Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Nói láo có thành công mãi không ?



Napoléon , một danh tướng tài ba của nước Pháp có một câu nói bất hủ: “ đừng nói láo vô ích vì nói láo chỉ thành công một lần “. Bên xứ ta cũng có một câu tương tự : “một lần bất tín , vạn lần bất tin “ . Thế mà trên đời nầy vẫn có nhiều người nói láo nhiều lần qua nhiều giai đoạn , nhiều thời kỳ kéo dài mà vẫn còn nhiều người tin ! Vì sao lại thế ?

 Tướng tài Napoléon cầm quân trăm trận trăm thắng ;  vậy mà có lần  ông cũng bị thất trận . Ông không hề che dấu hay nói khoác , mà chỉ dõng dạc tuyên bố trước ba quân rằng : “ Ta chỉ thua một trận giặc chứ ta không thua giặc “. Câu nói thể hiện sự trung thực có pha chút tự tin và lòng kiêu dũng . Nó gây lòng tin tưởng và sự phấn chấn trong toàn quân ; thua keo nầy ta bày keo khác .
  Nói láo chỉ thành công một lần ..
Rõ ràng trong một số trường hợp câu nầy thật không sai .Nhớ truyện U Vương nước Tàu vì muốn nghe tiếng cười của nàng Bao Tự mà phóng hỏa đốt phong hỏa đài để  lừa các chư hầu kéo binh tiếp cứu . Đến nơi mới biết bị lừa đành tiu nghỉu kéo binh trở về trong tiếng cười sảng khoái của U Vương và người đẹp . Về sau khi có nguy biến thật thì U Vương đã không còn được chư hầu nào tới cứu cả và đành ngậm ngùi nhận ra cái sai lầm quá lớn của mình trước khi bỏ mạng .
  Truyện cổ dân gian cũng kể một câu truyện của một cậu bé hay thích nói dối để lừa mọi người ; lấy đó làm trò vui . Một hôm cậu chạy ra khỏi nhà và kêu toáng “nhà cháy” . Hàng xóm chạy đến , không thấy nhà cháy , biết đã bị lừa mọi người tức giận quay về . Sau đó đến khi nhà cậu bé chẳng may bị cháy thật ; cậu kêu cứu rát cả họng chẳng thấy bóng người nào chạy đến ; vì họ cứ tưởng cậu lại đùa nghịch như  lần trước !

 Đúng là nói láo chỉ thành công một lần ! Một lần thất tín , vạn lần bất tin .
  Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều người nói láo nhiều lần , qua nhiều giai đoạn mà vẫn có được lòng tin ở nhiều người . Đây là vấn đề  !
  Nói láo mà đạt đến trình độ nầy thì được mọi người “ thán phục “ là nói láo có sách . Thật ra không có sách  nào dạy nói láo ; mà chỉ là một sự nói láo có chủ trương có sách lược , có bí quyết !.
Ví dụ như sách  lược tạo ra một huyền thoại được nhiều người lập đi lập lại mãi một điều gì đó cũng khiến người ta tin. Chẳng hạn có tin đồn đoạn đường nào đó có ma . Tin đồn lan xa . Nhiều người nói ; nói nhiều lần …Thét rồi ai cũng tin là đoạn đường ấy có ma thật . Thậm chí người ban đầu phao tin đồn láo đó cũng ngại đi qua đoạn đường đó vì “ nghe đồn rằng ở đó có ma “ . Đó là hiện tượng tâm lý tự kỷ ám thị ..
 Cũng như diễn viên sân khấu suốt đời chỉ thủ vai một nhân vật ; quen nhập vai trên sân khấu diễn viên mặc định mình là nhân vật đó ở ngoài đời ..

Dùng huyền thoại để tăng hiệu quả lời nói  là cách đại chúng hóa xã hội hóa  điều muốn nói  .. Chẳng thế mà các sản phẩm  được hằng ngày quảng cáo rầm rộ trên TV, tràn lan trên khắp phố xá , hang cùng ngỏ hẻm . Tên sản phẩm được người ta ghi nhớ , chấp nhận dùng thử
  Sự dối trá ngày nay dần được hợp thức hóa và trở thành mode trong giao tiếp hàng ngày  kiểu ‘ đắc nhân tâm ‘. Gặp nhau câu đầu tiên là một câu khen “ Anh bận rày phong độ quá “ hoặc “ Chị hôm nay trông xinh ra , trẻ ra …” Người được khen vẫn tin là mình phong độ thật , trẻ thật , xinh thật , (mặc dù người khen không có ý khen thật ).
, vì “ ai cũng nói vậy “.
  Những lời lẽ dối trá dua nịnh , tâng bốc nhiều khi làm hư hõng con người ta . Vua , quan hư hõng cũng vì sự ton hót bợ đỡ của nịnh thần .
   Có câu chuyện cổ tích kể một vị vua bị lừa thậm chí cởi truồng mà không hay cũng vì bọn nình thần dối trá . Ngày nọ có hai tên thợ may đến cung vua lãnh may cho vua bộ hoàng bào bằng vàng . Chúng lãnh vàng xong , hàng ngày vào phòng giả bộ cắt cắt may may . Bọn chúng tung tin rằng bộ đồ này rất đặc biệt , chỉ người nào thông minh mới nhìn thấy được mà thôi . Đến hôm nhà vua thử bộ đồ “ không thấy “ thì cả đám nịnh thần đều khen là tuyệt đẹp “ là “ quý phái “ ,vv…Thậm chí nhà vua cũng nghĩ là mình đang mặc hòang bào  “ lộng lẫy’ , mà vì mình không thông minh nên không nhìn thấy đó thôi .. Nếu không có cậu bé thật thà reo lớn “ nhà vua cởi truồng’ thì không biết nhà vua còn bị những lời dối trá gây ảo tưởng và làm trò cười đến bao giờ .
   Nói láo bằng cách tạo ra huyền thoại cũng là sách lược của Hitler- nhà độc tài phát xít Đức -  Hitler cố tình dịch sai , hiểu lệch triết lý siêu nhân của Nieztche – triết gia của Đức . Bộ máy thông tin tuyên truyền của Đức Quốc xã  rao giảng  rằng dân tộc Đức là dân tộc siêu nhân , rằng chủng tộc Đức là chủng tộc ưu việt và rằng nước Đức xứng đáng làm bá chủ hoàn cầu .. Người dân Đức lúc bấy giờ bị nhồi nhét tư tưởng siêu nhân rồi tôn thờ Quốc trưởng Hitler như một vị thánh . Huyền thoại siêu nhân ăn sâu vào trong  huyết quản của dân Đức . Do vậy mà  khi xung trận lính Đức cứ tưởng mình là siêu nhân nên không sợ chết ; cũng vì thế mà Đức quốc xã đã chiếm gần hết Châu Âu .
  Ngoài sách lược tạo ra huyền thoại còn có bí quyết THAY ĐỔI CÁCH NÓI LÁO . Khi cảm thấy nói láo nhiều lần sợ người ta không còn tin nữa bèn nghĩ ra cách nói láo mới – kiểu bình mới rượu cũ .. Chú Cuội là nhân vật điển hình về xão thuật nầy .Cuội lừa gạt chú thím mình không biết bao nhiêu lần mà lần nào cũng thành công cũng là nhờ biết thay đổi cách nói láo tùy tình huống , tùy thời điểm , tùy hoàn cảnh , tùy địa điểm , không gian thích ứng .Vì vậy cho nên mới có thành ngữ nói láo như cuội , hứa cuội , …
 Một trong những hình thức thay đổi cách nói láo là đổi cách gọi tên sự vật , sự việc để đánh tráo khái niệm hay ý nghĩa của một danh từ , của một cụm từ vốn ổn định trong tự điển .. Để cho người ta dễ dàng tin theo mình trước một sự việc  nên phải đánh tráo một khái niệm nầy bằng một khái niệm khác .Ví dụ có một phóng viên nhà báo bào chữa cho hành vi nhận tiền hối lộ của một quan tham , anh ta dùng cụm từ hoa mỹ rối loạn cảm xúc !
Đánh tráo cụm từ ham tiền hám lợi bằng mỹ từ rối loạn cảm xúc !
  Gần đây lại xuất hiện cụm từ “ nhà ngoại cảm “thay cho từ “ thầy bói “, “ phù thủy “. Trong tự điển chỉ có các từ chiêm tinh gia , nhà tiên tri ,nhà toán số ( như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm )chứ không có từ “ nhà ngoại cảm “ .
 Các “nhà ngoại cảm “ nầy thi nhau tham gia tìm mộ liệt sĩ và được bộ trưởng LĐTBXH cấp giấy khen . Về sau , khi phát hiện hài cốt được tìm thấy chỉ là xương thú thì mọi người kinh hoàng cho cái láo đã đến mức thượng thừa ! Việc phát hiện sự vụ lừa dối nầy đã khiến cho bà bộ trưởng lấy làm bàng hoàng và vô cùng hối hận vì đã trot tin những kẻ lừa đảo  !
  Cũng trong những năm gần đây có một khoa học mới gọi là khoa học tiềm năng để thay cho “ khoa học huyền bí “ ( sciène mystère ). Nhà nước lại mở ra viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người với kinh phí đầu tư đáng kể .. Các nhà ngoại  cảm là thành viên , là học viên của viện nầy . Sự đánh tráo khái niệm nầy không biết sẽ còn gây ra hệ lụy gì nữa đây .
 Riết rồi sự dối trá lừa mỵ đã được xã hội hóa . Ngay trong nhà trường cũng không tránh khỏi . Dẫn học sinh đi  du lịch , dã ngoại thường được thay thế bằng cụm từ “ Về nguồn “ , “ Tìm hiểu lịch sử “ , vv…Người lớn không trung thực khó mà giáo dục trẻ con thật thà . Nhiều học sinh mang giấy khen giả về khoe với phụ huynh để vòi tiền . Thầy cô thì lập thành tích bằng cách nâng điểm  cho học sinh vô tội vạ , báo cáo không đúng thực trạng chất lượng  học sinh , tạo ra tình trạng vô số học sinh ngồi nhầm lớp .
    Thật là trớ trêu khi  vừa rồi có một phụ huynh phát hiện con mình ngồi nhầm lớp bèn đến nhà giáo viên chủ nhiệm " xin cho cháu được ở lại lớp vì tôi thấy học lực cháu học còn yếu quá  " . Cô giáo xanh mặt phản đối : Bảng điểm đây , anh xem đi , cháu đủ năm phẩy mà , làm sao ở lại lớp cho được !! Vậy đó , người ta đôi khi lại không dám chấp nhận sự thật ; bằng lòng và khư khư tin vào cả những dối trá do mình tạo ra .
 Trung thực là nét đẹp văn hóa , là thuộc tính của văn minh . Còn nhớ em bé Nhật 9 tuổi trong trận động đất sóng thần năm nào đã làm nhiều người kinh ngạc thán phục . Tại sao lại thán phục khi đó chỉ là một hành động đúng đắn tất nhiên của một con người có giáo dục ? Phải chăng xã hội ta đã nhiễu nhương đến mức phải kinh ngạc trước một sự việc bình thường của một con người văn minh !

Đất nước ta , dân tộc ta , vốn có truyền thống tín nghĩa từ rất lâu dời . Con đường hán học xuống dốc khiến cho  cái đạo của người quân tử bị mai một . Khái niệm người quân tử bị nhòe đi trong ký ức của mọi người .
 Con người chính nhân quân tử phải có đầy đủ các đức tính : nhân , nghĩa , lễ , trí , tín .. Trong đó chữ tín rất quan trọng về phương diện lập thân .. Bởi vì người xưa từng nói : Nhân vô tín bất lập ! Người quân tử nói ra điều gì mà họ có khả năng làm được , không nói suông , hứa suông : Quân tử nhất ngôn . Chính vì vậy mà người quân tử thường vô cùng cẩn trong trong lời nói của mình bởi vì nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy ! Trái lại những kẻ tiểu nhân thì lúc nào cũng ngoa ngôn xão ngữ !

Nói láo có thể thành công nhiều lần nhưng không thể thành công mãi được .. Bởi sự thật muôn đời vẫn là sự thật .Galilé bị giáo hội Ky Tô đưa ra tòa án dị giáo về tội đã nói trái đất quay , ngược lại với quan điểm của giáo hội  . Sau khi  phải tuyên bố theo những gì giáo hội bắt buộc ; ông mới được tha . Nhưng khi quay trở xuống dưới chỗ ngồi ông lại lẩm bẩm :“dù sao trái đất vẫn quay”. Thật là một con người chân chính !
   Nói láo - ngoài một số trường hợp nhân đạo như bác sĩ nói dối tình trạng bệnh của bệnh nhân – không những không thành công mãi được mà còn để lại những di chứng khôn lường cho nền văn minh văn hóa của cả dân tộc .



1 nhận xét: