Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bất nhị

   Trong thế giới nhị nguyên 
   Gây ra bao đau khổ 
   Mà thủ phạm hàng đầu 
   Là cái nhìn phân biệt 


   Hoàn cảnh anh may mắn 
   Còn tôi sao bất hạnh 
   Số anh ngôi  sao  sáng 
   Còn tôi sao long đong .


   Từ cái nhìn phân biệt 
   Nẩy sinh tâm giận hờn 
   Từ ý niệm phân biệt 
   Mới so bì thiệt hơn


   Muốn sống đời an lạc 
   Hãy thay đổi cách nhìn 
   Giải trừ mọi sai khác
   Mới trưởng dưỡng niềm tin 


   Trời cho ta số phận 
   Người làm sao cải số 
   Chỉ một cách duy nhất 
   Đổi thay từ thái độ

   Nhìn đời không phân biệt 
   Sẽ giũ sạch sầu đau 
   An lạc nào ai biết 
   Bất nhị -ấy nhiệm mầu

13 nhận xét:

  1. "...Trời cho ta số phận
    Người làm sao cải số
    Chỉ một cách duy nhất
    Đổi thay từ thái độ..."
    -Phạm Hạnh-

    Tướng từ tâm mà ra
    Tâm thay thời tướng đổi
    Sự đời ít người biết
    Thẩm mỹ viện giàu to !
    -GTrRCQ-

    Hi hi...

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Tướng tự tâm sinh là kết quả của một quá trình chuyển hóa .Chuyển hóa cũng là thái độ trước số phận Cảm nhận của Quang rất là thú vị .

    Trả lờiXóa
  4. Uốn nắn con người bằng lễ nhạc, an ủi con người bằng nhân nghĩa, tức là làm mất bản tính thường nhiên của sự vật.

    Trả lờiXóa
  5. "Uốn nắn con người bằng lễ nhạc, an ủi con người bằng nhân nghĩa, tức là làm mất bản tính thường nhiên của sự vật."

    Bản tính thường nhiên của sự vật là cái gì ? Làm sao để giữ bản tính thường nhiên của sự vật ? Nếu không "Uốn nắn con người bằng lễ nhạc, an ủi con người bằng nhân nghĩa" thì con người ra làm sao ?

    Trả lờiXóa
  6. Bản tính thường nhiên của con người phải chăng là cái phần tiên thiên ,thiên phú (thường nhiên giả tự nhiên như cố hữu dã).Dùng lễ nhạc và nhân nghĩa để uốn nắn,di dưỡng con người là cốt hoàn thiện cái tiên thiên bằng cái hậu thiên chứ không thể nào đánh mất cái tiên thiên .Khổng Tử nói : "Sự hòa điệu nhờ ở nhạc,sự thành tâm nhờ ở lễ ".Ta bà không nên cực đoan quá như thế !

    Trả lờiXóa
  7. Chào Góc trời riêng của Quang !
    Con người mà không được uốn nắn sẽ sống theo chủ nghĩa tự nhiên .Bản tính thường nhiên là chủng tử bản hữu ;nếu không có môi trường tốt ,không được di dưỡng tốt thì chủng tử ấy sẽ thiếu phần tân huân cần thiết (chủng tử tân huân ).Cũng như trà mà không được xông ướp hoa ngâu hoa lài ...sẽ kém ngon .Cây cảnh mà không biết cách tạo dáng tạo thế thì kém đẹp .

    Trả lờiXóa
  8. Dạ, con đồng quan điểm với thầy.
    "Bản tính thường nhiên là chủng tử bản hữu ;nếu không có môi trường tốt ,không được di dưỡng tốt thì chủng tử ấy sẽ thiếu phần tân huân cần thiết (chủng tử tân huân )" trong khi cái "tân huân" đời này chính là cái "tiên thiên" ở đời sau của chúng ta. Vậy không cần phải sợ việc làm mất " bản tính thường nhiên của sự vật." phải không thầy ?
    Giả sử đưa một em bé vào rừng và cho tự do sống với "bản tính thường nhiên" của nó thì con e rằng nó sẽ không còn giống con người nữa trừ ngoại hình vẫn còn nét giông giống.

    Nhớ Tam tự kinh có câu :
    "Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri nghĩa". Quả là chí lý

    Trả lờiXóa
  9. Con thiên nga đâu tắm mỗi ngày vậy mà nó vẫn trắng; con quạ đâu nhuộm mỗi ngày mà nó vẫn đen. Trắng đen là bản sắc tự nhiên của chúng, đâu cần phải biến đổi. Sự quán tưởng đến danh dự đâu có làm cho mình lớn hơn. Khi suối cạn, cá chen chúc với nhau trong bùn. Ở đó phun nhớt dãi làm ướt nhau, chi bằng ở sông hồ mà quên nhau.

    Trả lờiXóa
  10. Người hay sự vật chí phải thì không bao giờ đánh mất bản tính tự nhiên mà mình được phú bẩm. Ngón chân hợp lại đừng xem là ngón dính; mọc nhánh ra thì đừng xem là ngón thừa. Cái dài thì đừng xem là dư; cái ngắn thì đừng xem là thiếu. Cho nên, chân vịt tuy ngắn nhưng nếu ta nối dài thêm thì nó khổ; chân hạc tuy dài nhưng nếu ta chặt ngắn đi thì nó sầu. Vậy, bản tính dài thì chớ làm ngắn lại; bản tính ngắn thì chớ nối dài thêm. Bản tính như vậy, có gì đáng ưu phiền đâu mà phải khử bỏ đi.??

    Trả lờiXóa
  11. bài thơ hay quá hai khổ thơ cuối thật ý nghĩa


    Trời cho ta số phận
    Người làm sao cải số
    Chỉ một cách duy nhất
    Đổi thay từ thái độ

    Nhìn đời không phân biệt
    Sẽ giũ sạch sầu đau
    An lạc nào ai biết
    Bất nhị -ấy nhiệm mầu

    Trả lờiXóa
  12. Rất vui vì Khuyencan đã cảm nhận được ý nghĩa của bài thơ-đặc biệt là hai khổ cuối-Chúc vui!

    Trả lờiXóa
  13. Theo sự hiểu của tôi, trong bốn câu cuối , “bất nhị” là không phân biệt, bất là không nhị là hai. Trong kinh Pháp Hoa, Phật tùy phương tiện dùng phương pháp phân biệt để giảng dạy cho vừa lòng người (khả duyệt chúng tâm). Ý Ngài nói phải phân ra ba thừa nhưng rốt ráo chỉ có một thừa ấy là Phật thừa đưa người đến thành Phật (đắc nhập vô thượng đạo, tốc thành tựu Phật thân). Sự phân biệt của Phật không giống sự phân biệt của kẻ phàm phu.
    Bất nhị còn có nghĩa “không phải hai mà không phải một” ví như tâm thân bất nhị. Tâm và thân là hai mặt của đồng xu hay bàn tay; chúng khác nhau nhưng cũng là một để không phải là một. Tôi với bạn không phải là một nhưng chúng ta có sự tương đồng đều là con người; nói thế chúng ta cũng không phải là một. Mình với ta tuy hai mà một ta với mình tuy một mà hai.
    Ý niệm bất nhị nầy rất quan trọng và dùng trong rất nhiều trường hợp. Lời Khổng Tử: quân tử hòa nhi bất đồng cũng có phần nào trong chuyện nầy. Bất nhị nói lên tính động của triết học Đông Phương.
    @ Ta Bà. Lão Tử có nói đại để như sau. Con bò ăn cỏ ngoài đồng là thiên nhiên, là đạo. Đem cái ách đặt trên cổ nó, ấy là nhân tạo, trái với lẽ thường.

    Trả lờiXóa