì tôi cũng sẽ không ra tôi . Từ đó xảy ra chuyện thí vua . Trong trường hợp vua không ra vua thì việc thí vua không phải là tội . Khổng Tử cho rằng giết một ông vua ' hôn quân bạo chúa ' cũng như giết một kẻ độc ác ( Tru bạo quốc chi quân , nhược như độc phu ).
Ở trên là biệt đồng dị , dưới đây là biện thượng hạ tức là định danh phận .
Trong chế độ phong kiến , giai cấp quý tộc nắm quyền cai trị. Quyền chấp chính ở trong tay vua , quan . Tầng lớp vua , quan trực tiếp làm chính trị , nắm giữ giềng mối quốc gia , xã tắc . Chữ chính trong chính trị có chữ chính có nghĩa là ngay thẳng , đúng đắn . Chính là làm cho đúng . Làm chính trị là làm cho đúng để dân bắt chước làm theo . Muốn duy trì trật tự phải sắp đặt chính sự đâu vào đấy cho đúng . Khổng Tử cho rằng danh không đúng cho nên đời mới loạn . Do đó ông muốn chính danh để cứu đời . Danh mà không đúng là trách nhiệm của vua quan . Muốn chính danh phải bắt đầu từ trên . Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về chính trị . Khổng Tử đáp : " Chính tức là chính , ngài lãnh đạo một cách đúng` đắn ai dám không chính đáng ?" ( Chính giả chính dã , tử xuất dĩ chính , thục cảm bất chính ? ) . Quý Khang Tử lo về nạn trộm cắp , hỏi Khổng Tử cách trị , Khổng Tử đáp : " Nếu ngài không tham , dẫu ngài cho tiền để xúi họ trộm cắp thì họ cũng không làm " Quý Khang Tử hỏi : " Như giết kẻ vô đạo để cho đời hữu đạo thì sao / " Khổng Tử đáp : " Ngài làm chính trị thì cần gì giết ai ? Ngài muốn thiện thì dân sẽ thiện , đức của người quân tử như gió , đức của kẻ tiểu nhân như cỏ , gió thổi thì cỏ rạp xuống "( theo Phùng Hữu Lan - lịch sử triết học trung Quốc )
Làm chính trị theo phương pháp biện thượng hạ là như vậy đó . Thế mà bọn hôn quân , tham quan ô lại cầm đầu chính phủ cũng xưng là nhà chính trị thì thật là quái dị . Thật ra đó là tư tưởng của bọn cơ hội , xôi thịt , vô chính phủ , tà thuyết , bạo hành . Khổng Tử cho rằng bệnh căn trong thiên hạ ở chỗ giới tư tưởng không có một tiêu chuẩn chính đính cho thị phi , chân ngụy . Thiên hạ hữu đạo thì thứ dân chẳng có gì dị nghị ( thiên hạ hữu đạo tất thứ dân bất nghị ) . Tôn chỉ của định danh phận là tạo ra một tiêu chuẩn cho mọi điều phải , trái , lành , dữ .Tam cương ngũ thường là đạo lý căn bản của nho gia .Người chấp chính khi ban ra một luật lệ phép tắc thì phải nghĩ đến điều lợi hại của dân chứ không phải quyền lợi của giai cấp mình . như vậy mới là nghĩa trước mà lợi sau . Mạnh Tử cho rằng : "Trong xã hội giới chấp chính nếu ai cũng vì lợi trước nghĩa sau thì kẻ nầy cướp hết đất của kẻ kia mới hả dạ " . Cơ chế xin cho đã biến dịch vụ công cộng ( service publique) thành ân sũng ân huệ ( faveur ) . Thay vì phục vụ dân lại ban phát ân huệ cho dân . trong khi đó thói đời không ai cho không ai điều gì . Có xin phải có cho , mà hễ có cho thì phải kèm theo một điều kiện . Đó là cái mầm của tham nhũng .
Trong sách Xuân Thu , ngoài phương pháp chính đính danh tự , định danh phận Khổng Tử còn muốn nói đến những lời phán đoán khen chê ký thác vào ký sự nhằm răn đe bọn loạn thần ,tặc tử .
Tóm lại , chủ nghĩa chính danh là học thuyết ra đời từ trong một xã hội băng hoại . Nó ra đời vì nhân sinh , bởi nhân sinh và cho nhân sinh . Trong cõi nhân sinh , vấn đề quan hệ giữa con người với con người , giữa cá nhân và xã hội được đặt lên hàng đầu . Nguyên ủy của vấn đề nầy là đạo : Đạo làm vua , đạo làm quan , đạo làm cha ,...Nói chung là đạo làm người . Khổng Tử nói : " Đạo không xa người , người làm cho đạo xa người , ấy chẳng phải là đạo " ( đạo bất viễn nhân , nhân chi vi đạo nhi viễn nhân , bất khả dĩ vi đạo ). Thiên hạ dần dần bị phá sản những giá trị tinh thần cao cả : vì mất đạo cho nên tính tới đức , vì mất đức cho nên tính tới nhân , vì mất nhân cho nên tính tới nghĩa ; và vì mất nghĩa cho nên còn lại lễ . Lễ là hình thức mong manh . Xã hội đương thời nhẹ về lễ nghĩa ứng xử lại nặng về lễ nghi hình thức . Chủ nghĩa chính danh là triết lý nhân sinh của đạo Nho . Còn trong đạo Phật , một trong các con đường dẫn đến cứu cánh giải thoát là bát chánh đạo .Chánh đạo là con đường không dựa vào sai lệch , tà vạy . Bát chánh đạo gồm có : chánh kiến, chánh tư duy , chánh ngữ , chánh nghiệp , chánh mạng , chánh tinh tấn , chánh niệm , chánh định . Nếu chủ nghĩa chính danh là triết lý nhân sinh lành mạnh hóa xã hội thì bát chánh đạo là phép tu vừa giải quyết những vấn đề nhân sinh vừa thường tịnh hóa thân tâm con người .
Bài viết hay quá, nhưng tuổi cao, mắt chóng mỏi, mà bài này không thể chỉ đọc một lần mà hiểu được xin phép bác mượn về để có thể đọc kỹ và nếu có trích đoạn nào của bác để dùng sẽ ghi nguồn trích dẫn. Cám ơn bác trước.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã ghé thăm và có lời khích lệ . Người viết bao giờ cũng mong có nhiều bạn đọc . Gặp được một độc giả như bạn thì thật là quý hóa vô cùng !
Xóa